9 thg 10, 2009

CHUYỆN ĐẦU NĂM

Ông Ngãi thuộc lớp người thế hệ 4x nhưng đầu óc khá mới, tính tình cởi mở, mọi sinh hoạt trong gia đình ông đều theo kiểu hiện đại, chỉ còn vài “tiết mục” nhỏ giữ lối cổ, trong đó đáng kể là các kiêng cữ vào những ngày đầu xuân. Ông Ngãi cũng biết những điều này lạc hậu, nhưng không bỏ được, vì chúng đã ăn sâu vào… tiềm thức của ông. Có thể gọi ấy là “tàn dư” của thế kỷ trước còn sót lại. Đặc biệt, ông rất quan tâm chuyện xông đất ngày Tết.

Ông Ngãi luôn chọn lựa kỹ người khách số 1 đến thăm nhà mình vào ngày đầu năm. Có thời gian dài, hơn mười năm, ông nhờ anh Hưng – người em bà con xa – phụ trách việc này. Ông và Hưng hạp nhau ở hai cái tuổi thân – thìn. Ngoài ra, Hưng còn có điểm thuận lợi: ở gần. Hưng! Chỉ nghe tên anh đã thấy hên, phấn chấn! Ông Ngãi sắp xếp, sáng mùng 1 nào anh Hưng cũng ăn mặc bảnh bao, mặt mũi tươi rói tới đạp đất nhà ông lúc trời còn lờ mờ. Phải vậy, nếu không lỡ có thằng lông bông nào đó đến trước thì kẹt.

Khi anh Hưng đùm túm vợ con lên Pleiku sinh sống, ông Ngãi nhờ ông Cường thay thế. Cường cũng tốt, khác gì Hưng!… May sao, trong làng này số người mang sẵn cái tên đẹp còn khá nhiều: Đạt, Phú, Thông, Sung, Thọ, Nghĩa, Thạnh, Phát, Tiến, Sang…

Ông Cường thuộc lứa xấp xỉ 70, râu tóc trắng xóa, đẹp lão, như tiên. Gặp ông, nhìn phớt qua, ta đã thấy no đủ, phú quý… Ông Cường cũng làm các khâu tương tự như anh Hưng trước kia. Để lấy lòng ông, ông Ngãi thường biếu quà cáp: vài chậu cây cảnh, mấy con gà nòi, ít gói cà phê… Làm việc này được chín năm, ông Cường “nghỉ” ngang, lên chầu Trời.

Đương nhiên, ông Ngãi phải tìm lính mới. Nhưng tới đây, xuất hiện trục trặc lớn. Những người có cái tên hàm chứa sự mạnh mẽ, may mắn còn lại đều trẻ. Trẻ thường dễ hời hợt, bốc đồng! Nhiều người từ chối lời mời của ông Ngãi. Họ bảo đấy là chuyện mê tín, tào lao. Có đứa cười mỉa, gạt phắt, chẳng chút tế nhị: “Bỏ trò vớ vẩn này đi, bố! Lẽ ra bố phải tống nó vào viện bảo tàng từ cuối năm 1999 mới đúng!”.

Chán, bất mãn, ông Ngãi xếp việc tìm người mới lại, định bụng để chờ dịp thuận tiện nào đấy sẽ tính, chẳng em này thì em khác!

Vậy là, Tết năm ngoái nhà ông Ngãi không có người xông đất. Việc tưởng nhỏ nhưng nó cũng choán nhiều vị trí trong đầu ông, làm ông mệt, lo lắng. Đã lâu, ông gắn bó với tập tục này. Không dễ từ bỏ ngay cái thói quen từng theo ta mấy thập niên, như hình với bóng.

… Mùng 1 Tết, hừng sáng, ông Ngãi đang rửa mặt trước sân, bỗng thằng bé Đẹt – con bà Liên hàng xóm – chạy ào tới. Nó la toáng: “Ngoại Bảy! Ngoại thấy con gà nhỏ của con sang đây không?” Gà với qué, rõ khổ! “Con gà quạ của con…” Ông Ngãi giật thót. Năm mới cáu, ngày mới tinh thế mà chạm ngay thằng Đẹt! Tiếng Đẹt này khiến ta dễ liên tưởng đến những thứ thấp bé, chậm lụt! Đã thế lại còn gà quạ… ô với mực, quạ với mun! Ông Ngãi quát: “Cút ngay, thằng khỉ đột!” Thằng nhóc biến, nhưng cái khối đen, đẹt vẫn nằm ì trong đầu ông! “Nay chẳng cầu Vượng, Thắng… Phải chi nó tên Trung, hay Hòa còn tạm được!” Ông than thầm, lo sợ, dù vẫn biết chưa hẳn đây là điều đáng lo.

Cái năm chó ngáp ấy trôi qua chậm rì, bụng dạ ông Ngãi lúc nào cũng phập phồng, thắc thỏm. Một tháng, hai tháng, rồi năm bảy tháng qua đi, bình lặng, chẳng có gì lạ. Không lên, cũng không xuống, mức thu nhập của gia đình ông Ngãi chỉ xê xích chút ít so với các năm trước. Vậy vết đẹt, vết quạ không ảnh hưởng gì? Sang tháng 10, tháng 11 xuất hiện vài dấu hiệu mới, nhưng là những thay đổi “tích cực”; tháng nào ông Ngãi cũng thu được những lợi lộc bất ngờ, có món như từ trời rơi xuống. Và, sau rốt, tháng chạp ông “thắng” đậm, chỉ một tháng bằng cả năm! Đến lúc này, sướng quá, ông Ngãi bèn nói cho vợ nghe cái ý ông mới nghĩ ra, như một phát kiến: “Bà biết không, nhiều khi lẹt đẹt lại đồng nghĩa với phát đạt đấy!” ./.

19 thg 7, 2009

THẨN THƠ CÁI NGỌ

Mụ Đây đứng giữa sân nhà Ngọ, khoa chân múa tay, chửi, gào to, đòi nợ. Đang ăn cơm trước thềm, Ngọ vội bưng mâm chén xuống bếp cất, không còn bụng dạ nào ăn nữa. Mụ Đây nói lớn, cả xóm nghe được, chẳng cần loa. Mụ nói, mụ thương người, luôn giúp đỡ những kẻ nghèo khó túng bấn, xưa nay chưa ai than phiền về tư cách mụ. Nhưng mụ yêu cầu người khác cũng tốt, đừng bao giờ giở trò tráo trở, đem các ngón luồn lách ra đối chọi. Mụ chúa ghét loại người gian, và luôn quyết tâm bẻ gãy, chà nát những mưu mô hắc ám đó. Tại sao tuần trước hẹn hôm qua, hôm qua lại hẹn hôm nay? Thì giờ đâu để dự những cuộc đùa cợt vô bổ? Mụ thừa biết sách lược của bọn chây lười, ù lì. Nhưng tiền của mụ là đồng tiền khôn, có cánh, một đồng nằm trong túi hôm nay nhưng tháng sau sẽ biến thành ba đồng… Cứ thế, mụ Đây nói, lúc chậm lúc mau, không vấp, như đọc một văn bản viết sẵn. Mụ áp dụng kiểu nói xoay tròn của Trạng Quỳnh cổ tích, khi đối đầu với con mẹ đanh đá. Ông chọc để con mẹ nói suốt buổi, hết hơi, khản tiếng, không được nghỉ phút nào. Phần mình, không cần nhiều, chỉ vài ý, ông nói đi nói lại, quay như đèn kéo quân, khiến đối phương phát khùng, mệt đuối.

Bí đường, Ngọ hứa năm hôm nữa sẽ trả, dù chưa biết đào đâu ra tiền. Hứa đại, để mụ kẹ im. Như cái máy yếu điện, mụ Đây nói nhỏ hẳn, rồi ra đường, lên xe, sau khi thòng lại câu dọa: “Nói thì nhớ lời, đừng tính lừa tao… Dù mày có chạy trốn đến Mông Cổ tao cũng sẽ chộp tóc.” Kỳ dị, sao nước Mông Cổ nhỏ bé kia lại nằm trong đầu mụ!


Ngọ muốn khóc. U ám, bế tắc. Nợ nhiều quá, mụ Đây chỉ là một, còn ba bốn chỗ khác nữa. Tất cả sinh ra từ máu mê cờ bạc. Tại mình cả, chẳng phải do trời hay số mạng… Trước kia, nhiều lúc Ngọ nghĩ: không chồng đồng nghĩa với tự do, thoải mái, tự do tuyệt đối. Giờ đây, rơi vào tình cảnh này…

Con chó nhỏ sủa. Một người đứng thu lu bên kia hàng rào. Tiếng ông Tích:

“Khổ, con mẹ hung ác… mày nợ bao nhiêu?”.

Thêm cái ông hàng xóm ục ịch! Lúc đen, gặp toàn đồng bóng! Ngọ nói, cố ý dịu dàng:

“Dạ, hơn mười triệu.”

“Chửi thế, ta trừ được sáu triệu rồi đấy!”

Với ông Tích, Ngọ không có cảm tình. Mới về ở đây hơn nửa năm, chưa hiểu rõ tâm tính ông ta, nhưng Ngọ cũng biết được vài nét lớn: ông ta sống co rút, ít giao tiếp với bà con xung quanh, chẳng mấy khi góp mặt ở các cuộc hội họp, đám tiệc, cưới hỏi trong làng, và điểm nổi bật là keo kiệt.

“Mày tính sao?”.

“Tính gì ạ?”.

“Món nợ của mụ Đây”.

Ngọ chẳng biết nói sao, gay quá, chưa thể tính gì.

“Để coi lại, cháu sẽ…”.

Thời này làm gì có phép lạ, đâu còn những bà tiên. Xưa kia sướng thật, con người chân chất không đòi hỏi gì nhiều, sống giản dị, thanh thản. Chẳng cần máy móc, xe cộ, điện đài vẫn sống khỏe… Thời trung cổ có các trò đỏ đen chưa?... Lão già đứng bên rào kia chắc chắn không phải là kẻ để Ngọ tâm tình, trút bỏ bớt khối lo âu trĩu nặng trong lòng. “Ái chà , cái món nợ ấy… nghe qua chú cũng muốn mất lửa”. Lão nói nhỏ, trước khi bỏ đi.

Ngày về “tiếp quản” ngôi nhà và khu vườn của cha mẹ để lại, Ngọ phân vân trước sự lựa chọn: sẽ sống ở quê, hay vẫn ở tỉnh. Hơn hai mươi năm sống giữa phố phường, chị vẫn chưa thoát khỏi nghiệp làm mướn, cứ nằm nguyên trong dạng làm sáng ăn chiều. Nay về quê, sẽ làm gì. Ngôi nhà đã cũ, nhưng vườn cây ăn trái rộng. Mấy người anh em trong họ bảo rằng nhà ít người như Ngọ tốt lắm, chẳng cần làm nhiều, cứ bám vào cây trái cũng dư sống. Nhưng có ở mới thấy, thu nhập từ hoa quả khá bấp bênh. Năm được mùa, thu bạc triệu, nhưng những năm mất thì chỉ được… lá vàng. Cân nhắc kỹ, Ngọ về một mình, gởi hai con lại trên tỉnh. Định bụng, nếu xuôi chèo, yên ấm, vài năm sẽ kéo rốc về. Dù sao đây cũng là quê gốc… Sau vài tháng, Ngọ đã nao núng. Lối sống ở đây khác xa phố chợ, buồn tẻ, thiếu nhiều thứ. Đổi môi trường, phải học từ đầu. Cái nghề nông nhìn qua thấy đơn giản, nhưng chẳng dễ ăn. Muốn giỏi nó phải mất nhiều thời gian, năm, mười năm. Đất rộng nhưng cằn cỗi, thường thiếu nước. Cây trồng gần như độc canh, kẻ độc loại này, người loại kia. Quá nhiều bất lợi. “Chắc sẽ phải quay lên phố”. Lúc đầu Ngọ không muốn nghĩ vậy, nhưng mỗi tháng trôi qua ý đó mỗi lớn phình ra. Có lẽ phải làm trái ý cha. Cha chị căn dặn: nhà, đất vườn là hậu cứ bền vững, nên nhờ người chăm sóc, để sau già có chỗ trở về.

Cày cuốc không rành, Ngọ chuyển qua nuôi heo gà, chơi huê hụi, rồi thử món số má, bài bạc. Mặt “tiêu cực” giống như suối ngầm, lặng lẽ, róc rách, nhưng lan tỏa rộng trong làng. Hậu quả của nó đem lại khá mau, xám ngoét. Có chị ngoại tình để kiếm tiền đắp vào chỗ đã thua. Nhiều bà bỏ nhà đi, do bị chủ nợ khủng bố tinh thần. Tám tháng, chưa thành nông dân, nhưng Ngọ đã giống hệt đám phụ nữ làng, đi đứng hấp tấp, dáng người bơ phờ, lúc nào cũng như vừa đánh mất bạc vàng quí báu… Sống kiểu không chồng thong dong, thú vị, như con ngựa hoang ngao du trên thảo nguyên nồng mùi cỏ hoa. Nhưng, không bị kìm cương, cũng có lúc ngựa chúi mũi xuống gành gộp… Lên phố. Chắc phải quay lên phố thôi!


Vợ chết đã lâu, ông Tích chưa “đi bước nữa”, chỉ thậm thụt với bà này bà kia trong những quãng thời gian ngắn. Cách đây hai năm ông rước về một chị tàng tàng, sống chung khá hòa thuận, nhưng rồi bỗng dưng chị ta bỏ đi mất… Chị tên Bèo, dân Quảng, vô bán thúng mủng. Ngay chuyến đầu tiên, quỉ thần xui khiến, Bèo đã dính chặt vào bếp nhà ông Tích, quên về. Chị dài dại, ngây ngô, nói năng như anh hề giả khùng. Ngay đến tên làng xóm, quê quán của mình, Bèo cũng không rành. Nhưng dù vậy, chẳng sao cả. Ông Tích cần người nấu cơm, rửa chén, một phụ nữ. Bèo mạnh khỏe, bạo dạn, được việc. Mới qua vài tuần chị đã quen khắp xóm, và trở thành đề tài để các bà bàn luận, hấp dẫn như mấy phim diễm tình Hàn Quốc! Bèo nói, ông Tích hiền, dễ chịu, tối ngày nín như câm. Ông ta hay ngủ ngày, ban đêm chỉ ngủ giấc đầu hôm, khoảng một hai giờ sáng đã thức dậy, lọ mọ nấu nước, pha trà, uống một mình, và ngồi chống cằm, cứ chống cằm nhìn vào vách như thế, rồi xuống nhà dưới quậy chọc chị ta. “Ổng lù đù, nhùng nhằng, như miếng giẻ rách!”. Để phòng thân, chị đã lập hợp đồng miệng với ông Tích, cụ thể và rành mạch. “Tui chẳng ngu, làm sao mình rõ bụng dạ ổng… cầm dao là tui luôn cầm đằng cán!”. Mỗi năm ông Tích chu cấp cho chị ba bộ quần áo, hai đôi dép, hai chiếc nón, sáu triệu đồng. Số tiền này được trao làm hai lần. “Khởi đầu, tui lấy ngay ba triệu, đến nửa năm sẽ nhận số còn lại… ổng khen tui khôn!”. Được cái, như đã nói, ông ấy hiền, lại thảo ăn. Nhà trữ nhiều thức ăn, thịt, cá, trứng, hoa quả thừa mứa. “Muốn ăn gì tui cứ ăn, khỏi hỏi ai… đớp muốn mẻ cả răng, nứt da bụng!”. Bèo khoe, hoan hỉ. Mấy bà già nghe, cười chảy nước mắt: “Vậy là mày định ở đây bao lâu?”. Bèo nghĩ ngợi một lúc: “Tết sẽ về thăm nhà, hễ Tết là về, còn lâu mau chưa biết… không biết được đâu! Ông ấy kỳ lắm kìa, người chi mà vô độ… Mấy dì biết không, ông ta sờ mó, cắn bóp, coi tui như trái cam vậy… lắm lúc mình chẳng ngủ nghê gì được, gớm, mệt chết!”. Bèo bỏ đi, đột ngột, không rõ chị đã nhận được mấy lần tiền.


Hơn 8 giờ tối, trời làm dông hướng núi, như sắp mưa. Sau ba ngày suy tính, Ngọ đi đến quyết định liều, buông tay, rơi tự do. Thêm một con phù du lao thẳng vào lửa! “Ta làm ta chịu, không đem ngôi nhà và khu vườn ra khắc phục sự cố này”… Nàng đứng bên rào duối khá lâu, dùng dằng, muỗi cắn rát cổ. Thật khó khăn. Ranh giới giữa ngày và đêm chỉ một bước, một bước theo nghĩa đen. Khom lưng qua lỗ chó chui, sẽ ở bên vườn ông bầm dập. Ngọ chui! Con chó vàng đánh hơi, kêu hực hực. Ngọ bước đi trong vùng sáng của bóng điện vàng ẻo bên giếng. Ông Tích ra.

“Cho cháu mượn…”

“Ngọ, ôi… trời ơi!”. – Ông ta mừng cuống. “Tốt quá, vào đây”. Ngọ bị lôi vào nhà dưới. Chủ nhà mặc chiếc quần dài cũ, ở trần. Ông ta đen, săn chắc, mập tròn… Tướng người dềnh dàng, nhưng lòng ông Tích mềm yếu, dễ lung lay trước các bóng hồng, nhất là loại “đối tượng” không chồng, như cô nàng này.

“Chú cho mượn…”

“Thì từ từ, ngồi xuống đã. Không mượn, gì cũng được, cho luôn đấy”. – Mừng lớn, thấy rõ ông ta mừng.

Chưa bao giờ Ngọ bước vào đây. Ông Tích mở rộng hai cánh cửa chiếc tủ gỗ cạnh bếp. “Muốn gì, Ngọ cứ lấy”. Tủ đầy ắp thức ăn. Hai ngăn dưới dành cho trái cây. Ngăn trên chứa bia, bánh kẹo. Một người ăn sao hết chừng này thứ. Ông ta mập thế kia là phải. Nếu trí nhớ tốt, Ngọ sẽ nghĩ tới chị Bèo… Có thúng muối đầy vun nằm cạnh cái hỏa lò.

“Mai chú sẽ muối cá cơm, tự làm mắm ăn, không mua, nay ngoài chợ thứ quỉ gì cũng độc hại”.

Ngọ ngồi dính trên ghế, chẳng biết nói gì. Trơ trẽn, thảm hại. Lúc mới về đây, nghe chuyện mấy bà ngoại tình kiếm tiền chơi bài, nàng đã chê cười họ. “Ăn mày là ai…”

“Con chú dặn, phải ăn uống đúng để khỏe mạnh. Khi thèm ngọt, ăn đu đủ, mít, chuối, không uống nước ngọt. Dùng thật ít bột ngọt, bột nêm. Cảnh giác cao với các loại rau lá…”

Ông ta cười, thở khì, như trút được nỗi lo ra khỏi người.

“Còn nữa, ăn hột đào, gừng, bí đỏ để tăng cường trí nhớ… Mình nên phòng xa, nếu để mầm bệnh nhập vào cơ thể thì rất phiền”.

Nghỉ giây lát, ông ta chuyển đài:

“Chú tốt, phải nói thẳng là tốt. Ngọ chớ nghe đám ruồi nhặng xóm này nói ra nói vào. Chúng nó không ưa vì ganh tị. Tâm lý mà, ta thường ghét kẻ hơn ta… Mấy đứa con chú không giàu nhưng…”

Ông Tích kéo một chiếc ghế đến cạnh Ngọ, lấy cái dĩa lớn đặt lên ghế, đem một nải chuối vàng rộm để lên dĩa, mời khách.

“Hai, ba tháng bọn con chú gởi cho chú vài triệu, chỉ cần chừng đó chú đã vễnh râu trê… Xứ này, muốn kiếm ba, bốn triệu không dễ, phải mất năm, sáu tháng, phồng da đầu sâu con mắt!”.

Anh kép không còn trẻ tới đứng sau lưng Ngọ.

“Chú sẽ trả nợ cho mụ Đây, trả hết một lần… nghe chưa?”. – Ông ta vuốt má Ngọ bằng hai bàn tay chai sần. Người đẹp chết ngồi! Thỏ tơ tới đây để làm gì, tất nhiên cáo già biết. Loài cáo chắc ít con đần độn. Con cáo này đói, nó quính quáng, như sắp phát rồ, cứ vài phút nó lại kêu lên: Ngọ, Ngọ, trời ơi, trời ơi!

Ông Tích thọc tay vào túi quần, nhưng không lấy ra thứ gì. Ông ta rót nước ra hai ly, nhưng không uống.

“Lâu nay Ngọ làm gì, chú không biết… Phải chăm chỉ, tiện tặn. Hà tiện tốt, bần tiện mới xấu… Nếu nhắm mắt sống theo lũ đàn bà ở đây Ngọ sẽ chết đuối trên cạn… Chúng nó chơi số, đánh đề, cá độ đủ loại, cầu mong vận may… Chẳng ai dám bảo tỉ phú ngu, nhưng đã có tỉ phú sạt nghiệp trong sòng bài. Ai có hồn nấy giữ”.

Ngọ nhìn, chăm chú nghe ông ta nói.

“Ngọ qua đây ngủ, mỗi đêm tôi sẽ tặng bảy chục ngàn”.

“Cái gì?”.

Ông Tích hoảng, nhưng vẫn lặp lại:

“Ngoài số tiền trả nợ, tôi sẽ tặng thêm tiền bồi dưỡng, bảy chục… hay có thể tám chục một đêm”.

Ông đến thả chốt cửa. Ngọ đứng dậy, vấp chiếc ghế, nải chuối rớt xuống sàn. Ông Tích ôm chầm lấy con mồi, miệng kêu như rên: trời ơi, Ngọ!

Để đối phương quy hàng, ngoan ngoãn, ông ta nói: ngay sáng mai sẽ trả nợ cho mụ Đây.

“Tôi thương Ngọ… Tiền bạc, mấy cũng được… Nên nhớ, dân ở đây đi cấy còng lưng mỗi ngày công chỉ bốn chục ngàn”.

Trời chớp, như tia đèn pha xuyên qua cửa sổ.


Ông Tích mê mết người tình trẻ, món quà trời ban bất ngờ. Không thứ này thì món kia, đêm nào ông cũng chui lỗ chó mang qua cho nàng. Sau những trở ngại ban đầu, chủ yếu do cảm giác bẽ bàng, xấu hổ gây ra, Ngọ cũng mau chóng hưởng ứng trò chơi đổi chác… Nàng còn trẻ, quá trẻ. Gái hai con, ngó mòn hai mắt! Cánh đồng Ngọ khô hạn khá lâu, nên nay nó có thể đón nhận cả mưa xuân, mưa ngâu, lẫn mưa lũ! Chị đã quên mất tướng người cọc cạch, tuổi tác của ông Tích. Chẳng ăn đời ở kiếp với nhau nên có thể dẹp bỏ khâu nhan sắc. Tiền trao cháo múc!

Cuộc trao đổi sòng phẳng và hào hứng… Ăn ăn, uống uống, đêm nào cũng như liên hoan. Bò hầm, gà chưng thuốc bắc, vịt tiềm. Hột vịt lộn, cháo nếp đậu xanh, và hột gà xôđa! Cả hai tuân thủ quy định ngầm: kín đáo, tuyệt đối không để lộ chuyện. Ngọ dặn, như ra lệnh: đừng cho ai biết. Ông Tích chấp hành. Chị nói gì ông cũng nghe. Cứ hai đêm ông tăng “trợ cấp” một lần. Tám chục, trăm ngàn, trăm hai. Không rộng rãi lắm, nhưng đều đặn! Đến đêm thứ chín, món tiền này đã lên trăm rưỡi. Có vẻ ông Tích sẽ tiếp tục tăng nữa, bởi sợ Ngọ dừng lại, bỏ cuộc. Dù muốn quên, ông vẫn nhớ mình vừa quê vừa già.


Ngọ biến mất tăm, bất ngờ, như lúc đến. Mười đêm. Ông Tích buồn, tiếc ngẩn ngơ. Người ngọc và mười đêm chiêm bao đã hút hồn ông già đa tình. Suốt nửa tháng ông quanh quẩn sau vườn, ngóng cổ nhìn sang bên kia rào! Đến khi hết hy vọng, tỉnh trí lại, ông bắt đầu tính toán, so đo hơn thiệt, nhận thấy dường như mình vừa bị vấp một vố chơi xỏ, một cú lừa ngoạn mục. Có phải lừa không? Chia chia, cộng cộng. Bản tính chắc thiệt, cần kiệm của người nông dân nổi dậy trong đầu khiến ông Tích đau điếng. Tiếc của, và nhớ người trong mộng! Hai cảm giác, hai luồng hải lưu mạnh, xoáy trong lòng làm ông già đáng thương tiều tụy. Ông ngã bệnh. Chính ông cũng không biết mình bệnh vì mất tiền hay nhớ nhung. Cũng có thể do cảm mạo, thương hàn hay một chứng hiểm ác nào đó. Ông kiếm vài thứ rễ lá trong vườn uống tạm. Không thuyên giảm. Ông hốc hác, gầy sọm, thất sắc. Dân làng nói, chàng già dại gái thất tình, nhớ thương cô nàng Bèo dở hơi!

Con ông Tích về đưa cha lên thành phố… Bốn tháng sau, tin dữ bay về làng: ông Tích chết!... Khối tình to lớn nào có thể quật ngã con người rắn rỏi, dày dạn này? Gần đúng 61 tuổi, vừa đạt mức thọ. “Sáu mươi là gì? Đó là tuổi bạn có thể còn sống mười, hai mươi năm nữa, hoặc chỉ vài tháng nữa”. Giọng điệu Hy La, cổ, cô đúc, dứt khoát. Ông Tích xui xẻo, bập ngay vào phần đuôi câu này: chỉ vài tháng nữa ./.

18 thg 7, 2009

AO BUỒN

       Nhà cậu Đáng ở gần nhà ngoại tôi. Hồi nhỏ tôi thường về thăm ngoại vào dịp hè, nên biết được nhiều chuyện về gia đình cậu. Cậu Đáng thuộc hạng giàu có trong làng, nhờ hưởng một gia tài lớn của cha mẹ để lại. Cậu làm nông, người  cục mịch, đen cháy, râu tóc bờm xờm. Nghe đâu trước kia cậu cũng có đi học, từng đậu bằng tiểu học trường Tây. Vợ cậu – mợ Hân – nhỏ người, mảnh mai, trắng trẻo. Mợ dạy học ở trường quận. Thời đó con gái ít được đi học, phụ nữ học cao rất hiếm. Mợ Hân là người phụ nữ duy nhất trong xã dạy trung học. “Sao một cô nhỏ nhắn, xinh đẹp lại đi lấy cái ông lừ đừ, dềnh dàng thế kia?”, tôi thường tự hỏi.
       Năm tôi mười tuổi, vào một ngày cuối hè, mợ Hân tự vẫn. Lần đầu thấy người chết bằng cách trầm mình, một cái chết dữ dội, tôi sợ hãi nhận ra: chết cũng có nhiều cấp độ. Người ta vớt mợ Hân từ dưới ao lên, đặt nằm trên hai tấm ván kê ở giữa sân. Mặt mợ trắng chạch, không còn một nét nào giống lúc sống. Máu miệng ứa ra ướt đẫm gối. Nước từ đầu tóc nhỏ xuống đọng thành vũng. Ba dĩa cơm nắm, hột gà, lư nhang. Chiếc lưỡi cày dằn trên bụng. Cái mền mỏng đắp lệch. Hai bàn chân mợ thò ra ngoài mền cũng trắng rớt như cái mặt… Cả làng đổ tới coi, người đứng chật kín trong sân, trong nhà, ngoài vườn. Chẳng thấy ai khóc (hai người chưa có con). Cậu Đáng lừ lừ đi ra đi vào, mắt ráo hoảnh. Bà Bướm – gia nhân, đã phục vụ nhà cậu hơn 20 năm – cũng tỉnh khô, bình thản. Người thân bên mợ ở đâu không thấy. “Đám chết mà lạnh tanh, không có người khóc, kỳ cục”, tôi nghĩ.
       Người ta xì xào: “Coi kìa, hai mắt cô ấy bầm đen, môi sưng vều”. Mợ Hân bị chồng đánh, hai ngày qua phải nghỉ dạy. Cậu Đáng đã đánh đập vợ hàng trăm lần. Dường như cậu ghen. Chỉ “dường như” thôi, chẳng ai biết rõ ràng về chuyện lục đục của nhà cậu, dù chuyện này xảy ra thường xuyên… Cậu Đáng hành động thầm lặng, không lớn tiếng. Cậu đóng cửa đánh vợ, cấm khóc, cấm không được than thở với ai. Thỉnh thoảng lại thấy mợ Hân đi dạy với cái mặt sưng tấy, hoặc con mắt bầm tím. Mợ sống khép kín như cung nữ ngày xưa. Đi chợ, đến trường đều phải tuân theo một thời gian biểu chặt chẽ. Mợ không dám nói chuyện lâu với đàn ông, con trai ngoài đường, không dám mời học trò, bạn hữu về nhà. Lúc nào mặt mợ cũng dàu dàu, ủ dột, xa vắng. Nhiều người nói họ chưa hề thấy mợ cười, dù một lần thôi.
       Dân làng vẫn thường nhắc lại những “chuyện lạ” của vợ chồng cậu. Một lần, vào khoảng mười giờ khuya, có người chạy đến báo với ông hương kiểm, cậu Đáng đánh vợ gần chết. Nhưng khi ông hương kiểm và ba tuần đinh (như an ninh thôn và dân phòng) đến nơi, thì lại thấy cảnh trái ngược: người nằm lăn giữa nhà, quần áo tả tơi, khóc lóc sướt mướt là cậu Đáng. Cậu hỏi vợ, như nhai từng tiếng một:
        “Tại sao mày ở lì ngoài chợ, mười một, mười hai giờ mới về?”.
       “Em đã nói rồi, em phải chờ mua heo, sáng nay mấy người bán heo tới trễ”.
        “Tại sao đi chợ mà mày không bảo cho tao biết?”.
       “Thì chính anh bảo em đi mua heo”.
       “Sao phải mua ở chợ, không mua heo của bà Bắc, bà Nghi trong làng?”.
       Cậu khóc khản tiếng, bứt tóc, đập đầu xuống đất, và giãy đành đạch như em bé dỗi mẹ.
       Lần khác, nghe tiếng đập phá thình thịch trong nhà cậu Đáng, bà con xung quanh chạy đến, nhưng không can thiệp được, phải đứng ngoài sân, vì các cửa đều đóng chặt. Cậu Đáng đánh vợ bằng roi, cứ sau một roi lại nghe cậu hỏi:
       “Thằng Tùng là gì với mày?”.
        “Chẳng lẽ anh không biết thằng Tùng?”.
       “Nó là gì với mày?”.
       “Nó là cháu tôi, cũng là cháu anh”.
       “Sao mày nói chuyện với nó mặn mòi như thế?”.
       “Mặn thế nào? Anh giỏi đặt điều, tưởng tượng trên trời dưới đất”.
        “Nó nói gì với mày?”.
       “Tôi đã nói anh nghe mấy chục lần, tôi hết hơi rồi… cứ đánh tôi chết đi. Anh là quỉ dữ, không phải con người”.
       “Mày cười với nó, nheo mắt với nó, vỗ đầu vỗ vai nó”.
       “Nó là cháu tôi, cũng là cháu anh… Bụng dạ, đầu óc anh đầy thuốc độc, đầy rác… Tôi muốn chết”.
       Cậu Đáng ghen? “Đâu phải ông Đáng ghét vợ. Hãy nhìn kia, ông ấy buồn rầu, bước đi không vững”. Mấy người hàng xóm nhận xét.
       Ghen là cái gì mà lớn lao, kinh khủng như vậy? Tôi chưa hiểu nổi.
*
       Ông Chương uống trà, thong thả, nhâm nhi từng hớp, như uống rượu. Ông nheo mắt ngắm Đáng, thằng cháu đang mang tai tiếng đầy mình.
       “Cũng lạ, không hiểu sao mày có thể tàn bạo như vậy”.
       Ông Chương là chú ruột cậu Đáng, ở trên tỉnh mới về. Ông giàu sang, được họ hàng quý trọng. Cậu Đáng nhìn ra cuối vườn, nơi có cái ao oan nghiệt. Vốn ít nói, từ ngày vợ chết cậu càng “tịnh khẩu”. Cách đây mấy hôm, tình cờ cậu nghe bọn trẻ chăn trâu bàn về chuyện nhà mình. Chúng nói cậu hung ác, hà khắc quá nên vợ sống không nổi, phải tự tử. Một đứa bảo, cha nó nhận xét, ở xứ này cả trăm năm qua chẳng thấy ai tính tình quái đản như cậu, ai gieo gió độc thì sau này chắc chắn sẽ gặt bão dữ.
       “Bà con quanh đây nói, mày coi vợ như gà heo, cỏ cây”.
       Ông Chương giơ cái ly lên cao, nhìn kỹ, như ngắm vật lạ.
       “Nay mày có ân hận chút nào không?” ông hỏi rồi tự trả lời. “Có tiếc thương, ăn năn, cũng đã muộn, quá muộn”. Ông châm trà cho mình.
       “Sống chung hơn ba mươi năm, tao chưa hề chửi thím mày một câu nặng, chưa đánh, dù chỉ một bợp tai nhẹ. Vì sao? Vì cổ nhân nói, trong tình vợ chồng có tình anh em và tình bạn… Không cần chửi bới đánh mắng nhau người ta vẫn sống được… Mày nghĩ sao khi thẳng tay đấm con Hân sưng vù mặt?”.
       “Con… con buồn quá”. Được nhận những lời giáo huấn từ miệng người cao quí rất đáng hãnh diện. Có điều, ông Chương không biết, cậu Đáng cũng chưa hề chửi vợ một câu nặng.
       “Nó, vợ, như em gái mình. Ai đánh con Ngọc như thế, mày buồn không?”.
       “Con… con ngu”.
       “Đánh em cháu, bắt nạt người yếu đuối hay ho gì… Có người bảo, con Hân chết, không bỏ đi, vì nó thương mày.. Mày hèn!”.
*
       Bà Bướm nói, có chỗ khó hiểu, sao cô Hân tìm đến cái chết thảm, không bỏ chồng. Mấy năm gần đây chẳng hề thấy cô ấy cười. Một người hiếm có, dịu dàng, xinh đẹp. Dạo khắp vùng quê tối tăm này, dù tìm mờ mắt cũng sẽ không thấy người thứ hai tương tự. Cô ấy yêu trẻ con, chẳng giận ai, luôn nghĩ tốt về người khác.
       Bà Bướm kể, bốn ngày trước khi chết, vào buổi trưa, Hân uống rượu. Cô ấy moi ở đâu ra một chai rượu đế, mấy miếng khô thiều. Bà Bướm thất kinh. Cô hỏi, có khi nào bà nghĩ đến cái chết, bà sợ chết không. “Tôi sẽ uống đến lúc ngã gục. Chắc tối nay tôi chết đấy… Biết chết mà không sợ kể cũng giỏi!”. Cô ấy còn nói, tuần qua ngày nào cô cũng tắm hai lần để người thơm và quen nước ao. Sao lại quen, quen thế nào? “Say chết, hay say rồi tỉnh?... Có chuyện thế này: một ni sư quy y hơn 40 năm, ăn chay trường, đến lúc gần chết xin uống thử muỗng nước mắm. Tôi tin chuyện đó có thật, tôi đang uống nước mắm đây… mắm cay!”.
       “Tôi chưa hề nghe cô Hân nói xấu ai”.
       “Chưa hề”. Cậu Đáng lặp lại. “Chị có nghe Hân phàn nàn, oán trách tôi?”.
       Bà Bướm lắc đầu. “Cô ấy chẳng chê bai, chỉ trích ai”.
       “Không chê”. Cậu Đáng lặp lại. “Chị gặp thằng Tùng chở Hân mấy lần?”.
       “Không gặp. Ai nói với chú chuyện đó?... Dù có chở cũng là thường, có gì đáng để ý?”.
       “Chuyện thường?”. Cậu Đáng nói, như hỏi mình.
       “Thằng Tùng chưa bao giờ chở Hân, chị thề đi”.
       “Tôi thề. Nếu nói sai, kiếp sau tôi sẽ thành heo chó, giòi bọ”.
       Một lúc lâu, khoảng mười phút, cậu Đáng bật cười, tiếng cười nghe lạ, như tiếng nghiến răng, gió rít. “Quái dị, giờ này còn hỏi thế để làm gì?”.
       “Dường như cô Hân không biết ca hát, cười đùa… Tội nghiệp, cô ấy trẻ quá mà…”.
       “Tôi cũng trẻ… chưa có con, chưa già”. Cậu Đáng cười, khô khốc.
       “Tôi nghĩ mãi, sao cô Hân không bỏ chú, lại chết oan uổng”. Bà Bướm nói thật nhỏ, phải chú ý mới nghe được.
       Cậu Đáng có thương yêu vợ không? Khó thể biết được. Có điểm dễ thấy, sau ngày mợ Hân mất, cậu gầy rộc, hốc hác. Cậu lấp cái ao, trồng lên đó mấy cây bàn chải. Suốt ba tháng, ngày nào cậu cũng ra ngồi bên mả vợ từ chiều xẩm đến khuya. Nhiều đêm cậu ngủ luôn ở đó. Rồi cậu ngã bệnh, nằm liệt giường hơn nửa năm trời.
*
       Đó là chuyện xảy ra cách đây hơn… nửa thế kỷ. Mấy năm sau, chiến tranh bùng nổ. Cái làng nhỏ bé ấy hóa ra xơ xác, tiêu điều. Ngoại tôi qua đời. Tôi không về làng nữa. Sau này, dò hỏi, tôi được biết cậu Đáng đã bỏ quê đi trong dạo đó. Cậu tặng nhà cửa, ruộng vườn cho em, cháu. Cậu đi đâu, không ai biết.
       Đến nay, hơn hai vạn ngày qua đi, tôi đã lên lão. Thời gian xóa nhòa nhiều thứ trên trái đất, nhưng cái chết của mợ Hân vẫn còn rõ nét, không mờ cũ trong trí tôi… Không phải mọi việc trên đời đều có thể giải thích được. Chắc chẳng ai có khả năng nhìn thấy tất cả đường nẻo, ngóc ngách trong tâm hồn con người ./.