28 thg 3, 2016

SƯU TẦM 1


CHAO ĐẢO
      Bây giờ, những thông tin về du học luôn được các bậc phụ huynh quan tâm. Dù biết bao người đưa ra những quan điểm trái chiều và cảnh báo những mặt trái của du học nhưng đối với nhiều gia đình, du học trở thành nhu cầu. Mọi người quay cuồng kiếm tiền và dành dụm để con đi học, chấp nhận sự xa cách và rủi ro của những thay đổi về văn hóa áp xuống gia đình mình. Xa con lại nhớ, lại phải thu xếp khăn gói đi thăm con, có ai biết đằng sau những tấm hình cả gia đình sum họp nơi đất khách là những chuyến bay buồn chia tay hay những tháng ngày nhớ con quay quắt?
      Có một mâu thuẫn rõ rệt đang xảy ra trong cuộc sống: mọi người ngày càng xây nhà to hơn, rộng hơn, đẹp hơn nhưng thời gian ở trong nhà ít đi. Vì nếu không đi làm thì tiền đâu xây nhà đẹp? Những chiếc giường êm không níu nổi bước chân người, những căn bếp rộng không giữ nổi lửa ấm. Có những chiều cuối tuần tôi ngồi bên thềm vắng, trên nền đá hoa cương mát rượi, nghe lá rơi nắng nhảy gió đùa mà thương chính mình, khi không được hưởng thụ những tiện nghi bình thường mà mình đã tạo ra.
      May thay, dần dần chúng ta đã quen với cuộc sống ấy, nếu bạn mình chịu được sự xa con thì mình cũng chịu được, nếu đồng nghiệp mình cũng bám lấy công việc thì mình đỡ cảm thấy cô độc, xa cách để trân trọng hơn những phút giây quây quần.
      Tôi cá là ai dùng điện thoại thông minh cũng chạm vào điện thoại mỗi khi có thời gian trống, vì nó thành thói quen. Ngày xưa có mốt nuôi gà ảo, nuôi rồi ngày ngày phải cho ăn cho uống chăm sóc đủ điều. Cách đây vài năm thì trò Smurfs (Xì trum) rất phổ biến, một bữa ăn phải dừng biết bao lần để trồng cà, trồng đậu, làm bánh rồi thu hoạch đem bán lấy tiền mua đất mua nhà xây cầu, vương quốc Xì trum đã khiến bao người mê mệt. Và hôm nay cơn cuồng nhất vẫn thuộc về Facebook khi những ngón tay không thể ngừng chạm vào biểu tượng chữ F, thậm chí bao nhiêu hợp đồng đàng hoàng tử tế được ký nhờ Facebook hoặc Zalo.
      Những chiếc điện thoại thông minh làm đôi tay bận rộn nhưng đôi môi im lặng, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Mọi người giao tiếp trực tiếp ít hơn. Người khéo léo ký luôn hợp đồng nhờ Facebook. Trường hợp nào cũng có thể xảy ra. Phải tỉnh lòng rằng một trái tim gửi qua mạng cũng có ý nghĩa nhưng sẽ không bằng một vòng tay ôm người bạn đời hàng ngày hay một nụ hôn lên má con…
      Ngày nay, các ông bố bà mẹ phải ùn ùn dõi theo con trên mạng xã hội, dùng ngôn ngữ của con, chia sẻ sở thích của con. Ngoài ra, dường như khi cuộc đời càng phức tạp, con người càng chuộng sự đơn giản. Tôi thích xem phim hài. Tôi chỉ muốn cười, kể cả khi nghe một bản nhạc cũng nghe vì tính giải trí hơn là những gì phải day dứt đớn đau. Bởi vậy tại sao từ khóa “Vợ người ta” (một bản hit của Phan Quỳnh với hàng chục phiên bản biến tấu) được tìm kiếm nhiều nhất trên Google? Con coi thì cha mẹ phải coi theo, coi xong thấy cũng vui vui hài hài dù vớ vẩn, và cứ thế nó nhảy lên theo cấp số nhân.
      Cha mẹ văn minh là không lên án sở thích của con, chỉ điều tiết và hướng dẫn vì muốn quản con, phải làm bạn với nó.
      Thế đấy, cuộc sống gia đình ngày càng mong manh hơn, cần nhiều đầu tư và kiến thức để nuôi dưỡng nó. Cuộc đời là do mình lựa chọn, nếu muốn, sẽ có thời gian cho những điều tự cho là quan trọng. Không phải là hy sinh, vì tinh thần tình nguyện và tình yêu thương chưa bao giờ là một sự thiệt thòi.
                   * Khánh Vân (3/2013)


ANGELA MERKEL
      Ngày 22/11/2005, lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức có một người phụ nữ đứng đầu chính phủ. Bà Angela Merkel (gốc Đông Đức) đã kế nhiệm ông Gerhard Schroder làm thủ tướng trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, và hiện là người phụ nữ cầm quyền lâu nhất ở châu Âu. Chẳng ai có thể ngờ, một người phụ nữ không có kinh nghiệm về chính trị lại trở thành một chính khách đầy quyền lực. Angela Merkel là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, mẫu mực và quyết đoán hiếm có.
      Angela Merkel đã góp nhiều công sức đưa nước Đức vươn lên vị thế quan trọng nhất châu Âu và có tiếng nói lớn trên trường quốc tế. Ngay khi lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên, nội các Merkel đã sửa đổi hiến pháp liên bang từ năm 1949 để phân chia lại quyền lực giữa liên bang và các bang, lập gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro để cứu các ngân hàng khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Bà chủ trương cắt giảm chi tiêu công trong khi tăng thuế giá trị gia tăng từ 16% lên thành 19%, tăng đóng góp của bảo hiểm xã hội cũng như nâng cao tỷ lệ thuế thu nhập.
      Angela Merkel tuyến bố, mục tiêu chính mà chính phủ của bà nhắm tới là giảm thất nghiệp, đảm bảo sự ổn định trong xã hội. Khi dư luận Đức tỏ ra lo lắng về chính sách hạt nhân sau sự cố ở nhà máy Fukushima tại Nhật Bản, Thủ tướng Đức đã quyết định giảm dần và tiến tới ngừng hẳn sự hoạt động của các nhà máy hạt nhân cho tới năm 2022. Bên cạnh đó chính phủ Đức cũng bãi bỏ chế độ quân dịch bắt buộc và chấm dứt 10 năm sứ mệnh của quân đội liên bang ở miền bắc Afghanistan. Những quyết định này vừa làm yên lòng dư luận Đức, vừa nâng cao hình ảnh của liên minh cầm quyền do bà Merkel lãnh đạo.
      Nước Đức dưới thời “trị vì” của bà Merkel luôn giữ được vai trò đầu tàu tại châu Âu. Đức đạt cân bằng ngân sách và không có nợ mới trong ngân sách liên bang. Bà Merkel đã giúp nền kinh tế Đức mở rộng mạnh mẽ không chỉ trong khu vực mà còn sang Đông Âu và Nga, thâm nhập hiệu quả vào nền kinh tế Trung Quốc. Cho dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, Đức vẫn đứng vững và đạt được sự tăng trưởng ổn định.
      Sau 10 năm chèo lái nước Đức, Angela Merkel vẫn là một người bí hiểm bởi tính cách rất kiệm lời và kín đáo. Không có nhu cầu khoa trương, bà Merkel chưa bao giờ đồng ý phỏng vấn tay đôi với bất kỳ nhà báo nào. Angela Merkel cũng luôn chứng tỏ sự thông minh, sắc sảo và tình người trong các vấn đề đối nội. Việc bà tái đắc cử thủ tướng lần thứ ba đã chứng minh niềm tin và sự đánh giá cao mà người dân dành cho bà. Người Đức luôn biết ơn vì bà đã đưa nước Đức vượt qua suy thoái trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu với những gói kích thích kinh tế hiệu quả và những khoản trợ cấp chính phủ đúng lúc.
      Ngưởi Đức trìu mến gọi Angela Merkel là “Mutti” - “người mẹ” của một quốc gia. Dù không phải là người diễn thuyết giỏi trước công chúng, nhưng bà Merkel đã chứng tỏ là một chính khách sắc bén trong việc nắm bắt suy nghĩ của người dân. Vì thế, tín nhiệm dành cho “bà đầm thép” vẫn đang ngày càng tăng. Người Đức dường như tin rằng, người phụ nữ này sẽ tiếp tục dẫn dắt họ đi qua những thời khắc hỗn loạn, khó khăn.
      Trong hai năm qua, các hồ sơ quốc tế đã chi phối phần lớn thời gian của nữ Thủ tướng Đức. Phải khẳng định rằng không có sự quyết tâm và nỗ lực của bà Merkel, triển vọng tìm kiếm lối thoát cho vấn đề Ukraine sẽ rất mờ mịt. Khi mà giới lãnh đạo phương Tây dựng nên một rào cản ngăn cách Nga thì “bà đầm thép” Merkel đã bước qua ranh giới này. Bà đã nối lại đàm phán với Nga.
      Một trong những dấu ấn nổi bật của bà Angela Merkel trên chính trường châu Âu là vai trò chủ chốt trong gói cứu trợ khổng lồ dành cho 19 quốc gia bên bờ vỡ nợ do khủng hoảng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
                   * Lê Nam (NATG số 172, 12/2011)


PARIS 13 THÁNG 11
      Sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris, các đảng phái đều cảm thấy nước Pháp đang nằm trong một cuộc chiến. Trọng tâm của nền chính trị đang đặt vào việc nâng cao các biện pháp an ninh như quản thúc các đối tượng tình nghi hoặc đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo bị coi là mối nguy hiểm. Trái ngược với phản ứng trước các cuộc tấn công vào tháng 1, những rạn nứt đầu tiên trong tuyên bố về sự đoàn kết quốc gia đã xuất hiện. Phe bảo thủ chỉ trích cách ông Hollande đối phó với chủ nghĩa khủng bố là quá yếu đuối và cần phải cứng rắn hơn.
      Không chỉ riêng nước Pháp, tác động của vụ khủng bố đã ảnh hưởng tới chính sách đối với người tị nạn của châu Âu. Như quan điểm chỉ trích của một số người cho rằng, việc mở cửa cho người tị nạn đã đưa cả những phần tử thánh chiến vào nước Đức. Ông Henning Riecke, Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức cho rằng, phần lớn người tị nạn chạy trốn khỏi bạo lực, sự hủy diệt. Những người tị nạn cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của các phần tử cực đoan tại châu Âu. Hơn nữa, việc cho rằng các phần tử khủng bố chọn con đường khó khăn và nguy hiểm vượt Địa Trung Hải hoặc tuyến đường Balkan là không khả thi. Thực tế cho thấy, thủ phạm của những vụ tấn công trước đây là công dân châu Âu và lớn lên tại châu lục này. Việc yêu cầu thắt chặt luật xin tị nạn và đóng cửa biên giới về mặt nào đó là đề xuất nguy hiểm, vô tình nó đem lại sự sợ hãi, tác động xấu tới xã hội và có lợi cho bọn khủng bố.
      Mặt khác cuộc tấn công tại Paris đã giúp Nga và phương Tây có cái nhìn khách quan hơn trong một số vấn đề như xung đột Ukraine và giải pháp cho cuộc chiến ở Syria đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngay sau đề nghị của Paris, Moskva đã yêu cầu các cơ quan tình báo, hải quân Nga hợp tác chặt chẽ với Pháp như với các đồng minh thân cận của mình. Hàng loạt vụ không kích vào các vị trí của IS tại thủ phủ Raqqa đã khiến một số nhà quan sát cho rằng đây là thay đổi quan trọng của Moskva trong cuộc chiến chống IS. Ưu tiên tấn công IS thay vì các lực lượng chống chế độ Damascus, kể cả các đơn vị quân đội tự do Syria.
      Nhà sử học quân sự Michael Goya, Viện chính trị học Paris cho rằng những nổ lực quân sự nếu muốn thực sự hiệu quả và mang đến bước ngoặc quyết định thì sẽ không tránh khỏi một cuộc can thiệp trên bộ với sự tham gia của quân đội nước ngoài. Nhưng đây là điều phương Tây và Nga đều không muốn. Và một chiến dịch trên bộ nhằm tái chiếm các khu vực do IS chiếm giữ sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự thỏa thuận với Saudi Arabia và Iran. Vấn đề ở đây là việc giải quyết được những điểm đã khiến tổ chức IS tồn tại và nở rộ, nếu không thì tình hình sẽ còn rất phức tạp.
      Loại khủng bố đẫm máu tại Paris được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo quan sát của các chuyên gia, việc một liên minh quốc tế được thiết lập chống lại kẻ thù chung IS và mối quan hệ Pháp – Nga đột ngột chuyển hướng thuận lợi là bước ngoặc mới trong cuộc chiến chống khủng bố.
      Việc tổ chức IS tiến hành vụ tấn công quy mô lớn thứ ba bên ngoài lãnh địa của mình đã cho thấy có sự thay đổi mang tính chiến lược của tổ chức này. Các cuộc tấn công với mức sát thương lớn nhằm vào dân thường, khác hẳn với cuộc tấn công nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi đầu năm (tháng 1). Cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine đã đưa ra một số nhận định về sự thay đổi trong cuộc chiến chống IS. Theo ông, đến nay IS mới chỉ bị “ngăn chặn” và việc một số ý kiến cho rằng các cuộc không kích không hiệu quả là không đúng. Việc không kích này đã giúp ngăn chặn IS tới được Baghdad hay Damascus nhưng chỉ “ngăn chặn” chứ chưa “tiêu diệt” được chúng.
      Cùng một mục tiêu chung với các nước phương Tây trước nguy cơ khủng bố từ IS, Nga can thiệp vào Syria một phần vì tại đây có tới hàng nghìn người gốc Kavkaz, những người này có thể trở về Nga để tiến hành các vụ khủng bố. Mục tiêu của Moskva là chống lại các tổ chức muốn lật đổ chế độ Damascus. Các cuộc không kích của Nga không chỉ nhằm vào các mục tiêu là IS, mà còn cả các tổ chức khủng bố khác như Mặt trận al-Nusra (xuất thân từ Al-Qaeda) vốn được Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Điểm bất đồng là về giải pháp chính trị Syria liên quan đến cá nhân ông Assad là điều kiện tiên quyết. Điều này sẽ dẫn tới việc liên minh quân sự chính trị phải có một lộ trình đàm phán về các vấn đề ở Syria, các bảo đảm dành cho những cộng đồng ở đây.
      Vụ tấn công vào nước Pháp đã tạo nên một cú sốc, buộc các nước vốn có nhiều bất đồng xích lại gần nhau, và khiến nhiều nước châu Âu thay đổi thái độ thụ động của mình. Có thể thấy rõ điều này khi Paris đưa ra đề nghị muốn liên minh châu Âu giúp đỡ trong cuộc chiến chống IS, căn cứ theo Hiệp định Lisbon, được hưởng ứng.
                   * Đình Nguyễn (12/2015)

QUÊ MẸ Ở TRONG LÒNG
      Tôi đã gặp ở nước ngoài những người bạn Việt Nam (VN) đang sống đời du học sinh với ước mơ một tương lai tươi sáng. Họ phải vừa học, vừa làm thêm giữa một cộng đồng rất ít người Việt. Hàng ngày, họ nói tiếng nói không phải tiếng Việt, ăn cơm không phải cơm Việt, hòa nhập vào một cộng đồng mới mong tìm một chỗ đứng, nhưng những con mắt xung quanh vẫn không thể chấp nhận họ như một người thuộc về cộng đồng, vẫn không thể không nhìn nhận họ như một người nước ngoài. Giữa những cái nhìn xa lạ, giữa những “ghẻ lạnh” vô hình đó, cái gì sẽ giúp họ bớt cô đơn, bớt lạc lõng, cái gì sẽ giúp họ tiếp tục ngẩng cao đầu mà bước? Chẳng gì khác là một sự xác lập và ý thức rõ về căn tính cá nhân và căn tính dân tộc mình. Họ trở về trong những căn gác trọ đêm đêm với một câu vọng cổ buồn cất lên từ một miền ký ức thăm thẳm nào đó của tuổi thơ. Họ gắng tìm mua cho được cái bánh chưng để ăn quấy quả trong ngày Tết. Họ bày mâm cúng giao thừa với đủ nghi thức, hoa quả, trầm hương trong đêm trừ tịch. Họ nấu một bát phở, một tô bún bò Huế với đủ hương vị của quê nhà… Những thứ họ chưa từng một lần làm khi ở VN, giờ đây họ lại có nhu cầu thực hiện chúng để thấy mình hiện hữu, để thấy yên tâm vì mình cũng có một nơi để thuộc về. Khoan hãy nói họ sẽ làm được gì cho quê hương, chính những khoảnh khắc đó, chính quê hương, dân tộc đã nâng đỡ họ có thể tiếp tục con đường của mình.
      Tôi đã gặp những người Việt rời quê hương du học từ những thập niên 1960 – 1970 với ước mong sẽ về phụng sự đất nước. Nhưng, thời cuộc đã vĩnh viễn khép lại giấc mơ của đời họ. Họ phải ở lại xứ người, tạo dựng cuộc đời mới với những giấc mơ mới. Nhưng, thẳm sâu trong họ giấc mơ về một quê hương cất cánh vẫn cháy âm ỉ. Tôi gặp họ giữa xứ người, họ trò chuyện với tôi bằng một thứ tiếng Việt rất xưa, rất đẹp, của nhiều thập niên trước. Họ kể cho tôi về những ấp ủ thời trai trẻ của họ, về những con đường, những ngôi trường, những hàng cây của Sài Gòn thuở họ cất bước ra đi, và họ nói về giấc mơ Việt Nam mà họ đã và đang thực hiện cho quê hương dù ở cách xa vạn dặm. Họ nghĩ về dân tộc như nghĩ về chính bản thân mình. Họ hiểu dân tộc mình một cách tường tận, vì thế họ biết mình phải làm gì cho đất nước. Tôi tự hỏi, đa số họ đều lìa Tổ quốc khi mười tám đôi mươi, phần thời gian họ sống ở nước ngoài nhiều hơn ở quê hương, cái gì đã neo giữ họ lâu như vậy với cội nguồn? Qua lời của họ, tôi biết chính những bài học từ thuở vỡ lòng đến hết trung học của một nền giáo dục minh định được các giá trị và bản sắc của dân tộc đã thấm sâu vào họ, cho họ một bản lĩnh, một căn tính vững chắc của cá nhân và cộng đồng để những tháng năm ngược xuôi nơi xứ người, họ vẫn luôn có một quê hương tinh thần nuôi dưỡng và yểm trợ.
      Khi mà nền giáo dục đại học trong nước vẫn còn nhiều bất cập, khát vọng được thụ hưởng một nền giáo dục tốt hơn là một khát vọng chính đáng. Tôi yêu những bầu trời rộng lớn mà học trò tôi đang muốn lượn bay. Các em giỏi giang và đầy nhiệt huyết, các em sẽ bay rất cao, rất xa. Tôi chỉ lo cho những lạc lõng, những bất định, những hư vô mà các em sẽ vấp phải khi lượn bay trên những bầu trời xa lạ mà không xác định rõ căn tính của mình. Tôi mong trong ba lô hành trang lên đường của các em, ngoài những tri thức của nhân loại, hãy để phần nền tảng lớn nhất cho những giá trị, những căn tính, những tình tự của dân tộc, của quê hương, của gia đình, nền tảng đó sẽ nâng đỡ và chấp cánh cho các em nơi xứ người.
                    * Phương Từ (1/2016)

PHỞ VÀ CHÁO LÒNG
      1/ Phở Cali
      Đó là lần đầu tiên tôi đến nước Mỹ và nghe nói món phở xứ này rất ấn tượng. Thoạt tiên tôi nghĩ phở ở đâu chắc cũng vậy, nếu do người Việt nấu thì công thức cũng như nhau thôi, đâu có gì lạ. Những tiệm phở nổi tiếng ở Sài Gòn tôi đã từng ghé qua. Phở Hà Nội cũng vậy, tuy không ăn thường xuyên nhưng nức tiếng như phở Bát Đàn cũng đã xơi rồi. Nói tóm lại, tôi thích món phở, tuần nào cũng ăn. Qua bên Mỹ, dứt khoát phải ăn phở. Đến Las Vegas (bang Nevada) và Little Saigon (California), tôi lại chui vào tiệm phở để coi nó ngon cỡ nào.
      Đó là một tiệm phở của Việt kiều ở khu Little Saigon. Đoàn nhà báo chúng tôi đến ăn sáng. Tôi kêu một tô thập cẩm, nhờ vậy mới biết món phở bên này có cả lá sách bò (dân nhậu thường gọi “khăn lông”). Khi chủ quán bưng phở ra, nhìn thấy muốn xỉu, vì cái tô to bằng... cái chậu. Phải gọi là “chậu phở” mới đúng. Cố banh bụng ra để ăn, nhưng chỉ hết nửa tô đã no cành hông. Ngồi thở một lúc lấy lại bình tĩnh, anh bạn đồng nghiệp ngồi chung bàn gợi ý mỗi đứa làm một chén bò viên cho biết thế nào, xem có ngon như ở Việt Nam không. Tôi đồng tình, kêu hai chén bò viên. Lúc sau, người phục vụ bưng hai chén bò viên ra. Cả hai đứa tụi tui muốn ngất vì chén bò viên bên này to bằng cái tô nhỏ xứ mình. Chưa hết, mỗi chén chỉ có hai cục bò viên thôi, mà viên nào cũng to bằng cái trứng ngỗng. Hai đứa nhìn nhau... ân hận, cố lắm cũng chỉ xơi đúng một viên. Hình như ở nước Mỹ cái gì cũng bự. Nói tóm lại phở Cali ngon, nhưng kinh nghiệm cho biết chỉ nên ăn tô nhỏ thôi và hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi kêu thêm chén bò viên.
      2/ Cháo lòng Paris
      Nhân chuyến đi công tác ở Ý, tôi ghé qua Paris nước Pháp ở lại 3 ngày. Cháu Quỳnh Anh, ái nữ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hồi đó đang du học ở Paris chuyên ngành xuất bản sách, tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi. Tối nọ, hai chú cháu rủ nhau đi ăn khuya ở quận 13. Quận này đa số là người châu Á, trong đó bà con Việt kiều định cư khá đông. Hàng quán bán đủ thứ món, nhìn vào thực đơn tôi rất phấn khích vì ngoài cơm, phở, bún, bánh cuốn, chả giò..., còn có cả cháo lòng. Tôi hỏi Quỳnh Anh: “Cháo lòng bên này có gì đặc biệt không con?”. Quỳnh Anh nói dù ở Paris nhiều năm rồi nhưng chưa thưởng thức món ấy bao giờ. Cơn đói cộng với chút tò mò về món cháo lòng nước Pháp, chúng tôi quyết định kêu hai tô. Khi chủ quán bưng hai tô cháo lòng ra, hai chú cháu nhìn nhau “á khẩu” vì tô nào cũng to bằng... cái thau rửa mặt, “khủng” hơn “chậu phở” bên Mỹ, có thể nhảy vào “bơi” được. Cố hết sức nhưng tôi chỉ ăn được nửa tô là dội ngược, cháu Quỳnh Anh cũng rứa. Vì sao ư? Vì tô cháo lòng ấy có 50% cháo và 50% lòng.
      Ở Việt Nam, phở lúc nào cũng đắt hơn cháo lòng, nhưng Paris thì ngược lại. Một tô phở ở Paris giá 10 euro, trong khi cháo lòng 11 euro (khoảng 260.000 đồng/tô). Hỏi vì sao cháo lòng lại mắc hơn phở? Chủ quán giải thích đó là do công làm sạch bộ đồ lòng của heo, rất cực, do đó giá cao hơn các món khác. Lúc tính tiền xong, tôi nói với Quỳnh Anh nếu biết trước tô cháo lòng to vật vã như vậy, hai chú cháu chỉ cần kêu một tô thôi, rồi xin một cái tô không chia ra ăn chung. Tính là tính vậy, chứ chưa chắc hai người chúng tôi xơi hết một tô cháo lòng Paris “khủng”.
                   * Xuân Hải (1/2012)

BIẾN ĐỘNG
      Cũng như mọi người di cư trên thế giới, người Syria không ai muốn từ bỏ quê hương, đến một nơi xa lạ về ngôn ngữ. Nhưng họ phải ra đi vì chiến tranh đang lan tràn trên mọi ngõ ngách đất nước họ. Là một quốc gia diện tích bằng nửa nước Việt Nam và dân số bằng một phần tư, Syria không phải nước lớn. Thế nhưng vị trí địa lý, chính trị của Syria cũng như chính sách cai trị của nhà cầm quyền đương thời đã biến đất nước xinh đẹp này thành một bãi chiến trường với nhiều mặt trận. Trong thời điểm này có ít nhất bốn phe đang tham gia vào cuộc nội chiến tại Syria: phe chính phủ, phe nổi dậy, nhóm người Kurd và phe IS (Islamic State).
      IS với các chiến binh áo đen là một hiện tượng lạ trong thế giới Hồi giáo. Gồm những thành phần thuộc giáo phái Sunnist thuộc Hồi giáo, IS được hình thành từ 12 năm trước và khoảng năm năm trở lại đây tuyên bố thành lập “Nhà nước”. Họ thực thi một chính sách tàn bạo nhuốm màu cực đoan của thời kỳ Trung cổ, xây dựng một hệ thống quản lý và điều hành hẳn hoi để cai trị vùng họ chiếm đóng. Ba phe phái còn lại đều là đối thủ của IS, bản thân mối liên hệ giữa các phe đó cũng thù địch lẫn nhau và vô cùng phức tạp.
      Các nước ngoài như Hoa Kỳ, khối châu Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ảrập Saudi... mỗi nước hỗ trợ một phe nhóm khác nhau, với ý đồ rất khác biệt. Riêng Trung Quốc cố tình giữ thế thụ động, không để mình bị kéo vào cuộc chiến. Nhưng liệu điều này còn giữ được lâu, khi Tân Cương nằm trong tầm ngắm của IS?
      Cuộc chiến tàn bạo và phức tạp tại Syria đã tạo nên một cuộc di dân ồ ạt chưa từng thấy, đồng thời là tiêu điểm của hoạt động quân sự của hầu hết siêu cường trên thế giới. Các cuộc đụng độ quân sự đã xảy ra và sẽ rất dễ xảy ra nữa, có thể dẫn đến thảm họa. Cách đây vài ba năm không ai ngờ một nước Syria với 22 triệu dân lại có thể là ngòi nổ cho một cuộc chiến toàn cầu.
      Đến nay khoảng hơn một triệu người di cư đã đến Đức. Thủ tướng Merkel của Đức đã tuyên bố chấp nhận người tị nạn. Trong thời cao điểm, mỗi ngày có khoảng 10.000 dân nhập cư vào Đức. Nếu tính con số một triệu người di tản trong tổng số hơn 80 triệu dân Đức, ta thấy Đức thu nhận chỉ hơn 1% tỷ lệ di dân. Nhưng xã hội không chỉ là những con số thống kê. Lý do là dân di tản có ba đặc điểm chính: a) Hầu như tất cả đều trải qua một cuộc vượt biên đầy khổ ải, kề cận sự chết, tâm lý thiếu ổn định, dễ sinh bạo lực; b) Chỉ có một số rất nhỏ có khả năng kiếm việc làm; c) Phần lớn đều sinh hoạt trong truyền thống Hồi giáo, nam giới không bắt tay phụ nữ.
      Nước Đức bỗng mang một gánh nặng xã hội bất ngờ, họ phải làm sao đưa một triệu người không chút “đồng văn đồng chủng” vào hệ thống kinh tế - xã hội và văn hóa của mình. Đức cũng bất lực trong việc kêu gọi các nước châu Âu khác chia sẻ gánh nặng này. Cũng qua điều này, cộng đồng châu Âu lại phơi bày một nhược điểm to lớn. Đó là châu Âu không hề “đoàn kết” như người ta mong đợi, hầu như tất cả chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia của mình. Nếu cộng đồng châu Âu tan rã trong thời gian tới, điều này sẽ không làm ai ngạc nhiên. Ngoài ra trong nội bộ các nước châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Hungary... chủ trương quốc gia, bài ngoại, đã thắng phiếu rõ rệt trong thời gian qua. Châu Âu đang có một dạng “xoay trục” về phía hữu.
                   * Tường Bách – 1/2016.

GIÁC QUAN THỨ SÁU
      Nhiều quan điểm cho rằng trực giác mang bản chất mập mờ và trừu tượng, còn khoa học thì rõ ràng, hữu hình và có căn cứ - vì thế không thể kết nối hai khái niệm này với nhau. Tuy nhiên, Tiến sĩ William Kautz, thuộc Viện nghiên cứu Stanford International (Mỹ) mới đây tuyên bố tương lai của khoa học nhân loại sẽ phụ thuộc vào sự kết hợp giữa hai “phương thức nhận biết” tưởng như trái ngược nhau nói trên. Ông đã thành lập trung tâm trực giác ứng dụng, một tổ chức ở San Francisco, nhằm mục tiêu “tái sinh” nền nghiên cứu đương đại khi nhìn thấy những khủng hoảng trong khoa học cùng nhu cầu phải thay đổi.
      Có nhiều dấu hiệu cho thấy tâm thức (mang tính chủ quan) đóng một vai trò quan trọng trong các thí nghiệm khoa học vật chất (các sự kiện khách quan). Sự xuất hiện của cơ học lượng tử đã chỉ ra rằng phương cách đo đạc với sự hiện diện của ý thức có tác động vật lý lên những gì được đo đạc. Cơ học lượng tử cũng cho thấy một cái gì đó sai sót về cơ bản trong quan điểm khoa học nói chung. Tiến sĩ William Kautz nhận định, dù được đưa ra cùng một lúc nhưng thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử lại không thể cùng đúng. Hai lý thuyết cơ bản đặt nền tảng cho tiến bộ to lớn của vật lý học trong suốt hàng trăm năm qua, giải thích được sự giãn nở của các tầng trời và cấu trúc cơ bản của vật chất, lại xung khắc nhau.
      Khi các nhà khoa học tìm kiếm một phương án để có thể dung hòa sự xung khắc này, tiến sĩ Kautz nhận thấy có thể thúc đẩy nền khoa học tiến về phía trước nhờ phương thức tiếp cận toàn diện hơn – sử dụng trực giác. Điều này có thể cho phép con người khám phá những lĩnh vực chủ quan và phi vật chất bằng phương tiện khách quan. Nếu như trước đây, các nhà ngoại cảm và kiến thức về trực giác của họ đã bị bác bỏ, thì hiện nay trực giác có thể đem lại lợi thế rất lớn nếu được thêm vào các phương pháp nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ Kautz bắt đầu bằng cách sử dụng trực giác để tìm câu trả lời cho một số câu hỏi mà khoa học chưa thể trả lời. Sau đó, ông sử dụng phương pháp xét nghiệm khoa học thông thường để xác minh những kiến thức thu được thông qua trực giác.
      Khi được hỏi trực giác đến từ nơi đâu, tiến sĩ Kautz trả lời: “Đó là một phần của con người”. Trong bài báo có tiêu đề “Động đất: Xác minh những kiến thức thu thập từ trực giác”, ông khẳng định các chuyên gia ngoại cảm đã cung cấp những thông tin mới lạ, có ý nghĩa, và chính xác một cách lạ lùng về những dấu hiệu cảnh báo động đất và các yếu tố có liên quan. Ngoài ra, vị tiến sĩ này cũng gây chấn động khi công bố kết quả nghiên cứu “Dùng trực giác khôi phục ngôn ngữ” thông qua gần 50 cuốn sổ ghi chép chứa đầy các phiên âm ngữ âm và bản ghi âm bài phát biểu của nhiều người được cho là sử dụng một dạng tiếng Ai Cập cổ. “Hai trường hợp kể trên là những minh chứng rõ ràng về linh cảm và khoa học”, tiến sĩ Kautz nói.
      Ngay từ thời cổ đại, đã có nhiều bằng chứng cho thấy linh cảm đóng một vai trò then chốt trong các phát minh khoa học. Trước đây 2.400 năm, nhà thông thái Democritus đã biết rằng vật chất là tập hợp các phần tử cực kỳ nhỏ bé (nguyên tử) chuyển động trong chân không, điều mà 2.300 năm sau mới được chứng minh. Điều đó cho thấy hoặc Democritus đã được đọc kiến thức ấy từ những văn bản cổ xưa bí ẩn nào đó, hoặc ông là một thiên tài với khả năng linh cảm tiên tri trước thời đại hàng nghìn năm.
      Nhà bác học Nga Mendeleev (1834 – 1907) đã phát minh ra định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa học từ sự nằm mơ thấy hiện rõ ra trước mắt toàn bộ bảng tuần hoàn. Điều này có thể giải thích được, bởi lẽ ông đã nghiên cứu hàng chục năm vấn đề này và đến khi chín muồi thì kết quả đã hiện ra trong giấc mơ, ông chỉ việc ngồi bật dậy và chép lại. Hay chuyện về tỷ phú Mỹ George Soros đầu tư bạc tỷ dựa vào linh cảm. Ông nói rằng mỗi khi lưng mình bắt đầu nhói đau là tín hiệu báo trước một điều gì đó không thuận lợi trong quyết định đầu tư chuẩn bị được đưa ra. Những trường hợp đó, ông đã nghiên cứu kỹ các điều kiện hoặc rút lui đúng lúc, và nhiều lần tránh được thất bại.
      Một nghiên cứu cho thấy, linh cảm giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của 80% họa sĩ, nhạc sĩ và văn sĩ. Các nghệ sĩ thiên tài thường xuyên đắm chìm trong thế giới nghệ thuật nên linh cảm đến thăm họ cũng thường xuyên hơn. Những tác phẩm bất hủ của Picasso hay Mozart đều là kết quả đột phá của một quá trình chiêm nghiệm lâu dài. Rõ ràng, linh cảm không phải từ trời rơi xuống, mà gắn bó rất chặt chẽ với những tri thức và kỹ năng được tiếp nhận từ trước, với kinh nghiệm đã được tích lũy, tức là với những quá trình tâm lý hoàn toàn có ý thức. Chỉ có trên cơ sở như vậy, những ý tưởng “chói lọi” mới có thể nảy sinh, đôi khi hoàn toàn bất ngờ ngay cả trong lúc nghỉ ngơi.
                   * Tố Uyên (12/2011)

VƯỢT BIÊN
      - Từ ngày hôm nay trở đi những bà con nào tiếp tục vượt biên tới bất kỳ một trại nào, sau này dù có tình nguyện trở về cũng sẽ không được Chương trình Cộng đồng châu Âu coi là đủ tư cách được hưởng phúc lợi của Chương trình.
      Chương trình chỉ dành cho những người hồi hương đã đến các trại ở Đông Nam Á trước ngày 27/9/1991 và cho những người ở lại Việt Nam.
      Nếu giờ đây bà con nào còn rời bỏ tổ quốc ra đi như những “thuyền nhân” thì sau này dù có muốn tham gia vào Chương trình, bà con cũng không được coi là đủ tư cách hợp pháp.
      - Nếu hôm nay anh chị em nào ra đi bất hợp pháp bằng thuyền, sẽ không được quyền đăng ký theo học tại một trong các trung tâm dạy nghề với tư cách là người hồi hương. Các trung tâm này hiện nay đang được nâng cấp với sự trợ giúp của Chương trình Cộng đồng châu Âu.
      Trường sở sẽ được tân trang, thiết bị và các dụng cụ lao động mới sẽ được đưa vào. Giảng viên cũng sẽ được đào tạo tốt hơn.
      - Nếu bà con ra đi bất hợp pháp hôm nay, bà con sẽ không được vay vốn làm ăn mà Chương trình Cộng đồng châu Âu dành cho người hồi hương.
      Quỹ cho vay của Chương trình Cộng đồng châu Âu tài trợ các cá thể và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng chỉ những ai hiện đang sống tại Việt Nam hoặc những người đã đến các trại trước ngày 27/9/1991 mới được vay.
      - Nếu bà con bỏ quê hương ra đi hôm nay. Chương trình Cộng đồng châu Âu sẽ không thể coi bà con là những người hồi hương được xét hưởng công ăn việc làm đặc biệt.
      Những cơ hội tìm kiếm việc làm này là kết quả trực tiếp của quỹ cho vay nhằm mục đích kinh doanh. Chỉ những ai ở lại Việt Nam và những người tình nguyện hồi hương đã đến các trại trước ngày 27/9/1991 mới có quyền được vay.
      - Nếu hôm nay bà con ra đi, bà con sẽ không được xét để tham gia vào một trong các dự án đặc biệt do Chương trình Cộng đồng châu Âu hỗ trợ.
      Các dự án này được tài trợ để cải thiện đời sống trong các cộng đồng nhỏ. Tiền trợ cấp để giúp bà con trong cộng đồng sắm các phương tiện lao động tốt hơn và để nâng cao mức sống của mình.
                   * Quảng cáo, Tuổi  trẻ CN, 13/10/1991.

“CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH” Ở TRUNG ĐÔNG
      Giới quan sát thường cho rằng, IS tồn tại được do có sự “chia rẽ” giữa các đồng minh chống lại nhóm khủng bố này. Còn theo ông Michael Knights, chuyên gia về Iraq ở Viện Chính sách Trung Cận Đông, tất cả các nước Trung Đông đều đang tuyên chiến với IS, nhưng không nước nào coi IS là kẻ thù chính của họ. Trên thực tế, các nước này coi cuộc chiến tranh chống IS chỉ là sự chuẩn bị cho điều mà họ tin là sẽ xảy ra cuộc chiến quan trọng hơn rất nhiều giữa các cường quốc trong khu vực. “Nhiều bên tham gia chiến đấu chống IS là đang tự tìm cho mình chỗ đứng tốt hơn cho các cuộc xung đột khác. Có rất nhiều cuộc chiến bên trong cuộc chiến chống IS đang diễn ra”, chuyên gia này nói. Ông Knights cho rằng, đây là lý do sâu xa quan trọng khiến IS có thể tồn tại dai dẳng và đe dọa đến an ninh toàn cầu như vậy.
      “Thay vì làm suy yếu và đánh bại IS, các đồng minh và đối thủ của Mỹ có những mục đích phức tạp. Đối với họ, cuộc chiến hiện nay thực sự là một cuộc chơi nhằm định hướng cho hoạt động mang tính chất quyết định sẽ diễn ra ngay khi IS bị đánh bại”, ông Knights nhận định. Các cường quốc khu vực như Iran và Arab Saudi chủ yếu coi cuộc chiến chống IS như là một cách giúp họ chiếm vị thế có lợi nhất trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng kiểu Chiến tranh lạnh ở Trung Đông thời hậu IS.
      Thực tế, đồng minh chống IS không chỉ là những miếng ghép lộn xộn, mà tất cả họ còn xem đây là một bàn đạp cho cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite, giữa người Arab và người Kurd, giữa các phe phái do Arab Saudi lãnh đạo và Iran dẫn dắt.
      Một ví dụ dễ thấy là dân quân người Kurd, lực lượng chống IS tâm huyết nhất hiện nay, nhưng mục đích chính của họ không phải là đánh bại phiến quân, mà là thiết lập một nhà nước tự trị ở biên giới Iraq và Syria. Một khi giành lại được các phần lãnh thổ do IS chiếm giữ trong "nhà nước tự trị" này, người Kurd sẽ không còn là đồng minh hiệu quả trong cuộc chiến chống IS như trước nữa.
      Bình luận viên Rukmini Callimachi của tờ NYTimes cũng cho rằng, dân quân người Kurd chỉ sẵn sàng chiến đấu ở khu vực miền Bắc Syria, nơi họ chiếm đa số và có thể dễ dàng đẩy lùi IS. Cuối tháng 11-2015, dân quân người Kurd đã giành lại thành phố Sinjar phía bắc Iraq chỉ sau chưa đầy 48 giờ tấn công. Nhưng sau đó, họ tiến quân rất chậm chạp ra bên ngoài Sinjar, và các chỉ huy của họ giải thích rằng đây không phải là địa bàn của người Kurd, mà là của người Arab dòng Sunni.
                   * Văn Nguyễn (1/2016).

SINH VẬT CỔ ĐẠI 
       1. CÓC TÍA (PURPLE FROG)
      Loài này có màu tím nhạt giống như màu của đất, vì thế - nó giúp chúng có thể ẩn thân khi di chuyển trên mặt đất mà không sợ bị kẻ thù phát hiện. Người ta phát hiện ra loài này trong một đợt khảo sát được tiến hành ở vùng phía tây của Ấn Độ. Đặc điểm của cóc tía là cái mũi dài khiến các nhà khoa học xếp nó cùng nhóm với một loài ếch của đảo Seychelles, trước đây là một phần của lục địa Ấn Độ.
       2. CÁ MẬP DA NHĂN (FRILLED SHARK)
      Loài cá mập này tồn tại cách đây 380 triệu năm. Trên thế giới chỉ có 2 mẫu vật sống được bắt ở ven bờ biển Nhật Bản, một vào cuối thế kỷ XIX, một trong năm 2007 và do các ngư dân tìm được một cách tình cờ trong các lưới cào đánh cá của mình.
       3. TÔM HÙM JURA (JURASSIC SHRIMP)
      Cho đến ngày nay, chỉ duy nhất một mẫu vật được phát hiện ở Smithsonian vào năm 1975. Nó có tới 10 chân - một kiểu cấu tạo phổ biến của những con tôm của kỷ địa chất Juru, và tôm hùm Jura này cách đây 50 triệu năm.
      4. BỌ CÁNH CỨNG 3 MẮT (THREE-EYED BEETLE)
      Đây là một loài còn chưa được định danh rõ ràng, những người dân tộc Sikhotealinia thuộc vùng Siberi gọi nó là bọ cánh cứng 3 mắt vì thực tế thì điểm đặc trưng trên cơ thể của loài bọ này - ấy là chúng có tới 3 mắt. Nhiều nhà khoa học xem đây là dạng tổ tiên của những loài côn trùng có cánh hiện nay.
       5. GIUN NHUNG
      Được tìm thấy nhiều nhất trong những vùng rừng rộng lớn ở Nam bán cầu, loài giun nhung (Velvet Worm) này đặc biệt ở chỗ chúng có chân trong khi các loại giun khác không có chân. Giun này thuộc nhóm những loài giun di chuyển chậm, chân của chúng rỗng và chứa đầy chất lỏng đặc quánh. Sau một vài thay đổi để có màu sắc mờ nhạt giúp chúng có thể ngụy trang trong đất thì loài giun này đã không thay đổi gì trong suốt 360 triệu năm qua.
      6. CÁ SẤU (CROCODILE)
      Đây là loài “hóa thạch sống” phân bố phổ biến nhất trên thế giới, nó có mặt khi khủng long còn đang đi lang thang khắp trái đất. Dù thế, trong suốt 230 triệu năm qua, cá sấu vẫn giữ nguyên cấu trúc cơ thể của mình bất chấp sự thay đổi liên tục của thiên nhiên.
       7. THÚ MỎ VỊT (DUCK-BILLED PLATYPUS)
      Đây là một trong số ít các “hóa thạch sống” thuộc nhóm động vật hữu nhũ còn tồn tại đến ngày nay, thú mỏ vịt được sinh ra cách đây 110 triệu năm. Điểm đặc trưng của chúng là đẻ trứng và có những bàn chân với móng chân chứa đầy chất độc. Khi những nhà tự nhiên học đầu tiên mô tả về chúng, mọi người đều nghi ngờ và cho rằng ấy là một trò đùa và họ chỉ tin khi những mẫu vật thực thụ được đem trưng bày công khai.
       8. ỐC ANH VŨ (NAUTILUS)
      Cái vỏ xoắn ốc của loài ốc này được người Hy Lạp sử dụng làm biểu tượng cho sự thịnh vượng tuyệt đối. Ốc anh vũ đã không thay đổi gì nhiều trong hơn 500 triệu năm qua.
       9. CUA MÓNG NGỰA (HORSESHOE CRAB)
      Chúng thường được tìm thấy ở vùng bờ Đại Tây Dương và có liên hệ họ hàng trực tiếp với nhện, ve và bọ cạp hơn là với cua. Tổ tiên của chúng xuất hiện ở vùng biển sâu, sau đó tiến hóa và biến đổi một chút rồi giữ nguyên cấu trúc như thế trong hơn 445 triệu năm sau đó. Nếu bạn nhìn thấy một con như thế trên đường đi, hãy dùng tay búng nhẹ lên lưng nó – lúc ấy, nó sẽ giơ các chân lên trông rất kỳ quặc.
                   * Tử Vương (1/2009)

LẨU
      Cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tác hại của món lẩu. Kết quả là ăn lẩu thường xuyên dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa và ung thư đại trực tràng.
      Tiến sĩ Julie Franklin (Anh Quốc) nói: lẩu thường được chế biến với nhiều nguyên phụ liệu tươi sống chứa rất nhiều sán dây như thịt dê, thịt bò, đặc biệt là thịt heo. Nếu không được chế biến kỹ, các loại ký sinh trùng trong thực phẩm không bị diệt trừ hoàn toàn, khi ăn vào cơ thể sẽ gây ra các bệnh về tiêu hóa. Còn nếu nấu quá chín, thực phẩm lại bị mất dinh dưỡng.
      Khoang miệng, cuống họng và dạ dày của con người chỉ chịu được nhiệt độ cao tối đa từ 50 đến 60 độ. Khi ăn thực phẩm quá nóng sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây ra bệnh viêm thực quản cấp tính và viêm dạ dày cấp tính. Thức ăn được đưa vào cơ thể hàng ngày, vì vậy nếu niêm mạc dạ dày bị tổn thương, không được chữa trị kịp thời, dần dần gây ra bệnh viêm loét dạ dày, hình thành khối u trong ống tiêu hóa.
      Lẩu được đun sôi trong thời gian dài khiến cho các axit amin trong thực phẩm bị hòa tan phần lớn vào nước, sinh ra lượng lớn nitrite, đây là chất gây ra bệnh ung thư. Nếu thi thoảng ăn lẩu thì không chịu ảnh hưởng gì, nhưng ăn thường xuyên món này sẽ dễ xuất hiện u ác tính ở đường tiêu hóa.
      Ung thư đại trực tràng là một trong những hiện tượng thường gặp nhất về u ác tính trong hệ tiêu hóa. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu từ chế độ ăn uống không khoa học, đặc biệt thường gặp ở người trung niên. Đại trực tràng là bộ phận cấu thành của hệ tiêu hóa. Do vậy, các chuyên gia khuyên mọi người nên tăng cường ý thức phòng bệnh bắt đầu từ việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
      Mọi người nên giảm thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Tăng cường chất xơ trong bữa ăn. Ăn các loại thực phẩm luộc, hấp, hầm, hạn chế ăn đồ nướng, xông khói. Ngoài ra nên kiêng ăn gia vị cay, không hút thuốc lá, uống rượu và chỉ ăn protein chất lượng cao, bữa ăn nên thanh đạm, nhiều rau.
      Mỗi ngày chỉ ăn tối đa 65g thịt, mỗi tuần không quá 500g. Hạn chế ăn các loại thịt heo, dê, bò, thay bằng các loại cá, tôm, thịt có màu trắng. Tăng cường các loại thực phẩm có tác dụng phòng ung thư như nấm hương, hành tây, tỏi, quả khế, măng tây… Chú ý bổ sung rau quả hàng ngày, đặc biệt là cà rốt, cà chua, quả bầu, cam, quýt, dưa hấu, dâu tây… để bổ sung vitamin C và carotin.
      Thêm vào đó là ăn một lượng thích hợp quả óc chó, đậu phộng, các chế phẩm sữa, thịt nạc, hải sản để bổ sung vitamin E. Chú ý ăn các thực phẩm giàu nguyên tố vi lượng như cá, nấm, mạch nha.
                   * Hà An (8/2013)

HẠNH PHÚC VÀ SỐNG LÂU
      Hạnh phúc không làm con người ta sống lâu hơn và ngược lại, sự đau buồn, căng thẳng cũng chẳng khiến họ chết sớm. Đó là kết quả đầy bất ngờ sau cuộc nghiên cứu kéo dài cả chục năm trên 1 triệu phụ nữ, do Đại học New South Wales (Úc) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp thực hiện. Theo đó, cả yếu tố “chưa từng bao giờ”, “thường xuyên” và “luôn luôn” hạnh phúc hầu như không tác động tới rủi ro tử vong sau khi các nhà khoa học đã tính toán đến những dữ kiện quan trọng như tình trạng sức khỏe hay thói quen hút thuốc lá. Kết quả kể trên trái ngược với một loạt nghiên cứu trước đây, vốn cho rằng sự đau buồn, sầu khổ, căng thẳng trong cuộc sống rất có hại cho sức khỏe, có thể làm gia tăng tỉ lệ tử vong. Nguyên nhân chủ yếu được kể tới là tác hại xấu đối với hệ tim mạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học nay phát hiện rằng hàng loạt cuộc nghiên cứu trước đây hiểu nhầm vì không tính tới một yếu tố cơ bản: một khi đã đau bệnh, cả ở thể chất lẫn tâm thần, người ta dễ rơi vào cảm giác bất hạnh và chính căn bệnh mới làm người ta có thể chết sớm chứ không phải cảm giác bất hạnh.
      Trong khi đó, các nhà khoa học khẳng định lại một sự thật rất rõ ràng mà họ cũng nhận thấy trong cuộc nghiên cứu này: hút thuốc nhẹ làm tăng gấp đôi rủi ro chết sớm, hút thuốc thường xuyên làm tăng gấp ba nguy cơ này. Kết quả cuộc nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet.
                   * NM. (5/2011)

VITAMIN C CHỐNG UNG THƯ RUỘT
      Vitamin C vốn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, làm tăng sức đề kháng, hỗ trợ chữa cảm lạnh và làm mịn da. Một nghiên cứu đột phá vừa công bố cho thấy loại sinh tố có nhiều trong cam, táo, ớt chuông và rau lá xanh này còn có thể hiệu quả trong cuộc chiến chống bệnh ung thư ruột. Nghiên cứu do Trung tâm y khoa Weill Cornell ở New York, thuộc Đại học Cornell, tiến hành, đăng tải trên tạp chí Science. Các nhà nghiên cứu đã để các tế bào ung thư ruột tiếp xúc với huyết tương có hàm lượng vitamin C cao. Các tế bào này đã bị đột biến các gen KRAS và BRAF, là nguyên nhân khiến chúng trở thành tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng khi tiếp xúc với huyết tương có hàm lượng vitamin C cao, các tế bào này đã ngưng sản sinh những enzim mà nó cần để sinh sôi.
      Các nhà nghiên cứu sau đó tiến hành thí nghiệm trên chuột và thấy vitamin C đã tiêu diệt những tế bào ung thư bị đột biến. Vitamin C liều cao làm chậm lại sự tăng trưởng các khối u ở những con chuột có gen KRAS đột biến, vốn khiến bệnh lây lan rất nhanh sang các phần khác của cơ thể. Bác sĩ Lewis Cantley, người đứng đầu nghiên cứu, nói phát hiện này mở ra một hướng điều trị ung thư mới. Hơn một nửa các loại ung thư ruột liên quan tới đột biến các gen KRAS hay BRAF. Các tế bào bị đột biến gen này cũng kháng cự lại rất mạnh những biện pháp trị liệu mục tiêu thông thường.
                   * Loan Phương (9/2013)

KHỦNG BỐ PARIS
      Ai cũng biết trong những tháng qua, ngoài việc tăng cường an ninh nội địa, Pháp đã can dự khá sâu và ngày càng quyết liệt vào chiến dịch chống khủng bố. Pháp công khai tuyên bố tiêu diệt tổ chức IS. Paris đã sử dụng không quân tấn công cơ sở của IS ở Iraq và không kích vào các mục tiêu của chúng ở Syria. Gần đây nhất, Tổng thống Pháp Francois Hollande còn tuyên bố sẽ đưa tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp áp sát vùng biển gần Syria để hỗ trợ cho các cuộc không kích. Cụ thể, máy bay Pháp đã tấn công vào cơ sở dầu mỏ, nguồn tài chính nuôi dưỡng sự tồn tại của tổ chức này.
      Việc Pháp can dự sâu và ngày càng quyết liệt, đồng thời huy động lực lượng tinh nhuệ để tấn công IS càng kích động phản ứng từ nhóm Hồi giáo cực đoan này. Qua đó, IS có thể đạt được rất nhiều mục đích mà một trong số đó là gia tăng thanh thế và thu hút thêm nhiều tân binh. Bên cạnh đó, chúng còn có thể khoét sâu hơn sự chia rẽ giữa cộng đồng người Hồi giáo và phi Hồi giáo tại châu Âu. Diễn ra ngay sau khi IS tuyên bố bắn hạ máy bay dân sự Nga ở Ai Cập và tiến hành các vụ đánh bom liều chết ở Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, các vụ tấn công ngay giữa trung tâm thủ đô Paris phản ánh thực tế là tổ chức này đã có bước chuyển hướng sang cách tiếp cận mang tính toàn cầu,
      Giới phân tích cho rằng, IS đang triển khai song song hai chiến lược, vừa tích cực xây dựng “caliphate’, vừa thể hiện bản thân là “nhà lãnh đạo toàn cầu của lực lượng thánh chiến Hồi giáo”, thay thế Al-Qaeda. Giới quan sát đánh giá rằng các vụ tấn công giết người hàng loạt mà IS tiến hành là nhắm tới nhiều mục tiêu khác chứ không đơn thuần chỉ là phô trương sức mạnh.
      Kể từ khi IS tuyên bố thành lập ngày 29/6/2014, cùng với Mỹ, Pháp xuất hiện như là mục tiêu chính cho công cuộc tuyên truyền thánh chiến với những lời kêu gọi bằng nhiều hình thức nhằm thực hiện các vụ giết người, đặc biệt là việc tuyển mộ chiến binh cho một cuộc chiến lâu dài nhằm mở rộng lãnh thổ.
      IS quan tâm đến Pháp vì đây là nước có cộng đồng Hồi giáo đông nhất ở châu Âu; vì các hành động can thiệp quân sự của Pháp chống lại IS.
      Những ứng viên tham gia thánh chiến được tuyên truyền thông qua ba kênh: mạng xã hội, các tạp chí trực tuyến và các băng hình. Twitter là phương tiện tuyên truyền chính của IS với hàng chục nghìn tài khoản đăng tải thông tin thu hút người dùng Internet.
      Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp cập nhật đến cuối tháng 7, kể từ khi cuộc xung đột tại Syria bắt đầu vào tháng 3/2011, 910 người Pháp bị quyến rũ bởi những phát ngôn có tính mê hoặc của IS đã đến với lực lượng này để tham gia thánh chiến.
      Tỉ lệ các chiến binh người Pháp chết tại Syria đã tăng lên đột biến trong những tháng gần đây. Tính từ tháng 7/2014 đến nay, số người Pháp đến Syria tăng 44%, nhưng số người chết đã tăng lên 280%. Hơn 50 người Pháp thiệt mạng kể từ đầu năm đến nay tại Syria,
      Tuy nhiên, điều làm các nhà chức trách Pháp lo ngại nhất là ngày càng có nhiều phần tử thánh chiến người Pháp tham gia các vụ tấn công tự sát. Trong số 11 vụ tấn công tự sát được thực hiện bởi người Pháp từ trước đến nay thì gần chục vụ diễn ra từ đầu năm đến nay. Hơn một nửa số vụ được thực hiện bởi những người Pháp cải sang đạo Hồi.
                   * Bảo Trân (11/2015)
 ---------------------------------------------------------


TƯỞNG TƯỢNG

        Một bé gái chừng năm tuổi vừa nhảy nhót vừa vỗ tay, reo:
        “Ông nội đi lạc… hay quá… ông nội đi lạc!”.
        Ông Hanh ngồi xổm trong góc phòng ngủ, lần mò sờ soạng cái tủ cao bên phải rồi cái bàn thấp bên trái:
        “Ông nội tìm giường hay tìm cửa ra?”
        “Như ơi, dẫn ông tới giường”.
        Con bé càng vỗ tay mạnh, cười ngặt nghẽo.
        “Cái giường ở sau lưng ông nội ơi!... Sao nội cứ đi về trước mặt… Ông nội đi lạc… phía trước là bức tường”.
        Ông Hanh chỉ cần quay lại, bước hai bước là tới giường. Nhưng ông không định được phương hướng. Mân mê cái chân bàn một lúc rồi ông ngồi bệt xuống sàn, thở dốc, như vừa làm một việc nặng nhọc.
        “Như ơi, giường ngủ ở đâu cháu?”
        Ẩn đến đỡ ông Hanh đứng lên, dìu ông tới giường.
        “Ai đấy?”.
        “Thưa bác, cháu đây. Cháu là Ẩn”.
        Hai con mắt lòa cố nhướng lên.
        “Ẩn, Ẩn nào? Để tôi nhớ xem”.
        “Dạ, Ẩn ở Châu Thành đấy, bác Ba”.
        “Nhớ rồi, cháu là con của Thanh Cao… Như ơi, đem trà cho ông”.
        Con bé chạy đi đâu mất. Ẩn ra phòng khách bưng khay trà vào. Ông Hanh vẫn cao lớn, khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Nhưng trông đã khác xa ông Hanh ngày trước, chủ yếu là do đôi mắt. Lần cuối cùng Ẩn gặp ông, trước đây tám năm, ông còn là một chủ nhiệm, thoạt nhìn như Tây, trẻ trung, hơi ồn ào.
        “Nói cho bác biết, hiện giờ ngoài đường thế nào?”
        “Dạ bây giờ 9 giờ, trời nắng nhạt, người xe dày kín ạ”.
        “À, nắng, không gió… trời trong, trời đẹp, cảnh đẹp… Thiếu thị giác, bức bối không chịu được, cháu ạ”.
        “Dạ, đó là giác quan cần thiết”
        “Không thấy thì nghe cũng vô ích, biết cũng bằng thừa… Hai năm rồi bác không còn nhìn thấy ánh sáng”.
        Có một thời gian dài ông Hanh được nhắc đến trong làng như một người học cao, thành đạt. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở huyện.
        “Nay cháu làm ăn ra sao, vợ con thế nào?”
        “Thưa bác, vợ chồng cháu được một bé trai hai tuổi. Chúng cháu làm tạm đủ ăn. Là công nhân tầm tầm, lương thấp nên sống cũng hơi chật vật”.
        Ông Hanh cầm lấy bàn tay trái Ẩn, nắn nhè nhẹ, bóp mấy cái, cười:
        “Tay cháu mềm, nhưng hơi lạnh, phải ấm một chút mới tốt… Bác đang cố nhớ lại nét mặt cháu, và ba cháu… Ông bạn Thanh Cao vẫn khỏe chớ?”.
        “Cảm ơn bác, ba cháu khỏe”.
        “Cha mẹ là bằng hữu, là chỗ dựa của con… Sau này, khi đứng tuổi, bạn sẽ thấy rõ điều đó”.
        “Dạ, ba cháu vẫn là điểm tựa vững chãi của cháu. Không có điểm này thì cháu đã ngã chỏng cẳng nhiều lần rồi”.
        Ông Hanh uống cạn ly trà, trầm ngâm hồi lâu.
        “Cháu nghe những gì ở đây? Tiếng máy xe ầm ầm, không ngớt, tiếng người lao xao, rối nùi, và một thứ tiếng hỗn tạp ù ù vang vang, phải không? Ngày trước ít khi bác để ý tới nó… Cháu châm cho bác điếu thuốc”.
        Cô bé Như chạy về, đứng ở cửa nhìn vào, xong lại chạy đi.
        “Làm con phải kính trọng, mến yêu mẹ cha. Ai cũng được dạy như thế, nhưng không phải ai cũng làm được như thế. Dường như phần đông người ta chỉ kính trọng chớ không yêu mến các đấng sinh thành?... Cháu ạ, nay nằm một chỗ, có thì giờ để suy ngẫm chuyện đời, bác mới thấy rõ các lầm lỗi của mình… Ngoài xã hội có thể nói bác tốt, làm được nhiều việc hay, nhưng trong nhà thì chẳng ra gì… Nói thế nào đây? Bác lỗi đạo làm con, bất hiếu, dù bác vẫn nuôi ông thân đầy đủ. Nuôi là “nuôi” suông, không “phụng dưỡng”… Đến nay, 78 tuổi mới biết, kể cũng muộn, phải không? Khi mù mắt, sẽ sáng lòng!”.
        Một tốp học sinh đi ngang qua trước thềm, nói cười lớn tiếng.
        “Bác ân hận. Thời đó lắm lúc bác không nhớ đến cha mình, dù người ở ngay trong nhà… Khi có việc đi xa, ở lại lâu ngày bác nhớ vợ, nhớ con, nhớ nhà, nhưng không nhớ cha… Có lần bác nghe người ta kể chuyện một ông lớn, giàu to nhưng để bà mẹ phải ngồi trên hè phố bán thuốc lá lẻ. Người ta chê bai ông triệu phú ấy, bác cũng chê”.
        Ẩn hỏi về Huấn, anh con trai duy nhất của ông Hanh. Ông lắc đầu, ngao ngán:
        “Nhắc tới nó thì mệt, phiền lắm. Không thể biết được nó đi đâu, làm gì, lúc nào về. Nó như con chim, như làn gió, con Thoa còn thua nữa là”.
        Ẩn cười:
        “Gần mười năm rồi cháu không gặp anh Huấn”.
        “Dường như nó làm việc gì đó ngoài chợ, và ở bến cá… Ở chợ có ông lớn không?... Huấn ít khi nói chuyện với bác. Nếu có thì nó nói, nói, nói, còn bác thì nghe, nghe, nghe!”.
        “Nay gặp lại có thể cháu sẽ không nhận ra anh ấy!”.
        “Huấn nghiêm, khó tính. Mấy lần nó nói với bác: nhiều cụ mới sáu mươi nhưng đúng là đã được sinh ra từ giữa thế kỷ 19… đấy, nói năng văn vẻ như thế… Nó làm bác nhớ đến ông thân mình. Ông cụ bảo bác: “thỉnh thoảng con để cho cha nói vài câu, con có thể nghe hoặc không nghe cũng được”.  Lúc đó, bác nghĩ: lẩm cẩm, tại sao không thèm ăn, không thích đi chơi lại muốn nói!”.
        “Người lớn tuổi có những ý thích mà lớp trẻ không muốn có, hoặc chưa hiểu được”.
        “Trước đây hễ nghe nói về những chuyện như đạo làm con, công ơn cha mẹ, chữ hiếu là bác bực mình, chửi: đạo đức giả… Quanh năm ông thân bác cần mẫn cắm nhang trước cổng nhà, trên các bàn thờ, lúc xẩm tối, chẳng sót một ngày. Vào Tết Nguyên đán cụ diện khăn đóng áo dài, mang giày, cắp dù trịnh trọng đi chúc Tết hai bên nội ngoại mất mấy ngày liền. Bác không chịu được, bèn quây dồn tất cả những cái đó vào chiếc rọ “mê tín”… Giờ nghĩ lại, thương ông cụ, hiểu tuổi già, thương con người vô cùng”.
        Gian phòng rộng, cái giường lớn ba người nằm cũng vừa. Giá sách ngăn nắp, có tới cả ngàn quyển sách, bụi phủ mờ xám, chắc đã lâu không ai sờ đến. Ông Hanh chỉ cái radio cũ trên đầu giường:
        “Đây là ông bạn thân nhất của bác. Nghe suốt ngày đêm, nhưng thực ra bác chẳng nghe gì cả… Đã hai năm bác không bước ra đường… Làm sao ta có thể chơi cây cảnh?... Bao giờ ta lại được dạo phố chiều chiều?... Không bao giờ. Chẳng còn gì. Không thể được”.
        Ẩn thấy cần nói một điều gì đó để ông Hanh vui lòng.
        “Có lần bị bệnh, chỉ phải nằm trong nhà một tuần, cháu đã khiếp. Tù túng, ngột ngạt làm sao”.
        “Nằm trên giường là khỏe, nhưng cũng là héo tàn… Mọi kiếp người rồi sẽ mục rửa trên giường cả… Ờ, cháu thử nghĩ xem, nếu phải ngồi một chỗ, phải tự giam mình trong phòng một tháng, cháu sẽ ra sao? Vậy mà bác ở đây, chìm trong biển tối, hàng năm”.
        “Người già thường phải khổ bác ạ. Người thì ốm đau rề rề, kẻ thì điếc, người khác lại loay hoay bận rộn quanh năm với cái bộ máy bài tiết của mình, chắc chẳng ai mạnh lành toàn vẹn đâu”.
        “Phải chi bác được chết vào độ tuổi sáu lăm, bảy mươi, hay lúc hăm bảy như mẹ bác… Ở ta có nhiều nhân tài từ trần khi chưa được bốn mươi”.
        “Số bốn mươi của họ bằng một ngàn của chúng ta”.
        “Nghe con Thoa nói nay thứ bảy, bác nhớ ngay đến những buổi dạo chơi trên bãi biển Vũng Tàu, trên đồi Đà Lạt… Nghe bé Như nói hôm nay chủ nhật bác lại nhớ tới những lần cùng anh em đấu láo trong câu lạc bộ Cây cảnh, và các buổi xem phim”.
        “Dần dà rồi bác sẽ quên, sẽ quen”.
        “Cháu lầm, có những thứ người ta không thể quen như sự khổ, nỗi buồn; không thể quên như vợ, tuổi xuân, cha mẹ”.
        Một tiếng còi xe bỗng vang lên, to chát, như ở ngay trước thềm.
        “Xe cộ, đường sá, chim chóc, cuộc sống còn đó… mà ta… không còn!”.
        Có tiếng chân người đi vào phòng khách. Một thiếu phụ hiện ra ở cửa. Ẩn nhận ra ngay chị Thoa, vợ anh Huấn. Chị đứng yên, tay cầm chiếc mũ rộng vành, nhìn sững Ẩn, nhíu mày, mắt chớp nhanh mấy cái, rồi cười:
        “Ẩn, thế mà tưởng ai! Bé Như nói: có một ông lạ cao cao là!”
        Chị Thoa xách bình trà đi châm nước. Ẩn đỡ cho ông Hanh nằm xuống giường, xong qua phòng khách. Chị Thoa đem bánh ngọt, thuốc lá, ly nước khoáng tới đặt trước mặt Ẩn. Ẩn hỏi về anh Huấn, về công việc làm ăn của gia đình. Chị Thoa trò chuyện vui, có vẻ chân tình, hoạt bát. Ẩn nói mấy nhận xét về sức khỏe ông Hanh, chị cười:
        “Ông cụ có tâm sự về hoàn cảnh, có than van về tật bệnh không? Nói nhiều chớ gì?”.
        “Vâng, khá nhiều, tội ông cụ, mệt cho tuổi già”.
        Và Ẩn kể lại vụ ông Hanh “đi lạc” lúc nãy.
        “Ông cụ bị mù, nhưng nhiều lần cụ đã dẫn dắt chúng tôi – những người sáng – đi lạc, vui lắm!”.
        Chị Thoa cười xòa. Chị cho biết ông Hanh mới thật sự mù bốn tháng nay thôi, không phải hai năm như ông nói. Và những chi tiết về cha mẹ, nhà cửa của ông ngày trước đều là chuyện ông mới tưởng tượng ra gần đây. Xưa kia ông là đứa trẻ bị bỏ rơi, được một người nhà giàu hảo tâm – ông Cửu Tấn – lượm về nuôi, lúc mới biết bò. Nên ông không biết nguồn gốc, thân tộc, cũng như mặt mũi cha mẹ ruột mình. Ẩn hết sức ngạc nhiên.
        “Thì ra tôi cũng đi lạc hơi xa! Ông cụ bày đặt như thế để làm gì?”.
        “Chúng tôi cũng tự hỏi như vậy – Chị Thoa gõ nhẹ trán mình - Ẩn biết không, nay ông cụ vừa 68, nhưng cụ nhất mực bảo mình 78… Rồi thêm chuyện cụ nuôi dưỡng cha mẹ hoặc chuyện mẹ đẻ của cụ qua đời năm 27 tuổi. Một mớ bòng bong!”.
        Ẩn bật cười”
        “Chết thật! Vậy thì làm thế nào biết đâu là thật, đâu là không?”.
        “Khó lắm, phải sống chung mới biết. Anh Huấn nói, có lẽ bực tức do bị tước mất đôi mắt nên ông cụ sinh tật như thế”.
        “Vậy cụ than thở suốt ngày?”.
        “Không, trái lại. Cụ nín thinh, im thin thít như pho tượng. Hết nằm trên giường, cụ đến ngồi ở bàn nước. không muốn đi đâu, không nghe đài, nghe nhạc. Thỉnh thoảng cụ lại bảo: hãy trả mắt cho tôi! Anh Huấn đọc báo cho nghe thì cụ ngủ. Bảo bé Như dẫn nội dạo quanh trong vườn, cụ nói chân run chẳng bước được. Cụ hét lên: “Thăm thẳm, chông chênh, mịt mờ, nghe làm gì, đi làm gì!”… Cụ phàn nàn anh Huấn bỏ bê gia đình, coi cha như cục nợ. Đó cũng là điều cụ vẽ ra. Anh Huấn ngoan hiền, yêu cha lắm. Làm được gì cho ông vui thì khó mấy anh cũng làm. Nhưng hình như ông cụ không nhận thấy điều đó. Hiếu hay bất hiếu, xấu hay tốt đều được khỏa bằng, xếp ngang hàng. “Không còn nhìn thấy thì ta là gì… ngày giờ quay mòng… đất trời ở đâu? Tao có còn là người không… Mắt đâu?... Tao đâu?”.
        Chị Thoa cắn một miếng bánh. Ẩn bưng ly nước lên uống, và cảm thấy những tiếng kêu “tao đâu”, “mắt đâu” nghe vừa buồn thảm, tuyệt vọng, vừa bi thiết rờn rợn.