9 thg 10, 2009

CHUYỆN ĐẦU NĂM

Ông Ngãi thuộc lớp người thế hệ 4x nhưng đầu óc khá mới, tính tình cởi mở, mọi sinh hoạt trong gia đình ông đều theo kiểu hiện đại, chỉ còn vài “tiết mục” nhỏ giữ lối cổ, trong đó đáng kể là các kiêng cữ vào những ngày đầu xuân. Ông Ngãi cũng biết những điều này lạc hậu, nhưng không bỏ được, vì chúng đã ăn sâu vào… tiềm thức của ông. Có thể gọi ấy là “tàn dư” của thế kỷ trước còn sót lại. Đặc biệt, ông rất quan tâm chuyện xông đất ngày Tết.

Ông Ngãi luôn chọn lựa kỹ người khách số 1 đến thăm nhà mình vào ngày đầu năm. Có thời gian dài, hơn mười năm, ông nhờ anh Hưng – người em bà con xa – phụ trách việc này. Ông và Hưng hạp nhau ở hai cái tuổi thân – thìn. Ngoài ra, Hưng còn có điểm thuận lợi: ở gần. Hưng! Chỉ nghe tên anh đã thấy hên, phấn chấn! Ông Ngãi sắp xếp, sáng mùng 1 nào anh Hưng cũng ăn mặc bảnh bao, mặt mũi tươi rói tới đạp đất nhà ông lúc trời còn lờ mờ. Phải vậy, nếu không lỡ có thằng lông bông nào đó đến trước thì kẹt.

Khi anh Hưng đùm túm vợ con lên Pleiku sinh sống, ông Ngãi nhờ ông Cường thay thế. Cường cũng tốt, khác gì Hưng!… May sao, trong làng này số người mang sẵn cái tên đẹp còn khá nhiều: Đạt, Phú, Thông, Sung, Thọ, Nghĩa, Thạnh, Phát, Tiến, Sang…

Ông Cường thuộc lứa xấp xỉ 70, râu tóc trắng xóa, đẹp lão, như tiên. Gặp ông, nhìn phớt qua, ta đã thấy no đủ, phú quý… Ông Cường cũng làm các khâu tương tự như anh Hưng trước kia. Để lấy lòng ông, ông Ngãi thường biếu quà cáp: vài chậu cây cảnh, mấy con gà nòi, ít gói cà phê… Làm việc này được chín năm, ông Cường “nghỉ” ngang, lên chầu Trời.

Đương nhiên, ông Ngãi phải tìm lính mới. Nhưng tới đây, xuất hiện trục trặc lớn. Những người có cái tên hàm chứa sự mạnh mẽ, may mắn còn lại đều trẻ. Trẻ thường dễ hời hợt, bốc đồng! Nhiều người từ chối lời mời của ông Ngãi. Họ bảo đấy là chuyện mê tín, tào lao. Có đứa cười mỉa, gạt phắt, chẳng chút tế nhị: “Bỏ trò vớ vẩn này đi, bố! Lẽ ra bố phải tống nó vào viện bảo tàng từ cuối năm 1999 mới đúng!”.

Chán, bất mãn, ông Ngãi xếp việc tìm người mới lại, định bụng để chờ dịp thuận tiện nào đấy sẽ tính, chẳng em này thì em khác!

Vậy là, Tết năm ngoái nhà ông Ngãi không có người xông đất. Việc tưởng nhỏ nhưng nó cũng choán nhiều vị trí trong đầu ông, làm ông mệt, lo lắng. Đã lâu, ông gắn bó với tập tục này. Không dễ từ bỏ ngay cái thói quen từng theo ta mấy thập niên, như hình với bóng.

… Mùng 1 Tết, hừng sáng, ông Ngãi đang rửa mặt trước sân, bỗng thằng bé Đẹt – con bà Liên hàng xóm – chạy ào tới. Nó la toáng: “Ngoại Bảy! Ngoại thấy con gà nhỏ của con sang đây không?” Gà với qué, rõ khổ! “Con gà quạ của con…” Ông Ngãi giật thót. Năm mới cáu, ngày mới tinh thế mà chạm ngay thằng Đẹt! Tiếng Đẹt này khiến ta dễ liên tưởng đến những thứ thấp bé, chậm lụt! Đã thế lại còn gà quạ… ô với mực, quạ với mun! Ông Ngãi quát: “Cút ngay, thằng khỉ đột!” Thằng nhóc biến, nhưng cái khối đen, đẹt vẫn nằm ì trong đầu ông! “Nay chẳng cầu Vượng, Thắng… Phải chi nó tên Trung, hay Hòa còn tạm được!” Ông than thầm, lo sợ, dù vẫn biết chưa hẳn đây là điều đáng lo.

Cái năm chó ngáp ấy trôi qua chậm rì, bụng dạ ông Ngãi lúc nào cũng phập phồng, thắc thỏm. Một tháng, hai tháng, rồi năm bảy tháng qua đi, bình lặng, chẳng có gì lạ. Không lên, cũng không xuống, mức thu nhập của gia đình ông Ngãi chỉ xê xích chút ít so với các năm trước. Vậy vết đẹt, vết quạ không ảnh hưởng gì? Sang tháng 10, tháng 11 xuất hiện vài dấu hiệu mới, nhưng là những thay đổi “tích cực”; tháng nào ông Ngãi cũng thu được những lợi lộc bất ngờ, có món như từ trời rơi xuống. Và, sau rốt, tháng chạp ông “thắng” đậm, chỉ một tháng bằng cả năm! Đến lúc này, sướng quá, ông Ngãi bèn nói cho vợ nghe cái ý ông mới nghĩ ra, như một phát kiến: “Bà biết không, nhiều khi lẹt đẹt lại đồng nghĩa với phát đạt đấy!” ./.