8 thg 11, 2012

VỀ VỚI MẸ



      Trong gian phòng chật hẹp có bốn bàn thờ, ba trang thờ. Thầy Mười Chắc đốt nhang đem cắm lên tất cả các nơi đó, rồi rót rượu khắp lượt, mỗi chỗ một ly nhỏ. Thầy đứng giữa nhà, chắp tay, nhắm mắt, khấn vái ê a như hát dân ca. Làm xong các nghi thức ấy, thầy Mười đến ngồi đối diện Hiền và Linh, rót trà uống liền ba ly, không mời khách. Nhìn dáng điệu, cung cách hành lễ của thầy Mười, Linh thấy ngồ ngộ, buồn cười, nhưng Hiền theo dõi rất chăm chú, thành kính… Mở đầu, thầy hỏi tuổi của vợ chồng Hiền và thằng Khanh – con chị – hỏi kỹ về Khanh, nó thường giao du với ai, trước khi đi có bộc lộ hành động gì lạ không. Hiền trả lời rành mạch. Thầy Mười mở quyển sách chữ Hán, lật giở tìm tòi một lúc lâu. Cuốn sách cũ mèm, đen xỉn, nhiều trang rách.
      Thầy Mười Chắc là người biết chữ Hán duy nhất còn sống trong xã. Trước đây thầy chuyên coi chọn ngày tốt cho việc xuất hành, cưới gả, ma chay, xây cất. Dân trong vùng và các xã lân cận ít nhiều ai cũng tới gặp thầy vài lần, bởi không ai tránh khỏi các chuyện hệ trọng và cần thiết đó. Hai năm gần đây thầy Mười nhảy sang lãnh vực chữa bệnh, bói toán, trừ tà, bằng cây lá và bùa chú. Chẳng ai biết thầy học pháp thuật và cách trị bệnh ở đâu, nhưng khách đến am đều đặn, và danh thầy Mười Phước Tường cũng bay đi khá xa. Chức sắc địa phương không can thiệp vào vụ này, do thầy chỉ chữa các bệnh nhỏ, và không đòi tiền công. Con bệnh trả thù lao tuỳ tâm, bằng gà vịt, bánh trái, nếu muốn gọn chỉ cần đặt lễ vài ba chục ngàn, rất khỏe và tiện lợi.
      Theo lời người quen chỉ vẽ, Hiền mang đến đây một giỏ bánh ngon, một bó nhang thơm. Chị không rành trong việc này. Xưa giờ chị chưa hề đi coi bói, càng không để ý đến chuyện am miếu. Chị xếp các thứ này vào loại dị đoan, lạc hậu, mê muội. Nhưng cách đây tám hôm, con chị – thằng Khanh – đứa con trai độc nhất, bỏ nhà đi hoang, quan điểm chị đổi khác… Đột ngột, nó từ bỏ cha mẹ anh em, nhà cửa, sách vở. Tại sao nó đi, đi với ai? Phát – chồng Hiền – chạy đến các nơi quen biết, xa mấy cũng đến, để tìm. Trình báo với công an. Nhang đèn van vái sáng nhà, cầu cho thằng nhỏ hồi tâm quay về. Mười tám, trên lý thuyết, là tuổi thành niên, nhưng Khanh chưa ra dáng người lớn. Nó chẳng biết một nghề nào, ngốc nghếch, dại dột. Tám triệu bạc, một mớ quần áo, nó sống được bao lâu?… Lúc nghe Hiền rủ đi Phước Tường coi bói, Linh ngạc nhiên. Ban đầu Linh định châm vài câu trêu chọc nhưng nhìn nét mặt ủ dột của chị, Linh không dám. Lạ đấy, nhưng đi thì đi, xem cho biết am đền đồng bóng nó thế nào! Thầy Mười ở Phước Tường, có tiếng lắm, ngay cả những người không bệnh hoạn mất mát gì cũng nghe danh thầy.
      Thầy Mười Chắc khoảng ngoài sáu mươi, gầy nhom. Trông thầy hiền, lờ đờ, như ông lái heo “về hưu”, chẳng giống tướng thầy bà. Nếu bây giờ thầy cầm ngược cuốn sách đọc, Linh cũng không thấy lạ!… Tra cứu trong sách xong, thầy hỏi, nhỏ nhẹ:
      “Đệ tử có quen ai ở Sài Gòn không?”.
      “Dạ, có”. Hiền đáp.
      “Sa Đéc, Cần Thơ?”.
      “Dạ, không”.
      “Đó là hướng nam. Thằng nhỏ này đi về nam… Tuổi nó năm nay xấu, nhất là từ tháng sáu đến tháng tám”. Hiền dạ, cung kính.
      “Nó đi với một gã trai, cao lớn, đen đúa”.
      Hiền hỏi lại:
      “Một người đàn ông, đen… không lẽ nó bị bắt cóc?”.
      Thầy Mười nhìn ra sân, đăm chiêu. Nhiều loại nhang khác nhau cùng cháy một lúc tỏa ra một thứ mùi gây gây, nửa thơm nửa khét.
      “Đệ tử chớ lo lắng quá, bọn trẻ đi rong là chuyện thường… Đến cuối năm, tháng mười một tháng chạp, sự việc sẽ xoay chuyển qua phía khác, thuận hơn, tốt hơn, chừng đó ta sẽ biết tin”.
      Hiền hốt hoảng:
      “Phải đến tháng chạp mới biết sao thầy?”.
      Linh không ngờ lo âu có thể khiến người ta phờ phạc như thế, nhìn vẻ mặt Hiền lúc này thật đáng thương.
      Một bà thấp người, hồng hào – là vợ thầy Mười – từ nhà dưới lên, chắp tay thưa:
      “Con mướp nằm thẳng cẳng, mắt trợn ngược, dường như nó sắp chết, thầy xuống coi giùm”.
      Thầy gắt: “Ta bận, mèo với chuột, cứ để đấy!”.
      Bà vợ không chịu: “Phải cho nó uống thuốc giải… nó chết mất… tại thầy cả”.
      Thầy Mười nạt: “Sao lại tại ta, con nữ này hỗn!”.
      Bà vợ thụt lùi, đi xuống, nhưng vẫn buông thêm một câu: “Con mèo yếu… đã nói là đừng bắt nó ăn”.
      Chờ cho chuyện mèo lắng lại vài phút, thầy Mười nói:
      “Trước tiên, đệ tử hãy đến tìm ở các nhà quen, hướng Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Nóng ruột thì tìm, nhưng ta thấy sớm lắm cũng phải cuối năm nó mới về”.
      Hiền nói như than:
      “Ông xã con đã đi Đà Lạt, Phan Rang, Qui Nhơn, Pleiku… Còn non sáu tháng nữa, lâu quá, chúng con điên mất!”.
      Thầy gật gù: “Ai cũng thương con… Có điều chắc chắn, ta bảo đảm, nó mạnh lành khỏe khoắn, chẳng sứt mẻ gì”.
      “Tạ ơn thầy!”. Hiền vái ba cái: “Đó chính là thứ con ước muốn… mong cho nó bình an”.
      Bỗng nhiên, từ nhà bên cạnh phát ra tiếng máy hát, lớn hết cỡ, như sấm động. Những lời tình tự yêu đương, anh em nhão nhoẹt. Thôn xóm chật hẹp, đông đúc, chơi tự do thoải mái kiểu này thì một người hò hét cả trăm người phải nghe. Thầy Mười có vẻ khổ sở.
      “Thằng này xấc láo, chẳng nể ai, đã kiểm điểm cả chục lần, như nước đổ lá môn… Nó thường gọi ta là lão lang băm. Rồi mọi người sẽ thấy, nó là thằng chết tiệt, vô hậu, càng về già càng lụn bại”.
      Thầy đến bàn thờ giữa, nhấc lư hương lên lấy ra một tờ giấy vàng. Đó là lá bùa, dài chừng hai gang tay, viết đầy những hàng chữ đen ngoằn ngoèo. Thầy bảo:
      “Đệ tử dán bùa này lên cửa phòng, hay đầu giường thằng nam”. Và dặn: “Từ nay, vào các ngày mùng một, rằm, đệ tử nhớ cúng thường xuyên. Không cần nhiều lễ vật, chỉ chè xôi hoa quả… Tối nào cũng lên đèn cầu nguyện thánh thần trời đất ở trước sân”.
      “Dạ, con hiểu, nhưng khấn thế nào ạ?”.
      Thầy lừ mắt nhìn chị, như quở trách, chuyện dễ vậy cũng hỏi.
      “Cầu xin các bác các đẳng âm hồn cô hồn, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, kẻ chết sông chết suối người chết bụi chết bờ… điều lành đem tới điều dữ tống đi, phù hộ cho phước đức gia đình phát vượng, để vượt qua mấy tháng hung hạn u trệ… Các bác các đẳng là những vị qua đời nhằm giờ thiêng, không người cúng giỗ, linh lắm… các vị sẽ mở mắt thằng nam, dẫn dắt nó quay về”.
      “Dạ, con nhớ rồi”. Hiền thấy trong dáng điệu của thầy nét chững chạc, trong giọng nói có sự đáng tin cậy, trong ánh mắt có vẻ thân thiện. Điều gì làm chị thấy như thế? Có lẽ xuất phát từ lòng thương con!
      Thầy Mười đến trước các nơi thờ, vái thật sâu, mỗi chỗ ba vái, xong lễ. Thầy khoe:
      “Cách đây hơn tháng có một ông ở Tân Quí, mãi trong Tân Phú, tới nhờ tìm bà vợ đi hoang. Ông ấy đoán bà ta trốn nợ, ta bảo theo trai. Xác thực là thế. Trốn nợ không phũ phàng bằng theo trai!… Trước đó ít lâu, một ông chủ nhiệm ở Quận 3 đến hỏi về chuyện mất của. Ông ta mất hộp nữ trang. Ta nói, con trong nhà lấy, ông ấy không tin, nghi cho con bé giúp việc. Ta dám đem cái thủ cấp già này ra đặt cược… Về sau, quả đúng như ta thấy, một quý tử của ông ta lấy trộm, đương sự phục quá”.
      Linh ngắm kỹ thầy, mong tìm thấy ở ông già khô đét này những dấu hiệu khác người thường… Thời buổi văn minh, đã qua thế kỷ 21 khá lâu, sao vẫn còn các hình thức sinh hoạt mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học? Các thầy loại này giỏi thật không, có trị được bệnh cứu người không? Nếu có, kết quả ở mức nào? Nếu không, tại sao người ta vẫn tìm đến nhờ giúp đỡ. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ “lưng chừng – nửa tối nửa sáng”, điểm giáp ranh giữa hư và thực… Có bệnh thì vái tứ phương. Con người, dù đã khôn ngoan, giỏi hơn xưa, nhưng vẫn còn các nhược điểm lớn, vẫn bị bệnh tật, tai họa bất ngờ và chết chóc đe dọa, đeo bám bên lưng. Bước vào khu vực này thì khoa học chưa thể hoặc không thể giải quyết được gọn gàng.
      Hiền đặt lễ một phong bì khá dày. Thầy Mười cầm, rút lấy hai tờ giấy bạc.
      “Ta nhận tiền nhang đèn, chừng này thôi… làm phước giúp bá tánh… À quên, thằng nam có bạn gái chưa?”.
      “Dạ, chưa đâu ạ, cháu còn dại… nó ham học lắm”.
      “Người lớn tuổi hay lụy vì tiền, thanh niên thì khổ do sắc… Đệ tử yên tâm, nó sẽ về, tự quay về”.
      “Dạ, con mong ngày mong đêm”.
      “Đệ tử gan dạ lắm, gặp cảnh ngộ này nhiều bà khóc mùi, bỏ ăn”.
*
      Trên đường về, Linh hỏi Hiền:
      “Chị đoán thử Khanh đi đâu, tại sao nó đi”.
      “Chị đã nghĩ nát nước, chịu”.
      “Nếu nó lớn hơn tí nữa, ta có thể nghi nó theo người yêu… Thầy Mười lấy lễ bao nhiêu?”.
      “Bốn chục ngàn”.
      “Ở nông thôn số tiền ấy rất đáng kể… mỗi ngày tiếp ba khách là ấm… Đi cấy, trên nắng dưới bùn, còng lưng, ngày công chỉ hai mươi ngàn”.
      “Không tính như vậy, em ạ… Thu nhập hàng tháng của ca sĩ nổi tiếng có thể lên tới hai, ba trăm triệu. Nhiều cầu thủ bóng đá lãnh lương bảy, tám chục ngàn bảng Anh mỗi tuần… Có những loại công việc giá trị rất riêng, không thể đo lường bằng cân ký chợ búa”.
      Linh vẫn đưa ra những nhận xét làm Hiền không vừa lòng:
      “Ông ấy lớn tiếng quảng cáo, tự khen mình, miệng lưỡi ngọt xớt… Khó biết chỗ nào thầy thấy được nhờ con mắt thứ ba, điểm nào nói mò”.
      “Không dễ đánh giá, nó như tín ngưỡng, tín đồ phải tin vô điều kiện… Linh cũng biết, xưa nay chị đâu có ưa thích chuyện phù phép viễn vông hoang đường… Chẳng có gì rõ ràng cả, nhưng nghe thầy Mười nói chị cảm thấy một cái gì đó chắc chắn, khiến mình vững bụng… Gần nửa năm nữa, hơi lâu, nhưng dù sao nó về là tốt… ôi, con với cái!”.
      Vững bụng? Có lẽ trong lúc bối rối, lo sợ, đây như chiếc phao để chị bấu víu, dù có thể là phao ảo.
      “Thầy Mười đáo để, sắc nhọn lắm… chị nhớ không, thầy rủa lão hàng xóm sau này sẽ tàn mạt”.
      “Nói như thế là nguyền rủa? Em nghiêm khắc quá!”.
*
      Thằng Khanh về, sau bảy mươi ngày phiêu lưu tình ái thơ mộng, thú vị với một bạn gái. Anh chị vù ra Đà Nẵng, ở nhà bà dì ruột của “nàng”. Vợ chồng Hiền mừng quính, không la mắng, gạn hỏi Khanh câu nào, bởi sợ nếu làm om lên sẽ gây thêm sự dòm ngó chú ý của lối xóm, chẳng ích gì. Nó về là may lắm rồi… Mới hơn hai tháng nhưng trông Khanh khác trước, da nó sậm, người chững chạc… Đà Nẵng, cái xứ nắng gió xa tít ngoài Trung, không phải Nam bộ!
      Anh Phát mở một bữa tiệc mừng, đãi bà con ở gần và vài bạn thân. Tiệc nhỏ, nhưng ấm cúng, thịnh soạn. Không còn gì vui hơn, anh chị rất quí trọng con. Dĩ nhiên, Linh cũng được mời… Linh nói với Hiền:
      “Đà Nẵng! Thầy Mười Chắc lại nói vào Nam”.
      “Sao đúng hoàn toàn được, đoán mà”.
      “Về sớm, chắc anh chị hết tiền?”.
      “Không, vì Khanh nhớ nhà, nhớ ba má! Chị đã nói, nó vẫn còn nhỏ… Con bé đó ghê thực, nó bày mưu tính kế, vẽ đường”.
      “Thầy Mười bảo đến cuối năm nó mới về”.
      “Cũng xê xích chút ít, như bác sĩ chẩn đoán bệnh… “đoán” thì có lúc đúng lúc sai”.
      Nhưng thầy Mười Chắc nói sai nhiều, Khanh cặp với bồ thầy lại bảo đi cùng một ông! Linh thấy lạ, Hiền không chê trách ông thầy đó tiếng nào.
      “Thầy nói đúng các điều cốt tử, là Khanh trở về, và mạnh lành… Tương lai của nó vẫn tươi nguyên, nó sẽ học lại, nay không thi thì sang năm thi, muộn chút xíu, chẳng mất gì!”.
      Một ông bạn hỏi anh Phát: “Giờ đây chắc chúng ta không còn gọi thằng Khanh là chú bé nữa?”.
      Anh Phát đáp, vui vẻ: “Tất nhiên rồi, ngay như luật pháp cũng đã quy định từ lâu, mười tám là tuổi trưởng thành!” ./.

13 thg 9, 2012

GIỐNG MỚI


         Cha mẹ Nhâm muốn có cháu bồng nên thúc giục anh lập gia đình sớm. Nhâm cưới vợ năm hai mươi tuổi, nhưng bảy năm trôi vút qua vợ chồng Nhâm vẫn chưa có con.
        Nhâm thấp người, nhỏ con nhưng khỏe mạnh, rắn rỏi. Bảy Là – vợ Nhâm – cao lớn hơn chồng. Hai người đều sợ bị quy tội gây ra việc hiếm muộn. Bảy Là tìm đến hàng chục chùa, đền, am miếu, cúng lạy cầu con. Nhâm lui tới mòn dép ở các phòng khám, bệnh viện, gặp bác sĩ, thầy lang, tây ta đủ dạng. Cuối cùng, Bảy Là chán nản, buông xuôi. Nhâm quay sang làm theo kinh nghiệm dân gian: bí mật đi “gieo giống” trên nhiều “loại đất”.  Cũng chính khâu này đã nói cho Nhâm biết, một cách hùng hồn, anh là hạt giống mốc cời!
        Nhâm buồn, chán đời, bê trễ trong việc làm ăn, tính nết thay đổi. Trước anh hiền khô, ai nói gì cũng cười, tối ngày cần mẫn cày cuốc, trời chưa sáng đã có mặt ngoài đồng. Nay anh nói năng cục cằn, mặt mũi lúc nào cũng cau có, ưa gây gổ với mọi người, và thích rượu… Chỉ một thời gian ngắn Nhâm đã chễm chệ ngồi cùng chiếu với băng nhậu Năm Giáo. Tên anh nằm trong sổ nợ của tất cả quán trong làng và nhiều quán lớn ở chợ xã. Ba, bốn ngày trong một tuần người ta thấy Nhâm ôm chai nước cay khư khư trước ngực, say mèm, đi nghiêng ngả, xiêu vẹo trên đường như người bị bịt mắt. Anh nói với các bạn: “Ông trời chỉ con đường này cho ta thì ta phải bước đúng trên đó, tiến về phía trước, tới đâu mặc xác!”.
        Một đêm trăng, Bảy Là nấu cháo heo sau vườn, Nhâm ra, đến ngồi sát bên vợ. Ngồi một lúc, anh nói, giọng tâm sự:
        “Anh không phải thứ người ồn ào, hời hợt như bọn Năm Giáo… Em biết đấy, anh khổ vì chuyện con cái của tụi mình”.
        “Nghĩ ngợi làm gì cho đau đầu, thong thả rồi sẽ có!”.
        “Không thể có, em à, anh biết. Lúc có thì tám tháng mười ngày đã có thể đón mừng một chú nhóc! Chúng mình sống với nhau lâu quá rồi”.
        “Thôi, bỏ qua vụ đó đi, nói chuyện gì vui vui”.
        Nhâm nắm tay vợ, hôn liền mấy cái.
        “Anh thương em… chuyện này do lỗi của anh”.
        Bảy Là đẩy Nhâm ra. “Em đi đây, anh đừng nói nữa”.
        Nhưng Nhâm vẫn không buông tay vợ. “Đâu phải chuyện đùa. Ba má mong cháu đỏ mắt, em cũng muốn con, nhưng anh…”.
        Bảy Là ôm đầu Nhâm vào ngực mình, vỗ nhè nhẹ, như ông đánh xe nựng con ngựa. “Im, im nào! Sao bữa nay ăn nói lung tung thế!”.
        “Anh không con, nhưng em vẫn ở với anh chớ?”. Nhâm nghẹn ngào, như sắp khóc. Bảy Là bối rối. “Đã biểu đừng nói nữa”.
        Nhâm nói đứt quãng: “Đã quen có em, anh không thể tưởng tượng ra cảnh sống mà thiếu em bên cạnh. Anh thương em… Em đừng bỏ anh… Anh biết, em sẽ thương người khác, sẽ bước qua một con đường khác!”.
        Bảy Là vò tóc chồng, cười nhỏ, nói bằng giọng đùa cợt: “Lớn sù còn làm nũng, không mắc cỡ sao?… Nếu có rẽ sang con đường khác thì em cũng sẽ dẫn anh theo, em hứa!”.
        Sau vài phút nín lặng, Nhâm nói: “Anh muốn tụi mình có hai con, một trai một gái”.
        “Em chỉ cần một, trai gái chi cũng được”.
        “Anh sẽ đặt tên bé gái là Trúc Đào. Bé trai để em đặt”.
        Bảy Là lại cười. Chị vui tính, thích đùa, nhưng trong cuộc sống lại gặp nhiều chuyện buồn. “Tên không quan trọng, anh có thể đặt cho tất cả”.
        Hồi lâu, anh chị không nói gì.
        “Con của mình… Em muốn có một đứa để sáng chiều chở nó đi học”.
        “Anh mong hai đứa đều giống em, anh chẳng có điểm nào đẹp cả”.
        “Anh nịnh, em như cây cau!… Chị Thủy thường nói, chị chán việc đưa đón bọn trẻ đi học, coi đó như một gánh nặng. Còn em, em lại thích như thế”.
        “Anh đã nghĩ rồi, nghĩ rất chín, là em có thể có con, nhưng vẫn ở với anh”.
        “Anh sao em vậy, mình không thể cãi trời. Chúng ta sẽ sống với nhau tới chết!”.
        Nhâm xoa má vợ. “Được rồi, em tốt lắm… Nghe này, em có thể đi lại với bất cứ ai để có con… nghe chưa… đó sẽ là con của chúng ta”.
*
        Bảy Là không để ý lắm đến chuyện “tìm con” của Nhâm nói, nhưng chỉ hai tuần sau, như có một bàn tay phù phép nào đó xếp đặt, chị chạm trán Chín Chu, một chuyên gia “cho con”. Trong làng, Chu nổi tiếng với hai đặc điểm: giàu có và máu trăng hoa. Tính tình anh ta dễ chịu, rộng rãi, thường giúp đỡ mọi người. Hàng xóm ai túng thiếu chạy đến, Chín Chu sẵn sàng đón tiếp, cho mượn tiền, không hơn thiệt, không tính lời. Riêng đối với phụ nữ Chu càng tỏ ra hào phóng. Anh ta dùng tiền bạc làm mồi câu, mua chuộc lòng người. Ai cũng biết Chu là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Không có con mẹ nhà nghèo nào chê tiền!” Anh ta thường nói câu đó một cách thích thú, như truyền bá một tư tưởng lớn… Trong khắp ba xã quanh vùng, Chu có năm, sáu nhân tình với một mớ con rơi. Mọi người biết rõ chuyện này, vợ Chu cũng biết, nhưng chị ta yếu ớt, hay đau bệnh nên làm ngơ… Qua miệng mấy bà làm thuê, người ta loan ra nhiều giai thoại về chuyện lăng nhăng của Chín Chu. Bữa nọ cô vợ trách móc: “Ông cứ đem tiền nuôi mấy con quỷ cái, thiên hạ cười xấu mặt.” Chu hỏi: “Nuôi ai, ông ngu lắm à?… Mày thấy, ông làm ra tiền, mà những đứa làm được nhiều tiền không bao giờ ngu.” – “Nuôi ai thì ông biết, không che được mắt làng xã đâu.” Chu nổi quạu: “Có gì phải che giấu! Tiền của ông, ông xài, đây không cướp giựt của đứa nào!” – “Thấy chướng thì họ nói, vì trời cho người ta cái miệng và hai mắt, cấm sao được!” Chu cười gằn: “Vậy là mày muốn gây sự. Ờ, nói cho bớt tức, nhưng nên nhớ, ông không lấy tiền của cha mẹ mày!”. Chị vợ thở ra: “Chắc ông nghĩ hễ có tiền là làm gì cũng được, muốn nói sao thì nói, hèn chi ông tuyên bố rùm lên: hết thảy bọn đàn bà nghèo đều mê tiền!” Chu quát: “Đúng, chính ông rao thế đấy!… Bọn chó chết đê tiện lúc nào cũng ganh tị, ghét những kẻ giỏi hơn chúng… còn lũ đàn bà động đực, chúng khoái ông, ông không hãm hiếp đứa nào!” – Và chuyện khác: một hôm vợ Chu bắt gặp một bức thư trong túi áo anh ta: “Anh Chín yêu thương. Sau khi suy nghĩ hai ngày bạc tóc, em viết thư này cho anh. Em không muốn làm anh bận tâm, phiền lòng. Nhưng đã ba hôm rồi bé Phú Cường ngả bịnh. Nó nằm bẹp, lúc nóng lúc lạnh, chẳng rõ bịnh gì… Anh vẫn thường nói, anh sống có tình nghĩa, thủy chung. Bé Phú Cường là kết quả mối tình mặn nồng của hai ta. Đối với em nó là vàng ngọc, lẽ sống… Em nhớ, anh từng nói nhiều lần, anh không phải con gà cồ, bỏ mặc bầy con cho gà mái, vô trách nhiệm. Anh cam kết sẽ chăm sóc, bảo bọc con suốt đời… Anh mau đến thăm Phú Cường – Em, người yêu anh trong kiếp này và kiếp sau”. Chị vợ hỏi: “Thư này của ai?” Chu ú ớ. “Ghê gớm, ngọt như đường hóa học! Tình tứ, tươi mát như trai gái mười bảy!”. Chị ta nghiến răng, mắt long lên. “Ông nói đi, chuyện này thế nào?” Chu cà lăm: “À, nó chỉ là… chỉ là… coi như chuyện qua đường, đâu phải vợ chồng” – “Rành rành một thằng nhỏ, nó mấy tuổi?” – “Hình như bốn” – “Ông có mấy đứa loại này?” Chu đáp, nhỏ nhẹ: “Làm gì có mấy đứa… toàn chuyện vui vẻ, văn nghệ, thoáng qua rồi bỏ”. Chị đàn bà cười sắc lạnh. “Hỏi cho vui, tôi biết nhiều hơn ông tưởng! Đây là thư của Kim Phượng, bán trái cây ở chợ thị trấn, ngồi gần khu giày dép… Tôi sợ một ngày nào đó người ta sẽ chém bay đầu, chặt đứt chân ông! Tôi cũng sợ sau này tôi và mấy đứa nhỏ không còn nhà cửa để ở, ruộng vườn để cày cấy, tiền bạc để học hành… Gieo gì gặt nấy… Bao năm rồi ông đi gieo cỏ.”
*
        Buổi sáng, khoảng 8 giờ, Bảy Là đến nhà Chín Chu mua lúa giống. Nhà có vẻ yên vắng. Hai bé gái – con Chu – chơi nhảy dây gần cổng. Chu tưới cây kiểng trong sân. Vào giờ này chắc những người khác ra đồng hoặc đi chợ.
        Chu mời khách vào nhà dưới, ngôi nhà dài nửa là phòng khách nửa làm kho chứa lúa. Nghe Bảy Là xin mua giống, Chu nói không có gì trở ngại, năm phút xong ngay, xóm giềng giúp nhau là nghĩa vụ. Anh ta pha trà và bưng ra một dĩa bánh ngọt mời khách. Rồi anh ta rề rà nói chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện đồng áng gieo cấy, thật cặn kẽ, dài dòng. Bảy Là nôn nóng nhưng không dám giục, ngại mất lòng.
        “Lâu lắm mới gặp em. Nay em đen, da hơi sậm, nhưng vẫn trẻ”.  Chu  cười hì hì.
        “Dạ, làm sao trắng được, anh Chín, tối ngày cuốc cuốc gánh gánh, phơi mặt ngoài đồng”.
        “Nhưng Bảy vẫn trẻ, cốt yếu ở chỗ đó! Trẻ và đẹp, chớ già úa là hết, xong đời!”.
        “Loại giống này ra sao, anh Chín?”.  Bảy Là hỏi đưa đẩy.
        “Số một. Anh đã làm hai vụ, gieo một giạ gặt mười tám giạ. Em ăn bánh đi, để anh vô đong lúa”.
        Chu xách bao đi ra sau. Bảy Là nhìn ngắm một lượt khắp phòng. Nơi đây cái gì cũng mới và đẹp. Tủ bàn, máy truyền hình, chiếc xe Nhật, cái đi văng… Lát sau, Chu ôm bao lúa ra để bên cửa rồi gọi con vào sai bảo gì đó. Hai đứa bé vâng dạ, dắt xe ra chở nhau đi.
        “Xong rồi, bốn giạ, anh đong đầy vun”.
        “Không, ba giạ thôi, anh Chín”.
        “Cứ lấy cả đi, gieo cho dày dặn”.
        “Ba giạ là vừa, với lại em chỉ đem tiền mua ba giạ”.
        “Không sao, cho em nợ”. Anh ta tới ngồi bên Bảy Là. “Thôi, coi như anh thêm chút ít, em đem về cho gà vịt nó ăn, khỏi nợ”.
        Chu nhìn Bảy Là chăm chăm, cái nhìn rất lạ. “Chắc vua ong bướm muốn trổ tài đây.” Bảy Là sực nhớ câu nói của chồng: “Em đi lại tự do với bất cứ ai để có con”, bất giác chị rùng mình.
        “Bầy gà nhà em nhìn sướng mắt quá”.
        “Anh Chín thấy à?”.
        “Anh mới đi ngang qua hôm kia. Lúc đó Bảy quét sân, ông già cho gà ăn gần bếp, Nhâm Lép thì dựng cây ăng ten”.
        Bảy Là đứng lên, chị thấy cần phải về ngay. Trong phút chốc chị bỗng nhớ đến những điều người ta thường nói về Chu. Loại chuyện đó khá nhiều, ai cũng biết: mấy mối tình nhăng nhít chớp nhoáng. Những đứa con rơi. Các trò tán tỉnh, gạ gẫm. Thứ giọng điệu ngọt ngào đầu môi. Những đồng tiền hấp dẫn, đầy ma lực.
        “Thôi, em về”.
        “Khoan đã, chơi chút nữa, vội gì”.
        “Chị Chín đi chợ?”. Bảy Là lúng túng. Chị chẳng hiểu vì sao mình lại hỏi thế.
        “Bà ấy đi Mỹ ăn đám cưới thằng cháu… Mỹ Đồng ấy mà!”.
        “Anh vui tánh quá!”
        Chín Chu tỏ ra rất hào hứng. “Xưa giờ anh vẫn vậy. Đời mà em! Sống tốt với nhau, thương yêu nhau ta sẽ thấy việc gì cũng nhẹ nhàng, và ta phấn chấn, khỏe, trẻ lâu… Hơn nữa, thử nghĩ xem, bủn xỉn, cáu kỉnh, gắt gỏng để làm gì, được gì?… Lâu nay em sống vui vẻ không?”.
        “Không vui, cũng chẳng buồn”. Bảy Là ngẫm nghĩ giây lát, “nhưng lo lắng thì có thừa”.
        “Chuyện con cái chớ gì? Đó là lỗi của Nhâm Lép, chắc chắn thế… Em khỏe mạnh, tươi tắn thế này… Nhưng đừng lo, em còn trẻ, ngày rộng tháng dài”.
        Chu nhìn xoáy vào mắt Bảy Là, cái nhìn bốc lửa. Bảy Là lại nhớ câu nói của Nhâm đêm nọ, chị rùng mình.
        “Vô trong kia anh cho Bảy xem một thứ nếp giống mới”. Chu nắm tay Bảy Là. “Bữa rằm anh ra Vạn Phước mua được mấy bao nếp tốt. Loại này mới toanh, năng suất cao, quanh đây chưa ai có… Em vào xem, nếu thích thì lấy vài giạ”.
        Không đợi Bảy Là đồng ý, Chín Chu kéo chị về phía căn phòng nhỏ gần đó. “Không, tôi về! Tôi không cần!” Bảy Là luống cuống, hốt hoảng. Chu lôi từ túi quần ra một nắm tiền lớn, giúi vào tay chị đàn bà.
        “Em cầm lấy… đây là tiền…”
        “Coi kìa! Tiền gì thế này?”. Bảy Là kinh ngạc.
        “Anh tặng em”. Chín Chu lắp bắp. “Em cầm, đừng ngại… anh muốn nói…”.
        Bảy Là giấu hai tay ra sau lưng. “Sao lại tặng, cái ông này!”.
        “Nghe đây, Bảy, anh thương em, thực bụng thương em…”.
        Bảy Là run sợ, chị bước lùi mấy bước. Chu theo sát, nói như dỗ dành:
        “Anh yêu thương em từ lâu. Em đẹp, hiền hậu. Anh sẽ cho thật nhiều tiền, để em bớt khổ… Đồng tiền là xương cốt của đời. Không có nó thì dù đẹp đến mấy, giỏi tới đâu cũng chỉ như kẻ câm điếc… Em hãy quên thằng Nhâm Lép đi. Nó gà mái, ngốc nghếch, bạc nhược… Quên nó đi. Nó làm em khổ suốt đời thôi”.
        Bảy Là bước lùi ra cửa lớn, xua tay. “Anh Nhâm có thể là con gà mờ, nhưng anh ấy không khi nào muốn làm khổ tôi”.
        “Em hãy nghe…”.
        “Tiền bạc ai cũng cần, nhưng tôi không phải hạng người lông bông như anh nghĩ đâu. Tôi không biết…”. Chị chạy ra sân, tóm lấy gióng gánh quảy về, bỏ lại hai cái bao, quên thóc quên giống, nhẹ tênh như lúc đến ./.
 

14 thg 4, 2012

ĐẸP VÀ ẢO


           Đêm đó ông Tây Phong gặp một giấc mơ dài. Ông thấy mình hì hục đẩy chiếc xe đạp chở nặng trên con đường làng vắng ngắt. Trời tối, mưa xối xả, đường đất lầy lội. Bao khoai lang nặng trịch. Phải dắt, không thể nào cỡi được. Ông muốn mau về đến nhà. Vợ con ông chắc mỏi mắt chờ ông. Mấy ngày qua nhà không còn hột gạo. Vợ ông lại bệnh. Ông dừng lại sờ bọc gạo nhỏ treo trên cổ xe. Nó vẫn còn đó. Ông đã gói, buộc nó kỹ như gói vàng. Chắc là ăn được ba ngày. Chắc vợ ông sẽ vui lắm. Chắc lũ con… Nhưng sẽ ăn cơm với thức gỉ? Người bệnh làm sao nuốt trôi cơm muối? Ông lo lắng. Trời đất vẫn đen kịt. Mưa vẫn trút nước. Ông đẩy xe dò dẫm bước, mệt nhoài, bụng dạ nóng ran. Đột nhiên trời nổi sấm chớp chằng chịt, đùng đoàng, ông Tây Phong tỉnh dậy.
        Ông bật đèn, ra phòng khách ngồi. Hú vía, chỉ là chiêm bao! Ôi, cứ như thật, rõ chẳng khác gì xem vi-đê-ô! Ông mệt bả người… Cái làng Tân Lâm quạnh hiu ấy, những ngày tháng cơ hàn ấy đã đè nặng gia đình ông mấy chục năm dài. Nhưng nhờ trời, ông đã giũ bỏ được chúng, hăm ba hăm bốn năm rồi. Sao nay quỷ ma nào xui khiến chúng lại trở về ám ông?
        Ông Tây Phong đi vào nhà tắm lau mồ hôi, rửa mặt. Tim ông vẫn còn đập dồn. Thật đáng kinh hãi. Trời ơi, nếu nay mà phải sống lại y như những năm ấy thì chết còn hơn. Từ lâu ông không còn nghĩ, nhớ gì về nó. Với ông, quãng thời gian đó đáng được vùi lấp, chôn sâu xuống một hầm mộ bê-tông!
        Hay giấc mơ này bắt nguồn từ cuộc nhậu đêm qua, một trận ăn nhậu, một tiệc rượu sáng loáng! Có thể lắm, bia rượu nhiều khi làm cho trí óc người ta xộc xệch! Bữa tiệc do một công ty bạn khoản đãi, có tính chất giao hảo, không lớn lắm, chỉ khoảng năm sáu chục người, nhưng nó “tới” và “nổ” không chê được… mãi đến 1 giờ sáng ông mới về tới nhà.
*
        Hai hôm sau ông Tây Phong lại gặp giấc mơ đó. Nó quay về, giống như đúc, chẳng khác một chi tiết nào. Đến ba đêm kế tiếp ông lại thấy nó. Ông Tây Phong sợ điếng, nhưng không biết đối phó cách nào… Không thể không ngủ. Chẳng lẽ phải mướn vệ sĩ canh gác ở cửa phòng… Qua tuần sau nó lại đến hai lần. Rồi tuần kế nữa ba lần. Nguy ngập! Chẳng khác gì động đất, hoặc núi lửa phun!
        Một hôm, tình cờ ông phát hiện ra cái gút lớn: bữa nào ông dự tiệc tùng, chè chén thì tối về sẽ gặp giấc mộng ấy. Kỳ quái. Nhưng làm sao không dự các cuộc yến tiệc? Đó cũng là công việc của ông. Lắm tuần, thời gian ông ngồi ở bàn làm việc ít hơn ở các nhà hàng. Quả là gay go! Nhưng đến đây ông Tây Phong cảm thấy nhẹ người. Dù sao cũng đã tìm ra một đầu mối, biết được một góc triệu chứng căn bệnh. Không còn nghi ngờ gì, đây là một chứng bệnh, bệnh lạ, cần phải được nghiên cứu tường tận.
*
        “Dường như đêm ngủ ai cũng nằm mơ cả, nhưng thường chỉ là những hình ảnh mờ nhạt, sáng dậy không còn nhớ gì”.
        “Có một dạo ngủ trưa con cũng chiêm bao, thấy toàn những cảnh đẹp, huyền ảo, vui thú”.
        “Mơ mộng lằng nhằng! Đó là một cách làm việc, hay là hình thức nghỉ ngơi, rong chơi của đầu óc?”
        “Gần đây tôi chỉ thấy bướm, và lượm được tiền. Cha ơi, bướm! Chật kín, sáng rừng, có con lớn bằng cái nón. Tiền thì vô số, như lá tre rụng, bay trắng đường. Thức dậy, tiếc lắm… Nhưng thà như thế còn hơn ông thấy cái làng Tân Lâm”.
        “Con không biết làng ấy ra sao. Nghe nói hễ mình thường nghĩ đến cái gì sẽ mơ thấy cái đó. Nhưng hôm trước bỗng nhiên con thấy lại thằng Toản, dù cả chục năm nay con đã quên mất nó. Toản hồi trước học cùng lớp với con ở Vạn Khánh”.
        “Ba cũng không hề nhớ cái làng Tân Lâm. Nhớ để làm gì? Đó là con đường ta chỉ nên đi qua một lần”.
        “Anh Trung nói, sẽ viết thư giới thiệu anh với ông Thúc Quýnh. Ông ấy rất giỏi”.
        “Ông ta là ai, nhà tâm lý học hay bác sĩ tâm thần?”.
        “Bác sĩ Quýnh ở Sài Gòn mới về, nổi tiếng lắm, ba ạ”.
        “Tôi chẳng bệnh hoạn gì hết. Tôi không bị tâm thần. Đơn giản là tôi chiêm bao”.
        “Anh xanh xao, thất thần”.
        “Ba không mạnh đâu. Ba gầy, thường lơ đãng, lúc nào cũng như đang bận lo nghĩ”.
        “Tôi chưa hề nghe nói đến thứ bệnh chiêm bao. Có thể là có một trục trặc nho nhỏ”.
        “Khi lớn tuổi người ta dễ gặp bệnh tật, ba ạ, như trẻ con dễ gặp… ma”.
        “Nên đến chỗ ông Thúc Quýnh, anh à. Chẳng tốn kém lắm đâu, anh Trung bảo đảm”.
        “Bảo đảm? Chà… phải chi cái ông Quýnh ấy bước thẳng được vào cơn mơ của tôi, để ông ta tận mắt thấy”.
        Bà Tây Phong và Đính – anh con trai lớn – thuyết phục ông Tây Phong đi khám bệnh. Ông không bác bỏ cũng không hưởng ứng… Khi vợ con đã ra ngoài, ông Tây Phong đi loanh quanh trong phòng mấy lượt, và nói, nói to cho chính mình nghe: “Hồi giờ mình vẫn tưởng trong tủ có đầy tiền là sướng tột đỉnh, nay thấy khác, khỏe mạnh mới là tốt nhất”.
        Không nghe lời vợ con, không chịu đi bác sĩ, nhưng theo chỉ dẫn của một người bạn, ông Tây Phong tìm đến am thầy Sáu Sửu ở xóm Cây Gạo. Thầy là một phù thủy mới, áo vest – giày tây – xe gắn máy, chuyên trị bệnh tâm thần tà ma, mắc đàng dưới. Thầy nổi tiếng đã ngoài chục năm, cái am “2 sao” của thầy lúc nào cũng đông khách, thân chủ tấp nập. Những người theo tân học lắc đầu: “dân chủ, tự do mốt 90. Ai lên mặt trăng sao hỏa, cứ lên, ai đi am đi động cứ đi”.
*
        Sau khi ông Tây Phong lên xe về, bà Sáu Sửu hỏi chồng:
        “Dường như ông cạo lão đi ô tô con hơi mạnh?”.
        “Phải bệnh phải tiền, không mạnh đâu. Bệnh này hiếm có, vô cùng rối ren”.
        “Dù giàu sang đến mấy nhưng năm triệu bạc cũng chẳng phải nhỏ”.
        “Năm triệu, đúng! Nhưng đổi lại là ba thang thuốc quý, ba lá bùa và khỏi bệnh”.
        “Bệnh gì, ông nắm rõ?”.
        “Tâm thần. Đã tâm thần thì không ai dám nói thế nào là rõ. Khó ở chỗ đó, dễ cũng chỗ đó!”. – Thầy Sáu Sửu nói, cứng cỏi tự tin. – “Một dạng tâm thần mới. Có điều tôi biết chắc, ông ta sẽ trở lại đây, để cám ơn hoặc xin thuốc mới… Bà biết đấy, khi mua một món đồ đắt tiền người ta thường yên chí đó là đồ tốt”.
        Bà Sáu không nói gì.
        “Ông ấy tỏ ra rất tin tôi. Tin thầy là đã khỏi bệnh một nửa”.
        “Ông ta có vẻ sang trọng”.
        “Dường như là một nhà buôn lớn. Ông ấy nói mới bệnh hơn tháng đã sụt tám cân”.
        “Cầu trời cho ông ta chóng lành!”.
        Một lát, thầy Sáu nói, nhỏ nhẹ:
        “Dù bệnh không dứt hẳn cũng chưa phải đáng lo. Chỉ cần nó thuyên giảm. Có nghĩa là chữa khỏi được chừng tám phần mười thì coi như lành! Tôi tin, tôi sẽ đẩy lùi nó. Bà thấy đó. Tôi đã chữa lành hàng trăm người, lắm khi chỉ bằng mấy ly nước giếng, vài mớ lá cây, rễ cây… Nếu nó còn chút ít thì có thể nói ta đã thành công! Các phần tử sót lại ấy sẽ làm quân bình đầu óc ông ta. Nó là cái máy nhắc nhở về cội nguồn, để ông ấy nhớ lâu. Nhớ rằng xưa kia mình là ai. Nhớ rằng tại nhiều nơi, nhất là nông thôn, bà con mình lắm người vẫn còn cơ cực. Nên ta sống, ăn ở thế nào cho phải, cho đúng… Có điều cần, tôi sẽ tìm cách làm cho các giấc mơ xuất hiện thưa, tháng thấy một lần là vừa”.
*
        Ông Tây Phong về làng như quan Trạng vinh quy. Dân chúng đổ xô ra đón chào đông nghịt, trải dài từ đầu làng đến trường học. Có mặt đông đủ các vị hương chức và bô lão. Cờ đuôi nheo sặt sỡ, biểu ngữ giăng ngang dọc trên các ngả ba, ngả tư. Bà Tây Phong được tặng ba bó hoa to như ba bó lúa. Tân Lâm khác xưa nhiều quá. Nhà cửa hầu hết đều tường xây mái ngói. Những căn nhà lá nhỏ, thấp tè, như những mụt cóc đen đã biến mất. Đường sá thẳng tắp, rộng thênh. Ruộng lúa, ruộng mía xanh sẫm… Tại trường tiểu học, học sinh đồng ca và múa tập thể đón khách. Trên một trụ cổng trường, ông Tây Phong thấy có một tấm bảng đồng khắc mấy chữ lớn: “Đội xây dựng số 4 thi công, tháng 5-1992. Ông Tây Phong tặng 50 triệu đồng”. Ông Tây Phong ngơ ngác. Ông chỉ cho vợ thấy tấm bảng. Bà Phong ghé sát tai ông, nói nhỏ “Mình tặng đấy… Tôi giấu ông gửi tặng trường 50 triệu”. – “Giấu tôi! Ô kỳ diệu, bà hay quá!”. Và ông nghĩ: “Giỏi thật, cái mụ đàn bà lẹt đẹt lôi thôi này! Xưa giờ mình chẳng hề nghĩ đến việc cho ai một thứ gì, dù chỉ là một trăm, hay một lon gạo”. Đám học sinh nhỏ gân cổ hát một bài nghe hùng tráng, vui vẻ… Ông chủ tịch huyện lên đọc diễn văn nói về quá trình xây dựng trường. Ông nêu ra một dãy dài những con số, những ngày tháng. Ông dành 15 phút cảm ơn các nhà hảo tâm đã đóng góp công của, đặc biệt tám lần nhắc đến tên ông Tây Phong, người tặng nhiều tiền nhất… Tới lượt ông hội trưởng phụ huynh học sinh lên phát biểu cảm tưởng, tên ông Tây Phong lại được nói đến sáu lần. Sau cùng là màn chụp ảnh. Có đến hai ông “phó nháy”. Người ta chụp hàng trăm pô ảnh. Ông bà Tây Phong được chào mời, lôi kéo đi khắp nơi, ai cũng muốn được đứng cạnh những vị hằng tâm hằng sản… Trong một phút hứng khởi, sảng khoái, ông Tây Phong nắm lấy tay vợ, nói như cảm tạ: “Em ơi, vui quá chừng. Anh thấy là mình không đi đứng như ngày thường, anh đang bay đang bơi!”. Nghe tiếng “Em” lạ tai, bà Tây Phong đỏ mặt ngượng, quay ra cười sằng sặc, bà cười dài, cười mãi.
        Đó là giấc mơ mới.
        Chạy chữa theo phương pháp thầy Sáu Sửu được mười ngày, uống hết hai lá bùa, hai thang thuốc, ông Tây Phong thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt. Giấc mơ lì lợm ấy vẫn còn nhưng đã mờ nhạt, như có một lớp tro xám phủ lên. Uống đến thang thuốc thứ ba thì một hiện tượng lạ xảy ra: giấc mơ trước biến mất, thay vào đó là một giấc mơ khác, như trong rạp người ta thay phim. “Đùa dai, quái quỉ!”. Ông Tây Phong thấy kỳ cục, buồn cười. Nhưng ông nghe trong người thư thái, vui sướng. Giấc mơ này đẹp thật. Nó không làm ông lo sợ, căng thẳng, nhọc mệt. “Thú vị quá, thấy như mình vừa dạo chơi trên những ngọn đồi cao nguyên đầy hoa hồng, thoáng đãng, mát rượi. Như mình vừa tắm thỏa thích trong một hồ nước thơm ngát nằm giữa một khung cảnh thần tiên vi vu gió núi, rộn rã tiếng chim ca… Mơ thế này có thể gọi là mơ vàng, mỗi tuần cho ta thấy hai lần cũng được!”.
*
        Ông Tây Phong lên thăm thầy Sáu Sửu trong tâm trạng phấn chấn, vẻ mặt hớn hở. Nhưng thầy Sáu đi vắng, chỉ có vợ thầy coi am. Ông Tây Phong đem theo một chồng quà bánh cao ngất. Bánh ngon, rượu ngoại, thuốc thơm, trái cây quí, khô mực, khô nai, toàn của đắt tiền… Ông Tây Phong mở giỏ lấy nho, táo ra sắp vào hai dĩa, cung kính mời bà Sáu. Ông hết lời ca ngợi thầy Sáu Sửu, người tuy chưa thể sánh với Hoa Đà, nhưng là vị thầy thuốc giỏi nhất mà ông được biết. Thuốc của thầy nhẹ, mỏng, ít nhưng hay. Uống nó dễ dàng như uống trà, không đắng, không hôi, không cay. Nói vòng quanh một lúc theo kiểu rào đón, xong ông kể cho bà Sáu nghe giấc mơ mới, và đi thẳng vào ý chính:
        “Thưa cô, tôi định nhờ thầy tìm cách giúp cho tôi được giữ lại cái giấc mộng này”.
        “Giữ lại, giữ như thế nào?”. – Bà Sáu nhướng mắt hỏi.
        “Dạ, nghĩa là không để nó mất đi… nghĩa là tôi muốn lâu lâu được thấy nó một lần”.
        “Ơ, tôi hiểu rồi! Ông muốn được nghe ngợi khen?”.
        “Dạ, mơ thấy như thế người mình nhẹ nhõm, vui tươi lắm ạ, mọi sự mỏi mệt, lo rầu đều bay biến”.
        “Chắc cũng từa tựa như ông muốn mỗi tuần được xem một phim hài?”.
        “Thưa, đúng vậy, phim vui, nhưng phải do chính các vua hề đóng”.
        “Gay đấy… đập phá thì dễ. Cho tôi nghĩ một chặp, ông làm tôi rối trí”.
        Nhìn chồng quà cáp trên bàn bà Sáu Sửu phân vân, lo ngại. “Biếu tặng như thế này là một kiểu lo lót khéo. Lót nhằm đạt được các mục đích kín, cao của mình. Nhưng ông ấy lo cho ta thì dễ. Còn ông Sáu, liệu ông có thể tìm ra cánh cửa nào để tới gõ, cầu xin lưu giữ được cái giấc mộng ấy chăng? Có cách nào thu phục cảm tình, lôi kéo các thế lực vô hình ngã về phía ta? Phương cách nào?”.
        “Hay nay mai ông bỏ ra ít tiền đem cúng tặng các cơ sở từ thiện, như thế ta sẽ được ca ngợi, khỏi phải mơ mộng phiền phức?”.
        “Thưa, không dễ đâu. Mình cho ít họ sẽ không nói tới. Còn cho nhiều thì… biết bao nhiêu là nhiều. Vả lại, làm việc từ thiện bằng cách biếu tặng tiền, vàng như mọi người thì tầm thường lắm”.
        “Thường thế nào?”
        “Thưa cô, nghĩa là… tôi không muốn làm một người tầm thường”.
        “Ôi, ông làm tôi rối trí!”. – Bà Sáu ôm đầu kêu lên.
        Ông Tây Phong đi rồi, bà Sáu Sửu vẫn còn ngồi trầm ngâm hồi lâu. “Con người khó hiểu thật!”. Bà không đụng tới những món quà. Một đứa cháu nhỏ của bà chạy đến xòe tay xin trái cây. Bà đưa nó một chùm nho, nhưng nó lắc đầu, đòi nguyên cả dĩa. Bà nắm tai nó, mắng yêu:
        “Chó con, tham ăn!... Ừ, nội cho cả hai dĩa đó… Ăn nhiều vào, chóng lớn”.
        Thằng bé bê nguyên dĩa táo, líu lo: “cháo cảm ơn nhội”
        “Ăn nhiều, mau lớn để thấy những điều kỳ quặc xung quanh ta, chó con ạ… Như ông nội mày, người chưa bao giờ biết rõ năng lực của mình, luôn luôn hăm hở nhảy vào làm các công việc mà kết quả tùy thuộc phần lớn vào yếu tố rủi may. Như ông thương gia lúc nãy, một kẻ quen tật không nhìn người khác, cứ chăm chăm săn sóc, chiêm ngưỡng mình, quen tính cầm một đồng đi mua một món đồ trị giá mười ngàn… vui tếu, ngộ lắm chó con ạ” ./.

28 thg 2, 2012

ĐỌC LẠI ĐỂ NHỚ


       "Hiện nay, điều đáng lo ngại mà ai cũng thấy là cái ác đang diễn ra một cách thản nhiên, như thể đó không còn là ác nữa”.
                                                                           GS. Cao Huy Thuần
                                                                                                              (Tuổi Trẻ CT. 8-1-2012)

     1. BỨC TRANH VÂN CẨU
        * Tại trường THCS Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè (Tiền Giang), vào giờ ra chơi sáng 9-4-2010, Huỳnh Nhật Hòa (SN 1995) đến lớp của Huỳnh Thiện Toàn (SN 1993, ngụ ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Đức Tây, học lớp 8) gây sự, và đánh vào mặt Toàn. Ngay lập tức, Huỳnh Thiện Toàn rút dao Thái Lan giấu sẵn trong người đâm vào ngực Huỳnh Nhật Hòa, khiến Hòa ngã gục xuống đất. Sau đó, Hòa đã chết lúc được đưa đi bệnh viện.
             (B. Đại, Sài Gòn giải phóng – Người lao động 10-4-2010).
        * Vào lúc 20 giờ 10 ngày 15-1-2011, thầy giáo Đinh Gia Trưởng (32 tuổi, dạy ở trường THPT Giá Rai, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị một người lạ mặt đâm một nhát vào lưng, tại nhà vệ sinh của trường.
        Qua điều tra, ngày 17-1 hung thủ đã bị bắt. Đó là Nguyễn Quốc Tuấn, 18 tuổi, quê ở ấp Phong Thạnh, Giá Rai (Bạc Liêu), học sinh lớp 12, học ngay trường thầy Trưởng dạy.
        Tuấn nghi ngờ thầy Gia Trưởng có mối quan hệ mật thiết với người yêu của mình, nên âm thầm lên kế hoạch sát hại “tình địch”… Thầy Gia Trưởng bị Tuấn đâm thủng bụng, thủng gan, được đưa ngay vào bệnh viện Giá Rai, và sau đó chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu để điều trị.
                    (VTC Mews, 18-1-2011)
        * Chiều 24-2-2007, công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) bắt quả tang ông Phạm Vũ Bằng (52 tuổi, giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh) đang chuẩn bị quan hệ tình dục với một nữ sinh (16 tuổi) trong khách sạn trên đường Nguyễn Tất Thành. Sau đó, ông Bằng thừa nhận hành vi gạ tình học sinh.
        Quá trình “gạ tình” của ông Bằng bắt đầu từ đầu tháng 2, khi phát hiện một nữ sinh có những hành động nói xấu thầy cô giáo của trường trên mạng Internet. Lúc đầu, ông Bằng dọa nạt, (ông là giám thị), buộc học sinh nói trên phải thôi học nhiều lần, sau đó quay sang tán tỉnh.
        Ngày 23-2, ông Bằng hẹn gặp và ép nữ sinh này hôm sau phải đến khách sạn “quan hệ” nếu muốn được bỏ qua khuyết điểm.
                   (Theo Người lao động – VNExpress 27-2-2007).
        * Trong thời gian học tại trường Đại học Nông lâm TP. HCM, Trần Xuân Thanh (28 tuổi, sinh viên khoa cơ khí, khóa 2002 – 2006) phải thi lại rất nhiều môn. Trong đó môn Anh văn (do thầy Đặng Hữu Dũng phụ trách) Thanh đã thi 4 lần vẫn chưa đậu, nên không thể có bằng tốt nghiệp.
        Nghi ngờ thầy Hữu Dũng trù dập mình, Thanh mang lòng thù hận… Rồi bỏ trường lớp mấy năm, giữa năm 2009 Thanh quay về xin thi lại nhưng không được vì kết quả học tập đã bị xóa, (quá 2 năm). Cho rằng mọi việc bắt nguồn từ thầy Dũng, Thanh thủ sẵn con dao và mua 5 lít axít để chờ thời cơ trả thù.
        Sáng 24-8-2009, Thanh mang dao, axít đến trường. Thầy Hữu Dũng đang giảng bài trên giảng đường. Thanh xông vào tạt chậu axít vào người thầy. Hậu quả, thầy Dũng bị bỏng 70%... Vừa qua, tòa án quận Thủ Đức tuyên phạt Trần Xuân Thanh 9 năm tù.
                  (Vũ Mai, VNExpress 7-10-2010).
        * Trưa ngày 3-3-2007, tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã xảy ra một vụ cướp, trong đó thủ phạm và nạn nhân đều còn trẻ, và đều là nữ.
        Chị Nguyễn Thị Hà, 25 tuổi, bị ba cô gái đâm bằng kéo, cướp đi một nhẫn vàng, ba triệu đồng, (và các nữ quái đã ném hai điện thoại di động của chị xuống nước).
        Sau đó, thủ phạm được xác định là ba học sinh trường THPT Đồng Hỷ: Nguyễn Thị Khánh Ly (18 tuổi, lớp 11A5), Ngô Thị Nhật Lệ (18 tuổi, lớp 11A5), Nguyễn Thị Thu Hương (18 tuổi, lớp 12A3).
                    (Theo Công an nhân dân – VNExpress 5-3-2007).
        * Tháng 1-2006, Lê Đức Công (30 tuổi, quê Ninh Bình) được trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM tuyển làm giảng viên, giảng dạy môn cơ sở – kỹ thuật điện. Tháng 7-2009, nhà trường tổ chức thi hết môn “lưới điện” cho lớp trung cấp nghề 08-NQ1B do Lê Đức Công giảng dạy. (Công cũng là một trong bốn người ra đề và chấm thi bộ môn này).
        Trước ngày thi, Công gặp sinh viên (SV) V.C.T là lớp trưởng của lớp trung cấp nghề 08, gợi ý với T: nếu SV nào muốn thi đậu môn này thì nộp cho Công 2 triệu đồng.
        Ngày 12-6-2009, Công đã nhận của T cùng sáu SV khác tổng cộng 14 triệu đồng… Cuối tháng 7-2009, nhà trường công bố kết quả thi, 4 sinh viên (đã đút lót) đạt điểm trên trung bình, ba SV còn lại bị điểm dưới trung bình. Ba SV không đạt tìm thầy Công để đòi lại tiền.
        Ngày 13-8-2009, nhà trường phát hiện việc đánh dấu trong 8 bài thi nên tiến hành điều tra. Sự vụ vỡ lở, Công bị cho thôi việc, và bị truy tố.
        Trong phiên xử sơ thẩm, tòa án quận 12 tuyên phạt Lê Đức Công 3 năm tù. Công kháng án, xin giảm nhẹ. Nhưng, phiên xử sau, viện kiểm sát quận 12 tăng hình phạt lên thành 4 năm tù, về tội nhận hối lộ.
                  (Mai Phượng, Vietnamnet 15-4-2011).
        * Đào Công Thọ, giáo viên dạy môn sinh học tại một trường trung học cơ sở ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã bị nhiều phụ huynh học sinh tố cáo vì tội hiếp dâm các học sinh lớp 8.
        Ngày 8-12-2005, Thọ tổ chức buổi học thực hành về hô hấp nhân tạo. Buổi học (không nằm trong thời khóa biểu nhà trường) ấy có 18 học sinh, 9 nam 9 nữ… Thọ sắp xếp cho học sinh nam tập trung ở tầng dưới, số học sinh nữ theo thầy lên gác thực hành trước.
        Thọ bắt từng học sinh nữ vào phòng “thực hành”, 8 em còn lại đứng ngoài, gác cửa. Trong vòng 2 giờ đồng hồ, 9 nữ sinh đều bị Thọ giở những hành vi đồi bại, trong đó có 3 em bị hiếp dâm… Hôm sau, Thọ tuyên bố trước cả lớp, học sinh nào không đi thực hành bị điểm 1. Chín trò nữ đã qua “thực hành” được điểm 9.
                    (Theo Công an nhân dân – VNExpress 4-1-2006).
        * Ngày 11-5-2010, tại trường THCS Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã xảy ra một vụ án mạng.
        Trong lúc chuyển giao tiết học, khi bạn bè đưa dụng cụ thí nghiệm lên phòng thực hành thì Phạm Anh Hiếu, học sinh lớp 8A5, đã dùng dao Thái Lan đâm vào đùi trái của Trần Thanh Tuấn, bạn học cùng lớp. Được biết, trước đó Hiếu và Tuấn xích mích nhau, do những nguyên nhân nhỏ nhặt.
        Do vết đâm trúng vào động mạch chủ nên máu chảy nhiều, em Tuấn đã chết ngay sau đó.
        Theo bà Nguyễn Thị Hoa, hiệu trưởng, Tuấn và Hiếu không nằm trong diện học sinh cá biệt. Sự việc này khiến thầy cô và học sinh toàn trường bàng hoàng.
                    (Hà Huy Vũ, Dân Trí 13-5-2010).
        * Vào lúc 14 giờ 20, ngày 10-3-2011, Trần Văn Thắng (SN 1993, học sinh lớp 12A5 trường THPT Minh Khai, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) sang nhà ông Trần Hữu Từ (SN 1941) và bà Hoàng Thị Tuyết (SN 1943), ở cùng xóm, hỏi mua mì tôm.
        Lúc đó vợ chồng ông Từ đi vắng. Thấy cửa hé mở, Thắng lẻn vào nhà. Rủi cho hắn, ngay thời điểm ấy, ông Từ và bà Tuyết trở về. Bà Tuyết cho rằng Thắng vào nhà để trộm cắp. Hai bên cãi nhau kịch liệt. Bất ngờ, Thắng chộp lấy con dao đặt ở bàn bên cạnh, đâm vào lưng bà Tuyết một nhát chí mạng, khiến bà gục xuống, chết ngay.
        Chưa dừng ở đó, Trần Văn Thắng cầm dao đuổi theo ông Hữu Từ. Ông Từ chống cự, bị Thắng chém nhiều nhát vào vai và đầu, phải nhập viện.
                    (Theo VTC – Lao động online 12-3-2011).
        * Ngày 27-3-2009, Ngô Văn Trọng (15 tuổi) học sinh lớp 9 tại xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) xích mích với hai học sinh cùng trường là Nguyễn Xuân Biển và Ngô Văn Sang (cùng 14 tuổi).
        Sau đó, Trọng đã gọi Nguyễn Văn Tuấn (16 tuổi) học sinh lớp 10 (anh họ của Trọng) đến đánh Sang và Biển… Bị Tuấn đánh, Biển chống cự, dùng dao nhọn (giấu sẵn trong túi) đâm Tuấn hai nhát. Tuấn đã chết trên đường đi cấp cứu.
                    (Nam Anh, VNExpress 30-3-2009).
        * Lúc 11 giờ 10, ngày 14-5-2010, em Hoàng Việt Quảng (SN 1994, ở phường Đống Đa, TP Qui Nhơn) là học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Thái Học, trên đường đi chơi về đến cầu Đôi (phường Đống Đa) thì bị Phan Hoài Hảo (SN 1995, học sinh trường THCS Tây Sơn, TP Qui Nhơn) cùng Nguyễn Quốc Cường (SN 1995), Nguyễn Văn Ngọc (SN 1993) đều là học sinh lớp 9 trường THCS Tây Sơn chặn lại đánh.
        Nguyễn Quốc Cường dùng dao Thái Lan đâm Việt Quảng ngã gục. Em Quảng đã chết tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định lúc 12 giờ cùng ngày.
        Bọn côn đồ áo trắng này khai, Hoài Hảo rủ cả nhóm đi đánh em Bùi Lê Lâm Đồng (học cùng trường), vì Hồng đang tán tỉnh bạn gái của Hảo. Do sơ xuất, bọn chúng đâm nhầm em Quảng.
                   (Võ Khánh, Dân Trí 15-5-2010).
        * Ngày 23-2-2011, Nguyễn Như Thành (SN 1993, học sinh lớp 11B2 trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) bị cô giáo Lý Thu Sương nhắc nhở vì không làm bài tập trên lớp, Như Thành đứng dậy xách cặp ra về. Sau đó, Thành chặn đường đánh cô Sương gãy mũi, bất tỉnh, phải nhập viện… Kết quả giám định pháp y cho thấy, cô Sương bị thương tật tỷ lệ 17%.
                   (Lao động 18-3-2011).
        * SẦM ĐỨC XƯƠNG, hiệu trưởng trường THPT thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, đã mua dâm nhiều cô gái chưa thành niên (là học trò của mình, độ tuổi từ 13 đến dưới 18) trong thời gian hơn một năm.
        Điểm qua mấy nét lớn của vụ này:
        Tính từ tháng 7-2008 đến khi bị bắt (tháng 9-2009), Sầm Đức Xương “quan hệ tình dục” với Nguyễn Thị Hằng 4 lần và trả cho nữ sinh này 3,1 triệu đồng. Thông qua Hằng, Đức Xương còn quan hệ tình dục với ba học sinh khác: NT Thanh Thúy, NTP (SN 1992), HTT (SN 1994). Sầm Đức Xương đã quan hệ với Thúy tổng cộng 3 lần, và trả cho nữ sinh này 650 ngàn đồng. Thông qua Thúy, Đức Xương tiếp tục quan hệ với ba nữ sinh khác: TTN (SN 1992), NTX (SN 1996), NTN (SN 1996). Đáng chú ý, trong các lần “quan hệ” với Hằng và Thúy, Đức Xương luôn bảo hai em này tìm các nữ sinh CÒN TRINH để mua, và hứa: “Nếu em nào còn trinh thầy trả từ ba đến bốn triệu đồng”. Đức Xương dùng đòn (thủ đoạn) sau đây khống chế Hằng và Thúy: với cương vị hiệu trưởng, ông ta có thể đuổi học, hoặc hạ điểm hạnh kiểm của hai em.
        Trong phiên xử chiều ngày 10-3-2011, tòa án tuyên phạt Sầm Đức Xương 9 năm tù, với tội mua dâm người chưa thành niên.
           (24h.com.vn 21-4-2010 – Tuấn Anh, VNExpress 10-3-2011).
        * Hoàng Văn Tài (22 tuổi), Nguyễn Quang Quân (19 tuổi), Võ Song Toàn (20 tuổi) ở xóm 6, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An là sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc.
        Quang Quân biết chị Đặng Thị Hải (45 tuổi), ở cùng xóm, là người khá giả, nên rủ Tài và Toàn đến nhà chị giở trò trộm cắp.
        Lúc 9 giờ sáng, ngày 9-12-2010, khi chị Hải đi làm, ba tên mang theo kìm, búa bổ củi tới nhà con mồi. Chúng bẻ khóa cửa, lẻn vào bên trong, rồi dùng búa phá két sắt, lấy đi 15 triệu đồng.
        Thực hiện xong “phi vụ”, chúng quay trở lại trường học nhằm tạo chứng cứ ngoại phạm. Dù vậy, Quân và Tài vẫn bị liệt vào danh sách tình nghi số 1, bởi từ lúc có tiền trong tay chúng ăn chơi, cờ bạc, đánh đề như những người sung túc.
        Tài và Quân bị bắt trước. Hai tên này khai ra thêm gã bạn Song Toàn. Chúng nói, vì cần tiền để trả nợ đã vay lâu ngày của bạn bè nên đi ăn trộm.
                   (Hồng Thắng, VTC News 12-12-2010).
        15* Tòa án tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt Trần Văn Hiền (18 tuổi, học sinh lớp 10 THPT Trần Văn Bảy, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, Sóc Trang) 14 năm tù về tội giết người.
        Vào ngày 24-2-2010, Hiền đến lớp 10A2 tìm bạn gái tên là Trang thì gặp Trần Văn Hóa. Do đã thầm thương Trang, nên Hóa nói với Hiền rằng “Trang là hoa có chủ”, rồi lao vào đánh Hiền.
        Trưa ngày 25-2-2010, khi đến trường Hiền mang theo một con dao Thái Lan, để trả thù. Hai người gặp nhau, lập tức giao chiến. Hiền đã đâm trúng vào ngực trái đối phương, làm Hóa ngã gục xuống sân trường. Hóa chết, vì nhát đâm thủng tim và phổi.
                   (Thiên Phước, VNExpress 7-8-2010).
        * Ngày 9-6-2010, công an huyện Từ Liêm, Hà Nội đã bắt, tạm giữ 4 đối tượng: Hồ Như Quý (SN 1987, quê ở Gia Lai), Đường Thanh Luân (SN 1989, quê Thái Bình), Hoàng Như Sơn (SN 1990, ở Từ Liêm, Hà Nội), và Nguyễn Việt Anh (SN 1995, ở Từ Liêm) trong nhóm cướp “3 vạch”.
        Cầm đầu nhóm cướp này là Hồ Như Quý, sinh viên trường Trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Quý yêu cầu các thành viên trong nhóm phải cắt tóc cua sát da đầu, phía bên trái cạo ba vạch trắng để làm ký hiệu riêng.
        Băng cướp này chuyên dùng dao đe dọa người để cướp của, thường hoạt động tại các khu vực xung quanh sân vận động Mỹ Đình, các tuyến đường thuộc xã Mỹ Đình, Mễ Trì và thị trấn Cầu Diễn.
        Trong thời gian dài, chúng đã gây ra rất nhiều vụ cướp giật. Số tiền cướp được chúng dùng để mua ma túy tổng hợp sử dụng.
                   (Tiến Nguyên, Dân Trí 10-6-2010).
        * Ngày 7-4-2009, ông hiệu trưởng trường THCS Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, đã bị khởi tố, bắt giam vì hành vi hiếp dâm một nữ giáo viên.
        Trước đó, các cơ quan chức năng của huyện, UBND huyện Mang Yang đã đình chỉ chức vụ hiệu trưởng và các chức vụ trong đảng đối với ông hiệu trưởng trường Đê Ar, để phục vụ quá trình điều tra.
                    (Theo Pháp luật TP.HCM – VNExpress 8-4-2009).
        * Trịnh Trọng Phong, 15 tuổi, quê ở thôn 2, Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Tây là học sinh lớp 9 trường THCS Quảng Bị.
        Không ai có thể nghĩ, một học sinh măng tơ như thế lại nuôi dưỡng trong đầu những âm mưu đen đúa, ám muội… Để tiến hành “phi vụ” sắt máu, Trọng Phong sắm sẵn một con dao chọc tiết lợn.
        Đến ngày 5-1-2010, lúc 17 giờ 20, Trọng Phong thuê ông Bùi Văn Trạt (58 tuổi, trú tại Cao Dương, Thanh Oai, làm nghề chạy xe ôm) chở từ Hà Tây đi Chương Mỹ. Khi đến bờ sông xóm Đầm Kênh, xã Tốt Động, Chương Mỹ, Trọng Phong đâm ông Trạt một nhát (bằng con dao chọc tiết lợn) vào ngực phải, làm ông chết tức khắc… Rồi hắn cướp chiếc xe máy Dream của nạn nhân, chạy đi trốn.
        Được biết, qua hôm sau Phong đem chiếc xe vấy máu đó đến tiệm cầm đồ, thu được 1,5 triệu đồng, (một triệu rưỡi).
                    (Phúc Hưng, Dân Trí 19-1-2010).
        * Sáng ngày 1-3-2007, Bùi Đức Toàn, sinh viên khóa 28, khoa sư phạm, trường Đại học Cần Thơ cầm dao đến trường, chém, gây thương tích cho 5 thầy cô.
        Ngay sau đó, Toàn đã bị bắt, tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích.
        Tại cơ quan điều tra, công an quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ), Toàn khai: Do bất mãn trong việc học nên có hành động côn đồ như trên. Hắn nói rõ thêm, các bạn cùng lớp đã được nhận bằng tốt nghiệp, còn hắn phải học lại, do nợ điểm hai môn.
                    (Theo Tuổi Trẻ - VNExpress -3-2007).
        * Lúc 8 giờ 40, ngày 16-9-2010, Phạm Văn Hoàng (SN 1992, trú phường Đức Ninh Đông, học sinh lớp 10A5 trường THPT bán công Đồng Hới, Quảng Bình) đã dùng dao đâm chết Võ Nhật Hoàn (SN 1992, trú tại phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới) học sinh lớp 10A4 cùng trường.
        Theo nhiều học sinh cho biết, sau tiết học thứ hai, Văn Hoàng cùng Nhật Hoàn to tiếng với nhau, dẫn đến xô xát. Cao Đức Ngọc (lớp 12C2) vào can gián thì bị Văn Hoàng rút dao đâm vào vai, Ngọc bỏ chạy. Sau đó, Văn Hoàng tiếp tục đuổi theo Nhật Hoàn, và đâm một nhát vào sườn phải đối phương. Cú đâm này làm Nhật Hoàn qua đời.
                   (H. Hà, Người lao động 16-9-2010).
        * Thái Thị Thanh và Lê Ngọc Quân là sinh viên, bạn học cùng lớp, trường Đại học Y, thành phố Vinh, Nghệ An.
        Chiều ngày 20-2-2011, Lê Ngọc Quân (quê ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An) tới phòng trọ của người yêu là Thái Thị Thanh (quê huyện Yên Thành, Nghệ An) chơi. Hai người nấu nướng, ăn tối với nhau. Đến khoảng 22 giờ, anh chị đóng cửa phòng nói chuyện riêng. Tuy nhiên, chừng 15 phút sau, một số sinh viên ở các phòng bên cạnh nghe tiếng Thanh kêu la, (kêu không lớn lắm). Họ chạy đến xem. Nhìn qua khe cửa, họ thấy Thanh nằm bất động bên vũng máu lênh láng. Ngọc Quân còn ngồi cạnh đó, tay cầm con dao.
        Qua sáng 21-2, Thái Thị Thanh từ trần, do bị người tình cắt cổ đêm trước. Chưa rõ nguyên nhân thảm kịch.
                   (Nguyễn Duy, Dân Trí 21-2-2011).
        * Lúc 13 giờ 15, ngày 27-1-2008, tại trước cổng trường Hướng nghiệp tỉnh Gia Lai (ở phường Ia Kring, Pleiku) đã xảy ra vụ học sinh lớp 9 giết bạn cùng trang lứa.
        Thủ phạm là Nguyễn Xuân Quyết (SN 1993) trú ở tổ 8 phường Thống Nhất, TP. Pleiku (học sinh lớp 9 trường Tôn Đức Thắng, phường Thống Nhất) đang học lớp điện C3 tại trường Hướng nghiệp.
        Trước đó Quyết có mâu thuẫn với một số học sinh trường Hướng nghiệp, nên khi gặp Nguyễn Hà Nguyên (SN 1993, trú ở 155 đường Sư Vạn Hạnh, TP Pleiku), Quyết đã dùng dao Thái Lan đâm vào cổ Nguyên, làm em này chết tại chỗ. Nguyên là học sinh lớp 9 trường Nguyễn Hiệ, lúc đó em đến chơi với một bạn đang học tại lớp điện C3.
                   (Minh Hương, Dân Trí 30-1-2008).
        * Ông Nguyễn Thanh An (36 tuổi, hiệu trưởng trường tiểu học Phước Long C, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) tổ chức cuộc nhậu với Trần Việt Triều (29 tuổi, phụ trách văn thư của trường) và Bùi Thanh Đẳng (32 tuổi, giáo viên), là hai thuộc cấp của ông.
        Cuộc nhậu diễn ra tại phòng thư viện trường Phước Long C vào lúc 9 giờ ngày 24-6-2011, kéo dài đến 14 giờ… Trong lúc nhậu, ông An không giải được các câu đố (về toán) của ông Triều đưa ra, nên bị anh Triều chê: “Làm lãnh đạo, quản lý mọi mặt mà bài toán cấp 3 giải không ra. Hiệu trưởng mà ngu”.
        Tức giận vì câu nói của anh Triều, sẵn con dao (đập đá) gần đó, ông An đã lia một đường ngang cuống họng anh Triều. Vết cắt quá sâu, anh Triều chết tức khắc. Ông Thanh Đẳng nhảy vào ôm ông An để can, cũng bị ông An cứa một nhát vào cổ, phải bỏ chạy.
        Tờ mờ sáng 25-6, ông Thanh An bị bắt, sau 15 giờ lẩn trốn.
                   (Duy Nhân, Người lao động 26-6-2011).
        * Nguyễn Thanh Trúc (SN 1989, quê Kon Tum) là sinh viên, chuyên ngành lập trình, trường đào tạo Công nghệ Thông tin Aptech. Thanh Trúc quen biết với Hà Hùng Dinh (ngụ ở quận Thủ Đức) và N.A khi ba người chơi game online ở tiệm trong thời gian dài.
        Sáu tháng sau khi quen nhau, Thanh Trúc yêu N.A, nhưng N.A không đáp ứng, vì cô nàng đã có tình cảm với Dinh.
        Thanh Trúc rút lui, nên tình bạn của ba người (nhìn từ bên ngoài) vẫn bình thường… Tối 22-12-2009, Dinh chở Thanh Trúc đi ăn tối và uống cà phê. Sau đó, hai người đến một địa điểm vắng vẻ ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) để nói chuyện về cuộc tình tay ba, tưởng như đã cũ, của họ. Phần sau cuộc gặp này biến thành một trận cãi cọ nảy lửa… Bất ngờ, Hùng Dinh rút dao đâm Trúc, (tất nhiên con dao đem theo không phải tình cờ). Bị đâm trúng, nhưng Trúc chụp được dao, đâm trả nhiều nhát, làm Hùng Dinh gục chết (chết ngồi). Tiếp đến, Trúc lấy xe máy, điện thoại và tiền của tình địch. Ba ngày sau hắn bị bắt.
        Trong phiên tòa xử, tại quận Thủ Đức, ngày 6-5-2011, Nguyễn Thanh Trúc phải nhận án tử hình, về tội giết người, cướp tài sản.
                  (Ph. Dũng, Người lao động 7-5-2011).
        * Lúc 16 giờ 50, ngày 22-1-2008, tại cổng trường trung học Hồng Đức (phường Quang Trung, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) hai nhóm học sinh lớp 11 và 12 của trường lao vào đánh nhau do mâu thuẫn.
        Hậu quả là Nguyễn Tiến Dũng (SN 1990) trú ở phường Quang Trung, học sinh lớp 12A3, bị đâm vào ngực, chết ngay lập tức.
        Qua điều tra ban đầu, công an đã xác định được hai học sinh gây ra cái chết này.
                    (Minh Hương, Dân Trí 27-1-2008).
        * Tại trường THPT Ban Mê Thuột (lúc 15 giờ, ngày 14-1-2008), Vũ Hoàng Hiếu (SN 1991), học sinh lớp 11B8, đã dùng đá và gậy đánh thầy giáo Lưu Phước Mỹ gục ngay trên bục giảng.
        Trước đó, khi vào học tiết 1 môn toán của buổi học chiều 14-1, tại lớp 11B8 do thầy Lưu Phước Mỹ dạy, Vũ Hoàng Hiếu đã có hành vi không nghiêm túc (đứng xoãi chân, ưỡn ẹo) khi đứng lên chào giáo viên vào lớp. Khi bị nhắc nhở, Hiếu tỏ thái độ vô lễ, nên thầy Mỹ phạt Hiếu lên đứng trên bục giảng.
        Vào tiết học 2, thầy Mỹ gọi Hiếu lên trả bài. Hiếu lên, bất ngờ rút một cây gậy gỗ (giấu sẵn trong người) và một hòn đá đánh liên tục vào đầu thầy Mỹ, khiến thầy ngã gục trên bục giảng.
                    (Theo TTXVN – Dân Trí 15-1-2008).
        * Vào lúc 22 giờ 30, ngày 6-5-2009, Nghiêm Viết Thành (19 tuổi), trú tại phường Bình Hàn, TP. Hải Dương) bị bố mắng vì mải chơi điện tử và đi học về muộn. Tức giận, Thành lấy dao chém bố (ông Yên) chết ngay trong nhà. Sau đó, Thành chặt xác bộ thành nhiều mảnh, đem vứt xuống sông Sặt (phường Hải Tân, TP. Hải Dương) để phi tang.
        Bốn ngày sau, Thành bị bắt giữ, khi đang lẫn trốn tại TP. Nam Định… Trong phiên tòa sơ thẩm, tòa án tỉnh Hải Dương tuyên phạt Nghiêm Viết Thành mức án tử hình.
                  (Đăng Hùng, Người lao động 10-4-2010).
    
     2. VẼ NGƯỜI TANG THƯƠNG
                                                         Xếp chúng lại bên nhau
                                                          Ta có bức tranh vân cẩu.
                                                                           (Tùng Thiện Vương)
        * Vào khoảng 21 giờ 20, ngày 27-1-2012, Đỗ Quang Vinh (28 tuổi, ở xóm Bến Rước, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và ba thanh niên ở cùng xã đánh bi-a ăn tiền dưới hình thức bài lá tại nhà riêng của Vinh. Trong quá trình chơi, thấy Vinh thua và nợ tiền bạn bè, chị Bùi Thị Thúy (SN 1984, là vợ của Vinh) lên tiếng can ngăn. Tuy nhiên, Vinh vẫn tiếp tục chơi, và đến khi kết thúc đã bị thua 140 ngàn đồng.
        Khoảng 23 giờ 10, Vinh vào nhà đi ngủ. Chị Thúy dậy mắc màn cho hai con nhỏ, và khuyên chồng không nên sát phạt bằng trò bi-a. Đang ấm ức vì bị thua, lại nghe chị Thúy nặng nhẹ, Vinh nhảy lên giường đạp thẳng vào bụng vợ. Hậu quả, nạn nhân đập đầu vào cạnh tủ và ngã lộn nhào xuống đất.
        Chị Thúy được đưa đến bệnh viện Quân y 103 chữa trị, nhưng do vết thương quá nặng nên đã qua đời vào sáng 28-1-2012.
                    (Tùng Lâm, An ninh Thủ đô – Blog 24 giờ, 30-1-2012).
        * Đã không có công ăn việc làm, Nguyễn Văn Giác (ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) lại đắm chìm vào rượu chè. Ông thường xuyên đi uống rượu (bằng tiền buôn bán tần tảo của vợ), và khi về đến nhà, trong tình trạng say khướt, ông lại đánh chửi vợ, la mắng các con.
        Đêm 27-6-2009, đi nhậu về, ông Giác lại hành hạ vợ. Chứng kiến cảnh này, Nguyễn Minh Tùng (25 tuổi, con ruột ông Giác) chạy tới bênh mẹ, can ngăn cha, nhưng bị ông Giác đánh trọng thương ở mặt và đầu. Tùng vùng dậy, chạy xuống nhà dưới, chộp con dao thái rau đâm một nhát vào ngực cha. Ông Giác được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết do vết thương quá nặng.
                   (Danh Toại, VNExpress 29-6-2009).
        * Do cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, ông Đỗ Chí Tâm (SN 1975, Hưng Long 1, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang) lên Sài Gòn làm thợ hồ.
        Sau một thời gian,  bà Nguyễn Thị Nga  (vợ  ông  Tâm, SN 1970, ở Mỹ Hòa 3, xã Tân Hòa, huyện Phước Tân, An Giang) nghe phong thanh ông Tâm lăng nhăng với một phụ nữ… Sáng 8-4-2010, bà Nga cùng con gái đón xe lên Sài Gòn, tới thăm ông Tâm đang làm việc tại một cao ốc ở khu phố 7, thị trấn Nhà Bè.
        Đến 14 giờ cùng ngày, bà Nga và chồng cãi nhau dữ dội. Rồi, trong lúc nóng giận, bà Nga đã dùng dao đâm hai nhát vào bụng ông Tâm, khiến ông này chết tại chỗ, do bị đâm trúng bọng đái.
                   (Y. Thanh, Người lao động 9-4-2010).
        * Nguyễn Duy Hà (21 tuổi, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) quen Vũ Ngọc Lương (25 tuổi, ở phường Văn Chương, quận Đống Đa) trong một lần bỏ nhà đi lang thang.
        Đến ngày 15-12-2011, Lương đến nhà Duy Hà ở hẳn. Khoảng 16 giờ 40 ngày 22-12, do cần tiền tiêu xài nên Duy Hà nghĩ ra ý định tới nhà bà Nguyễn Thị Yên (SN 1945, ở ngõ 69, phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, là bác ruột của hắn) để vay tiền con gái bà. Hà cho rằng chị Minh Hiền, con bà Yên, làm ở ngân hàng nên sẵn tiền.
        Bà Yên vốn không ưa Duy Hà, nên khi mở cửa bà cầm sẵn con dao, cảnh giác cao độ. Trong nhà, Duy Hà đi tới đâu, bà Yên theo tới đó. Bực mình, Hà lớn tiếng quát tháo bà bác. Hai người lời qua tiếng lại, rồi Duy Hà cầm chiếc chày (để trên bệ bếp) đập nhiều nhát vào đầu bác. Xong, hắn cướp con dao trên tay bà Yên, đâm bà ba nhát. Nhá cuối, hắn đâm vào cổ bác ruột, và không buồn rút dao ra… Gây án xong, Hà còn lấy chiếc xe máy của chị Minh Hiền, cùng Ngọc Lương đem lên Thái Nguyên bán, ba triệu đồng.
                   (Chi Chi, Vietnamnet 26-12-2011).
        * Nguyễn Văn Dương (27 tuổi, quê ở Vũng Tàu) lên Sài Gòn làm công nhân, cùng vợ thuê phòng trọ (nằm trên tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân). Để giảm tiền phòng, vợ chồng Dương rủ chị Nguyễn Thị Sang (27 tuổi, là dì ruột của vợ Dương) về ở chung.
        Sáng 19-10-2010, sau khi vợ đi làm, Dương ngủ dậy hỏi chị Sang xin 50 ngàn đồng để đi uống cà phê. Thấy Dương không chịu làm ăn, lúc nào cũng chỉ bám vào vợ, chị Sang kiên quyết không cho tiền. Không xin được tiền lại bị dì vợ giảng dạy, Dương bực tức trong lòng, nảy sinh ý định trả thù… Nghĩ là làm, Dương dùng dao khống chế dì vợ, bị chị Sang chống cự, hắn liền quật chị xuống đất, bóp cổ đến chết… Thêm vào đó, sau khi sát hại dì của vợ, đứa cháu rể này còn thực hiện hành vi đồi bại với người đã chết… Rồi hắn lục bóp nạn nhân lấy 1,3 triệu đồng, ra chợ mua thùng xốp, nhét xác chị Sang vào, với ý định đón xe về miền Tây phi tang.
        Kế hoạch che giấu tội ác của tên bất nhân, vô luân không trọn vẹn, hắn bị bắt giữ trước khi lên xe.
                   (Thế Phong, Dân Trí 18-11-2010).
        * Tối 20-6-2009, Hoàng Văn Thạo (44 tuổi, ở xã Quang Hưng, huyện An Lão, Hải Phòng) đi chơi suốt buổi, và trở về nhà sau khi cãi nhau một trận với người thân. Anh ta không ngủ, lại gây sự, to tiếng với vợ.
        Rạng sáng, do bị mất ngủ, lại bị chồng dằn vặt, chị Mịnh (vợ Thạo) vùng dậy cãi nhau với Thạo. Hai người xô đẩy nhau tới bờ ao của gia đình. Tại đây, chị Mịnh đã đẩy chồng xuống ao, và ấn đầu anh ta xuống nước cho đến chết.
                   (Theo Công an nhân dân – VNExpress 29-6-2009).
        * Ngày 2-9-2010, sau khi đi uống rượu say về, Trần Ngọc Lợi (36 tuổi, ở xả Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) lên giường ngủ. Cùng lúc đó, em Mai Thu Huyền (15 tuổi) đưa cháo sang cho bà ngoại (là bà Phan Thị Nhỏ, mẹ Lợi). Bà Nhỏ đưa 40 ngàn đồng cho Huyền, nhờ Huyền đem tiền về để mẹ mua thuốc chữa đau đầu cho bà. (Mẹ Huyền là chị ruột Lợi).
        Nghe vậy, Lợi bật dậy chửi bà Nhỏ (Phan Thị Nhỏ, 83 tuổi, mẹ ruột của Lợi) và dọa sẽ đập chết mẹ nếu bà không đưa số tiền đó cho con trai Lợi. Vừa nói xong, Lợi lấy cái phích cắm điện chạy đến đánh vào đầu mẹ, rồi lấy ca nước sôi tạt vào người và mặt bà. Chưa dừng ở đây, Lợi bê nguyên phích đầy nước sôi dội tiếp vào người bà Nhỏ… Bà Nhỏ được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình.
          (Hưng Nguyễn, báo Pháp luật – Người lao động 16-9-2010).
        * Lúc 21 giờ 40, ngày 13-10-2010, chị Trần Thị Tuyết (xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) vừa đi thăm cha ruột về liền bị chồng là Lê Xuân Hưng (42 tuổi) đánh đập.
        Nghe tiếng con kêu cứu, ông Trần Vũ Thành (cha chị Tuyết) chạy qua can ngăn. Không ngờ, cậu con rể xuống bếp lấy dao lên rượt đuổi, chém cha vợ. Ông Thành bị chém đứt cẳng tay và tai trái, bất tỉnh. Hưng quay sang tiếp tục đánh vợ, đánh đến lúc chị Tuyết ngất xỉu.
        Cha con ông Thành được đưa đi cấp cứu… Đến ngày 17-10, chị Tuyết và ông Thành vẫn còn hôn mê.
        Vợ chồng Tuyết – Hưng đã kết hôn hơn 17 năm, có ba con trai.
                   (Đại An, VNExpress 17-10-2010).
        * Vào lúc 7 giờ ngày 24-12-2011, thấy trời nắng đẹp, Nguyễn Tường Duy (SN 1983, ngụ tại ấp Phú Thuận, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) bế con gái (4 tháng) ra ngoài sân phơi nắng – tắm nắng – Một lúc sau, vợ Duy bảo chồng bế con vào nhà, vì sợ nắng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cháu bé. Duy không nghe. Thấy chồng không chịu bế con vào nhà, vợ Duy nói, nếu Duy không ẵm con vào thì sẽ… làm đơn ly dị. Tiếp đến, hai vợ chồng cãi vã kịch liệt. Rồi trong lúc nóng giận, Duy ném thẳng đứa con gái (Ánh Ngọc) mới sinh 4 tháng) xuống nền gạch.
        Tuy được đưa đi cấp cứu ngay, nhưng do bị vỡ đầu, cháu Ngọc từ trần.
                   (Thu Hằng, Vietnamnet 2-12-2011).
        * Tối ngày 13-11-2010, Trần Thị Kim Yến (SN 1994, ngụ tại xã Bình Định, huyện Tân Trụ, Long An) đi chơi về rồi vào phòng thay quần áo. Khi đi ra phòng ngoài, Yến chỉ mặc áo, không mặc quần. Thấy con gái ăn mặc hở hang, ông Trần Văn Đẹp (SN 1951, cha ruột của Yến) lên tiếng mắng mỏ.
        Yến cãi lại ông Đẹp. Ông Đẹp tức giận tát Yến hai bạt tai. Bị cha đánh, Yến nổi sùng, lấy con dao nhọn đâm mạnh vào ngực ông Đẹp.
        Sau đó, ông Đẹp đã chết trước khi đến bệnh viện.
                   (Đặng Hương, Dân Trí 15-11-2010).
        * Rạng sáng 19-1-2011, trong lúc gia đình nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên báo Người lao động, thường trú tại thành phố Tân An, tỉnh Long An) đang ngủ thì bất ngờ có kẻ đột nhập vào nhà. Tên này đổ xăng lên người anh Hùng, châm lửa đốt, khiến anh bị bỏng nặng.
        Ngay sau đó, anh Hoàng Hùng được đưa lên bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, với vết bỏng chừng 70%.
        Dù được cứu chữa tận tình, nhưng anh Hoàng Hùng vẫn không qua khỏi. Anh từ trần do vết bỏng quá nặng… Hơn một tháng sau, Trần Thúy Liễu (vợ anh Hùng) đến công an đầu thú, nhận mình là kẻ đã đốt chồng, là người duy nhất gây ra tội ác.
        Vụ án gây chấn động xã hội trong thời gian dài. Dư luận không đồng tình về chi tiết chỉ có Trần Thúy Liễu là thủ phạm – Ở đây có những “uẩn khúc” dễ thấy: Bà Liễu và các nhân chứng thay đổi lời khai liên tục. Lời sinh cung của Hoàng Hùng (lúc nằm ở bệnh viện) không được đưa vào hồ sơ vụ án. Các đầu mối vụ này nằm trong tay bà Liễu. Bà ta còn sống sờ sờ, sao lần không ra?
        Được biết, Hoàng Hùng là phóng viên giỏi, năng nổ, đã viết được nhiều phóng sự điều tra hay, lật tẩy được nhiều vụ tham nhũng, làm ăn phi pháp nổi cộm trong mấy năm qua, được Hội Nhà báo TP.HCM khen thưởng… Vụ việc xảy ra đã lâu, nhưng đến cuối tháng 11-2011 vẫn chưa ngã ngũ.
            (Võ Hồng Quỳnh, Tuổi Trẻ online 30-11-2011 – Huỳnh Hải, Dân Trí 19-1-2011).
        * Tối ngày 18-4-2011, tại cánh rừng thôn Văn Non (huyện Lục Nam, Bắc Giang) Lý Văn Hậu đã dùng súng kíp bắn chết ông Lý Văn Phận, là chú ruột cùa mình.
        Trước đó, giữa hai chú cháu có mâu thuẫn lớn trong việc hùn tiền để khai thác than “thổ phỉ” tại khu vực rừng thôn Văn Non, xã Lúc Sơn. Hậu nghi ngờ ông Phận dùng số tiền chung đó để đánh bạc, thua nhiều. Hậu đã khuyên giải nhưng ông Phận không nghe.
        Đến tối ngày 18-4, Lý Văn Hậu lại nhận được tin ông chú ruột tiếp tục sử dụng tiền chung của hai người để đánh bạc. Hậu đến gặp ông để can ngăn. Tuy nhiên, ông Phận vẫn không nghe, nên Hậu đã nổi giận, bắn ông (bằng súng kíp) chết tươi.
                   (Lương Kết, Lao động online 28-4-2011).
        * Trần Thị Hiếu nghi ngờ chồng (Trần Văn Ban, SN 1970, trú tại thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) dan díu với một phụ nữ khác, và lấy tiền cho tình nhân, nên vợ chồng thường cãi cọ nhau.
        Chiều 29-10-2009, chị Hiếu nghi Ban lấy mười triệu cho bồ nhí, hai vợ chồng cãi nhau gay gắt. Cuộc đấu khẩu lên tới đỉnh điểm vào lúc 2 giờ sáng 02-11-2009, khi hai người đang sơ chế thịt heo, (Ban làm nghề giết mổ gia súc). Ban dùng một cây gỗ đập đầu vợ, làm chị Hiếu gục tại chỗ. Ban tiếp tục đánh bồi cho vợ chết hẳn. Rồi anh ta lấy dao chặt xác thành nhiều mảnh nhỏ, tống qua ống thông hơi, xuống hầm rút nước thải để phi tang, trước khi trốn ra Bắc. (Cặp vợ chồng này có ba con).
        Nhiều ngày sau, không thấy chị Hiếu, cũng không nghe chị cho biết phải đi đâu vắng nhà, em trai chị đến nhà Ban tìm. Anh này nhận thấy có nhiều dấu vết khả nghi ở lỗ thông hơi hầm rút. Ngày 31-12-2009, mọi người xúm lại phá nắp hầm rút, phát hiện xương chị Hiếu… Ngày 2-1-2010 Trần Văn Ban từ quê (ở Vụ Bản, Nam Định) vảo Nha Trang để đầu thú.
                   (V. Tạo, Người lao động 22-6-2010).
        * Nguyễn Văn Toàn (23 tuổi, quê Thanh Hóa) là sinh viên năm thứ 2, khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM.
        Toàn thuê nhà trọ trong làng đại học Thủ Đức. Ở cùng phòng với Toàn có Vũ Đình Linh (23 tuổi, vợ Toàn) và Vũ Đình Ngân (em ruột Linh).
        Toàn lười học, thường la cà các quán nhậu và ham chơi game… Ngày 22-8-2009, Toàn mở cuộc nhậu với nhóm bạn ngay tại phòng trọ. Đến 20 giờ tàn cuộc, nhóm bạn về, Toàn say mềm. Sau đó, Linh và Ngân đi làm về, thấy nhà cửa bề bộn, mùi ói mửa nồng nặc, nên tỏ ra bực mình. Toàn bảo Ngân dọn cơm ăn, nhưng Ngân bỏ lên gác ngủ. Nghĩ em vợ coi thường mình, Toàn đập nồi cơm và đổ thức ăn ra sàn nhà be bét. Ngân định bỏ qua phòng trọ khác ngủ nhờ. Nhưng Ngân vừa mở cửa đi ra thì Toàn lao đến, dùng dao nhọn đâm vào ngực Ngân… Ngân đã chết trên đường đến bệnh viện.
                   (Công Quang, Dân Trí 22-5-2010).
        * Ngày 3-2-2011, Nguyễn Văn Nhiệm (SN 1991, trú tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đi chơi Tết, rồi rủ một nhóm bạn về nhà uống rượu trước sân.
        Sau một hồi đánh chén, cảm thấy “phê”, Nhiệm xin bố là ông Nguyễn Văn Minh (SN 1957) mở nhạc để đãi bạn, nhưng ông Minh không cho. Một lát sau, khi thấy bố mẹ đi chơi nhà hàng xóm (ngày mùng 1 tết Tân Mão), Nhiệm mang máy hát ra sân, mở nhạc inh ỏi… Đến khoàng 21 giờ, ông Minh về, thấy vậy bèn rút ổ cắm điện ra, không cho mở nhạc nữa. Kế đó hai cha con cãi vã nhau.
         Trong lúc bực tức, khi cơn giận lên cực điểm, Nhiệm rút dao đâm một nhát vào ngực bố, khiến ông Minh gục ngay xuống đất… Ông Minh, sau đó, đã chết tại bệnh viện, vì vết đâm trúng chỗ hiểm.
                   (Xuân Hưng, VTC News 18-2-2011).
        * Lúc 8 giờ sáng ngày 25-1-2010, tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Tây, ông Đoàn Quang Hải (42 tuổi) đã bị em ruột giết chết.
        Nguyên nhân vụ án bắt nguồn từ chuyện tranh chấp tài sản trong gia đình. Hai người, dù là anh em, nhưng không nhường nhịn nhau, không ai chịu ai, nên sau một lúc kèn cựa, đã nổ ra cuộc hơn thua nóng bỏng… Đến giai đoạn “cao trào”, Đoàn Quang Hậu (40 tuổi, em ruột ông Hải) và con trai là Đoàn Văn Long (18 tuổi) dùng dao và cờ lê đâm và đập ông Hải tới tấp, làm ông này bị thương nặng.
        Cha con Quang Hậu bị bắt ngay tại trận. Ông Hải chết khi đưa đến bệnh viện.
                   (Phúc Hưng, Dân Trí 28-1-2010).
        * Do ăn ở không thuận hòa nên gần chục năm qua ông Nguyễn Huỳnh Đạo (62 tuổi, ở ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. HCM) đuổi Nguyễn Đức Thọ, con út của ông, ra khỏi nhà. Thọ ăn, ngủ ở ngoài cổng chùa, cách nhà 300 mét.
        Hiện nay Thọ bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, nhiều lần về nhà xin tiền nhưng bị ông Đạo từ chối, đuổi đi.
        Trưa ngày 20-1-2012, bà Văn Thị Huệ (mẹ Thọ) đi ra ngoài, ông Đạo ở nhà một mình. (Mấy năm gần đây ông Đạo bị tai biến, liệt nửa người, đi lại khó khăn). Đức Thọ mua xăng, đựng trong can nước khoáng, lẻn vào nhà, tưới lên người cha mình (đang ngồi trên ghế bố) châm lửa, thiêu cho đến chết.
        Sau khi châm lửa đốt cha, Đức Thọ chạy ra ngoài, gào lớn: “Báo công an đi, tôi đốt ông già chết rồi”… Theo bà con ở ấp 2, nhà bà Huệ như một dạng “gia đình cá biệt”. Ông Đạo đối xử với con ruột tàn nhẫn, ác, hẹp hòi. Đức Thọ thì man rợ, đại bất hiếu.
                   (Hoàng Lộc, Tuổi Trẻ online 20-01-2012).
        * Vào lúc 21 giờ, ngày 26-12-2010, tại xóm 7, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An, ông Nguyễn Bá Thịnh (SN 1958) xích mích với con trai là Nguyễn Bá Xuân (SN 1983).
        Ban đầu, chuyện không có gì nghiêm trọng, nhưng càng về sau càng nở lớn ra. Rồi, trong một phút không kiềm chế được mình, ông Thịnh rút dao đâm một nhát vào tim con. Bá Xuân ngã gục, nhưng ông Thịnh vẫn chưa buôn tha, đâm bồi thêm nhát nữa. Bá Xuân chết trên đường đến bệnh viện.
                   (Nguyễn Duy, Dân Trí 27-12-2010).
        * Bùi Quang Diểu (28 tuổi, trú tại xóm Thôi, xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) mâu thuẫn, cãi vã với vợ suốt buổi chưa vơi cơn tức, liền trút giận vào đứa con nhỏ. Anh ta đã thẳng tay ném đứa con trai 2 tuổi là Bùi Thanh Toàn xuống cái ao cạnh nhà, khiến cháu bé chết nước… Tiếp đó, Diểu quay về nhà lấy dao chém liên tục vào người chị Nguyễn Thị Định (21 tuổi, vợ của Diểu). Một người hàng xóm đến can gián cũng bị Diểu chém.
        Chị Định bị thương nặng. Chị và ông hàng xóm được đưa vào bệnh viện chữa trị.
                   (Quốc Đô – Người lao động 24-6-2011).
        * Do ham mê cờ bạc, Nguyễn Văn Tuấn (SN 1978, trú thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên) đem tất cả tiền bạc, xe gắn máy, nướng hết trong các sòng bài. Sạch tay, anh ta bỏ quê vào Sài Gòn bán xé số.
        Chị Đào Thị Kim Loan (SN 1981, vợ Tuấn) đưa hai con về sống với cha mẹ ruột… Từ Sài Gòn, Tuấn thường gọi điện thoại về xin chị Loan bỏ qua chuyện cũ, nối lại tình vợ chồng, nhưng chị Loan từ chối.
        Ngày 26-3-2011, Tuấn quay về Phú Yên, (mang theo con dao). Anh ta đến chợ Hòa Tân Tây, nơi chị Loan bán thịt heo, chờ. Khoảng 5 giờ rưỡi sáng, chị Loan chở thịt heo tới chợ, Tuấn bước ra chặn đầu xe, hỏi: “Sao nay chở thịt ra trưa vậy?”. Chị Loan không trả lời. Tuấn liền tát vào mặt chị. Ông Lành, người bán hàng gần đó, chạy tới can, nhưng Tuấn đẩy ông ra. Rồi một tay nắm tóc “đối phương”, một tay cầm dao, Tuấn đâm liên tiếp nhiều nhát, làm chị Loan chết ngay.
        Chị Kim Loan mất, để lại hai con còn nhỏ. Nguyễn Văn Tuấn nhận bản án tù chung thân.
                   (Đình Quế, Lao động 14-8-2011).
        * Tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, ngày 18-1-2012 người ta phát hiện bà Nguyễn Thị Thúy (59 tuổi, vợ ông Dương Đức Quyết) đã chết trên giường, đắp chăn ngang mặt, mọi thứ trong nhà không bị xáo trộn.
        Cảnh sát quận Hoàng Mai tổ chức khám nghiệm, thấy trên người bà Thúy có thương tích. Đặc biệt, cạnh xác còn có lá thư tuyệt mệnh của ông Quyết.
        Những người hàng xóm của bà Thúy cho biết, khoảng 6 giờ 30 ngày 18-1, họ nghe tiếng bà Thúy khóc. Hai tiếng sau, ông Quyết khóa cửa nhà, và lên xe máy đi. Sau đó, cùng trong ngày 18-1, cảnh sát nhận được tin báo: ông Dương Đức Quyết (64 tuổi) đã chết tại quê ở TP. Bắc Ninh.
        Theo nhận định ban đầu, ông Quyết sát hại vợ rồi tự tử. Có thể tìm thấy chìa khóa cho biết lý do đưa đến hai cái chết này, nằm trong lá thư tuyệt mệnh, nhưng ban điều tra chưa công bố.
                   (Nam Anh, VNExpress 20-1-2012).
        * Đinh Trọng Tú, 31 tuổi, trú tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình vừa bị bắt vì tội giết người. Điều đáng nói, nạn nhân vụ này chính là bà nội của hung thủ.
        Vào tối ngày 27-6-2011, Trọng Tú sang nhà bà nội là Đinh Thị D (83 tuổi) để chơi. Tại nhà bà D, Tú nói nhiều, huyên thuyên nên bà D không bằng lòng. Bà bảo Tú đi về, để bà ngủ. Bị bà nội đuổi, Tú cảm thấy “tổn thương”. Chính vì vậy, vài tiếng sau, lúc 2 giờ rưỡi sáng ngày 28-6, khi mọi người đang ngủ, Trọng Tú cầm dao chạy sang nhà nội, chém bà nhiều nhát, khiến bà D chết ngay.
                   (Linh Đan, Lao động 3-7-2011).
        * Thời gian gần đây, vợ chồng Nguyễn Thế Hùng – Cao Thị Liễu thường xuyên mâu thuẫn, xích mích nhau, vì anh Hùng hay uống rượu.
        Đêm 26-2-2011, anh Hùng lại đi nhậu, khi về say mềm, ngã bất tỉnh ở sau vườn. Thấy vậy, Thị Liễu bế chồng bỏ vào chuồng lợn, tưới xăng đốt. Đốt xong, chị ta đi ngủ. Khoảng 4 giờ sáng 27-2, thức dậy, Thị Liễu mang thi thể của chồng ra chôn ở góc vườn.
        Đến đầu tháng 4-2011, Cao Thị Liễu báo cho công an huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) là anh Thế Hùng mất tích. Qua ngày 11-4, chị ta khai với cơ quan điều tra: đêm 26-2 anh Hùng đi uống rượu về, bị trượt chân ngã ở giếng rồi chết, và mình tự chôn cất chồng… Có khá nhiều điểm vô lý, loanh quanh, bất minh, lúng túng trong những lời khai của Cao Thị Liễu, nên công an đã khai quật tử thi, và thấy rõ, anh Thế Hùng chết là do bị đốt.
                   (Nguyên Khoa, VNExpress 13-4-2011).
* * * * *
 -------------
Ghi chú:
       
        * Loại tin này quá nhiều, lủ khủ, đây chỉ ghi một ít, để quí vị “thưởng lãm”.
           - Một sự trùng hợp kỳ dị: có 2 vụ vợ đốt chồng, xảy ra cách nhau hơn một tháng. Ngày 19-1-2011, vợ Trần Thúy Liễu đốt chồng Lê Hoàng Hùng, ở Long An. Ngày 2-2-2011, vợ Cao Thị Liễu đốt chồng Nguyễn Thế Hùng, ở Nghệ An…
           Cùng Liễu, cùng Hùng, cùng An, cùng đốt. Bốn cùng. An mà không bình ./.