24 thg 3, 2014

BIỂN XA


        Các cặp vợ chồng đồng tính là những thực thể, có thật và trái tự nhiên. Những tên độc tài cũng vậy, chúng có thật, nổi bật, không tự nhiên.
Silvio Berlusconi

        CÀ PHÊ NÓNG: Cà phê vỉa hè. Sáng. Bốn nhân vật: Hớt tóc, Giáo viên, Hưu trí, Sửa xe. Già khọm. Hội nghị bàn nhựa. Đề tài nóng, mới xảy ra chưa quá 48 tiếng (12/12/2013): tướng Bắc Hàn Jang Song-thaek, dượng của chủ tịch Kim Yong-un bị tử hình.
        “Mới bắt hôm 8/12, ngó qua ngó lại đã bùm – Theo kiểu thượng cổ – Thanh trừng, như trước kia Mao khử Lâm Bưu, Lưu Thiếu Kỳ – Chính trị dạng phong kiến hiện đại thấy ghê… Cái này hơi giống vụ S. Hussein hạ sát gã con rể – Vậy là Jong Un bắt chước thầy Mao – Còn Mao làm theo đám vua quan trong sử Trung Hoa. Ôi, họ giết hại nhau để cướp ngôi, đoạt quyền đầy ra – Quyền lực nó khiến cho người ta… – Không đổ thừa nó, cũng là quyền lực sao bọn Tây… – Đây là do cách làm, cách nghĩ, gọi văn vẻ là truyền thống – Lạ, quái dị, nhớ mụ B. Bhutto không. Đã làm thủ tướng hai lần, có hơn tỉ USD nằm trong ngân hàng Thụy Sĩ, sống như tiên ở Anh, lại nổi hứng quay về Pakistan (định làm thủ tướng lần nữa), để chúng ám sát – Không cuồng không chính trị… Đâu chỉ một Bhutto, nhìn lão Berlusconi của Ý xem, quay đi quay lại, ôm cái ghế thủ tướng không biết mấy lần. Rồi nhìn gã Putin, cứ xoay như đèn cù quanh tổng thống với thủ tướng, oải! – Điên khùng, tham lam, tráo trở, nham hiểm là chính trị! – Nhưng nếu không có nó thì lấy ai… dẫn đường? – Ờ, giỡn mà thiệt, không có bọn họ, thiếu những trò đó thì xã hội tẻ nhạt biết bao! – Jong Un bụ bẫm dễ thương mà gớm nhẻ – Con nhà nòi – Nói gì nói, chơi mửng đó ớn quá ! – Kim nhóc tài cán gì mà ngồi trên cổ 24 triệu người? – Về học vấn, nó hơn hẳn Franco, Gaddafi, Hitler, Mussolini – Nhớ lại, lãnh vực chính trị có rất nhiều thành viên chết dữ: Gaddafi, S. Hussein, Mussolini, Hitler, Gandhi, N. Ceausescu, Zia Ul Haq. – Cũng có những gã (mặt sắt) chết trên giường: Tito, Pol Pot, Pinochet, Mao, Stalin, F. Marcos, Franco – Jong Un học ở Thụy Sĩ mà không hiền – Bản chất của nó, dù học trăm năm cũng chẳng bỏ được dòng máu đen!... Saif al Islam, con M. Gaddafi, học ở Anh thật lâu, chừng về nước vẫn ra sức giúp cha củng cố ngai vàng – Ở Syria, Bashar al Assad học ở Anh, lấy vợ Anh rồi nay cũng… nay cũng…! – Jong Un cao tay, sắt đá – Cao thấp gì, nó lạc hậu, man rợ. Nghĩ coi, cái ghế ấy quí đến mức nào mà giết anh em bà con – Báo Tây thường kể chuyện: năm 1998, trong một cuộc họp ở Bá Đa, S. Hussein hét lính lôi một người (có tội gì đó) ra khỏi phòng, đem đi treo cổ. Qua 2006 chính ngài bị treo cổ… Ngày 8/12 vừa rồi bé Jong-un cũng lôi tướng Jang ra khỏi phòng họp! – Bảy tỉ người trên đời không làm chủ tịch, vẫn sống khỏe – Nó không biết con người chỉ sống vài chục năm, chết triệu năm! – Tay này không thọ, để coi, rồi hắn sẽ chết như ông dượng Jang – Mới 2 năm, bé Kim béo phì đã nhảy vào nằm gọn trong sử xám thế giới, đây là dạng văn minh ngược.”
          (Ngô Tâm Châu, Nhân văn 21/12/2013).
        GIÓ ĐÔNG: Tháng 8/1965, trong một cuộc họp của bộ chính trị đảng CS Trung Hoa, Mao nói: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á (ĐNA), bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Tân Gia Ba, vì vùng này giàu có. Ở đấy có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém mà ta bỏ ra để chiếm lấy. Sau khi giành được ĐNA, chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Nga Sô – Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây”.
        So với các vùng khác trên thế giới, ĐNA là khu vực mà Trung Cộng có nhiều điều kiện thuận lợi lớn, như hậu thuẫn của hơn 20 triệu Hoa Kiều, như các chính đảng lệ thuộc CS Trung Hoa… Để thực hiện ý đồ của mình, họ xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược, phát triển kinh tế, đe dọa các đối thủ bằng quân sự, hứa hẹn viện trợ kinh tế để mua chuộc lôi kéo hoặc gây sức ép với các nước lừng khừng. Họ không ngần ngại xâm phạm lãnh thổ các nước yếu, nhỏ bằng trò xung đột biên giới, chờ cơ hội thuận lợi để ra tay đánh chiếm.
        Để làm suy yếu và nắm lấy VN, họ ra sức phá sự đoàn kết của ba nước Đông Dương (ĐD), cùng lúc họ xúi các nước khác chống VN – Bắc Kinh luôn rêu rao cái chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đầu năm 1974, với sự đồng tình của Mỹ (năm 1972 Nixon thăm Tàu, bắt tay Mao, Chu, buông bỏ Nam Việt) họ đánh chiếm Hoàng Sa, do quân Nam Việt trấn giữ, thực hiện chiến lược từng bước lấn chiếm biển Đông, khống chế VN, nhằm khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển này.
            (George Brummel, The Australian, 24/9/1986).
          ĐOÁN MÒ: Dân ta thường nói “số mạng”, nhưng thánh hiền xưa nói “mạng” chớ không nói “số”, như: “biết mạng trời”, và “người quân tử ở nơi bằng phẳng để chờ mạng”.
        Mạng là gì? Cứ theo lời người xưa, mạng là đại danh từ của sự không thể hiểu biết. Bây giờ các nhà nho nói: “mạng” là cái Trời định cho người ta từ hồi mới sinh ra, về sau giàu hay nghèo, sang hay hèn, thọ hay yểu, đều bởi đó cả, và con người không trốn lánh hay thay đổi được.
        Người ta đoán số bằng cách lấy “can chi” làm gốc, can chi là giáp, ất, bính, đinh… và tý, sửu, dần, mẹo… Đại để, muốn đoán số một người thì lấy những can chi của năm, tháng, ngày, giờ khi người ấy sinh ra, rồi dựa vào lẽ ngũ hành sinh khắc mà đoán biết tốt xấu. Thuật đoán số này nửa hoang đường nửa huyền diệu, thật khó biết. Xưa nay có nhiều người công kích nó, nhưng vẫn có vô số người tin – Vào đời nhà Thanh, ông Trương Gia Bình viết: “Thuật đoán số là lấy can chi ghép vào năm, tháng, ngày, giờ, sự ghép này bắt đầu từ đời vua Nghiêu. Nhưng cái năm đầu vua Nghiêu lên ngôi (trị vì) các sách nói khác nhau. Sách “Thông giám” viết: đó là năm giáp thìn, sách “Trúc thơ” nói là năm bính tý, sách “Lộ sử” bảo rằng năm mậu dần, mỗi nhà viết một phách, chẳng biết ai đúng. Cũng dễ hiểu, chuyện nay xảy ra mới mẻ mà đầu làng nói này, cuối làng nói kia, thì chuyện cũ mấy ngàn năm làm sao biết rõ. Vậy thì cái can chi ghép vào mỗi năm theo như lịch ngày nay chắc gì đúng? Khi cái gốc đã không đúng thì suy ra ngũ hành sinh khắc đều sai hết, làm cho sự đoán số không thể tin được”.
           (Vân Bằng, Thực nghiệp dân báo, Hà nội, số 3318, 6/1/1933)
        CHANCHU: Rạng sáng 18/5/2006, bão Chanchu (còn gọi bão số 1, Xang-sane) vượt qua Philippines, đổ vào biển Đông. Ban đầu nó đi theo hướng tây bắc, về phía tỉnh Quảng Đông (TQ), sau bẻ ngoặt qua tây nam, vào vùng bắc biển Đông, nơi có nhiều tàu thuyền của ngư dân miền Trung đang làm ăn.
        Đây là cơn bão mạnh, lại đổi hướng đột ngột, nên trở thành tai họa lớn. Số người gặp bão là ngư dân Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi làm nghề câu mực. Phần đông họ đã ra khơi từ hai, ba tuần trước. Đến trưa 20/5, tin sơ khởi ghi nhận: 7 tàu chìm tại vùng biển Đài Loan, 20 người chết, 184 người còn trôi giạt đâu đó – Qua chiều 21/5 các đội cứu hộ đã cứu được 42 người, tìm thấy 23 người chết, số người mất tích rất nhiều, chưa thể nắm được. Tang thương phủ trùm lên những làng biển tiêu điều từ Đà Nẵng đến Qui Nhơn.
        Đến chiều 24/5, 586 người may mắn thoát nạn đã về tới nhà. Mỗi ngày qua đi các con số thống kê thiệt hại lại tăng cao. Cuối ngày 26/5, tám ngày sau bão, số người chết và mất tích là 271. Riêng phần mất tích, Đà Nẵng có 71, Quảng Nam 148, Quảng Ngãi 24 người – Những làng chài vốn đã nghèo nàn, giờ đây xơ xác. Như làng Bình Tịnh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã thành làng góa phụ, 87 đàn ông trai tráng của làng ra khơi nay chỉ tìm thấy 7 xác, số còn lại mất tích.
        Mười ngày sau bão, chùa Phước Bình (xã Bình Minh) không lúc nào ngớt tiếng chuông mõ, tiếng thầy tụng kinh cầu siêu cho những người vắn số… Trong những căn nhà lều, tranh tre nứa lá, trên mấy trảng cát, người ta dễ dàng tìm gặp và nghe kể về các hoàn cảnh đau buồn thương tâm của những người vợ góa, những đứa con côi.
           (Hải Đăng, Hà Việt – Diễn đàn 4/6/2006)
        CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA
                             Chăn trâu đốt lửa trên đồng
                         Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
                             Mải mê đuổi một con diều
                         Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
                                                          Đồng Đức Bốn
        HẮC LÀ ĐEN: Khi Kim Jong Il lên làm lãnh tụ Bắc Hàn năm 1999, thay thế (cha) Kim Nhật Thành, ông ta được coi là chính khách bí ẩn. Vài năm sau khi nhậm chức, Kim trẻ cho thực thi chính sách mới, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, không đóng cửa kín bưng như cha, một số người thích thú, lên tiếng khen ông ta, mạnh miệng nhất là Trung Hoa.
        Kim Jong Il cao 1,58m, tướng ngũ đoản, tóc luôn húi cao, mặt mũi dưới trung bình. Ông ta thường diện bộ quân phục, đeo cặp kính râm to sồ. Bỏ qua các nhược điểm ấy, báo Tàu tâng bốc: “Ông là người có tâm hồn đa cảm, rất nghệ sĩ, đôi mắt tinh anh khác thường. Ông là nhà lãnh đạo thực tế, có tài phán đoán tốt, trí tuệ uyên bác, quyết đoán, cẩn thận.
        Nhờ sự tinh tế, nhạy cảm, lãnh tụ Kim viết được nhiều bài thơ hay và những vở kịch đặc sắc… Ngược với chuyện lớn, về việc riêng Kim gặp nhiều trắc trở. Trước sau, ông đã cưới vợ 5 lần. Trong số đó, cuộc hôn nhân lần 2 (với Chung Tuệ Lâm, ngôi sao điện ảnh) là đáng kể. Bà Chung sinh cho ông ta một quý tử: Kim Jong Nam. Jong Nam được giáo dục kỹ, được du học ở Thụy Sĩ, Liên Xô. Anh ta giỏi tin học, biết sáng tác văn thơ, thông thạo các tiếng Nga, Nhật, Pháp. Có thể thấy, Jong Nam sẽ là chủ tịch tương lai”. Nhưng về sau, một bất ngờ lớn xảy ra, Jong Nam bị cho ra rìa, do các lý do bí mật, (anh ta đã bay qua Tàu sống nhiều năm). Người kế vị Kim Jong Il là chàng Kim Jong Un bụ bẫm, 27 tuổi.
            (Quốc Long, Yonhap và Hải ngoại tinh vân 4/2002, 16/2/2012)
          * Nói đến Bắc Hàn ta nhớ ngay cảnh đám người (nhân dân) vật vã khóc lãnh tụ. Chắc họ nhớ công ơn cha con nhà Kim dẫn dắt, đưa họ vào chiếc rọ trung cổ huyền ảo.
        HỮU HẢO: Năm 1956 Trung Cộng lấn chiếm quần đảo Hoàng Sa lần đầu, lúc nơi đây còn do quân Nam Việt trấn giữ, (trong quá khứ người Việt làm chủ vùng biển này đã non 4 thế kỷ). Đến giữa tháng 1/1974, được sự thỏa thuận ngầm của Mỹ, Bắc Kinh tấn công mạnh, chiếm trọn Hoàng Sa.
        Sau 20 năm hòa hoãn, từ 1998 người Tàu bắt đầu để lộ ra ý đồ sắt thép, cho thấy họ sẽ dùng sức mạnh để leo thang cuộc tranh giành kho tàng của khu vực biển rộng lớn mà họ bảo là của họ. Họ cấm ngư dân Việt đánh bắt trên một số vùng do họ vẽ ra, có khu vực rộng đến 146.300 km2. Họ cho những đội tàu hải quân và hải giám lượn lờ tuần tra liên tục. Họ bắt giữ tàu thuyền VN, thu ngư cụ, nhiều ngư dân bị giam giữ hàng tháng, như cuộc bắt bớ ngày 10/6/2006. Bốn tàu cá của Quảng Ngãi với 54 người bị bắt ở gần đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Gần ba tuần sau, số ngư dân này phải nộp phạt 290.000 tệ mới được thả về. Sau đó, giữa tháng 8/2007, để tránh một cơn bão mạnh, 18 chiếc tàu của dân Bình Sơn (Quảng Ngãi) chạy vào Hoàng Sa ẩn nấp, đã bị lính Tàu bắn xối xả, không cho vào. Đã vậy, khi bão tan, họ còn ùa ra lục soát, đánh người, thu lưới và máy móc… Đây chỉ là các vụ tiêu biểu trong hàng trăm vụ lính Bắc Kinh bắt nạt người Việt.
          (Xuân Vinh, theo Dân chúng – Nhân văn, 19/10/2007)
        KỲ BÍ: Thống chế (nguyên soái) Josip Broz Tito chết ngày 4/5/1980, 87 tuổi. Trước đó, trong thập niên 1970, khi Tito ở độ tuổi 70, người ta vẫn còn “nghiên cứu” xem ông ta là người nước nào. Đây quả là nhân vật chính trị có tiểu sử đặc biệt, bí ẩn.
        Có tài liệu ghi, Josip Tito sinh năm 1892 tại Balkans, nhưng trong nhiều sách khác lại bảo ông ta trẻ hơn cái tuổi đó, là người gốc Nga hoặc BaLan, không phải ra đời ở vùng Balkans. Rồi thêm: Dù Tito làm tổng thống Nam Tư từ năm 1945 đến 1980, nhưng không phải người Nam Tư, bởi ông ta nói tiếng Serbia – Croatia nhưng có pha giọng nước ngoài.
        Josip Tito là con một người thợ rèn ở Croatia, (ông ta sinh ra lúc Croatia còn nằm dưới quyền đế chế Áo). Trong thế chiến I Tito gia nhập quân đội Áo, chống lại Nga. Năm 1920, sau chiến tranh, Tito quay về Croatia thì xứ này đã thành vương quốc Nam Tư. Đây là nước chứa 5 nhóm dân khác nhau, như 5 nước nhỏ – Năm 1921 Josip Tito lập đảng cộng sản Nam Tư. Năm 1941, thế chiến II, Đức Quốc xã xâm chiếm và cai trị Nam Tư. Tito chiêu mộ lính, khai sinh các đội quân kháng chiến, đánh du kích. Sau nhiều năm, cuốn theo guồng máy chiến tranh thế giới, Nam Tư đánh đuổi được quân Đức. Tito thiết lập một thể chế cộng sản, lúc đầu điều hành theo kiểu Nga Xô, về sau biến cải dần, thành một thứ cộng sản mới, không giống ai, một loại độc tài mềm dẻo.
        Tito đưa Nam Tư theo đường lối tự lực cánh sinh. Cách điều hành đất nước của ông ta rất lạ, khiến các “nhà quan sát chính trị” ngạc nhiên. Nhưng tổng thống suốt đời Tito không được phương Tây lẫn phương Đông ưa thích. Đáng nói hơn cả, về sau, lớn tuổi, ông trời con này mắc bệnh vĩ cuồng. Ông ta ham mê các chức danh, huân chương, mê say danh vị, thích nghe cấp dưới ca tụng. Ông ta nhận trọn mọi chức viện sĩ của tất cả các viện hàn lâm Nam Tư, ôm hết mọi nhãn mác tiến sĩ danh dự của mọi trường đại học, lãnh hết các thứ huân chương cao mà Nam Tư có (trong đó có 3 danh hiệu anh hùng liên bang). Tito nghĩ mình siêu phàm, nhưng có một nguy cơ lớn nằm bên lưng mà ông ta không thấy: mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo nằm im đó, nó sẵn sàng bùng nổ khi có dịp thuận lợi.
           (Hoàng Kim, Daily Telegraph, 3/8/2007).
          * Mấy anh yêu độc tài bảo rằng, Tito chết Nam Tư tan rã. Tiếc nuối. Các anh không biết, hay cố tình quên, những gì các vị độc tài làm đều mang tính tạm bợ, bởi nó áp đặt, trái tự nhiên. Trái tự nhiên như các cặp vợ chồng đồng tính.
        DỰ ĐOÁN: Sau khi ngủ đông suốt 75 năm, những năm vừa qua Việt Nam thức giấc. Dân chúng và các nhà đầu tư ngoại đặt nhiều kỳ vọng vào đây. Tuy nhiên, sau vài năm bon chen tranh đấu, với quá nhiều lỗi lầm và một tư duy đầy ảo tưởng, con rồng Việt bị vấp té, và có lẽ đang muốn quay lại ngủ tiếp.
        Việt Nam đang là thiên đường cho các con ông cháu cha, các thái tử đen đỏ, các đại gia sân sau của thế lực chính trị, vì đây là nền kinh tế dựa trên quan hệ. Khi sử dụng cơ chế để làm lợi thế cạnh tranh, thì ngay cả các công ty đa quốc bài bản nhất cũng phải chào thua.
        Các cá nhân hay doanh nghiệp làm việc hay gia công cho khu vực FDI (đầu tư nước ngoài) sắp tới đây sẽ an tâm với sự tăng trưởng hàng năm của khu vực này. Người Việt có thể học hỏi các kỹ năng, kinh nghiệm và quan hệ quốc tế của các công ty FDI – Trong suy thoái, các doanh nhân có thể khám phá ra nhiều giải pháp sáng tạo và sẽ lĩnh hội một tinh thần năng động để tiếp tục bước tới – Dự đoán, xu hướng chung của kinh tế 5 năm tới: Phân khúc FDI sẽ tăng trưởng mạnh, các công ty FDI sẽ tạo một khoảng cách càng ngày càng xa với các doanh nghiệp nội. Nếu TPP (Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương) được phê chuẩn sẽ tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho ngành may mặc, giày dép, nội thất. Nhưng, bên mặt trái, TPP đòi hỏi các ngành nghề khác phải điều chỉnh…
           (Alan Phan, “Ra đi hay ở lại”, blog Alan Phan  18/12/2013)
        ĂN THỊT: Một tin kinh khủng vừa cho biết: dân Bắc Hàn đang chuyển sang ăn thịt người. Tin này được Asia Press tung ra, và được xuất bản trên Sunday Times.
        Họ nói, có một nạn đói trong những tỉnh nông nghiệp bắc và nam Hwanghae (nằm ở phía nam thủ đô Bình Nhưỡng), đã làm chết gần 10 ngàn người – Trong một báo cáo khác, người ta đọc thấy chuyện một người đàn ông đào những đứa cháu nội (đã chết) của mình dưới các nấm mồ lên để ăn. Trong các tin khủng khiếp khác có chuyện những người đã luộc các con (đã chết) của mình rồi ăn, vì quá đói – Bắc Hàn không xác nhận cũng không bác bỏ các tin này.
            (Diên Vỹ dịch theo The Independent, quechoa.vn 29/1/2013).
        LÊN TIẾNG: Ngày 19/1/2014 là tròn 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (VN), 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh anh dũng – Ngày 14/3/1998 chúng lại tấn công, chiếm đóng một phần quần đảo Trường Sa, giết hại 64 chiến sĩ ta. Cạnh đó, chúng liên tục đánh đập, bắn giết và cướp đoạt tài sản của ngư dân miền Trung VN trong nhiều năm.
        Từ đầu năm nay, Bắc Kinh (BK) ra lệnh: các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chúng khi đánh cá ở biển Đông, coi đây như ao nhà của chúng – Là người VN, ai không đau lòng và tức giận trước việc giặc chiếm đóng các vùng biển đảo của mình – Là người VN, ai không đau buồn, căm giận khi thấy ngư dân mình không được đánh cá trong biển của mình và biển quốc tế – Là người VN ai không xót xa khi thấy giặc đánh đập, cướp phá tài sản, giết ngư dân đồng bào mình.
        Nhân ngày 19/1, chúng tôi tổ chức biểu tình tố cáo các hành động xâm lược, cướp của, giết người tàn bạo của bọn bành trướng BK… Giờ tập họp: 9 giờ 45 sáng 19/1/2014, tại địa điểm Toritsu Aoyama Koen – Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người VN sinh sống và học tập tại Nhật Bản cùng tham gia cuộc tuần hành ngày chủ nhật này.
          (Huỳnh Công Minh, đại diện ban tổ chức, tại Nhật – quechoa.vn  17/1/2014)
        NGÃ SÁU
                   Ngã sáu chia ra sáu ngã
                   Anh đón em về, về không
                   Đứng dưới tượng đài Phù Đổng
                   Láo liêng con mắt Sàigòn.
                                                Linh Phương
        A/ NHÀ TRỌ CỦA CHIM: Ngọn núi đá Diamante nằm ở phía nam đảo Martinica, nó cao ngất, đơn côi, tựa như một người lính gác biển.
        Đây là núi cấm, không ai được đến. Lệnh cấm ghi rõ, không được săn bắn, xây cất nhà cửa và cày cấy gieo trồng quanh núi. Bọn chim biết rõ điều đó và chúng hẹn gặp nhau tại núi này. Từ những miền xa xôi chúng đến đây rồi bay đi, và ngọn núi đá Diamante là điểm gặp gỡ của mọi đường bay, là nơi bọn chim gặp nhau để hoan lạc – Cầu vồng mọc bên trên núi đá rất nhiều lần. Cầu vồng rong chơi không ngừng nghỉ từ chân trời này đến chân trời kia trên bầu trời vùng biển Antidat. Cầu vồng ngao du nhiều, nhưng núi Diamante lại đi nhiều hơn vì nó bay trên những cánh chim của mình.
        B/ LỊCH SỬ NHÂN LOẠI: Có một lần, lần đầu tiên, cái cánh đầu tiên xuất hiện trên lưng một con vật (nào đó). Cái chi thể ngắn cũn ấy muốn trở thành cánh và thế là nó thành cánh, cái cánh đầu tiên. Và một con vật (nào đó) đã bay vòng lượn đầu tiên trên bầu trời thế giới. Rồi sau đó rất lâu, một con vật khác, con vật người, lần đầu tiên vươn thẳng người, và bốn chi của nó biến thành chân, tay. Nhờ có chân, đôi cánh tay được tự do và có thể sáng tạo. Thế là lần đầu tiên con vật người đứng thẳng và bằng đôi cánh tay, nó dựng cái nhà đầu tiên, tốt hơn hẳn tán cây hay hang đá nó gặp trên đường đi. Nhờ đứng thẳng trên hai chân, con vật người phát hiện ra rằng có thể làm tình với nhau bằng cách mặt đối mặt, môi kề môi, và thế là đàn bà và đàn ông biết đến niềm vui nhìn thẳng vào mắt nhau trong lúc tay cuốn lấy tay, chân cuốn lấy chân… Điều này xảy ra 4,2 triệu năm trước đây, trước rất lâu ngày người ta sáng tác ra các thứ luật, các loại tiền, và ổ khóa.
          (Eduardo Galeano – Paraguay, 1942 – Nguyễn Trung Đức dịch, Dân Việt số 78, 18/10/1986)
        KHÔNG VỀ: Tàu cá QNg. 90789-TS của anh Đinh  Dũng (48 tuổi – ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) là tàu lớn, trị giá 2,2 tỷ. Ngày 8/9/2013, tàu này đưa 14 ngư dân ra khơi, chạy vào đánh cá ở vùng biển Trường Sa (Khánh Hòa). Rủi thay, đó là chuyến đi cuối cùng của nó.
        Sáng 13/10 cơn bão số 11 đổ bộ vào vùng Trường Sa. Trước đó, từ trưa 12, qua thông tin trên radio, tàu bè trên biển đã cuốn lưới vội vã chạy tránh bão. Anh Dũng báo về cho gia đình biết tàu anh đang tìm chỗ trú ẩn. Anh gọi về nhà ba lần, mỗi lần chỉ nói vài câu ngắn, rồi sau đó im bặt.
        Bão tan, tàu thuyền lần lượt về bến, riêng tàu anh Dũng vẫn biệt tăm. Những ngày đầu, tuần đầu gia đình, vợ con những ngư dân mất tích còn mong chờ, hy vọng nhưng trông mãi vẫn không thấy gì. Đến ngày 24/11 (41 ngày sau bão), chị Võ Thị Mai, vợ anh Dũng, đã lập bàn thờ, để nhang khói cho chồng và 2 con. Đại nạn, hai con trai anh Dũng cùng ra khơi với cha trên con tàu định mệnh.                            (Châu Thuật, Sàigon mới 28/11/2013)
        MIẾN ĐIỆN: Năm 1962, cuộc đảo chánh quân sự xảy ra, đưa Myanmar vào vòng tay của chế độ độc tài, Thein Sein nằm trong số các tướng lãnh chủ chốt của cuộc binh biến. Giai đoạn chìm đắm trì trệ này của Myanmar kéo dài, thật dài, đến cuối thu 2012 mới chấm dứt, thay đổi, một cuộc lột xác bất ngờ, lạ như cổ tích.
        Năm 2007 Thein Sein giữ chức thủ tướng trong chính phủ quân sự. Ngày 30/3/2011 “Hội đồng nhà nước” tự động giải tán, Thein Sein trở thành tổng thống của chính phủ dân sự, thể chế mới. Vừa mới là Tổng tư lệnh quân đội, chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia, Thein Sein chuyển qua một vai trò khác, dễ dàng, mau lẹ, không vấp váp, là người đứng đầu của cuộc cải cách chính trị có tính chất lịch sử.
        Người ta nói, sau cơn bão Nargis năm 2008, khi ngồi trên trực thăng thị sát vùng bị ngập lụt, trong đó có ngôi làng của ông, Thein Sein nảy ra ý cải cách, phải thay đổi mạnh để đất nước tiến lên – Từ ngoài nhìn vào, người ta dễ nghĩ Thein Sein là gã ba phải, chuyện gì cũng gật đầu. Những người quen ông mô tả Thein Sein ít tham vọng, ăn nói không lôi cuốn, nhưng được cái ngay thẳng và thật thà. Có kẻ gọi ông là “ngài trong sạch” bởi ông ít tham nhũng. Cái sự sạch sẽ này thể hiện rõ ở ngôi làng quê nghèo nàn của ông, làng ấy vẫn cứ nghèo dù con dân Thein Sein đã là một ông lớn trong gần 30 năm, (việc này khác hẳn các ông lớn Myanmar khác). Các nhà nghiên cứu chính trị thì nhận xét, vị tổng thống đặc biệt này mềm mỏng, hiền hòa và cẩn thận. Đây chính là các đức tính của người Myanmar.
        Thein Sein sinh năm 1945 trong một gia đình nghèo khổ. Vùng Kyonku, quê ông, tới nay vẫn chưa có điện. Cha ông sống qua nhiều nghề: nhà giáo, dệt chiếu, bán bánh mì, cu li ở bến tàu. Thein Sein vào quân đội sớm. Bằng sự cần cù và nghị lực, vừa qua tuổi 40 ông đã mặc áo tướng lãnh – Trong việc cải cách, mở cửa Myanmar, thành tựu lớn nhất của Thein Sein là việc công nhận lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi… Các báo kể lại, khi Thein Sein mời bà Aung San Suu Kyi vào dinh tổng thống (tháng 8/2011), bà thấy một bức ảnh khổng lồ của cha bà (ông Aung San, anh hùng dân tộc của Myanmar) trong phòng tiếp khách. Thein Sein bắt tay bà dưới bức ảnh ấy. Bà Aung San Suu Kyi nói, bà tin Thein Sein sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc cải cách. Bà và ông ấy đồng tuổi.
          (Christoph Hein, Phan Ba’s blog 14/12/2013)
        CẤM: Mới đây, Trung Hoa (TH) đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam (VN).
        Họ cấm đánh bắt cá từ ngày 16/5 đến 1/8/2007, tại những vùng biển kéo dài từ 12 độ vĩ bắc lên trên 20 độ vĩ bắc, tức từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của VN đến đảo Hải Nam của TH. Đó là ngư trường truyền thống (lâu đời) của bà con làm nghề cá ở miền Trung nước ta. Nhưng giờ đây, trước những diễn biến phức tạp, những con thuyền phải tạm thời ngừng ra khơi.
        Ngày 9/5/2007, TH điều các tàu ngư chính xuất phát từ đảo Hải Nam để bắt đầu đợt tuần tra mới ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trong thời gian 12 ngày, nhằm mục đích ngăn cản ngư dân VN đánh cá… Đã xảy ra nhiều vụ tàu TH xua đuổi tàu đánh cá VN tại các vùng biển mà từ bao đời nay vẫn là hải phận của VN.
          (Xuân Đoàn, Chính trị XHQT 11/8/2007)
        LÙN VÀ THẤP: Đặng Tiểu Bình (ĐTB, 1904 – 1997) là con một sĩ quan cấp thấp ở Tứ Xuyên (cách Trùng Khánh 60 dặm). Mẹ chết sớm, ba anh em Đặng sống với người kế mẫu.
        Thời trẻ Đặng không có gì nổi bật, (cao 1,56m, cục mịch, quê mùa). Mãi đến sau đại hội Tuân Nghĩa, Đặng gia nhập nhóm của Mao, đời anh ta mới sáng sủa.
        ĐTB học trung học tại Trùng Khánh. Năm 16 tuổi, cùng một toán 92 sinh viên, Đặng qua Pháp du học. Tại Paris, lúc đầu Đặng làm việc cho hãng xe hơi Renault, sau đó làm cho công ty xe lửa. Trong thời gian ở Pháp, Đặng sống khổ sở, thường phải nhịn đói. Về sau anh ta thường kể lại: “Tôi sung sướng khi có tiền để mua một cái bánh Croissant và một ly sữa”. Mấy năm du học Đặng phải làm việc nhiều, chẳng học hành mấy. Đặng gia nhập cộng đảng Trung Hoa tại châu Âu, do Chu Ân Lai lập. Năm 1926, Đặng trở về Trung Hoa. Mấy năm đầu ở quê, ông ta làm việc với sứ quân Phùng Ngọc Tường, sau chuyển về Vũ Hán, rồi đến Thượng Hải hoạt động trong bóng tối. Năm 1929, Đặng được thăng lên chức chính ủy của quân đoàn đệ thất, gọi quân đoàn nhưng đây thực chất là đoàn du kích.
        Đời ĐTB đầy những lúc lên voi xuống chó. Ông ta bị hạ tầng công tác nhiều lần, đi đày nhiều lần. Về sau, khi Chu Ân Lai bị ung thư gần chết, Đặng đang bị thất sủng (do cuộc CM văn hóa) Mao phục chức cho ông ta. Mao khen “Đặng là cây kim bọc trong bông gòn”, nghĩa là một người sắc bén nhưng tế nhị kín đáo. Mao còn nói: “Tâm trí ĐTB tròn nhưng hành động rất vuông”. Khi Mao phát động cuộc trường chinh thì Đặng không còn bị đày đọa nữa, ông ta được Mao giao cho nhiều chức vụ quan trọng. Ngôi sao của Đặng ngày càng sáng chói trong lúc vai trò của Lý Đức, cựu tư lệnh hồng quân, ngày càng lu mờ.
          (James Holmes, Vạn Lý dịch, The Diplomat 20/3/2011)
        * Đọc tiểu sử bọn độc tài, đông sang tây, xưa tới nay, người ta thấy chúng có 7 điểm giống nhau lớn, trong đó có: khả năng, tài trí thực của chúng lẽ ra chỉ ngang bậc quận trưởng, tỉnh trưởng, lại làm quốc trưởng.
       
        LÊNH ĐÊNH:
        Chị Lê Thị Mỹ nhà ở ấp Hải Hà 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa) nói: ở đây có bốn khu phố nằm gần bãi biển với đa số cư dân là người tứ xứ, phần lớn từ Trà Vinh, Sóc Trăng dạt về đây sau trận bão số 5, tháng 11/1997.
        Phụ nữ ở làng chài, ngoài chuyện nội trợ, còn làm các việc: bán cá, vá lưới, làm cá. Công việc chạy theo mùa, bấp bênh, thu nhập thấp. Lam lũ quanh năm nhưng ai cũng nghèo, trong đó nhiều người còn bị rơi vào tình cảnh đen đúa – Chị Ngô Thị Tuyết, nhà ở tổ 12, Hải Hà 1 có 3 con trai mất tích trong vụ chìm tàu ngày 12/10/2010 kể, các con chị ra khơi mỗi đợt kéo dài một, hai tháng. Biển cả ẩn chứa nhiều bất trắc, nên ở nhà chị luôn van vái trời phật cho biển yên, gió lặng, bụng dạ lúc nào cũng bồn chồn, vậy mà tai ương vẫn ập xuống. Gần nhà chị Tuyết có chị Võ Kim Oanh (quê Cà Mau) cũng gặp bất hạnh lớn. Hai con chị là Hà Hữu Lộc, Hà Văn Giàu giỏi dang, mê nghề biển giã, theo tàu đi làm ăn xa từ năm 16 tuổi, nhưng rồi hai cháu đã đi không về trong cú tai họa cùng năm với các con chị Tuyết. – Điểm chung của phụ nữ ở đây: đa số không có giấy tờ tùy thân, học hành phập phù và cơ cực.
          (Lữ Anh, Đàn chim Việt – Tin mới, 20/3/2011)
        LỤC BÌNH
                         Có một loài hoa – Vừa đi vừa nở
                         Em lấy chồng rồi – Anh ở vậy thôi
                             Nữa mai – Thương đứng nhớ ngồi
                         Biết loài hoa ấy – Vừa trôi vừa buồn.
                                                          Cao Vũ Huy Miên
        ĂN RỒI PHÙ HỘ: Cái tục cúng tế ở xứ ta toàn là bắt chước người Tàu, từ nhà vua tế giao (tế trời đất) tế tông miếu (tế tổ tiên của vua) cho đến dân gian mỗi ngày giỗ kỵ, chạp mã, cầu yên đều theo sách vở lễ nghi của người Tàu bày ra mà làm hết.
        Việc cúng tế ở xứ ta, nếu tách ra mà xem thì thấy trong đó phức tạp lắm, nhưng hết thảy mọi sự cúng tế đều do nhà nho bày vẽ. Như các lễ tế giao và tế tiên tổ, nghĩa của nó là để nhớ lại cội gốc, “muôn vật gốc bởi trời, người ta gốc bởi tổ”, việc cúng tế để nhớ cái gốc ấy. Nhưng cái nghĩa đó trong xã hội ta ít người hiểu. Họ tưởng rằng cúng tế cho quỉ thần hưởng những phẩm vật dâng lên, khi hưởng rồi thì ban phước cho người cúng.
        Sự cúng tế ở xứ ta lằng nhằng. Có nhiều phe nhiều kiểu cúng. Phe thầy chùa, phe thầy phù thủy. Trong những sự làm chay, tiếu tạ, cúng âm hồn thường có đốt áo quần bằng giấy, đốt giấy tiền vàng bạc, đều có ý muốn cho kẻ chết no ấm, để nhờ họ ban ơn cho kẻ sống. Cái ý ấy nguyên trong đạo Nho không có – Trong sách “Luận hoành” Vương Sung viết: người đời tin việc tế tự, cho rằng ai cúng tế sẽ được phước. Bởi vậy, khi có bệnh hoạn, bói ra, liền sắm đồ cúng quảy, cúng xong thấy trong lòng thơi thới. Đó là tự cái lòng, mà người ta lại cho rằng nhờ cúng quảy. Nhiều người nói, người chết có biết, quỷ thần cũng uống ăn, mình cúng quỷ thần cũng như mình đãi tiệc khách khứa, khách ăn xong, cảm ơn chủ, quỷ thần hưởng của cúng thì sẽ ban phước cho tế chủ. Thật ra thì sự cúng tế chỉ là tự mình muốn, chứ quỷ thần nào có ăn uống gì đâu.
          (Thượng Minh, Đông tây, Hà nội, số 155, 16/3/1934).
        HOÀNG SA 1974:
                   Nhớ các anh xưa
                   Tuấn tú khôi ngô
                   Thông minh lanh lợi
Ruộng đồng cùng nương rẫy, bờ tre xóm bãi cày cấy sớm trưa
Mấy trăm năm chuyên cần, hai vụ mùa màng, mở mang lễ nghĩa
Trời biển Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Bao thế hệ, nguyện thề, giữ đất giữ biển, giữ chủ quyền người Việt
Tình anh em mặn mà, đằm thắm, trông nước non vời vợi, hẹn ước đinh ninh.
Tuổi thanh xuân hăng hái, nồng nàn, nhìn tháng ngày tương lai, mong chờ phơi phới
Rằng hay,
Hàng trăm năm giữ đảo, đào giếng, dựng chùa, lượm thu sản vật.
Chinh phu bao lớp, đem thân tạc định giữa thiên thanh.
Bao người đi, được mấy kẻ về,
Linh thiêng hóa thành chim báo dữ.
Giặc cướp đảo lăm le, tấm thân này nào há tiếc,
Lũ bá quyền hùng hổ, mưu gian nọ hãy diệt trừ.
Sóng dâng trào, lao mình trong lửa đạn, hiến thân cho nước nào quản nguy nan.
Biển nổi giận, cản bước chiến hạm thù, quyết liệt tấn công, sá gì đêm tối
Người xông lên đảo, nhảy vào vòng vây, xả súng chống trả, làn khói đạn che mặt trận đen sì.
Người hướng mũi tàu, xông giữa quân giặc, ngang dọc tấn công, dòng máu đỏ thắm loang miền biển cả.
Trúng thương, bị đạn, vẫn hiên ngang chống lũ hung tàn.
Hạm vỡ, tàu chìm, nghĩa khí quyết không rời trận địa.
Thân chiến binh, phơi xác bãi sa trường,
Khói sóng mù khơi mông mênh bể nội.
Hồn chiến sĩ chơi vơi miền u tịch, mây trôi gió nổi lãng đãng quê hương.
Giận vì bọn xâm lược, để lại con thơ mẹ già, ưỡn ngực ra chống giữ,
Cảm thay lòng ưu ái, đem theo chí lớn súng gươm, sống mái với quân thù.
Giáp Dần 74, nhật nguyệt Hoàng Sa bi tráng đi vào lịch sử.
Giáp Ngọ hôm nay, núi sông, trời biển, hào hùng ghi nhớ công ơn.
Hỡi ôi!
Vì nước, vì non
Không danh, không lợi.
(Nguyễn Khắc Mai, Văn tế tưởng niệm 74 chiến sĩ hy sinh tại Hoàng Sa, 19/1/1974 – Viet studies 10/1/2014)
        THIÊN ĐƯỜNG: Đây là những dòng tóm lược một bài viết về Bắc Hàn của ông Triệu Xuân, người từng làm việc ở sứ quán VN tại Bắc Hàn hơn 30 năm.
        Người ta nói, từ khi Kim Nhật Thành mất đi (1994) ông đã mang theo tất cả những tinh hoa của đất nước. Vì vậy, Kim Jong Il lên thay, đã không lãnh đạo được, để dân chết đói ghê quá. Tính trong các năm 1994 – 1997, Bắc Triều Tiên (BTT) đã để dân chết đói đến 2,8 triệu người, đây là tội ác, vô nhân đạo. Một chị Triều Tiên lấy chồng VN nói với tôi: “Anh ạ, có một con đường để Triều Tiên thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, nhưng người ta không đi. Mới đây, vào đọc sách trong thư viện của khách sạn Deawoo (ở Hà Nội), tôi thấy rõ ràng là có con đường khác mà lãnh tụ của tôi không đi, cứ theo con đường này, nên dân tôi chết đói”.
        BTT có 1.300 km biên giới chung với Trung Quốc (TQ), 17 km chung với Liên Xô. Nhìn qua ta thấy ngay, nó là nước vừa nghèo vừa nhỏ, nằm kẹp giữa các nước mạnh: TQ, Nga, Nhật, Hàn. Theo một thống kê cũ, tổng sản phẩm quốc dân của BTT (năm 2001) là 19 tỷ USD, trong khi con số đó của Hàn Quốc là 546 tỷ, một chênh lệch khủng khiếp – BTT theo chế độ kiểu phong kiến, độc đoán, gia đình trị. Tệ sùng bái lãnh tụ rất nặng nề, có từ thời Kim Nhật Thành. Thời ông Kim còn sống, khi anh chị em (người dân) gặp nhau trên đường, họ không hỏi nhau về sức khỏe, mà hỏi: đã đọc sách đỏ Kim Chủ tịch đến chương mấy rồi. Ngày làm việc của một người phải tuân theo lịch: 8 giờ làm công việc được giao, 2 giờ lao động công ích, 2 giờ ngồi đọc sách đỏ tư tưởng Kim Chủ tịch… BTT như một cái hộp đen, trong đó có rất nhiều thứ bí ẩn. Nhìn dân họ, ta thấy họ đọc sách tối ngày, nhưng đến 1990 họ vẫn chưa biết VN đã thống nhất, hỏi trẻ con về người nổi tiếng, chúng chẳng biết danh nhân thế giới nào, chỉ biết mỗi Kim Nhật Thành. Thủ đô Bình Nhưỡng thì mãi đến năm 1996 mới có điện đường, mà còn nhiều đường nhỏ chưa có. Chế độ này kỳ quái, tàn bạo, hệt như bọn Pol Pot của Campuchia.
          (Triệu Xuân, quechoa.vn 26/12/2013)
        TUYỆT ĐỐI: Trên đời không có thứ gì đúng tuyệt đối – Có nhiều, như câu sau đây: Kẻ không biết thương vợ con, cha mẹ, anh em thì không thể thương yêu ai khác – Tuyệt cú, gì nữa? – Tiền bạc, quyền chức khiến người ta độc tài, nhưng nếu vì thế mà bảo rằng hai cái đó là tội ác thì không phải – Hay! Tiếp đi – Chùa chiền, nhà thờ không cần binh lính súng ống vẫn trường thọ. Những rao giảng lếu láo xuyên tạc chỉ đẻ ra loại tác phẩm phập phù. Hai việc này nói rằng: ranh giới của trắng đen không rõ ràng nhưng có thật – Tốt, gì nữa? – Bọn trùm phát xít Đức Quốc Xã lúc còn quyền hành thằng nào cũng giết người như ăn nem, đến khi lên ghế điện (ở Mỹ, 1947) hầu hết đái ra quần, đi không vững. Điều này cho thấy: tàn ác đi đôi với… nhút nhát – Chính xác như Lại Văn Sâm! – Muốn vào nằm trong “lịch sử” là chuyện khó, khó nhất trên đời, nhưng có người không muốn mà vẫn lọt vào đó, như mới đây (19/10/2013) N.M. Tường nhảy vào nằm ở mục “các gương mặt đen của ngành y”, N.T. Chấn (4/11) bị đẩy vào mục “những oan trái tiêu biểu của ngành luật”, rõ ràng họ không hề muốn vào đó – Có lý, còn nữa không? – Trong số động vật sống trên trái đất, loài người là giống thông minh nhất, man rợ (giết hại nhau nhiều) nhất. – Tuyệt vời! – Khi sống trên đời gã đồ tể có thể đội lốt cừu, mèo lừa gạt thiên hạ, nhưng khi qui tiên gã sẽ hiện nguyên hình đồ tể trong buổi phán xét. – Giỏi, tốt, 9 điểm! – Uyển chuyển, quyền biến, khôn khéo của chính trị không phải là thứ gian manh, đê tiện, quỉ quyệt, lật lọng, nham hiểm, trơ trẽn, xảo trá của bọn đàng điếm, ác ôn. – Tốt, gì nữa? – Ma cô, cướp bóc, khủng bố, đồ tể chính là bọn khinh bỉ thiên đường coi thường địa ngục – Không thể đúng hơn.
          (Phan Lưu Tâm, Đại đồng 16/11/2010)
        AI NHỚ HỌ: Tàu đánh cá NA 90249 của anh Nguyễn Trí (ở xóm Tân An, xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị đắm vì biển động, sóng lớn vào lúc 1 giờ sáng 28/11/2013, trên tàu có 10 người.
        Sáng ngày 29/11, hai tàu cứu hộ của đồn biên phòng và bốn tàu của bà con làng biển vẫn chưa tìm thấy chiếc tàu bị nạn. Theo gia đình anh Trí, trên tàu có 1 người quê xã Quỳnh Nghĩa, 7 người ở xã An Hòa, một người của xã Quỳnh Phụ, một người dân Nam Đàn (Nghệ An) – Tàu này mới đóng (giá 1,8 tỷ – công suất 380 CV), bằng tiền anh Trí vay mượn nhiều nơi, lần ra khơi này (chiều 18/11) chỉ là lần thứ 2.
        Do gió lớn, sóng to việc tìm kiếm gặp nhiều trở ngại. Đến gần 10 giờ trưa 29 lực lượng cứu hộ đã gặp chiếc tàu chìm, nó nằm cách bờ 84 hải lý… Sau non 40 giờ trôi giạt trên biển, 2 ngư dân được cứu thoát, là anh Vĩnh Lai, anh Văn Hà, còn 8 người mất tích. (Trong số mất tích có hai anh em ruột Văn Trí, Văn Huỳnh, đều chưa có vợ). Lúc 16 giờ 40 chiều 30/11 hai người may mắn sống sót đã về tới nhà – Sóng gió dữ dội đã nhấn chiếc tàu chìm xuống sâu hơn 70 mét, nên việc trục vớt sẽ tốn kém, với giá ước độ trên dưới 600 triệu.
          (Hồng Hoa, Đại Việt 2/12/2013).
          * Đây là nghề nguy hiểm, tai nạn, bão tố luôn rình rập sau lưng – Cái rủi sau chồng đè lên cái xui trước, rồi người đời cạn cợt, bàng quan sẽ mau chóng quên mất họ… Hỏi, ai còn nhớ hơn 2.000 ngư dân chết trong cơn bão Linda (số 5, 3/11/1997) ở vùng biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau?
        TƯỢNG NGÃ: Trong thập niên 1930, Tây Ban Nha (TBN) nằm trong số nước chậm tiến ở Tây Âu, kém xa Anh, Pháp, và theo chế độ quân chủ. Trong một cuộc bầu cử, một nhóm chính trị thiên tả giành phần thắng, bắt ép nhà vua thoái vị, nhường lại quyền hành cho đảng cộng hòa. Chính phủ thiên tả nắm quyền có lập trường bài xích Công giáo và triều đình nhà vua. Các thành phần bảo thủ (yêu giáo hội) cùng các sĩ quan bất mãn đứng lên chống lại phe Cộng hòa. Tướng Francisco Franco (1892 – 1975) lãnh tụ của nhóm sĩ quan này làm đảo chính, thế là chiến tranh quốc cộng (1936 – 1940) nổ ra.
        Cuộc nội chiến này hết sức man rợ, đẫm máu, nó chia rẽ từng gia đình, từng địa phương, từng làng xóm. Khoác ý thức hệ đối chọi nhau, nên nó quyết liệt, không khoan nhượng. Hãy nhìn cách họ đối xử với tù binh. Những người bị đối phương bắt thường bị lôi ra bắn bỏ, mau lẹ như giết con heo con bò, kể cả phụ nữ và tu sĩ – Các nước xung quanh, với những lý do khác nhau, đã nhảy vào ăn có. Đức, Ý, Bồ Đào Nha ủng hộ tướng Franco, Nga thì đứng về phía cộng sản. Ngày 1/4/1940 phe Franco thắng. Tổng kết, hơn 300.000 dân và quân bị giết, 300.000 người phải di tản sang Nam Mỹ, Anh, Pháp, 50.000 người thiên tả bị bắt làm tù binh, bị giam vào các trại cải tạo… Franco lập ra nhiều công trường lao động để những người chiến bại “cải tạo”, với khẩu hiệu “lao động là vinh quang” (Work is ennobling), câu này về sau được cộng sản quốc tế bắt chước, đem dùng khá lâu.
        Sau khi chiến thắng, Franco thi hành một chiến dịch chống cộng tinh vi, triệt để. Ông ta lập một lực lượng vệ binh dân sự (Guardia civil) có tai mắt ở khắp nước. Bọn này theo dõi, ruồng bố bắt gọn bắt hết số cộng quân nằm vùng. (Trong giai đoạn 1940 – 1970 phe cộng sản bị thiệt hại nặng ở Tây Ban Nha và Indonesia). Sau này, khi Franco chết (1975), vua Juan Carlos lên ngôi, TBN được tự do dân chủ, các đảng phái hoạt động thoải mái, nhưng cộng sản TBN yếu xìu, bất lực, không gượng dậy được.
        Nhìn lại thời máu lửa, có thể thấy bàn tay sắt Franco cũng có đem lại cho TBN một lợi thế, đó là không bị cuốn vào thế chiến 2, nhưng cái hại của nó cực kỳ lớn: TBN bị cô lập, kinh tế yếu kém, đời sống văn hóa bị bóp nghẹt. Vì thế, như một quy luật tất yếu, khi Franco qua đời, số tượng ông ta, đứng hiên ngang trên các quảng trường, các nơi công cộng đã biến mất như bốc hơi.
           (Xuân Sơn, Diễn đàn DS, 10/2/2006)
        NHÌN LẠI
                   Thanh xuân thoáng bay vèo
                   Ngẩn ngơ nhìn tóc trắng
                   Cuộc sống có bao nhiêu
                   Mà khổ đau bằn bặt.
                                      Trần Dzạ Lữ
        DỊU NGỌT VÀ DỌA NẠT: Trung Quốc (TQ) vừa cho tiến hành một cuộc tập trận lớn tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, kéo dài ba tuần (từ ngày 16/5 đến 6/6/1987). Cuộc tập trận có cả hải quân và lục quân tham gia này được Bắc Kinh (BK) gọi là “một cuộc bố trí hải quân” lớn.
        Tiếp theo việc họ đe dọa dùng vũ lực chiếm một hòn đảo của Trường Sa hồi tháng 4/1987 và gần đây cho nhiều tàu khảo sát vùng biển đó, cuộc tập trận lớn nói trên là thêm một bằng chứng về ý đồ đen tối của BK.
        Từ lâu, TQ cố tìm cách lật ngược vấn đề chủ quyền đối với HS, TS. Họ đã ngang ngược chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa cách đây 13 năm, nay lại lăm le chiếm luôn Trường Sa – Ngay từ khi BK chiếm đóng HS, dư luận các nước trong khu vực đã cho rằng đó là một hành động theo nguyên tắc “sức mạnh là lẽ phải” và lo ngại BK không tôn trọng bất cứ quy tắc, luật quốc tế nào nếu như họ có tham vọng đối với các đảo khác ở biển Đông… Dư luận cũng chú ý đến việc BK thông báo về cuộc tập trận đúng vào lúc Dương Thượng Côn, nhân vật cấp cao trong giới quân sự TQ vừa đi Mỹ và Canada trở về.
        Một lần nữa, chúng ta khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của VN đối với hai quần đảo HS và TS.
          (Nhân Dân 14/6/1987, trang 1)
          * Đọc lại tin này, non 30 năm sau biến cố, để thấy giọng lưỡi của hai thời kỳ, và các hoạt cảnh đằng sau những lời hô hào.
        GIAN NAN: Chỉ trong vòng 8 ngày, từ ngày 6 đến 14/2/2009, đã có 4 tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đánh bắt hải sản trên khu vực quần đảo Hoàng Sa bị phía Trung Hoa (TH) gây sự.
        Trong đó, có hai tàu với 28 thuyền viên bị lính TH đánh đập, lấy sạch ngư cụ và mực cá, rồi xua đuổi ra khỏi vùng Hoàng Sa. Còn hai tàu cá của anh Võ Tấn (29 tuổi), anh Trần Mãi (38 tuổi), bị cướp sạch tài sản, 26 người bị bắt giam và đòi tiền chuộc. Gần 10 ngày sau, kể từ khi hai chiếc tàu nói trên bị mất liên lạc, phía TH mới cho các ngư phủ gọi điện về nhà với lời nhắn: mỗi tàu phải nộp 62.000 nhân dân tệ nếu muốn được cho về.
        Gần bảy năm qua, ngư dân Lý Sơn đã quá quen với kiểu đòi tiền chuộc này. Cuối cùng rồi Tàu Phù cũng thả ngư dân Việt, lắm lúc không thu được một tệ nào, nhưng rồi họ vẫn cứ bắt bớ những người yếu thế, bắt và đánh, đòi tiền chuộc – Một bên là dọa nạt, xua đuổi, bắt giam, đòi tiền phạt, một bên thì vẫn cứ tiếp tục ra khơi bám biển, bất chấp tai ương luôn rình rập bên lưng mình.
          (Khôi Nguyên, Công luận KT 20/2/2009)
        ĐỚP ĐẸP: Trong 30 năm cai trị Ai Cập, Hosni Mubarak kiếm được 66 tỷ USD. Tổng thống độc tài này, cùng với gia đình dòng tộc đông đảo, tài giỏi và nhạy bén trong việc khai thác, bòn rút tài sản quốc gia, từ những cuộc đầu tư nhỏ đến các vụ kinh doanh khổng lồ. Họ gom vào tay vào túi mình số tài sản lớn, mà con số 66 tỷ này chỉ là ước tính sơ khởi.
        Như Mubarak, ở Syria, Bashar al Assad cũng dùng sách bè phái vây cánh, đưa người thân, anh em vào nắm các chức vụ quan trọng, nắm luôn các mỏ tiền mỏ kinh tế của đất nước. Tính đến 2012, tài sản của Assad khoảng 84 tỷ USD, chưa tính nhà cửa đất đai ở Anh (đứng tên vợ ông ta).
        Năm 2011, các cuộc biểu tình của dân chúng Tunisia đã lật đổ chính quyền thối nát độc tài của tổng thống Zine al Abidine Ben Ali. Ông này và vợ phải chạy trốn, nhưng các nhà quan sát chính trị cho rằng, dù chạy đi đâu vợ chồng ông ta vẫn sống trong nhung lụa nhờ 9,2 tỷ USD ông ta bòn rút được sau những năm phục vụ nhân dân – Hơn 40 năm (từ 1969) M. Gaddafi tung hoành ở Libya, trở thành một dạng thượng đế mới. Đến tháng 10/2011, bị mất quyền và bị giết, Gaddafi khiến nhiều người giật mình khi thấy số đô la vĩ đại mà ông ta đớp được. Số tiền Gaddafi gởi trong các ngân hàng 4 nước châu Âu và Mỹ lên đến 36 tỷ USD. – Đông Nam Á cũng có nhiều gương mặt nổi tiếng về ăn vụng, trong đó có F. Marcos của Phi. Người ta tính (dựa theo tin của Ngân hàng thế giới, WB), trong 14 năm đứng đầu Philippines (1972 – 1986), Marcos đã xơi tái hơn 10 tỷ USD. Ông ta lìa đời năm 1989 trong lúc tị nạn chính trị ở nước ngoài – Láng giềng của Marcos là M. Suharto cũng ăn đẹp. Tay này lên cầm quyền ở Indonesia sau một cuộc đảo chính đẫm máu, và ngồi lì trên ghế tổng thống từ năm 1967 đến 1998. Ba thập niên, dư thời gian để lão và gia đệ nuốt chửng hơn 27 tỷ USD (tiền được gửi trong các nhà băng Áo, Thụy Sĩ). Suharto quy tiên năm 2008, 86 tuổi.
        Điểm qua tài sản của các nhà độc tài, người ta nhận ra một điều: không rõ tài năng trị nước giúp đời của họ cao tới đâu, nhưng riêng về tài đớp hít ăn bẩn thì họ giống nhau, ăn như cuồng, không biết no, như một lũ sói lạ.
          (Hoa Kim Hưng, The Japan Times và PDV 6/9/2012).
        YÊN CHÍ: Nó ham đọc sách, biết tặng hoa cho gái, biết nói những lời bay bướm cao siêu mà sao đi ăn cướp? – Hung ác với hoa sách là những lãnh vực, phạm trù khác nhau – Chết trên giường hay trên giá treo cổ, trong ống cống cũng là chết. Lưu danh thơm trong sử sách hay lưu danh xú trong bia miệng cũng là lưu, hai thứ này như nhau, phải không? – Bạn muốn tôi nói KHÔNG chớ gì, nhưng có người bảo là đúng đấy – Đa số dân quê sống nghèo nàn, cơ cực từ đời này sang đời khác. Họ đông đảo nhưng luôn đóng vai phụ trên sân khấu đời. Có thể nói, họ nghèo triền miên vì lười, đần, hoặc do số phận. Nói sao cũng được. Cầu nguyện cho họ – Cứ cầu thoả thích! – Có tay đại gia ở Bình Dương ăn chay trường, lạ không? – Chưa rõ bụng dạ hắn thế nào nhưng chuyện ăn đó chắc cũng làm cho nhiều người… suy nghĩ! – Gã có bằng cấp cao, dòng dõi quý tộc, đi đây đi đó, sao về quỳ mọp dưới chân thằng rồ, xin làm đệ tử? – Bằng cấp là tờ giấy đẹp, khôn dại giỏi dở là chuyện khác – Tướng mạo xoàng, quê mùa cọc cạch, sao mụ lừa được hơn 20 người thành thị sáng sủa, móc của họ hơn trăm tỉ? – Từ xa xưa người ta đã nói: đời muôn mặt, những kẻ bị mụ lừa có thể đang rơi vào thời điểm đen của đời họ, hoặc bề ngoài có vẻ lộng lẫy nhưng bên trong họ (nạn nhân) cũng tồi tệ như mụ lừa, cái tệ lớn nhất là lòng tham – Sao biết chuyện ác mà hắn vẫn làm, thấy kẻ bị hoạn nạn hắn không giúp đỡ? – Hắn chẳng biết thế nào là ác. Ăn cắp quen tay. Hơn nữa, hắn chỉ giỏi một môn ấy, không biết làm gì khác – Gã mặt rô, ngang bướng, già chát nhưng gã không đi nhà thờ, chùa, mà cứ ung dung hát hò vô tư – Sợ quái gì. Cứ yêu đời, hát xướng thay cho kinh kệ, liên hoan nhậu nhẹt thay nguyện cầu. Rồi mọi sự sẽ đâu vào đấy. Nghĩ lại xem, chẳng ai thoát được cuộc phù sinh. Rồi tất cả sẽ nằm im, ngoan ngoãn nghe ban nhạc hiếu tấu bài Tình cha của Ngọc Sơn, Cát bụi của Trịnh, Lòng mẹ của Y Vân, Ơn nghĩa sinh thành của Dương Thiệu Tước ./.

------------