28 thg 3, 2013

ĐẸP VÀ THƠM NHƯ LÚA



(Đọc tạp bút “Mây trắng dinh Phoan” của Trần Huiền Ân)

        Sách dày non 300 trang, trình bày đẹp, cỡ chữ vừa, dễ đọc. Tôi đọc trong bảy buổi trưa, chậm, kéo dài thời gian, như sợ hết. Có thể gọi đây là tản văn, tạp bút, ghi chép, hay cả ba gộp lại. Chắc có người không nghĩ vậy, riêng tôi, tôi bắt gặp ở đây hàng chục chỗ “đồng điệu” với mình. Trong nhiều bài tôi thấy lại chính tôi thời ấu thơ, bắt chim đá dế chăn trâu tát cá trên đồng; thấy lại cái làng nhỏ cận sơn heo hút, nơi tôi ra đời, với núi non, ao hồ, ruộng rẫy và những người bà con, láng giềng lam lũ.
        Số lượng bài viết về kỷ niệm thời trẻ ở làng quê Vân Hòa (Phú Yên) và các tản văn dạng du ký chiếm phần lớn trong 60 bài của tập sách... Trước tiên, do tò mò, tôi đọc những ghi nhận về vùng Đông Bắc, để xem ở đó khác Tây Bắc những gì... Tháng 4-2004, nhờ một may mắn tình cờ, tôi có cuộc rong chơi bốn ngày qua vùng Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Sa Pa, Lào Cai, thời gian không nhiều, chỉ vừa đủ để viết một bài bút ký.
        Thăm “Thác Bản Giốc” ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác nước giữa núi cao, vẻ đẹp hùng vĩ, là thắng cảnh thiên nhiên ở cực đông bắc nước ta. Giọng văn vui, tả cảnh tỉ mỉ, nhiều nhận xét tinh tế, thú vị. Đến “Thành nhà Mạc”, thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng. Vùng này dày đặc di tích, phế tích lịch sử: các thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, và đền vua Lê đổ nát. Mấy dòng lược sử, như những nét chấm phá, nhưng đọc cũng thấy lòng xao xuyến, bùi ngùi. Vậy là, về mặt di tích, những nơi đáng xem, khu đông bắc hơn hẳn tây Bắc. Bên Tây Bắc chỉ Điện Biên, Sa Pa nổi trội. Ngoài ra, loạt bài theo chủ đề này còn: Về Tây Giai, Dấu đá chưa mờ, Chiều Lam Kinh, Về đất Tổ... Một đoạn của “Về Phát Diệm” : “Toàn thể nhà thờ rộng 22 mẫu, chia làm hai khu vực chính: khu nhà thờ và khu nhà chung. Nhà thờ chánh tòa dài 80m, rộng 24m, cao 18m, bao gồm 48 cột lim, mỗi cột chu vi 2,40m. Bàn thờ là một khối đá dài 3,10m, rộng 0,80m. Thánh đường phân ra chín gian với năm lối ra vào. Trong phương đình treo một quả chuông nặng 150kg, cao 1,90m. Nhà nguyện Trái tim Đức Mẹ bốn mái cong, có lầu gác, từ nền đến cột tất cả đều bằng đá”. Bài “Rượu uống thìa”: “Thị xã Cao Bằng không lớn, đường phố có đoạn dốc thấp, trên lề nhiều chỗ gạch lát cũ kỹ, có chỗ còn nguyên đất sỏi, nhưng nhìn tổng thể là một thị xã đẹp với những ngôi nhà xinh xinh xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa, đường rất nhiều cây xanh, công viên rộng thoáng”. : “Ở huyện Quảng Uyên phía đông bắc thị xã Cao Bằng có quán phở vịt Trọng Còn, thịt vịt chấm nước tương làm bằng trái mác mật, được đông đảo khách chiếu cố, cả khách đi đường và dân địa phương. Qua Lạng Sơn thì món khoai sọ hấp với nhân đậu xanh đánh nhuyễn, vừa bùi vừa ngọt. Có người nói đây là loại khoai ngày xưa bên Tàu dùng tiến vua Càn Long”. Chuyện vùng cao đầy ắp cảnh đẹp, phong tục lạ, thức ăn đặc sắc. Chuyện đồng bằng đằm thắm, trữ tình, giống các bài đọc thêm trong sách giáo khoa.
        Sách có nhiều bài nói đến hoa: Người xưa và hoa mai, Văn và hoa, Mùa hoa đỗ, Hoa và trái. “Không ai gọi hoa lúa nhưng cờ bắp thì có mấy thi sĩ đã viết là hoa bắp. Mùi lúa trổ phảng phất nhẹ nhàng khắp ruộng đồng. Cờ bắp quyến rũ bầy ong tìm mật. Trong sân, trong vườn hoa cau hoa bưởi hoa mận màu trắng đục, hương cau hương bưởi nồng nàn... Sim và ổi chịu được chất đất khô cằn và tiết trời nóng bức. Hoa ổi trắng, hoa sim tím. Cả đồi sim tím trong ban mai mờ sương là một cảnh tuyệt vời. Đi qua rừng ổi, hoa ổi thơm ngào ngạt, những trái ổi chín mọng càng thơm hơn”. Văn được viết bằng sự trải nghiệm với cả tấm lòng của người con xa xứ nhớ về quê mẹ, và với sự nuối tiếc của người cao tuổi dành cho người trai trẻ (là mình) cuả thời quá khứ... Còn những trang hồi ức về làng quê. Còn nhiều bức tranh toàn cảnh, viết về mọi mặt của một làng miền núi trước đây nửa thế kỷ: Bữa cơm nhà quê, Tiếng trống trường, Say gió. Trong “ Ngôi trường của mẹ”, ta có thể thấy một ngôi trường nhỏ, khác đời, ở làng Vân Hòa (quê tác giả). Trường hợp ra đời, giáo viên, học sinh, cung cách sinh hoạt của trường đều không giống ai, nhưng nó đã giúp cho nhiều trẻ em được học gần nhà, ít tốn kém. Trên hết, nổi bật, là công lao người mẹ, kẻ đã khai sinh, bỏ nhiều sức lực nuôi dưỡng ngôi trường... “Mùa mưa và áo tơi lá” như một tùy bút. Chiếc áo tơi lá, vật dụng thân quen của nông dân ngày xưa, làm bằng lá buông. Nó cồng kềnh, thô kệch, nhưng đắc dụng khi chống chọi mưa gió. Nay áo tơi đã lùi vào dĩ vãng, nhưng nó vẫn còn trong trí nhớ của lớp người đứng tuổi...  “Bát canh ngày mưa” khai thác một khía cạnh khác, khác nhưng không xa lạ: nhớ những chiều mưa đi nhổ nấm. Nấm khoang, nấm lửa. Những chuyện vui khi đi nhổ nấm. Bữa cơm quê với bát canh đặc sản đậm đà, không tốn tiền.
        Mấy mươi năm qua, trong những lúc nông nhàn, tôi cũng viết chút ít nhưng chỉ “chuyên canh” truyện ngắn, không làm thơ, không viết khảo luận. Đọc “Những mùa lụt”, “Bát canh ngày mưa” tôi nghĩ: mình đã trải qua hơn 40 mùa mưa ở quê, hàng trăm lần đi nhổ nấm, bẫy chim, sao mình không viết về lũ lụt, cùng những thú vui của trẻ quê ? Chắc do lòng mình cạn cợt và lười? Vậy là tôi đọc Màu xanh Sông Cầu, Về mái chùa xưa, Tuy Hòa thức giấc hai lần. Nhớ lại những ngày hè đi bẫy chim ở quê ngoại, tôi đọc “Chim rừng” hai lần. Nhiều loại chim của Vân Hòa, ở làng ngoại tôi cũng có: gầm ghì, áo dà, cu cườm, chim ngói, chim xanh, kéc, chim ngựa, cút, đa đa. Thú đi rập chim, cách nấu nướng, mùi vị thịt chim, phong phú, hấp dẫn. Đây là những hoạt cảnh đi dã ngoại, giao tiếp với thiên nhiên, giới trẻ thành thị ngày nay ít biết.
        Đang thời hiện đại, người ta thường phải sống theo kiểu hối hả, hấp tấp. Nhưng có lẽ, lúc nào đó, ta cũng nên dành ra những giây phút nghỉ ngơi, lui vào một góc yên tĩnh, lắng lòng lại, để mắt và trí óc thư giãn, để tâm hồn nhẹ nhõm. Những dòng tạp bút này, phần nào đó giúp độc giả thảnh thơi... Tôi đọc Mây trắng dinh Phoan chậm, như nhấp ly trà, ăn bắp rang, nhai đậu phộng luộc.
        Đây là sách tặng bằng hữu, không bán? Nghĩ sao cũng được. Tặng hay bán, thực ra chẳng ảnh hưởng nhiều đến giá trị tác phẩm,  (Đào Duy Anh từng có sách chỉ in 100 bản). Câu ca dao đăng trên báo để người ta đọc thầm, hay được ghi vào trí nhớ để phụ nữ hát lên ru con, cũng quý như nhau. Trong cuộc sống quay mòng, bận rộn, khi mỗi tháng mỗi năm mới khoa học kỹ thuật đều đem đến cho đời nhiều máy móc lạ, tinh vi, thì sự ra đời của các sản phẩm “cổ điển” (như sách in) là cố gắng đáng quý... Tập tạp bút này sẽ sống thanh thản, ung dung và (có thể) sống lâu. Bởi không phải ai cũng viết sách được, và lớp người thất thập (chứng nhân thời kỳ đó) nay không còn nhiều.
        Về nhận xét, nếu cần đôi dòng góp ý, tôi muốn nêu lên hai điều: có mấy bài đề tài rộng, nhiều ý hay (Nhớ về Sài Gòn, Những mùa lụt, Cảnh và người thuở ấy) nhưng viết hơi ngắn. Nếu “gia công” thêm, mở rộng biên độ, thì chắc sẽ hay hơn. Và, một số bài hơi sơ lược, quá ngắn, dường như đưa vào cốt để sách dày, khiến cho “không khí loãng ra”./.

BIỆT THỰ VÀ GOLF


Việc thu hồi đất nông nghiệp để lập sân golf rất đáng lo ngại. Trong tổng số hơn 23.000 hecta của 76 dự án sân golf đã và đang triển khai trong cả nước, có tới 8.000 hecta đất (chiếm 35%) bị đẩy qua kinh doanh bất động sản, như xây biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng… Đã có những ý kiến cho rằng, thực chất hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp đính kèm bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến (khi xin lập sân golf). Ví dụ, trong tổng diện tích 4.200 ha đất của chín dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng, chỉ 20% diện tích đất được dành cho sân golf, phần còn lại chủ yếu để xây dựng nhà nghỉ, biệt thự bán và cho thuê.

Diện tích đất nông nghiệp giảm trong khi dân số tăng 1,2 triệu người mỗi năm, nên đất nông nghiệp bình quân đầu người từ 1.100 mét vuông (năm 2001) giảm xuống còn 900 mét vuông (năm 2010). 

Theo tính toán, cứ một hécta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ làm bốn lao động mất việc làm, và với nửa triệu hécta đất bị thu hồi từ năm 2001 đến năm 2010, số lao động mất việc làm tăng lên đến hàng triệu người. Trong số các lao động của các gia đình bị thu hồi đất, chỉ khoảng 13% tìm được việc làm mới tại địa bàn (tại quê của họ), 20% thất nghiệp hoàn toàn, 67% thất nghiệp từng phần (chỉ có việc làm vào thời vụ) – Trên địa bàn nông thôn cả nước hiện nay có khoảng 7 triệu người không có việc làm thường xuyên, trong đó có trên 50% số người chỉ có việc làm từ ba đến bốn tháng mỗi năm. 

Số người di cư từ nông thôn ra thành thị, ra các khu công nghiệp để làm thuê bằng đủ thứ nghề với tiền công rẻ mạt, hoặc tìm việc làm tại các chợ lao động vùng ven tăng lên nhanh chóng, tập trung nhiều ở các thành phố lớn.

        (6/2012)

9 thg 3, 2013

THƯ GIÃN


         TIẾC RẺ
        “Quốc trưởng” Hitler đánh cờ với “Thủ tướng” Mussolini trong góc công viên địa ngục dày đặc bông cứt lợn.
        Phút giải lao, Hitler nói, giọng tiếc nuối:
        “Cứ tưởng vài năm nữa mình sẽ nắm gọn nửa trái đất trong tay, thế mà…”.
        Mussolini hỏi: “Sao lại một nửa?”
        “Nửa kia mình chia cho anh em, người một ít”.
        Mussolini cười xòa:
        “Trong số anh em đó có tiểu đệ không?”
        “Tất nhiên, nếu mình chưa bị alzheimer! Từ giữa 1944 mình vướng đủ thứ bệnh”.
        Hitler cúi nhìn những con cờ, buồn rầu.
        “60 năm qua chúng ta đánh cờ với nhau, đại huynh thấy có điều gì đặc biệt?”.
        “Không”.
        “Đệ luôn thua, dù có thể thắng đại huynh bất cứ lúc nào!”
        “Hay, mình vô ý!”
        Ngẫm nghĩ giây lát, Hitler hỏi:
        “Điểm giống nhau lớn nhất của chúng ta là gì?”
        Một lúc lâu, Mussolini vẫn không tìm thấy câu trả lời.
        “Chết dữ!... Đó là đặc điểm của các “dị nhân”, trước kia là Lưu Thiếu Kỳ, Park Chung Hee, mới đây là Gaddafi”.
        HÙNG BIỆN
        “Bài diễn văn ông đọc trên tivi hôm qua tuyệt vời, tôi chịu. Chỉ có ba, bốn ý mà ông kéo đến 50 phút”.
        “Đó là tuyệt chiêu của nghệ thuật viết”.
        “Viết à?”
        “Nó là tác phẩm của gã thư ký của tôi. Hắn là tiến sĩ triết, thạc sĩ ngôn ngữ học, vốn là con cáo chính trị đuôi dài hai thước”.
        “Ra thế”.
        “Lâu lâu mới được nói trước công chúng, ta phải chơi cho đáng đồng tiền bát gạo”.
        “Có lý!”
        “Khi có việc thì hắn (gã thư ký) hỏi tôi: sếp muốn xài kiểu nào, nội dung gì. Tôi nói ngắn gọn các ý chính, rồi chọn một trong hai cách, Mao Chủ tịch hoặc Fidel Khủng long”.
        “Sao lại có Mao ở đây?”
        “Nói trên dưới một tiếng, và nhét vào đấy nhiều triết lý, châm ngôn, thành ngữ là theo cách của Mao vĩ đại. Nói thật dài, quanh quẹo, tràng giang, bao la thiên địa, từ một tiếng rưỡi trở lên là theo cách của Fidel đáng kính”.
        “Hiểu rồi. Ông ấy thường bắt dân Cuba nghe những bài nói hai, ba giờ đồng hồ”.
        “Không đơn giản, đó là nghệ thuật, thường đem lại kết quả tốt cho diễn giả. Khi kết thúc cuộc nói chuyện, người nghe luôn vỗ tay rất lớn, rất lâu, vì họ mừng, được về!”.
        “Cái đám quần chúng tội nghiệp và đáng yêu”.
        LẠ
        “Mông Cổ và Bắc Hàn có điểm giống nhau lớn”.
        “Giống gì?”.
        “Nằm gần Tàu Phù”.
        “Điều này xấu hay tốt?”
        “Còn tùy”.
        “Không chập chờn, nói rõ vào”.
        “Lúc tốt, lúc không. Nhưng có chỗ đáng nói: Cả hai thường mất ngủ, và hay chiêm bao thấy thằng Tây Tạng”.
        “Tây Tạng, sao vậy?”
        “Đó cũng là thằng nằm gần “Cộng hòa Hữu Hảo”.
        “Hiểu rồi, bỏ mẹ!”.
        “Chẳng bỏ ai! Rất dễ thấy, gã to xác đó chỉ giỏi ăn uống, khạc nhổ. Nếu gã thiện chiến như Nhật, Do Thái thì ta nằm trong bụng gã mấy ngàn năm rồi”.
        “Nên biết, Trung Hoa này khác lão Tàu cũ. Hơn chục năm qua họ làm ăn ồn ào ở châu Phi, mới đây còn thậm thụt với mấy nước Bắc Âu để tìm đường vào khai thác quặng ở vùng lạnh Greenland… Bạn nghe nói phi thuyền Hằng Nga bao giờ chưa? Qua 2014 nó sẽ đáp xuống mặt trăng đấy”.
        “Nghĩa là họ hơn đứt ta?”.
        “Không nói hơn thua… Cái thấy rõ là họ có nhiều thứ để khoe”.
        “Lạ, lo cho 1,3 tỉ mồm ăn no đã khó, lại còn có thể khoe!”.
        QUÊN ĐI
        Xem truyền hình, có những người, những cảnh ta gặp đi gặp lại nhiều lần làm ta nhớ, dù nhớ chẳng để làm gì.
        Những anh chàng cao ráo, trẻ, cầm dù che nắng cho mấy ông lớn – Những anh nô tài (phim Tàu) quỳ gối, tự vả mặt mình, kêu to: “Nô tài đáng chết!” – Những dân quê, dân nghèo thành thị quần áo lôi thôi, mặt mũi hốc hác, lúc nào cũng nói với giọng hân hoan: “Tôi phấn khởi”.
        Ấy là những thứ thường thấy, nhưng vẫn có một cái gì đó không quen. Bên cạnh, có những chuyện quen với người này nhưng lạ đối với người khác… Trong quán cà phê làng, tốp nông dân vớ được một tờ báo cũ, (Tuổi Trẻ CT 5-11-2011), gặp trang quảng cáo của du lịch Viet.com.vn. Anh nông dân trẻ đọc đi đọc lại mẩu tin: “Đi Hàn Quốc, 6 ngày, 18 triệu. Đi Pháp, Hà Lan, Đức, 10 ngày, 78 triệu. Đi Hồng Kông, 6 ngày, 16 triệu.” Mấy ông già thắc mắc, đi chơi mà tốn kém thế à. Tiền đâu mà họ đi ngon thế. Rồi nói, ỉu xìu: “Dân làng ta xưa nay, từ ngày lập làng, chưa ai biết đến cú đi kiểu này”. Ai cũng hoang mang. Đối với người cả đời chưa bao giờ làm có dư 20 triệu mỗi năm, những con số “ăn chơi” này thật khó hiểu, kinh dị! Họ bàn tán, mổ xẻ trang quảng cáo. Họ không tin, ngơ ngác, rối trí. Nhưng rồi, ít lâu sau, họ quên! Những công việc quen thuộc, nặng nhọc, thu nhập thấp chờ họ, bao vây họ (họ biết hỏi: tiền đâu người ta đi chơi sang thế, nhưng chưa biết nghĩ: bao giờ mình được du lịch xa như thế)… Rồi thời gian qua đi, rồi những chuyện đời mới xảy ra, tấp nập, hỗn độn. Ai cày cuốc cứ cày cuốc, ai du lịch đường dài 30 triệu, 50 triệu mỗi chuyến cứ tiếp tục lên đường. Sự kiện mới che lấp vấn đề cũ. Sự cố đáng tiếc sau chồng đè lên thành quả rực rỡ trước! Nhàn nhạt, rờn rợn, lành lạnh! ./.

3 thg 3, 2013

ĐỌC BÁO 1



          Bộ não cũng như dạ dày, chỉ có thể tiêu hóa được những món ăn phù hợp. Đừng bắt con sư tử ăn cỏ và buộc con voi ăn thịt.
                                                                             Phạm Duy Tốn

        HAY CƯỜI: Có sống ở Thái Lan ít lâu mới hiểu được tại sao đất nước này được gọi là “miền đất của nụ cười”.
        Khi vừa đặt chân đến Thái Lan, tôi được người quen dặn: “Đừng bao giờ to tiếng với người Thái, và cũng đừng thúc giục họ làm nhanh một việc gì đó”. – Với phần đông dân số theo đạo Phật, người Thái tận hưởng một cuộc sống hiền hòa, ung dung tự tại, không vội vã. Người Thái theo đạo Phật và thấm nhuần các tư tưởng chính yếu của tôn giáo này. Họ mang những lời răn dạy tốt đẹp vào cuộc sống thực tế, không theo đạo chỉ vì một sự trấn an tâm lý nhất thời hoặc là đi chùa chỉ vì mong chờ sự phù hộ của đức Phật. Nam giới Thái Lan cứ đến khoảng 20 tuổi là xuất gia đi tu trong thời gian ngắn (có thể là 1 tháng, 3 tháng hay một năm).
        Cách cư xử của các công chức, quan chức Thái rất “lạ”. Họ nhã nhặn, nhiệt tình và không bao giờ có thái độ hạch sách hay hành dân. Bất cứ người dân nào cần sự giúp đỡ, họ đều tận tình, không phân biệt kẻ giàu người nghèo, người Thái hay người nước ngoài. Càng không có chuyện quát tháo, đập bàn hay thể hiện quyền hành với dân. Tất cả đều công bằng và bộc lộ một lối cư xử lịch sự, hiện đại, văn minh. Công chức là vậy, cảnh sát cũng thế. Ở Thái Lan, người dân rất quý cảnh sát, lực lượng mà họ gọi là “cảnh sát nhân dân”.
(Việt Phương, Thanh niên, tết Mậu Tý, 1/2008, trang 26).
        KHÔI HÀI: Thanh tra Sherlock Holmes và bác sĩ Watson đi cắm trại. Họ dựng lều giữa trời đêm đầy sao. Nửa đêm, Sherlock Holmes đánh thức Watson dậy và hỏi: “Này, Watson, hãy nhìn trời sao và nói cho tôi biết cậu nghĩ gì?”. Watson trả lời: “Tôi nhìn thấy hàng triệu vì sao và nghĩ giá như có một vài vì sao giống như trái đất chúng ta, nghĩa là có sự sống trên các vì sao ấy”. Sherlock Holmes bảo: “Watson, cậu là thằng ngố. Cậu không thấy cái lều của bọn mình bị đứa nào cuỗm mất rồi ư?”.
        (Chú thích: Trong một cuộc bầu chọn truyện cười thú vị, có hơn 10.000 truyện được đề cử, truyện này chiếm giải nhất).
(Hà Giao, Thế giới 23/1/2002, tr.27).
        CÁI ÁC: Chưa hết bàng hoàng vì vụ cả một làng đổ ra đánh chết kẻ trộm chó, lại còn ngăn chặn không cho xe cấp cứu vào làm việc (ở Nghệ An), mọi người lại sửng sờ trước vụ kẻ trộm chó, khi bị phát hiện, đã quay lại bắn chết người chủ chó (ở Bắc Ninh). Cái ác điềm nhiên diễn ra ở những vùng quê vốn dĩ thanh bình.
        Sử gia Eric Hobsbawm từng nói: lịch sử nhân loại bắt đầu từ khi người ta áp đặt luật lệ quy định người không được ăn thịt người. Thời nay luật hình sự các nước văn minh cấm người giết người. Hai tôn giáo lớn ở ta là đạo Phật và đạo Thiên Chúa đều dạy con người sống thiện, tránh xa cái ác. Vậy do đâu mà những chuyện như loại xảy ra ở Bắc Ninh, Nghệ An ngày càng mọc ra nhiều. Ta có trách nhiệm gì không khi để cái ác hoành hành ngay bên cạnh mình, trong làng trong quận mình?
(Thanh Hải, Tuổi trẻ CT 11/11/2012, tr.4).
        NGỘ
                    Tôi mời họ đi uống cà phê
               Krisnamurti có vẻ buồn
               Ông tránh nhìn cô tiếp viên hở ngực
               Còn Osho thì cứ nhìn chăm chăm
               vào bộ ngực nảy nở và cười
               Ông khẳng định với tôi:
               Người ta có thể ngộ khi làm tình.
                                                Hồ Ngạc Ngữ
        NGOẠI CẢM: Ông Vũ Đức Thật, 70 tuổi, ở thôn Trung Thịnh (Ứng Hòa, Hà Tây) nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện tìm hài cốt người mẹ và em trai, hai người chết trong nạn đói năm 1945.
        Chị Nguyện thắp nén nhang, nhìn lên khoảng không trên cao, nói với ông Thật: “Năm đó, mẹ ông rời quê, dắt theo người con út. Khi đến Thanh Trì (Hà Nội), qua ngôi chùa thôn Triều Khúc, xã Tân Triều thì qua đời do mệt và đói. Hiện giờ xương cốt mẹ ông nằm trong khu đất của một người có tên chữ cái đầu là C.”. Chị Nguyện giống như người đang nhìn vào màn hình một chiếc tivi trên không, rồi đọc những gì hiện ra ở đó. Chị lấy giấy bút vẽ sơ đồ nơi có hài cốt mẹ ông Thật, tỉ mỉ, rõ ràng, để ông dễ tìm.
        Công việc diễn ra trôi chảy, chỉ sau hai ngày đã có kết quả. Kỳ lạ thay, ngôi mộ nằm đúng y vị trí trong sơ đồ của nhà ngoại cảm: dưới gốc cây hồng xiêm, cạnh ngõ, chân người chết nằm dưới tường nhà anh Triệu Văn Cường! Không nói cũng biết, ông Thật và gia đình mừng như thế nào – Tiếp đó, ông Thật nhờ chị Nguyện tìm mộ người em. Chị nói: “Không thể tìm thấy hài cốt, vì ông ấy chưa chết”. Ông Thật lặng người. “Em trai ông nay vẫn còn sống. Hồi đó, lúc mẹ ông chết, một người đã bế ông ấy đi theo hướng Cao Bằng, Lạng Sơn”. Nhắm mắt lại, rơi vào trạng thái xuất hồn, chị Nguyện nói, em ông Thật hiện đang sống ở một vùng thuộc thành phố Thái Nguyên. Rồi chị lấy máy, bật băng ghi âm diễn tả, chỉ đường đi, bảo ông Thật cứ theo lời chỉ dẫn trong băng mà tìm, sẽ thấy… Lần tìm này mất nhiều thời gian, vì xa và gặp nhiều trở ngại bất ngờ, trong đó lớn nhất là tên tuổi. Trước kia em ông Thật tên Thà, nay mang tên Khương Văn Thông, (cha mẹ nuôi đặt cho). Thời may, cuối cùng người đi tìm cũng đến đích – Ông Thật được thêm một lần kinh ngạc: những điều chị Nguyện chỉ dẫn đều đúng. Cảnh vật nhà ông Thông ở giống như băng ghi âm mô tả: từ mặt đông bắc trông ra, tay phải là bếp, tay trái là ao, tiến vào một chút là vườn cây, vườn rau. Có hai nếp nhà, và lên nhà phải qua bậc thang. Chưa hết, ông Thật và con cháu còn được một cú khâm phục chị Nguyện, đoạn cuối băng ghi âm chị nói: “Tìm một mà được mười ba”. Ông Thà có cả thảy 13 người con và cháu!
(Phạm Dương, An ninh TG 3/3/2007, tr.4).
        SỢ HÃI: Thể chế “đặc biệt” luôn tìm cách gieo rắc sự sợ hãi. Đến khi người dân biết vượt qua sự sợ hãi thì kẻ chơi trò chơi quyền lực phải đền tội.
        Vợ chồng Nicolae Ceausescu, thời kỳ 1965 – 1989, dựa vào hàng ngũ an ninh, cảnh sát, quân đội, đã khuynh đảo Rumani. Nhưng chỉ sau vài tuần biến động, cả hai bị bắt, bị đưa ra xử trong một phiên tòa chớp nhoáng (chỉ kéo dài 2 tiếng), rồi đem ra hành hình (không trói tay, không bịt mắt)!
(MH, quechoa.info 25/10/2012).
        ĐẸP: Vào những năm cuối thập niên 1950, thái tử Harald (con trai duy nhất của vua Na Uy Olaf) học tại Đại học Oxford ở Anh đã gặp rồi yêu mê mệt một cô sinh viên người Na Uy tên Sonja Haraldsen. Hai người dự tính sẽ tiến tới hôn nhân sau khi tốt nghiệp.
        Vào một ngày tháng 10/1961, vua Olaf nổi giận khi thái tử Harald xin phép cha được cưới Sonja làm vợ. Nhà vua nói với con trai: “Con hãy chọn, ngai vàng hoặc là Sonja, quyết định cuối cùng là ở con”. Harald bị đặt vào tình thế khó xử. Hoàng gia và chính phủ muốn thái tử cưới một công chúa. Sonja là thường dân – Không thể chịu đựng nhiều áp lực, Sonja tự tử hai lần, nhưng may mắn được cứu thoát.
        Tình yêu mãnh liệt của họ làm dân Na Uy, và cả châu Âu, cảm động. Khi dư luận lên tiếng ủng hộ cuộc tình của thái tử Harald thì hoàng gia và chính phủ nhượng bộ. Sau 9 năm chờ đợi, cuối cùng thái tử Harald được phép làm đám cưới với Sonja vào ngày 19/8/1968. Cho đến nay, chuyện tình của vua Harald và hoàng hậu Sonja vẫn được xem là thiên tình sử lãng mạn, tuyệt đẹp.
(Hoàng Phú, theo Point de Vue, 1/2005)
        LƯU LẠC: Pha Long nằm cách TP. Lào Cai hơn 70 km, đó là xã thuộc huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
        Cô giáo Đào Thị Hiền – hiệu trưởng trường THCS Pha Long – kể cho tôi nghe chuyện 32 học sinh của cô bỏ học trong hai năm 2006, 2007. Theo cô, dân ở đây đa số rất nghèo, nhiều gia đình chồng ốm yếu, hoặc chết, vợ thì bỏ đi Trung Quốc (TQ), các em trở thành lao động chính, lúc đập ngô, lúc đi chăn trâu nên không còn mơ tưởng chuyện học.
        Phụ nữ Lào Cai bỏ sang TQ ngày càng nhiều. Địa bàn nóng nhất là huyện Mường Khương (chiếm 43%, với 580 phụ nữ) và khắp thôn làng biên giới ở chín huyện còn lại, kể cả TP. Lào Cai, đều rộ lên vấn nạn này: huyện Bát Xát có 200 người, huyện Bảo Thắng 175 người, nâng tổng số phụ nữ toàn tỉnh bỏ sang TQ là 1.258 người. Đến nay chỉ có 26 phụ nữ trở về, mang theo 26 đứa con lai.
        Đại úy Bùi Văn Chinh ở đồn biên phòng 235 Pha Long cho biết: “Trong nghèo khó, ma túy đã tràn về khắp 12 thôn của xã Pha Long. Bắt đầu là những phụ nữ gùi váy áo thổ cẩm đi bán tận các chợ biên giới Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Tan chợ, họ nhận gùi heroin trộn lẫn trong gạo, ngô, len lỏi theo các đường mòn về từng thôn của Pha Long, và biến nơi đây thành điểm tập kết ma túy để tuồn qua TQ. Mấy năm gần đây có hơn 30 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới đã bị bắt – Chồng ngồi tù hoặc chết trong tù, vợ góa trong cảnh túng bấn đã bằng mọi cách vượt biên đi làm ăn hoặc kiếm chồng”.
        Hơn mười năm nay, con gái ở mười hai thôn của xã biên giới này đã bỏ thôn làng qua bên kia làm đủ nghề kiếm sống. Trẻ nhất là gái 15 tuổi. Có cả phụ nữ quá lứa lỡ thì ở tuổi 50. Sang đó, có cô gái đẹp phải làm đám cưới chung với ba ông chồng. Nhiều ông chồng còn ác độc ở chỗ: cưới một thời gian rồi tìm manh mối bán các cô gái Việt này cho người ở sâu trong nội địa. Đây là lý do khiến tất cả phụ nữ ở Pha Long đã ra đi là đi biệt, ít ai quay về.
(Vũ Toàn, Tuổi trẻ CT 11/11/2007, tr.14 – 15).
        NGỤ NGÔN: “Cái cày với cây gươm” – Trong chỗ triền núi kia, nay thì bình yên, mà xưa thì mắc phải giặc giã phá tán, cái cày cày vỡ ruộng ấy. Bỗng đâu nó làm bày ra một cây gươm lấp chôn tại đó đã lâu đời. Cây gươm thề mắng rằng: “Ủa kìa! Ai dám đụng tôi dường ấy, chẳng cho tôi ở an? Cái cày hèn kia, mầy không biết tao có quyền phạt mầy bức tử mần rứa sao? – Cái cày nói sơ rằng: “Mầy khéo làm kiêu, mầy lấy quyền chi mà nói với tao thế ấy?” – Cây gươm đáp rằng: “Mầy là đồ hèn để cày bừa, cả đời theo những kẻ rẫy ruộng thô tục, thiệt mầy dám cả gan tranh công với tao sao? Tao là bậu bạn với người tráng sĩ đi đánh giặc giã, tao theo kẻ ấy dư hai mươi trận, lại nghe tinh những tiếng thắng trận. Tao ra oai sấm sét, tới gần binh dân khiếp vía vỡ chạy như bầy thú hèn kia. Bây giờ mầy dám…”. Cái cày ứng tiếng rằng: “Thôi, cái việc cao sang mầy lấy làm tự hào đó làm cho tao ghê gớm. Mầy theo các đạo binh Alexandre, Napoléon, hay là César thì có lẽ tao tỉ mầy như chị em, vì mầy là một cái máy hóa tục, tiền hung hậu kiết, dữ ra lành, xấu hóa tốt. Mà nghe lời mầy nói tỏ mổ, thì biết rõ mầy theo tướng dữ Attila, là người phá tán xứ kia thành nọ. Vậy thì mầy là một cái đồ khốn làm tàn hại thiên hạ”.
        Khi nghe lời ấy, họ nói cây gươm mắc cỡ, thẹn thuồng, sụt xuống đất hơn một trăm bước.
        (Nguyễn Đức Dân, Kiến Thức N.N số tết, 1/2003, tr.18 – Đây là chuyện ngụ ngôn, đăng trên Gia Định Báo, 3/2/1883 – Nhâm Ngọ)
        ALZHEIMER: Mike Henley (ở Westbury, bang New York) mắc bệnh Alzheimer lúc anh 36 tuổi, và bác sĩ nói anh sẽ chết sau năm, bảy năm. Nhưng hơn chục năm sau Henley vẫn còn sống. (Hiện giờ, 10/2011, sức khỏe của anh không tốt, anh phải chịu đựng những vết loét nặng ở lưng và hông do nằm một chỗ trong thời gian dài).
        Ở Anh, 800.000 người bị chứng mất trí nhớ, trong đó có hơn 17.000 người trẻ tuổi. Dạng bệnh Alzheimer ở người trẻ trầm trọng hơn và gây đau khổ cho gia đình nhiều hơn so với người già – Leo Dzwid mắc bệnh Alzheimer dạng khởi phát sớm lúc ông 51 tuổi. Ông ngồi xe lăn suốt ngày, chỉ nói chuyện được chút ít và đôi mắt luôn nhắm nghiền. Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ chống chọi với căn bệnh (mất trí nhớ) này thường sợ hãi, chúng nghĩ: một ngày nào đó mình cũng sẽ là nạn nhân của nó. Tất nhiên, nghĩ thế là sai, nên phải nhờ chuyên gia tâm lý giải thích cho các em hiểu.
        BIẾN MẤT: Ngày 21/8/1915, trong cuộc tấn công lên bán đảo Gallipoli, tiểu đoàn 4 Norfolk (của Anh) gồm 267 người đến tiếp viện cho một đội quân Úc đang tấn công cao điểm 60 ở phía nam vịnh Suyla. Khi đến một lòng sông cạn, binh lính của Norfolk gặp một đám mây kỳ lạ. Đám mây này thật lớn, phủ sát mặt đất. Lúc tất cả binh lính Norfolk bước trọn vào vùng mây phủ, đám mây từ từ dâng lên không, rồi biến khỏi tầm mắt của mọi người. (Nhiều binh sĩ New Zealand đóng gần đó trông thấy cảnh này). Tại vị trí của đoàn quân Norfolk vừa đứng đã trống trơn, không còn một người. Phía quân Thổ Nhĩ Kỳ (là đối thủ của Norfolk) bảo rằng họ không bắt giữ một binh sĩ Anh nào.
(Minh Luân, theo Confidential Archives 20/5/2006)
        CHẾT GIÀU: Lúc 17 giờ 10 ngày 2/1/2009, Adolf Merckle tự tử tại đường ray xe lửa ở thị trấn Blaubeuren, miền Nam nước Đức. Ông là tỉ phú, một nhân vật nổi tiếng.
        Năm 2008, Adolf Merckle được tạp chí Forbes xếp hạng 94 trong số 100 người giàu nhất thế giới với tài sản 9,2 tỉ USD. Theo các nhà nghiên cứu chính trị, vị tỉ phú 74 tuổi này tự sát do không thể đương đầu với sự phá sản.
        Adolf Merckle sống rất giản dị. Mặc dù giàu có nhưng ông vẫn thường đi lại bằng chiếc xe đạp cũ, khi thời tiết xấu mới dùng chiếc xe hơi VW Golf. Ông sống trong căn nhà gỗ bình thường, không có người hầu, vệ sĩ. Mỗi đêm, trên đường từ trụ sở về nhà, Merckle thường ghé vào các quán rượu bình dân để uống vài ly – Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho vợ và 4 con, ông không nói rõ nguyên do tự sát. Bạn bè và gia đình của Merckle cho rằng có thể đó là sự mất kiểm soát hệ thống công ty. Nhưng các chuyên gia nói, ông vẫn còn nhiều sự lựa chọn và có nhiều khả năng để thoát khỏi tình trạng suy thoái – Trước khi tự sát, Merckle đã thương lượng với 40 ngân hàng để vay tiền trả nợ cho công ty cổ phần của mình.
        Trước kia, Adolf Merckle kế thừa một công ty dược của cha để lại vào năm 1967, với 80 nhân viên. Trong các thập niên sau đó, ông phát triển công ty dược này thành một đế chế lớn bao gồm 120 công ty thành viên, sử dụng hơn 100.000 nhân viên, với doanh thu khoảng 33 tỉ USD. Nhưng bỗng nhiên cơn khủng hoảng lớn ập đến, trong tháng 10/2008, công ty cổ phần mẹ của Merckle đã mất 500 triệu USD vì ông suy đoán sai về giá trị của các cổ phiếu. Tiếp đến, ông đứng trước nguy cơ phải bán lại một công ty dược phẩm lớn, với 5.400 nhân viên, nếu muốn vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính – Có phải, sự sỉ nhục vì không giữ nổi các công ty của gia đình đã đẩy tỉ phú Merckle đến cái chết?
(Diên San, N.A số 826, 17/1/2009, tr.27).
        NÓI VỀ BIỂN: Biển đông nước ta có hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa, nơi gần nhất, cách bờ biển Đà Nẵng 315 km. Trường Sa, nơi gần nhất, cách vịnh Cam Ranh 480 km. Cả hai quần đảo đều gồm nhiều đảo nổi, bãi đá, bãi chìm do san hô cấu thành, và chu vi rất rộng. Hoàng Sa rộng 15.000 km2, Trường Sa rộng 170.000 km2. Giá trị của hai quần đảo là vị trí chiến lược của chúng, và tiềm năng lớn về dầu khí.
        Trước đây, Trung Quốc (TQ) đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1956 và 1974, hiện nay đang tiến xuống vùng Trường Sa. Cuộc tranh chấp hai quần đảo giữa Việt Nam và TQ đã nổ ra từ lâu, nay lại bùng lên nghiêm trọng (từ đầu năm 1988) khi TQ huy động hàng chục tàu chiến các loại đổ vào Trường Sa – Hơn bao giờ hết, chúng ta khẳng định mạnh mẽ rằng: Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là lãnh thổ Việt Nam.
        Nhưng bất chấp sự thật lịch sử, TQ đã tiến công chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, nay lại cho lực lượng quân sự đổ bộ chiếm các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Gạc Ma, Cô Lin ngày 14/3/1988.
        (Nhân Dân 26/3/1988, tr.1 – Khoa học và Đời sống 16/3/1988, tr.3 – Chú thích: chép tin này vì giọng điệu của nó cứng rắn hơn giọng báo chí mấy năm gần đây rất nhiều).
        QUÊ NGƯỜI: Ngày 17/5/2007, dù trời nắng gắt nhưng tại thôn Đông Tác (xã Đại Hợp, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có tới ba đám cưới. Đây đều là đám cưới giữa cô dâu Việt với chàng rể Đài Loan, Hàn Quốc. Những đám cưới loại này luôn diễn ra chớp nhoáng, bởi nó phụ thuộc vào thời gian lưu trú của các chú rể.
        Hầu hết những gia đình có con gái ở đây đều bị ngã lòng trước mấy tay mai mối. Với các ông bố bà mẹ, mối vẽ ra viễn cảnh cuộc sống giàu sang ở xứ lạ. Còn với các cô gái trẻ, mối dựng lên những chú rể có bằng cấp, có địa vị, con nhà giàu… Mới đầu, mối bảo “tiền nong chỉ là chuyện nhỏ” và “giúp các cháu có được cuộc sống hạnh phúc là chính” nhưng khi con mồi đã sa vào bẫy thì số tiền trọn gói mà mối nói trong mấy ngày đầu (là 15 – 20 triệu đồng) đều tăng thành 30 – 35 triệu.
        Cô gái Mai Thị H (SN 1984) ở Đại Hợp đến UBND xã xin xác nhận tình trạng độc thân của mình để lấy chống Đài Loan (sống ở tỉnh Nam Đầu), cho biết: “Tôi được bà mối địa phương đưa đến gặp anh Hoàng ở TP. Hải Phòng. Đầu tháng 5, anh Hoàng đưa 10 cô gái như tôi tới khách sạn Phương Đông trên đường Lạch Tray để tuyển chọn. Tại đây, tôi và người chồng Đài Loan đã ưng ý nhau!”.
        Danh sách những cô gái của Đại Hợp lấy chồng Hàn, Đài ngày một dài ra, và tiếp tục được niêm yết trước trụ sở UBND xã. Cứ 7 ngày lại có một danh sách mới được thay thế. Và cũng có không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ ở Đại Hợp đêm đêm vắt óc nằm lo trả nợ, lo cho số phận con gái ở quê người.
(PV, ANTG. 29/3/2008, tr.4).
        NÓI NGỌNG: Lúc cải cách ruộng đất, Vương Mãn Đường là phần tử tích cực. Vợ địa chủ Lý Bách Phát đưa mắt ghẹo ông, ông liền dằn ngửa mụ xuống sau đập đá. Vương Mãn Đường nghĩ bụng, việc chơi cứ chơi, việc đấu vẫn cứ đấu. Ông vẫn trị Lý Bách Phát. Thế là con mụ gian giảo ấy lại đến hôn hít ông rồi thừa cơ cắn đứt đầu lưỡi của ông. Từ đó Vương Mãn Đường đâm ra nói ngọng. Chuyện này Vương Mãn Đường không muốn tố giác trong “đấu tranh giai cấp”. Mụ vợ Bách Phát cũng chẳng tiện nói ra, và đương nhiên, Vương Mãn Đường vẫn là phần tử tích cực.
        Đã để mất chút đầu lưỡi, Vương Mãn Đường không muốn nói nhiều, nhưng sự đời là không nói chuyện thì không hay, nên ông thường nhắm mắt giả vờ ngủ gật cho qua. Vương Mãn Đường đã nhắm mắt, ai nói gì ông cũng mặc thây, họ cho là ông đã ngủ. Song có miếng gì ngon, không gọi ông dậy, ông liền mở mắt. Vương Mãn Đường háu ăn, một ngày ba bữa thích ăn mì sợi cho đẫm ớt và nước chan thật đã đời.
        Đầu tiên Vương Mãn Đường làm tổ trưởng, sau làm đội trưởng, rồi làm đại đội trưởng sản xuất. Vương Mãn Đường làm cán bộ đã quá quen, lại thông thạo việc nhà nông, lãnh đạo cấp trên tín nhiệm lắm.
(Truyện của Giả Bình Ao, Vũ Công Hoan dịch, TTCN 3/11/1991)
        CƯỚP BIỂN: Tối 15/11/2008, một con tàu chở hàng của Nhật Bản đã bị bọn hải tặc Somali đánh cướp trên vịnh Aden, 23 thủy thủ bị bắt giữ. Sau đó, bọn cướp biển lại tấn công và cướp một tàu Thổ Nhĩ Kỳ khi nó đang chở 4.500 tấn hóa chất trên đường tới Mumbai, Ấn Độ.
        Ngày 16/11, một tàu tuần tra của hải quân Nga đã ngăn chặn một vụ cướp biển định tấn công tàu chở dầu Rabihk của Arập Xêút. Trước đó, một tàu của hải quân Anh đã ngăn chặn được một vụ tấn công tàu chở dầu của Hà Lan – Được biết, tàu của bọn cướp biển luôn được trang bị tốt với nhiều vũ khí hiện đại, có thiết bị định vị toàn cầu GPS, điện thoại vệ tinh nên khá dễ dàng trong việc tấn công tàu thuyền đi qua hải phận Somali. Bọn cướp ngày càng táo tợn, và chúng sẵn sàng sử dụng bạo lực với những tàu thuyền được trang bị vũ khí – Theo thống kê của Cục Hàng hải quốc tế, từ đầu năm đến nay, trên vùng biển Somali đã xảy ra 83 vụ tấn công và 33 vụ bắt tàu biển, với 220 thủy thủ đang bị bọn cướp giam giữ.
        TAI ƯƠNG: Năm 1999 thế giới bị nhiều thiên tai lớn. Đêm 17/8, tại Thổ Nhĩ Kỳ, một trận động đất 7,4 độ Richter khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, hơn 33.000 người bị thương, 250.000 người mất nhà cửa. Ước tính thiệt hại hơn 30 tỉ USD.
        Ngày 7/9, một trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra tại Hy Lạp làm 139 người chết, 28 người mất tích, 66 nhà sụp đổ - Ngày 21/9, động đất ở Đài Loan mạnh 7,3 độ Richter, làm 2.200 người chết, 8.714 người bị thương, hơn 100 ngàn người mất nhà cửa, (gần 6.000 cao ốc sụp đổ), thiệt hại độ chừng 3,2 tỉ USD.
        Ở VN, một trận lụt kinh hoàng xảy ra tại bảy tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người: 592 người chết, 31 người mất tích, mất mát vật chất chừng 3.300 tỉ đồng.
        NƯỚC NGOÀI: “Vòng hoa trên biển Trường Sa” là tên bài ghi chép của báo Thanh Niên, viết về lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân hy sinh tại vủng biển đảo Gạc Ma, ngày 14/3/1988. (Theo báo Nhân Dân ngày 26/3/1988 (trang 1), số người hy sinh là 74). Buổi lễ tổ chức trên tàu HQ 996.
        Bài ghi chép này có trích một đoạn diễn văn của người chủ trì, đại tá Nguyễn Kiểu Kinh: “Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ bao đời nay là lãnh thổ của VN. Nhưng đầu năm 1988, với mưu đồ thôn tính Trường Sa, nước ngoài đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc đảo Sinh Tồn của VN”.
        (Chú thích: Chép tin này vì có 2 chữ NƯỚC NGOÀI – quechoa.info 19/3/2011).
        XỈA RĂNG
                    Xin em một sợi lông măng
                    Mai sau già yếu xỉa răng đỡ buồn.
                                                          Mường Mán
        NHỮNG CON SỐ: “Năm 2012 Việt Nam đã đạt kỷ lục mới về sản lượng lúa (43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2011) và lượng gạo xuất khẩu (trên 8 triệu tấn), đảm bảo vững chắc an ninh lương thực”. Đây là những con số được thông báo tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp cuối năm qua.
        Rất nhiều con số và kỷ lục đã được nêu. Nhưng khó mà hình dung được cụ thể gương mặt và cuộc sống của người nông dân qua những con số đó. Chúng cũng không che khuất được hiện thực là đa số nông dân không hưởng được mấy lợi ích từ thành tích này.
        Những con số là cần. Thống kê là cần. Thống kê cho ta bức tranh tổng thể, khái quát về một thực trạng. Nhưng những con số cũng có khi dẫn đến lầm lạc. Những con số sai lạc do thu thập không đúng phương pháp hoặc cố tình nhào nặn nhằm làm đẹp báo cáo, nó che lấp những số phận con người, những con người thật, những số phận thật.
        Hãy nghĩ đến những người con của nông dân, nam và nữ. Nếu sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nếu cuộc sống nông thôn hứa hẹn một tương lai tươi sáng, hẳn bao nhiêu nam thanh niên đã không bỏ ruộng vườn lên thành phố mưu sinh qua ngày, bao nhiêu cô gái nông thôn đã không liều nhắm mắt đưa chân lấy chồng nước ngoài không vì tình yêu mà để đổi đời về mặt vật chất, có khi chỉ để trả nợ, để đỡ đần cha mẹ, và không ít trường hợp đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
        Với công nhân, chỉ cần đến các khu nhà trọ, chỉ cần nhìn bữa ăn hàng ngày của họ là đủ biết còn lâu họ mới chạm vào được những gì mà các con số đẹp trên báo cáo hứa hẹn. Họ đang bị các nhà máy, các khu công nghiệp vắt cạn sức – Phải nhìn xa hơn những con số để thấy những phận người cụ thể.
(Đoàn Khắc Xuyên, TTCT. 13/1/2013, tr.37)
        HITLER NÓI: Hiện giờ người ta chỉ còn giữ được một băng ghi âm duy nhất thu giọng nói của A. Hitler, trùm phát xít Đức (thời thế chiến 2).
        Cuốn băng được thu âm vào ngày 4/7/1942, khi Hitler tới thăm Phần Lan để chúc mừng sinh nhật lần thứ 75 của tổng thống Phần Lan. Âm vực trầm của giọng nói trong băng nghe không giống giọng thường ngày của Quốc trưởng – Do Hitler cấm không được thu âm bất cứ cuộc nói chuyện riêng tư nào của mình, nên 18 phút ông ta nói trong băng này cho người nghe biết thêm được đôi chút, vài nét nhỏ về con người ông ta.
(PV, Thể thao Văn hóa 19/10/2004, tr.28).
        EVEREST: Edmund. P. Hillary sinh ngày 20/7/1919 tại Auckland, New Zealand. Ông nổi tiếng khắp thế giới vào năm 1953 khi ông và người dẫn đường Tenzing Norgay trở thành những người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới.
        Hillary bắt đầu tham gia chinh phục đỉnh Everest năm 1951 khi gia nhập một đoàn khảo sát của Anh. Qua năm 1953 ông lại leo núi, với một đoàn khác, cũng của Anh, do John Hunt chỉ huy. Sau nhiều ngày vất vả, vượt qua nhiều trở ngại, Hillary và Tenzing lên đến đỉnh Everest lúc 11 giờ 30 ngày 29/5/1953. Hai ông đứng trên đỉnh núi 15 phút. Hillary chụp cho Tenzing một pô hình. Tenzing để lại vài thanh sôcôla trên tuyết như một lễ vật, Hillary để lại một cây thánh giá. Sau đó họ trở về an toàn.
        Tin tức về sự thành công của chuyến thám hiểm được loan truyền nhanh chóng khắp nơi. Hillary và Tenzing rất ngạc nhiên trước sự ca ngợi của quốc tế dành cho họ khi hai người về tới Kathmandu – Trong các năm về sau, nhiều đường phố, trường học ở nhiều nước được mang tên E. Hillary. (Ông qua đời vào tháng 1/2008).
        TỪ BỎ NÓ ĐI: Còn rất sớm, đường phố sạch sẽ, hoang vắng. Tôi đang đi về hướng ga xe lửa. Khi so đồng hồ trên tháp với đồng hồ mình, tôi nhận ra đã muộn màng hơn mình tưởng, phải vội lên thôi. Phát hiện ấy làm tôi hoảng kinh, đâm ra ngờ vực con đường. Vả chăng, tôi chưa quen thuộc thành phố này. May thay, có một viên cảnh sát đứng gần đấy, tôi chạy lại hỏi thăm đường. Ông ta mỉm cười, nói: “Anh muốn tôi cho biết đường đi à?”. Tôi đáp: “Vâng, vì tôi không tự tìm ra được”.
        “Từ bỏ nó đi, từ bỏ nó đi”.
        Ông ta nói, rồi quay mình bước nhanh, như ai đó muốn được cười to một mình.
        TRƯỚC CỬA: Một người gác cổng đứng canh trước Luật Pháp. Có một người trong xứ đó muốn vào. Người gác cổng không cho mặc dù gã nọ van xin hết mức và hối lộ đủ điều. Gã van xin cả những con rận trên cổ áo người gác cổng! Gã bỏ hết cả năm tháng, cuộc đời ra để tìm cách được vào. Nhưng không được. Khi gã chết, người gác cổng mới nói, nói vào lỗ tai đã điếc (của kẻ chết): cửa vào này làm ra là dành cho ông đấy, giờ thì tôi đi đóng cửa lại đây.
        (Hai truyện này của Franz Kafka (1883 – 1924) – Nhật Chiêu dịch, Văn số 24, 2/1993, tr.71).
        TAY TRÁI: Vào nửa đầu thế kỷ 20, nhiều người ở Bắc Mỹ và châu Âu không thích hoặc căm ghét những kẻ thuận tay trái. Giờ đây tình hình đã thay đổi, người ta không còn lưu ý đến việc thuận tay nào.
        Trên thế giới, số người thuận tay trái ngày càng tăng. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy: tỉ lệ người thuận tay trái đã tăng gấp 4 lần trong 100 năm qua. Độ 13% nam và 11% nữ hiện nay đang thuận tay trái – Thuận tay trái vẫn là một bí ẩn lớn của khoa học. Sau 160 năm nghiên cứu về khuynh hướng chỉ dùng một tay, cộng đồng khoa học thế giới vẫn chưa đưa ra một lời lý giải hợp lý cho câu hỏi: tại sao đa số người thuận tay phải. Tuy nhiên, thiểu số thuận tay trái có thể an tâm, các chuyên gia đều nói: dùng tay trái không có gì sai trái cả.
        BÁO XƯA: Báo chí Nam Bộ lúc đó (1882) dùng tiếng Nam Bộ khiến người miền Bắc hiện nay phải vất vả lắm mới hiểu được ý cổ nhân. Người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng làm báo giỏi và đọc báo nhiều, ai ai cũng đọc báo. Phương tiện chuyên chở báo lúc đó là xe ngựa. Mãi đến năm 1922 mới có xe hơi đi từ Sài Gòn tới lục tỉnh. Bởi vậy, lúc mới ra đời, báo chí Nam Bộ chưa vượt ra khỏi Nam Bộ. Hơn nữa, đối tượng độc giả là tầng lớp bình dân. Cho nên báo chí Nam Bộ viết theo tiếng Nam Bộ, dùng ít từ Hán Việt, và theo phong cách khẩu ngữ cho những người bình dân Nam Bộ dễ đọc, dễ hiểu.
        Một chi tiết khác về từ ngữ thời đó là khi tiếp xúc với văn minh châu Âu, nhiều từ ngữ được vay mượn và nhập vào tiếng Việt. Khi chưa tìm được từ Việt tương ứng, người ta để nguyên dạng. Chẳng hạn, đó là các bài “Nói về savon” (Gia Định Báo, 25/2/1882) – “Ông vua nước Perse với các quan” (GĐB, 3/2/1882) – “Con khỉ ăn trái noix” (GĐB, 7/4/1882) – Địa bàng, cây chêne với cây sậy” (GĐB, 8/7/1882). Sau này một số từ được phiên âm, như savon thành xà bông, chêne thành cây sồi, một số từ lại được dùng theo từ Hán Việt, như nước Ba Tư, nước Ả Rập, quả hồ đào (noix).
(Nguyễn Đức Dân, Kiến Thức NN 6/2003, tr.16).
        BUỒN: Từ đầu năm đến giờ, tôi có nhiều ông bạn biến mất vì vỡ nợ. Giới chứng khoán đã tiêu tùng từ hai năm trước. Giới bất động sản lao đao từ đầu năm ngoái (2011), để đến cuối năm nay thì hầu như sụp đổ. Những đại gia còn ngắc ngoải đa số là đại gia khủng, nằm trong các nhóm lợi ích, có quyền lợi liên thông với các quan chức lớn và giới ngân hàng. Nghe nói, có chừng hơn 100 ngàn tỉ đồng sẽ được chính phủ đổ ra để giải cứu (bất động sản), chắc là giải cứu cho đám nhà giàu này?
        Tôi biết có một số đại gia nhà đất sụp đổ từ hai năm trước, hầu hết dự án của họ đã dừng lại, giao luôn cho ngân hàng (bị xiết nợ), rồi ung dung đi ăn chơi. Các đại gia ấy cứ đến thứ sáu là rậm rực bay đi Singapore, Mã Lai, Ma Cao, Las Vegas đánh bạc. Đang nợ ngân hàng ngập đầu, lấy tiền đâu đi ăn chơi? Thật lạ. Nhưng sau này thì tôi hiểu ra: họ có cách làm ăn rất siêu, cực quái, trên đời chẳng ở đâu có!
        Cả nước có hàng ngàn dự án địa ốc. Nhiều địa phương giải tỏa trắng cả xã để cấp đất cho các đại gia trời ơi kiểu đó… Tôi nhớ hình ảnh hàng vạn dân oan mất đất lê la đi khiếu kiện ngày này qua tháng nọ trên khắp nước. Có người bị bắt tù, có người cởi truồng để giữ đất. Sao dân tôi gặp hết kiếp nạn này đến kiếp nạn khác như thế?
(H.N. Chênh, quechoa.vn  23/12/2012)
        THANH CAO: Chùa Shwe Dagon nổi tiếng ở Yangon. Ngôi chùa với ngọn tháp vàng rực là biểu tượng của Yangon và đất nước Myanmar kỳ bí. Đến thăm chùa, tôi có dịp tìm hiểu về một thế giới huyền diệu, thế giới của vàng.
        Vừa bước chân lên bậc tam cấp chùa Shwe Dagon, tôi được người ta mời mua những tờ giấy vàng óng. Ban đầu, tôi tưởng vàng mả, nhưng hỏi kỹ mới biết đó là những lá vàng mỏng, vàng nguyên chất. Người ta bán lá vàng cho khách hành hương, khách đem nó trát lên tượng hoặc lên tháp chùa. Đó là nét văn hóa của người dân Myanmar – Khi đứng trước ngọn tháp chính của chùa, cao 98 mét, tôi không thể nghĩ được có bao nhiêu vàng ở đó, chỉ biết chắc là rất nhiều.
        Trên đỉnh ngọn tháp có chiếc miện được khảm 5.448 viên kim cương (tổng cộng hơn 2.000 carat) và 2.317 viên hồng ngọc. Và trên đỉnh miện là một viên kim cương 76 carat. Lâu nay, tôi cứ nghĩ rằng vàng bạc châu báu là một thế giới xa hoa. Nhưng ở đây, sự xa hoa không hề tồn tại, dù trước mặt tôi là một núi vàng. Ở đây, những tháp vàng rực rỡ, những viên kim cương lóng lánh mang một vẻ thiêng liêng nhưng gần gũi, thanh cao vô cùng.
(Đỗ Hùng, TN 10/3/2008, tr.25).
        HOÀNG CUNG: Điện Buckingham là hoàng cung lâu đời của nước Anh, tọa lạc cạnh công viên Saint James, khu Westminster, bên bờ sông Thames. Tòa nhà này vốn là dinh thự riêng của công tước Buckingham, xây dựng năm 1703. Năm 1837, nữ hoàng Victoria trở thành vua Anh đầu tiên sinh sống tại đây. Nữ hoàng Elizabeth II làm chủ cung điện này từ 1952.
        Điện Buckingham có 361 phòng, trong đó có phòng chiếu phim, chuồng chó cảnh, 78 phòng tắm phòng vệ sinh. Bên ngoài cung điện là công viên hoàng gia, rộng 18 hecta. Du khách có thể tới xem nghi thức đổi gác của vệ binh phía trước cổng hoàng cung, vào xem tranh ở bảo tàng mỹ thuật của nữ hoàng – Số nhân viên bảo vệ an ninh cho điện Buckingham hiện nay là hơn 1.000 người. Họ thuộc lực lượng vệ binh hoàng gia, được đào tạo kỹ lưỡng. Thường ngày trông họ hiền khô, nhưng khi có báo động họ phản ứng cực kỳ mau lẹ và dũng mãnh.
        Ngoài lực lượng vệ binh, nhân viên an ninh chìm nổi, Buckingham còn có hơn 300 nhân viên dân sự. Họ phần đông là nữ, làm đủ mọi việc từ phục vụ ăn ở cho các thành viên hoàng gia tới làm vườn, dọn dẹp, quét tước trong công viên hoàng cung.
(Hữu Cường, theo The Times, 25/11/2006)
        ZIDANE: Mới đây, trong cuộc bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu trong 50 năm qua của người hâm mộ, Zidane dẫn đầu, đứng trên hai tài danh Beckenbauer, Johan Cruyff.
        Zidane, 31 tuổi, đã ba lần đoạt được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Cũng như Beckenbauer, anh đã có trong tay chức vô địch World Cup và Euro – Như các cuộc bình chọn khác, kết quả lần này cũng gây nhiều tranh cãi. Thật ngạc nhiên khi danh sách này không có 2 danh thủ Anh: Gordon Banks, Tom Finney cùng 2 cầu thủ Hunggary tài giỏi: Sandor Kocsis, Jozep Bozsik.
        Top 10 của cuộc bầu chọn này: Zinedine Zidane (Pháp), F. Beckenbauer (Đức), J. Cruyff (Hà Lan), M.V. Basten (Hà Lan), Dino Zoff (Ý), A. Di Stefano (Tây Ban Nha), Eusebio (Bồ Đào Nha), Lev Yashin (Nga), M. Platini (Pháp), Paolo Maldini (Ý).
                   (Hoàng Tuấn, TTVH 27/4/2004, tr.27)
        BẤT AN: Tình trạng văn hóa hỗn tạp như “văn hóa bãi bia” đang thống trị đời sống văn hóa nước ta. Ở đó, cái tốt đang ẩn mình sau những tiếng thở dài và lời ta thán. Ở đó, cái xấu đang lộ diện với những gì kinh hoàng nhất. Ở đó, nhiều người lương thiện đang phải thu mình, tự thấy mình bất lực – Một cuộc sống bất an, đó là sự thật. Có quá nhiều thành viên trong xã hội ta, trong cuộc mưu sinh, trong sinh hoạt hàng ngày, ít nhiều đều cảm thấy bất an. Khi mà đa số người tốt không dám bộc lộ mình trong sinh tồn xã hội – khi mà cái xấu, cái ác, cái tiêu cực vẫn nhởn nhơ, không sợ bị trừng trị –  khi mà trong quan hệ xã hội, chỉ từ một cái nhìn hay một lời nói không vừa ý là người ta có thể rút dao – khi mà vào bệnh viện là lại phải làm quen với lời mắng mỏ, ánh mắt hằm hằm, tiếng quát tháo của các “từ mẫu” – khi mà hàng tháng phải cố làm thế nào để kiếm tiền học thêm cho con cái, để nộp đủ mọi loại phí do thầy cô nghĩ ra – khi mà chân lý luôn nằm sẵn trong túi một số người.
(Nguyễn Hòa, An ninh TG giữa tháng, 10/2011, tr.12)
        NHÂN DÂN CHẾT: Ngày 20/6/2009, lúc 7 giờ 5 phút, trên đường Khoravi ở Tehran (Iran), Neda Agha Soltan bị nhân viên an ninh bắn vào ngực khi đang đứng xem đám đông biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Tehran. Những đoạn phim ghi hình cái chết của Neda nhanh chóng được tung lên Internet.
        Có hai đoạn video cho thấy giây phút cuối cùng của Neda. Đoạn phim thứ nhất quay cảnh cô gái trẻ ngã xuống đất nhưng vẫn còn sống. Đoạn phim thứ hai quay cảnh Neda đã mất ý thức và máu chảy thành vũng. Lúc đó bác sĩ Hejazi, đứng cách Neda 1 mét, chạy vội tới, cố gắng dùng tay bịt vết thương, nhưng viên đạn nổ trong lồng ngực nên chỉ hai phút sau cô gái chết.
        Neda Agha Soltan là con gái duy nhất của một gia đình trung lưu có 3 người con. Neda tốt nghiệp khoa thần học và triết học tại đại học Azad, cô đam mê âm nhạc và thích du lịch. Neda học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ với mong muốn trở thành hướng dẫn viên cho người Iran du lịch sang Thổ – Những người quen biết Neda cho biết cô không tham gia chính trị và không ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống Iran năm 2009 – Điều phức tạp, khó hiểu: quanh cái chết này có nhiều nghi vấn. Có người nói cô gái bị bắn vào đầu, không phải vào ngực. Người khác nói, lực lượng dân quân (phe biểu tình) bắn Neda để lôi kéo dân chúng chống chính quyền, không phải cảnh sát bắn.
(Diên San, A.N số 883, 15/8/2009, tr.27).
        CHIỀU
                     Em ơi nắng bỏ đường dài
                Chiều hôm hiu quạnh ta ngồi ngồi ta
                     Dòng sông suối hở mặn mà
                Tấm thân trinh bạch em là là ai.
                                                Trịnh Công Sơn
        TẬT XẤU: Tôi xem trong xứ ta tính người đổi nhiều lắm, tục tốt ít ưa, tục quấy hay thích. Tục tốt là thương yêu nhau, thấy ai mạnh thì vui, thấy ai khổ thì thương. Còn quấy là ganh hiền ghét nhỏ, thấy ai giỏi hơn, giàu sang hơn thì không ưa, thấy ai dở hơn nghèo hơn, hèn hơn mình thì khinh bạc, chê bai. Coi ra cho kỹ thì ai lo phận nấy, ai chẳng cần ai, sang với nghèo đãi nhau không hậu tình. Tệ nạn mỗi ngày mỗi thêm làm sao cho khỏi bị dân các nước khác khinh khi. Cũng bởi vì mình ở với nhau còn không phải không tốt, nói gì với nước khác. (Lương Dũ Thúc, năm 1901).
        Nước mất là do rất nhiều điều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi, hai là nội trị hủ bại, ba là dân trí bế tắc, bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.
        Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước. Ngoại giao nội trị dân trí sở dĩ đồi bại như vậy, cũng là do trên dưới đều tự tư tự lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất, vua bị tù, thần dân trở lên bơ vơ đê tiện. (Phan Bội Châu, năm 1908).
(Vương Trí Nhàn, TTVH 21/10/2006, tr.35).
        BỐC HƠI: Vào ngày 5/12/1945, năm máy bay “Người phục thù” và một chiếc “Thủy thủ Martin” của hải quân Mỹ đã mất tích tại vùng tam giác Becmuda.
        Hôm đó, 5 chiếc “Người phục thù” rời căn cứ hải quân Louderdanbe bay qua quần đảo Bahama để thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện. Năm phi công và 9 nhân viên tổ máy do đại úy Taylor chỉ huy – Sau khi bay được 90 phút, la bàn trên máy bay đột nhiên nhảy lung tung. Taylor cho rằng máy bay của mình đã ra khỏi khu vực huấn luyện, bay về phía nam vùng Kase của Florida. Ông ra lệnh: tất cả lập tức bay về hướng bắc, để vào đất liền. Nhưng hình như đội bay đã bay ra đại dương, ngày càng xa đất liền. Từ đó năm chiếc máy bay mất tích. Mấy giờ sau, một máy bay cứu viện mang tên “Thủy thủ Martin” với tổ bay 13 người cũng mất tích tại vùng biển (Becmuda) này.
        Về sau, khi tìm hiểu, điều tra về vụ này, người ta cho rằng đám mây điện từ trong khí quyển có thể làm cho la bàn và các đồng hồ trên máy bay quay loạn xị, khiến cho các phi công mất phương hướng – Rút cục, các máy bay mất tích có bay về hướng đông không? Họ có bị rơi xuống, và rơi ở đâu, cho đến nay (11/2005) vẫn còn là điều bí ẩn – Ngày 17/11/2005, 27 sĩ quan mất tích tại Becmuda (sau 60 năm) đã được truy tặng huân chương.
(Chử Đức Cường, theo china.com, 14/12/2005).
        BẤT HẠNH: Cuộc chiến Iran – Iraq trước kia (đầu thập niên 1980) đã để lại cho Iraq một con số góa phụ chưa kịp thống kê hết, thì cuộc chiến vùng vịnh năm 1991 đã lại cướp đi tính mạng của vô số binh lính người Iraq.
        Năm 2003 lại có thêm cuộc chiến mới, biến Iraq trở thành đất nước có số lượng phụ nữ góa chồng lớn nhất thế giới. Theo những thống kê mới đây, Iraq hiện có gần 1 triệu góa phụ trên tổng số 8,5 triệu phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 70. Nhưng con số này vẫn chưa dừng lại, bởi những vụ đánh bom tự sát, những vụ bắt cóc vẫn còn diễn ra thường xuyên trên đất nước này. Hầu hết phụ nữ góa chồng người Iraq là phụ nữ trẻ.
        Theo thông báo của tổ chức Viện trợ quốc tế, 43% người dân Iraq đang sống trong cảnh nghèo đói, không tài sản. Bốn triệu người cần hỗ trợ về lương thực, và trong số ba trẻ em (dưới 5 tuổi) thì chỉ có một trẻ được dùng nước sạch. Con số trẻ em được đến trường càng ít ỏi hơn.
(Minh Ngọc, theo ABC 26/3/2008).
        KHÂM PHỤC: Một lần đi chơi núi, Khổng Tử bảo học trò là Tử Lộ xuống suối tìm nước uống. Tử Lộ gặp con cọp, liền đánh nhau với cọp, rứt được một nắm lông đuôi, giấu vào trong áo, xách nước về. Bèn hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, kẻ thượng sĩ giết cọp như thế nào?”. Khổng Tử đáp: “Kẻ thượng sĩ nắm lấy đầu cọp mà giết”. Lại hỏi: “Kẻ trung sĩ giết cọp như thế nào?”. – “Kẻ trung sĩ nắm lấy tai cọp mà giết”. Lại hỏi: “Kẻ hạ sĩ giết cọp như thế nào?”. – “Kẻ hạ sĩ nắm lấy đuôi cọp mà giết”.
        Tử Lộ lặng lẽ vứt nắm lông đuôi đi, giận mà nghĩ rằng: thầy biết dưới suối có cọp mà bảo mình xuống đó lấy nước là muốn giết mình. Bèn nhặt một hòn đá giấu trong áo, định ném thầy.
        Sau đó, Tử Lộ hỏi: “Kẻ thượng sĩ giết người như thế nào?”. Đáp: “Kẻ thượng sĩ giết người bằng ngòi bút”. Lại hỏi: “Kẻ trung sĩ giết người như thế nào?”. – “Kẻ trung sĩ giết người bằng cái lưỡi”. Lại hỏi: “Kẻ hạ sĩ giết người như thế nào?”. – “Kẻ hạ sĩ giết người bằng cách ném đá giấu tay”.
        Tử Lộ lặng lẽ vứt cục đá đi, từ đó hết lòng khâm phục thầy. (Lỗ Tấn, “Tiểu thuyết sử lược”).
(Lương Duy Thứ, KTNN 1/1995, tr 30 – 31).
        THUA ĐẸP: Trong những trận đấu vừa qua, bọn anh thua đẹp vô cùng. Chưa khi nào, chưa ở đâu, các bàn thua lại đến nhanh, mạnh và đều đến thế. Để có những pha thủng lưới hoàn hảo như vậy, đòi hỏi sự phối hợp ăn ý của cả ba tuyến: tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ cùng sự góp sức không nhỏ của thủ môn.
        Bất chấp sức ép phải thắng của hàng vạn khán giả, bất chấp sự công tâm cố ý của trọng tài, toàn đội của anh đã quyết tâm cao độ, phối hợp nhịp nhàng, gắn bó, không ngại va chạm, phân phối sức lực trên sân hợp lý, linh hoạt trong chiến thuật, trung thành với đấu pháp để dẫn tới những bàn thua.
        Công lao này là của tập thể chứ không phải của một cá nhân nào. Từ vẻ mặt buồn rầu của huấn luyện viên trưởng, từ vẻ thẫn thờ của ông trưởng đoàn cho tới từng bước chạy khoan thai của các cầu thủ trên sân đều làm cho các trận thua trở nên trọn vẹn, đáng nhớ một cách sâu sắc.
(Lê Hoàng, TN. 16/12/2012, tr.22) ./.