28 thg 2, 2012

ĐỌC LẠI ĐỂ NHỚ


       "Hiện nay, điều đáng lo ngại mà ai cũng thấy là cái ác đang diễn ra một cách thản nhiên, như thể đó không còn là ác nữa”.
                                                                           GS. Cao Huy Thuần
                                                                                                              (Tuổi Trẻ CT. 8-1-2012)

     1. BỨC TRANH VÂN CẨU
        * Tại trường THCS Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè (Tiền Giang), vào giờ ra chơi sáng 9-4-2010, Huỳnh Nhật Hòa (SN 1995) đến lớp của Huỳnh Thiện Toàn (SN 1993, ngụ ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Đức Tây, học lớp 8) gây sự, và đánh vào mặt Toàn. Ngay lập tức, Huỳnh Thiện Toàn rút dao Thái Lan giấu sẵn trong người đâm vào ngực Huỳnh Nhật Hòa, khiến Hòa ngã gục xuống đất. Sau đó, Hòa đã chết lúc được đưa đi bệnh viện.
             (B. Đại, Sài Gòn giải phóng – Người lao động 10-4-2010).
        * Vào lúc 20 giờ 10 ngày 15-1-2011, thầy giáo Đinh Gia Trưởng (32 tuổi, dạy ở trường THPT Giá Rai, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị một người lạ mặt đâm một nhát vào lưng, tại nhà vệ sinh của trường.
        Qua điều tra, ngày 17-1 hung thủ đã bị bắt. Đó là Nguyễn Quốc Tuấn, 18 tuổi, quê ở ấp Phong Thạnh, Giá Rai (Bạc Liêu), học sinh lớp 12, học ngay trường thầy Trưởng dạy.
        Tuấn nghi ngờ thầy Gia Trưởng có mối quan hệ mật thiết với người yêu của mình, nên âm thầm lên kế hoạch sát hại “tình địch”… Thầy Gia Trưởng bị Tuấn đâm thủng bụng, thủng gan, được đưa ngay vào bệnh viện Giá Rai, và sau đó chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu để điều trị.
                    (VTC Mews, 18-1-2011)
        * Chiều 24-2-2007, công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) bắt quả tang ông Phạm Vũ Bằng (52 tuổi, giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh) đang chuẩn bị quan hệ tình dục với một nữ sinh (16 tuổi) trong khách sạn trên đường Nguyễn Tất Thành. Sau đó, ông Bằng thừa nhận hành vi gạ tình học sinh.
        Quá trình “gạ tình” của ông Bằng bắt đầu từ đầu tháng 2, khi phát hiện một nữ sinh có những hành động nói xấu thầy cô giáo của trường trên mạng Internet. Lúc đầu, ông Bằng dọa nạt, (ông là giám thị), buộc học sinh nói trên phải thôi học nhiều lần, sau đó quay sang tán tỉnh.
        Ngày 23-2, ông Bằng hẹn gặp và ép nữ sinh này hôm sau phải đến khách sạn “quan hệ” nếu muốn được bỏ qua khuyết điểm.
                   (Theo Người lao động – VNExpress 27-2-2007).
        * Trong thời gian học tại trường Đại học Nông lâm TP. HCM, Trần Xuân Thanh (28 tuổi, sinh viên khoa cơ khí, khóa 2002 – 2006) phải thi lại rất nhiều môn. Trong đó môn Anh văn (do thầy Đặng Hữu Dũng phụ trách) Thanh đã thi 4 lần vẫn chưa đậu, nên không thể có bằng tốt nghiệp.
        Nghi ngờ thầy Hữu Dũng trù dập mình, Thanh mang lòng thù hận… Rồi bỏ trường lớp mấy năm, giữa năm 2009 Thanh quay về xin thi lại nhưng không được vì kết quả học tập đã bị xóa, (quá 2 năm). Cho rằng mọi việc bắt nguồn từ thầy Dũng, Thanh thủ sẵn con dao và mua 5 lít axít để chờ thời cơ trả thù.
        Sáng 24-8-2009, Thanh mang dao, axít đến trường. Thầy Hữu Dũng đang giảng bài trên giảng đường. Thanh xông vào tạt chậu axít vào người thầy. Hậu quả, thầy Dũng bị bỏng 70%... Vừa qua, tòa án quận Thủ Đức tuyên phạt Trần Xuân Thanh 9 năm tù.
                  (Vũ Mai, VNExpress 7-10-2010).
        * Trưa ngày 3-3-2007, tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã xảy ra một vụ cướp, trong đó thủ phạm và nạn nhân đều còn trẻ, và đều là nữ.
        Chị Nguyễn Thị Hà, 25 tuổi, bị ba cô gái đâm bằng kéo, cướp đi một nhẫn vàng, ba triệu đồng, (và các nữ quái đã ném hai điện thoại di động của chị xuống nước).
        Sau đó, thủ phạm được xác định là ba học sinh trường THPT Đồng Hỷ: Nguyễn Thị Khánh Ly (18 tuổi, lớp 11A5), Ngô Thị Nhật Lệ (18 tuổi, lớp 11A5), Nguyễn Thị Thu Hương (18 tuổi, lớp 12A3).
                    (Theo Công an nhân dân – VNExpress 5-3-2007).
        * Tháng 1-2006, Lê Đức Công (30 tuổi, quê Ninh Bình) được trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM tuyển làm giảng viên, giảng dạy môn cơ sở – kỹ thuật điện. Tháng 7-2009, nhà trường tổ chức thi hết môn “lưới điện” cho lớp trung cấp nghề 08-NQ1B do Lê Đức Công giảng dạy. (Công cũng là một trong bốn người ra đề và chấm thi bộ môn này).
        Trước ngày thi, Công gặp sinh viên (SV) V.C.T là lớp trưởng của lớp trung cấp nghề 08, gợi ý với T: nếu SV nào muốn thi đậu môn này thì nộp cho Công 2 triệu đồng.
        Ngày 12-6-2009, Công đã nhận của T cùng sáu SV khác tổng cộng 14 triệu đồng… Cuối tháng 7-2009, nhà trường công bố kết quả thi, 4 sinh viên (đã đút lót) đạt điểm trên trung bình, ba SV còn lại bị điểm dưới trung bình. Ba SV không đạt tìm thầy Công để đòi lại tiền.
        Ngày 13-8-2009, nhà trường phát hiện việc đánh dấu trong 8 bài thi nên tiến hành điều tra. Sự vụ vỡ lở, Công bị cho thôi việc, và bị truy tố.
        Trong phiên xử sơ thẩm, tòa án quận 12 tuyên phạt Lê Đức Công 3 năm tù. Công kháng án, xin giảm nhẹ. Nhưng, phiên xử sau, viện kiểm sát quận 12 tăng hình phạt lên thành 4 năm tù, về tội nhận hối lộ.
                  (Mai Phượng, Vietnamnet 15-4-2011).
        * Đào Công Thọ, giáo viên dạy môn sinh học tại một trường trung học cơ sở ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã bị nhiều phụ huynh học sinh tố cáo vì tội hiếp dâm các học sinh lớp 8.
        Ngày 8-12-2005, Thọ tổ chức buổi học thực hành về hô hấp nhân tạo. Buổi học (không nằm trong thời khóa biểu nhà trường) ấy có 18 học sinh, 9 nam 9 nữ… Thọ sắp xếp cho học sinh nam tập trung ở tầng dưới, số học sinh nữ theo thầy lên gác thực hành trước.
        Thọ bắt từng học sinh nữ vào phòng “thực hành”, 8 em còn lại đứng ngoài, gác cửa. Trong vòng 2 giờ đồng hồ, 9 nữ sinh đều bị Thọ giở những hành vi đồi bại, trong đó có 3 em bị hiếp dâm… Hôm sau, Thọ tuyên bố trước cả lớp, học sinh nào không đi thực hành bị điểm 1. Chín trò nữ đã qua “thực hành” được điểm 9.
                    (Theo Công an nhân dân – VNExpress 4-1-2006).
        * Ngày 11-5-2010, tại trường THCS Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã xảy ra một vụ án mạng.
        Trong lúc chuyển giao tiết học, khi bạn bè đưa dụng cụ thí nghiệm lên phòng thực hành thì Phạm Anh Hiếu, học sinh lớp 8A5, đã dùng dao Thái Lan đâm vào đùi trái của Trần Thanh Tuấn, bạn học cùng lớp. Được biết, trước đó Hiếu và Tuấn xích mích nhau, do những nguyên nhân nhỏ nhặt.
        Do vết đâm trúng vào động mạch chủ nên máu chảy nhiều, em Tuấn đã chết ngay sau đó.
        Theo bà Nguyễn Thị Hoa, hiệu trưởng, Tuấn và Hiếu không nằm trong diện học sinh cá biệt. Sự việc này khiến thầy cô và học sinh toàn trường bàng hoàng.
                    (Hà Huy Vũ, Dân Trí 13-5-2010).
        * Vào lúc 14 giờ 20, ngày 10-3-2011, Trần Văn Thắng (SN 1993, học sinh lớp 12A5 trường THPT Minh Khai, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) sang nhà ông Trần Hữu Từ (SN 1941) và bà Hoàng Thị Tuyết (SN 1943), ở cùng xóm, hỏi mua mì tôm.
        Lúc đó vợ chồng ông Từ đi vắng. Thấy cửa hé mở, Thắng lẻn vào nhà. Rủi cho hắn, ngay thời điểm ấy, ông Từ và bà Tuyết trở về. Bà Tuyết cho rằng Thắng vào nhà để trộm cắp. Hai bên cãi nhau kịch liệt. Bất ngờ, Thắng chộp lấy con dao đặt ở bàn bên cạnh, đâm vào lưng bà Tuyết một nhát chí mạng, khiến bà gục xuống, chết ngay.
        Chưa dừng ở đó, Trần Văn Thắng cầm dao đuổi theo ông Hữu Từ. Ông Từ chống cự, bị Thắng chém nhiều nhát vào vai và đầu, phải nhập viện.
                    (Theo VTC – Lao động online 12-3-2011).
        * Ngày 27-3-2009, Ngô Văn Trọng (15 tuổi) học sinh lớp 9 tại xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) xích mích với hai học sinh cùng trường là Nguyễn Xuân Biển và Ngô Văn Sang (cùng 14 tuổi).
        Sau đó, Trọng đã gọi Nguyễn Văn Tuấn (16 tuổi) học sinh lớp 10 (anh họ của Trọng) đến đánh Sang và Biển… Bị Tuấn đánh, Biển chống cự, dùng dao nhọn (giấu sẵn trong túi) đâm Tuấn hai nhát. Tuấn đã chết trên đường đi cấp cứu.
                    (Nam Anh, VNExpress 30-3-2009).
        * Lúc 11 giờ 10, ngày 14-5-2010, em Hoàng Việt Quảng (SN 1994, ở phường Đống Đa, TP Qui Nhơn) là học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Thái Học, trên đường đi chơi về đến cầu Đôi (phường Đống Đa) thì bị Phan Hoài Hảo (SN 1995, học sinh trường THCS Tây Sơn, TP Qui Nhơn) cùng Nguyễn Quốc Cường (SN 1995), Nguyễn Văn Ngọc (SN 1993) đều là học sinh lớp 9 trường THCS Tây Sơn chặn lại đánh.
        Nguyễn Quốc Cường dùng dao Thái Lan đâm Việt Quảng ngã gục. Em Quảng đã chết tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định lúc 12 giờ cùng ngày.
        Bọn côn đồ áo trắng này khai, Hoài Hảo rủ cả nhóm đi đánh em Bùi Lê Lâm Đồng (học cùng trường), vì Hồng đang tán tỉnh bạn gái của Hảo. Do sơ xuất, bọn chúng đâm nhầm em Quảng.
                   (Võ Khánh, Dân Trí 15-5-2010).
        * Ngày 23-2-2011, Nguyễn Như Thành (SN 1993, học sinh lớp 11B2 trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) bị cô giáo Lý Thu Sương nhắc nhở vì không làm bài tập trên lớp, Như Thành đứng dậy xách cặp ra về. Sau đó, Thành chặn đường đánh cô Sương gãy mũi, bất tỉnh, phải nhập viện… Kết quả giám định pháp y cho thấy, cô Sương bị thương tật tỷ lệ 17%.
                   (Lao động 18-3-2011).
        * SẦM ĐỨC XƯƠNG, hiệu trưởng trường THPT thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, đã mua dâm nhiều cô gái chưa thành niên (là học trò của mình, độ tuổi từ 13 đến dưới 18) trong thời gian hơn một năm.
        Điểm qua mấy nét lớn của vụ này:
        Tính từ tháng 7-2008 đến khi bị bắt (tháng 9-2009), Sầm Đức Xương “quan hệ tình dục” với Nguyễn Thị Hằng 4 lần và trả cho nữ sinh này 3,1 triệu đồng. Thông qua Hằng, Đức Xương còn quan hệ tình dục với ba học sinh khác: NT Thanh Thúy, NTP (SN 1992), HTT (SN 1994). Sầm Đức Xương đã quan hệ với Thúy tổng cộng 3 lần, và trả cho nữ sinh này 650 ngàn đồng. Thông qua Thúy, Đức Xương tiếp tục quan hệ với ba nữ sinh khác: TTN (SN 1992), NTX (SN 1996), NTN (SN 1996). Đáng chú ý, trong các lần “quan hệ” với Hằng và Thúy, Đức Xương luôn bảo hai em này tìm các nữ sinh CÒN TRINH để mua, và hứa: “Nếu em nào còn trinh thầy trả từ ba đến bốn triệu đồng”. Đức Xương dùng đòn (thủ đoạn) sau đây khống chế Hằng và Thúy: với cương vị hiệu trưởng, ông ta có thể đuổi học, hoặc hạ điểm hạnh kiểm của hai em.
        Trong phiên xử chiều ngày 10-3-2011, tòa án tuyên phạt Sầm Đức Xương 9 năm tù, với tội mua dâm người chưa thành niên.
           (24h.com.vn 21-4-2010 – Tuấn Anh, VNExpress 10-3-2011).
        * Hoàng Văn Tài (22 tuổi), Nguyễn Quang Quân (19 tuổi), Võ Song Toàn (20 tuổi) ở xóm 6, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An là sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc.
        Quang Quân biết chị Đặng Thị Hải (45 tuổi), ở cùng xóm, là người khá giả, nên rủ Tài và Toàn đến nhà chị giở trò trộm cắp.
        Lúc 9 giờ sáng, ngày 9-12-2010, khi chị Hải đi làm, ba tên mang theo kìm, búa bổ củi tới nhà con mồi. Chúng bẻ khóa cửa, lẻn vào bên trong, rồi dùng búa phá két sắt, lấy đi 15 triệu đồng.
        Thực hiện xong “phi vụ”, chúng quay trở lại trường học nhằm tạo chứng cứ ngoại phạm. Dù vậy, Quân và Tài vẫn bị liệt vào danh sách tình nghi số 1, bởi từ lúc có tiền trong tay chúng ăn chơi, cờ bạc, đánh đề như những người sung túc.
        Tài và Quân bị bắt trước. Hai tên này khai ra thêm gã bạn Song Toàn. Chúng nói, vì cần tiền để trả nợ đã vay lâu ngày của bạn bè nên đi ăn trộm.
                   (Hồng Thắng, VTC News 12-12-2010).
        15* Tòa án tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt Trần Văn Hiền (18 tuổi, học sinh lớp 10 THPT Trần Văn Bảy, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, Sóc Trang) 14 năm tù về tội giết người.
        Vào ngày 24-2-2010, Hiền đến lớp 10A2 tìm bạn gái tên là Trang thì gặp Trần Văn Hóa. Do đã thầm thương Trang, nên Hóa nói với Hiền rằng “Trang là hoa có chủ”, rồi lao vào đánh Hiền.
        Trưa ngày 25-2-2010, khi đến trường Hiền mang theo một con dao Thái Lan, để trả thù. Hai người gặp nhau, lập tức giao chiến. Hiền đã đâm trúng vào ngực trái đối phương, làm Hóa ngã gục xuống sân trường. Hóa chết, vì nhát đâm thủng tim và phổi.
                   (Thiên Phước, VNExpress 7-8-2010).
        * Ngày 9-6-2010, công an huyện Từ Liêm, Hà Nội đã bắt, tạm giữ 4 đối tượng: Hồ Như Quý (SN 1987, quê ở Gia Lai), Đường Thanh Luân (SN 1989, quê Thái Bình), Hoàng Như Sơn (SN 1990, ở Từ Liêm, Hà Nội), và Nguyễn Việt Anh (SN 1995, ở Từ Liêm) trong nhóm cướp “3 vạch”.
        Cầm đầu nhóm cướp này là Hồ Như Quý, sinh viên trường Trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Quý yêu cầu các thành viên trong nhóm phải cắt tóc cua sát da đầu, phía bên trái cạo ba vạch trắng để làm ký hiệu riêng.
        Băng cướp này chuyên dùng dao đe dọa người để cướp của, thường hoạt động tại các khu vực xung quanh sân vận động Mỹ Đình, các tuyến đường thuộc xã Mỹ Đình, Mễ Trì và thị trấn Cầu Diễn.
        Trong thời gian dài, chúng đã gây ra rất nhiều vụ cướp giật. Số tiền cướp được chúng dùng để mua ma túy tổng hợp sử dụng.
                   (Tiến Nguyên, Dân Trí 10-6-2010).
        * Ngày 7-4-2009, ông hiệu trưởng trường THCS Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, đã bị khởi tố, bắt giam vì hành vi hiếp dâm một nữ giáo viên.
        Trước đó, các cơ quan chức năng của huyện, UBND huyện Mang Yang đã đình chỉ chức vụ hiệu trưởng và các chức vụ trong đảng đối với ông hiệu trưởng trường Đê Ar, để phục vụ quá trình điều tra.
                    (Theo Pháp luật TP.HCM – VNExpress 8-4-2009).
        * Trịnh Trọng Phong, 15 tuổi, quê ở thôn 2, Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Tây là học sinh lớp 9 trường THCS Quảng Bị.
        Không ai có thể nghĩ, một học sinh măng tơ như thế lại nuôi dưỡng trong đầu những âm mưu đen đúa, ám muội… Để tiến hành “phi vụ” sắt máu, Trọng Phong sắm sẵn một con dao chọc tiết lợn.
        Đến ngày 5-1-2010, lúc 17 giờ 20, Trọng Phong thuê ông Bùi Văn Trạt (58 tuổi, trú tại Cao Dương, Thanh Oai, làm nghề chạy xe ôm) chở từ Hà Tây đi Chương Mỹ. Khi đến bờ sông xóm Đầm Kênh, xã Tốt Động, Chương Mỹ, Trọng Phong đâm ông Trạt một nhát (bằng con dao chọc tiết lợn) vào ngực phải, làm ông chết tức khắc… Rồi hắn cướp chiếc xe máy Dream của nạn nhân, chạy đi trốn.
        Được biết, qua hôm sau Phong đem chiếc xe vấy máu đó đến tiệm cầm đồ, thu được 1,5 triệu đồng, (một triệu rưỡi).
                    (Phúc Hưng, Dân Trí 19-1-2010).
        * Sáng ngày 1-3-2007, Bùi Đức Toàn, sinh viên khóa 28, khoa sư phạm, trường Đại học Cần Thơ cầm dao đến trường, chém, gây thương tích cho 5 thầy cô.
        Ngay sau đó, Toàn đã bị bắt, tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích.
        Tại cơ quan điều tra, công an quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ), Toàn khai: Do bất mãn trong việc học nên có hành động côn đồ như trên. Hắn nói rõ thêm, các bạn cùng lớp đã được nhận bằng tốt nghiệp, còn hắn phải học lại, do nợ điểm hai môn.
                    (Theo Tuổi Trẻ - VNExpress -3-2007).
        * Lúc 8 giờ 40, ngày 16-9-2010, Phạm Văn Hoàng (SN 1992, trú phường Đức Ninh Đông, học sinh lớp 10A5 trường THPT bán công Đồng Hới, Quảng Bình) đã dùng dao đâm chết Võ Nhật Hoàn (SN 1992, trú tại phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới) học sinh lớp 10A4 cùng trường.
        Theo nhiều học sinh cho biết, sau tiết học thứ hai, Văn Hoàng cùng Nhật Hoàn to tiếng với nhau, dẫn đến xô xát. Cao Đức Ngọc (lớp 12C2) vào can gián thì bị Văn Hoàng rút dao đâm vào vai, Ngọc bỏ chạy. Sau đó, Văn Hoàng tiếp tục đuổi theo Nhật Hoàn, và đâm một nhát vào sườn phải đối phương. Cú đâm này làm Nhật Hoàn qua đời.
                   (H. Hà, Người lao động 16-9-2010).
        * Thái Thị Thanh và Lê Ngọc Quân là sinh viên, bạn học cùng lớp, trường Đại học Y, thành phố Vinh, Nghệ An.
        Chiều ngày 20-2-2011, Lê Ngọc Quân (quê ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An) tới phòng trọ của người yêu là Thái Thị Thanh (quê huyện Yên Thành, Nghệ An) chơi. Hai người nấu nướng, ăn tối với nhau. Đến khoảng 22 giờ, anh chị đóng cửa phòng nói chuyện riêng. Tuy nhiên, chừng 15 phút sau, một số sinh viên ở các phòng bên cạnh nghe tiếng Thanh kêu la, (kêu không lớn lắm). Họ chạy đến xem. Nhìn qua khe cửa, họ thấy Thanh nằm bất động bên vũng máu lênh láng. Ngọc Quân còn ngồi cạnh đó, tay cầm con dao.
        Qua sáng 21-2, Thái Thị Thanh từ trần, do bị người tình cắt cổ đêm trước. Chưa rõ nguyên nhân thảm kịch.
                   (Nguyễn Duy, Dân Trí 21-2-2011).
        * Lúc 13 giờ 15, ngày 27-1-2008, tại trước cổng trường Hướng nghiệp tỉnh Gia Lai (ở phường Ia Kring, Pleiku) đã xảy ra vụ học sinh lớp 9 giết bạn cùng trang lứa.
        Thủ phạm là Nguyễn Xuân Quyết (SN 1993) trú ở tổ 8 phường Thống Nhất, TP. Pleiku (học sinh lớp 9 trường Tôn Đức Thắng, phường Thống Nhất) đang học lớp điện C3 tại trường Hướng nghiệp.
        Trước đó Quyết có mâu thuẫn với một số học sinh trường Hướng nghiệp, nên khi gặp Nguyễn Hà Nguyên (SN 1993, trú ở 155 đường Sư Vạn Hạnh, TP Pleiku), Quyết đã dùng dao Thái Lan đâm vào cổ Nguyên, làm em này chết tại chỗ. Nguyên là học sinh lớp 9 trường Nguyễn Hiệ, lúc đó em đến chơi với một bạn đang học tại lớp điện C3.
                   (Minh Hương, Dân Trí 30-1-2008).
        * Ông Nguyễn Thanh An (36 tuổi, hiệu trưởng trường tiểu học Phước Long C, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) tổ chức cuộc nhậu với Trần Việt Triều (29 tuổi, phụ trách văn thư của trường) và Bùi Thanh Đẳng (32 tuổi, giáo viên), là hai thuộc cấp của ông.
        Cuộc nhậu diễn ra tại phòng thư viện trường Phước Long C vào lúc 9 giờ ngày 24-6-2011, kéo dài đến 14 giờ… Trong lúc nhậu, ông An không giải được các câu đố (về toán) của ông Triều đưa ra, nên bị anh Triều chê: “Làm lãnh đạo, quản lý mọi mặt mà bài toán cấp 3 giải không ra. Hiệu trưởng mà ngu”.
        Tức giận vì câu nói của anh Triều, sẵn con dao (đập đá) gần đó, ông An đã lia một đường ngang cuống họng anh Triều. Vết cắt quá sâu, anh Triều chết tức khắc. Ông Thanh Đẳng nhảy vào ôm ông An để can, cũng bị ông An cứa một nhát vào cổ, phải bỏ chạy.
        Tờ mờ sáng 25-6, ông Thanh An bị bắt, sau 15 giờ lẩn trốn.
                   (Duy Nhân, Người lao động 26-6-2011).
        * Nguyễn Thanh Trúc (SN 1989, quê Kon Tum) là sinh viên, chuyên ngành lập trình, trường đào tạo Công nghệ Thông tin Aptech. Thanh Trúc quen biết với Hà Hùng Dinh (ngụ ở quận Thủ Đức) và N.A khi ba người chơi game online ở tiệm trong thời gian dài.
        Sáu tháng sau khi quen nhau, Thanh Trúc yêu N.A, nhưng N.A không đáp ứng, vì cô nàng đã có tình cảm với Dinh.
        Thanh Trúc rút lui, nên tình bạn của ba người (nhìn từ bên ngoài) vẫn bình thường… Tối 22-12-2009, Dinh chở Thanh Trúc đi ăn tối và uống cà phê. Sau đó, hai người đến một địa điểm vắng vẻ ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) để nói chuyện về cuộc tình tay ba, tưởng như đã cũ, của họ. Phần sau cuộc gặp này biến thành một trận cãi cọ nảy lửa… Bất ngờ, Hùng Dinh rút dao đâm Trúc, (tất nhiên con dao đem theo không phải tình cờ). Bị đâm trúng, nhưng Trúc chụp được dao, đâm trả nhiều nhát, làm Hùng Dinh gục chết (chết ngồi). Tiếp đến, Trúc lấy xe máy, điện thoại và tiền của tình địch. Ba ngày sau hắn bị bắt.
        Trong phiên tòa xử, tại quận Thủ Đức, ngày 6-5-2011, Nguyễn Thanh Trúc phải nhận án tử hình, về tội giết người, cướp tài sản.
                  (Ph. Dũng, Người lao động 7-5-2011).
        * Lúc 16 giờ 50, ngày 22-1-2008, tại cổng trường trung học Hồng Đức (phường Quang Trung, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) hai nhóm học sinh lớp 11 và 12 của trường lao vào đánh nhau do mâu thuẫn.
        Hậu quả là Nguyễn Tiến Dũng (SN 1990) trú ở phường Quang Trung, học sinh lớp 12A3, bị đâm vào ngực, chết ngay lập tức.
        Qua điều tra ban đầu, công an đã xác định được hai học sinh gây ra cái chết này.
                    (Minh Hương, Dân Trí 27-1-2008).
        * Tại trường THPT Ban Mê Thuột (lúc 15 giờ, ngày 14-1-2008), Vũ Hoàng Hiếu (SN 1991), học sinh lớp 11B8, đã dùng đá và gậy đánh thầy giáo Lưu Phước Mỹ gục ngay trên bục giảng.
        Trước đó, khi vào học tiết 1 môn toán của buổi học chiều 14-1, tại lớp 11B8 do thầy Lưu Phước Mỹ dạy, Vũ Hoàng Hiếu đã có hành vi không nghiêm túc (đứng xoãi chân, ưỡn ẹo) khi đứng lên chào giáo viên vào lớp. Khi bị nhắc nhở, Hiếu tỏ thái độ vô lễ, nên thầy Mỹ phạt Hiếu lên đứng trên bục giảng.
        Vào tiết học 2, thầy Mỹ gọi Hiếu lên trả bài. Hiếu lên, bất ngờ rút một cây gậy gỗ (giấu sẵn trong người) và một hòn đá đánh liên tục vào đầu thầy Mỹ, khiến thầy ngã gục trên bục giảng.
                    (Theo TTXVN – Dân Trí 15-1-2008).
        * Vào lúc 22 giờ 30, ngày 6-5-2009, Nghiêm Viết Thành (19 tuổi), trú tại phường Bình Hàn, TP. Hải Dương) bị bố mắng vì mải chơi điện tử và đi học về muộn. Tức giận, Thành lấy dao chém bố (ông Yên) chết ngay trong nhà. Sau đó, Thành chặt xác bộ thành nhiều mảnh, đem vứt xuống sông Sặt (phường Hải Tân, TP. Hải Dương) để phi tang.
        Bốn ngày sau, Thành bị bắt giữ, khi đang lẫn trốn tại TP. Nam Định… Trong phiên tòa sơ thẩm, tòa án tỉnh Hải Dương tuyên phạt Nghiêm Viết Thành mức án tử hình.
                  (Đăng Hùng, Người lao động 10-4-2010).
    
     2. VẼ NGƯỜI TANG THƯƠNG
                                                         Xếp chúng lại bên nhau
                                                          Ta có bức tranh vân cẩu.
                                                                           (Tùng Thiện Vương)
        * Vào khoảng 21 giờ 20, ngày 27-1-2012, Đỗ Quang Vinh (28 tuổi, ở xóm Bến Rước, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và ba thanh niên ở cùng xã đánh bi-a ăn tiền dưới hình thức bài lá tại nhà riêng của Vinh. Trong quá trình chơi, thấy Vinh thua và nợ tiền bạn bè, chị Bùi Thị Thúy (SN 1984, là vợ của Vinh) lên tiếng can ngăn. Tuy nhiên, Vinh vẫn tiếp tục chơi, và đến khi kết thúc đã bị thua 140 ngàn đồng.
        Khoảng 23 giờ 10, Vinh vào nhà đi ngủ. Chị Thúy dậy mắc màn cho hai con nhỏ, và khuyên chồng không nên sát phạt bằng trò bi-a. Đang ấm ức vì bị thua, lại nghe chị Thúy nặng nhẹ, Vinh nhảy lên giường đạp thẳng vào bụng vợ. Hậu quả, nạn nhân đập đầu vào cạnh tủ và ngã lộn nhào xuống đất.
        Chị Thúy được đưa đến bệnh viện Quân y 103 chữa trị, nhưng do vết thương quá nặng nên đã qua đời vào sáng 28-1-2012.
                    (Tùng Lâm, An ninh Thủ đô – Blog 24 giờ, 30-1-2012).
        * Đã không có công ăn việc làm, Nguyễn Văn Giác (ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) lại đắm chìm vào rượu chè. Ông thường xuyên đi uống rượu (bằng tiền buôn bán tần tảo của vợ), và khi về đến nhà, trong tình trạng say khướt, ông lại đánh chửi vợ, la mắng các con.
        Đêm 27-6-2009, đi nhậu về, ông Giác lại hành hạ vợ. Chứng kiến cảnh này, Nguyễn Minh Tùng (25 tuổi, con ruột ông Giác) chạy tới bênh mẹ, can ngăn cha, nhưng bị ông Giác đánh trọng thương ở mặt và đầu. Tùng vùng dậy, chạy xuống nhà dưới, chộp con dao thái rau đâm một nhát vào ngực cha. Ông Giác được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết do vết thương quá nặng.
                   (Danh Toại, VNExpress 29-6-2009).
        * Do cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, ông Đỗ Chí Tâm (SN 1975, Hưng Long 1, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang) lên Sài Gòn làm thợ hồ.
        Sau một thời gian,  bà Nguyễn Thị Nga  (vợ  ông  Tâm, SN 1970, ở Mỹ Hòa 3, xã Tân Hòa, huyện Phước Tân, An Giang) nghe phong thanh ông Tâm lăng nhăng với một phụ nữ… Sáng 8-4-2010, bà Nga cùng con gái đón xe lên Sài Gòn, tới thăm ông Tâm đang làm việc tại một cao ốc ở khu phố 7, thị trấn Nhà Bè.
        Đến 14 giờ cùng ngày, bà Nga và chồng cãi nhau dữ dội. Rồi, trong lúc nóng giận, bà Nga đã dùng dao đâm hai nhát vào bụng ông Tâm, khiến ông này chết tại chỗ, do bị đâm trúng bọng đái.
                   (Y. Thanh, Người lao động 9-4-2010).
        * Nguyễn Duy Hà (21 tuổi, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) quen Vũ Ngọc Lương (25 tuổi, ở phường Văn Chương, quận Đống Đa) trong một lần bỏ nhà đi lang thang.
        Đến ngày 15-12-2011, Lương đến nhà Duy Hà ở hẳn. Khoảng 16 giờ 40 ngày 22-12, do cần tiền tiêu xài nên Duy Hà nghĩ ra ý định tới nhà bà Nguyễn Thị Yên (SN 1945, ở ngõ 69, phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, là bác ruột của hắn) để vay tiền con gái bà. Hà cho rằng chị Minh Hiền, con bà Yên, làm ở ngân hàng nên sẵn tiền.
        Bà Yên vốn không ưa Duy Hà, nên khi mở cửa bà cầm sẵn con dao, cảnh giác cao độ. Trong nhà, Duy Hà đi tới đâu, bà Yên theo tới đó. Bực mình, Hà lớn tiếng quát tháo bà bác. Hai người lời qua tiếng lại, rồi Duy Hà cầm chiếc chày (để trên bệ bếp) đập nhiều nhát vào đầu bác. Xong, hắn cướp con dao trên tay bà Yên, đâm bà ba nhát. Nhá cuối, hắn đâm vào cổ bác ruột, và không buồn rút dao ra… Gây án xong, Hà còn lấy chiếc xe máy của chị Minh Hiền, cùng Ngọc Lương đem lên Thái Nguyên bán, ba triệu đồng.
                   (Chi Chi, Vietnamnet 26-12-2011).
        * Nguyễn Văn Dương (27 tuổi, quê ở Vũng Tàu) lên Sài Gòn làm công nhân, cùng vợ thuê phòng trọ (nằm trên tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân). Để giảm tiền phòng, vợ chồng Dương rủ chị Nguyễn Thị Sang (27 tuổi, là dì ruột của vợ Dương) về ở chung.
        Sáng 19-10-2010, sau khi vợ đi làm, Dương ngủ dậy hỏi chị Sang xin 50 ngàn đồng để đi uống cà phê. Thấy Dương không chịu làm ăn, lúc nào cũng chỉ bám vào vợ, chị Sang kiên quyết không cho tiền. Không xin được tiền lại bị dì vợ giảng dạy, Dương bực tức trong lòng, nảy sinh ý định trả thù… Nghĩ là làm, Dương dùng dao khống chế dì vợ, bị chị Sang chống cự, hắn liền quật chị xuống đất, bóp cổ đến chết… Thêm vào đó, sau khi sát hại dì của vợ, đứa cháu rể này còn thực hiện hành vi đồi bại với người đã chết… Rồi hắn lục bóp nạn nhân lấy 1,3 triệu đồng, ra chợ mua thùng xốp, nhét xác chị Sang vào, với ý định đón xe về miền Tây phi tang.
        Kế hoạch che giấu tội ác của tên bất nhân, vô luân không trọn vẹn, hắn bị bắt giữ trước khi lên xe.
                   (Thế Phong, Dân Trí 18-11-2010).
        * Tối 20-6-2009, Hoàng Văn Thạo (44 tuổi, ở xã Quang Hưng, huyện An Lão, Hải Phòng) đi chơi suốt buổi, và trở về nhà sau khi cãi nhau một trận với người thân. Anh ta không ngủ, lại gây sự, to tiếng với vợ.
        Rạng sáng, do bị mất ngủ, lại bị chồng dằn vặt, chị Mịnh (vợ Thạo) vùng dậy cãi nhau với Thạo. Hai người xô đẩy nhau tới bờ ao của gia đình. Tại đây, chị Mịnh đã đẩy chồng xuống ao, và ấn đầu anh ta xuống nước cho đến chết.
                   (Theo Công an nhân dân – VNExpress 29-6-2009).
        * Ngày 2-9-2010, sau khi đi uống rượu say về, Trần Ngọc Lợi (36 tuổi, ở xả Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) lên giường ngủ. Cùng lúc đó, em Mai Thu Huyền (15 tuổi) đưa cháo sang cho bà ngoại (là bà Phan Thị Nhỏ, mẹ Lợi). Bà Nhỏ đưa 40 ngàn đồng cho Huyền, nhờ Huyền đem tiền về để mẹ mua thuốc chữa đau đầu cho bà. (Mẹ Huyền là chị ruột Lợi).
        Nghe vậy, Lợi bật dậy chửi bà Nhỏ (Phan Thị Nhỏ, 83 tuổi, mẹ ruột của Lợi) và dọa sẽ đập chết mẹ nếu bà không đưa số tiền đó cho con trai Lợi. Vừa nói xong, Lợi lấy cái phích cắm điện chạy đến đánh vào đầu mẹ, rồi lấy ca nước sôi tạt vào người và mặt bà. Chưa dừng ở đây, Lợi bê nguyên phích đầy nước sôi dội tiếp vào người bà Nhỏ… Bà Nhỏ được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình.
          (Hưng Nguyễn, báo Pháp luật – Người lao động 16-9-2010).
        * Lúc 21 giờ 40, ngày 13-10-2010, chị Trần Thị Tuyết (xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) vừa đi thăm cha ruột về liền bị chồng là Lê Xuân Hưng (42 tuổi) đánh đập.
        Nghe tiếng con kêu cứu, ông Trần Vũ Thành (cha chị Tuyết) chạy qua can ngăn. Không ngờ, cậu con rể xuống bếp lấy dao lên rượt đuổi, chém cha vợ. Ông Thành bị chém đứt cẳng tay và tai trái, bất tỉnh. Hưng quay sang tiếp tục đánh vợ, đánh đến lúc chị Tuyết ngất xỉu.
        Cha con ông Thành được đưa đi cấp cứu… Đến ngày 17-10, chị Tuyết và ông Thành vẫn còn hôn mê.
        Vợ chồng Tuyết – Hưng đã kết hôn hơn 17 năm, có ba con trai.
                   (Đại An, VNExpress 17-10-2010).
        * Vào lúc 7 giờ ngày 24-12-2011, thấy trời nắng đẹp, Nguyễn Tường Duy (SN 1983, ngụ tại ấp Phú Thuận, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) bế con gái (4 tháng) ra ngoài sân phơi nắng – tắm nắng – Một lúc sau, vợ Duy bảo chồng bế con vào nhà, vì sợ nắng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cháu bé. Duy không nghe. Thấy chồng không chịu bế con vào nhà, vợ Duy nói, nếu Duy không ẵm con vào thì sẽ… làm đơn ly dị. Tiếp đến, hai vợ chồng cãi vã kịch liệt. Rồi trong lúc nóng giận, Duy ném thẳng đứa con gái (Ánh Ngọc) mới sinh 4 tháng) xuống nền gạch.
        Tuy được đưa đi cấp cứu ngay, nhưng do bị vỡ đầu, cháu Ngọc từ trần.
                   (Thu Hằng, Vietnamnet 2-12-2011).
        * Tối ngày 13-11-2010, Trần Thị Kim Yến (SN 1994, ngụ tại xã Bình Định, huyện Tân Trụ, Long An) đi chơi về rồi vào phòng thay quần áo. Khi đi ra phòng ngoài, Yến chỉ mặc áo, không mặc quần. Thấy con gái ăn mặc hở hang, ông Trần Văn Đẹp (SN 1951, cha ruột của Yến) lên tiếng mắng mỏ.
        Yến cãi lại ông Đẹp. Ông Đẹp tức giận tát Yến hai bạt tai. Bị cha đánh, Yến nổi sùng, lấy con dao nhọn đâm mạnh vào ngực ông Đẹp.
        Sau đó, ông Đẹp đã chết trước khi đến bệnh viện.
                   (Đặng Hương, Dân Trí 15-11-2010).
        * Rạng sáng 19-1-2011, trong lúc gia đình nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên báo Người lao động, thường trú tại thành phố Tân An, tỉnh Long An) đang ngủ thì bất ngờ có kẻ đột nhập vào nhà. Tên này đổ xăng lên người anh Hùng, châm lửa đốt, khiến anh bị bỏng nặng.
        Ngay sau đó, anh Hoàng Hùng được đưa lên bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, với vết bỏng chừng 70%.
        Dù được cứu chữa tận tình, nhưng anh Hoàng Hùng vẫn không qua khỏi. Anh từ trần do vết bỏng quá nặng… Hơn một tháng sau, Trần Thúy Liễu (vợ anh Hùng) đến công an đầu thú, nhận mình là kẻ đã đốt chồng, là người duy nhất gây ra tội ác.
        Vụ án gây chấn động xã hội trong thời gian dài. Dư luận không đồng tình về chi tiết chỉ có Trần Thúy Liễu là thủ phạm – Ở đây có những “uẩn khúc” dễ thấy: Bà Liễu và các nhân chứng thay đổi lời khai liên tục. Lời sinh cung của Hoàng Hùng (lúc nằm ở bệnh viện) không được đưa vào hồ sơ vụ án. Các đầu mối vụ này nằm trong tay bà Liễu. Bà ta còn sống sờ sờ, sao lần không ra?
        Được biết, Hoàng Hùng là phóng viên giỏi, năng nổ, đã viết được nhiều phóng sự điều tra hay, lật tẩy được nhiều vụ tham nhũng, làm ăn phi pháp nổi cộm trong mấy năm qua, được Hội Nhà báo TP.HCM khen thưởng… Vụ việc xảy ra đã lâu, nhưng đến cuối tháng 11-2011 vẫn chưa ngã ngũ.
            (Võ Hồng Quỳnh, Tuổi Trẻ online 30-11-2011 – Huỳnh Hải, Dân Trí 19-1-2011).
        * Tối ngày 18-4-2011, tại cánh rừng thôn Văn Non (huyện Lục Nam, Bắc Giang) Lý Văn Hậu đã dùng súng kíp bắn chết ông Lý Văn Phận, là chú ruột cùa mình.
        Trước đó, giữa hai chú cháu có mâu thuẫn lớn trong việc hùn tiền để khai thác than “thổ phỉ” tại khu vực rừng thôn Văn Non, xã Lúc Sơn. Hậu nghi ngờ ông Phận dùng số tiền chung đó để đánh bạc, thua nhiều. Hậu đã khuyên giải nhưng ông Phận không nghe.
        Đến tối ngày 18-4, Lý Văn Hậu lại nhận được tin ông chú ruột tiếp tục sử dụng tiền chung của hai người để đánh bạc. Hậu đến gặp ông để can ngăn. Tuy nhiên, ông Phận vẫn không nghe, nên Hậu đã nổi giận, bắn ông (bằng súng kíp) chết tươi.
                   (Lương Kết, Lao động online 28-4-2011).
        * Trần Thị Hiếu nghi ngờ chồng (Trần Văn Ban, SN 1970, trú tại thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) dan díu với một phụ nữ khác, và lấy tiền cho tình nhân, nên vợ chồng thường cãi cọ nhau.
        Chiều 29-10-2009, chị Hiếu nghi Ban lấy mười triệu cho bồ nhí, hai vợ chồng cãi nhau gay gắt. Cuộc đấu khẩu lên tới đỉnh điểm vào lúc 2 giờ sáng 02-11-2009, khi hai người đang sơ chế thịt heo, (Ban làm nghề giết mổ gia súc). Ban dùng một cây gỗ đập đầu vợ, làm chị Hiếu gục tại chỗ. Ban tiếp tục đánh bồi cho vợ chết hẳn. Rồi anh ta lấy dao chặt xác thành nhiều mảnh nhỏ, tống qua ống thông hơi, xuống hầm rút nước thải để phi tang, trước khi trốn ra Bắc. (Cặp vợ chồng này có ba con).
        Nhiều ngày sau, không thấy chị Hiếu, cũng không nghe chị cho biết phải đi đâu vắng nhà, em trai chị đến nhà Ban tìm. Anh này nhận thấy có nhiều dấu vết khả nghi ở lỗ thông hơi hầm rút. Ngày 31-12-2009, mọi người xúm lại phá nắp hầm rút, phát hiện xương chị Hiếu… Ngày 2-1-2010 Trần Văn Ban từ quê (ở Vụ Bản, Nam Định) vảo Nha Trang để đầu thú.
                   (V. Tạo, Người lao động 22-6-2010).
        * Nguyễn Văn Toàn (23 tuổi, quê Thanh Hóa) là sinh viên năm thứ 2, khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM.
        Toàn thuê nhà trọ trong làng đại học Thủ Đức. Ở cùng phòng với Toàn có Vũ Đình Linh (23 tuổi, vợ Toàn) và Vũ Đình Ngân (em ruột Linh).
        Toàn lười học, thường la cà các quán nhậu và ham chơi game… Ngày 22-8-2009, Toàn mở cuộc nhậu với nhóm bạn ngay tại phòng trọ. Đến 20 giờ tàn cuộc, nhóm bạn về, Toàn say mềm. Sau đó, Linh và Ngân đi làm về, thấy nhà cửa bề bộn, mùi ói mửa nồng nặc, nên tỏ ra bực mình. Toàn bảo Ngân dọn cơm ăn, nhưng Ngân bỏ lên gác ngủ. Nghĩ em vợ coi thường mình, Toàn đập nồi cơm và đổ thức ăn ra sàn nhà be bét. Ngân định bỏ qua phòng trọ khác ngủ nhờ. Nhưng Ngân vừa mở cửa đi ra thì Toàn lao đến, dùng dao nhọn đâm vào ngực Ngân… Ngân đã chết trên đường đến bệnh viện.
                   (Công Quang, Dân Trí 22-5-2010).
        * Ngày 3-2-2011, Nguyễn Văn Nhiệm (SN 1991, trú tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đi chơi Tết, rồi rủ một nhóm bạn về nhà uống rượu trước sân.
        Sau một hồi đánh chén, cảm thấy “phê”, Nhiệm xin bố là ông Nguyễn Văn Minh (SN 1957) mở nhạc để đãi bạn, nhưng ông Minh không cho. Một lát sau, khi thấy bố mẹ đi chơi nhà hàng xóm (ngày mùng 1 tết Tân Mão), Nhiệm mang máy hát ra sân, mở nhạc inh ỏi… Đến khoàng 21 giờ, ông Minh về, thấy vậy bèn rút ổ cắm điện ra, không cho mở nhạc nữa. Kế đó hai cha con cãi vã nhau.
         Trong lúc bực tức, khi cơn giận lên cực điểm, Nhiệm rút dao đâm một nhát vào ngực bố, khiến ông Minh gục ngay xuống đất… Ông Minh, sau đó, đã chết tại bệnh viện, vì vết đâm trúng chỗ hiểm.
                   (Xuân Hưng, VTC News 18-2-2011).
        * Lúc 8 giờ sáng ngày 25-1-2010, tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Tây, ông Đoàn Quang Hải (42 tuổi) đã bị em ruột giết chết.
        Nguyên nhân vụ án bắt nguồn từ chuyện tranh chấp tài sản trong gia đình. Hai người, dù là anh em, nhưng không nhường nhịn nhau, không ai chịu ai, nên sau một lúc kèn cựa, đã nổ ra cuộc hơn thua nóng bỏng… Đến giai đoạn “cao trào”, Đoàn Quang Hậu (40 tuổi, em ruột ông Hải) và con trai là Đoàn Văn Long (18 tuổi) dùng dao và cờ lê đâm và đập ông Hải tới tấp, làm ông này bị thương nặng.
        Cha con Quang Hậu bị bắt ngay tại trận. Ông Hải chết khi đưa đến bệnh viện.
                   (Phúc Hưng, Dân Trí 28-1-2010).
        * Do ăn ở không thuận hòa nên gần chục năm qua ông Nguyễn Huỳnh Đạo (62 tuổi, ở ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. HCM) đuổi Nguyễn Đức Thọ, con út của ông, ra khỏi nhà. Thọ ăn, ngủ ở ngoài cổng chùa, cách nhà 300 mét.
        Hiện nay Thọ bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, nhiều lần về nhà xin tiền nhưng bị ông Đạo từ chối, đuổi đi.
        Trưa ngày 20-1-2012, bà Văn Thị Huệ (mẹ Thọ) đi ra ngoài, ông Đạo ở nhà một mình. (Mấy năm gần đây ông Đạo bị tai biến, liệt nửa người, đi lại khó khăn). Đức Thọ mua xăng, đựng trong can nước khoáng, lẻn vào nhà, tưới lên người cha mình (đang ngồi trên ghế bố) châm lửa, thiêu cho đến chết.
        Sau khi châm lửa đốt cha, Đức Thọ chạy ra ngoài, gào lớn: “Báo công an đi, tôi đốt ông già chết rồi”… Theo bà con ở ấp 2, nhà bà Huệ như một dạng “gia đình cá biệt”. Ông Đạo đối xử với con ruột tàn nhẫn, ác, hẹp hòi. Đức Thọ thì man rợ, đại bất hiếu.
                   (Hoàng Lộc, Tuổi Trẻ online 20-01-2012).
        * Vào lúc 21 giờ, ngày 26-12-2010, tại xóm 7, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An, ông Nguyễn Bá Thịnh (SN 1958) xích mích với con trai là Nguyễn Bá Xuân (SN 1983).
        Ban đầu, chuyện không có gì nghiêm trọng, nhưng càng về sau càng nở lớn ra. Rồi, trong một phút không kiềm chế được mình, ông Thịnh rút dao đâm một nhát vào tim con. Bá Xuân ngã gục, nhưng ông Thịnh vẫn chưa buôn tha, đâm bồi thêm nhát nữa. Bá Xuân chết trên đường đến bệnh viện.
                   (Nguyễn Duy, Dân Trí 27-12-2010).
        * Bùi Quang Diểu (28 tuổi, trú tại xóm Thôi, xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) mâu thuẫn, cãi vã với vợ suốt buổi chưa vơi cơn tức, liền trút giận vào đứa con nhỏ. Anh ta đã thẳng tay ném đứa con trai 2 tuổi là Bùi Thanh Toàn xuống cái ao cạnh nhà, khiến cháu bé chết nước… Tiếp đó, Diểu quay về nhà lấy dao chém liên tục vào người chị Nguyễn Thị Định (21 tuổi, vợ của Diểu). Một người hàng xóm đến can gián cũng bị Diểu chém.
        Chị Định bị thương nặng. Chị và ông hàng xóm được đưa vào bệnh viện chữa trị.
                   (Quốc Đô – Người lao động 24-6-2011).
        * Do ham mê cờ bạc, Nguyễn Văn Tuấn (SN 1978, trú thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên) đem tất cả tiền bạc, xe gắn máy, nướng hết trong các sòng bài. Sạch tay, anh ta bỏ quê vào Sài Gòn bán xé số.
        Chị Đào Thị Kim Loan (SN 1981, vợ Tuấn) đưa hai con về sống với cha mẹ ruột… Từ Sài Gòn, Tuấn thường gọi điện thoại về xin chị Loan bỏ qua chuyện cũ, nối lại tình vợ chồng, nhưng chị Loan từ chối.
        Ngày 26-3-2011, Tuấn quay về Phú Yên, (mang theo con dao). Anh ta đến chợ Hòa Tân Tây, nơi chị Loan bán thịt heo, chờ. Khoảng 5 giờ rưỡi sáng, chị Loan chở thịt heo tới chợ, Tuấn bước ra chặn đầu xe, hỏi: “Sao nay chở thịt ra trưa vậy?”. Chị Loan không trả lời. Tuấn liền tát vào mặt chị. Ông Lành, người bán hàng gần đó, chạy tới can, nhưng Tuấn đẩy ông ra. Rồi một tay nắm tóc “đối phương”, một tay cầm dao, Tuấn đâm liên tiếp nhiều nhát, làm chị Loan chết ngay.
        Chị Kim Loan mất, để lại hai con còn nhỏ. Nguyễn Văn Tuấn nhận bản án tù chung thân.
                   (Đình Quế, Lao động 14-8-2011).
        * Tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, ngày 18-1-2012 người ta phát hiện bà Nguyễn Thị Thúy (59 tuổi, vợ ông Dương Đức Quyết) đã chết trên giường, đắp chăn ngang mặt, mọi thứ trong nhà không bị xáo trộn.
        Cảnh sát quận Hoàng Mai tổ chức khám nghiệm, thấy trên người bà Thúy có thương tích. Đặc biệt, cạnh xác còn có lá thư tuyệt mệnh của ông Quyết.
        Những người hàng xóm của bà Thúy cho biết, khoảng 6 giờ 30 ngày 18-1, họ nghe tiếng bà Thúy khóc. Hai tiếng sau, ông Quyết khóa cửa nhà, và lên xe máy đi. Sau đó, cùng trong ngày 18-1, cảnh sát nhận được tin báo: ông Dương Đức Quyết (64 tuổi) đã chết tại quê ở TP. Bắc Ninh.
        Theo nhận định ban đầu, ông Quyết sát hại vợ rồi tự tử. Có thể tìm thấy chìa khóa cho biết lý do đưa đến hai cái chết này, nằm trong lá thư tuyệt mệnh, nhưng ban điều tra chưa công bố.
                   (Nam Anh, VNExpress 20-1-2012).
        * Đinh Trọng Tú, 31 tuổi, trú tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình vừa bị bắt vì tội giết người. Điều đáng nói, nạn nhân vụ này chính là bà nội của hung thủ.
        Vào tối ngày 27-6-2011, Trọng Tú sang nhà bà nội là Đinh Thị D (83 tuổi) để chơi. Tại nhà bà D, Tú nói nhiều, huyên thuyên nên bà D không bằng lòng. Bà bảo Tú đi về, để bà ngủ. Bị bà nội đuổi, Tú cảm thấy “tổn thương”. Chính vì vậy, vài tiếng sau, lúc 2 giờ rưỡi sáng ngày 28-6, khi mọi người đang ngủ, Trọng Tú cầm dao chạy sang nhà nội, chém bà nhiều nhát, khiến bà D chết ngay.
                   (Linh Đan, Lao động 3-7-2011).
        * Thời gian gần đây, vợ chồng Nguyễn Thế Hùng – Cao Thị Liễu thường xuyên mâu thuẫn, xích mích nhau, vì anh Hùng hay uống rượu.
        Đêm 26-2-2011, anh Hùng lại đi nhậu, khi về say mềm, ngã bất tỉnh ở sau vườn. Thấy vậy, Thị Liễu bế chồng bỏ vào chuồng lợn, tưới xăng đốt. Đốt xong, chị ta đi ngủ. Khoảng 4 giờ sáng 27-2, thức dậy, Thị Liễu mang thi thể của chồng ra chôn ở góc vườn.
        Đến đầu tháng 4-2011, Cao Thị Liễu báo cho công an huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) là anh Thế Hùng mất tích. Qua ngày 11-4, chị ta khai với cơ quan điều tra: đêm 26-2 anh Hùng đi uống rượu về, bị trượt chân ngã ở giếng rồi chết, và mình tự chôn cất chồng… Có khá nhiều điểm vô lý, loanh quanh, bất minh, lúng túng trong những lời khai của Cao Thị Liễu, nên công an đã khai quật tử thi, và thấy rõ, anh Thế Hùng chết là do bị đốt.
                   (Nguyên Khoa, VNExpress 13-4-2011).
* * * * *
 -------------
Ghi chú:
       
        * Loại tin này quá nhiều, lủ khủ, đây chỉ ghi một ít, để quí vị “thưởng lãm”.
           - Một sự trùng hợp kỳ dị: có 2 vụ vợ đốt chồng, xảy ra cách nhau hơn một tháng. Ngày 19-1-2011, vợ Trần Thúy Liễu đốt chồng Lê Hoàng Hùng, ở Long An. Ngày 2-2-2011, vợ Cao Thị Liễu đốt chồng Nguyễn Thế Hùng, ở Nghệ An…
           Cùng Liễu, cùng Hùng, cùng An, cùng đốt. Bốn cùng. An mà không bình ./.

16 thg 2, 2012

ÔM ĐĨ MẤT TIỀN


        Chú Năm Hàn nhắn tôi đến gặp chú. Việc gì chưa rõ, nhưng đứa bé đưa tin nói: “Gấp lắm, đến ngay hôm nay”… Tôi ngồi đợi chú ở phòng khách. Người nhà đem trà, thuốc ra mời. Đã gần 8 giờ nhưng chú Năm còn ngủ. Tôi không thấy lạ, đối với chú “mặt trời mọc hai sào còn ở nhà đủng đỉnh uống trà” là chuyện thường ngày.
        Chú Năm Hàn là em út của ba tôi. Trước kia chú nghèo nhất trong gia đình ông tôi và trong cả họ. Chú có nhiều “cái nhất” đáng buồn: đông con nhất, nhà cửa xập xệ nhất, thường gặp chuyện xui xẻo nhất.
        Sinh thời, ba tôi không thích chú Năm, thường nhận xét về chú bằng giọng nghiêm khắc, thiếu cảm tình. Ông nói, rạch ròi – theo cách của các viên chức viết thông báo – để chúng tôi thấy các nhược điểm của chú Năm, với chủ ý răn dạy, sợ chúng tôi bước giẫm lên dấu chân gồ ghề của chú.
        “Một là, không biết tính toán làm ăn, việc gì cũng lao vào theo kiểu cầu may. Không biết quan sát, phân tích, phán đoán cách làm việc của bà con xung quanh nhằm rút ra những bài học, đem các tinh hoa về áp dụng cho mình.
        Hai là, lười nhác, chậm chạp, lúc nào cũng uể oải, ì ạch bám đuôi thiên hạ. Sống ở quê mà theo giờ hành chính, chủ nhật nghỉ. Sáng thì mặt trời mọc hai sào còn ngồi trước thềm khật khưởng uống trà. Cuốc cày phơn phớt, sợ đau đất. Làm ngại mệt, chưa nóng lưng đã về.
        Ba là, thiển cận, không phòng xa. Kiếm được một ngàn là phủi chân nằm nghỉ, ăn tiêu cho hết ngàn đó mới chịu làm tiếp. Không có tiền gạo dự phòng, mỗi khi trong nhà lỡ xảy ra xui rủi là chạy quáng quàng khắp nơi cầu cứu, vay mượn”.
        Rồi, bao giờ cũng vậy, ông gút lại: người như chú ấy sẽ đói khổ triền miên, nghèo suốt kiếp thôi.
        Những điểm trên ba tôi nói chính xác, nhưng câu kết luận, kỳ quái thay, hiện nay không còn đúng nữa!
        Cách đây chín năm, Hà Sơn – đứa con sáng sủa lanh lợi nhất của chú Năm – bằng con đường đi chui đã vù thẳng sang Pháp. Cũng như tám anh em trong nhà, Hà Sơn chỉ được học đến cuối cấp một. Nhưng, lạ làm sao, sống ở cái xứ văn minh giàu có ấy, chỉ vài năm Sơn đã phất to. Nghe đâu nay nó là chủ của một quán ăn bề thế ở một thành phố lớn. Người ta đồn, Hà Sơn gặp may nhờ cờ bạc. Lại có người nói, tất cả số của cải ấy xuất phát từ người vợ, một cô nàng gốc Khơ-me Sóc Trăng đen đúa, nhỏ bé. Thực hư ra sao chẳng ai kiểm chứng được, có điều “thằng Sơn Còi giàu to” là sự thật.
        Ngoảnh đi ngoảnh lại, như trong cổ tích, chú Năm Hàn đổi lốt, trở nên giàu sang, lọt vào nằm trong giới tai mặt của làng Tân Dân. Giờ đây chú đã có những “cái nhất” sáng giá: nhà cửa lộng lẫy nhất, xe cộ xịn nhất, làm ăn vững vàng mạnh vốn nhất.
        Chú Năm dậy, rửa mặt mũi, chải tóc, cạo râu, thay quần áo mất nửa tiếng. Kế đó chú ra ngồi đối diện tôi, chẳng nói gì, khề khà uống trà hơn nửa tiếng nữa! Biết tính chú, tôi không vội, không hỏi. Dễ gì bỏ được một thói quen đã ăn sâu vào xương tủy hơn 60 năm! Dường như bon chen, chụp giựt chưa hẳn lúc nào cũng hay? Và chậm lụt, rề rà đâu phải lúc nào cũng về bét!
        Sau tất cả các nghi thức “trà đạo” dềnh dàng, chú Năm cho tôi biết tin vui: Hà Sơn gửi tặng tôi một mớ đô la. Ái chà, đô la! Mừng quính, tôi cảm ơn chú Năm rối rít! Trước tới nay Sơn cũng đã tặng quà tôi nhiều lần, nhưng chỉ là một lọ dầu gió, vài cục xà phòng, một hai chiếc áo thun rộng thùng thình đầy hình chim cò!. “Do đâu nay tự dưng nó cho ta nhiều tiền?”. Tôi suy đoán, ra sức động não để tìm nguyên nhân. “Chắc nó nhớ lại thời nhỏ đã từng chơi thân với ta, nhớ lại những ngày hai đứa cùng nhau đi bẫy chim, gài thỏ?... Hay nó nhớ cái ơn ta đã kèm cặp dạy nó học trong những tháng hè?”.
        “Đừng cảm ơn chú, hãy cảm ơn thằng Sơn, bởi chính là tiền của nó!... Có điều, chú muốn nói, bạc tiền của bản thân ta làm ra thì ta tiêu pha cách nào tùy ý. Nhưng đây là tiền bà con, của ơn nghĩa, ta nên dùng sao cho hay, cho đúng cách!”.
        Tôi ngồi ngay ngắn, hai tay để trên đùi, chăm chú nghe chú giáo huấn. Chú nhìn ra sân, nói chậm, rành mạch, tuồng như đã nghĩ kỹ, sắp xếp sẵn.
        “Cháu nên biết rằng, dù ở bên Tây, nhưng mỗi đồng bạc kiếm được người ta cũng phải đổ ra biết bao mồ hôi, sức lực. Chỉ có bọn gian trá, bất lương mới làm được tiền dễ dàng, đó là thứ tiền nổi trôi, hôi hám! Cháu nghe rõ chưa?”.
        Tôi “dạ” khá lớn.
        “Cháu là người hiểu biết, nên chú không nói nhiều, chỉ tóm tắt vào mấy điều sau đây:
        “Trước tiên – chú đằng hắng – Phải biết nhìn xa trông rộng, ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai, làm được mười đồng thì chỉ nên ăn năm, còn năm cất vào tủ, đề phòng khi sảy chân, mất việc, đau ốm… đúng không?”.
        Tôi “dạ” sốt sắng.
        “Kế tiếp là – chú lại đằng hắng – luôn chăm chỉ, năng nổ. Để ý nhận biết ngay những hiện tượng, ngành nghề mới, tốt, xuất hiện trong xã hội. Vươn lên không mệt mỏi, đi trước mọi người, kịp thời chớp lấy những cơ hội mà duyên may đưa tới cho ta. Nên nhớ, may mắn, tốt đẹp chỉ đến với kẻ nào biết đón chờ nó… Cháu rõ chưa?”.
        Tôi dạ, dạ và gật liền mấy cái.
        “Sau nữa là, phải quan sát xung quanh, làm theo những cái tốt của thiên hạ, tránh vết xe đỗ của họ… Làm ăn, mọi việc đều tính kỹ, chu đáo, chi li, không chạy theo những thứ mình chưa nắm chắc, nhưng cũng không lờ đờ, chần chừ, nằm chờ sung rụng”.
        Chú lớn tiếng gọi Dung – con gái chú – bảo dọn bữa điểm tâm. Tôi trực nhận ra, tình cờ những điều chú vừa dạy tôi khá giống những khuyết điểm mà chú mắc phải ngày trước, ba tôi đã từng chỉ rõ!
        Tôi mau mắn, vâng dạ liền miệng! Còn biết làm sao bây giờ? Đây là tiếng nói của đồng tiền! Đừng tự ái, hãy kiên nhẫn! Sau 40 năm sống trên đời, tôi hiểu được nhiều điều về đức tính kiên nhẫn. Nếu sáng suốt, biết dùng nó đúng lúc, thì ta sẽ gặt hái được lắm lợi ích!... Tôi phải biết ơn Hà Sơn là đúng. Tôi nên “dạ” thật nổ, thật nhiều cũng đúng! Vì, dù chưa rõ tại sao Sơn cho mình nhiều tiền, nhưng trong đầu tôi mới nảy ra ý: nên cố gắng lấy lòng cha con chú Năm. Sắp tới đây có thể thằng Sơn lại nhớ đến ta, sẽ còn cho ta nhiều hơn nữa. Biết đâu đấy!
*
        Dung bưng ra một tô bún giò và hai trái chuối. Tô bún khá to, chắc mới mua ở chợ làng.
        “Con đi mời bác Hai, bác Ba, cô Ghi tối nay về đây để ba bàn chuyện”.
        “Chuyện gì vậy, ba?”
        “Đúng bảy giờ. Nói về việc cúng kính. Ý thằng Sơn là từ nay giỗ ông, bà nội sẽ tập trung lại, cúng tại nhà mình, không mạnh ai nấy giỗ như xưa giờ”.
        “Chuyện này đã nói năm ngoái. Ý hay, nhưng chắc khó làm đấy”.
        “Hôm trước nói phớt qua, nay gút lại… Ta gánh hết mọi chi phí. Các vị khỏi phải đem xôi, xách vịt gà bánh trái tới góp, trò bưng bê đó lạc hậu rồi”.
        “Dạ, con hiểu”
        “Cúng khác với nhậu nhẹt. Đó là lễ lạc, tập quán lâu đời. Giỗ chạp, tết tiết, cưới hỏi, anh em con cháu tề tựu về đông đủ mới bày tỏ được lòng tôn kính, sự biết trọng lễ nghĩa của mọi người. Và nó cho thấy, chúng ta biết cách gìn giữ sợi dây thân ái ràng buộc các thành viên của dòng tộc, phải vậy không?”. Chú Năm hỏi tôi.
        “Dạ, chí phải!”.
        Chú Năm cười, khen: “Mày nói giống hệt Hoài Linh!”.
        Chợt điện thoại đổ chuông. Cái điện thoại nằm trên bàn thờ. “Chuyện gì đây?”. Chú Năm cầm máy lên. Một giọng nữ trẻ. Cô ta hỏi, sáng thứ ba chú Năm tính đi Qui Nhơn ăn cưới bằng xe gì. Hai người nói qua lại mất non hai chục phút. Tôi chờ nhận tiền, và muốn về, nhưng dường như chú Năm đã quên mất tôi! Chú cũng thích nói điện thoại, như bọn trai trẻ. Việc nhỏ, đơn giản thế này lẽ ra chỉ cần nói chừng năm phút. Dễ thấy, chú cố ý kéo dài cuộc trò chuyện, và khá quan tâm đến bề mặt, phần nổi của sự việc.
        “Nên mướn xe bảy chỗ. Cậu tính rồi, đi gắn máy tốn xăng, lại mệt, bụi bặm… Đây ra đó hơn ba tiếng, đường đèo dốc quanh quẹo, không chạy nhanh được… Trưa ghé Tuy Hòa nghỉ, ăn uống… Với lại, xe bốn bánh lúc nào cũng oai hơn xe hai bánh! Sẵn dịp, ta ghé Phú Lâm thăm ông Bá, ổng nằm mẹp đã hơn hai tháng… Ờ, ghé chừng nửa giờ. Tất nhiên phải có quà. Vài hộp sữa, chục lon nước yến, đừng lo, để cậu mua… Nói là Qui Nhơn nhưng không phải ở phố, nó nằm tuốt luốt trên núi cao rừng sâu. Ờ, nếu về tối quá, mình sẽ tấp vô Qui Nhơn ngủ cho khỏe, vội chi… Thì ở khách sạn, khéo hỏi, chẳng lẽ ngủ ngoài chợ! Ôi, con ơi, sao cứ mở mồm là than thở tiền với bạc, có cậu đây, cậu bao tất!”. Chú Năm cười một tràng dài. Úp ống nghe xuống đùi, chú nói với tôi: “Con Thoa. Con ma le này ranh và kẹo lắm. Nó thuộc dạng người cúng tế sợ thần ăn hết chuối chè!”. Rồi chú lại nói điện thoại: “Hở, cái gì, cậu giống đại gia à? Da thịt gì con ơi! Cậu làm gì ra tiền, chỉ là ăn bám mấy đứa nhỏ, chúng nó cúp thì cậu ngáp thôi! Nhưng dù sao nay mình cũng có chút uy trong làng, nên phải chơi cho ngon, để chúng nó nể… Chúng nó là ai à? Là tất cả, là nhân dân! Con nên biết, bụng dạ con người hiểm hóc lắm, nếu ta giỏi hơn chúng, chúng ghét, ta kém thì chúng khinh bỉ, thế đấy!”.
        Ngồi mỏi lưng, nhưng điều tôi muốn biết: sao bỗng dưng Hà Sơn cho mình nhiều tiền, tôi vẫn không hỏi được. “Một mớ đô la” cứ vang lên trong tai tôi không ngớt.
        “Nhớ bảo thằng An, thằng Mãi bận đồ vest, mấy mụ thì áo dài. Đứa nào lùi xùi sẽ không được lên xe!”.
        Cứ thế, chú nói, và cười, rổn rảng, khoái trá!
        Xong vụ cưới hỏi, chú Năm quay sang tôi: “Giờ đây mày thấy chú còn thiếu thứ gì?”. Câu hỏi khó, tôi ngắc ngứ. “Nghĩ xem, chú thiếu gì?”. Thấy tôi bối rối, chú cười vang. Nghĩ mất mấy phút, tôi đáp: “Dạ, thiếu lời khen nồng nhiệt, sự ngưỡng mộ”. “Ngưỡng mộ là sao?”. “Dạ, là khen hết mức, hết lời”. Xoay tròn ly trà trong tay, chú Năm nói nhỏ: “Có lý, có lý. Mày nói y như thằng Sơn”. Chú ngồi im khá lâu. Chắc trí óc chú xoáy vào cái sự “ngưỡng mộ”! Rồi chú châm thuốc, kéo một hơi sâu, trầm ngâm nhìn ra sân, nói nhỏ, như nói cho mình nghe. Chú ôn lại chuyện xưa, ngày chú còn nhỏ.
        Thủa đó, bên quê vợ chú Năm có một phú nông đa tài. Ông này có ba vợ, mười sáu con, nhà cửa to rộng, ruộng vườn bao la. Nhà ông như dinh quan. Ruộng ông toàn loại thượng đẳng, phải cần đến mười tá điền mới canh tác xuể. Nhưng sự hưng thịnh ấy chỉ trụ được ba mươi năm… Chiến tranh nổ ra. Bom đạn đến, tàn phá chết chóc tai ương đến. Mãnh liệt hơn bão tố. Mức khốc hại của nó ngoài sức tưởng tượng của những đầu óc giàu trí tưởng tượng. Cuối năm 1970, nếu là người lạ, gặp ông người ta sẽ tưởng đây là một anh nhà quê nghèo mạt, thiếu ăn kinh niên. Ông cựu phú nông vẫn còn ba vợ, nhưng mỗi người ở một tỉnh. Vườn ruộng vẫn còn nguyên, tất nhiên, nhưng của người khác. Ông ta xuống cấp rõ. Có điều, do lòng nhân ái, hoặc do thói quen, dân làng không gọi ông là “thằng”. “Thế đấy. Sự đời như mưa bóng mây, gió thoảng hoa rơi, phải không nào?”. Chú Năm hỏi tôi. “Dạ, chí phải!”. “Cho nên, nếu chịu khó quan sát, nhìn ngắm kỹ, ta sẽ thấy có nhiều thứ đáng sợ… Ngày tháng qua mau, mọi thứ lần lượt già cỗi, ngã lăn, đổ sụp, trắng xác!... Quên, rất dễ bị quên! Làm sao để, sau khi ta chết, thân xác bị vùi lấp, nhưng vẫn còn lại một chút gì, chứng tỏ rằng ta đã từng có mặt trên đời”.
        Để lại chút tiếng tăm, “phải có danh gì” không mới. Nhiều người đã viết về ý đó. Tuy nhiên, như chú vừa nói, gió thoảng hoa rơi, tên tuổi sống thêm vài chục năm, hoặc hơn, rồi sau đó, thì sao?
        Chú Năm hút thuốc, chậm, thông thả. Chẳng có gì phải vội. Ung dung là cốt cách của giới trưởng giả, quí phái! “May quá!”. Chú Năm vỗ trán: “Chú mới nghĩ ra ý này, mày xem được chăng? Ta sẽ xây tặng làng một nhà mát, bên cạnh đình, làm nơi dọn cỗ bàn đãi bà con trong các dịp kỳ yên, cúng tế… Cùng lúc, ta đóng vài chục bộ bàn ghế mới, mua vài trăm tô chén mới. Thế là dân quan, ai nấy đều mê!”. “Dạ, rất hay, mấy thứ đó ai cũng thích”. Tôi khen, chú Năm sướng ra mặt. Nhưng, ít phút sau, chú lại đưa ra lý lẽ mới, bác bỏ các ý trước. “Đúng tốt, nhưng mấy món đó đều nhỏ, vụn vặt, chỉ chục năm đã cũ, hư hao, họ sẽ quên ta ngay!”. May sao, đúng lúc cần, óc tôi nảy ra sáng kiến: “Hay là chú xây cho làng ngôi chợ?”. “Chợ à?”. Chú Năm đứng bật lên, vỗ tay khen: “Giỏi, thằng này tài!... Một chợ mới, thay chỗ cái chợ tênh hênh giữa trời. Sẽ tốn kém nhiều đây, nhưng quá cần, quá đúng!”.
        Thế rồi, trong mười phút, chú vẽ ra ngôi chợ mơ ước, như người ngồi ôn lại một thần thoại rực rỡ. “Địa điểm có sẵn. Nó không cần to như chợ huyện, nhưng kiểu dáng phải mới và sang. Nó sẽ đẹp hơn chợ xã Vạn Khánh, Vạn Hưng. Ta sẽ nhờ thầy vẽ kiểu… Thầy gì vẽ? À, kiến trúc sư!... Nhà lồng xây cao ráo. Phân chia các khu đâu ra đấy, cá tôm không ngồi cạnh chè xôi bún bánh! Các dãy kệ hàng thịt cao hơn các kệ bán thức ăn chín. Bên này là khu tạp hóa, quần áo giày dép xoong chén. Bên kia là hàng rau đậu hoa quả. Chà, nhiều thứ, tức là sẽ mất khối tiền!... Chính mình sẽ đứng ra đốc thúc, trực tiếp theo dõi việc thi công. Không giao cho ai. Khó tìm ra người đáng tin cậy. Phải tránh cho được các hiện tượng bầm dập, cầu vừa khánh thành đã nứt nẻ, đường khai trương mới hai tháng đã xuống cấp!”. “Dạ, chú tính rất hay!”. Tôi khen, nhằm tăng thêm sự phấn khích cho chú, để lấy lòng. Có dịp ta nên ban tặng những lời khen ngợi, chẳng mất gì! Tôi nói: “Sẽ gắn tấm bảng đồng trước cổng, ghi tên người tài trợ, ngày xây”. “Đương nhiên phải vậy… Điều cốt lõi là, ngoài việc tiện nghi, đẹp, nó phải có tuổi thọ cao. Nếu làm chụp giựt, chỉ ít năm gió bão hất đổ sụp thì công cốc!”.
        Chú Năm cười lớn, ban phát cho tôi thêm mớ lời khen: “Mày tốt, sáng dạ lắm!”. Tôi vui, nhưng sốt ruột. Tôi muốn cầm những tờ giấy bạc, muốn về!. “Ta tính thử xem, sẽ tốn chừng bao nhiêu?”. Không rành chuyện xây cất, tôi vẫn đáp bừa: “Dạ, nhiều tiền đấy, chắc cỡ bảy tám trăm triệu”. Chú Năm ngồi lặng giây lát, có lẽ chú đang làm các con tính trong đầu. “Hơi nặng, nhưng biết làm sao bây giờ… Nếu sợ mất tiền thì đừng ôm đĩ, phải không?”. “Dạ, chí phải!”.
        Chú Năm lấy tiền đưa cho tôi, và chú nói ra điều tôi muốn biết: “Ý tưởng cần làm một cái gì để lưu lại tiếng thơm là của thằng Sơn. Nói thực, chú chưa nghĩ ra chuyện đó… Sơn nói, lâu nay ta tặng người này người nọ vài trăm ngàn vài triệu, nhẹ quá, xoàng, dễ bị quên, chẳng ai phục. Nay phải làm khác, chơi sang, vung mạnh tay, để có tiếng vang. Đây là đợt mở đầu, mày được bảy trăm đô. Bác Ba, cô Tư cũng bảy trăm, bác Hai tám trăm. Tháng sau tới lượt những vị khác. Ai cũng có phần, cứ thế, mỗi năm một lần! Cùng lúc, “ta sẽ tặng làng cái gì đó, ngon lành, đồ sộ, để mọi người đều sướng… ba nghĩ xem, nên tặng gì?”.
        Tôi đứng lên, đội mũ, chào chú Năm. Chú Năm không gật đầu, không nhìn tôi, nhưng tôi chẳng quan tâm. Tôi vui mừng. Đã lâu, cả chục năm qua, tôi mới gặp chuyện vui thế này. Không làm đổ mồ hôi mà có tiền. Sơn sẽ tiếp tục tặng nữa, đều đặn, để mua danh! Đẹp như mơ!... Làm ruộng thu nhập thấp, bòn mót từng đồng, muốn có chục triệu phải đổ bao nhiêu công sức, và còn phải trông chờ may mắn… Ra đường, tôi quên ngay chuyên xây chợ. Tôi nhớ lại ý cũ: chú Năm muốn người ta nhớ mình vài chục năm, trăm năm, rồi sau đó thì sao? Và nhớ câu nhận xét của ông Cảnh, người không thích chú Năm: “Thằng Sơn làm trò gì mà giàu thế, đúng là dốt nát làm nên lịch sử!”. Dốt, bởi học lực Sơn chỉ là lớp 4! Rồi nghĩ, lát nữa đây ta sẽ báo tin vui cho mụ “hiền thê” cọc cạch như thế nào. Nên khéo léo, kín đáo, nếu nói to người ta cười cho. Có lẽ nên giấu chi tiết mỗi năm Sơn cho tiền một lần. Còn sớm, lỡ nó không giữ lời thì sao? Thêm nữa, vui quá, mụ ta có thể bay bổng lên mây, khó tìm ./.