14 thg 10, 2011

THẦY XƯA


       Hè vừa qua tôi theo ba tôi đến thăm cụ Phan tại Ninh Hòa. Cụ Phan là thầy dạy ba tôi ngày trước. Nhà cụ ở Xóm Mới, nằm trên một con đường lớn nhưng khá vắng vẻ, thưa tiệm buôn, hàng quán.
       Trong ngôi nhà lớn, cổ lỗ này có nhiều thứ làm tôi ngạc nhiên. Trên cái sân rộng bày đầy kín cây kiểng. Trong nhà thì hai gian phòng thênh thang chứa toàn những giá, những kệ sách, sách chất chồng, như một thư viện nhỏ.
       Cụ Phan dáng người cao lớn, tráng kiện, râu tóc như mây trắng. Cụ đón tiếp chúng tôi niềm nở:
       “Mời vào, hai bạn, quí hóa quá”.
       Cụ và ba tôi ngồi trò chuyện ở bộ ghế bành giữa nhà. Tôi ngồi nơi cái bàn thấp cạnh cửa sổ với một dĩa quít và một chồng báo.
       Ở trong nhà nhưng cụ Phan vẫn đội mũ, chiếc mũ nồi cũ màu nâu nhạt. Ba tôi nói:
       “Con mê cái sân nhà thầy”.
       Cụ chủ nhà cười:
       “Có hơn 50 loại cây trong đó… Đây là công việc lao động có tính chất bắt buộc của tôi. Tôi ép mình đứng vào khuôn khổ. Phải làm để giữ cho chân tay nó khỏe. Chân tay mạnh thì đầu óc sáng, bác sĩ bảo thế… Bao lâu rồi chúng ta mới gặp nhau đây, anh Phú ?”.
       “Thưa thầy, hơn mười năm ạ”.
       “Hơn mười năm! Lâu hơn cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi!… Nào, mời anh uống nước, rồi anh kể tôi nghe chuyện xóm làng, vợ con, làm ăn ra sao”.
       Trong lúc ba tôi uống trà cụ Phan nói, lúc trước, khi mới nghỉ hưu, cụ sống với người con gái ở Phan Thiết, cách nay bốn năm chuyển về đây nương nhờ người trai út. Thật ra trồng cây cảnh đối với cụ, chỉ như một thú tiêu khiển, chẳng phải là công việc kiếm tiền. Cuộc sống ở đây bình lặng, nhàn nhã nhưng buồn… Cụ nhắc đến một số thầy cô cũ của ba tôi. Thầy Bá, cô Anh hiện ở trong Nam, chẳng biết ra sao. Thầy Điểm, thầy Nhơn đã qua đời. Cô Tuất được con bảo lãnh đi Úc năm ngoái. Thầy Đào nay làm chủ một hãng buôn lớn ở Phan Rang. Thầy Trữ đã lòa, phải ngồi một chỗ… Nghỉ một lúc, cụ nói, nhỏ giọng:
       “Mình còn sáng mắt nhưng chẳng hơn lòa bao nhiêu, cứ quanh quẩn ra vô trong cái nhà này… Học trò cũ của tôi, những người nay tôi còn gặp lại, đều tốt. Phải, không ai bê tha, chẳng ai xấu cả. Chắc họ nghĩ, nếu không làm được gì nổi bật thì cũng đừng hư hỏng… Năm 1998 có việc cần tôi phải đi Sài Gòn. Ở đó tình cờ tôi gặp anh Dương Thanh. Chắc Phú còn nhớ anh Thanh lớp phó giỏi văn, hát hay? Lẽ ra tôi phải ở trong đó vài tuần, đi lại tốn kém vất vả, nhưng nhờ Thanh giúp nên chỉ mấy hôm là xong việc… Kể ra có nhiều người quen cũng có lợi!”.
       Cụ cười rồi đứng dậy tới mở chiếc tủ gần chỗ tôi ngồi, lấy ra một gói giấy. Cái gói vuông vức bọc giấy bóng vàng.
       “Đây là cà phê Ban Mê Thuột, loại ngon, của cô Trúc Quỳnh gởi tặng. Anh Phú nhớ Trúc Quỳnh không? Cô bé như con chim sẻ ấy mà! Quỳnh đang làm hiệu trưởng một trường gì đó ở Biên Hòa. Không chỉ cà phê, còn có một bịch trà to và bốn chai rượu nữa. Chắc Quỳnh tưởng tôi đang bán tạp hóa!
       Cụ Phan cười xòa, tới đặt gói cà phê xuống trước mặt ba tôi.
       “Tôi xin tặng lại anh. Gần đây tôi chỉ uống trà. Cái quả này của tôi không còn vững lắm”.
       Cụ chỉ vào ngực trái của mình. Ba tôi nói:
       “Nay nếu gặp lại các bạn ấy chắc con cũng không nhận ra, ba mươi năm rồi”.
       Cụ Phan gật gù:
       “Phải, đã lâu quá. Chúng tôi đều cụ kỵ, các anh cũng bắt đầu ngã xế”.
       “Chỉ có ngôi trường là lâu già. Con thấy dường như nó vẫn thế, bất chấp tháng ngày”.
       “Vậy à? Ba bốn năm nay tôi không thăm nó…. Giờ mắt yếu, chân run, lười đi. Lắm khi trực nhớ là đã nhiều tháng mình không bước ra khỏi cổng nhà, giật mình”.
       Cụ Phan vỗ trán:
       “Vừa rồi tôi nói về cái lộc muộn của nghề dạy học, nhưng ngoài nó ra còn có món phẩm tước muộn nữa. Hồi trẻ tôi chẳng có chức vụ gì đáng kể, nhưng hiện giờ lại được đến hai: tổ trưởng lão ông của Khóm và hội phó của câu lạc bộ hoa kiểng. Oai như quan lớn!”.
       Hai thầy trò cùng cười vui vẻ. Chợt có tiếng chuông reo trước thềm. Vài phút sau một cô bé bê vào một xấp báo và mấy lá thư. Chỉ chồng báo, cụ Phan nói:
       “Đây là một phần trong lịch sinh hoạt thường ngày của tôi. Chăm sóc cây lá, họp hành với các bạn già, đọc sách báo… Đấy, toàn cảnh đoạn đường gần đến đích của tay đua kỳ cựu!”.
       Cụ nghiêng đầu, nheo mắt nhìn ba tôi:
       “Tôi nhớ anh là người khá văn, siêng đọc sách”.
       Cụ đứng lên tới bên giá sách.
       “Tôi sẽ tặng Phú cái này”.
       Tìm một lúc, cụ rút ra hai cuốn sách khá dày, bìa đẹp. Trở lại bàn, đặt sách lên trên gói cà phê, cụ Phan nói:
       “Tặng anh bộ Liêu Trai Chí Dị, để anh đọc lai rai, và nhớ tôi lâu lâu”.
       Ba tôi nâng hai cuốn sách lên, cám ơn thầy rối rít.
       “Điều đáng nói không phải là giá nó đắt hay rẻ, nhưng quý ở chỗ tôi giữ nó đã mấy mươi năm”.
       Ba tôi kể cho thầy cũ nghe công việc làm ăn của mình, những chuyện vui vui lạ lạ ở quê tôi, chuyện học hành của anh em chúng tôi. Cụ Phan trầm ngâm:
       “Mừng cho anh, thế là quý, tốt lắm rồi. Có lẽ ta cũng không nên đòi hỏi được cao hơn nữa. Tùy theo hoàn cảnh. Tùy theo trường hợp… Trên đời còn có biết bao người thiếu thốn, lận đận hơn ta. Cầu mong sao cho mọi người đều no đủ, và gặp toàn những điều tươi đẹp trong cuộc sống… Còn anh, riêng anh, thì xin nhớ thỉnh thoảng lại về đây chơi, thăm tôi, đừng để hơn mười năm mới tới một lần… Tôi không thể nhớ hết các anh chị, và dù nhớ thì tôi cũng không đi lại được… Đã ngoài bảy mươi, tôi nhận thấy rằng mình sống khá đủ, khá vuông tròn… Nếu như có một phép màu, có thể trẻ lại, bắt đầu bước vào đời một lần nữa thì tôi lại chọn nghề dạy học. Nghề này vừa sức tôi. Nó bình dị, trong sáng, có trước có sau, và vui”.
       Chúng tôi ra về. Đi được một quãng xa, tôi nói:
       “Mình chỉ tặng mấy trái cam, ông cụ tặng lại đủ thứ, mình lời!… Cụ Phan vui tính, cởi mở quá, ba nhỉ”.
       Ba tôi cười: “Hầu hết các thầy cô của ba đều như thế”.
       “Cụ nhặm lẹ, chu đáo, và hơi hơi buồn cười”.
       Ba tôi hỏi lại: “Buồn cười à? Có thể. Còn tùy cách nhìn của mỗi người”.
       Ngẫm nghĩ hồi lâu, ông tiếp: “Thời đó các cụ vừa là thầy vừa như những người anh cả, dạy dỗ tận tình, thương yêu học trò… Nay, lúc nào nhớ về các vị ba cũng thấy như nhớ chú bác, anh chị thân thuộc xa cách lâu năm… cảm nghĩ ấy thường khiến bụng dạ ta nao nao, bồi hồi”. ./.

ĐẰNG SAU NHỮNG ĐỨA CON


       Cha mẹ Nhâm muốn có cháu bồng nên thúc giục anh lập gia đình sớm. Nhâm cưới vợ năm hai mươi tuổi. Nhưng bảy năm trôi vút qua vợ chồng Nhâm vẫn chưa có con.
       Nhâm thấp người, nhỏ con nhưng khỏe mạnh, rắn rỏi. Bảy Là – Vợ Nhâm – cao lớn hơn chồng. Chị là nông dân nòi, sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời nối tiếp nhau sống trên đồng ruộng. Hai người đều sợ bị quy tội gây ra việc hiếm muộn. Bảy Là tìm đến hàng chục chùa, đền, am miếu, cúng lạy cầu con. Nhâm lui tới mòn dép ở các phòng khám, bệnh viện, bác sĩ, thầy lang, tây ta đủ dạng. Và cuối cùng Bảy Là chán nản, buông xuôi. Nhâm quay sang làm theo kinh nghiệm dân gian: bí mật đi “gieo giống” trên nhiều “loại đất”.  Cũng chính cái khâu này đã nói cho Nhâm biết, một cách hùng hồn, anh là hạt giống mốc hư!
       Nhâm buồn, chán đời, bê trễ trong việc làm ăn, tính nết thay đổi. Trước anh hiền khô, ai nói gì cũng cười, tối ngày cái cuốc nắm trong tay, trời chưa sáng đã có mặt ngoài đồng. Nay anh nói năng cục cằn, mặt mũi lúc nào cũng cau có, ưa gây gổ với mọi người, và lại thêm tật thích rượu… Chỉ một thời gian ngắn Nhâm đã chễm chệ ngồi vào cùng chiếu với băng nhậu Năm Giáo. Tên anh nằm trong sổ nợ của tất cả quán trong làng và nhiều quán lớn ở chợ xã. Năm, sáu ngày trong một tuần người ta thấy Nhâm ôm chai nước cay khư khư trước ngực, say mèm, đi nghiêng ngả, xiêu vẹo trên đường như người bị bịt mắt. Anh nói với các bạn: “Ông trời chỉ con đường này cho ta thì ta phải bước đúng trên đó, tiến về phía trước, tới đâu mặc xác!”.
       Một đêm trăng Nhâm tắm sau vườn, Bảy Là ra xách nước. Nhâm bảo:
       - Bồ yêu, tắm đi, anh xách nước cho.
       - Tử tế gớm, nhưng đây tự làm cũng được – Bảy Là cười.
       - Tắm kỹ, xối mạnh cho trôi hết đau buồn.
       Nghe cách nói là lạ, Bảy Là tới gần nhìn sát vào mặt chồng.
       - Nói hay quá, như kịch vậy, buồn à?
       - Buồn lắm, chết được! – Nhâm ngồi xuống thành hồ bên cạnh giếng – Ngồi đây, anh nói cho nghe.
       Trời quang, trăng sáng tỏ, có thể nhìn thấy hàng chuối tận cuối vườn.
       - Anh không phải thứ người ồn ào, hời hợt như bọn Năm Giáo… Em biết đấy, anh khổ vì chuyện con cái của tụi mình.
       - Nghĩ ngợi làm gì cho đau đầu, thong thả rồi sẽ có!
       - Không thể có, em à, anh biết. Lúc có thì tám tháng mười ngày đã có thể đón mừng một chú nhóc! Chúng mình sống với nhau lâu quá rồi… Đừng tránh né sự thật, không nên lừa dối nhau.
       - Thôi, để em xách nước, bỏ qua chuyện đó đi.
       Nhâm nắm tay vợ, hôn liền mấy cái.
       - Anh thương em… chuyện này do lỗi của anh.
       Bảy Là đẩy Nhâm ra.
       - Em đi đây, anh đừng nói nữa.
       Nhưng Nhâm vẫn không buông tay vợ.
       - Đâu phải chuyện đùa. Ba má mong cháu đỏ mắt, em cũng muốn con, nhưng anh…
       Bảy Là ôm đầu Nhâm vào ngực mình, vỗ nhè nhẹ, nói như ông đánh xe nựng con ngựa.
       - Im, im nào! Bữa nay sao ăn nói lung tung thế!
       - Anh không con, nhưng em vẫn ở với anh chớ? – Nhâm nghẹn ngào, như sắp khóc. Bảy Là bối rối.
       - Đã biểu đừng nói nữa!
       Nhâm nói đứt quãng:
       - Đã quen có em, nay anh không thể tưởng tượng ra cảnh sống mà thiếu em bên cạnh. Anh thương em… Em đừng bỏ anh… Anh biết rằng em sẽ thương người khác, sẽ bước qua một con đường khác!
       Bảy Là vò tóc chồng, cười nhỏ, nói bằng giọng đùa cợt:
       - Lớn sù còn làm nũng, không mắc cỡ sao?… Nếu có rẽ sang con đường nào khác thì em cũng sẽ dẫn anh theo, em hứa!
       Sau vài phút nín lặng, Nhâm nói:
       - Anh muốn tụi mình có hai con, một trai một gái.
       - Em chỉ cần một, trai gái chi cũng được.
       - Anh sẽ đặt tên bé gái là Trúc Đào. Bé trai để em đặt.
       Bảy Là lại cười. Chị vui tính, thích đùa, nhưng trong cuộc sống lại gặp nhiều chuyện buồn.
       - Tên không quan trọng, anh có thể đặt cho tất cả.
       Hồi lâu, anh chị không nói gì.
       - Con của mình… Em muốn có một đứa để sáng chiều chở nó đi học.
       - Anh mong hai đứa đều giống em, chỉ giống em… anh chẳng có điểm nào đẹp cả.
       - Anh nịnh, em như cây cau!… Chị Thủy thường nói, chị chán cái việc đưa đón bọn trẻ đi học, coi đó như một gánh nặng. Còn em, em lại thích việc ấy.
       - Anh đã nghĩ rồi, nghĩ rất chín, là em có thể có con, nhưng vẫn ở với anh.
       - Anh sao em vậy, mình không thể cãi trời. Chúng ta sẽ sống với nhau tới chết!
       Nhâm rúc đầu vào ngực vợ.
       - Được rồi, em tốt lắm… Nghe này, em có thể đi lại với bất cứ ai để có con… như thế nghe chưa… đó sẽ là con của chúng ta.
*
       B
ảy Là không để ý lắm đến chuyện “tìm con” của Nhâm nói, nhưng chỉ hai tuần sau, như có một bàn tay phù phép nào đó xếp đặt, chị chạm trán Chín Chu, một chuyên gia “cho con”. Trong làng Chu nổi tiếng với hai đặc điểm: giàu có và máu trăng hoa. Tính tình anh ta dễ chịu, rộng rãi, thường giúp đỡ mọi người. Hàng xóm ai túng thiếu chạy đến Chín Chu sẵn sàng đón tiếp, cho mượn tiền, không hơn thiệt, không tính lời. Riêng đối với phụ nữ Chu càng tỏ ra hào phóng. Anh ta dùng tiền bạc làm mồi câu, mua chuộc lòng người. Gần như ai cũng biết Chu là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Không có con mẹ nhà nghèo nào chê tiền!” Gặp ai quen anh ta cũng nói đến cái ý đó một cách thích thú, như truyền bá một tư tưởng lớn… Trong khắp ba xã quanh vùng, Chu có hàng chục nhân tình với sáu, bảy đứa con rơi. Mọi người biết rõ chuyện này, vợ Chu cũng biết, nhưng chị ta yếu ớt, đau bệnh rề rề nên làm ngơ… Qua miệng mấy bà làm thuê, người ta loan ra nhiều giai thoại về chuyện lăng nhăng của Chín Chu. Bữa nọ cô vợ trách móc: “Ông cứ đem tiền nuôi mấy con quỷ cái, thiên hạ cười xấu mặt.” Chu hỏi: “Nuôi ai, ông ngu lắm à?… Mày thấy, ông làm ra tiền, mà những đứa làm được nhiều tiền không bao giờ ngu.” – “Nuôi ai thì ông biết, không che được mắt làng xã đâu.” Chu nổi quạu: “Có gì phải che giấu! Tiền của ông, ông xài, đây không cướp giựt của cha mẹ đứa nào!” – “Thấy chướng thì họ nói, vì trời cho người ta cái miệng và hai mắt, cấm sao được!” Chu cười gằn: “Vậy là mày muốn gây sự. Ờ, nói cho bớt tức, nhưng nên nhớ, ông không lấy tiền của cha mẹ mày!” chị vợ thở ra: “Chắc ông nghĩ hễ có tiền là làm gì cũng được, muốn nói sao thì nói, hèn chi ông tuyên bố rùm lên: hết thảy bọn đàn bà nghèo đều mê tiền!” Chu quát: “Đúng, chính ông rao thế đấy!… Bọn chó chết nhỏ mọn đê tiện lúc nào cũng ganh tị, bêu xấu những kẻ giỏi hơn chúng… còn lũ đàn bà động đực, chúng khoái ông, ông không hãm hiếp đứa nào!” – Và chuyện khác: một hôm vợ Chu bắt gặp một bức thư với nét chữ phụ nữ bay bướm, trong túi áo Chu: “Anh Chín yêu thương – Sau khi suy nghĩ hai ngày bạc tóc em viết thư này cho anh. Em không muốn làm anh bận tâm, phiền lòng. Nhưng đã ba hôm rồi bé Phú Cường ngả bịnh. Nó nằm bẹp, lúc nóng lúc lạnh, chẳng rõ bịnh gì… Anh vẫn thường nói, anh sống có tình nghĩa, thủy chung. Bé Phú Cường là kết quả mối tình mặn nồng của hai ta. Đối với em nó là vàng ngọc, khí trời, lẽ sống… Em nhớ, anh từng nói nhiều lần, anh không phải con gà cồ, bỏ mặc bầy con cho gà mái, vô trách nhiệm. Anh cam kết sẽ chăm sóc, bảo bọc con suốt đời… Anh mau đến thăm Phú Cường – Em, người yêu anh trong kiếp này,  và kiếp sau.” chị vợ hỏi: “Thư này của ai?” Chu ú ớ. “Ghê gớm, ngọt như đường hóa học! Tình tứ, tươi mát như trai gái mười bảy!” chị ta nghiến răng, mắt long lên. “Ông nói đi, chuyện này thế nào?” Chu cà lăm: “À, nó chỉ là… chỉ là… coi như chuyện qua đường, đâu phải vợ chồng, con cái gì!” – “Rành rành một thằng nhỏ, còn nói chẳng phải con, vậy là chuột, ếch hay gà, heo?… Nó mấy tuổi?” – “Hình như bốn” – “Ông có mấy đứa loại này?” Chu đáp, nhỏ nhẹ: “Làm gì có mấy đứa… toàn chuyện vui vẻ, văn nghệ, thoáng qua rồi bỏ.” Chị đàn bà cười sắc lạnh. “Hỏi cho vui, tôi biết nhiều hơn ông tưởng! Đây là Kim Phượng, bán trái cây ở chợ Giã, ngồi gần khu giày dép… Tôi sợ một ngày nào đó người ta sẽ chém bay đầu, chặt đứt chân ông! Tôi cũng sợ sau này tôi và mấy đứa nhỏ không còn nhà cửa để ở, ruộng vườn để cày cấy, tiền bạc để học hành… Gieo gì gặt nấy… Bao năm rồi ông đi gieo gai, gieo cỏ.”
*
       B
uổi sáng, khoảng 8 giờ, Bảy Là đến nhà Chín Chu mua lúa giống. Nhà có vẻ yên vắng. Hai bé gái – con Chu – chơi nhảy dây gần cổng. Chu tưới cây kiểng trong sân. Vào giờ này chắc những người khác ra đồng hoặc đi chợ.
       Chu mời khách vào nhà dưới, ngôi nhà dài nửa là phòng khách nửa làm kho chứa lúa. Nghe Bảy Là xin mua giống, Chu nói không có gì trở ngại, năm phút xong ngay, xóm giềng giúp nhau là nghĩa vụ. Anh ta pha trà và bưng ra một dĩa bánh ngọt mời khách. Rồi anh ta rề rà nói chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện đồng áng gieo cấy, thật cặn kẽ, dài dòng. Bảy Là nôn nóng nhưng không dám giục, ngại mất lòng.
       - Lâu lắm mới gặp em. Nay em đen, da hơi sậm, nhưng vẫn trẻ – Chu  cười hì hì.
       - Dạ, làm sao trắng được, anh Chín, tối ngày cuốc cuốc gánh gánh, phơi mặt ngoài đồng.
       - Nhưng Bảy vẫn trẻ, cốt yếu ở chỗ đó! Trẻ và đẹp, chớ già úa là hết, xong đời!
       - Loại giống này ra sao, anh Chín? - Bảy Là hỏi đưa đẩy.
       - Số một. Anh đã làm hai vụ, gieo một giạ gặt mười tám giạ. Bảy ăn bánh đi, để anh vô đong lúa.
       Chu xách bao đi ra sau. Bảy Là nhìn ngắm một lượt khắp phòng. Nơi đây cái gì cũng mới và đẹp. Tủ bàn, máy truyền hình, chiếc xe Nhật, cái đi văng… Chu ôm bao lúa ra để bên cửa rồi gọi con vào sai bảo gì đó. Hai đứa bé vâng dạ, dắt xe ra chở nhau đi.
       - Xong rồi, bốn giạ, anh đong đầy vun.
       - Không, ba giạ thôi, anh Chín.
       - Cứ lấy cả đi, gieo cho dày dặn.
       - Ba giạ là vừa, với lại em chỉ đem tiền mua ba giạ.
       - Không sao, cho em nợ – Anh ta tới ngồi bên Bảy Là – Thôi, coi như anh thêm chút ít, em đem về cho gà vịt nó ăn.
       Chu nhìn Bảy Là chăm chăm, cái nhìn rất lạ. “Chắc vua ong bướm muốn trổ tài đây.” Bảy Là sực nhớ câu nói của chồng: “Em đi lại tự do với bất cứ ai để có con”, bất giác chị rùng mình.
       - Bầy gà nhà em nhìn sướng mắt quá.
       - Anh Chín thấy à?
       - Anh mới đi ngang qua hôm kia. Lúc đó Bảy quét sân, ông già cho gà ăn gần bếp, Nhâm Lép thì dựng cây ăng ten.
       Bảy Là đứng lên, chị thấy cần phải về ngay. Trong phút chốc chị bỗng nhớ đến những điều người ta thường nói về Chu. Loại chuyện đó khá nhiều, ai cũng biết: mấy mối tình nhăng nhít chớp nhoáng. Những đứa con rơi. Các trò tán tỉnh, gạ gẫm. Thứ giọng điệu ngọt ngào đầu môi. Những đồng tiền hấp dẫn, đầy ma lực.
       - Thôi, em về.
       - Khoan đã, chơi chút nữa, vội gì.
       - Chị Chín đi chợ? – Bảy Là lúng túng, Chị chẳng hiểu vì sao mình lại hỏi thế.
       - Bà ấy đi Mỹ ăn đám cưới thằng cháu… Mỹ Đồng ấy mà!
       - Anh vui tánh quá.
       Chín Chu tỏ ra rất hào hứng.
       - Xưa giờ anh vẫn vậy. Đời mà em! Sống tốt với nhau, thương yêu nhau ta sẽ thấy việc gì cũng nhẹ nhàng, và ta phấn chấn, khỏe, trẻ lâu… Hơn nữa, thử nghĩ xem, bủn xỉn, cáu kỉnh, gắt gỏng để làm gì, được gì?… Lâu nay em sống vui vẻ không?
       - Không vui, cũng chẳng buồn – Bảy Là ngẫm nghĩ giây lát – nhưng lo lắng thì có thừa.
       - Chuyện con cái chớ gì? Đó là lỗi của Nhâm Lép, chắc chắn thế… Em khỏe mạnh, tươi tắn thế này… Nhưng đừng lo, em còn trẻ, ngày rộng tháng dài.
       Chu nhìn xoáy vào mắt Bảy Là, cái nhìn bốc lửa. Bảy Là lại nhớ câu nói của Nhâm đêm trăng nọ, và chị rùng mình.
       - Vô trong kia anh cho Bảy xem một thứ nếp giống mới – Chu nắm tay Bảy Là – Bữa rằm anh ra Vạn Phước mua được mấy bao nếp tốt. Loại này mới toanh, năng suất cao, quanh đây chưa ai có… Em vào xem, nếu thích thì lấy vài giạ.
       Không đợi Bảy Là đồng ý, Chín Chu kéo chị về phía một căn phòng nhỏ gần đó. “Không, tôi về! Tôi không cần!” Bảy Là luống cuống, hốt hoảng. Chu lôi từ túi quần ra một nắm tiền lớn, giúi vào tay chị đàn bà.
       - Em cầm lấy… đây là tiền…
       - Coi kìa! Tiền gì thế này? – Bảy Là kinh ngạc.
       - Anh tặng em – Chín Chu lắp bắp – Em cầm, đừng ngại… anh muốn nói…
       Bảy Là giấu hai tay ra sau lưng.
       - Sao lại tặng, cái ông này!
       - Nghe đây, Bảy, anh thương em, thực bụng thương em… Tối nay, 8 giờ, em ra chỗ cây bàng sau trạm y tế, anh đợi em ở đó… chúng ta nói chuyện.
       Bảy Là run sợ, chị bước lùi mấy bước. Chu theo sát, nói như dỗ dành:
       - Anh yêu thương em từ lâu. Em đẹp, hiền hậu. Anh sẽ cho em thật nhiều tiền, để em bớt khổ… Đồng tiền là xương cốt của đời. Không có nó thì dù đẹp đến mấy, giỏi tới đâu cũng chỉ như kẻ câm điếc… Em hãy quên thằng Nhâm Lép đi. Nó gà mái, ngốc nghếch, bạc nhược… Quên nó đi. Nó chỉ làm em khổ suốt đời thôi.
       Bảy Là bước lùi ra cửa lớn, xua tay.
       - Anh Nhâm có thể là con gà mờ, nhưng chắc chắn anh ấy không khi nào muốn làm khổ tôi.
       - Em hãy nghe…
       - Anh cất đi. Tiền bạc ai cũng cần, nhưng phải là tiền chính đáng… Tôi không phải hạng người bơm xơm, lông bông như anh nghĩ đâu… Tôi không biết hẹn hò để đi đêm nói chuyện. Tôi không muốn “nói chuyện” kiểu đó!
       Chị chạy ra sân, tóm lấy gióng gánh quảy về, bỏ lại đôi bao, quên thóc quên giống, nhẹ tênh như lúc đến ./.

TẢN VĂN


VỀ   GIÀ

       Sống sáu, bảy mươi năm trên đời sao anh không thấy bói toán, bùa chú là khối ung bướu mê tín khổng lồ?
       Sắp đến ngày xuống lỗ, anh vẫn còn khổ sở, hì hục làm thơ ca ngợi mấy thứ tình yêu nhạt phèo, hời hợt.
       Còn thật ít thời gian để sống, anh cứ nhẫn nại luồn cúi, xoay tròn quanh cái vòng lợi danh bạc tiền bọt bèo phù phiếm.
       Với đôi mắt cận thị của mình, tôi nhìn thấy rõ kẻ đốn mạt, dù hắn có mặc áo vàng ròng, hay tô vẽ hàng tấn phấn son lên mặt.
       Bằng khối óc chim sẻ bẩm sinh, tôi nghĩ ra cách thoát khỏi mối dây ràng buộc của những đam mê lớn nhỏ, dứt bỏ thói bon chen, để thân thể mình nhe nhõm.
       Với tâm hồn nhỏ hẹp khô khan, tôi sống bằng năng lực và trí óc của mình, không tin vào các thế lực siêu nhiên xa vời, mông muội; tôi sống nhẹ như mây, thảnh thơi như sóng.
       Hãy thăng hoa, sáng lóa, phiêu du cùng mây xa sóng biếc.


CÒN   TỐT
       Lâu lâu, vì một lý do bất khả kháng nào đó, ta cũng nịnh bợ, a dua, hèn hạ tí chút. Sau đó, ôn lại, ta giật mình, ngượng thầm – Rõ ràng ta biết xấu hổ.
       Vào thời buổi khó khăn trong quá khứ, cũng có lúc ta lừa anh này một li, gạt chị kia một tẹo. Rồi sau đó, nghĩ lại, ta thấy lo lắng, hối hận – Vậy là ta vẫn còn lương tâm.
       Thỉnh thoảng, do những yêu cầu bức bách nhất thời, ta uốn lưỡi tuyên bố này kia, đại ngôn, láo xược, ba hoa. Đêm nằm, nhớ lại, ta xốn xang bứt rứt, và nghĩ: sẽ nhất quyết từ bỏ tật xấu này – Ấy là ta biết phục thiện.
       Biết liêm sỉ, có lương tâm, mắt phân biệt được đen trắng, như thế đáng mừng hay không?


TÁC  PHẨM
       Con người tạo ra thần thánh, Phật Chúa để làm chỗ dựa, trấn an mình lúc nguy khốn; đặt ra tình yêu để nhìn ngắm, làm dáng, ca tụng; đặt ra hàng ngàn luật lệ, quy định để trói buộc, răn đe nhau.
       Năm tháng qua đi, thời gian phủ trùm lên những thứ đó màn sương dày hư ảo.
       Đến một ngày Con người quỳ mọp xuống khóc lóc, cầu xin những Chúa Phật, những tượng đất tượng gỗ hãy nâng đỡ, cứu vớt, che chở mình. Và vô số người rên rỉ, đau khổ, tự vẫn bởi tình duyên bẽ bàng trắc trở. Và người ta ngã gục, kêu than, chết vùi giập trong nhà tù, trên pháp trường phép tắc.
       Khôn ngoan, đáng thương, kỳ quái biết bao, Con người!
CHÚC   LÀNH
       Hắn chê bai ruộng đồng bẩn thỉu, làng quê đơn điệu tẻ nhạt xấu xí, và luôn miệng bình phẩm hàng xóm láng giềng thô kệch, ngu đần – Đừng mong chờ hắn yêu quê hương.
       Hắn quay mặt đi khi chú bác anh em đói khổ, quen thói hành hung vợ con như đánh kẻ thù – Không thể nào hắn yêu đồng bào.
       Hắn thờ ơ lúc chứng kiến cảnh người khác gặp hoạn nạn, dửng dưng trước sự mất mát chết chóc do thiên tai gây ra cho bà con xung quanh – Chắc khó trông cậy vào lòng nhân của hắn.
       Có lẽ hắn sẽ đổi tính, nghĩ lại, khi xe hắn lao đầu xuống vực; sẽ nao núng, hồi tâm lúc thần hỏa xộc vào thăm hắn tận giường.
       Thế nhưng, như những con người có lòng bao dung, nhân hậu, ta cầu mong cho hắn an lành.


CHÍNH   TRỊ
       Chính trị là gã Hitler tính tình đồng bóng, học vấn làng nhàng được dân Đức “giống nòi thượng đẳng” phục tùng, tôn kính, ngoác mồm tung hô: Quốc trưởng muôn năm!(1)
       Chính trị là Ngô Đình Diệm hôm trước còn được ca tụng chí sĩ, cứu tinh, được gọi bằng cụ bằng ngài; hôm sau đã chết gục trong lòng xe tăng, số phận như gắn chặt vào lời nguyền bất đắc kỳ tử.(2)
       Chính trị là đầu năm 1966 người dân nước Y còn chưa biết WK là ai, đến giữa năm ông ta đã thành Thủ tướng.(3)
       Làm chính trị và làm người, những điểm nào giống nhau? Có điểm nào đối nghịch nhau?
      

HOẠT   CẢNH
       Cô gái khóc sướt mướt, kể lể rằng vì cha đau mẹ yếu, vì đàn em sáu đứa nhỏ dại, vì tay trắng không có nghề nghiệp, nên phải liều nhắm mắt đưa chân làm gái bao, gái gọi, một kiểu mại dâm “bán chuyên nghiệp”.
       Anh tài xế khai như kể chuyện, đổ hết tội cho đám đàn em. Anh nói, đã hai mươi năm cầm tay lái, lúc nào anh cũng tỉnh táo, chấp hành tốt luật lệ giao thông, tôn trọng sinh mạng con người. Nhưng lần này do mấy gã em quỷ quái rủ rê, chèo kéo nên anh buông thả, mất cảnh giác, uống quá chén, gây ra tai nạn thảm khốc.
       Ông giám đốc cúi đầu hối lỗi. Ông cho biết, mình chỉ được học tới lớp ba, nhưng do cấp trên yêu thương chỉ định, nên phải đứng ra cáng  đáng một nhiệm vụ nặng nề, quá sức; bởi thế ông không nắm vững nghiệp vụ, hiểu biết lơ mơ chuyện giao dịch thương trường, để đám em út giựt dây, qua mặt; dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng, khiến Nhà nước mất toi hàng chục tỷ đồng.
       Chị thủ quỹ thực thà thú nhận: chị biết thụt két là làm bậy, nhưng do chồng mắc bệnh hiểm nghèo cần đến mấy chục triệu đồng chạy chữa; do mẹ chị và mẹ chồng mất sức lao động, đã thành hai cái máy nhai; và chị còn có bầy con đông đảo, ăn tiêu học hành vô cùng tốn kém; trong lúc lương chị ba cọc ba đồng, trang trải chẳng thấm vào đâu. Chị biết mình sắp bước vào ngõ hẻm tối tăm, nhưng cũng bước đại, tới đâu hay đó.
       Có những hoàn cảnh bi đát thật, nhưng cũng có nhiều trường hợp giả mạo. Có người sảy chân, thất cơ lỡ vận, nhưng cũng có lắm kẻ cố ý làn càn, rắp tâm mưu đồ đen tối. Tất cả tạo ra một mớ bòng bong, một sân khấu hỗn tạp nhốn nháo… Chứng kiến những vụ đó, người bình thường chán nản: “sao lắm người tồi tệ, xâu xa đến thế!” Nhưng nhà hiền triết thản nhiên, cười khì: “nếu không có vậy thì chẳng phải thế giới con người; những hoạt cảnh ấy sinh động, thú vị, và hài hước!”.


CÁM  ƠN
       Gã không muốn sống ở Afghanistan vì sợ mỗi ngày phải quỳ cầu nguyện 5 lần, và có thể bị chặt tay khi mắc tội trộm cắp.
       Gã không thích lối sống chụp giựt, hối hả kiểu công nghiệp của Mỹ, như vừa lái xe vừa ăn điểm tâm khi tới sở làm, như vừa bước vội trên hè phố vừa đọc báo.
       Gã cũng chẳng mong ước làm công dân của Đức, Canada, Pháp, Anh… bởi gã chưa chuẩn bị tinh thần để hòa nhập theo nếp sống Âu Mỹ; và do gã thuộc loại người “hướng nội”, thường chìm đắm suy tư, ưa chuộng văn chương thơ phú, không có chút năng khiếu khoa học, kỹ thuật.
       Gã yên tâm khi thấy không ai có thể đẩy bật mình ra khỏi quê nhà Việt Nam, nơi gã thường ung dung thưởng thức ly cà phê trong hai tiếng đồng hồ, hoặc nhởn nhơ tham dự các cuộc đá gà đánh cờ tướng giải trí kéo rê từ sáng đến tối.
       Gã nghĩ: “chính Thượng đế ban cho ta dòng máu, màu da và gia đình. Cảm tạ Người ngàn lần, ta vô cùng may mắn.” Gã cảm thấy hạnh phúc tột đỉnh, sung sướng đến phát điên.


QUÊ   HƯƠNG
       Khánh Hòa, quê tôi đấy.
       Nhưng nó cũng là quê của những tên đê tiện, du đãng, ma cô, giết người, trộm cướp, lừa đảo, hiếp dâm, tham ô, đàng điếm, gian trá, đần độn, điên khùng…
       Tôi yêu nó lắm!


LẮM   MỒM
       Hắn nói: “Đời đẹp rực rỡ, sơn thủy hữu tình thế kia, tiếc ta không có mười mắt để nhìn – của ngon vật lạ, sơn hào hải vị đầy ắp thế kia, tiếc ta không có mười miệng để ăn – cuộc sống tươi đẹp, trong sáng, ngát hương, sao ngày chẳng dài ra 48 tiếng để ta thỏa sức hưởng thụ. Ôi, lão Trời thiển cận, nghểnh ngảng, lười nhác quá thể”!
       Cha hắn phàn nàn: “Mấy mươi năm qua lận đận, công việc làm ăn cứ liên tục vấp váp, trầy trật, xui rủi – phước lộc quay lưng với ta – 60 năm cắm đầu cày cuốc, chui rúc ở xó làng – từ ấu thơ đến bạc đầu làm chẳng ngơi tay – Phật Chúa bất công, thần thánh đui mù. Thử hỏi sống thọ làm quái gì!”.
       Thiên hạ nói: trăm người trăm tánh, trăm bụng. Cha con hắn hai người hai bụng. Có lẽ nên xin Thượng đế ban cho gia đình hắn hai ông Trời xuề xòa dễ chịu!


NHÌN  ĐỜI
       Anh thanh niên nói: tỉ phú là người thông minh, cần cù, khôn ngoan. Người lớn tuổi nói: tỉ phú là người lanh lợi, chịu khó, sáng trí và may mắn.
       Thấy các cô gái làng ngồi chễm chệ trong quán tranh se lông mặt, sửa móng chân, ông già phê phán: “Chiều lội xuống ruộng mà bây giờ trang điểm… bầm giập, ngớ ngẩn hết sức!” Anh thanh niên bênh vực: “Chúng nó trẻ trung, lãng mạn, yêu đời. Chúng đem làn gió mát đến cho xóm làng. Lẽ ra ở đây nên có ba quán như thế, bố già ơi!”
       Tình cờ gặp Tina Ut Le từ Canada mới về, ông già trố mắt nhìn. Mới ngày nào con bé Lê Thị Út quần áo xốc xếch, mặt mũi buồn xo, dáng đi tất bật vất vả… nay trông nó sạch bong, trắng phau, chẳng còn sót lại chút nét quê nào. Cái gì làm nó đổi thay đến thế? Ông tự hỏi, và trả lời: chắc đồng tiền. Anh thanh niên nói: “Ngộ quá. Cô ta đổi mới hoàn toàn hay chỉ thay cái vỏ?… Úm ba la, Thị Út biến thành Tina!”.
       Hai người loay hoay đánh giá đồng tiền. Anh thanh niên nêu một định nghĩa: “Tiền bạc là thứ đồ vật kỳ quặc, khó hiểu. Nó không tuổi tác, co giãn được, biết phù phép, dễ bốc hơi.” Ông già gật gù, nói như mớ ngủ: “Có lẽ thế, chắc thế.” ./.


(1) Hitler bị đuổi ra khỏi trường năm 15 tuổi vì học kém.
   (“Mao, tấn thảm kịch của Đảng CS Trung Quốc” NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội 1985 – Tập 5, tr.257
(2)  Ngô Đình Diệm, Cẩn, Khôi và con trai (không rõ tên), Nhu và con trai (Ngô Đình Trác) đều chết bất đắc kỳ tử.
(3)  “Putin, ông là ai?” Tuổi trẻ Chủ nhật ngày 2-4-2000 (trang 10) – Nước Y: Nga – WK: Putin – 1966 : 1999

SƯƠNG BỤI


       Nam Thanh mặc quần áo, mang giày, định ra phố, nhưng bỗng thấy chán, không đi. Thiên Kim đến chơi. Mười giờ sáng, ngày nghỉ. Kim nói, đọc báo nghe nhạc mãi cũng mệt, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Thanh khen Kim tươi mát. Kim bảo: “Em mới tắm giặt.”
       “Anh hai tuần giặt một lần, chỉ tắm vào buổi tối, ba hôm rồi anh chưa tắm.”
       Kim hoảng sợ: “Bẩn, ghê quá, nay mai anh sẽ bị ghẻ chốc!”
       Nói thế, nhưng khi Thanh xin hôn, Kim không chê. “Cứ tự nhiên, xin mời!” Thanh hôn lên hai má và trán bạn, khá lâu, say sưa. Qua bốn năm quen biết, anh chị đã hôn nhau nhiều lần, nhiều không nhớ hết. Chỉ hôn thôi, rất bình thường, và cũng… bất thường. Không hiểu Thiên Kim có thấy bất thường chăng?... Hơn tháng rồi Kim không tới đây. Thanh nói: “Lâu quá, anh tưởng em đã du lịch nước ngoài, hay bị bắt cóc rồi.”. “Em cũng muốn đi đây đó, đổi thay chút ít. Mười năm nay em hát mãi bài Một ngày như mọi ngày.”
       Công việc quen thuộc, nhàm chán. Mấy chục gương mặt lạnh băng, cũ hóa rong rêu. Như một dĩa hát 30 bài, quay đi xoay lại 30 bài.
       “Làm những công việc cũ, nhìn mãi những dung nhan quá quen, nó khiến ta… ta…”
       “Hy vọng sẽ được em cho nghe vài chuyện lạ, hay.”
       Lần nào đến chơi, Thiên Kim cũng có nhiều chuyện làm quà. “Để em nghĩ xem.” Nói là nghĩ nhưng Kim đã chuẩn bị sẵn. Chuyện mẹ đỡ đầu. Vợ chồng một người anh họ Kim mới sinh được một bé trai. Thầy bói bảo thằng bé khắc tuổi cha mẹ, phải tìm cho nó mẹ nuôi. Nay vẫn còn khá nhiều người tin những điều mơ hồ như thế. Thiên Kim được chọn, được nhận cái “danh hiệu” nàng chưa hề nghĩ tới.
       “Anh có ông chú cưới vợ năm 46 tuổi, ông ấy không thích trẻ con, nhưng sợ cái nhà dưỡng lão, rồi… em đoán xem, sau chú gặp gì?”
       Kim nghĩ năm phút, chẳng đoán ra.
       “Cặp sồn sồn ấy không sinh đẻ, thế mới điên.”
       Kim hỏi, như thăm dò: “Anh thấy con nít thế nào?”
       “Anh yêu chúng… Vật đẹp nhất trên đời là hoa, kế đến là trẻ con.”
       Nam Thanh cởi giày vứt vào gầm giường. “Có một thứ chúng mình phải chạm mặt hàng ngày nhưng không chán.”
       “Là gì?”
       “Mặt trời!”
       Kim nói, ở công ty nàng có sự kiện mới: một ông trưởng phòng vào nằm bệnh viện, đã mười ngày, vì bệnh mập.
       “Em muốn nặng thêm ít ký, lại không tăng… Chiều nay anh làm gì?”
       Thanh nghĩ khá lâu: “Chắc sẽ ra quán cà phê, hoặc đi dạo một lúc cho giãn gân cốt”.
       Kim đưa ra ba địa chỉ giải trí dành cho buổi chiều và tối, nếu thích Thanh có thể cùng dự. Thanh cảm ơn, bảo cần phải suy tính kỹ trước khi chọn lựa… Họ là bạn lâu năm của nhau, vừa giống tình nhân, vừa như bạn đồng giới. Lúc vui, Thanh gọi Thiên Kim: “Cô bạn kinh niên”, tự nhận mình: “Gã chập mạch”. Đối lại, Kim tự xưng là “em 33”. Ba mươi ba xuân. Tuổi tác ám ảnh Thiên Kim khôn nguôi, nàng thường nói: “Mỗi khi lãnh thêm một tuổi, em muốn khóc.” Thanh đọc báo. Thiên Kim nằm võng xếp ngủ một giấc dài 40 phút. Trước khi về, Kim dặn: “Sáu giờ em gọi. Anh nhớ tắm sạch sẽ. Dù đi xem phim, đến nhà chú Hợp ăn rùa rang muối, hay đi dự sinh nhật, đều phải tắm!”
*
       Nam Thanh ăn trưa ở quán Ba Hóa, như mọi ngày. “Không nhìn ai, đừng nghĩ gì”. Ăn uống cũng cũ, quen, như làm việc ở sở. “Cắm cổ vào sổ sách, mệt đừ, nhưng nếu mỗi tuần nghỉ bốn ngày thì… đáng sợ.” Tiểu thư Thảo Hiền, con chủ quán, đến ngồi đối diện Thanh. Hiền hoạt bát, nhí nhảnh, nói nhiều, thích phóng đại và bi thảm hóa vấn đề. Thanh chỉ khơi gợi vài câu, Hiền đã kể ra gốc ngọn thực trạng của ngôi trường khốn khổ, nơi nàng dạy, với vô số chi tiết xám ngoét và buồn cười. Vấn đề nằm ở thầy, không phải trò. Đa số giáo viên không ưa tay Khúc, hiệu phó, nhưng nay hắn lại sắp lên hiệu trưởng. “Anh ơi, không ở đâu cái tật sùng bái chức tước nặng như ngành giáo dục.” Khúc trẻ, loại trẻ mốc, không đi đôi với mới mẻ, năng động. Người ta bảo hắn lên nhanh nhờ vào mấy chiếc ô nào đấy. Giáo viên chia ra ba phe, một theo hiệu trưởng, một theo Khúc, và phe đứng giữa. “Em đứng về phía hiệu trưởng, Khúc kém toàn diện, chỉ được cái mồm khoác lác thôi!” Nam Thanh đùa:
       “Em đừng đứng về phía nào cả, tránh chuyện sân si cho tâm hồn.”
       “Bộ óc còn hoạt động, mình phải bảo vệ sự trong sáng. Có lần em nói thẳng với Khúc: Tôi rất nản khi gặp những kẻ ba hoa, thưa Sir.”
       “Thế nào là ba hoa?”
       “Anh đừng bắt bí em.”
       “Nó đần độn nhưng mồm to, nó gào hay rống, mặc xác nó! Đần độn là thoái hóa. Nếu là anh, anh sẽ không giận, không ghét, nhưng anh cũng chẳng phải tên ba phải.”
       Chuyện các thầy đấu đá nhau không lạ. Khá nhiều trường, ở nhiều nơi, rơi vào tình trạng đó. Dòng nước đen bè nhóm, câu kết, chia rẽ luôn cuốn theo sau nó sự nhỏ mọn, ti tiện, hèn hạ… Nếu cứ kéo dài, chúng sẽ đẩy ngôi trường xuống vực hôi hám, bệ rạc.
       “Người nóng tính, hay tức giận sẽ mau già, dễ đau tim.”
       Hiền xua tay: “Em chẳng sợ già!... Tay Khúc biết anh đấy.”
       “Thật sao… để anh nhớ lại, Khúc nào?”
       “Hắn nói anh độc đáo, lưỡng tính, vô hại.”
       “Lưỡng tính ư? Lưỡng tính và vô hại!... Em không sợ à?”
       Hiền cười: “Vì sao sợ? Em đâu phải gà con, bạ gì cũng sợ… Lưỡng tính như gì, như con đỉa?”
       Nam Thanh trầm ngâm: “Tên ấy làm anh hoảng… Khúc nào nhỉ?”.
       Thảo Hiền trấn an bạn: “Yên tâm đi, bao năm nay em thấy anh vẫn vậy, không thay đổi, vẫn chững chạc, đẹp, đáng yêu!”
       “Những con đỉa, đen sì, ngọ nguậy, mềm nhũn, chẳng lịch lãm chút nào!”
       Chiều và tối Hiền có ba “tiết mục” hay, nàng rủ Thanh cùng đi. Hiền quảng cáo, không phải lúc nào cũng có sẵn những cuộc vui hấp dẫn, đặc biệt. Thanh nói, chưa thể quyết định ngay, cần suy nghĩ 60 phút, hoặc lâu hơn. Thảo Hiền thất vọng: “Đi chơi, vui thôi, có gì quan trọng đâu anh… Anh thường từ chối lời mời của em.” Quán vẫn đông khách, và vẫn yên tĩnh. Trưa này cũng giống hàng trăm buổi trưa trước đây, nhàn nhạt, mờ nhòa. Làm việc, đi lại, ăn uống… Nhà, phố. Người. Xe cộ. Rất đông người. Nam Thanh nhìn ra đường, thấy nắng gắt, những dòng người; nhìn cô bạn ngồi trước mặt, quen, gần gũi như bức tranh trên tường, như tô chén trên bàn. “Anh sẽ tặng em một chùm ảo tưởng, nhân vật chính một tiểu thuyết nói với người tình, anh có chùm ảo tưởng nào không?”.
       “Anh không quên cuộc vui tối nay đâu… Anh đang nghĩ về sự lưỡng tính vô hại.”
       Nam Thanh không định phản bác, cải chính những điều người ta nghĩ về mình. Có thể họ chẳng ác ý, chính cái tuổi 42 làm phiền anh.
*
       Tối, Thiên Kim và Thảo Hiền gọi điện nhắc lại lời mời đi chơi, Thanh từ chối cả hai. Anh nói thật, mình lười, không hứng thú. Lúc đầu anh định đưa ra vài lý do bâng quơ để hai bạn khỏi phật ý. Nhưng nghĩ lại, không nên. Sao cứ phải biện bạch lòng vòng làm khổ mình vì những thứ vu vơ. Đôi lúc ta cũng có quyền lười nhác tí chút, như đổi không khí… Gần 8 giờ, Hà Huy – bạn trai thân nhất của Thanh – đến chơi. Hai, ba tuần Huy tới đây một lần. Huy thường tặng bạn những món quà nho nhỏ, như bánh trái, dĩa hát, hôm nay là hai cuốn sách. Nam Thanh ít mua sách, chỉ đọc báo. Huy ra sức khuyến khích cổ vũ để Thanh mê sách, nhưng xem ra không mấy hiệu quả… Như thường lệ, Hà Huy nói, về nhiều đề tài, đủ chuyện lớn nhỏ. Thanh nằm nghe, chỉ nghe, không khen chê. Huy nói, thỏa sức, chán thì thôi. Chỉ một thứ Thanh ghét, là nước hoa. Thanh vốn kỵ đàn ông xài nước hoa, mang dây chuyền, lại dính vào ông bạn vàng này! Mùi nước hoa Huy dùng gắt mũi, quá đậm, khó chịu… Hà Huy kể một chuyện phim hay vừa xem. Phim Nam Mỹ đặc sắc. Nếu để ý sẽ thấy Huy gọi tất cả những phim anh đã xem là đặc sắc. Đây là phim Brazil. Có một chi tiết vui: Bọn cướp tấn công một trang trại. Chúng cướp vàng bạc, súc vật. Khi chúng rút lui, ông chủ trang trại thấy phe ta mất hai người: con trai ông, và một cô gái nô lệ. Tìm mãi mới gặp, cả hai bị trói tay, miệng ngậm giẻ, nằm dưới giếng cạn. Anh chị bị cướp bắt, chạy thoát được, nhảy xuống giếng trốn. Giếng không nước, nhưng hai người đã chết cứng, vì sợ. “Phim Nam Mỹ đậm chất trữ tình, hoang dã, dữ dội.” Hà Huy bảo Thanh đoán đoạn kết phim thế nào, nhưng nhìn lại, Thanh đã ngủ ngon! Huy cười. Nam Thanh không cấm Huy nói, bù lại Huy không thể cấm Thanh ngủ. Nhờ thế tình bạn của họ kéo dài đã sáu, bảy năm. Trong cuộc sống ta đừng lè phè, bê tha quá, nhưng cũng chẳng nên quan trọng hóa mọi vấn đề. Giấc ngủ “phim Brazil” dài chừng 20 phút. Thanh dậy. Huy nói về việc đọc sách. Nếu chịu khó, ngày đọc chừng ba, bốn trang sách Thanh sẽ quen, và thích. Hai cuốn (Huy mới mua) này kể hai chuyện đáng nhớ. Một phụ nữ nô lệ gắn bó, trung thành với bà chủ bị phá sản; và tình yêu của đôi nam nữ đẹp như… Nam Thanh chen vào:
       “Tình yêu bao giờ cũng đẹp trong đầu mấy ông nghệ sĩ. Nhiều lúc tôi nghĩ, không hiểu họ có yêu thật chăng, yêu thế nào.”
       Hà Huy mừng: “Muốn biết họ yêu ra sao thì ta đọc. Cam đoan, đọc nhiều, bạn sẽ mê tít… Điều chán nhất của dân ta không phải là nghèo, chính là ít đọc sách, ít ở mức thê thảm.”
       Hà Huy mời Thanh thứ bảy sau về quê ăn cưới. Đám cưới một cô em họ của Huy. Chắc chắn lý thú. Huy đưa ra những hình ảnh đẹp, có sức thuyết phục. Đó là một làng quê thơ mộng, còn giữ được nhiều nét xưa, có con sông như sông Hương, có cánh đồng… Huy nói trước, sợ Thanh từ chối:
       “Không được lắc đầu, nên đi, thú vị lắm… Các nhà khoa học dự đoán, vài trăm năm nữa hình dáng con người sẽ biến đổi nhiều: dài ngoằng ra, lưng còng, đôi tay gần chấm đất, bởi ngồi quá nhiều bên các loại máy móc… Mỗi tháng anh nên rời xa căn phòng này đôi lần.”
       Thanh bảo, để coi lại, hình như thứ bảy sẽ có… Anh kể ra ba, bốn việc cần giải quyết. Hà Huy buồn thấy rõ. Từ đó tới lúc về, Huy không nói gì… Thanh tiễn bạn đến cửa, anh chìa tay ra, Huy không bắt tay, lại ôm chầm anh, hôn lên má. Huy thường hôn Thanh, nhưng anh chưa bao giờ hôn lại. Cái hôn, và mùi nước hoa thơm nồng gây cho Nam Thanh cảm giác khó tả: ghê ghê, buồn buồn ./.