11 thg 3, 2010

THẦN THÁNH NHỚ

Cuộc họp bình chọn người đứng đầu trong việc tế lễ khi khởi công xây dựng ngôi đình làng Phú Túc diễn ra khá dài, vui nhộn, sôi nổi. Đây là chuyện quan trọng, không phải ai đảm trách cũng được. Phải là người đứng tuổi và đạo đức tốt. Chỉ cần hai yếu tố ấy thôi, nhưng sáu khuôn mặt được đề cử đều không đạt yêu cầu. Người thực thà, lanh lợi, hay giúp đỡ bà con chòm xóm thì còn hơi trẻ. Người lớn tuổi, tốt bụng, thắng thắn lại không biết chữ. Người chững chạc, sáng sủa, ăn nói rành rẽ thì mặt đạo đức lại “có vấn đề”…Đến lúc anh Lợi – trưởng thôn – đề cử ông Tiếp, mọi người chợt lặng thinh trong giây lát. Dường như ai cũng cảm thấy mình vừa chạm chân vào lằn đích, đã đi đúng hướng. Anh Lợi nói:

“Chú Bảy Tiếp đứng vào vị trí này là hợp nhất. Chú đàng hoàng, trung thực, hiền lành, làm ăn chí thú, ai nấy đều biết”.

Nhiều người tán thành: “Nhất trí chọn chú Bảy… Nào, giơ tay lên, cho ý kiến, cô bác ơi !”

“Chú Bảy số một, không còn ai hơn đâu !...Vì lợi ích dài lâu của Phú Túc hãy dồn phiếu cho ứng cử viên Bảy Tiếp !”.

“Hoan hô bác Bảy ! Tôi giơ luôn hai tay !”

Mọi người góp ý, bàn luận, cười nói ầm ầm. Ông Tiếp bối rối, luống cuống. Tự nhận xét, ông cũng thấy mình là nông dân tốt, làm ăn cần cù, chẳng làm hại ai, nhưng về mặt đạo đức thì không xuôi lọt, có chỗ vướng mắc. Mình không biết mình thì biết ai? Cái chuyện cũ kỹ ấy, chuyện tày trời xảy ra ngoài ba mươi năm trước ấy vẫn chưa tan biến, còn nằm chềnh ềnh như một gò mối trong trí ông, luôn làm ông áy náy, xốn xang… Chuyện của thời quá khứ xa xăm, của miền quê cũ mịt mờ, bây giờ ở đây chắc chắn không ai biết. Chỉ có vợ chồng ông biết thôi…. Nhưng liệu có phải ngoài ông, chỉ còn bà Tiếp biết chuyện đó ? Thế còn ông Trời ? Còn những kẻ khuất mặt ?... Có thể che giấu, dối gạt, lừa phỉnh người trần mắt thịt, dễ gì qua mặt thánh thần?

Ông Tiếp lo ngại. Xưa nay ông vẫn tin rằng con người nhỏ bé, ngu dại, không thể nào so sánh với quỉ thần. Ông đứng dậy ấp úng nói :

“Cho tôi xin rút…Cảm ơn bà con… Tôi không quen ăn nói. Tôi không biết làm việc làng lớn lao”.

Anh Lợi cười: “Trước giờ chú chỉ ăn, nay hãy bắt đầu vừa ăn, vừa nói!... Đâu có nặng nhọc gì, chú Bảy. Cày bừa, cưa xẻ chú còn làm ngon ơ được… Chỉ là chuyện cúng kính. Áo dài, khăn đóng, khấn hứa, vái lạy, như các ông chánh tế, bồi tế trong các buổi cúng xuân, cúng kỳ yên vậy thôi”.

“Tôi biết, nhưng không phải là chuyện chơi… Nó hệ trọng lắm…tôi

không xứng đáng”.

Lập tức bốn, năm người đứng lên, nhao nhao :

“Chú tốt, ở đây chẳng ai hơn. Chúng tôi biết mà, đừng phụ lòng bà con”.

Ông Tiếp cố thoái thác: “Xin anh em bầu người khác, tôi không...không dám nhận đâu…. Xin đừng ghi tên. Ghi vào đó tôi không làm thì trễ nải việc làng”.

Nhưng người ta vẫn sấn tới: “Thay mặt làng cũng là một vinh dự đấy, bác Bảy…. Dù đông đảo, giàu có đến mấy nhưng chưa có cái đình, chúng ta cứ bị coi như là đám dân ngụ cư tạp nham”.

“Mỗi người một tay, anh Bảy… Chúng ta sẽ xây một ngôi đình lớn, đẹp đẽ, chẳng thua ai… Đó là cái nhà chung…”

Vậy là người ta vỗ tay, biểu quyết, hoan hô rầm trời, không cho ông Tiếp nói thêm nữa, coi như ông đồng ý !

*

Về đến nhà ông Tiếp nói với vợ: “Nay mai làng xây đình, vừa mới họp xong đây”.

“Tưởng gì, đình với chùa ! Nghe nói đi nói lại đã ba bốn năm, nào có thấy xây cất gì đâu”. Bà Tiếp cười, ngờ vực.

“Lần này xây thiệt, đủ tiền rồi… Tôi là người đứng ra dựng, chủ tế, bà con vừa bầu chọn”.

“Trời đất, ông điên à !”. Bà Tiếp la lên như sờ phải rắn. “Không được đâu, chết đấy ông ạ !... Phải là người trong trắng mới giữ vai trò ấy được”.

“Tôi không chịu nhưng bà con ép buộc…. Ai cũng bảo là mình tốt”.

“Có thể như thế, bởi người ta không biết…. Nhưng tôi biết, và chắc ông cũng biết chớ !”.

“Khổ ghê đi, tôi từ chối hết lời”.

“Ông kẹ ơi, những chuyện dính líu đến sự thiêng liêng, phép màu, thần linh thì khó khổ phiền phức lắm”.

“Làm sao bây giờ ?”.

Bà Tiếp thất vọng: “Ông cứ lơ mơ, chẳng cứng rắn chút nào !... Đó là chiếc áo thùng thình, ông bận sao vừa ?”.

Tính ông Tiếp xuề xòa, rụt rè. Cũng chính vì vậy mà chuyện động trời ngày xưa ấy đã nổ ra, khiến ông trọn đời phải mang vào cổ tấm bảng “kém đạo đức”… Hồi đó, khi chuyện tình vụng trộm, oái ăm đổ bể, bà Tiếp đã nắm cổ áo chồng, quát tướng: “Tại sao anh dám làm như vậy, hở? Trời Phật ơi! Luân thường đạo lý lộn phèo, chẳng còn tôn ti trên dưới gì nữa !”.

Ông Tiếp xanh mặt, run rét, không nói được một tiếng. Bà Tiếp hét: “Nói đi chớ, ngậm miệng ăn tiền à ? Làm bộ như hiền từ lắm. Tại sao… tại sao anh hành động càn quấy, rồ dại như thế ?”.

“Không phải tại tôi… Em nói nho nhỏ một chút…. Kẻo người ta nghe… tại chị ấy… lỗi do chị Ba”.

“Chị Ba thế nào ?”

“Chị Ba ép tôi”.

“Sao anh không chạy đi ?”

“Tôi đã bỏ chạy ba lần, mà chị ấy không tha”.

Bà Tiếp nghiến răng: “Tôi không tin !... Nghe đây, dù hai mươi, ba mươi lần anh cũng phải chạy…. Thế mới đúng là con người !”.

Bà Tiếp sững sờ. Núi chạy, người bay cũng chẳng làm cho bà kinh ngạc bằng. Một chuyện tréo ngoe, trớ trêu khó tin. Ba Lài, cô gái sắp vu qui, chị ruột bà, lại đi lôi kéo đứa em rể vào con đường loạn luân… Đây không phải chuyện nhẹ nhàng, thoáng qua. Nó còn dẫn tới một “hậu quả nghiêm trọng”: sự ra đời của thằng Mật. Nhưng may mắn làm sao, người ngoài không ai biết chút gì về mối tình này, nên trước sau cha đẻ của thằng Mật vẫn là chồng cô Lài, người có duyên nợ tiền định và vững chắc với cô gái quê tân thời.

*

Năm Tiếp hai mươi ba tuổi vợ anh sinh con đầu lòng. Ba Lài – chị vợ – đến ở nhà Tiếp hai tháng, nuôi em sinh đẻ. Lài vui tính, siêng năng, như luồng gió mát thổi vào ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, Chị làm việc nhà mau lẹ, gọn ghẽ. Trong cách cư xử, đối với Tiếp, chị tỏ ra đàng hoàng, đâu vào đó. Riêng phần xưng hô, nếu để ý sẽ thấy, trong những tuần lễ sau, có một sự “biến chuyển” thầm lặng: Xưa giờ ba Lài xưng “chị”, nay đổi thành “tôi”. Chị hơn Tiếp ba tuổi, sắp về nhà chồng.

Ba Lài sắp lấy chồng, ai cũng biết, nhưng những diễn biến tình cảm phức tạp trong đầu cô thôn nữ xinh xắn, tháo vát thì chẳng ai biết…. Hôm đó, khoảng 9 giờ tối, Tiếp ra giếng tắm. Ba Lài ra xách nước. Xách nước đổ vào lu hủ chỉ là cái cớ vu vơ. Lài ngồi bên gốc cây khô cạnh giếng, nói những chuyện chị nhặt nhạnh được ở chợ làng lúc sáng: Ông Nở mới mua một con chó con, giống Phú Quốc, ba triệu đồng. Ông Trữ nằm bệnh viện lớn hai tháng, không khỏi, nay về, chờ ra nghĩa địa. Anh Thông vừa bán hai con bò được mười triệu, mang tiền ra thị trấn mua xe, bị móc túi mất toi sáu triệu… Chị nói, cười, vừa hỏi, vừa đáp như tài tử đóng hai vai.

“Tôi sẽ ở đây tám ngày nữa, rồi về, về để…”.

Tiếp nghe, phân vân, lơ đãng.

“Thiên hạ nói, gần ngày cưới vợ các chú rể mừng không ngủ được, phải không ?”

“Tôi không nhớ”.

“Mới đó đã quên ! Còn tôi, gần cưới, tôi buồn đến bỏ ăn, bạn có biết tại sao ?”.

“Tôi không biết”.

“Trên khắp xứ này, bạn có thấy ai gần lấy chồng mà cứ muốn khóc, bụng dạ lạnh băng ?”.

“Không, ai vậy ?”.

“Ba Lài ! Không vui, bởi vì… mà thôi, nói ra cũng chẳng lợi lộc gì… Tiếp, ba Lài đáng thương không ?”.

“Ờ …. Ừ”.

“Theo bạn, như vậy đáng thương không ?”.

Tiếp đáp bừa: “Đáng lắm !” . Ba Lài bước tới, giật chiếc gàu trên tay Tiếp, quẳng vào lùm chuối.

“Đáng thì thương đi”. Tiếp đứng như trời trồng. Ba Lài vuốt má Tiếp: “Chàng trai trẻ đẹp, ngốc nghếch !”. Cô nàng cầm bàn tay phải của Tiếp một lúc, rồi giúi nó vào ngực mình.

“Chị Ba !”. Tiếp kêu lên.

“Chị Ba làm sao?”. Lài cười hích hích. “Hễ đẹp trai là có quyền hất mặt lên trời hả ?... Cái gì đây, sờ xem !”. Ba Lài nói mãi nhưng dường như vẫn chưa thủng tai gã em rể nhút nhát. Bực mình, buộc lòng chị phải dùng “vũ lực”. Chị vật ngã gã xuống nền giếng, và thẳng tay hành hạ gã đến nơi đến chốn !.

*

Việc xây đình diễn ra đúng như dự tính của làng. Gần hai tháng sau Phú Túc có ngôi đình đồ sộ, đẹp, hiện đại… Một năm, hai năm qua mau. Khi bà Tiếp đã quên mất tấm màn đen đạo đức giăng bên trên vụ cúng tế, ông Tiếp lăn ra bệnh. Ông bị đột quị. Không hiểu sao những năm gần đây chứng bệnh quái ác này nở rộ. Nó có nhiều dạng, nhiều mức độ, phần lớn tiến triển nhanh, hiểm, khó lường… Ông Tiếp nằm bệnh viện tỉnh non ba tháng, về nhà nằm tiếp chín tháng nữa. Có lúc tưởng ông sắp đi đứt. Bà Tiếp nhớ ngay việc cũ. Đúng là nó, cái án treo, không tránh né được! Con người nông cạn, hời hợt, có thể châm chước, bỏ qua các lỗi lầm của nhau, có thể quên dễ dàng nhiều chuyện, còn thánh thần nghiêm khắc linh hiển làm sao quên !

Nằm chán, tốn khá nhiều tiền, ông Tiếp mạnh, trở dậy, đi lại được. Nhưng sự hồi phục này có vẻ lỏng lẻo. Ông bị liệt một tay, méo miệng, ăn uống được, nhưng nói lập bập như trẻ con, đi được nhưng bước thấp, bước cao như anh chàng say…. Bà Tiếp buồn, nổi cáu, dù biết ông đang ở trong tình trạng như người mộng du, không còn sáng suốt, nhưng bà vẫn đay nghiến : “Ông thấy rõ chưa, tôi đã nói, đó chẳng phải chuyện đùa… Trong thế giới con người, mọi thứ đều nhỏ bé, đều nằm gọn giữa vòng tròn của ánh sáng mặt trời, dễ thấy, dễ nhớ, và cũng dễ tan biến. Nhưng với các đấng khuất mặt thì mọi thứ đều vững bền, trăm năm ngàn năm cũng mới mẻ như một tháng…. Nay tôi tin: Ông bị chị Lài tấn công. Giờ ông còn đi đứng, còn sống, nhờ ông thụ động trong chuyện đó. Nếu ngược lại, chắc ông đã chết thẳng cẳng lâu rồi!”. Với gương mặt lem luốc nhiều ngày quên rửa, cái miệng méo, đôi mắt lờ đờ, ông Tiếp nhìn vợ nói. Thật khó biết ông có hiểu gì không ./.