10 thg 8, 2015

KHÓC VÀ CƯỜI



        Từ vùng quê dời lên phố thị sống đã hơn bốn năm nhưng Tám Túc chỉ quen thân mỗi một ông Phước Lợi, người hàng xóm. Hai người có lối sống, nghề nghiệp, tính tình khác hẳn nhau mà lại hợp nhau. Ông Phước Lợi thích tính thực thà và tài đánh cờ tướng của anh cựu nông dân. Tám Túc thì phục sự biết nhiều hiểu rộng và lòng thương người của ông láng giềng giàu có. Anh thường nói: “Nhà mình chỉ bằng cái bếp ông ấy, nhưng ổng không phân biệt đối xử, thiệt đáng trọng”. Phần mình, ông Lợi nói: “Anh Túc vui tính, ngay thẳng, bộc trực, có thể chơi được”. Thế là họ kết thành đôi bạn tâm giao, không kể tuổi tác, không đếm xỉa đến địa vị xã hội.
        Dưới mắt Tám Túc mọi thứ trong nhà ông Lợi đều cao sang, lóng lánh. Con ông, ba đứa, học giỏi, vóc dáng như Tây. Bà Phước Lợi thì trẻ trung, đẹp, nói hay như các nhân vật trong sách trong tuồng. “Còn con mình, vợ mình…” anh không muốn nghĩ tiếp, không dám so sánh.
        Những lúc buồn ông Lợi thường gợi chuyện để Tám Túc nói về vợ con anh ta, như một cách tiêu khiển:
        “Sao, nay mấy thằng nhỏ nhà anh ăn học thế nào?”.
        “Dạ, chẳng đâu vào đâu, như người leo cột mỡ! Thằng lớn tới lớp tám phải nghỉ, ở nhà phụ giúp tôi lo công chuyện làm ăn. Thằng nhỏ thì đần quá, tám chín năm rồi vẫn chưa qua khỏi lớp sáu!”.
        “Vợ anh coi bộ hà tiện lời nói, chắc chị ấy chẳng bao giờ cãi cọ với ai?”.
        “Dạ, mụ thuộc loại ít mồm ít miệng, hiền quá hóa ngu, anh à!”.
        “Vậy anh chị đối thoại với nhau bằng tay chân?”
        “Dạ, gần như thế!... Ở chung một nhà nhưng chúng tôi ít khi tâm sự. Xưa giờ bà ấy vẫn gọi tôi là “ông”, đối lại tôi gọi bả bằng “bồ”. Cổ hủ, lộc cộc, khó nghe, nhưng quen miệng rồi!... Được cái, mụ khỏe, không đau ốm, khéo tay, chăm việc ngoài, giỏi việc nhà. Kể về mặt xã giao, đối ngoại thì bết, lóng ngóng, nói năng cục cằn, nhát gừng, cứ như gã thiểu năng!”. Ông Phước Lợi khoái chí, cười ngặt nghẽo.
        Khác chồng, bà Lợi không ưa nhà Tám Túc. Bà hỏi ông: “Vợ chồng tay Túc có gì hay mà ông thích?”.
        “Họ hiền lành, chất phác”.
        “Anh chồng coi còn được, nhưng chị vợ thì mệt. Tướng như voi, bước đi lún đất, mặt lúc nào cũng quạu quọ, lầm lì”.
        Ông Lợi che chở bạn: “Ở quê lâu năm, không quen giao tiếp, chị ta vụng về”.
        “Còn có tật lúc nào cũng cúi gằm mặt xuống đất như quân ăn trộm bị bắt, nói thì ấm ớ, cộc lốc”.
        “Con người chị ấy vốn như vậy, do chỉ quanh quẩn trong nhà trong làng nên ngại gặp đám đông, không biết cách diễn đạt ý mình, đây là hình ảnh của dân quê xưa còn sót lại… Sinh ở châu Phi thì ẵm gọn da đen, môi dày, cát trắng. Nghĩ xem, nếu ra đời ở các vùng quê cằn khô thì chúng ta thế nào?... Đừng chê họ, không ai muốn nghèo khổ ngu dốt. Có những người như thế ta đây mới nổi bật”.
*
        Tám Túc đến nhà ông Phước Lợi để chia buồn. Anh vừa nghe tin dữ: bà Lợi đánh bạc thua hơn tỷ đồng, đã cuốn gói theo gã nhân tình trẻ – một vua cờ bạc – trốn đi mất. Chuyện quái, mới nghe qua Tám Túc không tin. Ai ngờ, người đàn bà sáng rực, sang quí thế kia lại hành động như một con mẹ…
        Mới mấy ngày nhưng trông ông Phước Lợi như một người khác, gầy rộc, phờ phạc. Ông rót trà mời khách, rồi ngồi ôm đầu nhìn xuống bàn. Tám Túc lúng túng, chẳng biết nói gì để an ủi ông bạn vàng. Anh cứ nghĩ về chỗ vợ xấu vợ đẹp. “Con mụ nhà ta ngốc nghếch, quê mùa, nên ta được coi như ông sếp lớn. Mụ an phận, suốt đời lặng lẽ làm hết công việc trong nhà ngoài chợ, không cần chỉ tiêu kế hoạch, chẳng chờ động viên đốc thúc… Gỗ tốt đâu cần nước sơn”.
*
        Sau ngày bà vợ biến, ông Phước Lợi nằm lì trong nhà hai tuần. Khi nỗi buồn vơi chút ít ông lên Đà Lạt đổi gió mười ngày, rồi vù thẳng vào Cần Thơ chơi một tháng. Biến cố đến bất ngờ, và lớn, mấy đứa con ông cũng choáng váng.
        Đi đâu rồi cũng phải về. Ông Phước Lợi về, hình dạng và tính tình có vẻ khác trước, da sẫm hơn, ít nói hơn. Ông lại mời Tám Túc qua chơi, uống cà phê. Tám túc thấy khó xử, chẳng biết phải ăn nói thế nào, không dám nhắc đến tên bà Lợi. Nhiều hôm hai người ngồi với nhau suốt buổi mà chỉ nói năm ba câu, như mấy đứa thụt lưỡi. Có bữa, ngồi nhìn mặt nhau, đối ẩm ba tiếng đồng hồ mà hai ly café không cạn, bình trà còn nguyên. Buồn, mất hứng. Nhưng làm sao khác được. Khó thể tìm thấy phép màu để kéo những ngày vui cũ trở về.
        Đến một hôm, ông Phước Lợi nghĩ ra một việc khiến cả xóm xầm xì, ba con ông sửng sốt. Ông mời ban nhạc Khóc Cười đến nhà biểu diễn, suốt bốn tối. Đây là ban nhạc phường, nghiệp dư, mới ra đời hơn một năm, chuyên phục vụ các tiệc tùng nhỏ, liên hoan, đám ma. Nó đa năng, chơi cả tân, cổ nhạc, đôi lúc còn hát chèo. Cái tên Khóc Cười do bà con đặt. Khóc là chơi cho đám chết, cười là hát trong tiệc cưới. “Ông Lợi buồn tình, chập mạch”, người ta cười, nói với nhau. Nhưng xem ra đây là chuyện nhỏ, việc riêng, không phạm pháp, nên nó được thực hiện thông suốt, trong tình trạng lập lờ, chẳng rõ khóc hay cười.
        Đêm ca nhạc diễn ra trong vườn nhà ông Lợi, không sân khấu phông màn, nhưng kèn trống đầy đủ, xôm trò. Ban nhạc trẻ có sáu thành viên, bốn nam hai nữ, tất cả đều có dáng nghệ sĩ, tóc bờm xờm vàng khè, ăn mặc như mấy ông hát bội, em nào hát cũng ngọt. Ông Phước Lợi hứa, sẽ trả công gấp hai các đám tiệc khác, nên ai nấy đều phấn khởi… Điều bất thường là khán giả, chỉ hai người, ông Lợi và Tám Túc. “Các bạn vào cuộc cho mạnh, nóng, cũ mới xài hết, nhạc tình nhạc hùng chơi ráo!”. Ông Lợi bảo.
        Cuộc hát hò trôi chảy, êm xuôi, không ồn ào, cũng chẳng buồn tẻ, dù nhìn qua đã thấy ngay nó có bộ mặt lạ. Khán giả quá ít, diễn viên mất hứng thú. Không hò hét, không cổ vũ thì không khí loãng, lạnh. Thế nhưng tốp nghệ sĩ trẻ vẫn chơi, càng về khuya càng bốc, có lẽ nhờ số tiền công hậu hĩnh tiếp sức… Giờ giải lao ông Phước Lợi đưa ra cho các ca sĩ, nhạc công một câu đố vui, ai giải đáp đúng, hay, dí dỏm sẽ được thưởng hai hộp cà phê hòa tan. “Nếu con mèo yêu của bạn bỗng lăn đùng ra chết, bạn làm gì?”. Không được hỏi nhau, câu trả lời viết ra giấy. Sau này, năm tháng qua nhanh, mấy đêm ca hát bất thường lùi vào bóng đêm quên lãng, nhưng nhiều người dân quanh xóm nhà ông Lợi vẫn còn nhớ chuyện con mèo chết.
        Kết quả cuộc đố ấy, một cô ca sĩ nhí viết: “Sau ngày mèo qua đời, trong hai năm, mỗi bữa ăn tôi bày một cái chén, một đôi đũa, vái mời hồn nó về hưởng”. Tay chơi guitar viết: “Mèo chết, tôi họa hình nó, treo trong phòng khách. Mỗi năm tới ngày buồn đó, tôi giỗ nó ba con chuột”. Hai anh chị này được thưởng.
        Về sau, trong các cuộc nhàn đàm bên bàn trà, ông Lợi hay đặt ra cho Tám Túc những câu hỏi giải trí. Trong đó có câu dễ, ai cũng biết, nhưng phần lớn là lắt léo, đố mẹo, hiểm, hài hước. Câu nào Tám Túc đáp đúng, hay, đều được thầy Lợi ban một phần thưởng tượng trưng: bao thuốc Capstan, hộp bánh ngon. Lúc đầu Tám Túc thấy trò chơi có vẻ không ổn, tâm thần, nhưng dần dà rồi cũng quen.
        Thế là, kiểu uống café đố vui có thưởng cứ kéo rê, dài dài, một rồi hai năm. Số phần thưởng Tám Túc nhận được, nếu giữ nguyên, chắc xấp xỉ một thúng vun. “Đại ca mát nặng quá”, Tám Túc nghĩ, không dám nói ra. Tuy vẫn qua lại tâm tình, nhưng càng về sau anh càng cảm thấy bất an, cho đến cái ngày đáng nhớ, có thể gọi “ngày định mệnh”: ông Phước Lợi bỏ nhà ra đi, lặng lẽ, không nói với ai tiếng nào, không mang theo quần áo. Ông đi, biệt tích, như lọt xuống một lỗ nẻ bí ẩn, như bốc hơi ./.

 

QUÊ KHÔ



        Bà chủ Mộng Hợi trao cho Nghê tập danh sách em út.
        “Mừng tái ngộ, bạn biến đâu lâu thế?”
        “Mới bảy tháng, ra Trung và lên Tây nguyên”.
        “Nay đông vui, nhiều gương mặt mới, tha hồ chọn”, bà quảng cáo.
        Hai mươi ba em, nhiều cái tên lạ. Kim Xuân, 23 tuổi, cao 1,60 mét, 54kg – Lãng, 24 tuổi, cao 1,63 mét, 58kg – Lily Ha, 22 tuổi, cao 1,62 mét… Em nào cũng xinh, nhìn thẳng, không cười. Chọn lựa vài phút. Nghê vứt tập giấy xuống bàn. “Chị gọi giùm Lily Ha”.
        Bà Hợi cười vui: “Mắt tinh đấy, nàng này dáng chuẩn, mới ra lò mấy tháng”. Bà mở hộc bàn, lôi ra một sổ tay, dò tìm.
        “Đây, nghe cho rõ, nhà nghỉ Dã Thảo, 338 đường Phan Hồng, phường bảy, số điện thoại của Hà… nhớ chưa?”.
        Bà tú mở tủ lạnh lấy ra một lon coca, đem đặt trước mặt Nghê. Nghê chồm tới ôm chầm cái thân hình tròn lẵn, hôn tới tấp lên hai má bà.
        “Quỷ sứ, phạm thượng, chứng nào tật nấy không bỏ!”.
        “Cho tôi âu yếm Hợi một lúc”.
        Mộng Hợi vùng ra, quát: “Bà đấm vào mõm mày bây giờ… cút đi, đến khách sạn ôm ẵm con Hà”.
* *
        Nghê tới nhà nghỉ Dã Thảo trước Lily Ha hai chục phút. Cô nhím bảo, mình tên Báu, Lily Ha là dì Hợi đặt. Đây là điểm hẹn để gặp khách trong thời gian ngắn. Báu và một cô bạn mướn nhà trọ bên quận 6. Kể cũng lằng nhằng, nhưng phải như thế mới chắc ăn, an toàn.
        Anh chị nhập động, như những người đã quen nhau lâu ngày. Báu thường nhìn trộm khách. Không có việc gì để làm ở đây. Không gian chật hẹp. Sàn diễn, chiến trường là cái giường rộng. Máy điều hòa hỏng. chiếc tủ rỗng, bàn nước nhỏ, tủ lạnh chứa hai loại bia. Chỉ vậy. Lily Ha cởi bỏ quần dài, nằm tênh hênh như đứa bé lơ đãng. Nghê nói vài câu chung chung, nói cho mình nghe, rồi khui một lon bia, mở để đó, không uống. Đây là tầng mười bốn, nhìn qua cửa sổ, người ta có thể ngắm lớp lớp mái nhà lô nhô. Rất ít cây trên phố…Dưới xa kia thiên hạ làm gì? Thì làm gì nữa, vẫn những cảnh cũ, bài bản cũ. Người đi lại, xe cộ nhốn nháo, ầm ĩ, quay quắt. Nắng chói chang. Học hành, tiệc tùng, cưới hỏi, cắm cổ chui rúc vào nhà máy tiệm quán hãng xưởng. Vậy thôi, gọi chung là cuộc sống, ở đâu cũng thế. Cạnh đó, lúc rỗi rảnh thì vào quán ăn, khách sạn, rồi hẹn hò với ai đó, một Diễm Hồng, một Út Em, một Dominique Luu, và đưa nhau lên một hang động ở tầng mười, tầng hai mươi nào đó.
        Lily Ha nằm dạng chân khiêu khích, nhắm mắt. Nghê hôn cái trán phẳng, mân mê vùng tứ giác êm êm. Nhím giả vờ ngủ.
        “Lúc nãy, nhìn qua anh thấy em hao hao giống ai đó. Nghĩ một hồi thì…”.
        “Như ai?”.
        “Giống mấy cô bé thi ca hát trên tivi”.
        “Vậy là em đẹp?”
        “Sao bọn gái thi thố, kể cả thi sắc đẹp, thường sắm kiểu mặt…”.
        “Như mặt em?” Báu cười khì. “Vừa rồi, thấy anh em cũng giật mình”.
        “Thiệt sao?”
        “Anh chàng này giống ai nhỉ, em nghĩ. Lát sau nhớ lại, anh có nhiều nét giống tay diễn viên chính trong một phim Tàu em mới xem tháng trước”.
        Nghê nốc nửa lon bia, đổ vào họng Báu nửa lon, rồi vào cuộc… Sàn đấu thơm mùi xà bông, êm ái. Ngẫm nghĩ thấy kỳ, mới trước đây vài tiếng anh chị hoàn toàn không biết nhau, mà giờ thì, giờ đã… Từ đó đến sáng hai người còn uống bia hai lần nữa, còn nói năng vẩn vơ, hôn hít nắn bóp nhau chục lần nữa. Gặp chỗ nào lấn cấn, Báu phản đối, Nghê liền rút tờ bạc một trăm ngàn nhét vào áo ngực nàng, vậy là êm… Đồng tiền, cái mớ giấy mềm nhàu ma quỉ không mặt mũi tay chân mà có thể sai khiến con người, có thể làm được nhiều việc to lớn.
        “Em thấy đồng tiền có lạ không, Lily?”
        “Gọi em là Báu, dân quê, em không hợp với Tây Mỹ”. Nghê vỗ nhẹ vùng tứ giác ẩm thấp. “Anh mê em rồi. Em ở đây vài hôm nữa, nghe?”
        “Không, em trọ bên quận 6. Lần sau muốn gặp nhau ta sẽ chọn một chỗ khác”.
        “Kỹ quá, có cần thế không?”.
        “Dì Hợi dạy đấy… nên tin dì, bởi bà có gần mười năm chinh chiến”.
        Nghê hôn cái miệng xinh đang nhai nhóp nhép. “Nhai kẹo cũng do bà Hợi dạy?”
        “Dì rất khôn khéo. Chín chắn”.
        “Còn phải nói, từng trải, tinh ranh, láu lỉnh… Anh đã ngủ với mụ mấy lần”.
        “Thiệt à?”.
        “Lâu rồi, lúc chị ta chưa lấy chồng… Còn sáu ngày nghỉ, anh không biết sẽ làm gì cho hết những ngày ấy”.
        “Rồi anh đi đâu?”.
        “Ra Thanh Hóa một tháng, sau đó quay vào Dak Lak”.
        “Thích thiệt, đi nhiều biết nhiều.”
        “Em ở với anh ba ngày, nghe?”
        Nàng không trả lời ngay, Nghê nhắc lại lần nữa.
        “Tiếc, mai em phải về quê”.
        “Cần lắm à, ở đâu?”
        “Phú Vinh, cách Đông Bình hơn trăm cây, về phía bắc”.
        “Uổng, anh mê Lily nhím!”.
        Báu có bà dì – dì Năm – chị ruột mẹ, cô độc. Dì không chồng, sống với một thằng con, nhưng chẳng may thằng nhỏ mất sớm, lúc mới ngoài hai mươi. Dì làm ruộng, làm mướn, sống tàm tạm. Nhưng về sau, càng già, mức sống của dì càng tụt xuống, xuống mãi, đến ngày gần bảy mươi dì vướng phải hai chứng bệnh già thì nó, cái thực trạng xám xỉn ấy, rơi sát đáy… Thế nên, khi mẹ chết, Báu đem dì Năm về nuôi. Do nhớ mẹ, Báu thương dì. Mới đây, dì lại rước thêm một bệnh nữa. Tính ra, cặn kẽ, nay tiền nuôi ăn, chi phí thuốc men cho dì nhiều hơn tiền ăn uống của Báu. “Có điều buồn cười, anh ạ. Hồi trẻ, những lúc giận nhau, dì Năm hay chửi má em: con đĩ thúi! Thuận miệng, bực tức thì chửi cho hả, má em không làm đĩ!”
        “Em nói chuyện vui lắm”, Nghê khen. “Mai cho anh theo về thăm dì”.
        Báu phân vân: “Làng em xấu hoắc, đang bị hạn hán, buồn chết, chẳng có gì để ngắm cả”.
        “Đâu cần đẹp, anh muốn thay đổi không khí. Cứ nằm mãi trong phố này thì hết chui vào quán nhậu lại lê la trong mấy nhà ngủ… ngủ ngày ba buổi!”
        “Được thôi… anh hơi “mát” đấy!”
        Nghê hôn cái miệng cong vênh đang nhai chewingum. “Em biết anh đang nghĩ gì không?” Báu lắc đầu. Nói em đừng giận: ghế làng hồn nhiên, cóc nhái ễnh ương mà có lòng nhân ái”.
        “Dì Hợi dạy: để ý, đứa nào hôn ta nhiều thì mến ta thực lòng, nó sẽ còn đến gặp ta lai rai”.
        “Bà ấy nhận xét hay”.
        “Cái động đó, nhìn phớt qua có vẻ ngăn nắp, nhưng bên trong thì bèo nhèo, giả trá, quanh quẹo. Giả ngay từ tập menu chọn mặt gởi vàng. Em không cao không nặng như mấy con số ghi trong đó!”.
* *
        Báu có hai ngôi nhà khá to. Dì Năm sống với hai con chó ở nhà dưới, nhà trên đóng cửa. Báu nhờ bà Khả, người hàng xóm, lo phần việc ăn uống cho dì… Vắng ngắt, buồn hiu, cả làng buồn. Ở đây đất vườn rộng, nhà cửa thưa thớt. Cây thì dừa, xoài, cau, me. Thời nay còn giữ cau làm gì?
        Báu giới thiệu Nghê với dì Năm: “Anh Nghê, bạn trai của con”. “Rõ rồi, bạn trai”. Dì nói, chậm và nhỏ. Báu hỏi dì về bệnh tình, thuốc men. Tai, mắt dì tốt, nghe rõ, nhìn rõ, nhưng khâu ăn hơi xộc xệch. Mỗi lần dì chỉ ăn một chén cơm, nên mỗi ngày phải ăn sáu bảy lần… Báu tặng ba đứa con bà Khả nhiều bánh kẹo, đồ chơi, để ban đêm chúng sang ngủ với dì Năm. Chu đáo. Dì như mẹ. Biết vậy, nhưng không phải ai cũng thương chú bác cô dì. Thử hình dung, người sống một mình trên đời, không nhà cửa, không cha mẹ chồng con, bệnh quặt quẹo…
        Nghê đứng bên bờ ao, nhìn đồng ruộng khô rang trước mắt. Không trâu bò. Không heo gà. Ba, bốn người đội nón, che mặt đi lại, thơ thẩn. Mùa khô, ngó đâu cũng thấy eo xèo, héo úa, bệch bạc. Không thấy những cánh cò bay nhởn nhơ trong ráng chiều. Không có đàn trâu đỏ chạy ngang dọc, nổ máy vang trời. Cùng là người, nhưng những người sinh ra ở đây, sống trong tình cảnh này… Không lâu đài dinh thự cao sang, không phố xá đông đúc xe cộ sáng choang. Nắng nôi, liêu xiêu, mùa khô sẽ còn kéo dài bao lâu.
        Về đây Báu sắm bộ mặt khác. Cô nàng nhét bộ quần áo diêm dúa vào giỏ, lôi đồ cũ ra mặc, “Nhân vật vẫn là nông dân, những con người có gốc rễ lâu đời ở đây, nhưng ông trời (đạo diễn) đã khác”, chỉ cái giếng nước cạn khô, Báu nói. “Trước kia trời thuận, mười năm gần đây bỗng nhiên trở chứng, gió nắng nhiều, mưa ít, năm nào cũng thiếu nước bốn, năm tháng. Ở quê mà phải mua nước uống, một ngàn ba chục lít, ốt dột!”
        Bà Khả ngồi làm cá kế bên, góp chuyện: “Lão trời ác ôn, nói thêm mệt, than thở cho lắm chỉ tổ hao hơi!” Nghê đùa: “Trời xanh tâm thần”. Báu và bà Khả trò chuyện suốt buổi. Thì ra cái xứ èo uột này (Phú mà trơ xác, Vinh lại tối tăm) cũng có nhiều thứ để nói. Toàn chuyện vụn, nho nhỏ, phập phù, là lạ. Nghê ngồi nghe, như trẻ con nghe cổ tích… Bà Khả vào bếp. Nghê nói nhỏ: “Cách đây ba hôm Phú Vinh không nằm trong đầu anh”. Báu không nghĩ về chuyện làng, nàng nhớ bà động chủ.
        “Ngủ với Mộng Hợi anh thấy thế nào?”
        “Thế nào là sao”, Nghê ngạc nhiên “thì cũng vậy vậy, nồng nàn, nhiệt tình, rất… đàn bà”.
        “Kể cũng buồn cười!”
        “Nếu còn bơi trong môi trường đó, em sẽ gặp nhiều chuyện tréo ngoe, trái ngang, rối nùi… Này, người đẹp, hãy quên nó đi, coi như anh chưa nói”.
        Anh chị ra chợ xã ăn tối. Quán nhỏ, tám cái bàn, hai bàn có khách. Một người nấu, một người bưng bê. Đồ ăn ngon, có mấy món lạ. Chị tiếp viên đến tán gẫu với Báu một lúc. Chị hỏi Báu ra phố làm gì, ở đâu, lương lậu thế nào. Chị nói, chồng chị vào Biên Hòa làm mướn đã hơn nửa năm. Gặp gì làm nấy, do anh chỉ biết cày bừa, không rành nghề nào khác. “Lương tháng chỉ hơn bốn triệu, nặng nhọc, làm phờ râu, cũng phải làm, vì nắng hạn, ruộng nẻ đất, ở nhà làm gì. Hai bạn thấy không, trai trẻ đi hết, làng xóm chỉ còn rặt đàn bà trẻ con, đồng khô cỏ cháy… Con gái vùng này đi làm nhiều. Làm gì. Không nghề, ngơ ngác, nghe nói lên đó toàn ở đợ, nói cho đẹp là giúp việc nhà, bán buôn lông nhông, làm điếm”.
        Chị bỏ đi, nhưng âm hưởng buồn của mấy tiếng làm điếm, đồng khô cỏ cháy như vẫn còn lởn vởn quanh bàn ăn… Ra đường, lên xe, Nghê nói bâng quơ “mưa dội nắng thiêu, nắng lửa mưa dầu”. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến nàng Báu mạ non biến thành em Lily Ha mướt rượt ./.