15 thg 12, 2013

PHỐ NHỎ ĐÈN VÀNG



        Tám Lương về Tân Thuận thăm chị Giúp – bà chị dâu – và ba đứa cháu. Vì nghèo và ở xa nên non chục năm qua Tám Lương “quên” chuyện lui tới, thăm nom.
        Đến nơi ông thấy trước mặt một cảnh tượng đáng buồn: nhà cửa xập xệ, trống huếch hoác, chị Giúp bệnh quặt quẹo, nằm dán trên giường, người mỏng như tờ giấy. Đã thế, chị lại đãng trí, thường nói chuyện nọ xọ sang chuyện kia. Người nói cho ông biết mọi chuyện một cách cặn kẽ, rành mạch là Linh, con gái lớn của chị Giúp, mười bảy tuổi.
        “Trước đây, lúc má cháu còn mạnh, cháu chỉ biết đi học và làm việc nhà lặt vặt, sướng như con nhà giàu. Đến khi má cháu lâm bệnh, nhà không còn gạo tiền, không có món gì đáng giá để bán, cháu phải xông ra tranh sống giữa “chợ đời”. Cực nhọc vô cùng, chú ạ. Không phải chỉ khó khăn, mà là dễ sợ. Nhưng dần dà rồi cũng quen. Cháu học lóm, quan sát, để ý, sáng ra, biết được nhiều thứ. Mình lì thì cái khổ nó cũng co! Nay có thể nói, cháu rành nghề, biết kiếm ăn, tin ở mình”.
        “Cháu làm việc gì, có nặng nhọc lắm không?”.
        “Dạ, một ngày làm việc của cháu khá dài. Năm giờ sáng cháu bưng thúng “hàng xén” chạy ra bến xe. Cháu bán linh tinh, bánh, kẹo, thuốc lá, dầu gió, bài ca vọng cổ, kim chỉ. Cháu ở bến xe suốt ngày, trưa dùng “bữa ăn nhẹ” tại chỗ. Khoảng 5 giờ chiều, xe cộ vãn, cháu về tắm giặt, nấu nướng, ăn cơm. Đến khi đèn đường bật sáng cháu chạy lên ngã năm phụ giúp chị Đào bán cà phê, tới mười, mười một giờ khuya về”.
        “Cháu làm nhiều thiệt”.
        “Dạ, túi bụi, suốt ngày cháu ở ngoài đường”.
        “Tội nghiệp cháu”.
        “Quen rồi chú à. Tội là tội cho các bạn không có việc làm, khổ sở, đói. Cháu biết có nhiều bạn như thế… Làm cũng khổ nhưng không đói”.
        “Tội nghiệp cháu, cháu còn nhỏ mà. Nhiều nhà toàn người lớn còn đói rạc nữa kia. Các cháu khổ nhưng… chú cũng nghèo. Chú vô thời cháu à. Chú không đói nhưng cũng chưa qua khỏi cái ách túng bấn”.
        “Chú ạ, hồi mới ra bán bánh ở bến xe cháu mười bốn tuổi. Còn lạ, bán chẳng được bao nhiêu, lời chỉ đủ ăn bánh mì, cháu khóc suốt… Tại đó đã có hơn hai chục đứa cỡ tuổi cháu và năm sáu cụ già. Chen được một chỗ đứng ở đó khó khổ vô kể”.
        “Vậy, tổng cộng các việc, cháu kiếm được có đủ sống không?”.
        “Dạ, cộng hai ca trong ngày, cháu thu cũng được tám, chín chục, tạm đủ chi tiêu, có tiền để má cháu uống thuốc, cho hai em đi học”.
        Tám Lương thành thực mừng cho Linh và cảm thấy dường như mình mắc phải một lỗi lớn: chỉ có thể khích lệ, động viên cháu bằng lời.
        “Chúc mừng cho cháu. Rất tiếc, chú chẳng giúp được gì cụ thể, chỉ biết an ủi suông”.
        “Dạ, cảm ơn chú. Cháu rất sung sướng. Chúng cháu không còn sợ khổ, sợ đói nữa… Kể ra, kiếm cơm ở đây cũng không khó lắm”.
        Linh tiếp:
        “Ở bến xe, ngoài chuyện đua chen kiếm ăn, cháu còn gặp nhiều vụ bầm dập. Mới đây, trong một ngày cháu bị hai trận tán tỉnh tốc hành. Buổi trưa, là một anh lơ xe đò miền Tây. Anh ta bảo đã để ý cháu từ lâu, cảm thương tình cảnh khó khổ của cháu. Anh ta nói: “Anh có ba cái nhà, hai vườn cây ăn trái rộng. Em bỏ nghề buôn bán trầy trật này đi. Về với anh em sẽ được đổi đời”. Đến xế, một ông làm trong ban trật tự bến xe tới giúi vào tay cháu một xấp tiền dày. Ông ta nói: “Anh biết em túng bấn, má bệnh nặng. Em cầm đỡ số tiền này tiêu xài. Anh coi em như em gái”. Ông ấy lớn, già chát, vợ con cả đàn, ai cũng biết”.
        Tám Lương cười:
        “Thứ chuyện này ớn thiệt, nhưng ta cương quyết, mạnh dạn chống lại chúng. Lúc nào cháu cũng phải khôn ngoan, cảnh giác”.
        “Dạ, đó mới là một, còn nhiều chuyện ly kỳ nữa, hôm nào rảnh cháu sẽ kể chú nghe”.
*
        Linh dọn cơm ra, mời ông Lương, và vội vàng ăn ngay.
        “Cháu xin phép ăn trước, để còn đi bán cà phê”.
        Cái xoong cơm nhỏ nhoi đến tức cười, ước chừng vừa bụng một nông dân trẻ. Tám Lương ăn qua loa hai lưng chén. Ngồi xe đò suốt hai ngày một đêm, thức ròng, chỉ ăn vài ổ bánh mì, nhưng ông chẳng thấy mệt, không đói.
        Cơm xong. Thằng Tú – em Linh – chạy đi chơi. Chú bé Thoại – em út – mang sách ra thềm học. Chú đọc nhẩn nha, ê a như ông già đọc truyện Tàu, nghe sốt ruột. Bà Giúp bảo Thoại:
        “Con ra quán mua gói trà – bà tiếp, như phân trần với ông Lương – tôi uống nước nấu chín, không pha trà. Tôi muốn sống đơn giản để các cháu khỏi tốn kém nhiều”.
        Tám Lương ngăn:
        “Đừng mua trà, chị Năm. Dưới nhà, tôi quen uống nước giếng, tiện lợi, mát ruột”.
        “Chú à, bệnh cứ kéo rê, không mạnh, lắm lúc tôi muốn chết phứt cho xong, để các cháu nhẹ gánh. Nhưng con Linh can ngăn, nó nói: “má không làm việc được, nhưng má là cái gốc của tụi con”. Ngẫm lại, thấy nó nói cũng đúng. Thử nghĩ, mình chết đi, mình khỏe, nhưng chị em nó ở lại trên đời, bơ vơ giữa cái đô thị thênh thang này, làm sao mình yên bụng”.
        Tám Lương mở túi xách lấy mấy gói quà ra đặt lên bàn.
        “Đem cho chị mấy cân đậu xanh, ít cân nếp”.
        Rồi ông thuật qua cho bà Giúp nghe chuyện làm ăn dưới quê, chuyện vợ con, làng xóm. Bà Giúp thở ra:
        “Hơn mười năm rồi tôi không bước ra khỏi khu phố này”.
        Tám Lương cười:
        “Chị nói giống vợ tôi. Bà ấy thường than: “Suốt đời tôi chui rúc trong cái góc làng này, như con chuột… gần hai mươi năm rồi tôi không đi quá cái chợ xã!”.
        “Ngày tháng qua nhanh, chú thấy không. Mới ngày nào… nay tụi mình đều sắp xuống lỗ”.
        “Dạ, mau lắm, như sét, như chớp”.
        “Khác chi chiêm bao… Ba con Linh mất đã bảy năm rưỡi. Tội nghiệp anh ấy. Chú biết không, anh ấy nói: “Khổ thì khổ, nhưng mình phải sống, để nuôi mấy đứa nhỏ”. Vậy mà xui làm sao, ảnh ngã bệnh, chỉ hơn ba tháng, rồi chết, lúc mới bốn chín tuổi”.
        “Người hiền như đất, như lúa, thế mà chết trẻ, trời ở không công bằng”.
        “Nhiều lúc tôi thấy chẳng có trời đất gì ráo, chú Tám à”.
        “Có chớ, chị Năm! – Tám Lương nghĩ ngợi giây lâu – Có trời. nhưng cũng như con người, đôi lúc ông ấy nghễnh ngãng, hay quên, trở chứng, bất thường!”.
        Bà Giúp đập muỗi lép bép. Bà nói nhỏ như thì thầm: “Lắm lúc tôi nhớ lại thời còn sống dưới quê. Những buổi đi cắm câu, mót lúa; những lần đi hái rau ngổ, bông súng trong đầm… Nằm, nằm mãi, nhớ đủ thứ, nhớ bệnh hoạn”.
        Ở nhà này mọi vật đều cũ mốc, bé nhỏ. Sân trước cỏn con, bằng cỡ ba chiếc chiếu. Phía sau nhà cũng chẳng hơn gì. Không gian chật hẹp, tù túng. “Dân nghèo ở miền quê có lẽ dễ sống hơn. Dưới ấy ta có thể quên cái nghèo. Ở đây thì nó bị lộ ra sờ sờ. Vậy người khổ không nên sống nơi thị thành”. Bất giác Tám Lương nghĩ thành tiếng… Nằm thiu thiu được vài phút, bỗng ông nghe tiếng một cô gái hỏi Thoại:
        “Ông khách nào vậy?”
        “Chú Tám của em đó”.
        “Chú ruột? Sao hồi giờ chị không thấy?”
        “Chú ở xa, tận trong Quảng Phước kia”.
        “Đâu, cho chị coi giò cẳng ông Tư Ếch một chút!” Cô gái cười tinh nghịch. Cô nói nhỏ, nhưng cái nhà nhỏ quá, nên không thể giữ cho tiếng nói nhỏ được.
        Cô gái vào nhà, nói với bà Giúp:
        “Má cháu biểu đem cho dì tô canh chua”.
        “Để lên bàn đó cháu – bà Giúp xuýt xoa – cháu cứ cho cái này, cái kia, dì chẳng biết lấy gì tặng lại… thôi, xin trời phù trợ má cháu”.
        Cô gái cười:
        “Mình là hàng xóm lâu đời của nhau, đừng nói đến ơn nghĩa, dì Năm à, có là bao… Nhưng mà nói đến ông Trời thì cháu xin vái ngàn vái!”.
        “Dân mình vẫn tin như thế, cháu, trời giúp người hiền lương”.
        Cô gái “hứ” rõ to.
        “Nếu có trời thì má cháu không bị giựt hụi, mất trọn số tiền chắt chiu dành dụm cả chục năm – cháu không mất tiền, mất vàng, của mồ hôi nước mắt, bóp bụng không dám ăn tiêu… Cháu có ác độc hung dữ chi mà làm đâu hỏng đó, thua hết keo này đến keo khác?”.
        Nín lặng. Bà Giúp đập muỗi. Cô gái khua ghế lịch kịch.
        “Ờ, ở đời có lắm điều chúng ta không hiểu được đâu, cháu à. Như xe đụng chết đứa bé năm tuổi, như thuyền lật làm một nhóm trai trẻ đi đám cưới chết chìm, như căn bệnh ác nghiệt giết chết ba con Linh lúc ông chưa tới năm mươi… Tất cả bọn họ chẳng ai hiểm ác”.
*
        Hơn mười một giờ khuya trời vẫn nóng bức. Tám Lương trăn trở trên ghế xếp, không ngủ được. Trong nhà, bà Giúp quạt muỗi phành phạch. Nhà này chỉ hơn xóm quê ở cái bóng điện và chiếc quạt bàn cọc cạch. “Vào giờ này, dưới mình trời đã mát rượi”, Tám Lương nghĩ. Chợt ông nghe hai anh em thằng Tú nói với nhau:
        “Mày nói với chú Tám, nghe Thoại?”.
        “Anh nói đi, em sợ”.
        “Không nói thì lát nữa mày đừng hòng xin tiền chị Thơm”.
        “Em sợ, chú lạ quá mà”.
        “Thì tao cũng sợ… nhưng, được rồi, tao sẽ nói”.
        Hai đứa thì thào, nhưng cái nhà nhỏ quá không thì thào được. Thằng Tú đến bên Tám Lương rụt rè thưa:
        “Thưa chú Tám, chị Thơm nhờ cháu hỏi chú một chuyện”.
        Tám Lương nhỏm dậy.
        “Chị Thơm nào, cháu?”
        “Dạ, cái chị lúc nãy qua cho má tô canh chua đó”.
        Nó ấp úng, nói thật khẽ:
        “Chị Thơm nhờ cháu hỏi chú Tám… có muốn… đi đêm không”.
        Tám Lương nghe rõ, nhưng chẳng hiểu thằng nhỏ nói gì.
        “Cháu nói lại, chú nghe chưa được, đi đứng làm sao?”.
        “Dạ, đi đêm đó mà… là chú qua ngủ bên nhà chị Thơm, không ngủ ở đây”.
        Tám Lương ngơ ngác.
        “Nhà chị Thơm kia kìa, sát cạnh nhà cháu”.
        Không nghe ông chú nói gì, nó thêm:
        “Mình qua đó ngủ chung với chị ấy, rồi… cho chị ít tiền”.
        Đến đây thì dù cái đầu có đầy sỏi cát cũng phải hiểu. “Trời ơi!”. Suýt chút nữa Tám Lương kêu lên. Ông nắm tay thằng Tú, lắc mạnh.
        “Sao cháu ăn nói lung tung như vậy?”.
        “Dạ – thằng bé sợ sệt – chị Thơm nhờ cháu nói… chị hứa sẽ cho cháu ba chục ngàn”.
        “Ba chục ngàn… Tiền bạc!”. Tám Lương cảm thấy xốn xang như mình vừa phạm lỗi. Rồi ông thấy ngượng, chán ngán, buồn rầu. “Ngôi nhà bên cạnh”, một căn nhà cao ráo, lớn gấp ba nhà bà Giúp, có xe máy ra vào xình xịch, sao con cái lại làm như thế?
        Linh đi bán cà phê vẫn chưa về. Một người đàn ông đẩy một chiếc xe như xe nước mía đi qua trước cửa, rao một tràng dài những tiếng khàn khàn, trầm bổng, Tám Lương chịu thua, chẳng hiểu ông ta bán thứ gì. Xe cộ vẫn chạy qua lại, náo động, không ngớt.
        “Mình như con chuột đồng, ra phố thấy gì cũng lạ… Người quá đông… Có bao nhiêu là xe… Kiểu này thì đêm nay khó ngủ nghê được”, Tám Lương nghĩ miên man – “Chuyện hai chàng ở bến xe của con Linh, và chuyện nàng Thơm đi đêm, chắc là những thứ trước kia người ta quen gọi cạm bẫy đô thành?. Thì ra thứ bẫy này ngày nay vẫn còn. Nó lập lờ, không rõ ràng nhưng có thật. Có loại dành cho người trẻ và loại cho người lớn tuổi. Không phải nó chỉ nằm trong các thơ truyện, các tuồng hát…Còn được mời đi đêm, có phải ta vẫn còn trẻ?”. Ông già bật cười rồi ngẫm nghĩ thật lâu xoay quanh cái sự “chưa già” này. Nhưng cuối cùng ông cũng chẳng rõ mình còn trẻ ở mức độ nào, và có nên vui mừng trước sự phát hiện bất ngờ này không ./.

 ---//---

17 thg 11, 2013

Tạp ghi CŨ MỚI

               Tay nào che kín bầu trời
        Hữu sanh hữu diệt, bao đời đảo điên.
                   (Đạo Dừa – Cồn Phụng 1964)


       
       ÔNG PARK: Thành công hôm nay của Nam Hàn có nền móng từ 50 năm  trước, khi ông Park Chung Hee (1917 – 1979) nắm quyền tổng thống.
        Ông Park chủ trương một nền chính trị vừa đa nguyên vừa độc tài (đa nguyên làm Hàn lớn mạnh, độc tài làm ông chết, vì ám sát). Ông thành công khi vực nền kinh tế Hàn từ con số không lên hàng cường quốc số 11 thế giới.
        Cái chết trong nghèo khổ của ông Park là tấm gương về văn hóa sống, Hàn Quốc còn lưu giữ đến hôm nay. Người Hàn tự hào vì công nghiệp của họ lớn mạnh, vì các siêu thị, hàng quán của họ không cần người đứng thu tiền, canh giữ kẻ gian, vì trong công việc họ thường sử dụng nhân công ít nhất mà thu hiệu quả cao nhất – Về kinh tế, ông Park lập ra các tập đoàn kinh tế (chaebol) tư nhân với những con người giỏi, ưu tú đứng ra điều hành. Ông cho lớp trẻ du học để mang kiến thức mới về cho tập đoàn và đất nước.
        Có thể thấy, con đường thành công của Nam Hàn là biết dựa vào khoa học kỹ thuật và làm đúng các quy luật (hợp lý và ưu việt), trong đó nổi lên yếu tố lớn: có một tầng lớp lãnh tụ giỏi, liêm khiết, có tâm, yêu nước thực lòng, có tầm nhìn xa.
        Ông Park lập ra các chaebol năm 1963, các tập đoàn này ngày càng hùng mạnh và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, nó góp phần đưa Nam Hàn vào nằm trong nhóm G20, các nước kinh tế mạnh. Tại sao Hàn làm được như vậy? Có nhiều lý do, trong đó nổi bật là trách nhiệm của các chính khách đối với nền kinh tế, và khống chế được tham nhũng – Tham nhũng ở đâu cũng có, nhưng ở một chế độ đa nguyên, tản quyền, nó dễ bị phanh phui hơn. Còn ở các chế độ tập quyền, các tập đoàn kinh tế là của chung, dễ bị các nhóm lợi ích bu vào đục khoét. (Ông Park là cha bà Park Geun Hye, tổng thống Hàn hiện giờ).
        (Hồ Hải, theo Asia Clinic 17/10/2013).
        
      CÁI CHẾT LỚN: Một người trẻ vừa mất. Em chưa đến 20, nhưng cái chết của em lớn, một sự hy sinh cảm động, rực rỡ. Em là Nguyễn Nam, học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1, tỉnh Nghệ An.
        Vào chiều 20-3-2013, tám em học sinh ở xã Trung Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) rủ nhau ra sông Lam tắm. Trong lúc vui đùa trên đoạn sông ở bến đò Cung, 5 em bị nước cuốn trôi. Ngay khi đó, Nguyễn Nam tình cờ đi ngang qua. Thấy nhóm học sinh nhỏ chới với giữa dòng nước, Nam nhảy xuống cứu. Sau khi đưa 4 em vào bờ an toàn, thấy còn em Nguyễn Hữu Đô đang ngụp lặn tuyệt vọng ngoài xa, Nam lại phóng ra cố gắng đẩy Đô vào bờ, nhưng lúc này Nam đã kiệt sức nên bị dòng nước dữ nhấn chìm.
        Một lúc sau, một số dân làng chạy tới tìm cách cứu Nam, nhưng đã muộn. Đến cuối chiều, thi thể em được tìm thấy trên khúc sông cách nơi xảy ra sự việc khoảng trăm mét – Nam là con thứ hai của một cặp vợ chồng nông dân nghèo có ba con. Học kỳ 1 vừa qua, em được nhận học bổng “học sinh nghèo vượt khó” của trường Đô Lương 1. Chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ thi vào đại học, vậy là Nam không được dự kỳ thi đó.              
        (Hải Quyên, Tổng hợp, 24/3/2013).
        
       VẠN TUẾ: Lý thuyết mới bảo rằng: các hệ thống độc tài có xu hướng dân chủ hóa khi thu nhập quốc dân tăng lên, và việc tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo sẽ đẩy nhanh quá trình đó. Kế tiếp: tình trạng suy thoái kinh tế sau một thời kỳ tăng trưởng nhanh sẽ khiến quá trình chuyển tiếp đó dễ xảy ra. Sau cùng:  tình trạng bất bình đẳng trầm trọng, ngày càng tăng, sẽ là động lực dẫn đến thay đổi.
        Tất cả các yếu tố này hiện có ở Trung Hoa (T.H), nhưng nhiều chính trị gia lại thấy độc tài ở TH khác với độc tài của thế giới Ả Rập, do đó có thể nói: làn sóng sụp đổ khó lan đến T.H – Nhưng thời buổi ta đang sống có nhiều thứ mới lạ, trước đây chưa từng có, trong đó có sự biến chuyển nhanh của khoa học kỹ thuật và tâm lý con người. Rất nhiều điều đã và sẽ diễn ra bất ngờ, không ai có thể đoán trước.
        Đối nghịch với ý kiến TH sẽ còn sống lâu (hoặc trường thọ), một luồng nhận định khác cho rằng: nạn tham nhũng trầm trọng, phần lớn dân chúng không được hưởng các phúc lợi xã hội, tâm trạng người dân luôn thấy bất an và thất vọng, xã hội hỗn loạn bất ổn, sự chia rẽ bè phái trong tập đoàn chính trị, sự bất bình đẳng to lớn trong thu nhập… sẽ kéo TH rơi xuống một vùng mà họ (và thế giới) đều không, hoặc chưa nghĩ tới, và vùng đó có tên là lụn bại, phát triển, tiến hóa, văn minh. Vấn đề còn lại là tiến hóa thế nào, phát triển tới đâu, có tan biến không.
        (GS Lâm Triết, blog Hồ Hải 23/7/2009).
        
      ĐỒNG BÀO: 40 phút sau khi chiếc xe chở tương ớt bị lật, những người hiếu kỳ kéo tới xem chẳng thể nào biết được xe này chở gì, bởi trước mắt họ chỉ còn bác tài ngồi ôm gối buồn rầu và chiếc xe trống hoác.
        Anh Dương Hải, tài xế (32 tuổi, quê ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) không biết trị giá số hàng mất là bao nhiêu. Anh nói, xe chở hơn 70 thùng tương ớt, trong đó có 30 thùng lớn, hơn 40 thùng nhỏ. Một lúc sau, anh lại nói (với những người khác) số hàng hơn 80 thùng. Các con số xê dịch chút ít, có lẽ do anh Hải rối trí, nhưng xem ra 70 hay 80 cũng chẳng còn mấy ý nghĩa, vì lúc này nó đã thành con số không.
        Hôm đó là ngày 12/7/2011, xe anh Hải gặp nạn, lật vì mất lái, khi đang chạy trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Xe lật, số tương ớt đổ xuống đường. Thấy vậy, ngay tức thì, những người đi đường vội vã đến hôi của. Anh Hải cố gắng bảo vệ tài sản nhưng không được, vì “đồng bào” đông quá. Anh nói đi nói lại: đồng bào đông quá!
          (Kim Thanh, tổng hợp 15/7/2011).
        
       THƯƠNG HIỆU: Hãng xe hơi Toyota vừa tuyên bố đã thu hồi 8,2 triệu xe Prius với chi phí khoảng 2 tỷ đôla Mỹ. Lý do, chân phanh và tấm trải sàn xe có vấn đề.
        Đây không phải lần đầu, vì uy tín và thương hiệu, người Nhật bỏ số tiền rất lớn để xử lý lỗi kỹ thuật – Còn nhớ, năm 2000 hãng Mitsubishi đã thu hồi 45.000 chiếc tivi, vì số máy này có thể cháy nổ. Qua năm 2007, hãng Sharp sửa miễn phí cho nửa triệu máy giặt (sản xuất năm 1998) vì sợ số máy này gây ra cháy. Còn rất nhiều ví dụ khác về cung cách làm ăn của các công ty Nhật.
        Ngày xưa, võ sĩ đạo Nhật tự mổ bụng nếu thua trận. Người Nhật hôm nay có thể nhảy lầu nếu để công ty mất uy tín.
        Thu hồi hơn tám triệu xe hơi, vì nghi ngờ chân phanh và tấm trải sàn có vấn đề, quả là tinh thần võ sĩ đạo trong thương trường. Đó cũng là lý do trên khắp mọi nẻo đường thế giới người ta thấy sự hiện diện của xe hơi Nhật.
        (Hiệu Minh, blog HM  4/3/2010).
       
        NHỚ
                 Cứ tưởng đàn bà người nào cũng như người nấy
                 Nên ta bảo lòng, thôi hãy quên em
                 Nhưng không phải đàn bà người nào cũng như người nấy
                 Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên.
                                                          Nguyễn Bắc Sơn
        
       GIỎI: Trước đây, hàng năm từ tháng 2 đến tháng 8, các tỉnh Trung bộ thường chở xoài, dừa, dưa hấu ra các tỉnh phía Bắc (có lúc sang tận Trung Quốc – TQ) bán. Từ năm 2008, con đường làm ăn này tắc nghẽn, vì trái cây TQ nhập ào ạt vào VN.
        Vậy là diễn ra một cuộc nước chảy ngược dòng. Những năm đầu, trái cây TQ đổ vào các chợ miền Bắc, nhiều nhất là cam, lê, táo, về sau tăng lên thêm cỡ 20 loại, rồi gần đây lại có mặt gừng, tỏi, rau muống, khoai tây, hành, gần như không sót thứ gì! Về mức độ, khu vực, ban đầu chỉ gói gọn ở phía Bắc, mới đây vào đến tận Tây Nam bộ. Cuộc xâm lấn này ngày càng đông, càng mạnh, chẳng còn thấy, còn hiểu được gì – Lời lãi thế nào mà chúng qua lắm thế? Gọi là hàng lậu mà sao nhiều hàng chục, hàng trăm tấn thế? Họ có phép thuật gì mà con gì, củ gì cũng to béo, mập tròn, đẹp đẽ thế? Sao chuyên chở xa xôi, năm bảy trăm, cả ngàn cây số mà lại bán rẻ thế?... Tha hồ thắc mắc, tha hồ đặt câu hỏi, để cuối cùng chỉ rước lấy cái đáp số: tha hồ buồn. (Đây là mới nói về trái cây, chưa đề cập những heo, gà, cá tầm, những cua, lươn, ốc, ếch).
        (Đức Phương, Chính luận  29/6/2011).
        
        ĐỌC ĐỂ BIẾT: Về hưu rồi, tôi mới có điều kiện đọc nhiều, tại Saigon tôi say mê đọc sử nước mình suốt những thời kỳ cũ. Thật ra ở Hà Nội người ta viết sử rất kém, từ lúc tôi đi học đã… không có sử.
        Rất xấu hổ phải nói là những người viết văn, trí thức như bọn tôi, mà chưa bao giờ tiếp xúc một cách nghiêm túc với những bộ sử rất quan trọng của chúng ta như bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Cương Giám Khâm Mục, hay những bộ sử sau này như Đại Nam Thực Lục, hay sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tất cả những trang sử ấy, bọn tôi biết quá ít, sự thật là chúng tôi có những định kiến sai lầm, những thành kiến, rồi cứ nuôi những thành kiến đó mà cứ tưởng đó là chân lý… Tôi may mắn tìm ra được niềm vui đọc lại những cái đó và từ mảng ấy, tôi hiểu được đời sống hôm nay – Việc mà trước đây nền văn nghệ miền Nam làm được: thứ nhất là tiếp nhận di sản cũ, nối tiếp truyền thống các nhà văn cũ, thứ hai là tiếp nhận một cách bình thường văn học, văn hóa nước ngoài, coi đó là nguồn góp ý cho mình.
        (Vương Trí Nhàn – “Nói chuyện với nhà phê bình”, blog VTN  30/4/2009).
        Lời bàn: Không sử? Có, đó là loại sử móp méo, viết theo sách lược: “nếu ta tâng bốc, đề cao, ca tụng một vật thể đen thui hôi hám trong thời gian dài, thì đám quần chúng đáng yêu (tội nghiệp) sẽ thấy vật thể ấy thơm tho cao đẹp”. Đúc kết: sản phẩm của sách lược này là một nồi lẩu thập cẩm to đùng nấu bằng nước cống. (Chiêu nhồi sọ này Goebbels của Đức Quốc Xã đã xài nát).
        
       CHÔM CÔNG KHAI:
        Chị Đặng Hải Hà, 27 tuổi, bị trọng thương trong vụ một chiếc “xe điên” tông hàng loạt xe máy (làm 2 người chết, 14 người bị thương) vào ngày 9/10/2011, trên đường Lý Thái Tổ (Quận 10, Saìgon).
        Chị Hà bị hôn mê, được đưa vào điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Đến khi tỉnh dậy (sau 22 giờ bất tỉnh) chị mới biết số tài sản, gồm tiền và vàng, khá lớn, chị cất trong cốp xe mất sạch.
        Về sau, được biết, không riêng chị Hải Hà, tất cả những người bị thương nặng lúc đó đều mất của. Thủ phạm chính là những người đi đường và dân ở gần đó… Những người có mặt tại hiện trường cho biết, trong lúc hỗn loạn có nhiều người xúm vào sơ cứu, giúp đỡ nạn nhân, nhưng số người hôi của có vẻ đông hơn. Họ bu vào giành giật nhau để lấy những ví tiền, túi xách, điện thoại, tư trang nằm vung vãi trên đường.
        (Hà Linh, Đức Giang, Tin sáng, 12/10/2011).
        
       ĐI TRƯỚC: Mười mấy năm nay, năm nào người ta cũng bàn tính chuyện đi lên mặt trăng và sao hỏa. Chốt lại, họ nói chỉ có cái tên lửa có thể lên đó được, điều cần là phải dự bị những gì. Các nhà khoa học dám nói rằng, có lẽ vài chục năm nữa người ta sẽ thành công việc đi xa ấy.
        Tôi trông cho chuyện đó mau thành công. Dân An Nam mình ít đi du lịch nước ngoài, nếu có đường lên trăng ta cũng nên lên chơi, không hại gì – Nói vậy chớ An Nam mình đi là đi chơi, chưa vội mấy, vài chục năm nữa đi cũng được, nên để cho người Tàu đi trước.
        Mới đây, qua điều tra, thấy con cháu vua Hoàng đế đã đông tới năm trăm triệu. Bởi vậy người Tàu mới rủ nhau ra ngoại quốc làm ăn. Hiện nay, trên mặt đất chẳng nơi nào không có dấu chưn người Tàu. Bởi chỗ nào họ cũng mò tới nên người ta vừa ngại vừa sợ, từ đó nhiều nước đã làm khó dễ hoặc đuổi họ –Mới năm ngoái, chánh phủ Xiêm và Miến Điện ra lệnh hạn chế người Tàu nhập cảnh, và gây khó trong việc làm ăn của họ. Bên Huê Kỳ, mỗi khi đến nơi, người Tàu phải nộp tiền ký quỹ mấy trăm đồng vàng, mới được lên bờ. Vừa rồi, ở nước Cu Ba, mấy vạn Huê thương phải xách gói về nước vì bị đối xử tệ bạc. Giờ tới phiên Phi lip pin, đầu năm nay chánh phủ Phi ra thể lệ mới, buộc người Tàu ở dồn một chỗ gần Ma Ni, không cho ở nhiều nơi như trước – Nghĩ thương họ, thực ra họ không gây ra lỗi lớn, tội của họ là đông người. Vậy nên, nếu có đường lên trăng, ta nên nhường cho họ đi trước.
        (Phan Khôi, Phụ nữ tân văn số 158, 7/7/1932).
        Lời bàn: Ngay thời 1920 người ta đã tính chuyện lên trăng – 1930 dân Trung Hoa 500 triệu, đến 2004 đã 1,3 tỷ.
        
       ĐỘC ĐÁO: Ngày 24 tháng 2 năm 2003, nhạc sĩ Đức Phương, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh AB gởi một bức thư dài đến các cơ quan: Thường trực tỉnh ủy, Ban Tổ chức tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy AB, Sở Văn hóa thông tin AB, Phòng PA25 công an AB. Trong thư ông Phương phân tích, phê bình bài thơ “Bài hát ngày về” của nhà thơ Quang Thoại (QT). Xin trích (nguyên văn) vài đoạn:
        “Tôi xin có ý kiến về bài thơ “Bài hát ngày về” đăng trên báo AB số ra ngày 4/2/2003 với chủ đề mừng xuân năm 2003 – Về hình thức nghệ thuật, đây là bài thơ bắt chước lối thơ cũ của Tàu, dùng nhiều từ cũ kỹ, không có gì mới. Về nội dung, bài thơ này mang nội dung xấu, độc, nhằm bôi nhọ người lính, bôi nhọ chế độ ta. “Ta ngồi lại soi xuống dòng suối Rách, Vốc nước lên kỳ cọ mặt mày, Hồi ta ra đi hai bàn tay trắng, Giờ ta trở về trắng hai bàn tay”.
        Ngay từ câu đầu, tác giả đã lộ rõ ý đồ xấu khi viết “dòng suối Rách”. Bởi vì khi nhắc đến dòng suối, một cháu học trò cấp II cũng hiểu đó là nơi nuôi dưỡng cán bộ chiến sĩ ta từ chiến khu Việt Bắc đến suốt dải Trường Sơn, để làm cuộc chiến tranh thần thánh giải phóng miền Nam. QT đã giũ bỏ hết, “Giờ ta trở về trắng hai bàn tay”. Câu thơ này chỉ rõ: đừng uổng công mà phấn đấu cho cách mạng. Tác giả lại viết: “Giá như người xưa gác gươm sườn đá, Tháo đôi giày cỏ thả trôi, Cởi áo vắt vai cười ha hả, Vời trông bốn hướng đất trời”. Chữ gươm ở đây là hình tượng nói về người lính. Vậy cái ngày xưa ấy là ngày xưa nào? Cái ngày xưa mà nhân dân ta vùng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng để chống lại Ngô Đình Diệm và bọn tay sai chém giết đồng bào ta. Lúc ấy QT làm gì, đi lính cho ai, ở đâu, mà gác gươm sườn đá, tháo đôi giày cỏ thả trôi, cười ha hả?
        “Ta một kẻ hèn, kẻ hèn đời mới, Hèn – không đáng mặt kẻ hèn, Đức bạc tài sơ, bảy chìm ba nổi, Sao còn vất vả đua chen?”. Tác giả muốn chửi bới ai đây, chửi quần chúng tích cực, quân nhân tích cực hay cán bộ CM sống trong sáng? “Dãy đồi bên kia là lau là cỏ, Có cây đa già tỏa mát trăm năm”. Cái dãy đồi, cái thiên đường mà QT mơ tới là ở đâu vậy? Có phải cái nơi tác giả sẽ được hưởng đô la khi bài thơ trở thành vũ khí tuyên truyền của các thế lực thù địch? – Hiện nay QT nằm trong ban biên tập tạp chí văn nghệ AB. Việc để cho người không nằm trong bộ máy nhà nước, chưa kinh qua một lớp biên tập, sáng tác nào nắm giữ vai trò đáng kể của báo Đảng là vô cùng nguy hiểm”.
        Ghi chú: Lúc này trên trái đất có cả ngàn chuyện to như núi, đọc lại vụ lùm xùm cũ thấy buồn cười – Tên hai nhân vật chính trong bài được thay đổi, vì một vị đã về trời, còn một tếch qua châu Âu ôm chân tư bản. Nếu để tên thật dễ bị mang tiếng nói xấu người vắng mặt.

        THẬT VÀ ẢO: Những tin tức gần đây cho thấy sự suy yếu của Trung Quốc (TQ): tăng trưởng kinh tế chậm lại liên tục, hàng hóa ứ đọng vì sản xuất ra mà không bán được, số nợ xấu ngân hàng đang gia tăng, bong bóng đầu tư bất động sản đang theo nhau nổ, và một cuộc tranh giành quyền lực ngấm ngầm nhưng thô bạo đang diễn ra ở chóp bu, những xì căng đan chính trị xảy ra bất tận… Các yếu tố trước đây từng thúc đẩy TQ lớn lên, như lợi thế dân số, lao động siêu rẻ, khả năng tiếp cận dễ dàng các thị trường nước ngoài thì nay đã thu hẹp lại, hoặc đang biến từ từ.
        Thật ra, không dễ thấy các nhược điểm của TQ, bởi nó được những đô thị lớn và mới che đậy kín đáo. Có thể tóm tắt các tệ nạn kinh tế của anh khổng lồ này: đó là một nhà nước luôn mạnh tay phung phí tiền vốn, là sự thiếu hiệu năng và thiếu sáng kiến có tính hệ thống, là một giai cấp thống trị tham lam vô độ, là một khu vực tài chính kém cỏi thảm hại.
        Tuy vậy, trong con mắt của nhiều nước, vẫn còn đó một hình ảnh TQ sáng đẹp, nhờ vào các bài bản tuyên truyền ranh ma khôn khéo. Báo đài, sách giáo khoa của họ nhồi nhét vào đầu óc thế hệ trẻ các món ăn tinh thần ảo, gồm những sự kiện bị bóp méo nhằm đề cao niềm tự hào dân tộc, những trò láo khoét trắng trợn về các huyền thoại yêu nước, những thủ thuật kích động người dân bài phương Tây và bài Nhật – Giờ đây, còn quá sớm để nói rằng TQ có thể đổi mới, phục hồi mạnh mẽ trong vài năm tới, hay tình trạng bất ổn sẽ mỗi ngày mỗi tồi tệ.
        (Minxin Pei, Foreign Policy, 29/8/2012, Trần Ngọc Cư dịch).
  
        ĐỪNG SỢ MẤT NGỦ
                   Ta đã ngủ triệu năm
                   Trước ngày oa oa khóc
                   Ta còn cả triệu năm
                   Để ngủ dài trong đất.
                                      Trần Mạnh Hảo

        BẦM DẬP: Lúc 3 giờ 10 chiều 12/9/2013, trước cửa UBND quận Ba Đình, đại sứ quán Hà Lan mở cuộc phát tặng 3.300 chiếc áo mưa cho dân Hà Nội.
        Khi những chiếc áo mưa được bày ra, dù vị đại diện Hà Lan phát biểu chưa xong, đám đông đã xô vào tranh giành nhau lấy quà. Ai cũng cố gắng giựt được càng nhiều càng tốt. Có người cầm trên tay ba, bốn chiếc áo mưa nhưng vẫn xô đẩy chen lấn để lấy thêm. Có người thu được một mớ bèn đem ra cất vào cốp xe, rồi chạy vô lấy tiếp. Có người giật áo mưa từ tay vị đại diện người Hà Lan và các tình nguyện viên. Hỗn loạn. Ngán ngẫm.
        Cuộc phát tặng phẩm này có chủ đích mong muốn nâng cao nhận thức chung của mọi người về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên sự kiện mang ý nghĩa tốt đã bị các hành vi bầm dập của dân ta phủ trùm lên một bóng đen lớn.
        (Quang Ngọc, Khoa học MT – Chánh Đạo, 14/9/2013).

        SAO HỎA: Phi thuyền thăm dò sao hỏa của Ấn Độ được phóng lên không gian ngày 5/11/2013. Nó sẽ làm cuộc hành trình dài 300 ngày, trên quãng đường 784 triệu km, và sẽ đến sao hỏa vào tháng 9/2014.
        Sự kiện này được xem là thành tích mới nhất trong cuộc chạy đua về công nghệ không gian của Nhật, TQ, Ấn Độ, Hàn Quốc. Nếu chuyến thăm dò này thành công, Ấn sẽ vượt Tàu trong lãnh vực thám hiểm sao hỏa – Sau khi được phóng đi, phi thuyền Mangalyaan (nặng 1.350 kg) gặp trục trặc là chỉ đạt được tầm cao 71.620 km, kém xa tầm cao cần thiết, vì vậy phi thuyền phải bay vòng quanh quỹ đạo trái đất đến cuối tháng 11 này, chờ khi đạt được vận tốc cần thiết (là 192.000 km) để thoát khỏi trọng lực của trái đất.
        Theo dự kiến, phi thuyền Mangalyaan sẽ thẳng tiến đến sao hỏa vào ngày 1/12 và bắt đầu vào quỹ đạo sao Hỏa ngày 24/9/2014. Chương trình này trị giá 74 triệu USD, sẽ đem về cho Ấn nhiều ích lợi trong các lĩnh vực phòng chống lũ lụt, dự báo bão, quản lý ngư nghiệp, quản lý rừng.
        (Trúc Lâm, Le Figaro và BBC, 12/11/2013).
        Lời bàn: Nhật, Ấn, Tàu, Hàn đều khốn đốn trong thời kỳ 1935 – 1953 nhưng chỉ vài chục năm sau họ lên như phép lạ –  Nhìn họ lại nghĩ đến xứ An Nam 4.000 năm ruồi muỗi.

        TRẺ ĐẸP: Sáng ngày 7/8/2013, thi thể anh Trần Hữu Hiệp (SN 1987, ở thôn 3, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã được an táng tại quê nhà.
        Hiệp là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Năm 2009 anh tốt nghiệp trường Cao đẳng Phú Thọ, sau đó vào làm tại Công ty sản xuất ống thép dầu khí Tiền Giang… Hiệp chí thú làm ăn, sống tằn tiện, dành dụm tiền lương gởi về giúp cha mẹ già yếu. Anh gặp nạn khi đi dự đám cưới cùng bạn bè – Lúc canô bị chìm trên biển Cần Giờ (20 giờ 25 tối 2/8/2013 tại khu vực xã Lý Nhơn) anh Hiệp đã cởi áo phao của mình nhường cho một phụ nữ mặc, và anh bơi, dìu ba người khác, giúp họ bám vào thành canô, đợi tàu cứu hộ, sau đó anh qua đời vì đuối sức.
        Canô bị nạn (H29) chở 30 người đi sự đám cưới, bị sóng lớn đánh chìm trên đường từ Gò Công Đông về Vũng Tàu. Nơi ca nô chìm cách bờ biển Cần Giờ chừng 24km. Đến 9 giờ sáng 4/8 các toán cứu hộ đã cứu được 21 người, 9 người còn mất tích, (sau đó xác định là chết) – Nguyên nhân tai nạn có thể do thuyền chở quá tải. Ca nô H29 chỉ được chở 20 người, mà chở đến 30. Nhưng lý do lớn nhất là sự chậm trễ khó hiểu của việc cứu hộ. Nếu các thần cứu người đến trong vòng hai, ba giờ sau khi ca nô chìm thì số người chết không nhiều như thế.
          (Thu Phong, Hải Hưng, Bangkok Post, 10/8/2013).

        TỰ HÀO: Dân Trung Quốc (TQ) có lý do để tự hào. Họ chỉ mất 30 năm để đạt tới đích công nghiệp hóa, trong khi châu Âu phải mất 200 năm mới được như vậy. Cứ sau 8 năm, quy mô nền kinh tế TQ lại tăng gấp đôi.
        Chính phủ TQ hiện nay là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hơn là sản phẩm của ý thức hệ mác – xít… Nếu bóc đi “ánh sáng dẫn đường” của tư tưởng Mao Trạch Đông, thì chỉ còn lại chủ nghĩa dân tộc như chất keo kết dính toàn xã hội – Thanh niên TQ được kết nạp đảng sớm, nhanh chóng, dễ dàng. Ở trường họ học ba môn quan trọng là Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Mao và lý luận Đặng Tiểu Bình.
        Chính quyền TQ muốn người dân nắm rõ chiến lược “trỗi dậy hòa bình”. Năm 2006, truyền hình trung ương TQ cho chiếu loạt phim 20 tập “Sự trỗi dậy của những dân tộc vĩ đại”. Thông điệp của bộ phim này là đoàn kết dân tộc, thành công về kinh tế và công nghệ, sức mạnh quân sự, một nền văn hóa sáng tạo và quyến rũ. TQ cũng vẽ nên trong mắt người dân, nước họ là nước yêu hòa bình và sẽ vươn lên vị trí bá chủ theo kiểu hòa bình, hấp dẫn – Lòng ái quốc, tinh thần dân tộc luôn phát huy hiệu quả tốt nếu được đặt đúng vị trí. Cho đến bây giờ, Bắc Kinh vẫn khéo léo trong việc truyền bá, huy động chủ nghĩa Trung Hoa vào việc phát triển kinh tế và giữ vững khối đoàn kết dân tộc.
        (Đoan Trang, blog ĐT 5-2009 và 3/11/2013).

        DẠI KHÔN: Có thể nói, người Việt rất khôn khéo, mưu mẹo, tài tình. Vậy mà sao VN lại cứ lẹt đẹt, luôn bị xếp hạng dưới trung bình về mọi mặt trên thế giới, không những thua xa Hàn Quốc, Đài Loan, mà còn thua cả những anh láng giềng ngố hơn ta như Thái Lan, Mã Lai. Có thể đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho lịch sử, nào là thực dân, nào là Bắc thuộc, Tây thuộc, nào là chiến tranh, nhưng có một điểm mấu chốt mà nếu không công nhận, thì vẫn sẽ thua mãi, đó là ta “khôn chinh dại đồng”.
        Cái khôn của “ta” là gì? Là khôn về mưu mô, thứ khôn để luồn lách, lạm dụng, để ngụy biện, tranh giành, nhập nhèm. Về khoản đó có lẽ dân các nước khác thua xa “ta”. Nhưng một xã hội toàn người khôn như vậy là xã hội khó phát triển. Vì quá khôn nên mới dại về một vài nguyên lý cơ bản. Còn người ta “ngố” nên người ta chú trọng đến các quốc sách thực tế, thiết thân, nhờ vậy họ tồn tại và lớn lên. Có thể hỏi: “nguyên lý” là nguyên lý gì? Trả lời: có nhiều, như “tam quyền phân lập” chẳng hạn. Đó là văn minh, chân lý. Thiếu nó là còi cọc, suy dinh dưỡng, chống nó là chết chậm, chậm và chắc. Đó là, thứ dã nhân Darwin gọi là người thực ra không phải người, bởi càng sống lâu lông lá nó càng rậm đuôi càng dài ra.
        (Lê Dũng, blog Ánh sáng 19/7/2010).
Lời bàn: Đọc những dòng của tiên tri Nostradamus viết về Do Thái, Bắc Hàn, Trung Đông, ta thấy khó nghĩ, hoang mang – Giờ đây đóng vai khán giả khỏe hơn làm diễn viên – Lười nhác, ù lì mấy cũng phải nghĩ: mai này sẽ còn những tuồng tích lạ nào diễn ra, khi mà phù thủy cứ hát ca trù sầu thảm, còn âm binh thì chơi rock điếc tai.

        HIẾM CÓ: Ông Mozart (1756 – 1791), người nước Autriche, giỏi về âm nhạc, người đời tôn là “nhạc thánh”. Có một lần ông đi dạo chơi ngoài đồng nội của kinh đô Genève, thấy một người ăn mày mà bộ tướng khôi ngô lắm, bèn vừa đi vừa nói chuyện gẫu cùng người ấy. Lúc nghe người ăn mày bày tỏ thân thế của mình, vị nhạc thánh động lòng thương xót, nhưng rủi thay trong túi ông chẳng có đồng tiền nào.
        Ông Mozart bèn dắt người ăn mày vào một quán cà phê. Ngồi đoạn, ông moi túi áo lấy ra mấy tờ giấy, viết gấp một bài hát theo nhịp múa chậm, kêu bằng Minue, rồi đưa cho người ăn mày, bảo cứ việc đem tới nhà in, sẽ được tiền.
        Số là, lúc đó người ta coi những bài hát của ông Mozart đặt ra như tờ chi phiếu (chèque), đem các chi phiếu này đến nhà in nào cũng được họ đón nhận nồng nhiệt – Người ăn mày đem bài hát của ông Mozart tới một nhà in, ông chủ nhà in liền trả cho va hai chục đồng bạc, đó là số tiền rất lớn.
        (Phan Khôi, Trung lập, Saigòn số 6893, 11/12/1932).

        BUNG RA: Từ năm 1998 đến nay, ở châu Phi đi đâu người ta cũng gặp dân Trung Hoa (TH). Tại vùng Trung và Nam Phi người Tàu dày đặc. Vùng bình nguyên này có 47 nước, với 310 triệu dân sinh sống. Đây là khu vực nghèo đói, lạc hậu, đa số dân kiếm được chưa đến 1 USD mỗi ngày. Dưới góc độ kinh tế, con cháu Mao vĩ đại nhìn thấy ở đây nhiều dạng “hầm mỏ” hấp dẫn.
        Đợt xâm lấn thương mại này được coi như một cơn sóng thần, rộng khắp và mãnh liệt. Người Tàu đi trên đường phố, ngồi trong quán ăn ở Zambia, Ghana, Mozambique, Angola, Gabon, Nigeria, Cameroon, Tanzania, Congo, Zimbabwe, Sudan… Họ làm đường cao tốc, xây sân vận động, thăm dò dầu khí, khai thác gỗ, xây đập nước, cố vấn cho nhà nông. Ban đầu dân địa phương vui vẻ, thích thú khi chứng kiến những thay đổi đẹp, những hình ảnh mới diễn ra quanh họ. Nhưng dần dà, về sau, họ phát hiện ra những ông khách da vàng này chưa hẳn là bạn, rồi sau nữa họ thấy rõ đây là các tập đoàn thực dân mới – Gần đây, từ 2009 đến nay, người Phi ở nhiều nơi đã nổi lên chống lại sự xâm chiếm khéo léo trắng trợn của doanh nhân TH. Khá nhiều chuyên gia Tàu bị giết. Có những khu khai thác gỗ, công nhân bí mật mua súng đạn, đem về bắn chết hàng loạt người Tàu. Tháng 2/2012, chính phủ Ghana công bố: tất cả các khu mỏ người TH đang đào bới khắp Ghana là bất hợp pháp, và đã trục xuất 220 “chuyên gia”. Họ nói, người Tàu gây ô nhiễm đất đai, bóc lột dân địa phương. Công nhân Ghana dùng súng, dao rựa tấn công, sát hại hàng chục vị khách châu Á – Qua tháng 4/2012, hai vụ chống Tàu bùng lên trong các khu rừng Mozambique. Số công nhân da đen đông đảo đã đập đổ, đốt phá những khu trại đốn gỗ, và bắn chết hơn 30 ông Tàu, khiến số “khách” còn lại phải phóng nhanh về nước.                       
               (Văn Hà, The Times of India, 18/6/2012).

        LÀM ĂN: Ở vùng biển Hòn Câu (xã Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An) mấy năm trở lại đây có tình trạng nhiều người dân bỏ nghề đi biển chuyển sang kinh doanh “dịch vụ sung sướng”.
        Vùng biển này có trên 150 kiốt tạm bợ, hầu hết số hàng quán này kinh doanh mại dâm. Gái ở đây chủ yếu là dân các huyện miền tây Nghệ An như Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương. Thượng vàng hạ cám, trăng non trăng tròn có hết. Hàng đa dạng, giá mềm.
        Nơi đây ngày đêm náo nhiệt với những đoàn xe máy, ô tô của khách đổ về tìm của lạ… Có nhiều quán cả chủ lẫn gái ra mời khách rất nhiệt tình, sống sượng: “Các anh ơi, chơi đâu cũng mất tiền, vào đây chơi em cảm ơn”. Rồi họ rao to những câu khuyến mại, giảm giá một cách trơ tráo, lộ liễu. Rồi lại ngoác mồm đọc thơ inh ỏi: “Không chơi uổng cả đời trai, Cái già ập đến phí hoài tuổi xuân”! Quang cảnh ở đây chẳng khác gì một phiên chợ huyện đông đúc, tấp nập, như kiểu mua bán thịt cá, rau quả vậy – Được biết, vào mùa hè, lúc cao điểm vùng biển này đón cả ngàn cô gái đổ về làm ăn.
        (Bảo Hà, Thời Đại,28/3/2011).
        Lời bàn: Cảnh này y chang mấy khu động nhện cây số 9 Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Tài (Qui Nhơn), Gò Vấp (Saìgon) thời loạn lạc 1967 – 1972.

        SÔNG MÊ
                   Cùng chung một chuyến đò ngang
               Kẻ thì sang bến, người đang trở về
                   Lái đó lái mãi thành mê
               Sang – về, chẳng biết mình về hay sang.
                                                                    Bảo Sinh

        XUỐNG: Có những bất cập trong xã hội ta, nó làm cho đời sống tinh thần ngày một xuống, người đông thêm nhưng chất lượng nhân phẩm sa sút, thừa thãi ý thức đấu tranh mà nghèo tính trung thực, nghèo lòng trắc ẩn. Bao giờ ngắt được căn bệnh này thì xã hội lại phát triển lành mạnh. Trẻ sẽ bớt nông nổi, già sẽ bớt nông cạn, giấc ngủ thường đêm sẽ ít mê thấy quỉ nhập miếu.
        Chìm nổi vốn là chuyện thường thấy với mỗi người cũng như với một dân tộc. Điều đáng nói là cần phải biết hy vọng, vững vàng niềm tin, vững vàng nghị lực để vượt lên, chìm mãi rồi cũng có lúc phải nổi.
        (Đỗ Chu, blog Văn Công Hùng 3/9/2013).

        BÀNH TRƯỚNG: Bên cạnh kinh tế và quân sự, các nước lớn còn có tham vọng gây ảnh hưởng và lấn át các nước khác trên bình diện văn hóa, tư tưởng. Pháp, Đức là hai nước rất chú trọng tới vấn đề bá quyền văn hóa này. Các hoạt động xuất khẩu văn hóa của họ được tiến hành liên tục, mạnh mẽ.
        Chúng ta dễ dàng nhìn thấy các sách lược ngoại giao văn hóa của Trung Quốc (TQ) đang làm ở Việt Nam (VN) hiện nay. Phim truyền hình TQ tràn ngập các đài của VN, nên khán giả ta thuộc sử TQ hơn sử VN – Thực tế, TQ đã thực hiện bá quyền văn hóa tư tưởng với VN suốt mấy ngàn năm qua. Các học giả cho rằng, việc TQ tiến hành thành công bá quyền văn hóa ở VN phụ thuộc vào cách đối phó của VN. Thí dụ, mới đây (ngày 14/10/2013) VN cho TQ thành lập học viện Khổng Tử.
        Theo một thống kê trên tờ China Daily, năm 2004 TQ nhập 4.000 đầu sách của Mỹ, nhưng chỉ xuất khẩu sang Mỹ được 14 đầu sách. Cùng lúc, họ nhập 2.000 đầu sách của Anh, nhưng chỉ xuất qua Anh được 16 đầu sách – Từ năm 1999 đến năm 2002, hơn 280 đoàn nghệ thuật Nga biểu diễn ở TQ, trong khi chỉ có 30 đoàn nghệ thuật TQ sang Nga biểu diễn. Giai đoạn 2000 – 2004, TQ nhập khẩu hơn 4.000 phim và chương trình truyền hình của nhiều nước, nhưng số phim xuất khẩu của họ quá nhỏ, không đáng kể. Và, có thể nói, số phim xuất khẩu của TQ chỉ được tiêu thụ ở VN và vài nước Đông Nam Á… Cần phải phổ biến các số liệu trên đây, để dân ta biết TQ không phải là “đại gia” văn hóa của thế giới.
        (Đoan Trang, blog Đoan Trang 16/10/2013).

        ĐẦU TIÊN: Một ngày giữa tháng 4 năm 2008, Phan Thanh Tuấn (29 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) cùng một gã bạn thân rủ chị Lưu Thị Nguyệt (26 tuổi, làm nghề bán rau và hoa quả) đi ra ngoại thành chơi, rồi ra tay hạ sát chị để cướp tài sản. Khi thấy chị Nguyệt chết chắc, hai tên cướp ném nạn nhân xuống một mương nước cạnh tỉnh lộ rồi bỏ trốn. Ngày 21/9/2009, Thanh Tuấn bị bắt. Ngày 28/3/2010 hắn bị tuyên án tử hình với hai tội giết người và cướp tài sản.
        Sáng ngày 6/8/2013, Thanh Tuấn trở thành tử tù đầu tiên nhận hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc – Thuốc được tiêm vào cánh tay. Những người thi hành án không trực tiếp tiêm thuốc độc vào tay tử tù, mà chỉ bấm nút tại các bàn điều khiển. Khi nghe khẩu lệnh của người chỉ huy, 5 cảnh sát (đứng tại bàn điều khiển, ở phía ngoài) bấm nút. Thuốc tự động tiêm vào tay tử tù.
        Tính đến cuối tháng 10/2013, đã có 4 phạm nhân bị tử hình bằng thuốc độc, trong đó 2 người ở Hà Nội, một ở Sơn La, một ở Hải Phòng. Hiện còn 664 phạm nhân mang án tử hình.
        (Nam Bình, Tổng hợp 3/11/2013).

        ÔNG LỚN BỆNH:
        Mười năm gần đây, nhiều người gọi Trung Hoa (TH) là siêu cường, thế lực mới, con rồng lớn. Sự thực thế nào? Một giáo sư ở đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nói: xã hội TH đang lâm trọng bệnh, không có hy vọng khỏe mạnh trở lại. Nó đang đứng trước sự sụp đổ. Sao vậy? Đang mạnh mà ngã ra qui tiên? Chỉ là những suy diễn lẩn thẩn? Muốn biết, quý vị nên tự tìm hiểu.
        Qua các cuộc thăm dò dư luận đa số dân Tàu cho rằng sự tham nhũng tràn lan trong giới quan chức là vấn nạn lớn nhất của nước họ. Họ thêm, cái nạn này ngày càng phình to, và rõ ràng chẳng thuốc gì có thể chữa trị được.
        Kế đến, hơn 80% người được hỏi bảo rằng, họ thấy bất an về cái hố ngăn cách giàu nghèo, hố này càng ngày càng lớn và sâu thêm – Trên 60% ý kiến buồn rầu lo lắng về sự suy thoái của các giá trị xã hội và đạo lý, khi mà tiền bạc là thước đo duy nhất cho mọi việc mọi chuyện. Một xã hội hài hòa, công bằng từ lâu đã chui vào nằm trong các cổ tích. Có quá nhiều điều sai trái, bẩn thỉu được rao giảng, truyền bá, được xem như các tín điều của một đạo giáo mới – Hơn 40% số người được hỏi cho biết, họ thất vọng lớn về mặt chăm sóc sức khỏe cho người già và tình trạng thất nghiệp trầm trọng của lớp trẻ.
        Có quá nhiều điều cần nói, quá nhiều căn bệnh giấu mặt trong một thân xác cồng kềnh cao lớn… Sự thực thế nào? Có nhiều cách lý giải, nhiều câu trả lời. Các chuyên gia am hiểu châu Á bảo rằng: gã Tàu này chỉ có sống hoặc chết, không thay đổi. Quý vị nên tự tìm hiểu, nếu muốn biết một kết quả rõ ràng và trung thực.
        (Yu Chien Kuan, Phan Ba dịch, blog Phan Ba 20/8/2011).

        ĂN MỘT MIẾNG: Một cửa hàng sushi trên đường Đoàn Trần Nghiệp (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thông báo cho thực khách ăn miễn phí trong ngày khai trương 24/10/2013.
        Có tới cả ngàn người xếp hàng, chờ đến lượt vào ăn buffet Nhật. Càng gần giờ ăn, người kéo đến càng đông, tràn xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông. Số khách này chen lấn, chửi bới, xô đẩy nhau, nhân viên cửa hàng làm việc hết công suất cũng không xuể. Dự định, sáng chiều sẽ đón 180, tối là 280 người, mà lượng khách quá đông nên vụ chiêu đãi rơi vào quá tải.
        Anh Minh Hiền, phụ trách cuộc đãi khách này, nói: chúng tôi không lường trước được số khách đến dự lại đông như vậy. Anh phàn nàn, nhiều khách hàng chen lấn xô đẩy, gây mất trật tự, và lấy thức ăn tràn lan, ăn một miếng mà lấy cả khay… nên dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
        (Kim Dung, blog KD Kỳ Duyên 30/10/2013).
        Lời bàn: Thời Internet mà sao dân ta chưa rụng đuôi.

        HỢP TÁC:
        Trong chuyến thăm Nhật hồi giữa tháng 9/2013, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với báo giới: liên minh Mỹ – Nhật là nền tảng cho hòa bình, ổn định của châu Á – Thái Bình Dương. Hai nước sẽ lập một kế hoạch lâu dài (về chiến lược) cho tương lai 20 năm tới. Ông Kerry nhắc lại, Mỹ cam kết dùng toàn bộ khả năng quân sự của mình, kể cả hạt nhân, để củng cố cuộc hợp tác này.
        Mỹ – Nhật khẳng định, họ tạo ra liên minh mạnh mẽ trong bối cảnh hiện tại, bởi mấy năm gần đây Trung Hoa liên tục gia tăng phần chi tiêu quân sự, và mở rộng sự phát triển của hải, không quân.
        (Duy Quý, The Economist 24/9/2013).

        TOÀN DIỆN: Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 của Trung Quốc (TQ) khai mạc ngày 9/11/2013 nhằm đưa ra những cải cách sâu sắc, toàn diện. Theo thông báo sau một phiên họp mới đây, điểm nổi cộm trong hội nghị này là “những sai trái trong hệ thống và cơ chế phải bị loại bỏ”.
        Những lãnh vực sẽ cải cách mạnh mẽ: thủ tục hành chánh, các ngành công nghiệp độc quyền, đất đai, hệ thống thuế và tài chính, quản lý tài sản nhà nước. – Vài phác thảo cải cách: lãnh vực công nghiệp, nhà nước sẽ dỡ bỏ kiểm soát đối với việc nhập khẩu dầu khí. Công nghiệp viễn thông sẽ tổ chức lại để khuyến khích cạnh tranh. Khâu đầu tư vào ngành đường sắt sẽ được đa dạng hóa. Ngành điện và hệ thống giá điện cũng được cải cách… Sau mấy thập niên bưng bít, các ngành đường sắt, dầu khí, viễn thông, ngân hàng sẽ được trút bỏ gánh nặng độc quyền.
        Đọc những việc đổi thay mạnh, sáng của TQ, lại liên tưởng đến kinh tế VN. Qua các phát hiện vào năm 2011, người ta thấy Tập đoàn Xăng dầu cùng với Tập đoàn Điện lực là các thủ phạm đẩy nền kinh tế vào tình trạng tiêu điều do đầu tư trái ngành, tạo ra số tiền lỗ hơn 40.000 tỷ đồng, kéo theo các chiến dịch tăng giá xăng dầu liên miên nhằm trút lỗ lên đầu 87 triệu dân.
        Về đất đai, TQ sẽ điều chỉnh cơ chế sở hữu đất đai. Lâu nay, các vụ khiếu kiện, biểu tình quanh chuyện đất đai là vấn nạn lớn ở TQ. Mỗi năm có đến hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện liên quan đến đất đai xảy ra ở nước đông dân này. Rồi đây nông dân có quyền sở hữu trong việc bán đất và được đền bù thỏa đáng dựa theo mức giá thị trường. Các cấp chính quyền sẽ không còn được mua đất của dân với giá quá thấp, rồi bán lại cho các công ty, doanh nghiệp với giá cao hơn nhiều.
        (Phan Chí Dũng, theo BBC, quechoa 10/11/2013).

        CON BÀ GIÁO DỤC: Sao bạn viết toàn thứ vụn vặt, chống Tàu à? – Chuyện lớn các báo đã cày cả chục vạn bài rồi. – Hết đề tài lớn? – Lớn với nhỏ! Vẽ ra một kế hoạch khủng để nuốt ngàn tỷ và cứu một người khỏi chết đuối, bên nào lớn?... Hàng tỷ tin, bài trôi lềnh bềnh trên dòng sông Thời Sự. Tôi đứng nhìn, lâu lâu cúi xuống vớt lên vài em, ra sức xốc nước, hô hấp, xoa bóp chúng. Thú vị – Đây là tóm lược những bài viết về Đại Hán. Nó là cái giá để tôi treo mớ tin hôi của. Kích cỡ vấn đề nhỏ thực, nhưng mức độ đen đúa thảm hại thì lớn. Nó hấp dẫn ngang ngửa với những Vinashin, Vinalines, Vina Đường sắt… Anh biết không, bé Hôi Của là con của ông Giáo Điều và bà Giáo Dục ./.

------------