Tám Lương về Tân Thuận thăm chị Giúp –
bà chị dâu – và ba đứa cháu. Vì nghèo và ở xa nên non chục năm qua Tám Lương
“quên” chuyện lui tới, thăm nom.
Đến nơi ông thấy trước mặt một cảnh tượng
đáng buồn: nhà cửa xập xệ, trống huếch hoác, chị Giúp bệnh quặt quẹo, nằm dán
trên giường, người mỏng như tờ giấy. Đã thế, chị lại đãng trí, thường nói chuyện
nọ xọ sang chuyện kia. Người nói cho ông biết mọi chuyện một cách cặn kẽ, rành
mạch là Linh, con gái lớn của chị Giúp, mười bảy tuổi.
“Trước đây, lúc má cháu còn mạnh, cháu
chỉ biết đi học và làm việc nhà lặt vặt, sướng như con nhà giàu. Đến khi má
cháu lâm bệnh, nhà không còn gạo tiền, không có món gì đáng giá để bán, cháu phải
xông ra tranh sống giữa “chợ đời”. Cực nhọc vô cùng, chú ạ. Không phải chỉ khó
khăn, mà là dễ sợ. Nhưng dần dà rồi cũng quen. Cháu học lóm, quan sát, để ý,
sáng ra, biết được nhiều thứ. Mình lì thì cái khổ nó cũng co! Nay có thể nói,
cháu rành nghề, biết kiếm ăn, tin ở mình”.
“Cháu làm việc gì, có nặng nhọc lắm
không?”.
“Dạ, một ngày làm việc của cháu khá dài.
Năm giờ sáng cháu bưng thúng “hàng xén” chạy ra bến xe. Cháu bán linh tinh,
bánh, kẹo, thuốc lá, dầu gió, bài ca vọng cổ, kim chỉ. Cháu ở bến xe suốt ngày,
trưa dùng “bữa ăn nhẹ” tại chỗ. Khoảng 5 giờ chiều, xe cộ vãn, cháu về tắm giặt,
nấu nướng, ăn cơm. Đến khi đèn đường bật sáng cháu chạy lên ngã năm phụ giúp chị
Đào bán cà phê, tới mười, mười một giờ khuya về”.
“Cháu làm nhiều thiệt”.
“Dạ, túi bụi, suốt ngày cháu ở ngoài đường”.
“Tội nghiệp cháu”.
“Quen rồi chú à. Tội là tội cho các bạn
không có việc làm, khổ sở, đói. Cháu biết có nhiều bạn như thế… Làm cũng khổ nhưng
không đói”.
“Tội nghiệp cháu, cháu còn nhỏ mà. Nhiều
nhà toàn người lớn còn đói rạc nữa kia. Các cháu khổ nhưng… chú cũng nghèo. Chú
vô thời cháu à. Chú không đói nhưng cũng chưa qua khỏi cái ách túng bấn”.
“Chú ạ, hồi mới ra bán bánh ở bến xe
cháu mười bốn tuổi. Còn lạ, bán chẳng được bao nhiêu, lời chỉ đủ ăn bánh mì,
cháu khóc suốt… Tại đó đã có hơn hai chục đứa cỡ tuổi cháu và năm sáu cụ già. Chen
được một chỗ đứng ở đó khó khổ vô kể”.
“Vậy, tổng cộng các việc, cháu kiếm được
có đủ sống không?”.
“Dạ, cộng hai ca trong ngày, cháu thu
cũng được tám, chín chục, tạm đủ chi tiêu, có tiền để má cháu uống thuốc, cho
hai em đi học”.
Tám Lương thành thực mừng cho Linh và cảm
thấy dường như mình mắc phải một lỗi lớn: chỉ có thể khích lệ, động viên cháu bằng
lời.
“Chúc mừng cho cháu. Rất tiếc, chú chẳng
giúp được gì cụ thể, chỉ biết an ủi suông”.
“Dạ, cảm ơn chú. Cháu rất sung sướng.
Chúng cháu không còn sợ khổ, sợ đói nữa… Kể ra, kiếm cơm ở đây cũng không khó lắm”.
Linh tiếp:
“Ở bến xe, ngoài chuyện đua chen kiếm
ăn, cháu còn gặp nhiều vụ bầm dập. Mới đây, trong một ngày cháu bị hai trận tán
tỉnh tốc hành. Buổi trưa, là một anh
lơ xe đò miền Tây. Anh ta bảo đã để ý cháu từ lâu, cảm thương tình cảnh khó khổ
của cháu. Anh ta nói: “Anh có ba cái nhà, hai vườn cây ăn trái rộng. Em bỏ nghề
buôn bán trầy trật này đi. Về với anh em sẽ được đổi đời”. Đến xế, một ông làm
trong ban trật tự bến xe tới giúi vào tay cháu một xấp tiền dày. Ông ta nói:
“Anh biết em túng bấn, má bệnh nặng. Em cầm đỡ số tiền này tiêu xài. Anh coi em
như em gái”. Ông ấy lớn, già chát, vợ con cả đàn, ai cũng biết”.
Tám Lương cười:
“Thứ chuyện này ớn thiệt, nhưng ta cương
quyết, mạnh dạn chống lại chúng. Lúc nào cháu cũng phải khôn ngoan, cảnh giác”.
“Dạ, đó mới là một, còn nhiều chuyện ly
kỳ nữa, hôm nào rảnh cháu sẽ kể chú nghe”.
*
Linh dọn cơm ra, mời ông Lương, và vội
vàng ăn ngay.
“Cháu xin phép ăn trước, để còn đi bán
cà phê”.
Cái xoong cơm nhỏ nhoi đến tức cười, ước
chừng vừa bụng một nông dân trẻ. Tám Lương ăn qua loa hai lưng chén. Ngồi xe đò
suốt hai ngày một đêm, thức ròng, chỉ ăn vài ổ bánh mì, nhưng ông chẳng thấy mệt,
không đói.
Cơm xong. Thằng Tú – em Linh – chạy đi
chơi. Chú bé Thoại – em út – mang sách ra thềm học. Chú đọc nhẩn nha, ê a như
ông già đọc truyện Tàu, nghe sốt ruột. Bà Giúp bảo Thoại:
“Con ra quán mua gói trà – bà tiếp, như
phân trần với ông Lương – tôi uống nước nấu chín, không pha trà. Tôi muốn sống
đơn giản để các cháu khỏi tốn kém nhiều”.
Tám Lương ngăn:
“Đừng mua trà, chị Năm. Dưới nhà, tôi
quen uống nước giếng, tiện lợi, mát ruột”.
“Chú à, bệnh cứ kéo rê, không mạnh, lắm
lúc tôi muốn chết phứt cho xong, để các cháu nhẹ gánh. Nhưng con Linh can ngăn,
nó nói: “má không làm việc được, nhưng má là cái gốc của tụi con”. Ngẫm lại, thấy
nó nói cũng đúng. Thử nghĩ, mình chết đi, mình khỏe, nhưng chị em nó ở lại trên
đời, bơ vơ giữa cái đô thị thênh thang này, làm sao mình yên bụng”.
Tám Lương mở túi xách lấy mấy gói quà ra
đặt lên bàn.
“Đem cho chị mấy cân đậu xanh, ít cân nếp”.
Rồi ông thuật qua cho bà Giúp nghe chuyện
làm ăn dưới quê, chuyện vợ con, làng xóm. Bà Giúp thở ra:
“Hơn mười năm rồi tôi không bước ra khỏi
khu phố này”.
Tám Lương cười:
“Chị nói giống vợ tôi. Bà ấy thường
than: “Suốt đời tôi chui rúc trong cái góc làng này, như con chuột… gần hai
mươi năm rồi tôi không đi quá cái chợ xã!”.
“Ngày tháng qua nhanh, chú thấy không. Mới
ngày nào… nay tụi mình đều sắp xuống lỗ”.
“Dạ, mau lắm, như sét, như chớp”.
“Khác chi chiêm bao… Ba con Linh mất đã
bảy năm rưỡi. Tội nghiệp anh ấy. Chú biết không, anh ấy nói: “Khổ thì khổ,
nhưng mình phải sống, để nuôi mấy đứa nhỏ”. Vậy mà xui làm sao, ảnh ngã bệnh,
chỉ hơn ba tháng, rồi chết, lúc mới bốn chín tuổi”.
“Người hiền như đất, như lúa, thế mà chết
trẻ, trời ở không công bằng”.
“Nhiều lúc tôi thấy chẳng có trời đất gì
ráo, chú Tám à”.
“Có chớ, chị Năm! – Tám Lương nghĩ ngợi
giây lâu – Có trời. nhưng cũng như con người, đôi lúc ông ấy nghễnh ngãng, hay
quên, trở chứng, bất thường!”.
Bà Giúp đập muỗi lép bép. Bà nói nhỏ như
thì thầm: “Lắm lúc tôi nhớ lại thời còn sống dưới quê. Những buổi đi cắm câu,
mót lúa; những lần đi hái rau ngổ, bông súng trong đầm… Nằm, nằm mãi, nhớ đủ thứ,
nhớ bệnh hoạn”.
Ở nhà này mọi vật đều cũ mốc, bé nhỏ.
Sân trước cỏn con, bằng cỡ ba chiếc chiếu. Phía sau nhà cũng chẳng hơn gì.
Không gian chật hẹp, tù túng. “Dân nghèo ở miền quê có lẽ dễ sống hơn. Dưới ấy
ta có thể quên cái nghèo. Ở đây thì nó bị lộ ra sờ sờ. Vậy người khổ không nên
sống nơi thị thành”. Bất giác Tám Lương nghĩ thành tiếng… Nằm thiu thiu được
vài phút, bỗng ông nghe tiếng một cô gái hỏi Thoại:
“Ông khách nào vậy?”
“Chú Tám của em đó”.
“Chú ruột? Sao hồi giờ chị không thấy?”
“Chú ở xa, tận trong Quảng Phước kia”.
“Đâu, cho chị coi giò cẳng ông Tư Ếch một
chút!” Cô gái cười tinh nghịch. Cô nói nhỏ, nhưng cái nhà nhỏ quá, nên không thể
giữ cho tiếng nói nhỏ được.
Cô gái vào nhà, nói với bà Giúp:
“Má cháu biểu đem cho dì tô canh chua”.
“Để lên bàn đó cháu – bà Giúp xuýt xoa –
cháu cứ cho cái này, cái kia, dì chẳng biết lấy gì tặng lại… thôi, xin trời phù
trợ má cháu”.
Cô gái cười:
“Mình là hàng xóm lâu đời của nhau, đừng
nói đến ơn nghĩa, dì Năm à, có là bao… Nhưng mà nói đến ông Trời thì cháu xin
vái ngàn vái!”.
“Dân mình vẫn tin như thế, cháu, trời
giúp người hiền lương”.
Cô gái “hứ” rõ to.
“Nếu có trời thì má cháu không bị giựt hụi,
mất trọn số tiền chắt chiu dành dụm cả chục năm – cháu không mất tiền, mất
vàng, của mồ hôi nước mắt, bóp bụng không dám ăn tiêu… Cháu có ác độc hung dữ
chi mà làm đâu hỏng đó, thua hết keo này đến keo khác?”.
Nín lặng. Bà Giúp đập muỗi. Cô gái khua
ghế lịch kịch.
“Ờ, ở đời có lắm điều chúng ta không hiểu
được đâu, cháu à. Như xe đụng chết đứa bé năm tuổi, như thuyền lật làm một nhóm
trai trẻ đi đám cưới chết chìm, như căn bệnh ác nghiệt giết chết ba con Linh
lúc ông chưa tới năm mươi… Tất cả bọn họ chẳng ai hiểm ác”.
*
Hơn mười một giờ khuya trời vẫn nóng bức.
Tám Lương trăn trở trên ghế xếp, không ngủ được. Trong nhà, bà Giúp quạt muỗi
phành phạch. Nhà này chỉ hơn xóm quê ở cái bóng điện và chiếc quạt bàn cọc cạch.
“Vào giờ này, dưới mình trời đã mát rượi”, Tám Lương nghĩ. Chợt ông nghe hai
anh em thằng Tú nói với nhau:
“Mày nói với chú Tám, nghe Thoại?”.
“Anh nói đi, em sợ”.
“Không nói thì lát nữa mày đừng hòng xin
tiền chị Thơm”.
“Em sợ, chú lạ quá mà”.
“Thì tao cũng sợ… nhưng, được rồi, tao sẽ
nói”.
Hai đứa thì thào, nhưng cái nhà nhỏ quá
không thì thào được. Thằng Tú đến bên Tám Lương rụt rè thưa:
“Thưa chú Tám, chị Thơm nhờ cháu hỏi chú
một chuyện”.
Tám Lương nhỏm dậy.
“Chị Thơm nào, cháu?”
“Dạ, cái chị lúc nãy qua cho má tô canh
chua đó”.
Nó ấp úng, nói thật khẽ:
“Chị Thơm nhờ cháu hỏi chú Tám… có muốn…
đi đêm không”.
Tám Lương nghe rõ, nhưng chẳng hiểu thằng
nhỏ nói gì.
“Cháu nói lại, chú nghe chưa được, đi đứng
làm sao?”.
“Dạ, đi đêm đó mà… là chú qua ngủ bên
nhà chị Thơm, không ngủ ở đây”.
Tám Lương ngơ ngác.
“Nhà chị Thơm kia kìa, sát cạnh nhà
cháu”.
Không nghe ông chú nói gì, nó thêm:
“Mình qua đó ngủ chung với chị ấy, rồi…
cho chị ít tiền”.
Đến đây thì dù cái đầu có đầy sỏi cát
cũng phải hiểu. “Trời ơi!”. Suýt chút nữa Tám Lương kêu lên. Ông nắm tay thằng
Tú, lắc mạnh.
“Sao cháu ăn nói lung tung như vậy?”.
“Dạ – thằng bé sợ sệt – chị Thơm nhờ
cháu nói… chị hứa sẽ cho cháu ba chục ngàn”.
“Ba chục ngàn… Tiền bạc!”. Tám Lương cảm
thấy xốn xang như mình vừa phạm lỗi. Rồi ông thấy ngượng, chán ngán, buồn rầu.
“Ngôi nhà bên cạnh”, một căn nhà cao ráo, lớn gấp ba nhà bà Giúp, có xe máy ra
vào xình xịch, sao con cái lại làm như thế?
Linh đi bán cà phê vẫn chưa về. Một người
đàn ông đẩy một chiếc xe như xe nước mía đi qua trước cửa, rao một tràng dài những
tiếng khàn khàn, trầm bổng, Tám Lương chịu thua, chẳng hiểu ông ta bán thứ gì.
Xe cộ vẫn chạy qua lại, náo động, không ngớt.
“Mình như con chuột đồng, ra phố thấy gì
cũng lạ… Người quá đông… Có bao nhiêu là xe… Kiểu này thì đêm nay khó ngủ nghê
được”, Tám Lương nghĩ miên man – “Chuyện hai chàng ở bến xe của con Linh, và
chuyện nàng Thơm đi đêm, chắc là những thứ trước kia người ta quen gọi cạm bẫy đô thành?. Thì ra thứ bẫy này
ngày nay vẫn còn. Nó lập lờ, không rõ ràng nhưng có thật. Có loại dành cho người
trẻ và loại cho người lớn tuổi. Không phải nó chỉ nằm trong các thơ truyện, các
tuồng hát…Còn được mời đi đêm, có phải
ta vẫn còn trẻ?”. Ông già bật cười rồi ngẫm nghĩ thật lâu xoay quanh cái sự
“chưa già” này. Nhưng cuối cùng ông cũng chẳng rõ mình còn trẻ ở mức độ nào, và
có nên vui mừng trước sự phát hiện bất ngờ này không ./.
---//---