Bên đàng trai có bốn người: vợ chồng ông Nhâm Ngọ và vợ chồng ông Đạt Đức, em ông Ngọ. Chị Nhàn và tôi ở phía bên gái. Đây là lễ làm quen vợ. Ông bà Ngọ tới xem mặt Quỳnh Mai – con chị Nhàn – để hỏi cưới cho cậu con Tấn Quang.
Tuy mới bước đầu, lễ nhỏ, nhưng nó cũng
quan trọng. Chị Nhàn không chồng, nên nhờ tôi thủ vai đàn ông. Tục lệ cưới gả
coi nặng nghi thức đủ đôi, có ông có bà. Chị Nhàn khen tôi biết ăn nói, tướng
người sáng sủa. Nhưng đến giờ phút này, sắp vào cuộc, tôi chỉ mới biết được vài
nét mỏng về “đối phương”: ông Nhâm Ngọ giàu, nhờ hai đứa con ở nước ngoài. Cậu
công tử Tấn Quang – con trai độc nhất của ông – học hành chập chờn, đến lớp 9
nghỉ, hiện đang học một khóa công nghệ thông tin ban đêm. Cậu ta được nuông
chiều, ăn chơi khá vung vít.
Chỉ
sau ít phút đã có thể thấy được anh em ông Ngọ vui tính, hoạt bát, trò chuyện
có duyên. Họ thích nói, nói nhiều, không để cho tôi có dịp xen vào. Thế cũng
tốt. Thật ra đàng gái chỉ nên nghe, chẳng có gì đáng để khoe! Ông Ngọ giới
thiệu về gia thế, về hai đứa con gái ở Na Uy, mất khoảng nửa tiếng. Nửa tiếng
tiếp sau, ông Đạt Đức nói về những nét nổi bật, các điểm tốt của sự kết hợp
giữa tuổi Tỵ và tuổi Dậu của hai trẻ. Ông nói rành rẽ, thông thạo như một thầy
tướng số. Tuyệt hảo! Hai tuổi này sẽ sống với nhau lâu bền, giàu lớn, hậu vận
vượng không ai bì kịp! Theo cách nói của hai ông, đời chỉ toàn một màu hồng,
cuộc sống là một giấc mộng dài và đẹp! Đây là góc nhìn của những người lạc
quan, đang phất!… Hai bà vợ ngồi nghe, nghiêm trang, chăm chú. Cả hai ăn mặc
đẹp, mặt tô son phấn dày cộp, vòng vàng đeo sáng tay, kín cổ. Chị Nhàn cười,
chẳng nói tiếng nào. Dù không chú ý cũng có thể thấy chiếc áo dài chị mặc đã
cũ, lỗi mốt, xuống màu, và trên người chị chẳng dính được một gợn vàng nào.
Nhưng chị rất vui! Chị từng nói với tôi nhiều lần, đây là đám tốt, mừng cho
Quỳnh Mai. Chị mong muốn con gái có cơ hội thoát ra khỏi cái làng Cẩm Sơn còi
cọc, để đời nó không rơi vào vòng cơ cực khổ nghèo dằng dặc như mẹ. Mấy ly nước
khoáng trên bàn còn nguyên, chưa ai đụng đến.
Sang giàu ai chẳng mê, nhưng cũng có
người không mặn mà lắm với cuộc hôn nhân này, đó là ông Dương, cha chị Nhàn.
Ông bảo, mọi mặt được cả, chỉ có chú rể dường như chưa tốt lắm! Ông đã nghe lối
xóm bàn tán về những cuộc ăn chơi theo kiểu “mát trời” của Tấn Quang. Trong đó
có chuyện nửa thế kỷ qua chưa hề xảy ra ở cái huyện nhỏ này. Mẹ Quang bị các
chủ quán đến nhà đòi nợ nhậu của con nhiều lần, có lần đến bảy triệu. Ở quê,
nơi phụ nữ nghèo đi làm thuê, gánh gồng cấy hái, còng lưng dưới ruộng sình,
nắng cháy mặt, mỗi ngày chỉ được bốn chục ngàn, con số bảy triệu ấy là một hòn
núi. Tấn Quang còn chơi trội, trong các trận ăn nhậu, nhiều lần anh ta bảo quán
đem ra hàng trăm chai bia đắt tiền, đãi tất cả thực khách có mặt lúc đó, kể cả
người lạ, nếu uống không hết thì giặt khăn, rửa tay! Con người này, với cách
sống bốc đồng, ngông cuồng hết cỡ thì tương lai, về già chắc sẽ “có vấn đề”!
“Ta phải nhìn xa. Nếu chịu khó nghĩ sâu một chút, sẽ dễ dàng thấy rằng dù cha
mẹ có để lại bạc tỉ, nhưng với một gã quản lý như thế thì sớm muộn số tiền đó
cũng sẽ cháy sạch”. Ông ngoại cô dâu kết luận.
Khi họ trai về, các bà các cô từ nhà
dưới túa lên, thi nhau bình phẩm, nhận xét ào ào như họp chợ. Tất cả đều thích
thú, ca ngợi. “Nhà Việt kiều có khác!” Họ khen hai chiếc xe đẹp, hai cái áo dài
nhung lộng lẫy, những dây chuyền vàng to kềnh như sợi xích sắt. Họ cũng khen
khuôn mặt đầy đặn phúc hậu của bà Ngọ, nét duyên già và tài ăn nói của ông Đức.
Cha mẹ ơi, khen thiếu chút nữa sưng phồng cả miệng!… Chị Nhàn hỏi tôi:
“Ý chú thế nào?”.
“Biết nói sao đây? Tới giờ tôi vẫn còn
phân vân, có lẽ nên để cháu Mai quyết định, tùy nó lựa chọn”.
Chị Nhàn mời tôi uống nước.
“Lúc nãy người bận nghe, kẻ bận nói, giờ
thì ta uống!”. Chị đùa.
“Chứng kiến tận mắt, nhưng dường như tôi
không thấy được tất cả”.
“Nghĩa là…”.
“Có cái gì lướng vướng, chẳng thông
suốt… có lẽ đó là hạnh kiểm của chú rể Quang”.
Chị Nhàn gật.
“Chắc vậy. Ba tôi đã nói mấy lần, thằng
Quang… Nhưng, nếu chê nó…”.
Tôi làm một động tác không chủ định, gõ
gõ lên trán mình.
“Không ai nghĩ rằng chúng ta sẽ chê… Hay
là cứ phó mặc cho duyên phận, như người xưa nói, mười hai bến nước”.
“Không chủ động, dựa hẳn vào vận mạng
thì chẳng yên tâm chút nào… Nếu thằng Quang cũng ngon lành như cha mẹ nó thì
đẹp biết bao!”.
Uống liền hai hơi hết ly nước khoáng,
tôi động viên chị Nhàn:
“Chẳng có cách nào khác đâu, chị à… Nếu
xem xét khắp mọi góc cạnh, nhìn rộng ra, thì ta thấy trên đời chẳng có gì hoàn
hảo, toàn bích, như người có kẻ tốt kẻ xấu, trời có ngày đẹp ngày mù mây… nếu
tốt, hay cả thì không phải là đời nữa!”.
*
Chị Thanh Nhàn sống một mình, nuôi ba
đứa con. Anh Kim – cha
Quỳnh Mai – người chồng đầu tiên của chị, là anh họ xa của tôi. Anh chị gặp
nhau ngoài đường, hợp nhãn, về sống với nhau không cưới hỏi. Nhưng chỉ được vài
năm anh Kim chết, trong một tai nạn khi đi tìm trầm… Không ai rõ cha của hai
đứa con nhỏ của chị Nhàn là ai. Thời nay dễ, thiên hạ ít quan tâm đến loại
chuyện này, việc ai người ấy lo. Những người sống kiểu “tự do” như chị Nhàn
cũng khá nhiều. Nhưng cuộc mưu sinh đã khiến chị khốn đốn. Chị không rành một
nghề nào, bạ đâu làm đó, tiền kiếm được chẳng bao nhiêu. “Tôi phạm một sai lầm
lớn: sinh con quá nhiều. Nếu chỉ có Quỳnh Mai thôi, một mẹ một con thì khỏe,
ung dung.” Chị tự kiểm điểm, phê phán mình. Cực khổ, quay mòng vì cơm áo, tên
là Nhàn nhưng xưa giờ chị chưa hưởng được một ngày thanh nhàn!
*
Về tới nhà, vừa bước vào sân, thằng con
nhỏ đã chạy ra đưa cho tôi một mảnh giấy. “Thư của bác Hiệp.” Trên vỏ bao thuốc
lá Hiệp viết, nay là ngày giỗ chị Nga – vợ anh – mời tôi đến chơi. Tôi quay ra,
đi tiếp. Sẵn đà, vù luôn, nếu vào nhà tôi sẽ đâm ra lười, chắc phải ngủ, mất
lòng bạn bè!
Nhà anh Hiệp vắng teo, không giống nhà
có đám tiệc. Ở phòng ngoài chỉ có anh và một phụ nữ lạ. Sau bếp hai con anh
loay hoay với xoong nồi bát dĩa. Anh Hiệp giới thiệu bà khách là Linh Hoa, công
nhân, cùng làm ở hãng xe hơi Hàn Quốc với anh. Chị Hoa này tuổi trạc non bốn
mươi, dáng thanh mảnh, gương mặt khá xinh nhưng buồn. Suốt buổi tôi thấy chị
chỉ cười một, hai lần. Tôi nghĩ bụng, chắc đây sẽ là người đem nụ cười đến cho
anh Hiệp. Chị Nga mất đã lâu. Không thấy anh Hiệp có bạn gái. Cũng không thấy
anh la cà đến những chốn ăn chơi, những quán đèn mờ ôm ẵm, đang nở rộ khắp nơi.
Chúng tôi ngồi ăn với nhau. Anh Hiệp
mang ra khá nhiều bia. Anh nói hôm nay đặc biệt, hai đứa phải uống tới bến,
không thì các hãng bia người ta sẽ kiện!
“Còn mấy anh em khác mình sẽ mời vào 3
giờ chiều. Nào, chúc mừng sức khỏe của chúng ta”.
Linh Hoa nói chuyện hay, vui. Tôi ngạc
nhiên khi biết, tuy ở quê, nhưng chị đọc sách đọc báo và xem phim ảnh khá
nhiều. Và tôi càng ngạc nhiên về điểm: chị chưa hề lập gia đình. Chị nói:
“Tôi quen anh Hiệp hết sức tình cờ. Tôi
thấy sự may rủi đóng vai trò quan trọng trong đời mỗi người. Không hiểu lần
tình cờ này mang bộ mặt nào, vui hay buồn… Con người có số, như giày dép vậy!”.
“Chắc thế!” – Tôi tán thành, vì xã giao.
Thực tình, tôi ít tin vào những thứ không rõ ràng.
“Lắm lúc tôi nghĩ, chẳng rõ nay mình
quen anh Hiệp là quen qua đường, như bằng hữu, hay có bàn tay lông lá nào đó chen
vào… loại tay ấy vô hình mà nhiều màu, đa năng, nó có thể đen hoặc là trắng, lo
lắm!”.
Anh Hiệp cười phá lên.
“Nó màu hồng!… Dù cho ngay bây giờ nó
trắng, anh cũng sẽ nhuộm để trở thành hồng… Không phải bàn tay đâu, một sợi tơ
đấy, tơ hồng!”.
Chị Hoa nhìn anh đăm đăm.
“Mới có vài ly, chớ giả vờ say mà nói
xiên xẹo!”.
Anh Hiệp không nhìn thẳng mặt chị Hoa,
nhưng giọng anh lộ rõ sự trìu mến. “Hai vị này rồi sẽ lấy nhau thôi!” Câu
chuyện lan man đi sâu vào lãnh vực yêu đương, duyên nợ, mùa cưới. Tôi kể chuyện
đám coi mắt vợ của nhà ông Nhâm Ngọ, và nói về nỗi lo của chị Nhàn. Nghe qua,
chị Hoa nói ngay:
“Không được. Theo tôi, anh chàng Quang
sẽ quị ngã sớm, chẳng chờ đến già. Gả con cho anh ta là giao trứng cho ác!”.
Tôi hỏi ý Hiệp, anh lắc đầu.
“Gay đây. Phải nghĩ cho chín! Có khi
tuổi hai đứa nó hợp nhau, cưới xong Quang sẽ đổi tính, ngoan hiền, làm ăn chí
thú, biết đâu”.
“Không nên đem Quỳnh Mai ra làm vật thí
nghiệm. Tay Quang đang cắm cổ chạy trên con đường gập ghềnh, làm sao biết lúc
nào anh ta dừng lại?”. Linh Hoa hỏi.
“Cái gã Quang này làm ta mất vui!”. Hiệp
than.
Tôi nói, tuy mối liên hệ họ hàng đã xa
tít tắp nhưng tôi quý mến mẹ con chị Nhàn. Việc vợ chồng hệ trọng, không dễ
thay đổi, không thể làm qua quít. Tôi mong Quỳnh Mai gặp một chỗ nương tựa vững
chắc, để chị Nhàn được thong dong trong tuổi già.
“Vậy thì chúng ta, con người, phải nắm
phần chủ động trong mọi việc, không giao phó cho các thần hộ mạng?”. Hiệp hỏi.
Tôi nói:
“Chuyện nào bí mới giao… Hồi sáng tôi
nghĩ: gật đầu cho xong, cứ bước vào cửa nhà giàu, sẽ sướng thôi! Nhưng giờ nghĩ
lại, như thế là phiêu lưu… Bé Mai, cũng như chúng ta, chỉ có một cuộc đời”.
Chị Hoa xuống nhà sau gặp hai con anh
Hiệp, chắc định làm quen.
“Chị Hoa được lắm”.
“Được thế nào?”.
“Khó giải thích, cảm thấy vậy!”.
“Hãy cho điểm, như thầy giáo! Lê nên nói
thực lòng, tôi cần biết nhận xét khách quan của bạn”.
“Bảy điểm”.
“Hay quá, bảy là đẹp! Tôi cũng chấm cỡ
đó!”. Hiệp cười xòa.
Chúng tôi cụng ly. Hiệp đã ngà ngà. Hình
như hôm nay anh uống yếu. Thường thì Hiệp ngồi vững suốt buổi, hiếm khi thấy
anh ngã.
“Quen nhau lâu, gần hai năm, nhưng ta
chưa hôn nàng, chỉ mới cầm tay mấy lần!”.
“Rồi anh sẽ hôn!”. Tôi nói, như mình có
quyền ban phát trong chuyện hôn hít của họ “Anh có định tiến tới không?”.
“Chắc tiến, nhưng chưa biết lúc nào. Bây
giờ thì không được, còn kẹt nhiều chỗ… do vậy, nên ta chưa hôn”.
“Có tiền anh hãy làm ngay, đồng tiền
quyết định, chẳng có gì ngăn trở được nó”.
Hiệp trợn mắt.
“Đừng tưởng bở! Có rơi vào dòng xoáy mới
biết nước mạnh thế nào!”.
Tôi hỏi anh bằng cái nhìn.
“Vấn đề nằm ở nơi hai đứa nhỏ của tôi”.
Ra thế. Hiệp nói khẽ, như thì thầm:
“Tôi biết rõ tính nết của chúng. Nếu hai
đứa được mười chín, hai mươi tuổi khi Nga mất thì chuyện đã khác. Đằng này
chúng nhỏ quá. Nên những năm qua tôi đóng thế vai, thay Nga, làm mẹ… Mẹ thì
không tính đến việc rời xa con… Bởi thế, chuyện tôi với Hoa sẽ ra sao, chưa có
gì rõ ràng, dù đôi lúc tôi cũng muốn làm cho nó rõ”.
“Tôi hiểu”.
“Có thể nói, tụi nhỏ đang nắm hai đầu
của một sợi dây. Chúng sẽ giữ chặt hoặc buông tay, buộc vào hay cắt đứt, làm
sao ta biết!”.
“Cũng
gay!”.
“Còn may, Hoa chưa biết chuyện này… Đến
giờ, ngay hôm nay, tôi cũng không hiểu rồi ra tình thân của chúng tôi sẽ tới
đâu… cho nên, dù không muốn, nhưng có lúc ta cũng phải lệ thuộc vào sự may rủi”.
Chị Hoa trở lại bàn. Chị cười vui.
“Quen hai đứa nhỏ rồi. Chú bé nói chuyện
dễ thương. Nó bảo, cô để tóc giống má cháu, dáng người cô cũng giống má cháu!”.
“Còn con bé?”.
“Nó chẳng hỏi gì, nhưng nhìn ngắm em rất
chăm chú… Môi cô bé hồng, cặp mắt hay lắm, lớn nó sẽ xinh gái đấy”.
Chị quay sang tôi.
“Anh Hiệp nói Lê là bạn thân của anh.
Vậy nên, dù mới biết nhau nhưng chúng ta đã là bạn… Tôi vừa nghĩ ra một ý, hôm
nào rảnh rỗi Lê đưa tôi đến gặp chị Thanh Nhàn. Tôi muốn đóng góp một, hai nhận
xét về chuyện chồng con của bé Mai. Nghe tình cảnh chị Nhàn tôi thương. Phụ nữ
với nhau, chắc chúng tôi sẽ dễ có chung một số nhận định, hoặc tìm thấy vài
giải pháp”.
Anh Hiệp nắm tay bạn.
“Em định sẽ nói với chị Nhàn những gì?”.
Chị Hoa nhìn tôi, cười, bối rối.
“Lại còn cầm tay! Có hơi bia thì dạn
lắm!”.
“Nói xong anh sẽ buông”.
“Như thế này: em có thằng em con ông chú
ruột, năm nay 28 tuổi, giáo viên. Nhà chú ruộng vườn kha khá. Thằng nhỏ hiền,
lương sống được. Chú em rất muốn có cháu nội, thúc hối luôn, nhưng cậu con còn
dùng dằng, vì chưa tìm được đối tượng ưng ý… Em định, nếu chị Nhàn không thích
bên ông Nhâm Ngọ, em sẽ giới thiệu Quỳnh Mai cho thằng em đó”.
“Cảm ơn Hoa!”. Anh Hiệp đứng dậy, cúi
đầu, gần cụng bàn, như người Nhật. “Cảm ơn em! Em giúp chị Nhàn là giúp anh và
Lê. Mong rằng em mát tay trong vụ mai mối này… Sống tốt với người, trời sẽ phù
trợ ta. Anh rất vui vì bụng dạ em rộng rãi”.
Tôi xuống bếp rửa mặt, đùa với hai đứa
nhỏ một lúc. Khi trở lên tôi thấy Hiệp đang ôm hôn Linh Hoa! Tôi lại quay xuống
bếp. Anh chàng này phải đợi lúc bia vào mới có can đảm thực hiện những điều lớn
lao. ./.
3-2002