Từ
vùng quê dời lên phố thị sống đã hơn bốn năm nhưng Tám Túc chỉ quen thân mỗi một
ông Phước Lợi, người hàng xóm. Hai người có lối sống, nghề nghiệp, tính tình
khác hẳn nhau mà lại hợp nhau. Ông Phước Lợi thích tính thực thà và tài đánh cờ
tướng của anh cựu nông dân. Tám Túc thì phục sự biết nhiều hiểu rộng và lòng
thương người của ông láng giềng giàu có. Anh thường nói: “Nhà mình chỉ bằng cái
bếp ông ấy, nhưng ổng không phân biệt đối xử, thiệt đáng trọng”. Phần mình, ông
Lợi nói: “Anh Túc vui tính, ngay thẳng, bộc trực, có thể chơi được”. Thế là họ
kết thành đôi bạn tâm giao, không kể tuổi tác, không đếm xỉa đến địa vị xã hội.
Dưới mắt Tám Túc mọi thứ trong nhà ông Lợi
đều cao sang, lóng lánh. Con ông, ba đứa, học giỏi, vóc dáng như Tây. Bà Phước
Lợi thì trẻ trung, đẹp, nói hay như các nhân vật trong sách trong tuồng. “Còn
con mình, vợ mình…” anh không muốn nghĩ tiếp, không dám so sánh.
Những lúc buồn ông Lợi thường gợi chuyện
để Tám Túc nói về vợ con anh ta, như một cách tiêu khiển:
“Sao, nay mấy thằng nhỏ nhà anh ăn học
thế nào?”.
“Dạ, chẳng đâu vào đâu, như người leo cột
mỡ! Thằng lớn tới lớp tám phải nghỉ, ở nhà phụ giúp tôi lo công chuyện làm ăn.
Thằng nhỏ thì đần quá, tám chín năm rồi vẫn chưa qua khỏi lớp sáu!”.
“Vợ anh coi bộ hà tiện lời nói, chắc chị
ấy chẳng bao giờ cãi cọ với ai?”.
“Dạ, mụ thuộc loại ít mồm ít miệng, hiền
quá hóa ngu, anh à!”.
“Vậy anh chị đối thoại với nhau bằng tay
chân?”
“Dạ, gần như thế!... Ở chung một nhà
nhưng chúng tôi ít khi tâm sự. Xưa giờ bà ấy vẫn gọi tôi là “ông”, đối lại tôi
gọi bả bằng “bồ”. Cổ hủ, lộc cộc, khó nghe, nhưng quen miệng rồi!... Được cái,
mụ khỏe, không đau ốm, khéo tay, chăm việc ngoài, giỏi việc nhà. Kể về mặt xã
giao, đối ngoại thì bết, lóng ngóng, nói năng cục cằn, nhát gừng, cứ như gã thiểu
năng!”. Ông Phước Lợi khoái chí, cười ngặt nghẽo.
Khác chồng, bà Lợi không ưa nhà Tám Túc.
Bà hỏi ông: “Vợ chồng tay Túc có gì hay mà ông thích?”.
“Họ hiền lành, chất phác”.
“Anh chồng coi còn được, nhưng chị vợ
thì mệt. Tướng như voi, bước đi lún đất, mặt lúc nào cũng quạu quọ, lầm lì”.
Ông Lợi che chở bạn: “Ở quê lâu năm,
không quen giao tiếp, chị ta vụng về”.
“Còn có tật lúc nào cũng cúi gằm mặt xuống
đất như quân ăn trộm bị bắt, nói thì ấm ớ, cộc lốc”.
“Con người chị ấy vốn như vậy, do chỉ
quanh quẩn trong nhà trong làng nên ngại gặp đám đông, không biết cách diễn đạt
ý mình, đây là hình ảnh của dân quê xưa còn sót lại… Sinh ở châu Phi thì ẵm gọn
da đen, môi dày, cát trắng. Nghĩ xem, nếu ra đời ở các vùng quê cằn khô thì
chúng ta thế nào?... Đừng chê họ, không ai muốn nghèo khổ ngu dốt. Có những người
như thế ta đây mới nổi bật”.
*
Tám Túc đến nhà ông Phước Lợi để chia buồn.
Anh vừa nghe tin dữ: bà Lợi đánh bạc thua hơn tỷ đồng, đã cuốn gói theo gã nhân
tình trẻ – một vua cờ bạc – trốn đi mất. Chuyện quái, mới nghe qua Tám Túc
không tin. Ai ngờ, người đàn bà sáng rực, sang quí thế kia lại hành động như một
con mẹ…
Mới mấy ngày nhưng trông ông Phước Lợi
như một người khác, gầy rộc, phờ phạc. Ông rót trà mời khách, rồi ngồi ôm đầu
nhìn xuống bàn. Tám Túc lúng túng, chẳng biết nói gì để an ủi ông bạn vàng. Anh
cứ nghĩ về chỗ vợ xấu vợ đẹp. “Con mụ nhà ta ngốc nghếch, quê mùa, nên ta được
coi như ông sếp lớn. Mụ an phận, suốt đời lặng lẽ làm hết công việc trong nhà
ngoài chợ, không cần chỉ tiêu kế hoạch, chẳng chờ động viên đốc thúc… Gỗ tốt
đâu cần nước sơn”.
*
Sau ngày bà vợ biến, ông Phước Lợi nằm
lì trong nhà hai tuần. Khi nỗi buồn vơi chút ít ông lên Đà Lạt đổi gió mười
ngày, rồi vù thẳng vào Cần Thơ chơi một tháng. Biến cố đến bất ngờ, và lớn, mấy
đứa con ông cũng choáng váng.
Đi đâu rồi cũng phải về. Ông Phước Lợi về,
hình dạng và tính tình có vẻ khác trước, da sẫm hơn, ít nói hơn. Ông lại mời
Tám Túc qua chơi, uống cà phê. Tám túc thấy khó xử, chẳng biết phải ăn nói thế
nào, không dám nhắc đến tên bà Lợi. Nhiều hôm hai người ngồi với nhau suốt buổi
mà chỉ nói năm ba câu, như mấy đứa thụt lưỡi. Có bữa, ngồi nhìn mặt nhau, đối ẩm
ba tiếng đồng hồ mà hai ly café không cạn, bình trà còn nguyên. Buồn, mất hứng.
Nhưng làm sao khác được. Khó thể tìm thấy phép màu để kéo những ngày vui cũ trở
về.
Đến một hôm, ông Phước Lợi nghĩ ra một
việc khiến cả xóm xầm xì, ba con ông sửng sốt. Ông mời ban nhạc Khóc Cười đến
nhà biểu diễn, suốt bốn tối. Đây là ban nhạc phường, nghiệp dư, mới ra đời hơn
một năm, chuyên phục vụ các tiệc tùng nhỏ, liên hoan, đám ma. Nó đa năng, chơi
cả tân, cổ nhạc, đôi lúc còn hát chèo. Cái tên Khóc Cười do bà con đặt. Khóc là
chơi cho đám chết, cười là hát trong tiệc cưới. “Ông Lợi buồn tình, chập mạch”,
người ta cười, nói với nhau. Nhưng xem ra đây là chuyện nhỏ, việc riêng, không
phạm pháp, nên nó được thực hiện thông suốt, trong tình trạng lập lờ, chẳng rõ
khóc hay cười.
Đêm ca nhạc diễn ra trong vườn nhà ông Lợi,
không sân khấu phông màn, nhưng kèn trống đầy đủ, xôm trò. Ban nhạc trẻ có sáu
thành viên, bốn nam hai nữ, tất cả đều có dáng nghệ sĩ, tóc bờm xờm vàng khè,
ăn mặc như mấy ông hát bội, em nào hát cũng ngọt. Ông Phước Lợi hứa, sẽ trả
công gấp hai các đám tiệc khác, nên ai nấy đều phấn khởi… Điều bất thường là
khán giả, chỉ hai người, ông Lợi và Tám Túc. “Các bạn vào cuộc cho mạnh, nóng,
cũ mới xài hết, nhạc tình nhạc hùng chơi ráo!”. Ông Lợi bảo.
Cuộc hát hò trôi chảy, êm xuôi, không ồn
ào, cũng chẳng buồn tẻ, dù nhìn qua đã thấy ngay nó có bộ mặt lạ. Khán giả quá
ít, diễn viên mất hứng thú. Không hò hét, không cổ vũ thì không khí loãng, lạnh.
Thế nhưng tốp nghệ sĩ trẻ vẫn chơi, càng về khuya càng bốc, có lẽ nhờ số tiền
công hậu hĩnh tiếp sức… Giờ giải lao ông Phước Lợi đưa ra cho các ca sĩ, nhạc
công một câu đố vui, ai giải đáp đúng, hay, dí dỏm sẽ được thưởng hai hộp cà
phê hòa tan. “Nếu con mèo yêu của bạn bỗng lăn đùng ra chết, bạn làm gì?”.
Không được hỏi nhau, câu trả lời viết ra giấy. Sau này, năm tháng qua nhanh, mấy
đêm ca hát bất thường lùi vào bóng đêm quên lãng, nhưng nhiều người dân quanh
xóm nhà ông Lợi vẫn còn nhớ chuyện con mèo chết.
Kết quả cuộc đố ấy, một cô ca sĩ nhí viết:
“Sau ngày mèo qua đời, trong hai năm, mỗi bữa ăn tôi bày một cái chén, một đôi
đũa, vái mời hồn nó về hưởng”. Tay chơi guitar viết: “Mèo chết, tôi họa hình
nó, treo trong phòng khách. Mỗi năm tới ngày buồn đó, tôi giỗ nó ba con chuột”.
Hai anh chị này được thưởng.
Về sau, trong các cuộc nhàn đàm bên bàn
trà, ông Lợi hay đặt ra cho Tám Túc những câu hỏi giải trí. Trong đó có câu dễ,
ai cũng biết, nhưng phần lớn là lắt léo, đố mẹo, hiểm, hài hước. Câu nào Tám
Túc đáp đúng, hay, đều được thầy Lợi ban một phần thưởng tượng trưng: bao thuốc
Capstan, hộp bánh ngon. Lúc đầu Tám Túc thấy trò chơi có vẻ không ổn, tâm thần,
nhưng dần dà rồi cũng quen.
Thế là, kiểu uống café đố vui có thưởng
cứ kéo rê, dài dài, một rồi hai năm. Số phần thưởng Tám Túc nhận được, nếu giữ
nguyên, chắc xấp xỉ một thúng vun. “Đại ca mát
nặng quá”, Tám Túc nghĩ, không dám nói ra. Tuy vẫn qua lại tâm tình, nhưng càng
về sau anh càng cảm thấy bất an, cho đến cái ngày đáng nhớ, có thể gọi “ngày định
mệnh”: ông Phước Lợi bỏ nhà ra đi, lặng lẽ, không nói với ai tiếng nào, không
mang theo quần áo. Ông đi, biệt tích, như lọt xuống một lỗ nẻ bí ẩn, như bốc
hơi ./.