31 thg 8, 2011

VỀ ĐIỆN BIÊN


Cuối tháng 3 năm 2004 một đoàn văn nghệ sĩ Khánh Hòa ra Bắc tham dự trại sáng tác ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Các thành viên của đoàn nằm trong ba phân hội: văn học, nhiếp ảnh, hội họa.

Sau một tuần ở Tam Đảo, đoàn mở cuộc tham quan Điện Biên. Xuất phát lúc 7,20 giờ ngày 3 tháng 4, xe chạy trong màn sương mù dày đặc, tầm mắt nhìn không xa quá năm mét. Chúng tôi đi theo tuyến Tam Đảo, Vĩnh Yên, Việt Trì, Thanh Sơn, Tạ Khoa, Cò Nòi, Sơn La, Tuần Giáo, Điện Biên… Cả đoàn chưa ai đến Điện Biên, kể cả trưởng đoàn Cao Duy Thảo – người từng ở Hà Nội 20 năm – nên ai cũng sống trong tâm trạng của kẻ hành hương về nguồn. Nao nao, dễ xúc động. Muốn nhìn thấy thật nhiều, muốn quan sát, ghi nhận, không bỏ qua chỗ nào. Điều này thể hiện rõ, chỉ trong ngày đầu, trên quãng đường Phố Ràng – Điện Biên, họa sĩ Đoàn Minh Long và nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Minh đã bấm hết ba cuộn phim.

Hơn 11 giờ, dừng nghỉ, ăn trưa tại Phố Ràng. Rồi đi tiếp. Từ đây bắt đầu leo dốc. Đến gần 1 giờ chiều, sau khi chạy hơn chục cây số đường đèo ngoằn ngoèo, chúng tôi gặp tốp người dân tộc thiểu số và mấy cây hoa ban đầu tiên. Chụp ảnh những cây ban hoa nở trắng đứng bên vách núi. Chụp hai cô gái và hai em bé người Thái đen mang gùi. Hình như nay đã cuối mùa ban nở hoa, nên chỉ gặp được ít cây cạnh đường. Đây là đèo Chẹn, quanh co, dài hun hút. Phía trái, vách đá dựng đứng. Bên phải là lũng sâu, sườn dốc bốn lăm, năm mươi độ, dòm xuống chóng mặt, nhiều nơi cây cối thấp, còi cọc. Cũng có mấy loại cây quen ở miền Trung: dừa, chuối, tre, nhưng không nhiều. Chuối là chuối rừng, tre cũng tre rừng, dừa chỉ lác đác vài cây. Nhiều quả đồi bị dân làm rẫy gọt nhẵn, phơi màu đất nâu sậm; những người lui cui làm trên đó trông nhỏ như búp bê. Sức người ghê thực. Xe chạy tiếp. Thỉnh thoảng lại gặp những toán du khách Tây đi ngược chiều. Họ đi xe máy, mặc áo ấm hoặc áo mưa, ba lô căng phồng, trông rất bụi… Tới Sơn La lúc 16,20 giờ.

Hết đèo Chẹn đến đèo Pha Đin. Pha Đin dài 32 cây số, là đèo mà chúng ta biết từ lâu, khi đọc những bài viết về Điện Biên Phủ, về chuyện bộ đội kéo pháo trong chiến dịch lịch sử. “Vực sâu thăm thẳm”, đúng như lời bài hát “Hò kéo pháo”. Có qua hai đèo này mới thấy đèo Cả, Hải Vân chỉ là em út. Nhà người Thái bám vắt vẻo trên sườn núi, mỗi cụm chỉ năm ba cái, giống những chiếc hộp giấy gắn trên bức tường rộng. Thác nước trắng xóa. Những con suối khô. Đoàn người đi trên ruộng bậc thang trông như đứng yên một chỗ. Có những cây hoa thấp, hoa màu hồng, giống cây huệ dại, mọc trên các mỏm đá ven đường. Có mấy lùm cây cao chừng một mét, hoa tím, như hoa sim… Thử hình dung, ngày xưa, trên đèo này dân công vận chuyển đạn, lương thực, bộ đội kéo pháo như thế nào, khi chưa có quốc lộ, khi độc đạo này còn là con đường mòn. Quả là kỳ công.

Đến đỉnh đèo Pha Đin, dừng nghỉ một lát. Ngắm nhìn cảnh núi đồi lúc mặt trời chen lặn. Chụp ảnh. Cột số ghi, đây cách Hà Nội 386 km. Còn hơn trăm cây số nữa đến Điện Biên. Đi tiếp. Đường vẫn quanh co, nhiều cua gấp, nhưng sườn núi không dốc bằng đèo Chẹn. Chạy gần chục cây số mới gặp một xe tải ngược chiều. Sương mù xuống, là là trên các đỉnh núi xa, che khuất mấy bản làng dưới lũng thấp.

Gần đến Tuần Giáo thấy vài con ngựa đứng ăn trong các vườn nhãn. Những con ngựa trắng này nhắc người ta nhớ đến các phiên chợ tình vùng cao. Gần thị trấn Tuần Giáo có ngã ba, một xuôi Sơn La, một rẽ về thành phố Điện Biên, một về hướng đông bắc đi Lai Châu, (Điện Biên – Lai Châu 103 km). Ghé Tuần Giáo ăn cơm chiều. Ở đây cũng có nhiều quán Compho (cơm phở) như những thị trấn dưới xuôi. Trên các đường lớn thấy giăng biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Chỉ còn 80 cây số nữa. Ông chủ tiệm cơm cho biết, khách sạn nhà nghỉ ở đây chuẩn bị để tiếp nhận du khách trong các tuần lễ du lịch lễ hội cao điểm, cuối tháng 4 đầu tháng 5. Lúc đó khách sạn Điện Biên sẽ đầy ngập, một số khách sẽ phải qua đêm tại Tuần Giáo này.

*

Gần 10 giờ khuya chúng tôi đến Điện Biên. Anh Duyên (người Thái đen), Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên ra đón, đưa đoàn đến nghỉ ở khách sạn Phương Huyền trên đường Trần Đăng Ninh. Đường này gần đồi A1, không dài lắm, trồng xen kẽ bàng và phượng, khá đẹp… Đêm không lạnh như tôi tưởng. Chúng tôi tranh thủ dạo một vòng quanh mấy con đường gần chợ. Đã khuya, hầu hết quán hàng đóng cửa. Quán tạp hóa, tiệm xe máy, vi tính, nhà may, bia hơi, chụp ảnh kỹ thuật số, điện tử điện lạnh… có đủ. Thành phố mới, nhiều đường không tên, nhiều nhà đang xây, gạch đá cây gỗ la liệt. Trung tâm văn hóa – gần chợ Điện Biên – bề thế, sân rộng bát ngát, lát gạch, có thể chứa hai ba vạn người. Một anh chủ quán cà phê cho chúng tôi biết, lâu nay giá sinh hoạt mềm, nhưng gần đây, thấy du khách đổ về đông, đã dợm bước leo thang. Ngày 1 tháng 4 giá phòng hai giường ở khách sạn bình dân từ 120 đến 150 ngàn một ngày đêm, nay tăng gấp đôi. Tôi ghi tên những con đường vào sổ tay: Trần Can, Trường Chinh, 7 tháng 5, Phan Đình Giót… tên khách sạn: Mường Thanh, Hương Giang, Công đoàn Hàng không… quán cơm: Hương đồng nội, Mây Hồng, Thu Hà… Lúc về, qua cầu Nậm Rốm. Cầu này bắc qua sông Nậm Rốm, kế chợ Điện Biên. Đang mùa nước cạn, lòng sông lổn nhổn đá, có thể lội qua được. Sông Nậm Rốm chảy ngược, qua Lào, đổ vào sông Mê Công.

Về phòng, tôi chưa ngủ được. Vậy là mình đã gặp những nơi mà xưa nay mình chỉ biết qua sách báo: Phố Ràng, Sơn La, Điện Biên, Pha Đin. Tôi nhớ lời anh Duyên: muốn có nhiều tranh, ảnh đẹp thì sau khi thăm đây nên đi Sa Pa (cách 270km). Tới đó, mướn xe máy vào sâu trong các làng bản, sẽ gặp vô số điều thú vị mà các thị trấn không có. Du khách Tây thường vào đó, ở cả tuần. Đấy là quê của hơn hai mươi dân tộc ít người, như Si La, Lự, Giáy, Xá Phó, Tày, Dao đỏ, Cống, La Hủ, Mảng… với nếp sống, phong tục khác lạ, độc đáo. Tôi nhớ một anh bạn (là nhà báo) nói: có ba đường đến Điện Biên. Một: bằng máy bay (Hà Nội – Điện Biên 500 cây số, bay khoảng 50 phút). Hai: bằng ô tô. Ba: bằng xe đạp, xe máy. Cách đi thứ ba chậm nhất, đổ mồ hôi nhất, nhưng bổ ích nhất… Tôi nhớ lại những điều đã đọc về Điện Biên Phủ, những chi tiết lớn về trận đánh lẫy lừng này: “Điện Biên Phủ là thung lũng lớn nằm giữa vùng rừng núi Tây Bắc thuộc tỉnh Lai Châu, gần biên giới Việt Lào, là vị trí có tầm quan trọng chiến lược đối với toàn bộ chiến trường Đông Dương… Giữa tháng 11-1953 Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm lớn với tổng số quân16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo lớn, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay, bố trí trong 49 cứ điểm tổ chức thành 8 cụm… Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định: tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ. Sau gần bốn tháng khẩn trương chuẩn bị, ngày 13-3-1954 bộ đội ta nổ súng mở màn chiến dịch… Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7-5-1954 ngọn cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã phất cao trên nóc sở chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”.

*

Sáng ra, trời quang đãng mới thấy rõ thành phố Điện Biên lớn hơn lâu nay tôi hình dung. Đường phố khá rộng, đẹp, sạch sẽ hơn nhiều thị trấn, tỉnh lỵ đồng bằng. Cũng có vài ngôi nhà mới xây theo kiểu nhà hộp, mặt tiền hẹp, mái nhiều nóc nhọn, sơn phết màu nâu hoặc vàng sẫm như đình chùa, thấy dày đặc ở Nghệ An, Hà Tĩnh… Trên các ngã đường, nhiều đoàn cựu chiến binh mặc quân phục mới, ngực gắn đầy huy chương và những tốp du khách sang trọng cùng đi về hướng các di tích lịch sử.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là đồi A1. Đồi nằm trong phố, trên đường 7 tháng 5. Bước qua cổng gặp ngay lô cốt cây đa cụt, khá lớn, hầm hào đất đỏ sâu 2 mét, rộng 0,4 mét. Đối diện lô cốt này có mấy hàng rào dây thép gai, mới phục chế. Đồi A1 là cứ điểm quan trọng nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, công sự kiên cố. Trận tiến công cứ điểm này là một trong những trận oanh liệt nhất của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 39 ngày đêm chiến đấu, đến 4 giờ rưỡi sáng 7-5-1954 quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1… Sườn đồi nằm phía đường 7 tháng 5 trồng nhiều cây phượng, cây tếch. Sườn đối diện là vườn nhãn xanh tốt, hoa đang nở rộ. Đứng trên đỉnh đồi có thể nhìn thấy rõ cánh đồng Mường Thanh. Còn nhiều đường hào sâu, có nắp, của quân Pháp. Một chiếc xe tăng khá nguyên vẹn nằm gần hầm chỉ huy cứ điểm A1. Trên xe có một cây đại liên, và một khẩu đại bác nòng chúc xuống đất. Hầm chỉ huy này bị 2 đại đội của Tiểu đoàn 249 quân ta đánh chiếm đêm 6-5-1954… Còn sớm nhưng du khách đã kéo đến khá đông. Người ta chen lấn nhau chụp ảnh chiếc xe tăng. Người đứng dưới sờ nòng đại bác, kẻ trèo lên tháp pháo ngồi ôm khẩu đại liên cười toe toét. Qua khỏi hầm chỉ huy vài chục mét gặp hố bộc phá. Nom giống hố bom B52. Sâu độ 15 mét, đường kính chừng 40 mét. Tại đây chiến sĩ ta giật nổ khối bộc phá 960 ký lúc 20 giờ 30 ngày 6-5-1954, sức nổ đã tiêu diệt một đại đội địch. Đây cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Rời đồi A1 chúng tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, cách đó không xa. Cổng nghĩa trang cao lớn, uy nghi. Mộ nằm thành hàng, giống nhau, hầu hết không ghi tên liệt sĩ. Hai hàng thông đẹp, cao quá đầu người, xén hình chóp nhọn. Hai hàng chậu cây cảnh quí. Du khách rất đông. Những chiếc lư trên mộ đầy vun chân nhang… Ở giữa nghĩa trang có bốn ngôi mộ của bốn anh hùng quân đội, lớn hơn những mộ xung quanh chút ít. Giữa lô bên trái – nhìn từ cổng vào – là mộ Phan Đình Giót, quê quán: Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, hy sinh ngày 13-3-1954. Và mộ Trần Can, quê quán: Yên Thành – Nghệ An, hy sinh ngày 7-5-1954. Lô bên phải là mộ Bế Văn Đàn, quê quán: Phúc Hòa – Cao Bằng, hy sinh ngày 12-12-1953. Và mộ Tô Vĩnh Diện, quê quán: Nông Cống – Thanh Hóa, hy sinh ngày 21-1-1954. (Trong chiến dịch Điện Biên Phủ có 17 người được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Ngoài nơi này, còn một nghĩa trang liệt sĩ nữa nằm trên đồi Độc lập). Đua nhau chụp ảnh. Nhiều người chọn lựa chỗ đứng, góc nhắm, cố thu vào ống kính tên các anh hùng khắc trên tấm bia. Trong nhà mát cuối nghĩa trang một toán chiến sĩ mặc lễ phục trắng tập dượt những động tác dàn chào để các phóng viên VTV thu hình… Ở đây người đông nhưng không ồn ào, bầu không khí trang nghiêm bao trùm, khói nhang nghi ngút.

Tiếp đó, chúng tôi đi thăm hầm Đờ Cát. Có hai đường, một theo con đường nhỏ, gần đồi A1, chỉ xa vài trăm mét. Hai, theo đường dẫn đến cửa khẩu Tây Trang, (giáp biên giới Lào). Chúng tôi đi lối này. Nó xa, nhưng có thể kết hợp tạt ngang thăm đền thờ Hoàng Công Chất, (ở thành Bản Phủ, Noong Hẹt) – Ông quê Thái Bình, trước đây hơn 200 năm lên khai phá thung lũng này. Ông là lãnh tụ nông dân, khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc – Con đường nhắm về hướng tây nam, xuyên qua cánh đồng Mường Thanh quen tên. Mường Thanh khá rộng, lúa mới cấy chừng hơn một tháng, xanh tốt. Ghé Bản Phủ hai mươi phút, thắp nhang, chụp ảnh. Ở đây có một cụm cây to, nghe nói đã già 200 năm. Thoạt nhìn cứ tưởng là cây đa, nhưng thực ra nó có ba gốc (dính vào nhau) đa, si, đề. Chẳng có gì nhiều để xem.

Lên xe, gần mười phút sau, đến di tích hầm Đờ Cát… Gần cổng vào, đã thấy xác một xe tăng. Hầm tọa lạc trên một đám đất bằng, khá rộng. Lâu nay tôi vẫn tưởng hầm nằm trên gò, hoặc đồi. Nó nhỏ hơn tôi hình dung, dài chừng 20 mét, rộng độ 2 mét, sâu 2 mét, bên dưới ngăn ra thành ba phòng nhỏ. (Một là phòng Đờ Cát, một phòng điện đài, một của binh lính bảo vệ. Người ta kể: Đờ Cát có một cô thư ký, cô này ở phòng bảo vệ. Sáng ngày 7 tháng 5, khi thấy tình hình nguy ngập, Đờ Cát cho cô thư ký lên máy bay “di tản”, vài tiếng đồng hồ sau, ông ta ra hàng.) Đây là Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp. Vào lúc 17,30 giờ ngày 7-5-1954 tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật, đại đội trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, đại đoàn 312 chỉ huy tiến vào bắt sống tướng Đờ Cát Tơ Ri (Christian De Castries, 1902 – 1991) cùng toàn Bộ Tham mưu … Trên đám ruộng bỏ hoang cách hầm khoảng hai trăm mét có một chiếc xe tăng khác, trong vườn nhãn đằng xa cũng thấy xe tăng và nhiều súng đại bác. Khách tham quan đông nghịt. Nhiều người leo lên nóc hầm, cầm cờ phất cao, chụp hình. Người khác chụp trước cửa hầm. Và có những người chui tọt xuống hào, vào các phòng để chụp. Đủ kiểu. Du khách đến từ nhiều miền, nói đủ thứ giọng. Đội quân bán đồ lưu niệm làm ăn khấm khá. Họ bán vòng đeo tay, túi xách thổ cẩm, mũ vải, áo thun có in dòng chữ “kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Có điều đáng tiếc: phần lớn di tích mới chỉnh trang, tu bổ, thấy rõ vết cuốc, màu đất đỏ còn tươi nguyên. Nếu được làm trước vài năm, để nắng mưa phủ rong rêu lên các lớp bao cát, hầm hào thì chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được nét cổ kính của cảnh vật.

Từ hầm Đờ Cát về, còn sớm, chúng tôi ghé thăm chợ Điện Biên. Chợ không lớn lắm, người thưa, nhưng các sạp, quán đầy ắp hàng. Giá cả vừa phải. Nhiều hơn hết có lẽ là quần áo may sẵn, thổ cẩm. Áo đàn ông Thái 30 ngàn, 40 ngàn đồng một chiếc; váy phụ nữ, mỗi chiếc giá từ 70 đến non 200 ngàn đồng; túi xách đủ cỡ, nhiều kiểu dáng thì rẻ hơn. Những gói thuốc nam (rất nhiều tiệm bán loại này) trị thấp khớp, tráng dương bổ thận, tăng cường sức khỏe (như mấy cái nhãn ghi rõ), mỗi gói mỗi tên khác nhau: hà thủ ô, nghệ đen, sâu chít, bọ cạp, phấn hoa, ong đất, nụ hoa tam thất… đủ hạng, giá từ 20 đến 90 ngàn một gói. Cái khó là khách chẳng biết được giá trị chất lượng đích thực của món hàng, cứ nhắm mắt mua về ngâm rượu uống, chắc là không chết. Trái cây cũng nhiều: dưa, xoài, bom, lê, dưa vàng, ba ngàn một ký dâu, bảy ngàn một ký cam Trung Quốc… Những phụ nữ Thái đen gùi măng, rau, gà ra chợ. Có mấy cô gái H’Mông mặc váy đẹp như diễn viên trong các phim ca nhạc.

*

Bốn giờ chiều chúng tôi thăm đồi D1 (Pháp gọi là Dominique), nó khá gần chợ Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đồi D1 do Tiểu đoàn 3 Algérie trấn giữ, trực thuộc phân khu trung tâm của hệ thống phòng ngự 5 quả đồi phía đông của địch. Sau ba tiếng đồng hồ chiến đấu dũng cảm, lúc 20 giờ ngày 30-3-1954 quân ta đã tiêu diệt cứ điểm này. (Trong chuyến thăm nước ta, ngày 10-2-1993 Tổng thống Pháp Francois Mitterrand lên Điện Biên, ông đã đến thăm đồi D1. Không ở đâu nhìn bao quát cảnh chiến trường xưa tốt hơn đây.) Đứng trên đỉnh đồi có thể thấy toàn cảnh lòng chảo Điện Biên rộng hơn 200 km2. Lúc này, đây là công trường xây dựng, đang gấp rút lắp đặt tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngổn ngang máy ủi, máy hàn, đá, sắt, cần cẩu. Giàn giáo lởm chởm. Công nhân gọi nhau ơi ới. Bụi đồng từ trên tượng rơi xuống như mưa bụi. Theo báo chí, đây là công trình hoành tráng nhất, có số vốn đầu tư lớn nhất (về tượng đài đồng), ở nước ta từ trước đến nay. Mẫu của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, người đúc là Nguyễn Trọng Hạnh (quê Nam Định), đúc tại Nam Định. Khung của cụm tượng đúc bằng 220 tấn đồng, 185 tấn sắt thép. Toàn bộ kinh phí là 27 tỷ đồng, (có báo ghi 37 tỷ). Những công nhân đứng trên giàn giáo trông nhỏ xíu, chênh vênh. Du khách chụp ảnh, dù chưa xong, chưa gọn gàng, vẫn chụp. Dự tính, mọi việc sẽ hoàn tất trước ngày 30-4-2004. Đây là công trình văn hóa làm đẹp thêm cho thành phố Điện Biên anh hùng.

Nghỉ lại Điện Biên thêm một hôm để đoàn có thì giờ đi thăm các di tích Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập và các làng bản quanh thành phố. Sang ngày thứ ba chúng tôi đi tiếp, rẽ về đông bắc đến Sa Pa săn ảnh… Không thể nào nói hết được nỗi vui sướng, hạnh phúc của anh chị em trong đoàn. Tôi bảo mình hãy căng mắt nhìn cho rõ, ghi nhận mọi sự (như chụp ảnh) vào óc, bởi dễ gì có được chuyến đi thứ hai như thế này.

Điện Biên không phải thắng cảnh. Nó không giống Tuần Châu, Đồ Sơn, Hạ Long, Sa Pa… Điểm nổi bật của nó là giá trị lịch sử. Sau khi thăm Điện Biên về, ta không cần phải thuật lại những gì đã thấy cho người thân nghe, chỉ nói gọn: Tôi đã đến Điện Biên Phủ ./.

Sa Pa 6.4 – Tam Đảo 12.4.2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét