18 thg 11, 2014

SẼ BAY LÊN

   Truyện ngắn
LÊ VĂN THIỆN
            * *


        Ông Hàm ngồi dựa lưng vào gốc mít, nghe ông Xuyên nói đủ loại chuyện trên đời. Những lúc không còn gì để nói, ông Xuyên thường kể về những ngày cuối đời của vợ ông cho các bạn nghe. Ông kể đi kể lại, đã vài chục lần, toàn chuyện cũ. Bạn ông già cả, người gần chầu Chúa, người sắp vào lò thiêu, dư thời giờ, kiên nhẫn ngồi nghe, chẳng phản đối. Không nghe thì làm gì cho hết ngày.
        “Bốn ngày cuối Liêu không ăn, chỉ uống nước. Đêm ngủ, lúc trực giấc tôi thường thấy Liêu thức. Bà ấy không còn đau, rên như mấy tuần qua. Một khuya, Liêu hỏi: “Sau này chúng ta còn gặp nhau không, ông?”. Bất ngờ, nhưng tôi cũng trả lời ngay: “Chắc được. Rồi chúng mình sẽ gặp cả cha mẹ nữa”. Liêu thì thào: “Cha mẹ, bốn người… và các anh, chị”. “Phải, bà con, anh chị em, đông lắm, vài chục người”. “Tốt”. “Em nói gì?”. “Vậy là tốt, vui”. Tôi muốn hỏi, Liêu sợ chết không, nhưng ngại. Nhiều lúc, để Liêu yên tâm, tôi nói: “Không lâu đâu, ngó qua ngó lại, rồi tụi mình sẽ sum họp… Em thấy đấy, hơn 80 phần trăm đàn ông làng này chết trước 70. Sáu mươi năm cuộc đời, người ta hát thế”. “Tôi mấy tuổi, à, năm mươi sáu… Được ông gọi bằng em, tôi sợ!”. Sáu mươi năm, nghĩ theo kiểu cũ, nay mức thọ đã cao hơn nhiều. Năm mươi sáu, Liêu chưa già lắm, nhưng lại sắp đi. Từ trần, yên nghỉ, khuất núi, qua đời, có lẽ đây là khâu ám ảnh loài người lớn nhất.
        “Ông sẽ buồn”, Liêu nói, rất nhỏ. “Buồn gì?”. “Còn một mình, rồi ông…”. “Có thằng Thủ, đừng lo”. Liêu nói, như mê sảng: “Thủ vụng về, nó chịu ngọt, thích khen”. “Tôi biết… Không lâu đâu, rồi chúng mình sẽ gặp nhau”. Cũng lạ, tôi nhận ra mình không buồn lắm. Tôi nói, như bàn chuyện làm ăn: “Đàn ông ở đây hiếm người sống tới 70”.
        Ông Hàm lim dim mắt, như ngủ gật. Chẳng có gì mới, mấy chuyện này ông đã nghe mòn tai. Nghe thêm cũng không hại gì, chỉ hại trà, sáng đến giờ hai người đã nốc cạn ba bình trà. Nếu ông Hàm còn ngồi đây, lát nữa ông Xuyên sẽ nói về vụ bà Hợp, người tình của ông. Chuyện bà Hợp là truyện dài, kể hai ngày không hết… Dù luôn miệng rao to mình yêu thương vợ sâu đậm, nhưng bà Liêu mới chết non hai năm ông Xuyên đã cặp bà Hợp, người ở cùng xóm, góa chồng, ba con. Cuộc tình này sóng gió, ồn ào, do lũ con bà Hợp phản đối mạnh. Nhưng hai diễn viên chính của tình sử cổ thụ vẫn cứng cựa, vững vàng. Họ tiến tới như chiếc xe tăng, càn lướt qua mọi vật cản. Vậy rồi, ngày vui chóng tàn. Một hôm, cách đây bốn tháng, ông Hàm chới với khi nghe kép Văn Xuyên đổi giọng, từ mùi rệu chuyển qua chát chúa. Ông ta không tiếc lời chê bai, tố khổ bạn tình. “Đàn bà gì chẳng có chút dịu dàng, đi đứng huỳnh huỵch, giọng chua hơn me, nói như tiểu liên khạc đạn!”. Ông Hàm hỏi: “Sao lâu nay ông yêu?”. “Ai bảo tôi yêu, chỉ thích thôi. Lầm, tôi lầm, trước kia mụ khác, biết điều, vui tính”. “Chỉ là nhân tình, đâu phải vợ chồng, thích thì qua lại với nhau…”. “Người gì bạ đâu nói đấy, mở mồm là tiền bạc, ăn uống, quần áo, xe cộ, nay mê cái này mai muốn thứ khác, nhỏng nhảnh õng ẹo như gái mười bảy”. Ông Hàm đẩy đưa, nói cho có nói, không lẽ cứ im như câm: “Con người ai cũng có mặt mạnh mặt yếu, không phải thánh, ta nên châm chước”. “Càng ở với mụ tôi càng nhớ Liêu. Nay mai tôi tính đường khác, chắc sẽ phải nói thẳng là hãy tạm xa nhau vài tháng”. “Xa thế nào?”. “Chưa chia tay hẳn, chỉ là không gặp nữa… Anh ơi, mệt! Đàn bà gì mà mặt mũi trơ trơ, nói như chó sủa”. Ông Hàm bò ra cười. “Nay thấy rõ, mụ ta không thương tôi, mụ nhắm vào…”. “Vào gì?”. Chàng lãng tử luống tuổi nói bằng giọng đau khổ: “Tôi xin giữ bí mật chuyện này. Đến lúc nào đó, xét thấy thuận lợi, tôi sẽ nói anh nghe”.
        Hai con chó phóng ra ngõ, sủa inh. Ông Chấp đến. Vậy là đủ bộ, ba người. Gần như ngày nào bộ ba cũng ngồi với nhau, tán phào đủ loại chuyện, hoặc chỉ ngồi suông, rít thuốc uống trà rồi về. Cũng phải làm gì đó cho qua ngày. Ngồi nhìn trời mây, hoặc chẳng nhìn gì, ngồi nghĩ lan man mấy thứ chuyện vớ vẩn, hoặc không nghĩ gì, cũng là làm. Ông Xuyên hỏi khách: “Mặc đồ đẹp quá, tiệc tùng ở đâu vậy?”. Ông Chấp diện quần áo mới, mang giày bóng láng, tóc chải tém. “Tiệc gì đâu, bỗng dưng thích bận đồ đẹp”. “Uống ca cao hay cà phê”, ông Xuyên hỏi. “Anh cho ly đen”. Ông Xuyên gọi lớn: “Thủ ơi, ly đen cho bàn số 6”. Bàn số 6 là nói đùa. Không nghe Thủ dạ, chắc nó vù đi chơi rồi. Ông Xuyên vào bếp pha cà phê. Thủ là cháu ngoại, vợ chồng ông Xuyên nuôi từ nhỏ. Thầy bói bảo, tuổi nó xung khắc với cha mẹ, sống bên chú bác ông bà tốt hơn. Nó hiền, tướng mạo đẹp, nhưng hơi tốc. Xưa nay nó sống như cái bóng mờ, nhưng từ khi bà Liêu mất, vị thế của nó trong nhà này được nâng lên, sáng hơn, lớn hơn. Từ đứa lêu bêu quanh năm rong chơi, nay nó thành phó quản gia, phụ trách khâu chợ búa, nấu ăn. Nó tự nguyện, xung phong làm. Ông Chấp hỏi: “Thủ biết nhớ chị Xuyên không?”. “Biết, tối hôm kia nó khóc, mếu máo: con nhớ ngoại”. “Khóc là tốt”. “Không phải một, nhiều lần rồi. Nó chỉ chạm điện nhẹ, không khùng. Nó nhớ dai, học sáng”. “Sao dạo này trẻ con chập mạch, bất bình thường hơi nhiều”. Ông Chấp nói: “Có người bảo, do ăn uống”. Ông Hàm xua tay: “Tôi không tin, ăn thì tác động vào gan mật dạ dày, còn đây là chuyện của cái đầu… Nếu không có thằng Thủ, anh Xuyên bơ vơ đấy”.
        Ông Chấp nói chậm, như đọc chính tả: “Đời rộng lớn, tụi mình ở quê, như cóc nhái bơi trong ao, nên khó thấy vóc dáng to cao của thế giới”. “Thấy để làm gì?. Dạng tụi mình thì chỉ biết ăn theo nói leo vâng dạ lễ phép, không thấy không hiểu lắm khi lại tốt”. “Tốt cho ai?”. Im lặng. Hễ nói thêm, bàn rộng, đẩy vấn đề (bất cứ vấn đề gì) xa hơn, sâu thêm mức bình thường một tí là tắc tị, lúc nào cũng vậy. “Nghĩ đến chuyện 62 tỉ người từng sống trên trái đất này (đã chết), ta mới thấy kiếp người bọt bèo”. “Con số 62 ấy đúng tới đâu?”. “Dù nhỏ hơn số đó, như là 40, 50 tỉ, thì tính chất của sự kiện cũng không thay đổi”. Nghỉ một lát, người uống, người hút thuốc. Rồi ông Xuyên kể chuyện vui: “Vừa rồi tôi nói với Thủ: mai kia ông chết, con làm gì? Nó hỏi ngay: chừng nào ngoại chết! Tôi cười ba phút, khen: Mày hỏi hay! Một lúc sau, nó nói: ngoại chết, con không làm gì cả! Đâu còn ai ăn mà nấu cơm, ai uống mà pha cà phê pha trà, lấy quần áo đâu mà giặt!... Các anh biết không, chuyện làm bếp của nó là một vở kịch hài nhiều màn. Tối qua tôi đã ra chợ xã ăn phở trừ cơm. Nó bắt tôi ăn món canh khổ qua bốn ngày liên tiếp, mệt!”. Hai ông bạn già có dịp cười. Vui đấy. “Có lần nó, thằng Thủ ấy, chỉ tay lên trời hỏi tôi: trên xa, qua khỏi mây, phía sau cái màn xanh sẫm kia là gì, ngoại?”. Tôi đáp, là trời, trời cao. “Thế cao hơn nữa, xa gấp mười lần trăm lần là gì?”. Hơi khó, tôi nói bừa, là thiên đình, thượng giới. Con có nghe nói thiên đàng bao giờ chưa? Nó gật, có nghe, nhiều lần. Tôi bảo: đó là chỗ chúng ta sẽ đến khi chết”. “Vậy là bà ngoại ở trên ấy?”. “Phải, tôi nói ngay. Nói cho qua chuyện, chớ tôi biết gì!”. Ông Hàm tán thành: “Không phải anh, đa số như vậy, chẳng mấy người biết”. “Cái này gọi là vấn đề biết, người lớn mà không biết thì hơi khó coi”, ông Chấp nói. “Kể cho hai anh nghe chơi, đặc điểm của thằng Thủ là không sợ ai, không sợ gì. Nó nói, nhiều lần: con không sợ chết, ngoại à. Tôi hỏi, sao vậy? Nó cười toe: người ta chết được mình chết được! Chuyện gì cũng vậy, muốn thì làm, chán nó bỏ. Vừa qua, nó thông báo, tỉnh queo: chừng học hết lớp 10 con nghỉ. Tôi hỏi, sao vậy? Nó nói, tới đó đủ rồi, thêm nữa sẽ mệt, phí sức! Tôi im, vì biết mình có nói gì cũng bằng thừa”.
        Một công nhân nhà đèn đến thu tiền điện, ông Xuyên vào nhà lấy tiền. “Bạn Xuyên của chúng mình cũng mát như thằng Thủ”. “Có lẽ thế”. “Ông ấy nói nhiều gấp hai gấp ba trước kia, thường bàn về sống chết”. Ngẫm nghĩ giây lâu, ông Chấp đưa ra một nhận định: “Có lẽ do cái chết của chị Liêu tác động, nó là cú va đập cực mạnh”. “Cách đây mấy hôm ông ấy bảo, sẽ tìm cách để chết trước năm 70 tuổi”. “Lý do?”. “Mấy vị thầy bói, chiêm tinh nói tướng ông Xuyên thọ lắm, phải trên 80. Ổng muốn làm cho các thầy hố, xấu hổ”. “Trời đất! Kể cũng lạ, nghĩ thế là lạ”. “Tôi bảo, anh đừng phí công tìm cách chết, cứ sống thanh thản, chừng đến buổi, đến kỳ hạn thì sẽ chết thôi. Sống khó, chết dễ, xưa nay vẫn vậy”. “Anh ấy nói sao?”. “Chẳng nói gì. Tôi đưa ra một ví dụ, làng ta hiện giờ có mười bảy người trên 70 tuổi. Hơn hai trăm gia đình mà chỉ có chừng ấy người leo lên tới mức đó. Trong số mười bảy vị ấy có mười hai bà, năm ông. Dễ gì anh rơi vào tốp 5 ông mà vội lo”. “Những con số vừa nói ở đâu ra?”. “Tôi và vợ tôi đếm, tính, thống kê năm ngoái, chỉ là chuyện đùa, giải trí thôi”. “Hay. Người ta nói, thường nghĩ về cái chết thì sẽ bớt sợ chết”.
        Ông Xuyên trở lại. Yên lặng. Người uống trà, người nhắp cà phê, nhẹ nhõm. Rồi cuộc nhàn đàm rẽ qua khu vực khác. “Tôi mới đọc thấy một con số khủng: dân ta đi du lịch Ý, Pháp 8 ngày chi phí 64 triệu”. “Các hãng hàng không rao, phải không?”. “Quảng cáo trên báo. Vấn đề ở đây, dân ta đi chơi, nhưng ai đi. Tôi nhớ xưa giờ bà con làng mình, và làng vợ tôi, chưa ai đi như thế”. “Tôi không quan tâm ai đi. Anh thấy không, hai ba chục năm nay chúng ta không bước lên xe lửa mà xe lửa vẫn chạy đều, ba bốn mươi năm nay ta không vào sân vận động xem banh bóng nhưng bóng đá vẫn cứ sống”. “Nghĩa là…”. “Đó là, có ta hay không có ta thì đời vẫn thế, cuộc sống vẫn vậy”. “Nghĩ vậy là tích cực, hay nghĩ như không nghĩ?”. Chưa có ngay câu trả lời, nói cho vui, đó là chuyện lớn. “Du lịch châu Mỹ, châu Âu, đã đời, đi bằng máy bay…”. “Không lẽ chạy bộ… Nhưng nói gì đi nữa tôi vẫn cứ nghĩ, ai đi trong các chuyến hoành tráng đó?”.”Bỏ qua cho khỏe, biết làm gì”. Ông Hàm thở phì, nói lớn như vừa khám phá được chuyện lạ: “Nói chi xa vời, vô số bà con mình chưa biết Đà Lạt, Sapa, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, phải không?”. Im thin thít, đúng quá. Như vậy, chết là chuyện lớn, nhưng cạnh nó có thứ không lớn mà cũng đáng nói: sự quê mùa và cái nghèo.
        Ông Xuyên kể lại giấc mơ dài ông thấy đêm thứ bảy vừa rồi cho hai bạn nghe. Đây là loại mơ bay bổng, rõ, kỳ quặc: “Tôi gặp lại tôi và Liêu thời trẻ, cỡ ngoài 20 tuổi. Liêu đẹp, vui, cười suốt. Tôi chạy lúp xúp, chạy mãi, nên khi tỉnh dậy rất mệt. Sao cứ phải chạy, tôi không biết. Trên đường, gặp ai tôi cũng hỏi: trời sinh ra đàn bà để làm gì? Một cụ già quát: ngốc, không có họ làm sao có mi! Vậy là Liêu cười sằng sặc. Cô ấy chạy sát lưng tôi, mặt tươi rói, chỉ cười, chẳng nói tiếng nào. Gặp một thằng bé cao và đen, tôi cũng hỏi câu đó, trời sinh ra đàn bà để làm gì. Thằng nhỏ trợn mắt lè lưỡi trêu tôi: cha ơi, điên khùng, không có họ làm sao có ông! Liêu lại cười vang, khoái trá… Tôi chạy, từ đường này sang đường khác, quanh quẹo, mệt đừ. Chạy và hỏi mãi cái câu lẩn thẩn ấy, như gã rồ. Nhưng tôi không dừng lại, các anh biết vì sao không? Bởi tôi muốn thấy Liêu, được ở gần cô ấy. Tôi muốn hỏi một câu khác, mới, hay hơn, để người ta không chê, nhưng đầu óc tôi mụ mị, nghĩ mãi không ra. Sau cùng, chạy nhiều, mệt nhoài, gặp một bà cụ tóc bạc lưng còng mang mặt nạ cọp, tôi dừng lại, hỏi cụ, cũng câu đó. Bà cụ hét: đầu bò, ta đập chết mi bây giờ! Bà ta rống lên, như bò rống, rồi giựt mặt nạ quẳng xuống đất, lộ ra bộ mặt thật, mụ Hợp. Mụ Hợp nổi giận, mặt đỏ kè, tóc dựng ngược”.
        Thằng Thủ về, vào bếp bằng ngõ sau. Ông Xuyên xuống trò chuyện với nó. Ông Chấp nói: “Bạn Xuyên chập mạch hơn thằng Thủ. Ổng cứ kể mãi chuyện bà Liêu chết thế nào, nghe phát sợ”. Ông Hàm nhắc lại chuyện mấy vị thầy tướng số nói về cái tuổi 80, và việc ông Xuyên hứa sẽ sớm gặp lại vợ. Không hiểu sao, các ngài thầy bói, không trừ ai, đều bảo ông Xuyên sẽ thọ tới cỡ 80. Ông Xuyên cũng tin thế, vì ông bà, cha mẹ ông đều qui tiên vào độ tuổi ấy. Cái khó ở đây, ông đã nói (gần như hứa) với bà Liêu, ông sẽ sớm “về” với bà. Chờ đến 80 thì hơi lâu. Hơn nữa, ông muốn làm cho băng thầy bói mất mặt. Ông không thích họ!”. “Ngoài hai việc trên, tôi nghĩ có thể còn có những nguyên do sâu xa khác nữa”, ông Chấp nói. Ông Hàm đồng ý: “Phải, có thể đó là những kỷ niệm, ký ức riêng, đặc biệt, chỉ vợ chồng anh Xuyên biết thôi… Gút lại, điều dễ thấy hiện giờ là Xuyên lão quá, lẩm cẩm rồi, có lẽ anh ấy sẽ về trời trước tuổi 70, như anh ấy mong” ./.


29 thg 8, 2014

BIẾN MẤT




        Bà Cai ẵm bé Mơ đi chơi, để Tím tự do đón bạn. Tương đến, chở theo một thùng giấy, chắc là trái cây hoặc thịt, quà tặng bà Cai, như thường lệ.
        “Con nói với Tương, đừng biếu xén nữa, nhìn giống y hối lộ, dì không thích”. Bà Cai cằn nhằn nhiều lần, nhưng sự việc vẫn không thay đổi… Mối tình của đôi bạn vàng đã kéo dài hơn năm, mặn nồng và bấp bênh. Tương làm ở lò heo chợ Cát. Tím giúp việc nhà cho bà Thọ. Anh chị đều nghèo, ở quê lên. Hai công việc cùng thấp, kiểu bạ đâu làm đấy, không phải nghề.
        Ở lò chợ Cát đêm nào cũng có gần hai trăm con heo bị lên bàn thiếc, từ bỏ cõi đời. “Cái lò sát sanh gớm ghiếc”, bà Cai nói “con biểu thằng Tương xoay xở kiếm việc khác, làm ở đó mệt lắm”. Tím buồn xo. “Đâu dễ tìm việc, dì, người đông như ong như kiến. Tương thường nói, dù mình không hại con gì, nhưng xưa nay vẫn ăn thịt heo gà cá chim thì…”. Bà Cai gạt phắt: “Không thì là, con ơi, ăn vài miếng và mỗi đêm hạ thủ chục con heo khác nhau xa”. “Anh Tương không muốn làm nghề này, khổ nỗi mẹ anh ấy phải ăn phải uống thuốc đều đều, hai đứa em thì cần đi học”.
        Cuộc hội ngộ diễn ra như mọi khi. Tím chốt cửa, không bật đèn. Tương hấp tấp, chụp giựt, hôn loạn, sờ mó khắp. “Cứ như con sói cuồng”. Tím cười. Tương sống khác đời, thiên hạ ban ngày làm lụng, đêm làm tình, anh ta ngược lại. “Không phải sói, anh giống hề say”. “Sao lúc nào anh cũng thèm lạt, đói khát?”. “Không biết, tự nhiên nó thế”. “Em như mụ đĩ đói”. “Đĩ?”. “Ngủ nghê dưới ánh mặt trời thế này!”. “Nói như hát cải lương… Em không đĩ, anh quí trọng… anh hun chưn, hun mông em”. Tím thở khì. “Trời bày ra việc gì cũng có cái lý của ổng… trò này phải diễn ban đêm”. “Hiểu rồi!”. “Anh chở thùng gì lớn vậy?”. “Sầu riêng, thịt bò, cá sặc… Hôm nọ dì Năm (Cai) nói nhớ sầu riêng”. Trận địa là cái giường cũ. Cọt kẹt, cục kịch, hài hước, êm tai. Tím kể chuyện bà Cai phê phán việc giết gà heo. Đồ tể. Đao phủ. Đó cũng là nghề cần thiết, nhưng không ổn, giống nghề đứng đường của gái ăn sương, nhàn hạ nhưng không ổn. Nên tìm việc khác làm ăn. Người ta bảo, mỗi tháng thành phố này xơi gọn tám trăm con bò, gần vạn heo, vô số vịt gà. Không biết thì thôi, kể ra thấy sợ. Sợ không? Nếu chẳng thấy gì là đầu óc có vấn đề… Nhưng cuộc sống là thế. Phải ăn, ăn để có sức làm lụng. Có thể đổ lỗi, các thứ giết chóc khủng khiếp này do trời bày ra, nhưng nên phân chia phần vụ hạ sát, giết mổ cho nhiều người, mỗi người làm một giai đoạn ngắn. Sao trời không đặt định, con người chỉ cần ăn chút ít hoa quả là đủ sống? “Anh thọc… anh chọc tiết em!”. “Em nói gì?”. “Hôm trước anh nói thế, quên sao?”. “À, ừ, lúc đó anh say”. Cục cục, cọt kẹt, cái giường kêu theo nhịp không đều. Tím cười hơi lớn. “Em cười gì vậy?”. “Em nghĩ, trong một bữa tiệc nào đó, đông đúc lộng lẫy như cảnh trong các phim truyện, anh mặc vét, cà vạt đỏ, cặp tay em, chúng ta đi trên thảm đỏ, rồi em hớn hở giới thiệu anh với mọi người: đây là ông Đậu Tương, đao phủ ưu tú của hẻm 20 phường 30!”.
        Bà Cai kể chuyện một ông làm nghề đập đầu bò, thiến heo, ở cạnh nhà bà, dưới quê. Đem so với mấy vị mần heo ở chợ Cát thì ông thợ thiến bé nhỏ, chẳng thấm vào đâu, nhưng hậu vận ông ta đen, bi thảm. “Con nghe nói về nhà máy xơi tái gà loại khủng ở Biên Hòa chưa?”. Đó là lò mổ gà lớn, dạng công nghiệp, máy móc lổn nhổn, công nhân đông, mỗi ngày hóa kiếp hơn vạn con gà. Đơn giản, bình thường, có sao đâu? Nhiều người nói vậy. Theo mắt nhìn kinh doanh, nó – cái lò ấy – cũng tựa như khu vườn mỗi sáng cung cấp trăm giỏ trái chín, như nhà máy sữa tung ra những thùng sữa tươi. Và, điều cần thấy là, các ông chủ nhà máy ấy ngày càng phất, phỡn, lớn, không có tí dấu vết đồ tể nào bám trên quần áo, mặt mũi họ. Bà Cai nhấn mạnh: “Mặc kệ, để họ nổi, ta đi đường ta. Cũng như thấy bọn lừa đảo, gian tà lên chân, cứ để chúng lên, mình không thèm muốn, đừng bắt chước làm theo. Nói dễ, nhưng không thèm là điều khó”. Bà Cai giúp việc nhà cho bà Thọ đã hơn bốn năm. Bà giữ nhà, trông trẻ. Tím đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc chim cảnh hoa kiểng. Cùng thân phận làm thuê ở mướn, hai người mau chóng thân nhau. Tím thích bà bạn già, do bà thiệt thà vui tính. Bà hay nói, kiếp này ta bần hàn tệ lậu thì cố kiếm cái gì đấy để dành cho kiếp sau. “Có kiếp sau, con ạ, cây cỏ bò ngựa chim chóc không có, nhưng người có, các thầy ở chùa Phổ Đà nói về vụ này hay lắm. Am miếu đền chùa nhà thờ đã sống mấy ngàn năm, và còn sống mạnh, là bằng chứng cho điều đó… Con ơi, nên nhớ, lúc nào trên đời cũng có hàng triệu tu sĩ, đó chính là lương tâm loài người, họ không phải những gã ăn hại, chập mạch, mất trí”. Bà nói có lý. Sống mãi trong môi trường máu me đâm xẻo ấy trước sau người ta cũng sẽ lệch lạc, phát cuồng. Thì đấy, trong lần say đậm sau cuộc nhậu lớn, ôm Tím trong tay, Tương lè nhè giọng mê sảng: “Anh chọc tiết em”.
         Hết hiệp một, anh chị giải lao, như đá banh. Hơi hồi hộp. Không phải nhà mình, làm sao thoải mái. Bà Thọ, chủ nhà, có thể về bất ngờ. Bà ít khi xuống đây, căn phòng chứa đồ cũ, nơi ở của người giúp việc. Biết vậy, nhưng những tim vẫn đập nhanh, những mắt cứ lấm lét – Tương mở thùng quà, đem thịt cá cất vào tủ. Tím pha cà phê… Vào hiệp hai, không khí có vẻ trầm lắng, buồn. “Mãi mà em vẫn không quen”. “Quen gì?”. “Trò tụi mình đang làm, sao nó giống như heo bò”. “Đừng nghĩ xa, biết làm sao bây giờ, trước nay vẫn vậy mà”. “Em muốn nói, lẽ ra thứ này nên diễn trong bóng đêm”. “Biết rồi!”. Cục kịch. Cọt kẹt. Cái giường khốn khổ. Anh thọc huyết em. Lôi thôi và buồn cười.
        Xong việc, Tương kể lại bữa tiệc chia tay đồng nghiệp của anh, cách đây bốn hôm. Người ra đi là Thô, mới làm ở lò bảy tháng. Anh Trai, tổ trưởng, gương mặt kỳ cựu của lò chợ Cát, bỏ tiền ra chiêu đãi – Thô nhỏ con, trắng, dáng học trò, khó hòa hợp với nghề này. Nó nói, kẹt quá, không làm thì đói, chẳng lẽ đi ăn mày, nên nó chui vào đây, hồi còn ở nhà cắt cổ con vịt nó cũng ngại. “Tuần đầu tiên, tận mắt thấy đâm đập thọc cắt với máu me hấp hối chết, em nuốt cơm không biết ngon”. “Trước kia anh cũng vậy, anh cũng là người”. Trai gục gặc, thông cảm. “Giờ em hiểu, thương cho mấy cô nàng thậm thụt đứng đường ban đêm”. Anh Trai trợn mắt. “Cái đó thì chưa chắc, bé ạ. Tụi con gái ma lắm, nhiều đứa nằm ngửa vì lười, chẳng phải túng đói cùng cực gì ráo!”. Thô tâm sự, một người bạn thân vừa tìm được một việc làm tốt, lương khá, nhường cho nó. Chỗ này cách thành phố hơn 20 cây, nhưng không trở ngại lắm. “Em đi, dứt khoát, chẳng vương vấn gì?”. Trai hỏi. “Dạ. Em sẽ nhớ các anh, anh và Tương tốt”. Thô đáp, lí nhí. Trai nói, anh không lạ chuyện này, sáu năm qua đã có nhiều người ra đi, hơn mười người. Đến rồi đi, như đất trời chuyển vần, bình minh rồi hoàng hôn. Dễ sợ. Sợ là phải. “Ai cũng ăn thịt ăn cá, nhưng không phải ai cũng muốn giết chóc. Vì sao anh làm lâu được? Bởi anh nghĩ, trời cao sẽ thấu hiểu anh, sau này các tòa án ở tít trên mây hay dưới âm ty sẽ thông cảm, châm chước, không phạt nặng anh. Nghĩ coi, anh đâu muốn ra đời trong cái gia đình nghèo mạt… Nhớ xem, mỗi ngư dân giết bao triệu mực cá tôm cua trong chuỗi năm lênh đênh trên biển của họ? Cá cũng như heo, sát sanh là sát sanh. Có quan, có lính. Ai cũng ngồi trong ghế bành thì ai gieo trồng gặt hái hoa quả đậu lúa?”. Trai cười. “Nghĩ thế nên anh trụ được ở lò lâu. Ý nghĩ đen, ngụy biện, phải không? Uống đi, mừng em tìm được con đường sáng. Thô, em nói gì đi”. Say mềm, Thô nắm tay Trai, ấp úng “Anh cho em nói thiệt, em vẫn không hiểu, sao anh có thể làm đến sáu năm. Lẽ ra không nên hỏi vậy, em biết, nhưng từ mai chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa”. Cuộc nhậu trôi về cuối, mặt Trai tái, anh nói ít, cười nhiều. Càng uống anh càng vui. Thô thì ngược lại, nó ủ rũ như vừa đánh mất bạc vàng. Trai moi túi quần lấy ra một chiếc điện thoại. Anh nói, cái này cũ, giá chỉ 4 triệu nhưng là của hiếm, tìm khắp thành phố chưa chắc gặp chiếc thứ hai cùng loại, anh sẽ tặng nó cho đứa nào nghĩ ra được cách có thể khóc ngay trong vòng 3 phút. Khóc như đào kép diễn kịch. “Nào, 3 phút bắt đầu”. Hai chàng trẻ ngồi yên. Năm, rồi mười phút qua mau. “30 phút, 3 giờ cũng bó tay, khó quá!”. Thô chịu thua. Tương cũng thua. Trai khoái chí. Anh tiết lộ, anh có tài lạ, có thể khóc dễ dàng, ngay lập tức, khi nghĩ (hoặc nghe nói) đến chuyện chia ly, lần cuối, tử biệt, từ giã. Hồi nhỏ đi coi hát, thấy đào kép khóc anh khóc theo, luôn luôn. “Muốn anh diễn thử không?”. Tương xua tay “Thôi, khóc mất vui. Kể ra cũng lạ đấy… Em thì khác, rất khó khóc. Hồi ông nội em mất, trong lễ cuối, trước khi di quan, nhiều người khóc, em tỉnh queo. Má em bảo nhỏ, khóc chút đi con, nghe mắc cười, em cười!”… Bữa tiệc ba người kéo dài từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng. Thô khóc. Trai khóc. Chai đá như vậy mà cũng dễ xúc động. Chắc Trai nghĩ về phút chia tay, ly biệt? Anh khóc ngon lành, như vợ chết.
        “Tím ơi, pha sữa cho Mơ”. Bà Cai gọi. Tím dạ lớn. Đây là mật khẩu, báo cho anh chị biết, cuộc gặp mặt đã hơi lâu.
        Mười hai ngày sau.
        Bảy giờ sáng, Tương đến tìm Tím, sớm hơn thường lệ. Bà Cai đón chàng khách quen với bộ mặt ủ dột. “Tím đi rồi, cháu à”. “Tím đi, đi đâu dì?”. Tương sửng người. “Nó bỏ đi, chẳng nói với ai tiếng nào, ba ngày rồi”. Tương ngồi thụp xuống thềm, như vấp té. “Bà Thọ gọi điện hỏi cha nó, ông ấy cuống cuồng chạy ngay lên đây, thất thần, lo rầu”. Tương chở theo một bao nhỏ, như các lần trước, chắc là quà hối lộ. Bà Cai mời khách vào nhà uống trà, nhưng Tương lắc đầu. “Theo dì, sao Tím bỏ đi?”. Bà Cai chịu thua. Bà Thọ bảo, bà nghĩ không ra vì sao Tím đi, không nói không chào ai, như trốn chạy. “Tím, Tím ơi!”. Tương rên, như gã rồ. Hôm trước Thô ra đi, nay Tím bỏ đi, vậy là họ vứt chỗ tối ám, tìm nơi sáng mát? “Chắc Tím bỏ cháu, cô ấy ghê tởm nghề đồ tể”. Ngẫm nghĩ một lúc, bà Cai an ủi Tương: “Chưa chắc đâu, cháu… ta chờ, vài hôm nữa xem sao”.
        Ngồi chờ, chắc phải vậy, còn biết làm gì hơn. Tương nói, như tự thú. “Rõ ràng trên đời này chẳng ai yêu nghề giết mổ. Nó dữ dằn, bạo liệt. Nó tàn nhẫn, bất nhân. Bộ mặt thật của nó phơi bày rành rành, ai cũng nhìn thấy. Ông Gia, chủ lò, thấy rõ hơn ai hết, nên những thợ lành nghề thường được thưởng to, bên cạnh lương tháng luôn có quà đặc biệt. Tương tính, ráng làm vài tháng nữa, kiếm thêm mớ tiền rồi đổi nghề. Sẽ đổi, chắc chắn. Tím đã nói nhiều lần, đây là công việc vững vàng nhưng không ổn. Phải nghĩ đến con đường dài sau này, hậu vận, tích đức. Ta không làm được việc thiện thì cũng không nên tạo ác. Chuyển qua nghề khác, có thể ít lương hơn, có khi ngày chỉ ăn một bữa, cũng phải chuyển. “Ra đi, chắc nó đã nhìn thấy con đường mới”, bà Cai nói, như vỗ về, trấn an mình, “đừng lo rầu quá, cháu ạ, Tím khôn ngoan, biết nghĩ”. Tương về, để lại bao quà tặng bà Cai, như thực hiện nghi lễ hối lộ cuối cùng ./.

15 thg 8, 2014

CÁCH LÀM TƯƠNG (st)


LÀM  TƯƠNG  ĐẬU  NÀNH
(Cách của Ô. B. Vĩnh Luyện)
  
        Đậu nành chọn thứ già và đều hột. Ngâm nước lạnh một đêm, mai vớt, để ráo, rang vàng đều, màu cánh gián. Số lượng muối: Lấy muối bỏ vào nước nấu cho đến khi muối không tan được nữa. Ước lượng 30 kg đậu chưa rang, khi rang rồi phải ngâm 2 đôi nước muối (độ 20 kg muối).
        Đậu rang rồi, lấy một ít nước lạnh (không muối) đổ vào luộc cho mềm. Vớt đậu ra để thực nguội, đổ ra nia, khỏa bằng, phủ lá chuối cho kín để vào phòng không có ruồi hoặc che bằng vải mùng.
        Năm, sáu hôm sẽ thấy mốc vàng, mốc xanh. Lấy mốc ấy đem ngâm nước muối (nhớ giữ lại nước luộc đậu lúc trước để ngâm chung với nước muối).
        Khi ngâm phải bóp những hạt đậu đóng cục cho rời ra. Ngâm rồi phải phơi nắng hoài (thiếu nắng sẽ thối).
        Nhớ đậy hở trên lu một miếng kính cho hơi bên trong có thể thoát ra. Tấm kính này có công dụng để ánh nắng xuyên vào lu và che nước mưa bên ngoài. Đồng thời, nhớ bao miệng lu bằng mùng để rùi nhặng không xâm nhập. Ngâm như vậy chừng 6 tháng sắp lên mới ăn được. Để càng lâu càng tốt. (Nước dùng nấu luộc đậu phải là nước mưa, nước giếng không phèn. Nước máy có eau de javel không dùng được)./.
 -------------------------------------- 



TƯƠNG  CỔ  TRUYỀN

        Nếp lứt và đậu chọn loại thật tốt, lựa như trên: đậu tròn hột, màu vàng. (Nếp đậu bằng nhau). Nếp phải ngâm nước 3 – 4 tiếng đồng hồ, bỏ vào nồi hong cho chín như xôi. Đem xôi ấy đổ ra cho nguội, trải dày 2 – 3 phân trên nia. Lấy lá chuối, lá nhãn hay lá ngái đậy lại, để chỗ thoáng. 2 ngày xem chừng một lần. Thấy mốc lên nhiều, dở bớt là ra cho hết nóng rồi đậy lại như cũ độ 7 ngày thì mốc lên đủ, đem phơi nắng 2 ngày, vò bóp cho rời hột.
        Trong khi làm mốc được 2 ngày thì bắt đầu nấu đậu đã rang (rang vàng lợt hơn đậu rang làm misô nói trên) cho chín. (Nước phải nhiều hơn 4 lần nước làm misô). Chín rồi, sang qua lu, đem dang nắng 7 ngày. Bây giờ đem mốc nếp và cả đậu cho vào lu lường 1 thùng thiết nước (20 lít) cộng với 12 lon muối rang. Nếu ít nước, phải nấu nước muối đổ thêm vào. Để 6 tháng, tạm dùng được. Muốn dùng chữa bệnh phải để cho được 3 năm, càng lâu càng tốt.
Ø Chú ý:
Trong thời kỳ dang ngoài nắng, cứ mỗi buổi sáng sớm, lấy cây quậy 5 – 7 vòng trong lu cho đều. Quậy độ 3 ngày như thế làm cho đều muối, rồi đậy nắp kỹ, dang ngoài nắng ./.
--------------------------------- 



TƯƠNG TA (TƯƠNG HẠT LỎNG)

        Chuẩn bị 1 thùng đáy tròn (bằng tôn hoặc i-nốc) sức chứa 50 lít, có nắp; 1 cái thạp (vại, chum) sành lớn có nắp; 1 chậu sành (hoặc thau nhựa) có nắp; 1 cái xửng (chỏ) lớn; vài cái nia lớn; một số lá ngái hoặc lá nhãn, lá chuối (rửa sạch và lau khô); vài bao bố (bao tời, bao gai); 1 que tre cỡ chiếc đũa; 1 cối giã; 1 thanh tre to bản dài độ 1,5 mét.
10 lon đậu nành
10 lon nếp lứt
10 – 12 lon muối sống
25 – 30 lon nước lã.
Chọn đậu và nếp loại tốt, sàng sảy riêng từng thứ và lựa bỏ hết sạn đất, hạt hư, thóc, trấu. Rang vàng đậu nành, xay tách đôi và sảy hết vỏ.
        Đổ nước vào thùng, đun sôi, bỏ đậu vào, đậy nắp, nấu 5 – 6 giờ cho chín mềm. Đem cả nước lẫn đậu trút vào thạp để ngoài trời, phơi nắng 7 – 9 ngày (ban đêm đậy lại), thấy bọt nổi lên thì dùng muỗng lớn vớt hết đổ vào chậu (hoặc thau) để kế bên và cũng phơi nắng theo thạp nước đậu.
        Phơi nước đậu được 1 ngày, đem nếp đãi sạch và ngâm nước 4 – 5 giờ; vớt ra bỏ vào xửng (chỏ) đặt lên bếp hong độ 2 giờ. Mở vung, lấy đũa cả xới đảo đều trên dưới; đậy vung lại, hong 2 giờ nữa cho nếp chín thành xôi, đổ ra rá để thật nguội. Lấy lá lót kín mặt nia, đỗ xôi vào trải đều thành một lớp dày 1,5 – 2cm; dùng lá (hoặc cái nia) khác đậy lại, bên ngoài lấy bao bố trùm kín. Để nia xôi trong nhà chỗ sạch sẽ thoáng khí độ 3 ngày thì mở ra xem: thấy xôi lên “mốc” vàng, đỏ cam hoặc xanh lục (mốc hoa cau) là tốt; nếu có mốc trắng (hoặc đen) thì dùng que tre gạt bỏ, nếu hơi nóng bốc lên nhiều thì mở hết đồ đậy để thoáng 4 – 5 giờ cho hơi bay bớt rồi đậy lá (hoặc nia) và bao bố lại để thêm 4 ngày nữa cho mốc tốt lên đều. Mở trống các nia xôi đem phơi nắng 1 – 2 ngày cho khô. Gỡ lấy xôi mốc khô bỏ vào cối giã và vò bóp cho rời từng hạt.
        Trong lúc đang ủ mốc, đặt trả đất lên bếp, bỏ muối vào, đậy vung, đun lửa lớn “hầm” chín (nổ reo đều) rồi cho vào cối giã nhỏ.
        Đổ xôi mốc với muối hầm và phần nước bọt (ở chậu hoặc thau) vào thạp nước đậu, lấy thanh tre khuấy trộn đều. Phơi nắng 3 ngày nữa, mỗi sáng khuấy trộn đều. Đậy nắp kín để độ 8 tháng là ăn được (thỉnh thoảng mở nắp, khuấy đều và phơi nắng), dùng làm nước chấm rất ngon và bổ dưỡng. Tương lâu năm (để 3 năm trở lên) dùng làm thức uống tăng lực, giải độc, cấp cứu bệnh tim hoặc trị các bệnh về hệ tuần hoàn và tiêu hóa rất thần hiệu (xem sách “Ăn Gạo lứt Muối m蔓Phòng và Trị bệnh theo Phương pháp Thực dưỡng Ohsawa” của ông Ngô Thành Nhân”./.


--------------------------------------

TƯƠNG  ĐẶT  MISO  (Hatcho  Miso)
    
        Chuẩn bị dụng cụ như ở món “Tương ta”, nhưng thùng lớn chứa 60 – 70 lít. Thêm vài cái rổ dày lớn; vài cái xô; 1 vỉ tre tròn đan sít bỏ lọt miệng chum; vài viên đá nặng tổng cộng 15 ký. Không cần xửng.
12 ký đậu nành
3 ký đậu đỏ
2½ - 3 ký bột gạo lứt hoặc bột bắp rang
Độ 40 lít nước
Độ 30 lon muối hột.
Chọn đậu nành và đậu đỏ loại tốt, sàng sảy riêng từng thứ và lựa bỏ hết sạn, đất, hạt hư. Rang hai thứ vàng sậm.
Đổ nước vào thùng, đun sôi, bỏ đậu nành vào, đậy vung nấu độ 3 giờ. Thêm đậu đỏ nấu chung 2 giờ nữa cho tất cả chín mềm.
        Vớt đậu ra rổ (kê trên cái xô) để thật ráo. Đem nước nấu đậu và nước hứng trong xô đổ vào chum để ngoài trời; ban ngày mở ra phơi nắng, đêm đậy kín.
        Để đậu thật nguội, rải bột gạo (hoặc bột bắp, hoặc 1 ký xôi mốc khô giã mịn – xem món “Tương ta”) và trộn bao đều từng hạt đậu. Trải đều đậu trên mặt nia thành một lớp dày 2 – 3cm; lấy lá (hoặc giấy báo, giấy bao xi măng sạch) phủ kín và lấy cái nia khác đậy lên trên, để trong nhà chỗ sạch sẽ thoáng khí. Hai ngày sau mở ra xem: thấy đậu lên mốc vàng, đỏ cam hoặc xanh lục (mốc hoa cau) là tốt, nếu có mốc trắng (hoặc đen) thì dùng đũa tre gạt bỏ và để hở thoáng vài giờ. Đậy lại để thêm 1 – 2 ngày cho mốc tốt lên đều. Mở đồ đậy, gỡ lấy đậu mốc.
        Trong lúc ủ mốc, đem muối “hầm” chín và giã nhỏ. Bỏ nuối vào chum nước đậu, dùng thanh tre khấy tan; trút đậu mốc vào, trộn đều. Phơi nắng 10 ngày (3 ngày đầu mỗi sáng khuấy đảo đều trên dưới), rồi nhét vỉ tre vào chum đặt nằm lên tương (có thể dùng vài thanh tre gài ở trên) và dằn đá ép đậu xuống, đậy nắp kín để 1 năm rưởi là ăn được (thỉnh thoảng mở ra, khuấy đều và phơi nắng); để trên 3 năm dùng trị bệnh rất tốt. Khi đã để miso đủ thời gian cần thiết, thì vớt đậu ra cái rổ (kê trên cái xô) để ráo bớt nước; đem giã hoặc xay nhuyễn rồi trút (với nước hứng trong xô) trở lại chum, khuấy trộn đều tất cả thành bột hồ màu nâu sền sệt như kem để dùng dần.
        Muốn có nước tương để chấm, nêm thì pha lỏng miso với nước chín (nước sôi, nước canh, nước cốt rau củ nấu chín, v.v…); hoặc bỏ miso vào túi vải để trong rổ thưa kê trên cái thố sành; đặt tấm thớt hoặc tấm gỗ trên túi và dằn một viên đá nặng để ép nước cốt miso chảy xuống thố lấy đem dùng.
        Miso là loại gia vị không những bổ dưỡng, mà còn có tác dụng giải độc (thuốc lá, rượu, phóng xạ, hóa chất độc, thời khí, v.v…); dùng ăn với cơm, cháo, phết bánh tráng nướng, bánh mì, v.v…, hoặc nêm món ăn rất ngon (có hương vị tương tự phô mai).

        Nếu dùng nêm thì đợi khi món ăn gần nhắc xuống khỏi bếp mới pha lỏng miso với nước chín hoặc nước nấu thức ăn rưới vào và khuấy trộn đều, vì nấu lâu sẽ hủy hoại các chất men trợ tiêu hóa quý giá có trong miso và làm miso trở nên đắng (trừ các món cần Dương hóa tối đa như “Tương xào Tekka”) ./.

8 thg 7, 2014

LAI RAI CHUYỆN CŨ


         
            Hai mươi năm đã qua rồi
            cát vàng bờ nọ đổ bồi bến kia
            ta về vót giọng chim khuya
            trên sông bèo bọt chia lìa nhau đi.

NÓNG LÊN: Ngày 4/11/1989, chính phủ Ba Lan ra tuyên bố về vấn đề tương lai của hai nước Đức. Tuyên bố viết: “Chủ tịch và chính phủ Ba Lan, tất cả các lực lượng chính trị và xã hội Ba Lan đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình, rằng bất kỳ một cuộc thảo luận nào về tương lai hai nước Đức đều phải tính trước hết đến việc bảo đảm an ninh cho các nước láng giềng của họ và của châu Âu”.
Ba Lan không thể thờ ơ trước những sự kiện của hai nước Đức, đặc biệt là trước những ý định gần đây của một số giới chức nhằm thống nhất Đông Đức và Tây Đức. Xét về mặt lịch sử, Ba Lan nói, họ có quyền bày tỏ lập trường của mình về vấn đề quan trọng này. Tuyên bố nhấn mạnh: điều kiện cho sự ổn định và an ninh châu Âu là việc cân bằng về quân sự. Vi phạm những nguyên tắc cân bằng đó là hoàn toàn đi ngược lại tinh thần văn bản của các định ước về an ninh và hợp tác ở châu Âu.
Ba Lan quan tâm phát triển các quan hệ tốt đẹp với hai nước Đức, trước sau như một, tôn trọng sự bình đẳng trong đối xử, giao tiếp giữa các nước. Ba Lan nhấn mạnh, họ không chấp nhận luận điểm của những kẻ có ý định phục thù cho rằng biên giới Ba Lan – Đức vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Đường biên giới đã hình thành mấy thập niên qua là bất khả xâm phạm và dứt khoát không thay đổi.
  (Quý Vương, Le Figaro 6/11/1989)
PHÁT MINH ĐEN: Trong thế chiến 1 (1914 – 1918), nước Đức đã dùng vũ khí hóa học lần đầu tiên. Ngày 3/1/1915, ở Bolimav (Ba Lan), quân Đức đã bắn những viên đạn súng cối chứa hợp chất brom làm chảy nước mắt, và ngày 22/4/1915, ở mặt trận Ypres (Pháp) vào lúc 5 giờ chiều, xuất hiện một đám mây vàng lục, tỏa rộng 6 km2. Đó là khí clor rất độc, làm cho non 5.000 quân Pháp chết và hơn 15.000 bị thương. Trong suốt thế chiến này, 124.000 tấn chất độc đã được dùng, khiến cho gần 100 ngàn người chết, hơn triệu người bị thương.
Từ năm 1935, nhiều chất độc mới được phát minh. Chúng làm tê liệt hệ thần kinh, ngưng sự hô hấp và hoạt động của tim. Đáng nói, những chất đó có thể vào bằng đường hô hấp hay đi qua da. Trước khi chết, nạn nhân nhức đầu dữ dội, con ngươi khép lại, bắp thịt giật, ngộp thở. Đó là những hợp chất hữu cơ chứa phosphor, như thuốc trừ sâu – Ngoài ra, còn có những tác nhân làm cho cơ thể liệt kháng nhưng phải bị những liều mạnh mới chết. Đó là những chất loại benzilat. Chúng cũng có thể gây nên những rối loạn cho thị giác hay cho tiêu hóa, áp huyết giảm xuống, cơ thể tê liệt.
Trên đây là vũ khí hóa học cũ. Hiện giờ (1983) đã có loại mới, gọi là vũ khí hóa học “nhị phân”. Loại này gồm 2 chất không độc đựng trong hai nơi riêng rẽ, khi dùng thì cho chúng hòa trộn với nhau, và bấy giờ, chúng mới trở nên độc. Cụ thể là, trong đạn hóa học hai thành viên vẫn nằm riêng, khi đạn được bắn đi chúng mới trộn vào nhau và cho một chất độc thần kinh… Vũ khí hóa học nhị phân có nguy cơ lan tràn tới những nước có nền công nghiệp còn thấp kém và không có những biện pháp bảo vệ an toàn.
   (Nguyễn Tú, Panorama 14/9/1983)
ANH EM: Từ ngày 3 đến 16/3/1986, Trung Cộng bắn gần 10 ngàn viên đạn pháo vào bảy khu dân cư thuộc các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng (Cao Bằng), Quảng Bạ, Vị Xuyên (Hà Tuyên), Đình Lập (Lạng Sơn), Quảng Hà (Quảng Ninh) của VN.
Riêng huyện Vị Xuyên (của Hà Tuyên) chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3, đã bị pháo binh Tàu dội hơn 4 ngàn viên đạn pháo các loại – Nửa tháng qua, lính Bắc Kinh đã mở mười vụ xâm nhập, tung biệt kích, thám báo sang phá hoại các khu vực thuộc huyện Quảng Hà (Quảng Ninh), huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), huyện Phong Thổ (Lai Châu), huyện Quảng Bạ (Hà Tuyên). Ngày 2/3, một toán lính Tàu xâm nhập sâu vào VN ở khu vực mốc 39 thuộc huyện Hạ Lang (Cao Bằng), chúng bắt đi hai nông dân đang chăn trâu. Ngày 7/3, một toán Tàu khác xâm nhập vào mốc 2 thuộc huyện Quảng Bạ (Hà Tuyên), bắt đi một người đang cày ruộng… Quân VN tại Quảng Ninh, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lai Châu, Hoàng Liên Sơn cảnh giác cao, đánh trả kịp thời, diệt nhiều lính Bắc Kinh gây sự.
   (Bửu Hà, Phổ thông TM 18/3/1986).
TIỀN NĂM 1991: Nay giá vàng khá ổn định, đầu tuần có giảm chút ít, và ổn trong cả tuần. So với tuần trước, giá vàng ký giảm 4.000 đồng một chỉ, vàng nhẫn giảm 3.500. Giá vàng thế giới cũng giảm khá mạnh, giữa tuần chỉ còn 365 USD một ounce, giảm 5 USD so với tuần trước.
Đôla ở thị trường chợ đen tuần qua cũng ổn, so với tuần trước giảm 50 đồng một USD. Giá đôla chợ đen nay giao động ở mức 11.200 đồng ăn một USD. Tỉ giá mua bán đôla ở Trung tâm Giao dịch ngoại tệ đầu tuần là 10.830 đồng / USD. Giá của ngân hàng ngoại thương, mua: 10.830 đồng/USD – bán: 10.880 đồng/USD… Giá vàng ở các tỉnh An Giang, Huế, Sài Gòn lại tăng chút ít. An Giang 480.000 đồng / chỉ – Huế 481.000 đồng / chỉ – Sài Gòn 468.000 đồng / chỉ.
  (PV. Kinh tế T.T, 24/5/1991)
TRỞ VỀ: Trong cuộc họp báo sáng 19/7/1988 tại Hong Kong, nhân viên phụ trách vấn đề người tị nạn của Hong Kong cho biết, các thủ tục nhằm đưa số thuyền nhân VN đang ở tại Hong Kong trở về nước đợt đầu đã hoàn tất. Hơn 320 người Việt sẽ hồi hương. Cao ủy LHQ phụ trách vấn đề dân tị nạn đã thuê một máy bay của hãng hàng không Trade Land Air để đưa 86 thuyền nhân (đợt 1) về VN vào chiều 26/7.
Hong Kong còn nói, tháng tới họ sẽ tổ chức một đợt nữa để đưa những người còn lại về quê – Trong khi đó, rất nhiều người trong số 10.764 thuyền nhân VN ở Hong Kong đã thấy rõ, họ không còn lý do để tiếp tục ở lại đây, và thuyền của họ đã bị phá tan tành. Một số người không dám dự các cuộc phỏng vấn để xem họ có phải dân tị nạn hay không. Một số khác sau khi dự phỏng vấn, đã không đến nhận giấy báo kết quả, vì họ biết chắc mình đã bị xếp vào loại di dân kinh tế.
  (Phú Khương, Bangkok Post 21/7/1988).
BẾN QUÊ
            hai mươi năm chẳng còn gì
            nước xuôi, cầu gãy, người đi không về
            bến quê lạnh suốt bốn bề
            còn trên không mảnh trăng thề gầy hao
            hai mươi năm qua rồi sao ?
            tóc xanh bạc tự giờ nào không hay
            tài hoa trôi dạt chân mây
            bến quê gió lộng đêm ngày cú kêu.
                                                  Đynh Trầm Ca
BẮT TAY VÀ ÔM HÔN: Ngày 2/10/1985, tổng bí thư Nga Sô M. Gorbachov đã nói chuyện trên đài truyền hình Pháp nhân dịp ông ta sắp thăm Pháp.
M. Gorbachov phát biểu: “Tôi đồng tình với ý kiến của tổng thống Mitterrand cho rằng, xét về nhiều mặt, cuộc đi thăm của tôi có tính chất đặc biệt. Về phần mình, chúng tôi sẽ làm hết sức để cuộc gặp gỡ đạt kết quả. Chúng tôi hy vọng, hai bên sẽ thúc đẩy đối với việc phát triển các mối quan hệ chính trị, kinh tế, mậu dịch, văn hóa, khoa học kỹ thuật”.
Ông Gorbachov nhấn mạnh, tình hình thế giới căng thẳng là một trong những nguyên nhân làm cho cuộc gặp của ông và tổng thống F. Mitterrand không thể trì hoãn. Nếu xét theo những việc làm, chớ không phải lời nói, thì tình hình thế giới ngày càng nóng, khó đoán, và nguy cơ thảm họa do hỏa tiễn hạt nhân gây ra vẫn còn nguyên – Về phần mình, Nga Sô đã và đang làm hết sức để sống trong hòa bình với các nước có chế độ xã hội khác nhau. Hơn thế nữa, chính nguyên tắc đó là cơ sở cho lập trường của Nga Sô đối với việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
  (Quang Hưng, Paris Match 3/10/1985).
VÕ SĨ ĐẠO: Trong bối cảnh nội chiến ở Nhật (thế kỷ 12) nổi lên tầng lớp chiến binh gọi là samurai (người phục vụ). Trong các cuộc chiến, những người bị bắt làm tù binh, nếu thuộc dòng dõi quý tộc thì sẽ được hưởng đặc ân tự mổ bụng.
Các chiến binh võ sĩ phục vụ giới lãnh chúa Nhật. Danh dự, lòng trung thành, can trường là đặc điểm của võ sĩ đạo. Họ đem tính mạng mình ra bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ của chủ tướng giao – Đối với người Nhật, bụng là trung tâm cuộc sống. Mổ bụng tức là phơi bày sự thật ra trước mắt mọi người… Người ta mổ bụng bằng lưỡi dao thật sắc, từ cạnh sườn bên trái kéo tuột lên cạnh sườn bên phải, rồi ném xoạch bộ lòng đỏ lòm trước mắt kẻ thù, (harakiri).
Trong quan hệ thứ bậc xã hội Nhật thời đó, samurai được vinh dự ngồi cao, có quyền mang kiếm vào ra khắp các công đường và được mọi giới quý trọng. Cái chết do mổ bụng thường đến chậm, và gây nhiều đau đớn. Thông thường nghi thức này được tiến hành trong một ngôi chùa, vào ban đêm. Cuối cùng, samurai được các bạn giúp đỡ bằng cách chặt đầu, để cắt đứt cơn hấp hối… Tư tưởng võ sĩ đạo ăn sâu, len lỏi trong xã hội Nhật khá lâu sau này, nó thể hiện rõ ở các phi đội cảm tử Thần phong trong thế chiến 2.
  (Đức Nhuần, Khoa học KTCN, 10/9/1998).
ÔNG VÀ BÀ: Một bản nghiên cứu tuổi thọ mới đưa ra cho thấy, trung bình tuổi thọ đàn bà Ấn Độ dao động từ 58 đến 63, đàn bà Đức từ 62 đến 69. Riêng về tuổi của đàn ông hai nước đó, họ bảo hãy chờ ít lâu, còn đang theo dõi, bởi những con số những đúc kết tuổi thọ đàn ông còn nhảy múa, chưa chắc chắn.
Dù tìm hiểu khá lâu nhưng vẫn còn nhiều điểm người ta chưa biết, như tại sao có những vùng dân cư (đa số) không sống qua 60 tuổi, dù điều kiện kinh tế giống hệt khu vực xung quanh. Tại sao phụ nữ đạt tuổi thọ với mức chênh lệch nhau rất nhỏ, đàn ông thì chết loạn xị, không theo một nếp, một chuẩn nào cả?
Từ xa xưa, đàn bà luôn thọ hơn đàn ông, và người ta nói vui: không lạ, trời sinh thế! Về sau, các nhà khoa học phát hiện: ai ngủ nhiều sẽ sống lâu. Sở dĩ, theo số đông, tuổi thọ đàn bà cao hơn đàn ông 7 năm là do quý bà có giấc ngủ sâu hơn. Thường lệ, mỗi đêm phụ nữ có chừng 80 phút ngủ sâu (ngủ mê, thấy chiêm bao), còn quý ông chỉ được hơn 40 phút. Cạnh đó, phụ nữ rất ít bị bệnh mất ngủ.
Lối sống, cách sống cũng góp phần trong việc sống lâu hay mau. Phụ nữ chú trọng đến sức khỏe hơn, thường đi khám dự phòng, định kỳ hơn đàn ông. Họ ăn uống đúng, điều độ và dễ thấy là họ ít hút xách, ăn nhậu. Trong công việc thì họ làm nhẹ nhàng, ít bị căng thẳng vì sức ép trong môi trường sống hàng ngày.
  (Chu Quang, Hiệp lực 8/10 – Geo 12/10/1998).
LẠC QUAN: Giới chính khách Trung Hoa (TH) khác đời ở chỗ: công khai ủng hộ các cuộc chiến lớn, các mưu đồ hủy diệt, giết chóc – Ngày 16/5/1958, tại khóa họp lần thứ hai của đại hội 8 đảng CS.TH, Mao nói: “Chiến tranh là điều tốt. Ta sẽ có thể quét sạch chủ nghĩa tư bản nhanh hơn. Tôi cho rằng có thể tiêu diệt được chúng trong ba năm. Có bom nguyên tử chiến tranh sẽ ngắn hơn một năm so với trước, sau đó sẽ không có chiến tranh nữa. Có chiến tranh nghĩa là sẽ có người chết. Trong 600 triệu người (dân số TH năm 1958), nếu một nửa chết, vẫn còn lại 300 triệu. Nếu trong chiến tranh một nửa nhân loại bị chết thì điều đó cũng không có ý nghĩa gì mấy. Thực ra, nếu chỉ còn lại 1/3 dân số có khi lại là điều tốt. Sau một số năm nào đó dân số sẽ lại tăng lên”.
Ngày 21/7/1975, trả lời các nhà báo Nhật, Đặng Tiểu Bình nói: “Đại chiến thế giới lần thứ ba khó thể tránh được. Có thể, trong cuộc chiến này nhiều người sẽ chết đấy, nhưng nó sẽ làm cho việc giải quyết các vấn đề của các dân tộc bị áp bức và của nhân loại trở nên dễ dàng. Nó không tồi lắm đâu. Thường thì các cuộc chiến nổ ra không phụ thuộc vào ý chí của con người”.
Nuôi trong đầu ý nghĩ: chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nên TH chưa bao giờ nghĩ tới việc giải trừ quân bị. Ngày 17/7/1972, Chu Ân Lai tuyên bố: Với tình hình âm ỉ hiện giờ thì ai cũng phải tăng cường vũ trang. Tại khóa họp thứ 32 Đại hội đồng LHQ, các đại diện TH gọi vấn đề giải trừ quân bị mà một số nước đề ra chỉ là sự lừa bịp. Bộ trưởng quốc phòng Từ Hướng Tiền nói: “Cần phải chuẩn bị chu đáo cho các cuộc chiến tranh sắp nổ ra”.
  (“Châu Á trong các kế hoạch của Bắc Kinh”, NXB Sự Thật, 1984, tr. 169 – 171).
* Lời bàn: Mao tàn bạo thế nào? – Có thể trả lời bằng câu hỏi: “Chiến thuật biển người là gì?” – Nói đến man rợ, nhiều người điểm tên Hitler. Đúng ra, ông chủ bộ râu cứt mũi phải gọi Mao bằng cụ. Mao giữ kỷ lục thế giới: người giết đồng bào nhiều nhất, đã hơn 43 năm chưa ai phá được.
BỂ KHỔ: Trong mấy năm gần đây mức độ thiên tai có chiều hướng tăng lên. Năm 1983 những trận mưa lớn hiếm thấy xuất hiện dày đặc, gây lũ lụt nặng ở Trung Hoa, Ấn Độ. Năm 1985 thiên tai lại xảy ra ở nhiều nước trên thế giới với cường độ ác liệt hơn, trong đó có những đợt rét kèm theo mưa tuyết dữ dội ở Hà Lan, Ý, Pháp, Anh, những trận mưa lũ cực lớn chụp xuống Indonesia, Ấn Độ, Trung Hoa, Phi, Bangladesh. Những tai ương trên đã làm hàng vạn người mất mạng, hàng vạn nhà cửa bị phá hủy. Đặc biệt, trong năm 1985 có ba thiên tai lớn xảy ra ở Mexico, Colombia, Bangladesh. Đó là trận bão kèm theo sóng thần cao hơn 10 mét tràn qua bờ biển miền trung Bangladesh ngày 25/5, khiến cho gần 6 vạn người chết và mất tích, hàng ngàn tàu thuyền bị đắm, (có một hòn đảo nhỏ với một vạn dân đã bị nước biển nhấn chìm và cuốn đi mất dạng). Đó là hai trận động đất liên tiếp, từ 19 đến 21/9/1985 ở Mexico làm cho hơn 9 ngàn người chết và mất tích, trên hai vạn người bị thương, 50 ngàn gia đình mất nhà ở. Đó là tai họa do núi lửa Kobota gây ra cho Colombia, ngày 14/11/1985. Sau 60 năm ngủ yên, núi lửa Kobota bật dậy, nó làm cho trên một vạn người chết, gần 2 vạn người bị thương, hơn 5 vạn người mất nhà ở.
Ở VN, cơn bão số 7 (Nancy) đổ bộ vào Nghệ Tĩnh ngày 18/10/1982 và cơn bảo số 8 (Cecil) vào Bình Trị Thiên ngày 16/10/1985 là những cơn bão mạnh nhất trong vòng trăm năm qua, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Quang cảnh những vùng bão quét trông giống như cảnh sóng thần tàn phá mà ta xem thấy trong phim ảnh. Riêng trận bão ngày 16/10 (ở Bình Trị Thiên), gió mạnh và nước dâng cao 4 mét đã cuốn đi 420 người của phá Tam Giang, nằm về phía đông nam TP. Huế.
(Văn Loan, Phật pháp – Khoa học CN, 27/11/1985).
ĐI: Chương trình trẻ lai Mỹ xuất cảnh được khởi sự từ tháng 8 năm 1988, tính đến hết năm 1989 có 31.223 trẻ lai Mỹ và thân nhân đã rời VN sang định cư tại Hoa Kỳ (HK). Ước tính, còn chừng 35 đến 40 ngàn người khác đang chờ đợi để xuất cảnh theo chương trình này, trong đó có hơn 14 ngàn người đã làm xong thủ tục xuất cảnh của VN, chờ đoàn nhập cư HK phỏng vấn để được cấp thị thực nhập cảnh; 2.600 người đã làm đủ thủ tục của cả hai phía, đang chờ chuyến bay trong tháng 1, tháng 2 tới; 4.500 người đã được phỏng vấn, khám sức khỏe; hơn 10 ngàn người đang được cục quản lý xuất nhập cảnh xét cấp hộ chiếu để lên danh sách trao cho phía Mỹ; và non 10 ngàn người khác đang làm hồ sơ xin xuất cảnh – Năm 1989 là năm có số lượng người ra đi nhiều nhất: 15.766 người, chiếm một nửa trong tổng số người ra đi tính từ đầu chương trình (dự kiến diễn ra trong hai năm). Giải quyết vấn đề con lai là giải quyết một trong các vấn đề thuộc hậu quả do chiến tranh để lại, nên hai phía đều thấy cần làm nhanh, dứt điểm.
Vừa qua, phía VN đề nghị  Mỹ gia hạn luật Home Coming act thêm hai năm nữa để có đủ thời gian giải quyết xong toàn bộ chương trình – VN sẽ xét hồ sơ xuất cảnh, cấp hộ chiếu và lên danh sách trao hết cho phía Mỹ vào cuối năm 1990.
(Trung Việt, Công Luận – QT, 11/3/1990).
VỀ LẠI ĐỒNG BẰNG
            Giờ không còn biển ru tôi
            Vẫn nghe tiếng sóng bồi hồi thiết tha
            Tưởng như núi mọc quanh nhà
            Ngờ đâu núi biếc lại là cây xanh
            Trở về sóng lúa reo quanh
            Lại ru tôi với âm thanh ngọt ngào.
                                                  Hạc Thành Hoa
GIAO THỜI: Hiện giờ kho vũ khí hạt nhân của Nga Sô vẫn nằm trong tay M. Gorbachev, dù ông ta đã mất đi nhiều quyền lực. Ông cùng với bộ trưởng quốc phòng, là hai người có quyền ra lệnh khai hỏa 29 ngàn đầu đạn hạt nhân. Họ nắm mật mã của hệ thống phóng phi đạn. Các chuyên viên về vũ khí hạt nhân tin rằng B. Yeltsin cũng có quyền hạn về hạt nhân. Bởi vì, nghe đâu, nếu muốn bổ nhiệm các cương vị cao trong bộ quốc phòng M. Gorbachev phải hỏi ý kiến của B. Yeltsin.
Có thể thấy, T.T Bush do dự trước các tuyên bố độc lập của những nước cộng hòa như Ukraina. Khả năng có nhiều ngón tay đặt trên bệ phóng khiến Mỹ lo lắng – Theo hiệp ước Start, Nga và Mỹ đang hủy hàng loạt vũ khí hạt nhân. Vì vậy nếu Nga không còn kiểm soát được kho vũ khí, hiệp ước Start sẽ mất giá trị.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, thực ra vấn đề này không đáng quan tâm, vì gần toàn bộ kho vũ khí này nằm trên lãnh thổ Nga, bao gồm 80% tên lửa liên lục địa, tất cả tàu ngầm, và các máy bay ném bom hạt nhân – Ukraina, Kazakhstan có ý muốn giữ các vũ khí hạt nhân ở lại nước mình để làm công cụ răn đe… Một hiểm họa khác nữa là, tám ngàn vũ khi hạt nhân tầm ngắn trong đó
có nhiều đầu đạn trọng pháo, được bố trí khắp Nga Sô, rất khó kiểm soát.
(Duy Sơn, Thời báo CT và AFP 14/10/1990).
HỌ NHƯ VẬY: Trước kia nhiều người xem thường nền công nghiệp Nhật, cho rằng Nhật chỉ biết mô phỏng, bắt chước. Bỗng dưng, công ty Sony mua đứt hãng Columbia của Mỹ, ai nấy bật ngửa. Chỉ trong vòng hai thập niên, Nhật đã vùng lên, thoát khỏi nghèo khổ, trở thành nước giàu. Đối với họ, 2 thập niên không phải 20 năm mà là 7.300 ngày. Từ năm 1945 đến 1970, mãi lực của Nhật tăng lên gấp năm lần.
Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng sức mạnh của Nhật trước hết là nhờ số dân đông đảo. Họ là nước đông dân xếp thứ bảy thế giới. Sức mạnh của họ bắt nguồn từ chỗ chăm sóc, đầu tư lớn vào giáo dục, hơn 80% trẻ em Nhật được học hành đấy đủ, đến hết cấp 3. Hàng trăm trường đại học luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên đến từ mọi giới… Biết nước mình nghèo về tài nguyên, lại bị chiến tranh tàn phá, người Nhật cố gắng làm việc, làm không biết mệt, đến nỗi chính phủ phải kêu gọi dân chúng nên nghỉ ngơi chút đỉnh, đừng làm ngày chủ nhật và hàng năm công nhân nên đi du lịch mười ngày.
Người Nhật biết, họ đang ra sức tạo dựng sự phồn vinh cho đất nước, nên không muốn có những xung đột xã hội. Mọi người nhường nhịn nhau vì lợi ích cộng đồng, đặt cái chung trên cái riêng. Nhờ đó, Nhật là xã hôi có kỷ luật tuyệt hảo, tôn trọng trật tự trên dưới. So với các nước văn minh khác, số tội  ác tội phạm ở Nhật thấp nhất.
(Lý Cẩm Châu, Chánh đạo 7/3/1991).
 KHÔNG DỌA: Mới đây, Trung Hoa (TH) đã lập một căn cứ hỏa tiễn mới ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, trong khu vực miền núi Lỗ Sơn. Tại đây Bắc Kinh đặt các hỏa tiễn DF.21C và hỏa tiễn tầm xa OJ.10, cả hai loại này đều có tầm bắn xa hơn 2.300 cây số.
Có lẽ muốn khoe, hay đe nẹt các ông bạn hàng xóm, Bắc Kinh đã cho báo chí rao to về sự ra đời của cụm hỏa tiễn này, với các chi tiết, thí dụ: đơn vị này thuộc đội pháo binh 2 tên lửa chiến lược, trước kia đóng tại An Huy, nay do đoàn 4939 điều khiển – Việc lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ mình là chuyện bình thường, điều không bình thường ở đây là thời điểm, bối cảnh của việc thiết lập, điều khó hiểu là đích ngắm của số hỏa tiễn đó.
Biển Đông đang là điểm nóng khi TH liên tiếp mở ra nhiều hoạt động phục vụ cho mưu đồ tranh giành chủ quyền và lãnh thổ đối với các vùng biển, đảo của những nước nhỏ quanh mình – Giới quân sự quốc tế cho rằng, TH xây dựng căn cứ mới này để đối phó với tình hình phức tạp tại châu Á, đặc biệt là Đài Loan và biển Đông. Phạm vi tấn công của cụm hỏa tiễn này bao phủ hơn 70% diện tích biển Đông, và còn có thể vươn tới nhiều mục tiêu khác ở VN và Philippine.
  (Nguyễn Lưu, Quốc tế và ABC News, 10/8/2005).
* Có người nói, nếu nằm xa Tàu chừng 400 cây số thì nay ít ra VN cũng bằng Thái, Hàn. Các nước có chung biên giới với Tàu đều bị chúng quấy nhiễu, kể cả Nga.
KHỦNG HOẢNG: Bản tuyên bố Brest viết rằng, sự ra đời của Cộng đồng các quốc gia độc lập đang viết nên trang sử mới trên vùng đất bao la của Nga Sô.
Thế giới chăm chú theo dõi những diễn biến dồn dập, bất ngờ đang diễn ra ở Nga, nơi mà sự bất ổn chính trị, xã hội và suy sụp kinh tế xoáy vào đời sống của hơn 290 triệu người. Mọi người thấy, họ đang chứng kiến sự tan rã của Liên bang Sô viết, và sự phá sản của một mô hình xã hội không biến được những khát vọng về công bằng xã hội và hạnh phúc của loài người thành hiện thực. Sự bất hạnh lịch sử này bắt đầu từ mùa thu 1989 ở Đông Âu.
Đáng lo ngại hơn, trong khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy thì những bất đồng và mâu thuẫn bắt nguồn từ quá khứ xa xôi của các sắc dân có thể bùng nổ thành các cuộc xung đột khó lường trước được hậu quả. Tổng thống M. Gorbachev báo động: nếu sự tan rã lên quá mức giới hạn, nó sẽ gây tổn thất lớn cho Nga, và có thể cho toàn châu Âu. Cạnh đó, tin đồn về các cuộc đảo chánh lan truyền dai dẳng, rộng khắp, và đặc biệt là dự đoán về một mùa đông đói rét sắp tới có thể dẫn đến những rối loạn mới – Từ khi chính sách cải tổ đề ra (3/1985) đến nay chưa tròn 6 năm mà Nga Sô đã rơi tõm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện và trầm trọng.
(Hải Khoa, Asiaweek và Tin sớm, 6/11/1990).
MỆT: Trong thời gian từ 1975 đến 1987, tất cả những người Việt đã vượt biên đương nhiên được coi là tị nạn và được chấp nhận để tái định cư ở các nước phương Tây. Hiện nay tình hình đã thay đổi.
Sự tiếp tục ra đi của người Việt 14 năm sau khi chiến tranh chấm dứt và quan niệm thay đổi của quốc tế về tính chất của sự di tản, đã đưa đến Hội nghị quốc tế về vấn đề tị nạn Đông Dương vào thàng 6/1989 tại Genève – Từ nay, người Việt vượt biên đến các nước vùng ĐNA (hoặc Hong Kong) sau tháng 3/1989 không còn đương nhiên được thừa nhận là tị nạn, và vì thể không còn được tái định cư ở các nước phương Tây nữa – Chỉ những người Việt đã qua thủ tục phỏng vấn, và được xác định là tị nạn mới được cứu xét cho tái định cư – Những người không được coi như là tị nạn (qua thủ tục phỏng vấn) sẽ phải trở về VN – Chương trình ra đi trật tự (ODP) sẽ được mở rộng để nhiều người có thể rời VN bằng con đường hợp pháp.
Để có thể đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài, người Việt nên nộp đơn qua ODP ở VN. Ngoài chương trình đoàn tụ gia đình, còn có chương trình dành cho những người được thả từ các trại cải tạo và chương trình con lai. Vào năm 1990, có trên 72.000 người đã rời VN qua ODP. Vào khoảng 100.000 người khác có thể rời VN trong năm 1991. Chương trình ODP chỉ hoạt động thẳng từ VN – Những người VN không được xác định là tị nạn phải trở về VN. Từ năm 1989 đến tháng 1/1992, đã có 21.000 người Việt hồi hương dưới sự bảo trợ của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc.
(Văn Hữu Lạc, Đối thoại 23/2/1992).
KIÊN TRÌ: Từ xưa Trung Quốc (TQ) coi ba nước Đông Dương (ĐD) là đất cũ, cần phải nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chúng. Chúng cũng thường dùng ĐD làm bàn đạp để tăng cường chính sách bành trướng ở Đông Nam Á (ĐNA).
Về mặt kinh tế, ĐD, vịnh Bắc bộ, biển Đông, vịnh Thái Lan có rất nhiều tài nguyên và khoáng sản trong lòng đất, ở thềm lục địa và đáy biển, là những miếng mồi to khiến Bắc Kinh (BK) thèm khát – Về quân sự, ba nước ĐD là những nước đệm, áo giáp che chở cho TQ ở phía nam. Khống chế được các nước này, khống chế được biển Đông, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vị trí khác ở nam Thái Bình Dương có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện chiến lược bành trướng, trước mắt là tăng thế lực của TQ trong cuộc đấu giành ảnh hưởng và quyền lợi với Mỹ, Nhật ở Nam Á.
Để thực hiện các mục đích trên, hơn 30 năm qua, BK đã dùng nhiều thủ đoạn chính trị, kinh tế, ngoại giao tinh vi nhằm từng bước đặt ĐD vào quỹ đạo của chúng – Trong hai thập niên 1950 – 60 TQ đã viện trợ cho ĐD chống Pháp Mỹ, nhưng động cơ chính của chúng là “thả con săn sắt bắt con cá rô”. Chúng sử dụng viện trợ để thu phục nhân tâm, dụng ý lái ba nước ĐD đi theo đường của chúng. Nên biết, ngay trong thời kỳ quan hệ hữu nghị còn nồng ấm, BK vẫn áp dụng sách lược vừa giúp vừa lấn, dùng giúp để lấn, tình trạng này thể hiện rất rõ ở các khu biên giới.
Khởi từ tham vọng bành trướng, ngay từ đầu thập niên 1950, BK đã rêu rao những biên giới “còn tranh chấp” với 14 nước láng giềng. Chúng vẽ lại bản đồ TQ và đưa ra yêu sách về lãnh thổ: năm 1954 đòi 1,5 triệu km2 đất của Mông Cổ, năm 1956 đòi 70.000 km2 của Miến Điện, năm 1959 đòi 132.000 km2 của Ấn Độ, năm 1964 đòi 1,3 triệu km2 của Liên Xô… Ở các vùng biên giới, BK thường mở những cuộc chiến phá hoại, nó diễn ra bền bỉ, lâu dài, trên nhiều lãnh vực: quân sự kinh tế chính trị, chủ đích của nó là làm đối phương suy yếu, là bước chuẩn bị cho các cuộc chiến lớn sau này.
(“Một số đặc điểm của chủ nghĩa bành trướng TQ”, NXB Thông tin Lý luận, 1984, P.13 – 57).
* Tiên tri nói, nếu cứ đi theo những gã “dẫn đường” ngây ngô, quáng gà hiện giờ thì 50 – 70 năm nữa Lào sẽ thành Tây Tạng thứ hai, (nó thua vì loại súng 2 viên đạn của Tàu). Điều này có nghĩa: lớp trẻ Tàu mạnh, lớp trẻ Lào đần.
CUỐI ĐÔNG
            Thời tiết diệu kỳ sao / Cuối đông, trời trở ấm
            Như tột cùng nỗi đau / Chợt thấy lòng thanh thản
            Một mình ngồi dưới nắng / Tiếng ong bay đầy hè
            Mang giọt đời sâu nặng / Mình thương mình, tái tê
            Điều nghiêm túc trước kia / Nay trở thành hài hước
            Thứ ta từng giễu cợt / Giờ hóa chuyện nghiêm trang
            Tổ ong đầy mật vàng / Mình là con ong thợ
            Cuối đông, ngồi gác cửa / Cho đất trời sang xuân.
                                                                     Võ Văn Trực
TỐT MỌI MẶT: Ở các nước Đông Âu, 5 năm cuối của thập niên 1970 bắt đầu có những đổi mới đáng kể trong nền kinh tế. Cơ sở kỹ thuật sản xuất đang được cải tạo nhằm chuyển sang cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4. Cơ cấu sản xuất biến đổi theo hướng ưu tiên cho các ngành tiên tiến.
Kết thúc một chặng đường phát triển, năm 1981 ghi nhận những kết quả bước đầu nhiều hứa hẹn. Nhìn chung, thu nhập quốc dân của công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục tăng với nhịp độ đạt và vượt kế hoạch. Theo các đánh giá mới nhất, năm 1981 thu nhập quốc dân của Liên Xô tăng 6%, sản xuất công nghiệp tăng khoảng 4,3%, sản lượng nông nghiệp tăng gần 8%. Ở Hung ga ri, nền kinh tế lớn mạnh, đạt được những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ năm. So với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 1981 thu nhập quốc dân của CHDC Đức tăng 6,7%, sản phẩm công nghiệp tăng 7,2%. Ở Cu Ba, tổng sản phẩm tăng 4,2%, năng suất lao động tăng hơn 8%. Ở các nước khác, nhìn bao quát, tình hình chung cũng tương tự.
Hai năm 1980, 1981 Liên Xô đã chế tạo hơn 6.000 máy các loại, hàng tháng cho ra đời 1.300 người máy. Ở CHDC Đức, việc tăng cường đổi mới cơ sở kỹ thuật của sản xuất đã cho phép tăng số lượng máy móc, thiết bị có tuổi dưới 6 năm lên hơn 30%. Trong 5 năm (1976 – 1981) Ru ma ni đã hiện đại hóa 20 ngàn máy, thiết bị, ứng dụng 9 ngàn quy trình công nghệ mới. Các ngành chế tạo, kỹ thuật điện, điện tử, người máy có vai trò lớn trong việc trang bị lại kỹ thuật cho toàn bộ nền kinh tế.
(Hữu Khoa, Tin tức 6/3, Diễn đàn 9/3/1982)
CÁ MẬP: Cô bé con bà chủ nhà hỏi ông K: “Nếu cá mập là người liệu chúng có cư xử tử tế với loài cá nhỏ hơn người không hở ông?”.
Ông đáp: “Ừ, hẳn rồi. Nếu cá mập là người, chúng sẽ cho xây khu nhà ở thật lớn trên biển cả, trong đó chứa đầy lương thực thực phẩm, lại còn có thảo mộc và bách thú để ngắm nữa. Chúng sẽ lo liệu cho khu cư xá này luôn luôn có nước tươi mát, và đề ra nhiều biện pháp chăm lo sức khỏe cho loài cá nhỏ. Chẳng hạn, nếu có con cá nhỏ bị thương, lập tức cá mập sẽ băng bó xức thuốc rồi đưa tới nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Để cá nhỏ khỏi u sầu, thỉnh thoảng sẽ có những lễ hội dưới nước, bởi vì nếu sống vui thì cá nhỏ sẽ ăn uống ngon miệng. Dĩ nhiên, cũng có trường học ở khu cư xá rộng lớn này. Tại trường, cá nhỏ sẽ học phương pháp bơi lội trong hàm cá mập. Bên cạnh, chúng còn học cả môn địa lý, sinh vật, đạo đức, mỹ thuật. Chúng sẽ được dạy dỗ rằng, điều cao cả và đẹp đẽ nhất chính là lòng tự nguyện hy sinh, và rằng chúng phải tin vào cá mập, nhất là khi chúng nghĩ đến một tương lai sáng lóa.
Nếu cá mập là người, đương nhiên chúng phải gây chiến tranh với nhau, để cướp bóc những khu cư trú khác. Chúng sẽ cho bọn cá nhỏ của chúng gây chiến tranh, chúng không đích thân ra tay. Chúng sẽ dạy bảo cá nhỏ rằng, bầy cá nhỏ của chúng và loài cá nhỏ của những con cá mập khác luôn có một mối tử thù với nhau. Trong các cuộc chiến, con cá nhỏ nào giết được nhiều cá nhỏ thù địch sẽ được cá mập gắn huân chương bằng rong biển, đồng thời phong cho danh hiệu anh hùng cao quý – Nếu cá mập là người, tất nhiên chúng cũng có tôn giáo. Cá mập sẽ giảng rằng, cõi chân phúc đời đời cho cá nhỏ chính là cái bụng cá mập, cá nhỏ lúc nào cũng được đối xử bình đẳng, nhưng con đường phát triển của mỗi đứa sẽ khác nhau chút ít, tùy theo sự phấn đấu cụ thể. Một số cá nhỏ sẽ trở thành những viên chức, sẽ được hưởng những quyền lợi thơm tho, đôi lúc còn có thể được phép xơi tái mấy con cá nhỏ lười hoặc phạm tội. Và chính cá mập, trong những lúc tinh thần phấn chấn cũng có thể xơi vài con cá nhỏ… Tóm lại, nếu cá mập là người, chắc hẳn thiên hạ sẽ có cơ hội được ngắm một nền văn hóa dưới biển độc đáo mới lạ”.
(Bertolt Brecht, Anh Minh dịch, Daily Mirror, 28/7/1991).
GIỎI HAY QUÁI QUỈ: Gần đây, báo chí tư sản phương Tây ra sức tâng bốc sự khôn ngoan về chính trị của nhóm người cầm đầu Bắc Kinh (BK). Họ ca ngợi chủ nghĩa thực dụng và hết lời khen BK biết khắc phục những sai lầm lớn trong quá khứ.
Về thực chất, chủ nghĩa hiện thực của Trung Hoa (TH) được hiểu trước hết là con bài chống Liên Xô, và chủ nghĩa bá quyền trong mối quan hệ với các nước CS láng giềng. Mặc dù tô son điểm phấn cho chính sách thỏa hiệp của mình, kể cả việc phục hồi danh dự cho những người đã chết trong “cách mạng văn hóa” và cách chức “bè lũ bốn tên” nhưng thực sự hoạt động quốc tế của TH vẫn tuân theo nguyên tắc của Mao, coi Liên Xô và các nước CS khác là kẻ thù – Hoạt động của giới chóp bu TH sau khi Mao chết (năm 1976) xác nhận rằng họ hành động hoàn toàn phù hợp với thuyết “ba thế giới” của Mao. Đó là liên minh với các thế lực đế quốc, có như thế mới mong TH trở thành cường quốc thống trị châu Á.
Trong bối cảnh mập mờ, sự mất cân đối giữa tình trạng lạc hậu về kinh tế của TH với tham vọng quân sự và bá quyền của băng cầm đầu nhiều lúc lộ ra rất rõ. Do đó, họ mong muốn cho sự đối địch giữa phương Đông và phương Tây ngày càng trầm trọng thêm. BK hy vọng, nếu xung đột quân sự xảy ra, thì tương quan tiềm lực kinh tế quân sự giữa họ và nhiều nước tư bản sẽ thay đổi có lợi cho họ – Không tinh ý vẫn thấy, TH tiếp tục theo đuổi âm mưu gây căng thẳng trong quan hệ với các nước CS, cùng lúc can thiệp vào công việc nội bộ của nhiều nước quanh vùng, và gây tổn hại đến chính sách hòa bình của thế giới. Họ câu kết với những thế lực phản động để thực hiện nhiều ý đồ xấu, sẵn sàng dập tắt khát vọng hòa bình của các nước văn minh.
(Đàm Thanh Phương, theo Reuters 16/6/1981)
* Đối với TH, người ta gọi họ là ông hay thằng cũng như nhau – Sự tiến bộ của khoa học KT có thể che lấp nhược điểm “không thiện chiến” của họ.
SÁU NGÀY: Israel và các nước láng giềng Arab vốn hiềm khích nhau từ năm 1948 khi Israel thành lập quốc gia ngay trên vùng đất mà cộng đồng Arab bảo là đất của họ.
Năm 1956, Israel tràn vào Ai Cập trong cuộc chiến Suez – Sinai. Tổng thống Ai Cập lúc đó là G. A. Nasser thề sẽ trả thù cho sự xâm lấn này. Do vậy, ông tổ chức một khối liên minh Arab bung ra bao vây, tấn công Israel vào ngày 5/6/1967. Làm dữ phải lo xa, bị đánh thình lình nhưng Israel không thấy bất ngờ, bởi đã chuẩn bị trước. Họ có nhiều vũ khí tối tân, quân đội tinh nhuệ nên nhanh chóng chiếm ưu thế trên chiến trường. Từ ngày 7/6, Israel đẩy lùi quân đội Arab và chiếm luôn bán đảo Sinai, dải Gaza, Bờ Tây và đồi Golan.
Còn nhớ, từ năm 1948 đến 1967, Israel vẫn chưa được các nước láng giềng công nhận và không một hiệp ước hòa bình nào xác định vùng biên giới chung. Biên giới thực tế lâu nay chỉ là các ranh giới ngưng bắn tạm thời – Cuộc chiến năm 1967 này diễn ra ác liệt và chóng vánh, nó chấm dứt vào ngày 10/6/1967 sau khi phía Arab (gồm Ai Cập, Syria, Jordan) chịu ngừng bắn. Trong 6 ngày Israel chiếm thêm được 64.000 km2… Vụ này như một vết thương lớn, nhức nhối mà phe Arab phải lãnh, nó hằn sâu vào thân thể, tâm trí họ. Tạm thời, Israel thắng lợi, nhưng những người am hiểu chính trị cho rằng, họ sẽ không ngạc nhiên nếu trong tương lai nước này bị giáng cho những đòn thù khủng khiếp, vì quanh anh ta có nhiều kẻ thù, những người không quá hèn quá nghèo.
(Văn Tuấn, blog Gia Định – AP. 3/4/2000).
TÀU TRẺ: Một đạo diễn điện ảnh Hong Kong tiết lộ: “Trong phim của chúng tôi cái thật chỉ có chừng 5%, số còn lại là thêm thắt, tưởng tượng, nhưng khán giả lại thích như vậy”.
Ở Hong Kong, nhà sản xuất phim nào cũng làm theo phương thức này vì đó là bí quyết thành công và hái ra tiền của họ. Những cảnh rùng rợn, những câu chuyện tình sướt mướt lâm ly, những nỗi đời éo le oan trái, những tình tiết quá lố trên trời dưới đất đều được đem vào phim, khai thác một cách rộng rãi, trộn lẫn xào xáo thành một món hổ lốn giúp cho giá thành của cuốn phim thấp xuống rất nhiều, cùng lúc lại mang về cho nhà làm phim những số tiền kếch sù. Năm rồi (1982) Hong Kong đã cho ra lò 164 cuốn phim, gồm những phim tình cảm, quái đản, hài hước, chưởng, ma, khoa học giả tưởng. Với số lượng này, Hong Kong đứng hàng thứ ba trong những nước sản xuất phim nhiều nhất thế giới, chỉ kém Mỹ và Ấn Độ.
Công chúng Hong Kong rất ghiền xi nê. Khu phố nào cũng có một hai rạp to có thể chứa vài ngàn người, và số lượng rạp chiếu bóng là con số khó tin: hơn một ngàn! Dân Hong Kong trung bình mỗi người xem 11 cuốn phim trong một năm, nhiều gấp hai lần khán giả Mỹ. Nhờ vậy, năm qua các hãng phim Hong Kong đã thu được 216 triệu USD, trong khi số vốn họ bỏ ra chỉ non 600 ngàn USD. Ngoài sân nhà, phim Hong Kong còn được tiêu thụ khá mạnh ở Mã Lai, Đài Loan, Tân Gia Ba, Thái, Đại Hàn, Nhật và các thành phố đông người Hoa ở Hoa Kỳ… Hơn bao giờ, Hong Kong đang trải qua cơn sốt làm phim, các hãng phim tranh thủ chạy đua với kim đồng hồ để cho ra lò càng nhiều phim càng tốt. Nhìn họ làm ăn, ta thấy họ cập rập, chụp giựt, kiểu như phải làm ngay không thì ngày mai trời sụp!
(Trần Bảo, theo Discovery 6/2/1983).
THỨC DẬY: Sau hơn nửa thế kỷ nằm im, do bị ràng buộc của các điều khoản ký với quân Đồng Minh (khi đầu hàng, hồi thế chiến II), gần đây Nhật rục rịch tăng cường quân đội, vũ khí.
Theo giới nghiên cứu chính trị, năm 2004, trong lúc tình hình quân sự của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương thay đổi mau lẹ, đáng lo ngại, trong đó nổi cộm là Bắc Hàn với những động thái lạ (dạng manh động, bốc đồng) xưa nay chưa có, trở thành mối đe dọa lớn, không chỉ cho Nhật, khiến nhiều nước (như Nam Hàn, Ấn Độ) nhấp nhổm, người Nhật thấy đã tới lúc mình phải có cái nhìn mới về quân sự, phòng vệ.
Cạnh đó, những tranh chấp lâu năm với Nga tại quần đảo Kuril, với TH ở đảo Senkaku, với Nam Hàn tại đảo Takeshima vẫn cứ nằm yên ở tình trạng tranh chấp… Để thuyết phục người dân, chính phủ Nhật chỉ cho họ thấy, từ năm 1992 Trung Hoa (TH) đã gia tăng ngân sách quốc phòng liên tục, với mức năm sau cao hơn năm trước 15 – 20%, đây là đối tượng đáng chú ý thứ hai, sau Bình Nhưỡng. Kế đến, trong thời gian Nhật ngủ đông, các nước xung quanh đã xây dựng cho họ một nền quốc phòng cứng cáp, nên hiện giờ Nhật nằm lọt thỏm giữa các nước có vũ khí hạt nhân: TH, Bắc Hàn, Nga. Do vậy, không còn đường nào khác, Nhật phải tìm cách bảo vệ mình – Năm 2007, thủ tướng Shinzo Abe cho thành lập Bộ quốc phòng, (mấy chục năm qua chỉ có lực lượng phòng vệ, dạng như bán quân sự). Nay, 2008, quân đội Nhật có 320 ngàn người, trong đó có 180 ngàn lục quân. Ngân sách quốc phòng năm 2008 của họ là 54 tỉ USD, các năm sau sẽ tăng mỗi năm 10%. Nếu so với TH (non 80 tỉ USD / năm) thì số tiền của Nhật còn thấp, nhưng điều này có vẻ không phải là điểm yếu đáng kể.
(Võ Phú Tâm, Tài chánh TG, 21/2/2008)
* Năm 1992, một chính khách Nhật nói trước báo chí: dân Tàu là bọn ăn lông ở lỗ, (Tàu nhảy lên, chửi bới kịch liệt), qua năm 1993 ông chính khách đó thành thủ tướng Nhật.
CHUYỂN ĐỘNG: Tối 20/8/1991, lệnh giới nghiêm được ban hành tại thủ đô liên bang Nga. Trong đêm đó đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ Yeltsin và lực lượng an ninh, gây ra chết chóc. Bộ nội vụ thông báo, hai ngày qua có hơn 20 ngàn người tham gia các cuộc biểu tình. Qua ngày 21/8, kỳ họp bất thường của quốc hội liên bang Nga đã khai mạc với đa số đại biểu là những người ủng hộ B. Yeltsin.
Biết mình đang ở trong thế đi lên, Yeltsin cùng bạn bè tỏ ra mạnh bạo trong các cố gắng lôi kéo quân đội về phía mình, ông ta nói sẽ cố hết sức để nắm quyền chỉ huy các lực lượng võ trang của liên bang… Đến 21 giờ 20 ngày 21/8 tổng thống Gorbachev tuyên bố, ông đã làm chủ tình hình, và bộ trưởng quốc phòng Yazop, chủ tịch quốc hội Lukianov đã tới gặp và thảo luận với ông về nhiều vấn đề hệ trọng, chính biến (cuộc đảo chánh) tháng 8/1991 được coi như kết thúc.
Về sau, nhắc lại những ngày này, người ta cho biết, khi nghỉ dưỡng bệnh ở Foros, dù tình hình chính trị sôi bỏng, M. Gorbachev sống rất ung dung, thanh thản, ông ta đọc sách, xem phim, đi dạo trong rừng. Thực ra, đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Gorbachev rất mệt mỏi, bối rối, nhất là việc phải chứng kiến hình ảnh B. Yeltsin mỗi ngày mỗi sáng lên… Trong thực tế, nhóm đảo chánh không có ý định gạt Gorbachev ra khỏi bộ máy lãnh đạo liên bang, chỉ muốn thay ông ta đưa ra những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự đổ vỡ của liên bang. Còn nhớ, quyền tổng thống Yanayev khẳng định rằng, ban lãnh đạo mới của Nga Sô sẽ tiếp tục thực hiện đường lối do Gorbachev khởi xướng từ năm 1985.
(Hoàng Quang, Thế giới mới, 9/7/1993)
KHÔNG ĐÙA: Tàu thuyền chạy từ đảo Hải Nam (của Trung Hoa) đến Trường Sa (của Khánh Hòa) chỉ mất 126 giờ, nên khi tin Hải Nam thành căn cứ tàu ngầm loan ra nó đã gây nên một chấn động lớn.
Năm 2001, nhiều nước bàn tán xôn xao về việc TH có tàu ngầm. Đến tháng 10/2002 một tàu ngầm TH bị chìm làm chết khá đông quân lính, khiến chuyện này trở thành công khai… Trong quá khứ, các nước ở châu Á ngoài mặt thì niềm nở, thân thiện với TH, nhưng thực bụng lắm kẻ không ưa anh ta, nhất là khi nhìn lại những việc anh ta làm trong 50 năm qua – Qua một thời gian dài nghiên cứu, chấn chỉnh, (sau năm 1949) Bắc Kinh (BK) đã có một lực lượng quân đội vừa lớn vừa tinh. Căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam là một trong các thành tựu đáng tự hào của người Tàu.
Được biết, nay TH có 42 tàu ngầm các loại, trong đó có 12 chiếc chính họ đóng, số còn lại mua của Nga, Anh. Một phần ba số tàu trên trú đóng thường trực tại Hải Nam, là căn cứ quân sự (bao gồm cả không quân) ở gần ĐNA nhất. Vùng hoạt động của lực lượng này hiện giờ là biển Đông, trong tương lai là Ấn Độ Dương. Báo chí TH rao to các ý định trên, không giấu giếm… Kiểu tàu ngầm mới nhất của BK là tàu nguyên tử có trang bị hỏa tiễn JL2 với tầm bắn 9.300 km. Ngoài ra, hải quân TH cón có hơn 50 tàu đổ bộ, hàng trăm tàu nhỏ, 1/3 trong số này cũng nằm tại Hải Nam. Đó là bề nổi, những người hiểu đời không bao giờ tin các thứ tin (trong mọi lãnh vực)Ja được rao ầm ĩ như ca hát – Có điều dễ thấy, không chỉ mấy nước ở gần Tàu như VN, Phi, Hàn, một số nước châu Á khác cũng giật mình, vội bung tiền ra cải tổ hải quân, như Indo, Nhật, Ấn.
(Minh Khiêm, The European, 27/9/2006)
* Xưa nay làm việc gì Tàu cũng vẽ ra rõ ràng, bài bản, rồi các triều đại nối tiếp nhau cứ theo đó mà mần – Sống gần Trung Hoa phải biết Tàu – Biết gì? – Lúc cần, dù kẻ yếu có quỳ dưới chân nó, nó vẫn đánh.
MẤT CÒN: Ôn cố tri tân. Khi những biến động lớn diễn ra, khói lửa mịt mù, đạn bom gầm rú, dễ tưởng mọi thứ sẽ đảo lộn, rối tung, chẳng thấy được đầu mối, không biết chỗ tháo gở ở đâu, chắc sẽ mất hết. Nhưng không phải vậy, rồi đâu sẽ vào đấy. Đã mở đầu, sẽ có kết thúc. – Điều còn đọng lại trong trí nhớ (của người và máy móc) là cái dáng liêu xiêu của mấy gã đồng bóng.