8 thg 1, 2016

Trò chuyện với LÊ VĂN THIỆN

   Phỏng vấn
         * * 

       
Hôm sơ kết Trại sáng tác văn học tỉnh, tôi nói đùa với Lê Văn Thiện “Anh là nhà văn xã viên nông nghiệp”. Anh cười: nông nghiệp thứ thiệt đấy!
        Nói về L.V. Thiện, tôi nhớ một câu hỏi mà L. Tolstoi đặt ra trước kia: “Anh là con người như thế nào đây. Anh có khác với những người tôi đã biết không, và anh có thể nói cho tôi một điều gì mới về việc cần phải nhìn cuộc sống của chúng ta như thế nào không?”… Hình như L.V. Thiện đã nói được một điều gì đó, tôi nghĩ như vậy.
        Mười tám tuổi L.V. Thiện đã có truyện ngắn đầu tay in trên một tạp chí văn học ở miền Nam, năm 1965. Tiếp đó, anh có bài đăng đều đặn trên các tạp chí khác, chủ yếu là truyện ngắn. Đó là những mảng đời trôi nổi, cơ cực, đau thương, những tâm sự u uất, những thân phận mỏng manh… Lê Văn Thiện viết thong thả, chậm, gần mười năm cầm bút (trước 1975) anh chỉ cho in hai tập truyện mỏng. Khiêm tốn, nghiêm túc, tập truyện đầu tay được nhiều đàn anh phê bình, giới thiệu, ấy là điều đáng mừng.
        Hai mươi năm sau, qua bao biến động thời cuộc, L.V. Thiện không thay đổi nhiều, anh vẫn viết truyện ngắn! Tuy nhiên, năng suất viết có vẻ yếu hơn do công việc đồng áng khó nhọc, vất vả. Bên cạnh khó khăn vật chất còn có trở ngại là ở xa thành phố. Ở huyện nhỏ thì sách vở, báo chí là món lập bập, thất thường. Anh nói: “Chúi mũi trong xó làng quá lâu nên tôi lạc hậu, lắm lúc như một gã ngố!”. Nói vậy, là anh khiêm tốn. Có thể thấy, tuy chưa rõ lắm, nhưng bằng tác phẩm của mình L.V. Thiện ít nhiều đã trả lời được câu hỏi của L. Tolstoi trước kia: có thể nhìn cuộc sống hôm qua và hôm nay bằng đôi mắt và sự rung cảm của chính mình… Tôi hỏi anh:
        * Vừa làm ruộng vừa viết văn, chắc anh gặp nhiều trở ngại, có cực lắm không?
        - L.V. Thiện: Tôi sống thế này đã lâu, khá mệt, nhưng gần như nó không gây khó cho việc viết, bởi tôi chỉ viết khi có hứng, lúc nhàn rỗi. Thất thường lắm, mỗi bài tôi viết trong một tuần, hoặc mười hôm, có năm chỉ được hai bài!
        * Dù vậy, anh cũng đang có trong hộc bàn một tập truyện ngon lành?
        - L.V. Thiện: Đó là tập “Chuyện đời”, nó gồm 12 truyện, viết trong sáu năm, nó đề cập nhiều chuyện lớn nhỏ, về tình đời, lòng người, những kiểu sống, những số phận.
        * Anh có nghĩ, trong những năm qua, nếu sống ở phố, anh đã viết khác?
        - L.V. Thiện: Tôi chưa nghĩ đến, nhưng chắc khác. Môi trường sống có vai trò lớn trong việc tạo ra tính cách, lối sống, cách nhìn đời của người ta, giống như nghề nghiệp, giới tính, màu da, tôn giáo vậy.
        * Nhiều người nhận xét, trước kia anh lặn lội ở chiến trường nhiều năm, nhưng trong các tập truyện trước ’75 của anh ít thấy cảnh đạn bom, máu lửa?
        - L.V. Thiện: Cái này khó nói, bởi nó dễ đụng chạm, dễ được chụp mũ! Tôi trực tiếp đánh nhau bảy năm, thấy tận mắt vô số người chết vì súng đạn (hai bên, và dân chúng… ở các vùng Kon Tum, Pleiku, Tây Nam bộ, Campuchia.).  Anh ơi, khi chứng kiến những hình ảnh đó thì ta khó thể nói gì, viết gì nhiều về nó… Lẽ nào ta khai thác đau thương, tang tóc, bất hạnh của người khác (của đồng bào) để kiếm tiền nhuận bút, còn nói viết để lên án thì đã có nhiều người làm. Nói thế, người ngoài cuộc không tin đâu.
        * Thông thường, anh chọn đề tài như thế nào?
        - L.V. Thiện: Có thể nói, tôi viết kiểu tài tử. Hiếm khi tôi phác thảo, xây dựng cốt truyện trước. Thường, tôi nhớ lại một chuyện xưa, những kỷ niệm (xám hay hồng, vui hay buồn), rồi thêm thắt ít nhiều chi tiết, thành truyện. Hoặc, trong các đám tiệc, giỗ chạp, nghe anh em bà con trò chuyện, chộp được mấy cái hay, lạ, mình ghi nhớ, sau đó kiếm thêm một số tình tiết nữa (ở chỗ khác) rồi ghép chúng lại với nhau. Ít có truyện hư cấu hoàn toàn… Mới đây, tôi có một truyện được bạn bè thích. Ý chính truyện này tôi chôm từ bản tin trong một tờ báo cũ, cách đây hơn 50 năm. Nó độc đáo, lạ, dị thường. Không tìm mà gặp, may mắn… Tôi thích ngồi ở các quán cà phê, quán phở vỉa hè, hoặc lân la gần mấy “mụ” đa sự, để nghe lỏm, tìm đề tài, chẳng mất tiền mua, lại vui.
        * Anh thấy văn chương, thơ phú của ta thế nào?
        - L.V. Thiện: Có lẽ chỉ nên nhận xét những tác phẩm tôi đã đọc. Nhiều người vừa viết vừa nhảy múa, diễn thuyết. Sản phẩm của họ màu sắc không đều, chỗ quá đậm, chỗ lợt, nhiều nét cũ và thừa… Viết về cuộc chiến vừa qua thì có ba, bốn kiểu khác nhau nhưng chúng đều lềnh bềnh, trôi nổi, cứ như người viết luôn nằm trong trạng thái lên đồng, bụng dạ sôi sục, ngòi bút muốn khạc đạn, nên dễ cho ra lò những ly cà phê nêm bột ngọt! Không nên ba hoa, nói dài… Đọc truyện các nước, những gương mặt cũ, như E.M. Remarque, A. Camus, C. Dickens mình luôn thấy đã, đọc lại chục lần không nhàm.
        * Cảm ơn. Chúc anh khỏe mạnh, cuốc và viết thành công.
(THANH PHONG (Sĩ Tịnh), HK cuối tuần, 20/8/1996)