31 thg 8, 2011

Về việc Tư liệu - Hình ảnh bị mất

Kính thưa bà con!

Vừa qua, tôi bị tình trạng ăn cắp nội dung truyện và nội dung ảnh bên trong Blog và Allbum Ảnh. Chỉ còn đầu truyện ngắn và bìa trắng của allbum ảnh lưu trong google mà thôi. Rất buồn! Đây là một hành vi không lành mạnh. Xin cảnh báo để bà con đề phòng.

Kẻ phá hoại như vừa nêu trên chắc là không biết sự lao động cật lực của người khác mới có được thành quả như trên nên mới phá kiểu đó. Ta xem nếu thích cái gì thì copy chứ việc vì phải lấy hết của người ta ./.

ƯỚC MƠ NHỎ


Hôm đó, trên chuyến xe đò từ Cầu Đúc đến Thới Thuận – hơn 200 cây số – tình cờ Lộc ngồi cạnh chị Thủy. Ở cùng làng, hai nhà chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng xưa giờ Lộc chưa trò chuyện với Thủy lần nào. Thú vị, vui, nhờ chị mà quãng đường dài qua nhanh. Thủy thích nói, biết pha trò, có những nhận xét phân tích đánh giá về nhiều mặt của cuộc sống khá tinh tế. Được như thế, theo chị, nhờ sách báo. Chị đọc nhiều, “nhiều nhất xã”, thượng vàng hạ cám, mấy chục năm qua không nghỉ ngày nào… Đi đôi với nói là ăn. Mỗi lần xe dừng nghỉ, đội quân bán hàng rong ào tới, Thủy sẵn sàng mua ngay. Cốm, mè xửng, hột gà, bưởi, nho, trứng cút, thơm, măng cụt, chuối ép, táo, chôm chôm… không sót thứ nào. Chị nói: “Mình ăn cho vui, ủng hộ bà con nghèo… Lộc thấy đấy, họ bươn chãi kiếm sống cực nhọc lắm.” Chị đưa cho Lộc một túi trái cây đầy tú hụ, bảo: “Ăn đi, xơi hết cũng được!” Trong túi xách của Thủy có mấy cuốn sách, và xấp báo. Chị không giống dân quê. “Lộc đọc báo không?” Lộc lắc đầu: “Cầm tới sách, chỉ đọc vài dòng là tôi ngủ, mỏi mắt lắm.” Thủy có vẻ thất vọng: “Nhiều người như vậy, Lộc nằm trong đám đông… cả làng ta, hơn hai ngàn người, chỉ ba bốn người mua báo thôi.” – “Người ta thích nghe nhạc, xem phim, ăn uống.” – “Ăn nhậu, biết bao nhiêu quán… Thị trấn huyện mình nhỏ, nhưng mỗi tuần tiêu thụ bốn xe hơi bia… Uống thế cũng tốt, nhưng không cân đối, cái bụng được nuông chiều, cái đầu bị xử ép!” Lộc ăn măng cụt, nho. Thủy ăn không ngớt, hết món này tới món khác. “Người Nhật không phải Tây, dáng vóc họ chỉ nhỉnh hơn ta chút xíu, nhưng họ đá banh giỏi, viết văn hay, khoa học kỹ thuật siêu việt.” – “Chẳng so với Nhật được, chị ạ. Đài nói, họ giàu, dân họ học đại học rất nhiều… tất cả các thành tựu đều từ cái nền học vấn ấy mà ra.” – “Họ có những tờ báo in mỗi kỳ hơn chục triệu bản… Ta phải nhìn thấy chỗ yếu của ta mới mong…” Một ông ngồi hàng ghế trước quay lại, cằn nhằn: “Bà chị nói nhỏ giùm, Nhật với nhọt!… Ta đi xe đò. Các chuyện loại đó cứ để những kẻ đi máy bay lo!” Thủy xuýt xoa: “Xin lỗi anh, tôi sẽ nói khẽ.” Nhà Thủy giàu nhất nhì làng, chị tháo vát, biết làm nhiều nghề, kiếm tiền có vẻ dễ dàng. Chỉ có cuộc sống riêng tư của chị là xộc xệch, bất ổn. Cách đây ít lâu chị “quan hệ” lén lút với một ông hàng xóm, có vợ con, lớn hơn chị hai chục tuổi, tai tiếng không để đâu cho hết. Trong lãnh vực này, xem ra sách báo chẳng giúp chị được mấy!

Thủy đọc báo. Khoảng hơn mười phút sau, chị nói: “Có khi đọc hàng chục cuốn sách vẫn không ích lợi bằng biết câu này: hãy suy nghĩ kỹ những điều bạn nói, nhưng đừng nói hết những gì bạn nghĩ.” Lộc nhớ mang máng đã nghe câu này ở đâu đó: “Hình như tôi có đọc câu chị vừa nói.” - “Trên các cuốn lịch ấy mà, người ta in đi in lại!” Bác tài mở nhạc, một giọng ca buồn thảm cất lên, than khóc cho các mối tình dang dở. Không còn yên tĩnh. Thủy có cơ hội nói thoải mái: “Thực ra, chị đọc sách chủ yếu để giải trí, lắm khi đọc cả đống sách báo cũng chẳng thu hái được gì đáng kể… chậc, xưa kia khi chưa có chữ viết, thiên hạ làm gì cho hết thời gian rỗi?” – “Không rỗi đâu, họ bận rộn trong các việc tế lễ, hái trái, săn bắn, để duy trì sự sống.” Thủy khen: “Lộc giỏi đấy, chắc đúng như thế… Đâu phải người thượng cổ nào cũng u mê… Có nhiều ý tưởng, triết thuyết, đọc qua mình cứ nghĩ nó mới ra đời năm ngoái, không ngờ đã có từ thuở chúng ta còn ở trần đóng khố.” – “Cũng như các kim tự tháp vậy mà, đã mấy ngàn năm”, ông khách ngồi ghế trước góp chuyện, chắc để khỏi phải nghe nhạc. Lát sau, ông tiếp: “Bà chị biết hơi nhiều… Phụ nữ sành như vậy sẽ… gay! Tôi dám nói, bà chị không có chồng.” Thủy hoảng. Chị ngồi im đến nửa tiếng đồng hồ.

*

Mười sáu năm sau, vào một trưa nắng gắt, Lộc gặp lại Thủy trên một đoạn quốc lộ I vắng vẻ. Chiếc xe gắn máy của Thủy trở chứng, không chạy nữa. Chị đi quanh nó, sờ chỗ này, lắc chỗ kia. Thủy khác xưa nhiều, từ dáng người đến cách ăn mặc. Chị là Việt kiều ở Úc mới về nước.. Nắng trưa nung quãng đường nhựa sáng bóng lên, như được dội mỡ. Lộc tới giúp Thủy. Thủy nhìn anh, không nói gì. Mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt đỏ au của chị. “Thủy quên mình rồi chăng… lẽ nào quên?” Chị phát phì, to lớn hơn trước gấp rưỡi. Cũng do mập thế, nên trông chị xấu hẳn đi. Lộc không rành xe cộ, máy móc, nên sau một lúc lâu loay hoay, tình hình vẫn không được cải thiện. Chiếc xe đứng ì xác ra đấy, nắng càng lúc càng dữ hơn… Từ đây đến cầu Nước Mặn hai cây số, ở đó có tiệm sửa xe. Lộc đem chiếc xe đạp và cái cuốc của mình vào giấu trong đám rừng chồi, trở ra dắt chiếc xe gắn máy của Thủy: “Ta đi, vô cầu Nước Mặn, sửa xe.” Thủy gật, mặt buồn xo. Lên đàng. Thủy đi chậm, ì ạch, cái mũ trắng rộng vành kéo sụp xuống trán, chiếc túi lớn mang xễ trên vai. Chị thở phì phò, như đô vật Sumo xuống sức. Lộc nhớ chuyến xe năm nọ. Không hiểu giờ Thủy làm gì, có còn đọc sách nhiều như xưa? Chỉ thấy rõ một điều, nay Thủy ít nói. Hồi đó chị nói liền liền, không để miệng nghỉ. Lộc nhớ hai cái túi nhựa lớn đầy ắp trái cây chị mua, và chị bảo: “Lộc ăn hết đi… mình mua ủng hộ bà con nghèo.” Ở nơi Thủy sống hiện giờ có người nghèo không? Chị ấy làm mặt lạ, coi như chẳng biết Lộc. Quên sao được, đâu phải con nít. Nhưng mặc kệ chị ta, cái quan trọng lúc này là quãng đường khá dài, trời lại nắng đổ lửa… Lộc nhớ, trên chuyến xe đò năm ấy, ông khách khó tính ngồi ở băng ghế trước lúc đầu cự nự Thủy nói nhiều, về sau lại cùng chị “đấu” ra rả. Thủy bảo ông ta: “Đọc, chẳng thể nhớ hết. Vậy mình tìm cách để nhớ những gì mình thích. Tốt nhất là gom, đúc chúng lại, như nấu thùng nước mía thành những tán đường… Tôi thường nhớ những cái là lạ, vui vui, như: ngay ở nước Pháp văn minh cũng có khoảng 14 phần trăm hộ không có cuốn sách nào trong nhà – Chỉ vì một nhúm thằng điên cuồng, chó đẻ mà hơn 50 triệu người đã chết trong thế chiến 2 – Ba trăm triệu tín đồ của Bái Thần giáo sẽ kéo rốc lên thiên đường sáng lóa? Cứ để họ lên! Còn ta, ta sẽ xuống địa ngục nhộn nhịp, vui vẻ với 4,9 tỷ người còn lại.” Ông khách thích lắm, ông ta hỏi đi hỏi lại: “Bà chị chưa chồng, phải không nào?”.

*

Đi hơn nửa đường, Thủy kêu đau chân, hai người tấp vào dưới bóng mát lùm cây bên đường nghỉ. Thủy lấy trong túi xách ra một chai nước khoáng nhỏ, mời Lộc. Chị nói, Lộc khác trước, đen quá, mất đến chục phút chị mới nhớ ra. Gần một phần năm thế kỷ, khác cũng phải! “Chị còn nhớ là mừng rồi.” Thủy cho biết, mai chị sẽ bắt đầu chuyến đi chơi xa, trong nửa tháng, ra Hội An, Huế, Phong Nha, Hà Nội, thăm những nơi chị chưa biết. Thủy nhận xét, quê nhà có phát triển, mới, nhưng không nhiều. Mặt ngoài, nhà cửa đẹp, không còn nhà tranh, nhưng đường, chợ vẫn hẹp, nhỏ, đầy rác. Mặt trong, số người ngồi đánh cờ tướng, tán phào cả ngày trong các quán vẫn còn nhiều. “Họ không lười, nhưng chẳng có công việc cho họ làm”.

Thủy kể về cuộc đổi đời của chị. Chị qua Úc bằng con đường không chính đáng. Tại đó, chị lấy một người có hoàn cảnh tương tự như mình. Sống với nhau tròn bốn năm, có một con, anh ta bỏ chị, theo người tình mới. Nay chị sống với đứa con gái, làm nghề tự do. “Tiện nghi, vật chất tốt đấy, nhưng luôn bận rộn, ít khi có dịp nghỉ ngơi ba bốn ngày… Cái lận đận, xui rủi vẫn bám theo tôi. Lão chồng cũ ấy nói giỏi, làm giỏi, tướng đẹp. Do có nhiều ưu thế, nên lão ta hất mình. Đau, bên đó đa số đàn bà “đá” đàn ông!… Mà thôi, không dằn vặt nữa, mọi thứ qua đã lâu! Nhưng, nói chung, tôi không đạt được sự thảnh thơi, sướng thỏa theo như tôi tưởng hồi xưa.” Thủy cười. “Thời đó, tôi thích mấy câu nói về những người không có cần vẫn câu cá: bằng cấp là chiếc cần, tiền bạc là con cá. Nhiều người không có cần vẫn tóm được cá. Họ bắt bằng tay, lưới, hoặc rổ rá… Người ta có thể câu được cá, kiếm được tiền bằng nhiều cách. Du lịch Úc theo kiểu đi chui là chiếc cần mạo hiểm, nhưng lúc đó trẻ, thừa nhiệt huyết, nên tôi dám “câu”.

Thủy hỏi, nay Lộc sống thế nào, khá hơn xưa ít nhiều? Lộc kể ngắn, gọn. Thực ra, cũng chẳng có gì nhiều để nói, Thủy dư biết, chị hỏi vì xã giao thôi. “Ước mơ lớn nhất của anh là gì?” – “Thằng con học đến tú tài.” – “Còn anh và bà xã?” – “Tôi chưa nghĩ tới.” Thủy cười xòa: “Ít quá, anh khiêm tốn, không lẽ chỉ cần chừng ấy.” Lộc lấy làm lạ, tại sao Thủy không tin… Có phải những người không đi xa, không đọc nhiều, thì thấy gần và nghĩ thấp? “Bên đó có người nghèo không?” Thủy gật: “Có chớ, ở đâu cũng có… Tôi đã đi Anh, Ý, Pháp… nhưng họ nghèo khác mình.” – “Vậy là có hai kiểu nghèo?” Thủy nhíu mày: “Ồ, không phải hai, nhiều hơn nữa.” Trông mặt Thủy tươi tỉnh, vui hơn lúc nãy. “Tiếc, trên chuyến xe đò năm nọ chị nói nhiều câu hay, nhưng nay tôi quên mất cả… Tôi nghĩ, biết rộng cũng thú… nhưng có điều này, tôi muốn nói, sợ chị giận.” – “Ai giận sẽ chóng già, anh nói nghe!” – “Ở bên Tây thích đấy, nhưng khi ta về già, chết đi, thì buồn quá.” – “Anh muốn nói?” – “Nằm ở đó đâu phải đất mình… lại nữa, nghe như họ đốt xác?” Thủy cười: “Tưởng gì! Nhiều người cũng nghĩ về chuyện đó… mới đầu tôi cũng lo như anh, nhưng…” Ngẫm nghĩ khá lâu, Thủy tiếp: “Suy cho cùng, trên đời đâu có gì hoàn hảo, tuyệt đối, hễ được cái này sẽ mất cái kia… trong nhiều trường hợp, ta phải nhắm mắt sống theo mọi người, theo số đông… Vấn đề anh nói, nhiều người giải quyết gọn lắm: già, họ về chết ở quê.” – “Được quá!… không phải chỉ có một con đường trên đời.” Thủy lục tung chiếc túi xách, tìm thứ gì đó, không thấy. “Ở đây chẳng có tấm ảnh nào… tôi muốn cho anh xem mặt cháu, nó đẹp lắm!” Rồi chị nói, thủng thẳng: “Tôi không nói quậy như tôi là tốt. Có điều, anh làm tôi ngạc nhiên… Sống ở đâu cứ sống, làm nghề gì thì làm, tùy hoàn cảnh và khả năng của mình. Nhưng ta nên tập nghĩ rộng rộng, và ráng nhìn ra khỏi cái lùm tre đầu làng, để biết mơ mộng, và nâng cái ước muốn của mình lên cao chút nữa.” Thủy cũng có lý. Nếu phải kể ra, Lộc sẽ nói: muốn xây cái nhà mới to đẹp, mua một chiếc xe gắn máy đắt tiền, được “cỡi” máy bay, được đi thăm hết thắng cảnh khắp nước… Nói chi xa, nay tuổi đã khá dày, anh vẫn chưa biết Huế và các tỉnh từ đó trở ra. Lộc không muốn bộc lộ những điều ấy, sợ chị Sumo sang trọng này cười. Chẳng hiểu sao, từ xưa đến giờ, từ sâu thẳm trong lòng, anh luôn kính nể những kẻ giàu có ./.

Ninh Kiều đêm thứ bảy
















Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó đều không muốn về! 
(Câu hát hò địa phương)



Thân thương sông Hậu thương yêu
Thân thương em gái Ninh Kiều
Thương em thương dòng sông Hậu
Thương em chưa đủ, chưa nhiều !…
Ninh Kiều những đêm thứ bảy
Văn nghệ (*) tình khúc mê say
Bên sông trời sao lấp láy
Thoáng buồn ngọn gió heo may !
Công viên là nơi hò hẹn …
Hẹn hò cuống quít vu vơ !
Thật thà em không e thẹn
Trao nhau lời nói bâng quơ !
Ninh Kiều về đêm thứ bảy
Giọng ca tài tử hay thay !
Đường về đầy sao nhấp nháy
Thương em từng ngọn heo may.

Ninh Kiều thương nhớ từng ngày ! …
Tây Đô – Cần Thơ – 1961
---------------------------
(*) Những năm 1960, 1961, mỗi tối thứ bảy và chủ nhật tại Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) thường có diễn văn nghệ; sân khấu giàn dựng ngay cạnh bờ kè sông của công viên Ninh Kiều.

Buồn mênh mông

Tặng cô Diệu Hương (Quận 5 - Chợ Lớn)

Một đêm. Rồi lại hai đêm
Một đêm nay nữa! Mấy đêm qua rồi?
Vì đâu ray rức bồi hồi
Vì đâu nàng lại đứng ngồi không yên!...
Vẳng nghe sóng vỗ triền miên
Thuyền ai xuôi, ngược dặm trường mênh mông...
Dã tràn xe cát Bể Đông
Nàng băn khoăn mãi phòng không đợi chờ
Nhện buồn vương vấn giăng tơ
Nàng buồn rượi rã thẫn thờ thâu đêm!
Vầng trăng chênh chếch qua rèm
Bên song nàng tựa, bên thềm sương rơi...

Xa xa vẳng giọng à ơi
Giọng ru trầm, bổng làm nao nao lòng!...

Lạ gì bỉ sắc tư phong!
(*)

Bình Thạnh, tháng 5-2003

-------------
(*) Câu thứ 5 của Truyên Kiều (Nguyễn Du)

VỀ ĐIỆN BIÊN


Cuối tháng 3 năm 2004 một đoàn văn nghệ sĩ Khánh Hòa ra Bắc tham dự trại sáng tác ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Các thành viên của đoàn nằm trong ba phân hội: văn học, nhiếp ảnh, hội họa.

Sau một tuần ở Tam Đảo, đoàn mở cuộc tham quan Điện Biên. Xuất phát lúc 7,20 giờ ngày 3 tháng 4, xe chạy trong màn sương mù dày đặc, tầm mắt nhìn không xa quá năm mét. Chúng tôi đi theo tuyến Tam Đảo, Vĩnh Yên, Việt Trì, Thanh Sơn, Tạ Khoa, Cò Nòi, Sơn La, Tuần Giáo, Điện Biên… Cả đoàn chưa ai đến Điện Biên, kể cả trưởng đoàn Cao Duy Thảo – người từng ở Hà Nội 20 năm – nên ai cũng sống trong tâm trạng của kẻ hành hương về nguồn. Nao nao, dễ xúc động. Muốn nhìn thấy thật nhiều, muốn quan sát, ghi nhận, không bỏ qua chỗ nào. Điều này thể hiện rõ, chỉ trong ngày đầu, trên quãng đường Phố Ràng – Điện Biên, họa sĩ Đoàn Minh Long và nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Minh đã bấm hết ba cuộn phim.

Hơn 11 giờ, dừng nghỉ, ăn trưa tại Phố Ràng. Rồi đi tiếp. Từ đây bắt đầu leo dốc. Đến gần 1 giờ chiều, sau khi chạy hơn chục cây số đường đèo ngoằn ngoèo, chúng tôi gặp tốp người dân tộc thiểu số và mấy cây hoa ban đầu tiên. Chụp ảnh những cây ban hoa nở trắng đứng bên vách núi. Chụp hai cô gái và hai em bé người Thái đen mang gùi. Hình như nay đã cuối mùa ban nở hoa, nên chỉ gặp được ít cây cạnh đường. Đây là đèo Chẹn, quanh co, dài hun hút. Phía trái, vách đá dựng đứng. Bên phải là lũng sâu, sườn dốc bốn lăm, năm mươi độ, dòm xuống chóng mặt, nhiều nơi cây cối thấp, còi cọc. Cũng có mấy loại cây quen ở miền Trung: dừa, chuối, tre, nhưng không nhiều. Chuối là chuối rừng, tre cũng tre rừng, dừa chỉ lác đác vài cây. Nhiều quả đồi bị dân làm rẫy gọt nhẵn, phơi màu đất nâu sậm; những người lui cui làm trên đó trông nhỏ như búp bê. Sức người ghê thực. Xe chạy tiếp. Thỉnh thoảng lại gặp những toán du khách Tây đi ngược chiều. Họ đi xe máy, mặc áo ấm hoặc áo mưa, ba lô căng phồng, trông rất bụi… Tới Sơn La lúc 16,20 giờ.

Hết đèo Chẹn đến đèo Pha Đin. Pha Đin dài 32 cây số, là đèo mà chúng ta biết từ lâu, khi đọc những bài viết về Điện Biên Phủ, về chuyện bộ đội kéo pháo trong chiến dịch lịch sử. “Vực sâu thăm thẳm”, đúng như lời bài hát “Hò kéo pháo”. Có qua hai đèo này mới thấy đèo Cả, Hải Vân chỉ là em út. Nhà người Thái bám vắt vẻo trên sườn núi, mỗi cụm chỉ năm ba cái, giống những chiếc hộp giấy gắn trên bức tường rộng. Thác nước trắng xóa. Những con suối khô. Đoàn người đi trên ruộng bậc thang trông như đứng yên một chỗ. Có những cây hoa thấp, hoa màu hồng, giống cây huệ dại, mọc trên các mỏm đá ven đường. Có mấy lùm cây cao chừng một mét, hoa tím, như hoa sim… Thử hình dung, ngày xưa, trên đèo này dân công vận chuyển đạn, lương thực, bộ đội kéo pháo như thế nào, khi chưa có quốc lộ, khi độc đạo này còn là con đường mòn. Quả là kỳ công.

Đến đỉnh đèo Pha Đin, dừng nghỉ một lát. Ngắm nhìn cảnh núi đồi lúc mặt trời chen lặn. Chụp ảnh. Cột số ghi, đây cách Hà Nội 386 km. Còn hơn trăm cây số nữa đến Điện Biên. Đi tiếp. Đường vẫn quanh co, nhiều cua gấp, nhưng sườn núi không dốc bằng đèo Chẹn. Chạy gần chục cây số mới gặp một xe tải ngược chiều. Sương mù xuống, là là trên các đỉnh núi xa, che khuất mấy bản làng dưới lũng thấp.

Gần đến Tuần Giáo thấy vài con ngựa đứng ăn trong các vườn nhãn. Những con ngựa trắng này nhắc người ta nhớ đến các phiên chợ tình vùng cao. Gần thị trấn Tuần Giáo có ngã ba, một xuôi Sơn La, một rẽ về thành phố Điện Biên, một về hướng đông bắc đi Lai Châu, (Điện Biên – Lai Châu 103 km). Ghé Tuần Giáo ăn cơm chiều. Ở đây cũng có nhiều quán Compho (cơm phở) như những thị trấn dưới xuôi. Trên các đường lớn thấy giăng biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Chỉ còn 80 cây số nữa. Ông chủ tiệm cơm cho biết, khách sạn nhà nghỉ ở đây chuẩn bị để tiếp nhận du khách trong các tuần lễ du lịch lễ hội cao điểm, cuối tháng 4 đầu tháng 5. Lúc đó khách sạn Điện Biên sẽ đầy ngập, một số khách sẽ phải qua đêm tại Tuần Giáo này.

*

Gần 10 giờ khuya chúng tôi đến Điện Biên. Anh Duyên (người Thái đen), Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên ra đón, đưa đoàn đến nghỉ ở khách sạn Phương Huyền trên đường Trần Đăng Ninh. Đường này gần đồi A1, không dài lắm, trồng xen kẽ bàng và phượng, khá đẹp… Đêm không lạnh như tôi tưởng. Chúng tôi tranh thủ dạo một vòng quanh mấy con đường gần chợ. Đã khuya, hầu hết quán hàng đóng cửa. Quán tạp hóa, tiệm xe máy, vi tính, nhà may, bia hơi, chụp ảnh kỹ thuật số, điện tử điện lạnh… có đủ. Thành phố mới, nhiều đường không tên, nhiều nhà đang xây, gạch đá cây gỗ la liệt. Trung tâm văn hóa – gần chợ Điện Biên – bề thế, sân rộng bát ngát, lát gạch, có thể chứa hai ba vạn người. Một anh chủ quán cà phê cho chúng tôi biết, lâu nay giá sinh hoạt mềm, nhưng gần đây, thấy du khách đổ về đông, đã dợm bước leo thang. Ngày 1 tháng 4 giá phòng hai giường ở khách sạn bình dân từ 120 đến 150 ngàn một ngày đêm, nay tăng gấp đôi. Tôi ghi tên những con đường vào sổ tay: Trần Can, Trường Chinh, 7 tháng 5, Phan Đình Giót… tên khách sạn: Mường Thanh, Hương Giang, Công đoàn Hàng không… quán cơm: Hương đồng nội, Mây Hồng, Thu Hà… Lúc về, qua cầu Nậm Rốm. Cầu này bắc qua sông Nậm Rốm, kế chợ Điện Biên. Đang mùa nước cạn, lòng sông lổn nhổn đá, có thể lội qua được. Sông Nậm Rốm chảy ngược, qua Lào, đổ vào sông Mê Công.

Về phòng, tôi chưa ngủ được. Vậy là mình đã gặp những nơi mà xưa nay mình chỉ biết qua sách báo: Phố Ràng, Sơn La, Điện Biên, Pha Đin. Tôi nhớ lời anh Duyên: muốn có nhiều tranh, ảnh đẹp thì sau khi thăm đây nên đi Sa Pa (cách 270km). Tới đó, mướn xe máy vào sâu trong các làng bản, sẽ gặp vô số điều thú vị mà các thị trấn không có. Du khách Tây thường vào đó, ở cả tuần. Đấy là quê của hơn hai mươi dân tộc ít người, như Si La, Lự, Giáy, Xá Phó, Tày, Dao đỏ, Cống, La Hủ, Mảng… với nếp sống, phong tục khác lạ, độc đáo. Tôi nhớ một anh bạn (là nhà báo) nói: có ba đường đến Điện Biên. Một: bằng máy bay (Hà Nội – Điện Biên 500 cây số, bay khoảng 50 phút). Hai: bằng ô tô. Ba: bằng xe đạp, xe máy. Cách đi thứ ba chậm nhất, đổ mồ hôi nhất, nhưng bổ ích nhất… Tôi nhớ lại những điều đã đọc về Điện Biên Phủ, những chi tiết lớn về trận đánh lẫy lừng này: “Điện Biên Phủ là thung lũng lớn nằm giữa vùng rừng núi Tây Bắc thuộc tỉnh Lai Châu, gần biên giới Việt Lào, là vị trí có tầm quan trọng chiến lược đối với toàn bộ chiến trường Đông Dương… Giữa tháng 11-1953 Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm lớn với tổng số quân16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo lớn, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay, bố trí trong 49 cứ điểm tổ chức thành 8 cụm… Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định: tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ. Sau gần bốn tháng khẩn trương chuẩn bị, ngày 13-3-1954 bộ đội ta nổ súng mở màn chiến dịch… Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7-5-1954 ngọn cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã phất cao trên nóc sở chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”.

*

Sáng ra, trời quang đãng mới thấy rõ thành phố Điện Biên lớn hơn lâu nay tôi hình dung. Đường phố khá rộng, đẹp, sạch sẽ hơn nhiều thị trấn, tỉnh lỵ đồng bằng. Cũng có vài ngôi nhà mới xây theo kiểu nhà hộp, mặt tiền hẹp, mái nhiều nóc nhọn, sơn phết màu nâu hoặc vàng sẫm như đình chùa, thấy dày đặc ở Nghệ An, Hà Tĩnh… Trên các ngã đường, nhiều đoàn cựu chiến binh mặc quân phục mới, ngực gắn đầy huy chương và những tốp du khách sang trọng cùng đi về hướng các di tích lịch sử.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là đồi A1. Đồi nằm trong phố, trên đường 7 tháng 5. Bước qua cổng gặp ngay lô cốt cây đa cụt, khá lớn, hầm hào đất đỏ sâu 2 mét, rộng 0,4 mét. Đối diện lô cốt này có mấy hàng rào dây thép gai, mới phục chế. Đồi A1 là cứ điểm quan trọng nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, công sự kiên cố. Trận tiến công cứ điểm này là một trong những trận oanh liệt nhất của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 39 ngày đêm chiến đấu, đến 4 giờ rưỡi sáng 7-5-1954 quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1… Sườn đồi nằm phía đường 7 tháng 5 trồng nhiều cây phượng, cây tếch. Sườn đối diện là vườn nhãn xanh tốt, hoa đang nở rộ. Đứng trên đỉnh đồi có thể nhìn thấy rõ cánh đồng Mường Thanh. Còn nhiều đường hào sâu, có nắp, của quân Pháp. Một chiếc xe tăng khá nguyên vẹn nằm gần hầm chỉ huy cứ điểm A1. Trên xe có một cây đại liên, và một khẩu đại bác nòng chúc xuống đất. Hầm chỉ huy này bị 2 đại đội của Tiểu đoàn 249 quân ta đánh chiếm đêm 6-5-1954… Còn sớm nhưng du khách đã kéo đến khá đông. Người ta chen lấn nhau chụp ảnh chiếc xe tăng. Người đứng dưới sờ nòng đại bác, kẻ trèo lên tháp pháo ngồi ôm khẩu đại liên cười toe toét. Qua khỏi hầm chỉ huy vài chục mét gặp hố bộc phá. Nom giống hố bom B52. Sâu độ 15 mét, đường kính chừng 40 mét. Tại đây chiến sĩ ta giật nổ khối bộc phá 960 ký lúc 20 giờ 30 ngày 6-5-1954, sức nổ đã tiêu diệt một đại đội địch. Đây cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Rời đồi A1 chúng tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, cách đó không xa. Cổng nghĩa trang cao lớn, uy nghi. Mộ nằm thành hàng, giống nhau, hầu hết không ghi tên liệt sĩ. Hai hàng thông đẹp, cao quá đầu người, xén hình chóp nhọn. Hai hàng chậu cây cảnh quí. Du khách rất đông. Những chiếc lư trên mộ đầy vun chân nhang… Ở giữa nghĩa trang có bốn ngôi mộ của bốn anh hùng quân đội, lớn hơn những mộ xung quanh chút ít. Giữa lô bên trái – nhìn từ cổng vào – là mộ Phan Đình Giót, quê quán: Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, hy sinh ngày 13-3-1954. Và mộ Trần Can, quê quán: Yên Thành – Nghệ An, hy sinh ngày 7-5-1954. Lô bên phải là mộ Bế Văn Đàn, quê quán: Phúc Hòa – Cao Bằng, hy sinh ngày 12-12-1953. Và mộ Tô Vĩnh Diện, quê quán: Nông Cống – Thanh Hóa, hy sinh ngày 21-1-1954. (Trong chiến dịch Điện Biên Phủ có 17 người được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Ngoài nơi này, còn một nghĩa trang liệt sĩ nữa nằm trên đồi Độc lập). Đua nhau chụp ảnh. Nhiều người chọn lựa chỗ đứng, góc nhắm, cố thu vào ống kính tên các anh hùng khắc trên tấm bia. Trong nhà mát cuối nghĩa trang một toán chiến sĩ mặc lễ phục trắng tập dượt những động tác dàn chào để các phóng viên VTV thu hình… Ở đây người đông nhưng không ồn ào, bầu không khí trang nghiêm bao trùm, khói nhang nghi ngút.

Tiếp đó, chúng tôi đi thăm hầm Đờ Cát. Có hai đường, một theo con đường nhỏ, gần đồi A1, chỉ xa vài trăm mét. Hai, theo đường dẫn đến cửa khẩu Tây Trang, (giáp biên giới Lào). Chúng tôi đi lối này. Nó xa, nhưng có thể kết hợp tạt ngang thăm đền thờ Hoàng Công Chất, (ở thành Bản Phủ, Noong Hẹt) – Ông quê Thái Bình, trước đây hơn 200 năm lên khai phá thung lũng này. Ông là lãnh tụ nông dân, khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc – Con đường nhắm về hướng tây nam, xuyên qua cánh đồng Mường Thanh quen tên. Mường Thanh khá rộng, lúa mới cấy chừng hơn một tháng, xanh tốt. Ghé Bản Phủ hai mươi phút, thắp nhang, chụp ảnh. Ở đây có một cụm cây to, nghe nói đã già 200 năm. Thoạt nhìn cứ tưởng là cây đa, nhưng thực ra nó có ba gốc (dính vào nhau) đa, si, đề. Chẳng có gì nhiều để xem.

Lên xe, gần mười phút sau, đến di tích hầm Đờ Cát… Gần cổng vào, đã thấy xác một xe tăng. Hầm tọa lạc trên một đám đất bằng, khá rộng. Lâu nay tôi vẫn tưởng hầm nằm trên gò, hoặc đồi. Nó nhỏ hơn tôi hình dung, dài chừng 20 mét, rộng độ 2 mét, sâu 2 mét, bên dưới ngăn ra thành ba phòng nhỏ. (Một là phòng Đờ Cát, một phòng điện đài, một của binh lính bảo vệ. Người ta kể: Đờ Cát có một cô thư ký, cô này ở phòng bảo vệ. Sáng ngày 7 tháng 5, khi thấy tình hình nguy ngập, Đờ Cát cho cô thư ký lên máy bay “di tản”, vài tiếng đồng hồ sau, ông ta ra hàng.) Đây là Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp. Vào lúc 17,30 giờ ngày 7-5-1954 tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật, đại đội trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, đại đoàn 312 chỉ huy tiến vào bắt sống tướng Đờ Cát Tơ Ri (Christian De Castries, 1902 – 1991) cùng toàn Bộ Tham mưu … Trên đám ruộng bỏ hoang cách hầm khoảng hai trăm mét có một chiếc xe tăng khác, trong vườn nhãn đằng xa cũng thấy xe tăng và nhiều súng đại bác. Khách tham quan đông nghịt. Nhiều người leo lên nóc hầm, cầm cờ phất cao, chụp hình. Người khác chụp trước cửa hầm. Và có những người chui tọt xuống hào, vào các phòng để chụp. Đủ kiểu. Du khách đến từ nhiều miền, nói đủ thứ giọng. Đội quân bán đồ lưu niệm làm ăn khấm khá. Họ bán vòng đeo tay, túi xách thổ cẩm, mũ vải, áo thun có in dòng chữ “kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Có điều đáng tiếc: phần lớn di tích mới chỉnh trang, tu bổ, thấy rõ vết cuốc, màu đất đỏ còn tươi nguyên. Nếu được làm trước vài năm, để nắng mưa phủ rong rêu lên các lớp bao cát, hầm hào thì chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được nét cổ kính của cảnh vật.

Từ hầm Đờ Cát về, còn sớm, chúng tôi ghé thăm chợ Điện Biên. Chợ không lớn lắm, người thưa, nhưng các sạp, quán đầy ắp hàng. Giá cả vừa phải. Nhiều hơn hết có lẽ là quần áo may sẵn, thổ cẩm. Áo đàn ông Thái 30 ngàn, 40 ngàn đồng một chiếc; váy phụ nữ, mỗi chiếc giá từ 70 đến non 200 ngàn đồng; túi xách đủ cỡ, nhiều kiểu dáng thì rẻ hơn. Những gói thuốc nam (rất nhiều tiệm bán loại này) trị thấp khớp, tráng dương bổ thận, tăng cường sức khỏe (như mấy cái nhãn ghi rõ), mỗi gói mỗi tên khác nhau: hà thủ ô, nghệ đen, sâu chít, bọ cạp, phấn hoa, ong đất, nụ hoa tam thất… đủ hạng, giá từ 20 đến 90 ngàn một gói. Cái khó là khách chẳng biết được giá trị chất lượng đích thực của món hàng, cứ nhắm mắt mua về ngâm rượu uống, chắc là không chết. Trái cây cũng nhiều: dưa, xoài, bom, lê, dưa vàng, ba ngàn một ký dâu, bảy ngàn một ký cam Trung Quốc… Những phụ nữ Thái đen gùi măng, rau, gà ra chợ. Có mấy cô gái H’Mông mặc váy đẹp như diễn viên trong các phim ca nhạc.

*

Bốn giờ chiều chúng tôi thăm đồi D1 (Pháp gọi là Dominique), nó khá gần chợ Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đồi D1 do Tiểu đoàn 3 Algérie trấn giữ, trực thuộc phân khu trung tâm của hệ thống phòng ngự 5 quả đồi phía đông của địch. Sau ba tiếng đồng hồ chiến đấu dũng cảm, lúc 20 giờ ngày 30-3-1954 quân ta đã tiêu diệt cứ điểm này. (Trong chuyến thăm nước ta, ngày 10-2-1993 Tổng thống Pháp Francois Mitterrand lên Điện Biên, ông đã đến thăm đồi D1. Không ở đâu nhìn bao quát cảnh chiến trường xưa tốt hơn đây.) Đứng trên đỉnh đồi có thể thấy toàn cảnh lòng chảo Điện Biên rộng hơn 200 km2. Lúc này, đây là công trường xây dựng, đang gấp rút lắp đặt tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngổn ngang máy ủi, máy hàn, đá, sắt, cần cẩu. Giàn giáo lởm chởm. Công nhân gọi nhau ơi ới. Bụi đồng từ trên tượng rơi xuống như mưa bụi. Theo báo chí, đây là công trình hoành tráng nhất, có số vốn đầu tư lớn nhất (về tượng đài đồng), ở nước ta từ trước đến nay. Mẫu của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, người đúc là Nguyễn Trọng Hạnh (quê Nam Định), đúc tại Nam Định. Khung của cụm tượng đúc bằng 220 tấn đồng, 185 tấn sắt thép. Toàn bộ kinh phí là 27 tỷ đồng, (có báo ghi 37 tỷ). Những công nhân đứng trên giàn giáo trông nhỏ xíu, chênh vênh. Du khách chụp ảnh, dù chưa xong, chưa gọn gàng, vẫn chụp. Dự tính, mọi việc sẽ hoàn tất trước ngày 30-4-2004. Đây là công trình văn hóa làm đẹp thêm cho thành phố Điện Biên anh hùng.

Nghỉ lại Điện Biên thêm một hôm để đoàn có thì giờ đi thăm các di tích Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập và các làng bản quanh thành phố. Sang ngày thứ ba chúng tôi đi tiếp, rẽ về đông bắc đến Sa Pa săn ảnh… Không thể nào nói hết được nỗi vui sướng, hạnh phúc của anh chị em trong đoàn. Tôi bảo mình hãy căng mắt nhìn cho rõ, ghi nhận mọi sự (như chụp ảnh) vào óc, bởi dễ gì có được chuyến đi thứ hai như thế này.

Điện Biên không phải thắng cảnh. Nó không giống Tuần Châu, Đồ Sơn, Hạ Long, Sa Pa… Điểm nổi bật của nó là giá trị lịch sử. Sau khi thăm Điện Biên về, ta không cần phải thuật lại những gì đã thấy cho người thân nghe, chỉ nói gọn: Tôi đã đến Điện Biên Phủ ./.

Sa Pa 6.4 – Tam Đảo 12.4.2004

TÌM MỘT LỐI RA

Hai người ngồi uống rượu dưới giàn bông giấy.

Đôn Cận đến sớm, lúc tám giờ sáng, xách theo con vịt. Trọng khoái chí, lớn tiếng đốc thúc Kim Hoa chạy kiếm rượu và mồi đưa cay. Phải “chạy” dài vì nhà không còn tiền, chẳng có đến chục ngàn bạc. Nhưng biết tới đâu bây giờ. Những nơi quen lớn Kim Hoa đều đã đến thăm, vay mượn vài lần. Số nợ đã cao lút đầu. “Rồi lấy gì để trả đây. Ta còn mặt mũi nào đến các nhà quen hỏi mượn nữa”, Kim Hoa nói với mình.

Nhưng Kim Hoa vẫn phải đi kiếm rượu, dù khi dắt xe ra ngõ chị vẫn chưa biết nên đi đâu. Hoa nghe người bải hoải, hai mắt nóng, chân tay rũ liệt như vừa làm một việc cực nặng… Trọng uống quá nhiều, nay với bạn này, mai bạn khác, tuần nào cũng dự hai, ba “trận” lớn. Bốn ngày vừa qua thì uống liên tiếp, chẳng nghỉ ngày nào.

Đạp xe vòng quanh ngoài phố, từ bến xe xuống chợ, rồi từ chợ lên bến xe – nửa vòng thị trấn – cuối cùng Kim Hoa lại tấp vào nhà Xuân Dung. “Chớ biết đi đâu nữa, khổ thân tôi!” Đây là lần thứ ba trong tháng, Kim Hoa tới cầu viện nhà này. Chỉ là chỗ bạn bè, không bà con cật ruột gì, nhưng Xuân Dung rất thương quý Kim Hoa, như chị em. “Vay mượn, khốn khổ quá chừng. Nhưng nếu vay để làm ăn thì còn coi được… Cứ thế này mãi rồi sẽ tới đâu?” Kim Hoa lại độc thoại.

Chỉ có Phước – chồng Xuân Dung – ở nhà. Kim Hoa ấp úng trình bày lý do “thăm hỏi” và ngạc nhiên khi thấy Phước sốt sắng lấy cho mượn ngay một trăm ngàn đồng, đúng như mong muốn của chị. Phước mở tủ lạnh bê ra một đĩa chôm chôm, nho, mời Kim Hoa. Phước nhìn chị bằng ánh mắt trìu mến, mơn vờn. “Xưa nay Phước không nhìn mình như vậy”. Kim Hoa lấy một chùm nho, tới đứng bên cửa sổ. Dường như Phước nói nhiều, cười to hơn mọi lần. Cục hầu ở cổ anh ta nhảy như quả lắc đồng hồ. Sao anh ta vui…

Tối qua, Trọng tổng kết các khoản cần chi dùng: “Mình cần gấp ba triệu rưỡi để thanh toán viện phí và tiền thuốc cho má, và bảy triệu chuộc chiếc xe. Anh bí. Em coi chỗ nào có thể nhờ cậy được thì xoay giùm. Anh sẽ trả, vài tuần, hoặc vài tháng nữa anh trả.” Nghỉ một lúc, Trọng nói thêm: “Hiện giờ ta đang đứng ngay ở điểm “cùng”, nghĩa là sắp tới sẽ đến chỗ “biến”, sau “biến” là “thông”. Sẽ vậy thôi. Lẽ nào chúng mình cứ chúi mũi xuống mãi?” Hơn mười triệu bạc. Tìm đâu ra đủ con số đó? Trước đây, chừng ấy tiền là nhẹ như bông, chẳng đáng để Trọng quan tâm.

- Trông em có vẻ lo lắng quá. Có gì khó khổ, trở ngại nói anh nghe xem.

Giọng của Phước như cụ già hiền từ, nhưng ánh mắt anh ta là mắt của diều hâu nhìn chú gà con. Kim Hoa thành thực kể hết tình cảnh của mình. Phước nghe chăm chú, tặc lưỡi luôn miệng: “Tay Trọng bê bối, hư quá, bậy quá!”

Tiễn Kim Hoa ra sân, Phước nói:

- Nay mai nếu còn cần tiền tiêu em cứ tới đây, đừng ngại. Xuân Dung đi Cai Lậy chơi mười ngày, anh tự do, không sợ bà ấy giám sát. Nhớ nhé.

Rồi anh ta vỗ lưng Kim Hoa: “Tội nghiệp em!”.

“Em tới đây… Xuân Dung đi Cai Lậy… Anh ta nói gì vậy, hở trời!” Đi khỏi cổng nhà Phước một quãng, Kim Hoa dựng xe bên vệ đường, ngồi thụp xuống, gục đầu vào gối, khóc.

<>

Đã 6 giờ chiều, hai người vẫn ngồi uống dưới giàn bông giấy. Chưa thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ cuộc rượu sắp tàn, cả hai đều còn tỉnh táo.

Đôn Cận kể một chuyện vui. Kể xong anh cười lớn, tán thưởng mình. Nhưng Trọng không nhếch mép.

- Không buồn cười à? – Đôn Cận hỏi.

- Tếu lắm, nhưng bụng này đang chứa nhiều mối lo, chẳng vui được.

- Đâu có gì quan trọng, mọi trục trặc trong cuộc sống đều là nhất thời.

- Xin hỏi, khi gặp hết thất bại này đến thất vọng khác, ông có oải không?

- Đương nhiên là oải.

- Khi mà cả trời và người cùng hùa vào xí gạt ta liên tục hàng chục keo, ông có cáu không?

- Cáu, tất nhiên! Nhưng coi lại, có phải các vị đó gạt ta, hay do ta bước đi xiên xẹo?

- Ông biết đấy, tôi không phải hạng người dễ chịu thua, nhưng khi rơi vào cái trận đấu suốt 90 phút ta co chân sút mãi mà cứ trúng cột dọc với sà ngang…

- Sút tiếp, rồi sẽ “vào”, chắc chắn như thế, vì sà ngang cột dọc chỉ cách thắng lợi vài phân… Đừng lo, tôi sẽ góp cho mấy ý mới để bạn bắt đầu làm lại.

Đôn Cận cười thật giòn, và lại kể một chuyện vui khác… Trọng nắm tay Kim Hoa, bảo chị ngồi xuống cạnh Đôn Cận.

- Em ngồi dậy, châm rượu cho anh Đôn.

- Em bận nấu nướng, dọn dẹp.

Trọng cười hềnh hệch:

- Khoan nấu, nghỉ dọn. Đôn là tri kỷ của anh, em biết đó… Có gì đâu, chỉ rót rượu thôi. Đừng làm anh buồn. Anh buồn nhiều quá rồi… Em có còn coi anh là… là chồng không?

- Thôi nào, Trọng, để Kim Hoa lo bếp núc.

- Hoa muốn tôi buồn. Thời còn làm ở quán Chiêu Anh, cô ấy phục vụ biết bao người… Mà nào chỉ rót rượu thôi đâu, còn táy máy, mơn trớn và chớp nháy nữa kia!

- Anh Trọng! - Kim Hoa kêu lên.

- Bạn say rồi, Trọng ạ – Đôn Cận đứng dậy, nhưng anh lảo đảo, muốn té, nên lại ngồi xuống – Chúng mình nghỉ là vừa, tôi cũng mềm rồi.

Đèn đường bật sáng. Kim Hoa đến mở đèn thềm. Trọng ngồi chống cằm. Anh nói chậm, rành rọt như chưa uống giọt rượu nào:

- Tôi đâu còn là tôi nữa. Tôi kém cỏi, bất hạnh, sờ vào đâu hư hỏng đấy… Qụy ngã, thua lỗ, xúi quẩy – Anh chỉ Kim Hoa, và chỉ vào nhà – Tài sản của tôi chỉ còn có cô này, và cái nhà trống huếch.

- Biết rồi, Trọng. Này, làm hớp nước chanh, giải nhiệt.

- Ông chẳng biết gì nhiều đâu. Xin lỗi, cho tôi nói thực. Khi xuống chó thì người ta xuống cấp… thành một thứ người loại hai! Kim Hoa kia, ông biết không, mới năm nào cô ấy còn coi tôi là ân nhân đáng kính trọng, là phu quân vĩ đại… Nay thì sao? Bây giờ em gọi tôi là gì? – Trọng đưa ly rượu cho Kim Hoa – Em mời anh Đôn ly này, nhá.

Trọng lại nhắc tới mụ Chiêu Anh, và chuyện cũ, Kim Hoa cảm thấy chua xót.

- Ông nên tin tôi, khi say người ta thường nói thực, Đôn ạ… Không chỉ buồn, tôi đang tuyệt vọng. Nhưng tôi vẫn yêu thương Kim Hoa… Đúng thế, kép Văn Trọng sắp thở hơi cuối cùng nhưng vẫn yêu đào Kim Hoa mê đắm!

Trọng cười sằng sặc, sắc lạnh, như tướng cướp trên sân khấu. Rồi bỗng anh thôi cười, gào to: “Kim Hoa, lúc sáng em mượn tiền ở đâu?”

<>

Năm đó Kim Hoa là ngôi sao sáng của quán Chiêu Anh. Quán có nhiều chiêu đãi viên, nhưng Kim Hoa là người xinh đẹp nhất, nổi nhất. Quán thu hút khá đông khách, phần lớn thuộc giới khá giả. Các cô gái bán bia, rượu, tiếng cười, và cả mấy “món cấm”. Các đấng mày râu thì mua vui, mua sắc, và mua cả những vầng hào quang hão huyền. Người ta không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc. Dường như ai cũng muốn cố vượt lên để tới một cái đích nào đó, cố nhảy qua những bậc cấp, những chiếc thang mơ hồ nào đó.

Trọng đến Chiêu Anh thường xuyên. Lúc này bạn bè gọi anh là Trọng Bụng. Anh đang ăn nên làm ra, đang phất. Anh làm gì cũng trúng, nhúng tay vào đâu cũng êm xuôi, trôi chảy, lời to. Ở Chiêu Anh, Trọng Bụng được các nàng kiều quý trọng, chìu chuộng. Anh xài “sang hơn Tây”, vui tính, hào phóng. Cùng nhiều hảo hớn khác, Trọng lao vào cuộc đua tranh nhằm chiếm đoạt minh tinh Kim Hoa, và anh đạt được mục đích sau hai năm chiến đấu quyết liệt…

Trọng Bụng bứng Kim Hoa ra khỏi động Chiêu Anh tối tăm cũng khó khăn, chật vật như viên tướng chiến thắng trong một trận đánh mà đối thủ là kẻ tài trí chẳng kém mình bao nhiêu. “Tao vớt nàng ra khỏi vũng lầy. Tao sẽ cưới nàng… Hoa sẽ coi tao như thiên thần sáng láng, hào hoa.” Trọng Bụng nói với các bạn thân, và sau đó anh cưới Kim Hoa ồn ào, linh đình như đã nói. Hai người sống với nhau êm ấm, hạnh phúc như những cặp vợ chồng trẻ tân, như là Trọng chưa hề trải qua một đời vợ, như Kim Hoa mới cởi bỏ áo học trò tháng trước. Thời gian tươi đẹp ấy kéo dài được ba năm.

Nhưng từ khi bị mấy vụ thất bại, thua lỗ nặng liên tiếp ập xuống đầu hồi cuối năm kia, Trọng đã biến thành một người khác. Anh mất tinh thần, không còn thiết gì đến việc làm ăn, và trở nên một kẻ nóng nảy, hời hợt. Biết vợ không may vá, không buôn bán, không dạy học, không có một nghề chắc chắn, nhưng anh không biết đặt câu hỏi các món tiền chị mang về thời gian qua có được từ nguồn thu nào?

<>

Chỉ hai ngày sau lần nhậu trước, Đôn Cận lại đến. Cùng đi với anh có một người đàn ông tuổi chừng năm mươi, tướng sang trọng. Ông ta mang kính mát, ria mép rậm, mặt ngầu, như mấy tay trùm xã hội đen trong các phim truyền hình. Đôn Cận gọi người này là anh Năm với giọng kính nể. Trọng lăng xăng đón khách. Anh vội vã lâu qua bàn ghế, pha trà, và vác chiếc bàn thấp ra đặt dưới giàn bông giấy.

Trọng nói nhỏ với Kim Hoa: “Có anh Năm Phán đến chơi. Anh ấy ở Hòa Hưng, là dân xịn, làm ăn to, đứng đắn… Em nhớ cho, đây là khách đặc biệt. Lâu nay Đôn xoay xở, tìm cách chúng giúp mình. Anh ấy câu Năm Phán tới đây. Anh Năm chính là kẻ mang hy vọng đến cho chúng ta… Hoa ạ, anh đang cần một chiếc phao, một bàn tay vững chãi để bám víu, lấy đà… Giờ em chạy tìm chai rượu và đồ nhắm, nghe.”

Kim Hoa ngẩn người. Moi đâu ra tiền để tìm với mua! Số tiền mượn của Phước đã chi cho cuộc rượu hôm đó. Trọng ôm Kim Hoa:

- Không tiền? Phải, hết từ lâu rồi. Anh biết chớ! Biết, nhưng anh khổ quá, em ạ. Anh rối trí, muốn cuồng điên luôn… Hơn năm qua để mặc em chạy ăn là chuyện đường cùng.

Trọng vuốt tóc vợ:

- Ta tiếp anh Năm chu đáo, em ạ… Anh phải đứng lên, bày keo khác. Anh muốn được cao lớn, mạnh khỏe trở lại.

Trọng nhìn quanh phòng:

- Em coi còn có gì bán được chăng… Không à? Hết thực rồi!… Dào, chỉ còn bàn ghế, giường.

Kim Hoa cười:

- Còn em với cái nhà nữa chớ!

- Sao em cười?… Đừng cười anh!

Trọng chậc chậc, chép miệng và thở phì phì như những lúc say. Rồi anh lại vuốt tóc Kim Hoa, vỗ vỗ nhẹ lưng vợ, động viên:

- Em cố chạy lần nữa, ráng lên… kiếm chai rượu loại kha khá, mồi thì gà, vịt, bò, hoặc khô sặc, khô thiều cũng được.

Anh khích lệ, và cười gượng, nói đùa. Anh vỗ lưng Kim Hoa giống hệt như hôm trước tay Phước đã vỗ. Kim Hoa chết lặng… Cố gắng, Hoa cố được. Nhưng đối với một kẻ mà sự chạy tiền chỉ có nghĩa vay mượn thì phạm vi của sự cố gắng hết sức hạn hẹp. Kim Hoa đau đớn thấy mình bất lực. Cái xui xẻo của Trọng đã lan rộng, hay có một ông trời tai quái theo rình rập quyết hại gia đình chị? Mấy món tiền cuối cùng, cộng với số tiền bán nữ trang, Kim Hoa đổ ập cả vô mấy đầu huê, mới đây đã rơi vào tay hai mụ lừa đảo. Mất êm ái, trong chớp mắt, như là bay biến, như bốc hơi.

Kim Hoa yêu kính Trọng, muốn anh bước ra khỏi vùng u ám. Chị biết rõ là Trọng siêng năng, tháo vát, và rộng lượng, tốt bụng, thường giúp đỡ những kẻ thất thế, nghèo khổ. Một người như vậy chắc thế nào cũng vượt qua được hoạn nạn, sẽ gặp nhiều may mắn, sẽ có đường hậu vận tốt lành… Nhưng còn chuyện này, bây giờ tính sao, đến gõ các cửa nào?

Họ ngồi bên chiếc bàn nhỏ dưới giàn bông giấy. Đôn Cận nói liền miệng, tiếng khàn khàn. Năm Phán nói nhỏ, chậm rãi. Trọng thì luôn miệng vậng dạ, mau mắn, ngọt ngào.

Kim Hoa lấy giỏ, dắt xe đi ra cửa sau. Chị đứng mấy phút trước cánh cửa mở hé, ôn lại trong đầu những tên người, những gương mặt thân sơ có thể đến nhờ vả. Cuối cùng thì gương mặt nổi nhất vẫn là Phước. Anh ta cười cười, giả vờ lắng nghe, giả vờ thương xót. Nhưng khi anh ta đưa tiền ra, đúng là những xấp tiền thật, không phải “giả vờ”. Khuôn mặt Phước đung đưa, lấp lóa, lúc mờ lúc sáng như trên màn ảnh. Anh ta nhíu mày, nghiêng tai lắng nghe, rồi cười tít mắt. Và anh ta nói: “Tội nghiệp em… nếu cần tiền em hãy tới đây…”, rồi vỗ nhẹ lưng Kim Hoa. Anh ta vỗ lưng nàng!

Kim Hoa ra đường, thờ thẫn đi về phía trước mặt, như để đến một nơi vô định, một vùng đất trời nhạt nhòa, xám xịt. Thật là khổ nhọc phải ra đi trong khi trước mặt không có một ngõ lối, một con đường nào ./.

30 thg 8, 2011

TÌNH QUÊ XA KHUẤT


Một chiếc xe ngựa mui trần chở đầy dưa hấu đến dừng trước cổng nhà ông An. Người đánh xe là một cô gái khá xinh, vóc dáng đẹp, trông nhanh nhẹn mạnh mẽ như đàn ông. Cô gái xách mấy trái dưa đựng trong chiếc giỏ mây vào, nói với Duy Ninh:
“Em gởi giỏ dưa cho chú Tám”.
Thấy cô gái hay hay, Duy Ninh ghẹo:
“Dưa này tặng hay biếu đây, cô em?”.
“Dạ, tặng đấy ạ”.
“Nhưng phải biết của ai, tôi mới nhận”.
“Của hàng xóm, nhà kia – cô gái chỉ ngôi nhà ngói mới ở kế vườn ông An – của em, em là Son”.
“Son, chị thằng Hưng, tôi biết rồi. Thế mà tưởng ai!”.
Cô gái cúi chào: em về.
“Cảm ơn cô Son. Hôm nào tôi sẽ qua chơi, nhờ cô dạy đánh xe ngựa”.
“Không dám dạy đâu, nhưng em chẳng giấu nghề, trong một buổi biết ngay, dễ ợt, anh Ninh à! – Son cười, hàm răng đều, trắng bóng, nụ cười mặn mà”.
“Vậy ra cô cũng biết tên tôi. Thế là chúng ta quen nhau rồi nhé!”.
… Qua những lần trò chuyện với cậu bé Hưng, Duy Ninh biết ông Mới – cha Son – làm nghề đánh xe ngựa. Son có một chị đã có chồng. Hưng là em út, kém Son bảy tuổi. Những việc đồng áng của nhà ông Mới như trồng mía, mì, sắn nước đều do Son đảm trách. Cô gái cày cuốc, khuân vác gọn gàng, khỏe không thua trai tráng.
*
Làng cận sơn Mậu Lâm nằm trên bờ sông Bương, một con sông nhỏ, đẹp. Sáu mươi ngôi nhà ẩn mình dưới bóng tre, mít, khuất sau những ruộng mía um tùm. Lặng lẽ, yên tĩnh, ở đây ít khi nghe được tiếng động gì lớn. Đất thổ cư, vườn cây ăn trái rộng, nhà cửa cất cách xa nhau, nơi nào gần nhất cũng trăm mét… Ban ngày, trên các thửa ruộng mía, đất mì thanh niên nam nữ đội nón lá, khăn che mặt, cặm cụi xới đất, cuốc cỏ. Trẻ em tụ tập chơi trước sân trường, hoặc tắm dưới bến đò… Làng hẻo lánh, cách núi chỉ một cây số, cách quốc lộ I và đường xe lửa đến ba mươi cây số, chưa có điện, xa ánh sáng văn minh. Hưng nói, xưa giờ em mới được lên chợ huyện có ba lần. Tuy thế, về vật chất dân làng không nghèo lắm, sống khá ung dung, nhàn hạ, nhờ đất nhiều và màu mỡ… Mậu Lâm không có nhà tranh, tất cả đều lợp ngói. Hộ khá giả xây tường gạch, hộ yếu hơn thì trét vách đất. Có thể xếp khoảng một phần ba số gia đình vào hạng giàu, chủ yếu nhờ mía đường, và nhờ đức tính sống cần kiệm. Nhiều người nói, giọng tự hào: tuy nhiều năm chưa được ra phố vào quán “kéo ghế” lần nào, nhưng nếu có dịp thì ta cũng sẽ ăn xài mát tay không thua bất cứ ai!
*
Duy Ninh nghiện ma túy một thời gian, tuy chưa lâu lắm nhưng cũng đã khiến cơ thể anh suy nhược, người xanh xao gầy còm. Khi Ninh ở trường cai nghiện ra, theo lời khuyên của các bác sĩ, ông Đăng – cha Duy Ninh – tính đưa anh về vùng quê tĩnh dưỡng. Suy nghĩ, cân nhắc, cuối cùng ông chọn nhà ông An – một người em họ – ở làng Mậu Lâm, “một làng quê không đâu quê hơn, một nơi xa không đâu xa hơn” để Duy Ninh có cơ hội hồi phục sức khỏe, được hít thở không khí trong lành, xa cách hẳn phố xá với đám bạn bè xám xịt.
Lúc mới đến, Duy Ninh nghĩ chắc mình không thể trụ lại đây quá một tuần! Heo hút, buồn rớt! Phía tây núi cao chập chùng chắn tầm mắt. Ba bên đất mì, ruộng mía vây bọc, xanh tốt, như rừng rậm. Nhà thưa thớt. Không thấy bóng xe hơi, không điện đài chợ búa. “Ái chà, sao trên mặt đất lại có cái làng rầu rĩ thế này… sao người ta có thể sống suốt đời ở một nơi như nơi này?” Chiều xẩm chim công trên núi rộ lên tố hộ, sầu thảm khắc khoải, nghe rõ như kêu ngay sau hè. Đêm đến, thỉnh thoảng lại nghe bầy ngỗng la quàng quạc như bị ai chộ, rồi tiếng chim te te đột nhiên kêu giật giọng, lảnh lói ma quái. Sau trước tối om. Những ngọn đèn dầu nhỏ nhoi vàng vọt, tù mù. Chưa đến 9 giờ mọi người đã lục tục vào giường, đi ngủ!
Nhưng về sau Duy Ninh đã nghĩ khác. Thì ra, không phải chỉ có vậy. Ở đây không hẳn là ốc đảo, chẳng phải chỉ toàn ảm đạm với buồn vắng. Làng quê này còn có một mặt khác, cái mặt thứ hai, trong sáng, đậm đà, đáng yêu… Dân làng hiền hòa, chất phác. Họ ít nói, và nói chuyện có vẻ ngập ngừng, thiếu mạch lạc. Không thấy họ to tiếng, cãi vã nhau. Không có những vụ gian lận, trộm cắp. Không thấy cảnh thanh niên đàn đúm nhậu nhẹt rồi quậy phá, đánh đấm nhau ngoài đường. Trong việc làm ăn họ thường dùng hình thức vần công đổi công, giúp nhau qua lại, ít thuê mướn. Khi một nhà có đám tiệc, hiếu hỉ những người cùng xóm tự động đến góp mặt, góp tay, chẳng cần mời mọc… Duy Ninh thích con sông nhỏ lặng lờ, nước trong vắt; mê cái cầu tắm dưới bóng cây vú sữa trước nhà chú An. Trưa nào anh cũng cùng Thanh – con chú An – đùa giỡn thỏa thích trong dòng nước mát. Bà con ở đây biết anh là cháu ông An, ở Tân Phú về dưỡng bệnh, chỉ như vậy, họ chẳng hỏi gì thêm. Duy Ninh nói với họ anh là thợ điện, không nhắc tới chuyện đá bóng. Anh nghĩ, chắc dân làng không coi đá bóng là một nghề, chẳng tin người ta có thể sống bằng cái việc phập phều là đi “đánh banh”. Họ quen gọi “trái banh”, không gọi “quả bóng”… Nhờ chiếc máy ảnh Duy Ninh nhanh chóng làm quen, thu được cảm tình của cánh thanh niên và những người lớn tuổi… Không đợi ai đốc thúc, anh lao vào “tham gia” lao động tay chân, làm những việc xa lạ xưa nay anh chưa hề biết. Nhà ông An làm đường thì anh cầm rựa phát mía, rồi vác mía vào che, ôm bã ra phơi. Lúc thu hoạch khoai mì, anh cuốc, nhổ, vác cây, đánh cộ bò chở củ từ ruộng về nhà. Anh mặc áo vá, đội nón cời, làm hăng say, cật lực. Rất được việc. Đặc điểm của nông dân ở đây khi làm ăn là chậm rãi, chắc chắn, không thuyết lý. Làm bằng mắt và tay chân, không bằng miệng… Trong tháng Mậu Lâm bước vào vụ thu hoạch mía, nấu đường, xóm làng có cái mùi riêng, đặc biệt, một mùi thơm ngọt dịu, bao trùm khắp nơi, ngoài ruộng, trong nhà, trên tóc tai, giường chiếu. Từ đó người ta dễ tưởng mọi thứ đều thấm đẫm hương vị ngọt, tiếng chim ngọt, gió ngọt, giọng cười ngọt. Duy Ninh nghĩ, chắc mình sẽ không khi nào quên cảm giác này… Rất nhanh, bà con xóm giữa của Mậu Lâm yêu thích “anh chàng công tử trắng trẻo, vui tính”. Duy Ninh chụp hình thật nhiều, không chán. Cảnh các cô gái phát mía, ôm bã. Cảnh các chàng trai nấu đường, nhổ mì, đánh xe bò. Cảnh bọn trẻ đá banh, câu cá, bơi đùa trên sông. Chụp xong anh nhờ ông Mới đem ra chợ huyện rửa, rồi tặng cho mỗi người vài tấm. Ảnh màu, sáng rỡ, sinh động, đẹp hơn “ngoài đời”. Ai nấy thích mê. Xưa giờ, “từ thuở cha sinh mẹ đẻ” chưa thấy ai chơi đẹp như thế!
*
Ngay từ những ngày đầu, qua chiếc cầu nối là quả bóng da, Duy Ninh được băng thiếu nhi Mậu Lâm yêu thương. Thanh giới thiệu anh với đám bạn của nó. Sân bóng nằm sau trường học. Bằng phẳng, thênh thang. Có điều lạ, giới đứng tuổi và thanh niên làng này không yêu bóng đá, chỉ ham mê nuôi chim mồi và gà chọi, trong khi bọn trẻ suốt ngày chạy theo “trái banh” hệt như trẻ em ở thành phố… Trước tiên Duy Ninh chỉ các cậu bạn mới sửa lại sân bóng cho đúng quy cách. Sau đó anh gởi mua hai quả bóng da loại xịn, và một chiếc còi. Rồi chiều nào anh cũng ra sân, làm huấn luyện viên kiêm trọng tài, điều khiển các trận đấu! Khỏi phải nói, bọn trẻ sướng phát điên, chúng mê Ninh ngay tức khắc! Chưa khi nào chúng được sờ đến một trái banh tốt như vậy, gặp một người rành về trò chơi này như vậy. Nếu biết ông trọng tài cao lòng khòng này nguyên là tuyển thủ quốc gia, bốn năm trước đây còn là tiền vệ phải xuất sắc của đội tuyển tỉnh T.P chắc các cầu thủ trẻ Mậu Lâm hoảng hồn! Duy Ninh dạy các chú cách đá, cách đi bóng, tranh bóng; kỹ thuật tấn công, phòng thủ; phân tích vai trò nhiệm vụ của hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo, thủ môn. Thế nào là việt vị, phạt trực tiếp gián tiếp, lỗi nặng, lỗi nhẹ… Dần dà, sau vài tháng, hai đội bóng – U14, và U10 – của Mậu Lâm đã đi vào nề nếp, chơi có nét, tiến bộ rõ rệt.
*
Đêm không trăng, tĩnh mịch, mát mẽ. Bà An, Duy Ninh và Son ngồi xắc khoai mì bên gốc mít trước sân. Công việc có hai khâu, lột vỏ và xắc củ khoai ra thành những lát mỏng. Đơn giản, dễ làm, nhưng nếu không quen thì không ngồi lâu được, mau mỏi lưng, buồn ngủ. Bà An kể chuyện ma cho hai bạn trẻ nghe đỡ buồn. Bà có một kho chuyện loại này, tình tiết phong phú, như thật, ly kỳ, rùng rợn. Ông An ngủ trên thềm, ngáy to, lúc trầm lúc bổng, nghe buồn cười.
“Ông ấy vô tư, đói không lo no chẳng biết, đặt lưng xuống là ngáy! – Bà An nói”.
“Làng này làm sao đói được, mía mì là gạo, cá có sẵn dưới sông, lo gì… Sống ở Mậu Lâm sạch đẹp thanh thản tuổi thọ con người dễ cao, thím à” Duy Ninh cười.
“Con dám lấy vợ, ở luôn đây không?”.
Son trả lời thay:
“Dân phố phường ăn nói đẩy đưa khéo lắm… dì Tám chớ tin…”.
“Đừng nghĩ lệch lạc. Thế còn nông dân tốt hay xấu?”.
“Cũng có kẻ không tốt, con người mà… Theo anh, đặc tính của bà con miền quê là gì?”.
“An phận, quen nhìn gần, không mơ ước cao, ít thích tranh đua… Có lẽ anh sẽ xin ở đây luôn, để trở nên người trong trắng!”.
“Anh lại chọc quê em!” Son nói lảng sang chuyện khác “Mai cháu đánh xe, lên chợ huyện, dì gởi gì không?”.
Bà An nghĩ ngợi một lúc.
“Mua giùm gì cái nón, một lưỡi cuốc, một ký hột rau muống”.
“Anh gởi gì? – Son hỏi Duy Ninh”.
“Mua giùm anh hai cuộn phim”.
Cây đèn hết dầu, ngọn thu nhỏ lại, chấp chới muốn tắt. Bà An bưng đèn vào nhà rót dầu. Duy Ninh chồm tới hôn lên má Son.
“Coi chừng, thằng Thanh!”. Son chỉ ra cổng.
“Thanh?”
“Nó họp đội banh ở nhà em”.
Duy Ninh hôn tới tấp lên cả hai má cô gái.
“Bợm, giỏi chưa!”. Son cười “Dì Tám ra kìa!”.
“Cơ hội tốt, cho anh tranh thủ!… Không sợ. Thím Tám thích em lắm. Em biết thím nói sao không”.
“Nói sao?”.
“Thím khen em giỏi, hiền, chín chắn… Thím muốn anh ở luôn đây, đừng về”.
“Thím thương thì nói vậy, làm sao anh ở Mậu Lâm này lâu được, buồn chết”.
“Hôm mới đến anh tưởng chắc chỉ ghé chơi vài bữa, vậy mà…”.
“Hết buồn?”.
“Hơn sáu tháng rồi, nhanh chi lạ… Giờ thấy vui, nhờ cảnh đẹp, nhờ tụi nhỏ, và em.”.
“Chúng mình quen nhau bao lâu rồi?”.
“Anh không nhớ”.
“Chắc bốn tháng”.
“Mới quen, nhưng anh yêu em thì đã khá lâu, hồi anh mới đến đây một tuần, ngay lần gặp đầu, trong buổi chiều em đánh xe chở dưa…”.
“Gớm, ông kẹ, mồm mép ghê chưa!… Sáu tháng… Nhưng thời gian cũng có giới hạn… Trong các tuồng hát có một câu ngắn mà rất đúng, rất buồn, anh biết không?”.
“Câu gì?”.
“Sinh ly tử biệt”.
“Ờ, buồn lắm!”.
“Mỗi khi nghĩ tới nó là em chảy nước mắt!”.
“Đừng ủy mị, mít ướt như thế… Nhìn qua cứ tưởng em cứng cỏi”.
“Coi vậy chớ em mềm yếu, hay mủi lòng… nghe kể chuyện sầu thảm là em ủ dột luôn mấy ngày! Xem hát thấy đào kép khóc em cũng khóc!”.
“Người ta bảo như thế là đa cảm”.
“Đa cảm tốt hay xấu?… Sinh ly cũng buồn như tử biệt! Em nghĩ tới ngày anh trở về tỉnh…”.
Yên lặng một lúc.
“Em chớ nghĩ xa… còn lâu… anh sẽ ở đây nhiều tháng nữa. Sau đó tất nhiên anh sẽ về Tân Phú. Nhưng có điều chắc, mai này dù làm gì, ở đâu anh cũng không bao giờ quên đất nước và con người Mậu Lâm đã giúp anh mạnh khỏe, trở lại vui sống, yêu đời”.
Mười ngày sau
Đúng vào đêm trăng đẹp, tại nhà ông Mới diễn ra một cuộc hội họp nhộn nhịp, tưng bừng. Đây là tiệc liên hoan, ăn mừng chiến thắng đội bóng U14 vừa giành được ban chiều. Với lần ra quân đầu tiên, trên sân làng Cao Phong láng giềng, đội Mậu Lâm đã lập thành tích bằng trận thắng thuyết phục 4 – 1… Út Hưng là đội trưởng, ông Mới là cổ động viên tích cực của Mậu Lâm. Trong buổi chiều, dù nắng gắt, chiếc xe ngựa ông Mới đã chạy như con thoi, đi về tám chuyến, đưa đón cầu thủ và cổ động viên Mậu Lâm. Giống hệt ngày hội. Bàn tán, bình luận xôn xao, mọi người háo hức, vui vẻ. Cánh thanh niên vốn mê chọi gà nay cũng đi xem gần đủ mặt. Bóng đá có không khí, sức hấp dẫn riêng, rất đặc trưng.
Ông Mới đãi khách đủ vị mặn, lạt: cháo vịt và chè đậu xanh. Người lớn ngồi bệt xuống sân. Cầu thủ và tốp trẻ trải chiếu ngồi dưới gốc mít. Huyên náo, rộn ràng không kém đám hát cúng đình. Chưa bao giờ người ta được hưởng một niềm vui rạo rực, ngây ngất như vậy. Đám thanh niên tranh nhau điểm lại diễn biến trận đấu, trầm trồ khen những đường chuyền chuẩn xác, mấy cú đánh gót thần sầu, mấy bàn thắng tuyệt đẹp của quân ta; những tình huống gay cấn, các nhược điểm sơ hở chết người của đối phương; tài chỉ đạo, cách điều quân khéo léo của “ông bầu” Duy Ninh. Ai cũng nói, rõ ràng đội Mậu Lâm trên chân Cao Phong, lấn lướt ở mọi tuyến. Ai cũng nghĩ, với những gì đã phô diễn trên sân chiều nay, nếu được tiếp tục nuôi dưỡng luyện tập tốt, đội bóng thiếu niên Mậu Lâm sẽ còn lớn mạnh, tiến xa.
Lúc cuộc vui sắp tàn Son kéo Duy Ninh ra sau bếp, hỏi nhỏ:
“Nghe nói hồi sáng anh nhận được thư nhà?”.
“Ba bảo anh về, có chuyện gì đó cần bàn”.
“Chừng nào anh đi?”.
“Mai”.
Son nín lặng. Duy Ninh cầm tay cô gái, bóp nhẹ.
“Gấp vậy?”.
“Mốt đi cũng được… Về coi chuyện gì, vài hôm anh lại xuống… cho anh hôn…”.
“Đừng, người ta thấy. Vui sướng gì mà hôn hít!”.
Duy Ninh cười.
“Em như cô bé dỗi hờn… Sao không vui, lâu rồi anh chưa được hưởng một ngày vui nào như hôm nay”.
“Anh về…”.
“Ờ, thì về, ít bữa thôi”.
Có tiếng gọi “Anh Ninh ơi, anh Ninh”, rồi nhiều tiếng “ông bầu ơi!”.
“Em đi với anh, lên Tân Phú thăm chơi vài hôm, nghe?”.
“Đâu được, kỳ lắm!”. Son cười.
“Anh xin phép chú thím cho Hưng đi với em, lên nhà anh chơi cho biết”.
“Không được đâu” Son lắc đầu quầy quậy “Em vụng về, quê kệch, đen đúa, thiên hạ cười”.
“Đừng nói vậy, em đẹp, chẳng thua kém ai”.
“Mới nghĩ đến thôi em đã sợ!… Rồi biết nên ăn mặc thế nào, nói năng đi đứng ra sao… Trước tới nay em lên tỉnh mới hai lần, mỗi lần hai ngày. Ở đâu quen đó!… Hơn nữa, đi như thế bà con sẽ coi là không đứng đắn”.
“Em nghĩ xưa lắm”.
Son ấp úng:
“Sợ thực!… Mà kỳ lạ, lâu nay em quên biến anh là dân Tân Phú!”.
Đây chính là điểm khiến Duy Ninh quý mến Son. Son yêu anh như anh yêu dòng sông Bương, đồng mía Mậu Lâm, không hơn thiệt tính toán. Son không cần biết đến cái nhãn nổi tiếng, giàu có của anh.
“Anh, để mốt hẵng đi, mai em còn nói mấy chuyện”.
Duy Ninh đùa:
“Chúng mình xa nhau vài hôm, chưa ly biệt đâu mà dặn dò”.
Son nói, có vẻ ngậm ngùi:
“Sinh ly”, vừa nhắc đến nó đã thấy hiện ra cảnh tượng tối tăm, như ngày không có mặt trời!
*
Xe đã đầy khách, ông Mới xách giỏ cỏ đem treo dưới gầm xe, chuẩn bị khởi hành. Trời chưa sáng. Như thường ngày, mỗi sáng xe ngựa ông Mới chạy hai chuyến lên chợ xã, cách làng năm cây số, đây là chuyến đầu. Các cô, các bà cười nói lớn tiếng. Gồng gánh, thúng mủng, trái cây, gà vịt. Son nấp bên gốc mít gần cổng nhìn ra bến xe ngựa. Một chuyến xe đi chợ, như mọi ngày, xưa cũ, quen thân. Nhưng nay có khác, có một khách đàn ông. Duy Ninh về tỉnh. Anh ngồi phía trước, bên cạnh ông Mới, gần cây đèn chai. Son nhìn ra. Duy Ninh ngồi yên, đầu không đội mũ, hai tay đặt trên gối. Bỗng nghe một bà hỏi:
“Chú Ninh về thăm nhà ít hôm hay về luôn?”.
Duy Ninh đáp, nghe không rõ.
“Ở lâu thành thân quen, nếu chú không xuống nữa thì buồn lắm”.
Một bà khác:
“Thằng Cảnh nhà tôi thích banh bóng, nó mê chú, chú mà về hẳn trên đó chắc nó khóc”.
Duy Ninh cười.
“Nhiều đứa khóc… trước lạ sau quen, chú đã thành dân làng”.
Gà gáy rộ. Ông Mới rút cây roi trên mui xe, đó là dấu hiệu lên đường. Duy Ninh đập muỗi. Tiếng một cô gái – con Hạnh – hỏi Duy Ninh:
“Cho em hỏi thiệt, khi về lại trên ấy, anh nhớ Mậu Lâm được bao lâu?”.
Duy Ninh nói gì đó, Hạnh cười giòn.
“Anh nói khéo lắm, cũng mong rằng anh không quên mau như gió qua thềm”.
Son nhìn ra. Xe chạy, chậm chạp, nặng nhọc, chìm khuất vào bóng đêm ./.