Đêm đó ông Tây Phong gặp một giấc mơ
dài. Ông thấy mình hì hục đẩy chiếc xe đạp chở nặng trên con đường làng vắng
ngắt. Trời tối, mưa xối xả, đường đất lầy lội. Bao khoai lang nặng trịch. Phải
dắt, không thể nào cỡi được. Ông muốn mau về đến nhà. Vợ con ông chắc mỏi mắt
chờ ông. Mấy ngày qua nhà không còn hột gạo. Vợ ông lại bệnh. Ông dừng lại sờ
bọc gạo nhỏ treo trên cổ xe. Nó vẫn còn đó. Ông đã gói, buộc nó kỹ như gói
vàng. Chắc là ăn được ba ngày. Chắc vợ ông sẽ vui lắm. Chắc lũ con… Nhưng sẽ ăn
cơm với thức gỉ? Người bệnh làm sao nuốt trôi cơm muối? Ông lo lắng. Trời đất
vẫn đen kịt. Mưa vẫn trút nước. Ông đẩy xe dò dẫm bước, mệt nhoài, bụng dạ nóng
ran. Đột nhiên trời nổi sấm chớp chằng chịt, đùng đoàng, ông Tây Phong tỉnh
dậy.
Ông bật đèn, ra phòng khách ngồi. Hú
vía, chỉ là chiêm bao! Ôi, cứ như thật, rõ chẳng khác gì xem vi-đê-ô! Ông mệt
bả người… Cái làng Tân Lâm quạnh hiu ấy, những ngày tháng cơ hàn ấy đã đè nặng
gia đình ông mấy chục năm dài. Nhưng nhờ trời, ông đã giũ bỏ được chúng, hăm ba
hăm bốn năm rồi. Sao nay quỷ ma nào xui khiến chúng lại trở về ám ông?
Ông Tây Phong đi vào nhà tắm lau mồ hôi,
rửa mặt. Tim ông vẫn còn đập dồn. Thật đáng kinh hãi. Trời ơi, nếu nay mà phải
sống lại y như những năm ấy thì chết còn hơn. Từ lâu ông không còn nghĩ, nhớ gì
về nó. Với ông, quãng thời gian đó đáng được vùi lấp, chôn sâu xuống một hầm mộ
bê-tông!
Hay giấc mơ này bắt nguồn từ cuộc nhậu
đêm qua, một trận ăn nhậu, một tiệc rượu sáng loáng! Có thể lắm, bia rượu nhiều
khi làm cho trí óc người ta xộc xệch! Bữa tiệc do một công ty bạn khoản đãi, có
tính chất giao hảo, không lớn lắm, chỉ khoảng năm sáu chục người, nhưng nó
“tới” và “nổ” không chê được… mãi đến 1 giờ sáng ông mới về tới nhà.
*
Hai hôm sau ông Tây Phong lại gặp giấc
mơ đó. Nó quay về, giống như đúc, chẳng khác một chi tiết nào. Đến ba đêm kế
tiếp ông lại thấy nó. Ông Tây Phong sợ điếng, nhưng không biết đối phó cách
nào… Không thể không ngủ. Chẳng lẽ phải mướn vệ sĩ canh gác ở cửa phòng… Qua
tuần sau nó lại đến hai lần. Rồi tuần kế nữa ba lần. Nguy ngập! Chẳng khác gì động
đất, hoặc núi lửa phun!
Một hôm, tình cờ ông phát hiện ra cái
gút lớn: bữa nào ông dự tiệc tùng, chè chén thì tối về sẽ gặp giấc mộng ấy. Kỳ
quái. Nhưng làm sao không dự các cuộc yến tiệc? Đó cũng là công việc của ông.
Lắm tuần, thời gian ông ngồi ở bàn làm việc ít hơn ở các nhà hàng. Quả là gay
go! Nhưng đến đây ông Tây Phong cảm thấy nhẹ người. Dù sao cũng đã tìm ra một
đầu mối, biết được một góc triệu chứng căn bệnh. Không còn nghi ngờ gì, đây là
một chứng bệnh, bệnh lạ, cần phải được nghiên cứu tường tận.
*
“Dường như đêm ngủ ai cũng nằm mơ cả,
nhưng thường chỉ là những hình ảnh mờ nhạt, sáng dậy không còn nhớ gì”.
“Có một dạo ngủ trưa con cũng chiêm bao,
thấy toàn những cảnh đẹp, huyền ảo, vui thú”.
“Mơ mộng lằng nhằng! Đó là một cách làm
việc, hay là hình thức nghỉ ngơi, rong chơi của đầu óc?”
“Gần đây tôi chỉ thấy bướm, và lượm được
tiền. Cha ơi, bướm! Chật kín, sáng rừng, có con lớn bằng cái nón. Tiền thì vô
số, như lá tre rụng, bay trắng đường. Thức dậy, tiếc lắm… Nhưng thà như thế còn
hơn ông thấy cái làng Tân Lâm”.
“Con không biết làng ấy ra sao. Nghe nói
hễ mình thường nghĩ đến cái gì sẽ mơ thấy cái đó. Nhưng hôm trước bỗng nhiên
con thấy lại thằng Toản, dù cả chục năm nay con đã quên mất nó. Toản hồi trước
học cùng lớp với con ở Vạn Khánh”.
“Ba cũng không hề nhớ cái làng Tân Lâm.
Nhớ để làm gì? Đó là con đường ta chỉ nên đi qua một lần”.
“Anh Trung nói, sẽ viết thư giới thiệu
anh với ông Thúc Quýnh. Ông ấy rất giỏi”.
“Ông ta là ai, nhà tâm lý học hay bác sĩ
tâm thần?”.
“Bác sĩ Quýnh ở Sài Gòn mới về, nổi
tiếng lắm, ba ạ”.
“Tôi chẳng bệnh hoạn gì hết. Tôi không
bị tâm thần. Đơn giản là tôi chiêm bao”.
“Anh xanh xao, thất thần”.
“Ba không mạnh đâu. Ba gầy, thường lơ
đãng, lúc nào cũng như đang bận lo nghĩ”.
“Tôi chưa hề nghe nói đến thứ bệnh chiêm
bao. Có thể là có một trục trặc nho nhỏ”.
“Khi lớn tuổi người ta dễ gặp bệnh tật,
ba ạ, như trẻ con dễ gặp… ma”.
“Nên đến chỗ ông Thúc Quýnh, anh à.
Chẳng tốn kém lắm đâu, anh Trung bảo đảm”.
“Bảo đảm? Chà… phải chi cái ông Quýnh ấy
bước thẳng được vào cơn mơ của tôi, để ông ta tận mắt thấy”.
Bà Tây Phong và Đính – anh con trai lớn
– thuyết phục ông Tây Phong đi khám bệnh. Ông không bác bỏ cũng không hưởng
ứng… Khi vợ con đã ra ngoài, ông Tây Phong đi loanh quanh trong phòng mấy lượt,
và nói, nói to cho chính mình nghe: “Hồi giờ mình vẫn tưởng trong tủ có đầy
tiền là sướng tột đỉnh, nay thấy khác, khỏe mạnh mới là tốt nhất”.
Không nghe lời vợ con, không chịu đi bác
sĩ, nhưng theo chỉ dẫn của một người bạn, ông Tây Phong tìm đến am thầy Sáu Sửu
ở xóm Cây Gạo. Thầy là một phù thủy mới, áo vest – giày tây – xe gắn máy,
chuyên trị bệnh tâm thần tà ma, mắc đàng dưới. Thầy nổi tiếng đã ngoài chục
năm, cái am “2 sao” của thầy lúc nào cũng đông khách, thân chủ tấp nập. Những
người theo tân học lắc đầu: “dân chủ, tự do mốt 90. Ai lên mặt trăng sao hỏa,
cứ lên, ai đi am đi động cứ đi”.
*
Sau khi ông Tây Phong lên xe về, bà Sáu
Sửu hỏi chồng:
“Dường như ông cạo lão đi ô tô con hơi
mạnh?”.
“Phải bệnh phải tiền, không mạnh đâu.
Bệnh này hiếm có, vô cùng rối ren”.
“Dù giàu sang đến mấy nhưng năm triệu
bạc cũng chẳng phải nhỏ”.
“Năm triệu, đúng! Nhưng đổi lại là ba
thang thuốc quý, ba lá bùa và khỏi bệnh”.
“Bệnh gì, ông nắm rõ?”.
“Tâm thần. Đã tâm thần thì không ai dám
nói thế nào là rõ. Khó ở chỗ đó, dễ cũng chỗ đó!”. – Thầy Sáu Sửu nói, cứng cỏi
tự tin. – “Một dạng tâm thần mới. Có điều tôi biết chắc, ông ta sẽ trở lại đây,
để cám ơn hoặc xin thuốc mới… Bà biết đấy, khi mua một món đồ đắt tiền người ta
thường yên chí đó là đồ tốt”.
Bà Sáu không nói gì.
“Ông ấy tỏ ra rất tin tôi. Tin thầy là
đã khỏi bệnh một nửa”.
“Ông ta có vẻ sang trọng”.
“Dường như là một nhà buôn lớn. Ông ấy
nói mới bệnh hơn tháng đã sụt tám cân”.
“Cầu trời cho ông ta chóng lành!”.
Một lát, thầy Sáu nói, nhỏ nhẹ:
“Dù bệnh không dứt hẳn cũng chưa phải
đáng lo. Chỉ cần nó thuyên giảm. Có nghĩa là chữa khỏi được chừng tám phần mười
thì coi như lành! Tôi tin, tôi sẽ đẩy lùi nó. Bà thấy đó. Tôi đã chữa lành hàng
trăm người, lắm khi chỉ bằng mấy ly nước giếng, vài mớ lá cây, rễ cây… Nếu nó
còn chút ít thì có thể nói ta đã thành công! Các phần tử sót lại ấy sẽ làm quân
bình đầu óc ông ta. Nó là cái máy nhắc nhở về cội nguồn, để ông ấy nhớ lâu. Nhớ
rằng xưa kia mình là ai. Nhớ rằng tại nhiều nơi, nhất là nông thôn, bà con mình
lắm người vẫn còn cơ cực. Nên ta sống, ăn ở thế nào cho phải, cho đúng… Có điều
cần, tôi sẽ tìm cách làm cho các giấc mơ xuất hiện thưa, tháng thấy một lần là
vừa”.
*
Ông Tây Phong về làng như quan Trạng
vinh quy. Dân chúng đổ xô ra đón chào đông nghịt, trải dài từ đầu làng đến
trường học. Có mặt đông đủ các vị hương chức và bô lão. Cờ đuôi nheo sặt sỡ,
biểu ngữ giăng ngang dọc trên các ngả ba, ngả tư. Bà Tây Phong được tặng ba bó
hoa to như ba bó lúa. Tân Lâm khác xưa nhiều quá. Nhà cửa hầu hết đều tường xây
mái ngói. Những căn nhà lá nhỏ, thấp tè, như những mụt cóc đen đã biến mất.
Đường sá thẳng tắp, rộng thênh. Ruộng lúa, ruộng mía xanh sẫm… Tại trường tiểu
học, học sinh đồng ca và múa tập thể đón khách. Trên một trụ cổng trường, ông
Tây Phong thấy có một tấm bảng đồng khắc mấy chữ lớn: “Đội xây dựng số 4 thi
công, tháng 5-1992. Ông Tây Phong tặng 50 triệu đồng”. Ông Tây Phong ngơ ngác.
Ông chỉ cho vợ thấy tấm bảng. Bà Phong ghé sát tai ông, nói nhỏ “Mình tặng đấy…
Tôi giấu ông gửi tặng trường 50 triệu”. – “Giấu tôi! Ô kỳ diệu, bà hay quá!”.
Và ông nghĩ: “Giỏi thật, cái mụ đàn bà lẹt đẹt lôi thôi này! Xưa giờ mình chẳng
hề nghĩ đến việc cho ai một thứ gì, dù chỉ là một trăm, hay một lon gạo”. Đám
học sinh nhỏ gân cổ hát một bài nghe hùng tráng, vui vẻ… Ông chủ tịch huyện lên
đọc diễn văn nói về quá trình xây dựng trường. Ông nêu ra một dãy dài những con
số, những ngày tháng. Ông dành 15 phút cảm ơn các nhà hảo tâm đã đóng góp công
của, đặc biệt tám lần nhắc đến tên ông Tây Phong, người tặng nhiều tiền nhất…
Tới lượt ông hội trưởng phụ huynh học sinh lên phát biểu cảm tưởng, tên ông Tây
Phong lại được nói đến sáu lần. Sau cùng là màn chụp ảnh. Có đến hai ông “phó
nháy”. Người ta chụp hàng trăm pô ảnh. Ông bà Tây Phong được chào mời, lôi kéo
đi khắp nơi, ai cũng muốn được đứng cạnh những vị hằng tâm hằng sản… Trong một
phút hứng khởi, sảng khoái, ông Tây Phong nắm lấy tay vợ, nói như cảm tạ: “Em
ơi, vui quá chừng. Anh thấy là mình không đi đứng như ngày thường, anh đang bay
đang bơi!”. Nghe tiếng “Em” lạ tai, bà Tây Phong đỏ mặt ngượng, quay ra cười
sằng sặc, bà cười dài, cười mãi.
Đó là giấc mơ mới.
Chạy chữa theo phương pháp thầy Sáu Sửu
được mười ngày, uống hết hai lá bùa, hai thang thuốc, ông Tây Phong thấy bệnh
thuyên giảm rõ rệt. Giấc mơ lì lợm ấy vẫn còn nhưng đã mờ nhạt, như có một lớp
tro xám phủ lên. Uống đến thang thuốc thứ ba thì một hiện tượng lạ xảy ra: giấc
mơ trước biến mất, thay vào đó là một giấc mơ khác, như trong rạp người ta thay
phim. “Đùa dai, quái quỉ!”. Ông Tây Phong thấy kỳ cục, buồn cười. Nhưng ông
nghe trong người thư thái, vui sướng. Giấc mơ này đẹp thật. Nó không làm ông lo
sợ, căng thẳng, nhọc mệt. “Thú vị quá, thấy như mình vừa dạo chơi trên những
ngọn đồi cao nguyên đầy hoa hồng, thoáng đãng, mát rượi. Như mình vừa tắm thỏa
thích trong một hồ nước thơm ngát nằm giữa một khung cảnh thần tiên vi vu gió
núi, rộn rã tiếng chim ca… Mơ thế này có thể gọi là mơ vàng, mỗi tuần cho ta
thấy hai lần cũng được!”.
*
Ông Tây Phong lên thăm thầy Sáu Sửu
trong tâm trạng phấn chấn, vẻ mặt hớn hở. Nhưng thầy Sáu đi vắng, chỉ có vợ
thầy coi am. Ông Tây Phong đem theo một chồng quà bánh cao ngất. Bánh ngon,
rượu ngoại, thuốc thơm, trái cây quí, khô mực, khô nai, toàn của đắt tiền… Ông
Tây Phong mở giỏ lấy nho, táo ra sắp vào hai dĩa, cung kính mời bà Sáu. Ông hết
lời ca ngợi thầy Sáu Sửu, người tuy chưa thể sánh với Hoa Đà, nhưng là vị thầy
thuốc giỏi nhất mà ông được biết. Thuốc của thầy nhẹ, mỏng, ít nhưng hay. Uống
nó dễ dàng như uống trà, không đắng, không hôi, không cay. Nói vòng quanh một
lúc theo kiểu rào đón, xong ông kể cho bà Sáu nghe giấc mơ mới, và đi thẳng vào
ý chính:
“Thưa cô, tôi định nhờ thầy tìm cách
giúp cho tôi được giữ lại cái giấc mộng này”.
“Giữ lại, giữ như thế nào?”. – Bà Sáu
nhướng mắt hỏi.
“Dạ, nghĩa là không để nó mất đi… nghĩa
là tôi muốn lâu lâu được thấy nó một lần”.
“Ơ, tôi hiểu rồi! Ông muốn được nghe
ngợi khen?”.
“Dạ, mơ thấy như thế người mình nhẹ nhõm,
vui tươi lắm ạ, mọi sự mỏi mệt, lo rầu đều bay biến”.
“Chắc cũng từa tựa như ông muốn mỗi tuần
được xem một phim hài?”.
“Thưa, đúng vậy, phim vui, nhưng phải do
chính các vua hề đóng”.
“Gay đấy… đập phá thì dễ. Cho tôi nghĩ
một chặp, ông làm tôi rối trí”.
Nhìn chồng quà cáp trên bàn bà Sáu Sửu
phân vân, lo ngại. “Biếu tặng như thế này là một kiểu lo lót khéo. Lót nhằm đạt
được các mục đích kín, cao của mình. Nhưng ông ấy lo cho ta thì dễ. Còn ông
Sáu, liệu ông có thể tìm ra cánh cửa nào để tới gõ, cầu xin lưu giữ được cái
giấc mộng ấy chăng? Có cách nào thu phục cảm tình, lôi kéo các thế lực vô hình
ngã về phía ta? Phương cách nào?”.
“Hay nay mai ông bỏ ra ít tiền đem cúng
tặng các cơ sở từ thiện, như thế ta sẽ được ca ngợi, khỏi phải mơ mộng phiền
phức?”.
“Thưa, không dễ đâu. Mình cho ít họ sẽ
không nói tới. Còn cho nhiều thì… biết bao nhiêu là nhiều. Vả lại, làm việc từ
thiện bằng cách biếu tặng tiền, vàng như mọi người thì tầm thường lắm”.
“Thường thế nào?”
“Thưa cô, nghĩa là… tôi không muốn làm
một người tầm thường”.
“Ôi, ông làm tôi rối trí!”. – Bà Sáu ôm
đầu kêu lên.
Ông Tây Phong đi rồi, bà Sáu Sửu vẫn còn
ngồi trầm ngâm hồi lâu. “Con người khó hiểu thật!”. Bà không đụng tới những món
quà. Một đứa cháu nhỏ của bà chạy đến xòe tay xin trái cây. Bà đưa nó một chùm
nho, nhưng nó lắc đầu, đòi nguyên cả dĩa. Bà nắm tai nó, mắng yêu:
“Chó con, tham ăn!... Ừ, nội cho cả hai
dĩa đó… Ăn nhiều vào, chóng lớn”.
Thằng bé bê nguyên dĩa táo, líu lo:
“cháo cảm ơn nhội”
“Ăn nhiều, mau lớn để thấy những điều kỳ
quặc xung quanh ta, chó con ạ… Như ông nội mày, người chưa bao giờ biết rõ năng
lực của mình, luôn luôn hăm hở nhảy vào làm các công việc mà kết quả tùy thuộc
phần lớn vào yếu tố rủi may. Như ông thương gia lúc nãy, một kẻ quen tật không
nhìn người khác, cứ chăm chăm săn sóc, chiêm ngưỡng mình, quen tính cầm một
đồng đi mua một món đồ trị giá mười ngàn… vui tếu, ngộ lắm chó con ạ” ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét