13 thg 9, 2012

GIỐNG MỚI


         Cha mẹ Nhâm muốn có cháu bồng nên thúc giục anh lập gia đình sớm. Nhâm cưới vợ năm hai mươi tuổi, nhưng bảy năm trôi vút qua vợ chồng Nhâm vẫn chưa có con.
        Nhâm thấp người, nhỏ con nhưng khỏe mạnh, rắn rỏi. Bảy Là – vợ Nhâm – cao lớn hơn chồng. Hai người đều sợ bị quy tội gây ra việc hiếm muộn. Bảy Là tìm đến hàng chục chùa, đền, am miếu, cúng lạy cầu con. Nhâm lui tới mòn dép ở các phòng khám, bệnh viện, gặp bác sĩ, thầy lang, tây ta đủ dạng. Cuối cùng, Bảy Là chán nản, buông xuôi. Nhâm quay sang làm theo kinh nghiệm dân gian: bí mật đi “gieo giống” trên nhiều “loại đất”.  Cũng chính khâu này đã nói cho Nhâm biết, một cách hùng hồn, anh là hạt giống mốc cời!
        Nhâm buồn, chán đời, bê trễ trong việc làm ăn, tính nết thay đổi. Trước anh hiền khô, ai nói gì cũng cười, tối ngày cần mẫn cày cuốc, trời chưa sáng đã có mặt ngoài đồng. Nay anh nói năng cục cằn, mặt mũi lúc nào cũng cau có, ưa gây gổ với mọi người, và thích rượu… Chỉ một thời gian ngắn Nhâm đã chễm chệ ngồi cùng chiếu với băng nhậu Năm Giáo. Tên anh nằm trong sổ nợ của tất cả quán trong làng và nhiều quán lớn ở chợ xã. Ba, bốn ngày trong một tuần người ta thấy Nhâm ôm chai nước cay khư khư trước ngực, say mèm, đi nghiêng ngả, xiêu vẹo trên đường như người bị bịt mắt. Anh nói với các bạn: “Ông trời chỉ con đường này cho ta thì ta phải bước đúng trên đó, tiến về phía trước, tới đâu mặc xác!”.
        Một đêm trăng, Bảy Là nấu cháo heo sau vườn, Nhâm ra, đến ngồi sát bên vợ. Ngồi một lúc, anh nói, giọng tâm sự:
        “Anh không phải thứ người ồn ào, hời hợt như bọn Năm Giáo… Em biết đấy, anh khổ vì chuyện con cái của tụi mình”.
        “Nghĩ ngợi làm gì cho đau đầu, thong thả rồi sẽ có!”.
        “Không thể có, em à, anh biết. Lúc có thì tám tháng mười ngày đã có thể đón mừng một chú nhóc! Chúng mình sống với nhau lâu quá rồi”.
        “Thôi, bỏ qua vụ đó đi, nói chuyện gì vui vui”.
        Nhâm nắm tay vợ, hôn liền mấy cái.
        “Anh thương em… chuyện này do lỗi của anh”.
        Bảy Là đẩy Nhâm ra. “Em đi đây, anh đừng nói nữa”.
        Nhưng Nhâm vẫn không buông tay vợ. “Đâu phải chuyện đùa. Ba má mong cháu đỏ mắt, em cũng muốn con, nhưng anh…”.
        Bảy Là ôm đầu Nhâm vào ngực mình, vỗ nhè nhẹ, như ông đánh xe nựng con ngựa. “Im, im nào! Sao bữa nay ăn nói lung tung thế!”.
        “Anh không con, nhưng em vẫn ở với anh chớ?”. Nhâm nghẹn ngào, như sắp khóc. Bảy Là bối rối. “Đã biểu đừng nói nữa”.
        Nhâm nói đứt quãng: “Đã quen có em, anh không thể tưởng tượng ra cảnh sống mà thiếu em bên cạnh. Anh thương em… Em đừng bỏ anh… Anh biết, em sẽ thương người khác, sẽ bước qua một con đường khác!”.
        Bảy Là vò tóc chồng, cười nhỏ, nói bằng giọng đùa cợt: “Lớn sù còn làm nũng, không mắc cỡ sao?… Nếu có rẽ sang con đường khác thì em cũng sẽ dẫn anh theo, em hứa!”.
        Sau vài phút nín lặng, Nhâm nói: “Anh muốn tụi mình có hai con, một trai một gái”.
        “Em chỉ cần một, trai gái chi cũng được”.
        “Anh sẽ đặt tên bé gái là Trúc Đào. Bé trai để em đặt”.
        Bảy Là lại cười. Chị vui tính, thích đùa, nhưng trong cuộc sống lại gặp nhiều chuyện buồn. “Tên không quan trọng, anh có thể đặt cho tất cả”.
        Hồi lâu, anh chị không nói gì.
        “Con của mình… Em muốn có một đứa để sáng chiều chở nó đi học”.
        “Anh mong hai đứa đều giống em, anh chẳng có điểm nào đẹp cả”.
        “Anh nịnh, em như cây cau!… Chị Thủy thường nói, chị chán việc đưa đón bọn trẻ đi học, coi đó như một gánh nặng. Còn em, em lại thích như thế”.
        “Anh đã nghĩ rồi, nghĩ rất chín, là em có thể có con, nhưng vẫn ở với anh”.
        “Anh sao em vậy, mình không thể cãi trời. Chúng ta sẽ sống với nhau tới chết!”.
        Nhâm xoa má vợ. “Được rồi, em tốt lắm… Nghe này, em có thể đi lại với bất cứ ai để có con… nghe chưa… đó sẽ là con của chúng ta”.
*
        Bảy Là không để ý lắm đến chuyện “tìm con” của Nhâm nói, nhưng chỉ hai tuần sau, như có một bàn tay phù phép nào đó xếp đặt, chị chạm trán Chín Chu, một chuyên gia “cho con”. Trong làng, Chu nổi tiếng với hai đặc điểm: giàu có và máu trăng hoa. Tính tình anh ta dễ chịu, rộng rãi, thường giúp đỡ mọi người. Hàng xóm ai túng thiếu chạy đến, Chín Chu sẵn sàng đón tiếp, cho mượn tiền, không hơn thiệt, không tính lời. Riêng đối với phụ nữ Chu càng tỏ ra hào phóng. Anh ta dùng tiền bạc làm mồi câu, mua chuộc lòng người. Ai cũng biết Chu là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Không có con mẹ nhà nghèo nào chê tiền!” Anh ta thường nói câu đó một cách thích thú, như truyền bá một tư tưởng lớn… Trong khắp ba xã quanh vùng, Chu có năm, sáu nhân tình với một mớ con rơi. Mọi người biết rõ chuyện này, vợ Chu cũng biết, nhưng chị ta yếu ớt, hay đau bệnh nên làm ngơ… Qua miệng mấy bà làm thuê, người ta loan ra nhiều giai thoại về chuyện lăng nhăng của Chín Chu. Bữa nọ cô vợ trách móc: “Ông cứ đem tiền nuôi mấy con quỷ cái, thiên hạ cười xấu mặt.” Chu hỏi: “Nuôi ai, ông ngu lắm à?… Mày thấy, ông làm ra tiền, mà những đứa làm được nhiều tiền không bao giờ ngu.” – “Nuôi ai thì ông biết, không che được mắt làng xã đâu.” Chu nổi quạu: “Có gì phải che giấu! Tiền của ông, ông xài, đây không cướp giựt của đứa nào!” – “Thấy chướng thì họ nói, vì trời cho người ta cái miệng và hai mắt, cấm sao được!” Chu cười gằn: “Vậy là mày muốn gây sự. Ờ, nói cho bớt tức, nhưng nên nhớ, ông không lấy tiền của cha mẹ mày!”. Chị vợ thở ra: “Chắc ông nghĩ hễ có tiền là làm gì cũng được, muốn nói sao thì nói, hèn chi ông tuyên bố rùm lên: hết thảy bọn đàn bà nghèo đều mê tiền!” Chu quát: “Đúng, chính ông rao thế đấy!… Bọn chó chết đê tiện lúc nào cũng ganh tị, ghét những kẻ giỏi hơn chúng… còn lũ đàn bà động đực, chúng khoái ông, ông không hãm hiếp đứa nào!” – Và chuyện khác: một hôm vợ Chu bắt gặp một bức thư trong túi áo anh ta: “Anh Chín yêu thương. Sau khi suy nghĩ hai ngày bạc tóc, em viết thư này cho anh. Em không muốn làm anh bận tâm, phiền lòng. Nhưng đã ba hôm rồi bé Phú Cường ngả bịnh. Nó nằm bẹp, lúc nóng lúc lạnh, chẳng rõ bịnh gì… Anh vẫn thường nói, anh sống có tình nghĩa, thủy chung. Bé Phú Cường là kết quả mối tình mặn nồng của hai ta. Đối với em nó là vàng ngọc, lẽ sống… Em nhớ, anh từng nói nhiều lần, anh không phải con gà cồ, bỏ mặc bầy con cho gà mái, vô trách nhiệm. Anh cam kết sẽ chăm sóc, bảo bọc con suốt đời… Anh mau đến thăm Phú Cường – Em, người yêu anh trong kiếp này và kiếp sau”. Chị vợ hỏi: “Thư này của ai?” Chu ú ớ. “Ghê gớm, ngọt như đường hóa học! Tình tứ, tươi mát như trai gái mười bảy!”. Chị ta nghiến răng, mắt long lên. “Ông nói đi, chuyện này thế nào?” Chu cà lăm: “À, nó chỉ là… chỉ là… coi như chuyện qua đường, đâu phải vợ chồng” – “Rành rành một thằng nhỏ, nó mấy tuổi?” – “Hình như bốn” – “Ông có mấy đứa loại này?” Chu đáp, nhỏ nhẹ: “Làm gì có mấy đứa… toàn chuyện vui vẻ, văn nghệ, thoáng qua rồi bỏ”. Chị đàn bà cười sắc lạnh. “Hỏi cho vui, tôi biết nhiều hơn ông tưởng! Đây là thư của Kim Phượng, bán trái cây ở chợ thị trấn, ngồi gần khu giày dép… Tôi sợ một ngày nào đó người ta sẽ chém bay đầu, chặt đứt chân ông! Tôi cũng sợ sau này tôi và mấy đứa nhỏ không còn nhà cửa để ở, ruộng vườn để cày cấy, tiền bạc để học hành… Gieo gì gặt nấy… Bao năm rồi ông đi gieo cỏ.”
*
        Buổi sáng, khoảng 8 giờ, Bảy Là đến nhà Chín Chu mua lúa giống. Nhà có vẻ yên vắng. Hai bé gái – con Chu – chơi nhảy dây gần cổng. Chu tưới cây kiểng trong sân. Vào giờ này chắc những người khác ra đồng hoặc đi chợ.
        Chu mời khách vào nhà dưới, ngôi nhà dài nửa là phòng khách nửa làm kho chứa lúa. Nghe Bảy Là xin mua giống, Chu nói không có gì trở ngại, năm phút xong ngay, xóm giềng giúp nhau là nghĩa vụ. Anh ta pha trà và bưng ra một dĩa bánh ngọt mời khách. Rồi anh ta rề rà nói chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện đồng áng gieo cấy, thật cặn kẽ, dài dòng. Bảy Là nôn nóng nhưng không dám giục, ngại mất lòng.
        “Lâu lắm mới gặp em. Nay em đen, da hơi sậm, nhưng vẫn trẻ”.  Chu  cười hì hì.
        “Dạ, làm sao trắng được, anh Chín, tối ngày cuốc cuốc gánh gánh, phơi mặt ngoài đồng”.
        “Nhưng Bảy vẫn trẻ, cốt yếu ở chỗ đó! Trẻ và đẹp, chớ già úa là hết, xong đời!”.
        “Loại giống này ra sao, anh Chín?”.  Bảy Là hỏi đưa đẩy.
        “Số một. Anh đã làm hai vụ, gieo một giạ gặt mười tám giạ. Em ăn bánh đi, để anh vô đong lúa”.
        Chu xách bao đi ra sau. Bảy Là nhìn ngắm một lượt khắp phòng. Nơi đây cái gì cũng mới và đẹp. Tủ bàn, máy truyền hình, chiếc xe Nhật, cái đi văng… Lát sau, Chu ôm bao lúa ra để bên cửa rồi gọi con vào sai bảo gì đó. Hai đứa bé vâng dạ, dắt xe ra chở nhau đi.
        “Xong rồi, bốn giạ, anh đong đầy vun”.
        “Không, ba giạ thôi, anh Chín”.
        “Cứ lấy cả đi, gieo cho dày dặn”.
        “Ba giạ là vừa, với lại em chỉ đem tiền mua ba giạ”.
        “Không sao, cho em nợ”. Anh ta tới ngồi bên Bảy Là. “Thôi, coi như anh thêm chút ít, em đem về cho gà vịt nó ăn, khỏi nợ”.
        Chu nhìn Bảy Là chăm chăm, cái nhìn rất lạ. “Chắc vua ong bướm muốn trổ tài đây.” Bảy Là sực nhớ câu nói của chồng: “Em đi lại tự do với bất cứ ai để có con”, bất giác chị rùng mình.
        “Bầy gà nhà em nhìn sướng mắt quá”.
        “Anh Chín thấy à?”.
        “Anh mới đi ngang qua hôm kia. Lúc đó Bảy quét sân, ông già cho gà ăn gần bếp, Nhâm Lép thì dựng cây ăng ten”.
        Bảy Là đứng lên, chị thấy cần phải về ngay. Trong phút chốc chị bỗng nhớ đến những điều người ta thường nói về Chu. Loại chuyện đó khá nhiều, ai cũng biết: mấy mối tình nhăng nhít chớp nhoáng. Những đứa con rơi. Các trò tán tỉnh, gạ gẫm. Thứ giọng điệu ngọt ngào đầu môi. Những đồng tiền hấp dẫn, đầy ma lực.
        “Thôi, em về”.
        “Khoan đã, chơi chút nữa, vội gì”.
        “Chị Chín đi chợ?”. Bảy Là lúng túng. Chị chẳng hiểu vì sao mình lại hỏi thế.
        “Bà ấy đi Mỹ ăn đám cưới thằng cháu… Mỹ Đồng ấy mà!”.
        “Anh vui tánh quá!”
        Chín Chu tỏ ra rất hào hứng. “Xưa giờ anh vẫn vậy. Đời mà em! Sống tốt với nhau, thương yêu nhau ta sẽ thấy việc gì cũng nhẹ nhàng, và ta phấn chấn, khỏe, trẻ lâu… Hơn nữa, thử nghĩ xem, bủn xỉn, cáu kỉnh, gắt gỏng để làm gì, được gì?… Lâu nay em sống vui vẻ không?”.
        “Không vui, cũng chẳng buồn”. Bảy Là ngẫm nghĩ giây lát, “nhưng lo lắng thì có thừa”.
        “Chuyện con cái chớ gì? Đó là lỗi của Nhâm Lép, chắc chắn thế… Em khỏe mạnh, tươi tắn thế này… Nhưng đừng lo, em còn trẻ, ngày rộng tháng dài”.
        Chu nhìn xoáy vào mắt Bảy Là, cái nhìn bốc lửa. Bảy Là lại nhớ câu nói của Nhâm đêm nọ, chị rùng mình.
        “Vô trong kia anh cho Bảy xem một thứ nếp giống mới”. Chu nắm tay Bảy Là. “Bữa rằm anh ra Vạn Phước mua được mấy bao nếp tốt. Loại này mới toanh, năng suất cao, quanh đây chưa ai có… Em vào xem, nếu thích thì lấy vài giạ”.
        Không đợi Bảy Là đồng ý, Chín Chu kéo chị về phía căn phòng nhỏ gần đó. “Không, tôi về! Tôi không cần!” Bảy Là luống cuống, hốt hoảng. Chu lôi từ túi quần ra một nắm tiền lớn, giúi vào tay chị đàn bà.
        “Em cầm lấy… đây là tiền…”
        “Coi kìa! Tiền gì thế này?”. Bảy Là kinh ngạc.
        “Anh tặng em”. Chín Chu lắp bắp. “Em cầm, đừng ngại… anh muốn nói…”.
        Bảy Là giấu hai tay ra sau lưng. “Sao lại tặng, cái ông này!”.
        “Nghe đây, Bảy, anh thương em, thực bụng thương em…”.
        Bảy Là run sợ, chị bước lùi mấy bước. Chu theo sát, nói như dỗ dành:
        “Anh yêu thương em từ lâu. Em đẹp, hiền hậu. Anh sẽ cho thật nhiều tiền, để em bớt khổ… Đồng tiền là xương cốt của đời. Không có nó thì dù đẹp đến mấy, giỏi tới đâu cũng chỉ như kẻ câm điếc… Em hãy quên thằng Nhâm Lép đi. Nó gà mái, ngốc nghếch, bạc nhược… Quên nó đi. Nó làm em khổ suốt đời thôi”.
        Bảy Là bước lùi ra cửa lớn, xua tay. “Anh Nhâm có thể là con gà mờ, nhưng anh ấy không khi nào muốn làm khổ tôi”.
        “Em hãy nghe…”.
        “Tiền bạc ai cũng cần, nhưng tôi không phải hạng người lông bông như anh nghĩ đâu. Tôi không biết…”. Chị chạy ra sân, tóm lấy gióng gánh quảy về, bỏ lại hai cái bao, quên thóc quên giống, nhẹ tênh như lúc đến ./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét