23 thg 6, 2016

SƯU TẦM 2


TÂN ĐỊNH
      Tân Định là “một thời huy hoàng” trong nhịp sống của người Sài Gòn ngày cũ. Một Sài Gòn không chen lấn, xô bồ, dù ở đó không còn giới hạn ngày và đêm. Nó được mệnh danh là “khu nhà giàu” với những căn nhà thoáng, rộng, những con đường vắng vẻ, ít bị xe cộ ồn ào. làm phiền.
      Hồi ấy, thanh niên xuất thân từ Tân Định bao giờ cũng cảm thấy tự hào. Không phải kiểu tự hào “nhà giàu”, mà chính là hãnh diện về cái phong cách sang trọng.
      Có thể cả Sài Gòn cũng chẳng ai hiểu có một người của năm cũ ngồi lặng lẽ ở một sân cà phê nhỏ trên đường Trần Quang Khải. Đó chính là Café Văn Hoa mà ông cùng bạn bè đã ngồi suốt những tháng năm tuổi trẻ. Bây giờ, quán đã đổi tên, nước uống đã pha vị công nghiệp, nhưng ông vẫn muốn ngồi đó, chỉ để sống lại cái không gian xưa, mà nhiều khi, ngồi để dõi theo những đổi thay nào đã đi qua nó.
      Mấy chục năm trước, ai muốn mua những gì “Tây nhất”, “mốt nhất” thì qua Tân Định. Cà phê hương vị Pháp như Jean Martin, Meilleur Gout thì vẫn phải là đây, một minh chứng cho sự sành điệu của những chàng trai hào hoa.
      Nguyên dọc đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) khúc Tân Định là những cửa hiệu làm tóc. Tất cả những kiểu đầu mới nhất, thời thượng nhất được “ra lò” từ xứ này. Cũng như muốn tìm những cửa hàng thời trang độc đáo và lịch lãm nhất cũng phải là Tân Định. Ông bảo, nếu muốn ngắm phụ nữ đẹp thì mỗi chiều cứ đến khu Tân Định. Các cô đến đây chọn váy áo, làm tóc, uống cà phê và lang thang trên vỉa hè khuôn viên khu vực nhà thờ Tân Định.
      Và ông cũng giữ một bóng hình đặc biệt của mình trong chiều tan lễ năm xưa. Nhưng rồi qua bao bể dâu thăng trầm thời cuộc, ông xa xứ. Người ấy ở lại, giờ cũng đã cháu con đề huề. Căn nhà của người ấy cũng ở khu Tân Định này, nằm trong một con hẻm vắng trên đường Nguyễn Hữu Cầu.
      Tân Định là nơi vẫn còn giữ lại những phong cách, những nếp sinh hoạt cũ của người Sài Gòn dù bao năm tháng đi qua. Trong mắt những người đi xa như người đàn ông trên, có thể nhiều thứ đã biến thiên, không còn vẹn nguyên trong ký ức.
      Chợ Tân Định sau mấy chục năm vẫn là “chợ nhà giàu”. Từ tất cả các mặt hàng đến thực phẩm, giá bao giờ cũng cao hơn những nơi khác vì những tiểu thương luôn lấy “hàng tuyển”. Nhưng đó là phía trước chợ. Nếu đi ra phía sau, vẫn là một khu bình dân với các chủng loại mặt hàng.
      Dù giá không cao như phía trước nhưng khu phía sau lại phục vụ cho sự “sành ăn” của cư dân Tân Định như mấy chục năm qua. Ở đó, có những gian hàng chỉ bán những loại thực phẩm từ sông, từ đồng. Hay những hàng rau chỉ bán các loại rau sạch.
      Dọc theo hai con đường Nguyễn Hữu Cầu và Hai Bà Trưng, bên hông nhà thờ Tân Định vẫn là những cửa hàng áo dài nổi tiếng. Mấy chục năm trước, nữ tú Sài Gòn muốn có một tà áo dài đẹp nhất, cách điệu nhất thì đến Tân Định.
      Tìm về Tân Định cũng là tìm về với hương thuốc Bắc của một người bốc thuốc gia truyền từ thời Pháp, hiện phát triển thành một cửa hiệu bề thế ngay góc đường Lý Chính Thắng; hay hương giò chả Phú Hương, với vị đặc trưng mà người Bắc cũng mê người Nam cũng đắm, vẫn được “nhân bản” và đang là đặc sản của khu Tân Định hiện nay.
      Khu Tân Định vẫn còn bóng dáng của nhiều ngôi nhà cũ mà ở đó các chủ nhân muốn giữ lại vẻ đẹp của kiến trúc Sài Gòn những năm 60 thế kỷ trước, như nhà của người đàn ông Văn khoa một thuở. Đó là những khu biệt thự vẫn còn nguyên hình hài, nền gạch, ô cửa, cổng sắt và hàng rào thép gai. Những căn nhà không quan tâm lắm đến những “gió mưa” bên ngoài, đến những cập nhật xu hướng bên ngoài. Chúng im lìm nằm đấy ôm trong mình những thứ di sản của chính nó, trong hành trình song hành với thời gian.
                        * HÀ NGUYÊN VŨ (blog Namviet, 9/9/2007)
BÒ TÓT

         Một quan niệm lâu đời được lưu truyền từ các trận đấu bò tót sôi động có xuất xứ từ Tây Ban Nha. Theo đó, các đấu sĩ thường trêu chọc cho bò tức giận lao thẳng đến húc những tấm vải đỏ luôn vung vẫy trước mặt nó, cũng như khán giả thường kiêng vận đồ màu đỏ vì sợ biến thành mục tiêu tấn công của loài vật hung dữ này.

      Thực ra, giống như hầu hết động vật có vú khác, ngoại trừ loài linh trưởng, hệ thị giác của bò tót mắc chứng mù màu bẩm sinh nên không thể phân biệt màu sắc xanh hay đỏ... Chúng lao lên tấn công mọi thứ hiện diện trước mặt do bị kích động, nhất là từ tiếng reo hò la hét của đám đông người xem, kết hợp với sự “chọc ngoáy” liên hồi bởi các thanh kiếm trên tay đấu sĩ khiến chúng... nổi cáu. Bằng chứng cho sự khẳng định này là trong các buổi tường thuật trực tiếp, ta thấy bò thường “nổi điên” rượt đuổi theo đám đông chạy tán loạn, chúng húc bất kỳ ai dám “ngáng đường” chứ không nhất thiết là người mặc áo đỏ.
                        * QUANG PHÚ (blog daigiac 10/8/2010)

QUÀ CÁP

      Hầu như cả thế giới đều biết, rằng "những kỷ vật nhỏ bé củng cố thêm tình bạn và giá cả không là vấn đề, nếu như chúng được trao "chân thành từ trái tim". Nhưng phong tục của người dân Nhật lại cải chính tiêu chí trên. Với những tập tục được quy định khắt khe, tuy rằng việc tặng quà một cách thành tâm không phải là điều ngoại lệ ở đất nước này. Để tặng được món quà mong đợi đúng lúc và đúng người là một điều gì đó hơn cả tập quán truyền thống. Đây là nghĩa vụ nghề nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội. Theo thống kê thì 34 triệu gia đình Nhật Bản luôn tuân thủ tục tặng quà đều đặn 2 lần mỗi năm.
      Quà cáp thường là những đồ ăn thức uống hay dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Người ta tặng quà nhau từ thấp lên cao tùy theo vị trí của mình trong thang bậc xã hội. Những gói quà ấy khẳng định tư thế, địa vị của những nhóm người khác nhau, cũng như lòng kính trọng theo chuẩn mực phong kiến. Quà cáp được trao đổi giữa các hãng với nhau, rồi được dùng làm tặng phẩm cho giới khách hàng quan trọng v.v… Nghi thức tặng quà tuân thủ theo đúng nghĩa vụ nghề nghiệp và xã hội.
      Không một nhà buôn bản xứ hay các hãng sản xuất ngoại quốc nào phàn nàn về thứ tập tục “tặng quà nhau” cả. Thực ra, nếu thiếu cái phong tục truyền đời này thì tỷ trọng thương mại của họ trên thị trường Nhật Bản thật là không đáng kể, cán cân buôn bán sẽ mất đi tính quân bình cố hữu ngay.
      Các hãng rượu, mỹ phẩm và thuốc lá của phương Tây luôn là những tặng phẩm dạng "De Luxe", được đánh giá không chỉ theo trị giá hàng hóa, mà còn vì tính "hữu hiệu" của vật được tặng nữa. Đa số các quà tặng ấy sẽ biến ngay thành món đồ tiêu dùng được ưa thích, còn bao gói đựng chúng được xếp ngăn nắp trên các ngăn kệ ở phòng khách và được lau bụi thường xuyên…
      Người dân Pháp, Anh hay Mỹ thường kinh ngạc khi thấy các nhóm du khách Nhật Bản xúm quanh các quầy hàng dạng sang trọng. Nhưng xin chớ nghĩ rằng người Nhật ham dùng những thứ đồ xa xỉ ấy, đơn giản là họ mua để làm quà tặng, bởi giá cả của chúng rẻ hơn rất nhiều so với ở Tokyo. Ta hãy nghe cô Yumiko giải thích về những món quà mà chồng cô thường đem từ nước ngoài về: “Đồ uống dành cho các sếp, thuốc lá cho đồng nghiệp, còn mỹ phẩm dành cho vợ một bosu nào đấy cần thiết cho công việc của anh ấy”.
      Cứ 2 lần trong một năm: cuối năm là lễ Oseibo và đến mùa hè là lễ Ochugen, chênh nhau 6 tháng, người Nhật lại tất bật với những món quà phải tặng của mình.
                        * KIM DUNG (blog adong 10/3/2012)
THẾ GIỚI NĂM 2015
      1. Tình hình Biển Đông và Hoa Đông trong năm qua ghi nhận những chuyển biến quan trọng. Đó là việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp đất, xây đảo phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái trên nhằm giúp Trung Quốc củng cố yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông đồng thời gia tăng ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
      Thái độ hung hăng của Trung Quốc đã khiến cả thế giới phản đối. Mỹ nhiều lần tuyên bố không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp. Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Mỹ đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường cùng máy bay B-52 đi qua khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc xây dựng. Điều này đã gây ra những tranh cãi ngoại giao.
      Về phía các nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, năm qua, hàng loạt quốc gia châu Á, trước đây vốn trung lập, đã phản đối cách làm của Bắc Kinh như Indonesia, Malaysia. Năm 2015, Philippines nhận được thắng lợi trong vụ kiện chủ quyền với Trung Quốc khi ngày 29-10, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng tiếp nhận vụ kiện của Philippines.
      Thái độ của Trung Quốc khiến Nhật Bản tăng cường phòng vệ ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc cũng đang đòi một quần đảo do Nhật kiểm soát. Ngoài việc lần đầu tiên cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài, Nhật còn lôi kéo và hình thành được một liên minh rộng lớn với Úc, Ấn Độ, Mỹ... kiềm chế Trung Quốc.
      Theo dự báo, sự đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông sẽ tiếp tục chi phối quan hệ giữa các cường quốc khu vực và thế giới trong năm 2016.
      2. Dòng người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu đã có từ những năm trước, nhưng hiện tượng này tăng đột biến trong năm 2015 và trở thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng.
      Cuộc khủng hoảng đó đẩy châu Âu vào tình thế khó xử và bất đồng trong chính mỗi nước và giữa các nước trong khối trước câu hỏi "tiếp nhận hay không tiếp nhận", với những bài toán về kinh tế, xã hội, an ninh.
      Xa hơn nữa, cuộc khủng hoảng di cư đã đe dọa hệ thống đi lại tự do Schengen (giá trị nền tảng) khi nhiều quốc gia châu Âu phải tạm thời khôi phục kiểm soát biên giới.
      Dự báo, dòng người di cư sẽ tiếp tục đổ về châu lục này trong năm tới bất chấp việc EU trong năm qua đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn như tổ chức phá tàu thuyền của những kẻ đưa người di cư, thỏa hiệp với các nước bên ngoài Schengen để nhờ họ chặn người di cư. Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Syria, Iraq, Lybia... chưa kết thúc, dòng người chạy nạn sẽ không bao giờ ngừng lại mặc dù mọi người đều biết có thể bỏ mạng trên biển, nhưng ra đi còn hơn là ở lại vì dù sao vẫn còn chút hy vọng.
      3. 2015 được biết đến là năm đại họa đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ khi giá dầu từ trên 100USD/thùng có lúc xuống còn dưới 30USD.
      Giá dầu giảm đe dọa tới ổn định kinh tế, xã hội và chính trị tại nhiều nước. Thậm chí ở một số nước Mỹ Latinh, giá dầu giảm đã khiến nhiều đảng phái mất quyền điều hành đất nước.
      Dự báo trong năm 2016, và có thể phải mất nhiều năm nữa, giá dầu mới tăng trở lại mức 100USD, các nước bán dầu vẫn tiếp tục bán ra, lại có thêm người bán mới (Iran), trong khi người mua thì tiếp tục ít đi hoặc mua ít hơn, vì tăng trưởng kinh tế giảm ở khắp nơi, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và EU.
                        * MỘC THẠCH (NA 6/1/2016)
XÀI SANG
      Trên tờ The Los Angeles Times trong bài báo viết về Việt Nam hồi tháng Ba năm 2014 đã đề cập đến doanh số tăng vọt của các “siêu xe” ở Việt Nam, như Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus và Infiniti, dù thu nhập trung bình của người Việt vẫn còn rất thấp. Bài báo mô tả phòng trưng bày xe Rolls-Royce mới mở ở Hà Nội, trong đó một chiếc Wraith có giá chào khoảng 979.000 đô la. Nhưng cái giá cuối cùng khách hàng phải trả có thể cao hơn hàng trăm ngàn đô la. Với một số người, giá xe lên đến 2,5 triệu đô la.
      Theo một tính toán, để sở hữu xe nhập khẩu ở Việt Nam, người mua phải trả giá hơn gấp đôi so với ở Mỹ, nơi có thu nhập cao hơn 22 lần so với chúng ta.
      Vậy mà mặc cho suy thoái kinh tế, những con số về lượng tiêu thụ và doanh số xe hơi nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam liên tiếp lập những kỷ lục mới. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2015, để nhập xe hơi nguyên chiếc, linh kiện và phụ tùng (dùng lắp ráp xe trong nước), chúng ta phải chi tổng cộng 5,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 60% so với năm 2014. Cũng nên biết, cùng kỳ, Việt Nam xuất được 3,48 tỉ đô la dầu thô, 2,58 tỉ đô la gạo và 2,32 tỉ đô la cà phê. Nghĩa là bán cả số dầu và cà phê trong 11 tháng (5,8 tỉ) trả cho tiền mua xe hơi thì còn thừa, nhưng nếu chỉ cộng gạo với cà phê (4,9 tỉ) phải nợ lại 400 triệu đô la.
      Không ai có quyền lên án chuyện xài tiền của cá nhân miễn là hợp pháp. Nhưng thử hỏi chủ nhân các siêu xe hàng triệu đô nghĩ thế nào khi chỉ ra khỏi căn nhà sang trọng của mình đã thấy ngay những mảnh đời đói khổ, rách rưới. Khi ấy, chiếc xe siêu sang đó chẳng khác nào một cô hoa hậu diện trang phục dạ yến, mang giày cao gót đi giữa đồng ruộng chỉ toàn nông dân mặc áo mộc, chân lấm tay bùn.
                        * SƠN TÙNG (TB. Kinh tế Sài Gòn, 6/1/2016)
THỦY TỨC
      Hydra trong Thần thoại Hy lạp bị Hercules giết chết là con rắn nhiều đầu, và 2 đầu mới sẽ mọc lại khi bị chặt mất một đầu. Trong thế giới thực, hydra (thủy tức) cũng có khả năng phi thường như thế. Chúng ta có thể chọc một lỗ trên thân thủy tức, nó sẽ tự động bịt kín vết thương lại ngay. Nếu bị cắt làm đôi, thủy tức sẽ tự tái tạo một nửa đã mất. Nếu cắt thủy tức ra 20 mảnh, chúng ta sẽ có thêm 20 con nữa! Một nghiên cứu mới đây quan sát hàng chục ngàn con thủy tức trong phòng thí nghiệm và người ta khám phá sinh vật kỳ bí này có khả năng thoát khỏi tiến trình lão hóa.
      Thủy tức là động vật không xương sống thuộc ngành ruột khoang, dài khoảng 10mm, với cơ thể phần lớn là tế bào gốc – yếu tố giúp cho chúng có cuộc sống dai, gần như bất tử. Thủy tức sinh sản vừa vô tính vừa hữu tính tùy theo điều kiện môi trường. Thủy tức còn có kiểu sinh sản tái tạo, tức là tự phục hồi phần cơ thể bị đứt. Loài này sống ở vùng nước ngọt như ao, hồ. Tua miệng thủy tức có nhiều tế bào gai dùng để tự vệ và bắt mồi. “Phần lớn tế bào trong cơ thể thủy tức là tế bào gốc. Các tế bào gốc của thủy tức có khả năng phân chia liên tục giúp cho cơ thể nó thường xuyên được trẻ hóa. Những tế bào phân hóa của xúc tu và phần đuôi thường xuyên được tống ra khỏi cơ thể thủy tức để sau đó thay thế bằng những tế bào mới di chuyển đến từ phần thân cơ thể”.
      Năm 1998, một nhóm nhà nghiên cứu kiên trì giám sát thủy tức trong thời gian 4 năm và sau đó họ không tìm thấy dấu hiệu lão hóa nào nơi con vật này! Nhóm cố gắng đánh giá độ tuổi  của thủy tức theo thời gian nhưng không thành công.
      Các nhà nghiên cứu muốn dành cho loài thủy tức điều kiện sống tốt nhất với nước được thay 3 lần mỗi tuần và khẩu phần ăn là tôm tươi nhiều hơn. Trong 8 năm dài quan sát gần, nhóm nhà khoa học không ghi nhận được bằng chứng nào về tiến trình lão hóa cũng như sự suy giảm khả năng sinh sản nơi những con thủy tức được nâng niu cẩn thận.
      Kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học này cho thấy quan niệm cho rằng mọi loài động vật đều lão hóa là không đúng. Điều đó có nghĩa là, công trình nghiên cứu loài thủy tức giúp cộng đồng khoa học thế giới làm sáng tỏ bí ẩn của vấn đề tại sao phần lớn động vật đều bị lão hóa.
                        * DUY MINH (Khoa học CN 20/9/2012)

ĐI THẾ NÀO?
      Chúng ta không thể một mình đi một đường. Chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại. Muốn đi con đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển họ đi ra sao, và Việt Nam đang đứng ở đâu trong lộ trình này. Đấy là đòi hỏi thực tế,
      Bên cạnh đó, cũng cần có tâm huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm và kém thế, tại sao người dân còn ta thán nhiều như thế. Trăn trở vậy mới giúp hoạch định chiến lược tốt, chính sách tốt. Đây là việc trí tuệ, không ai ép buộc, nên phải tạo môi trường đổi mới sáng tạo cho cán bộ trong cơ quan. Tôi muốn nói, sáng tạo chỉ có khi người ta hưng phấn làm việc. 
      Chúng ta mới chớm chân vào kinh tế thị trường, chưa xây dựng được các nhân tố thị trường nền tảng. Đất đai là thí dụ. Chúng ta không có thị trường đất đai. Nói đúng hơn là thị trường đất đai của Việt Nam rất méo mó do chưa phân tách được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Vì thế, thị trường này là thị trường ngầm.
      Nhìn rộng ra, việc phân bổ nguồn lực của đất nước này vẫn theo mệnh lệnh hành chính là chính, không theo thị trường. Nếu theo thị trường, ai sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên hiệu quả nhất thì phải được tiếp cận chứ. Chúng ta có cơ chế này chưa? Chưa. Lao động cũng vậy, kể cả trong bộ máy công quyền, trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, và thậm chí trong đời sống xã hội. Phải có thị trường lao động, nơi anh làm tốt thì được sử dụng, đãi ngộ cao,
                        * TƯ GIANG và BÙI QUANG VINH (blog dantoc 18/1/12016)
CHỤP CT CÓ THỂ GÂY UNG THƯ
      Ngành chụp CT đã bùng nổ trong thời gian qua. Nhưng cùng với việc giúp chẩn đoán chính xác và tránh cho nhiều bệnh nhân không phải phẫu thuật oan, nó cũng đang đứng trước nguy cơ bị lạm dụng, và nguy hiểm hơn làm tăng khả năng bị ung thư. Chụp CT là quá trình sử dụng tia X để tạo ra những hình ảnh ba chiều giúp các bác sĩ thấy được những thứ bên trong cơ thể người bệnh. Chụp CT sử dụng phóng xạ ion hóa có thể phá hủy các ADN và gây ra ung thư. Hai phương pháp chụp ảnh phổ biến khác, chụp MRI và siêu âm, không sử dụng phóng xạ.
      Chụp CT được sử dụng vì rất nhiều lý do, bao gồm việc xác định sỏi thận, đánh giá tổn thương lồng ngực, phát hiện các khối u và những sự thất thường khác. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) ước tính từ 30 – 50% các chỉ định chụp CT là không cần thiết. “Chúng ta từng có quan điểm chỉ sử dụng phương pháp này khi thật sự cần thiết. Nhưng giờ nó xuất hiện khắp nơi và nhiều xét nghiệm là không cần thiết. Tình hình thêm nghiêm trọng khi trong phần lớn trường hợp được chỉ định chụp CT quá đà, mà bệnh ung thư chỉ khởi phát nhiều năm, thậm chí là nhiều thập niên, sau đó”.
                        * LOAN PHƯƠNG (8/7/2013)
NGA VÀ THỔ
      Không ngạc nhiên khi Nga có những phản ứng hết sức giận dữ sau vụ chiếc máy bay Su-24 bị bắn rơi. Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh máy bay Nga đã xâm phạm không phận nước này 10 lần trong vòng 5 phút dù đã nhận được lời cảnh báo rõ ràng. Trong khi đó, Nga khẳng định ở thời điểm bị tấn công, Su-24 đang hoạt động trên lãnh thổ Syria và không hề gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với Thổ. Ngay sau khi vụ bắn hạ xảy ra, Tổng thống Vladimir Putin đã miêu tả đây là một hành động “đâm sau lưng bởi những kẻ ủng hộ khủng bố”, đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho mối quan hệ song phương Moscow - Ankara.
      Vụ việc hôm 24-11 một lần nữa chứng minh mối quan hệ phức tạp và rắc rối tại “chảo lửa” Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là quốc gia sát sườn Syria, muốn lật đổ chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad. Chính vì vậy, Ankara ra sức hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại Assad, cũng như đồng ý cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ không quân trên lãnh thổ nước   này cho mục đích không kích Syria. Ngược lại, Nga coi Assad như một đồng minh thân cận tại khu vực. Dưới danh nghĩa tham gia cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS), Nga đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự giúp quân đội chính phủ Syria giành lại các vùng đất bị kiểm soát bởi phe chống đối.
      Khi Nga bắt đầu hoạt động không kích ở Syria vào tháng 8/2015, đã có những lời kêu gọi rằng cần duy trì một khoảng không an toàn, để các máy bay của Nga cùng NATO dễ dàng hoạt động cạnh nhau. Tuy nhiên, sang đến tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc máy bay Nga đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Nga đáp trả lại rằng, bất kỳ sự vi phạm nào vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là “tai nạn” và sẽ được ngăn chặn trong tương lai. Ngay trước vụ Su-24, Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào những ngôi làng ở miền Bắc Syria - một vùng đất có mối quan hệ mật thiết với Thổ Nhĩ Kỳ.
      Rõ ràng, Ankara “không chịu ngồi yên” sau những động thái của Moscow. Có quan điểm cho rằng, sự kiện 24/11 đã chính thức châm ngòi cho một cuộc chiến Nga - Thổ hoàn toàn mới. Xét đến sự thù hận trong nhiều năm qua giữa hai quốc gia này, lại thêm “thái độ tiêu cực” của Thổ đối với chính phủ Syria, hành động tấn công ngay từ đầu đã thổi bùng thêm ngọn lửa căng thẳng giữa hai bên. Nếu tham chiến, Thổ có thể đóng cửa eo biển Bosphorus - con đường duy nhất đưa hạm đội biển Đen của Nga tiếp cận Địa Trung Hải - và kêu gọi sự trợ giúp của các quốc gia thành viên NATO.
      Có vẻ như, Ankara đã tính toán kỹ lưỡng. Ngay sau khi bắn hạ Su-24, thay vì tiếp xúc ngay với Nga qua đường dây được thiết lập, Thổ Nhĩ Kỳ lại triệu tập NATO để tham vấn. Bất kể có động cơ gì, Thổ đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Bằng cách nhờ cậy NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm sự đoàn kết và hỗ trợ từ các đồng minh trong liên minh quân sự này phòng khi “có biến lớn”. Phía Ankara từng tuyên bố, máy bay Nga đã “xâm phạm” không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới phản ứng quân sự chỉ mang tính phòng vệ là hoàn toàn bình thường. Thế nên, việc Thổ bắn hạ chiến đấu cơ Nga ở Syria không thể được xem là một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên NATO.
      Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, hoạt động của người Kurd (nhóm sắc tộc cầm súng đòi tự trị ở Thổ và chống IS) ở trong và xung quanh Syria còn nguy hiểm hơn nhiều so với đà tiến của IS. Trong khi đó, các giao dịch ngầm và hoạt động buôn lậu giữa nhóm khủng bố IS với các đối tác Thổ đã được “cho qua”, trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris. Do vậy, sự khoan dung của cộng đồng thế giới đối với Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giảm nghiêm trọng.
      Một số nhà quan sát nhận định, kịch bản chiến tranh Nga - Thổ nhiều khả năng sẽ không xảy ra. Cần biết rằng trong khi việc bắn hạ máy bay chiến đấu của một quốc gia khác bị xem là hành động gây chiến, các sự kiện kiểu này ít khi dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn. 
      Nếu lật lại những diễn biến trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine cách đây hai năm (mà đỉnh điểm là sự bất lực của phương Tây khi chứng kiến Nga sáp nhập bán đảo Crimea) thì gần như chắc chắn, NATO sẽ không phải là bên có nước đi mạo hiểm đầu tiên. Bản thân hai nước liên đới trong vụ việc là Nga và Thổ cũng chưa hề có một động thái nào “quá đà”.
                        * ANH DOÃN (Theo Le Point và BBC 4/12/2015)
TẾT CŨ
      Quê tôi cứ tết là vào mùa giáp hạt, đói rã họng, ăn còn đứt bữa phải chạy ăn từng bữa nói chi đến tết. Nhà nào khá lắm thì cũng lo nổi mâm cỗ chiều ba mươi tết và con gà, ít chè nếp nấu cúng giao thừa, rồi mồng 2 tết có một mâm cỗ để đưa ông bà ông vải về trời. Nhưng cái tục đón tết ở quê tôi, dù nghèo khó đứt bữa đến mấy thì cả năm đã phải tính đến ba ngày tết, dành dụm để có được 3 ngày tết, với 3 mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Để lo được cái tết mẹ tôi phải tính toán, chắt chiu dành dụm từ nhiều tháng trước chỗ nào là thóc xay gạo tết, chỗ nào là nếp đồ xôi, chỗ nào dành dụm tiền mua thịt, mua cá. Cha tôi là con cả, tết nào cũng phải lo đủ lễ nghi cúng đơm lên bàn thờ gia tiên và mời các chú, các cô về ngày tết hương khói cho tiên tổ. Nhà đông con, đông khách nhưng tết nào mẹ tôi cũng chỉ sắm được 3kg thịt để chế biến cho một cái tết. Nhà tôi cũng không nấu bánh chưng vì mẹ chỉ lo đủ gửi người ta độ 5 cái vừa cúng tết. Thế nên trong ký ức tuổi thơ bé, tết chưa bao giờ chúng tôi được ăn đã thèm thịt, cá, giò chả. Nhưng như vậy còn sung sướng chán vạn những gia đình trong thôn khác. Như người bạn sau ngõ vườn nhà tôi đó, nhà nghèo đến nỗi không bao giờ mấy anh em có nổi một manh áo mới mặc tết. Tết năm nào cũng không có pháo đốt giao thừa. Mấy đứa em nó trời lạnh như cắt, hai lỗ mũi thò lò xanh lè, nó cõng em trên lưng, em nó có mỗi manh áo ngắn cụt sờn bẩn. Nó cũng chỉ manh áo bông rách, chiếc quần xanh chéo vá ba bốn miếng. Tôi nhớ những ngày còn bé tí, nó cõng em chạy theo đám bạn trong ngõ chơi. Các bạn đánh đáo, chơi bật xu ăn tiền, nó cõng em đứng chầu hẫu nhìn chăm chăm vào những đồng bạc sáng loáng chạy dưới đất với cái ánh mắt thèm thuồng cháy bỏng. Nó không bao giờ có tiền xu để chơi đánh đáo, trong túi quần nó chỉ có con quay làm bằng gỗ tự đẽo. Nó chơi quay rất tài, nhưng trước đám con nít trong làng xúng xính áo mới thí nó cũng chỉ giấu con quay trong túi quần cõng em đứng nhìn từ xa. Tôi không bao giờ quên được cái tết năm ấy. Giao thừa, cha tôi đốt bánh pháo tét, nhà nó phía sau cũng nghe tiếng gì như tiếng pháo nổ to lắm. Tôi đứng sau hiên nhà, lom khom chạy ra vườn ngó qua bờ giậu tre, thấy cha nó và nó đang ụp mạnh xuống đất những quả pháo được làm từ đất sét dẻo. Tiếng nổ của pháo đất phát ra không đanh giòn như tiếng pháo làm từ giấy và thuốc nổ nhưng nghe nó cũng lụp bụp, có độ rền vang rất hấp dẫn. Mấy đứa em nó thì lấy giấy xanh đỏ xé ra rải xuống sân cho giống xác pháo để sớm mai, có ai qua nhà chúc tết, thấy trước sân có xác pháo vương vãi mà lấy làm hãnh diện trong lòng rằng tết năm nay nhà mình cũng ăn tết phong lưu, có pháo đốt giao thừa.
      Thời của chúng tôi, những người sinh ra trước năm 1975, ở hầu hết các làng quê đều đón những cái tết thương khó như vậy. Thế nên trong những cái tết đủ đầy của hiện tại, cảm giác lạc tết, nhớ tết cũng là điều dễ hiểu. Nhớ tết là nhớ đến từng kỷ niệm, nhớ nỗi thương khó xa xôi lúc nào cũng bám riết trong ký ức tuổi thơ. Nhớ cái tinh thần của tết xưa, nhớ những công việc tâm linh với tiên tổ, và nhiều khi nỗi nhớ về những gánh nặng oằn lưng của cha mẹ mỗi dịp tết về. Tết ở quê thường nặng về việc lễ nghĩa, cúng đơm. Tết ở quê tôi, người lớn lo phúc đáp lạy tạ tổ tiên sau một năm làm ăn vất vả. Việc cúng đơm diễn ra trong 3 ngày tết, từ trong nhà ra đến nhà thờ họ, rồi đến đình làng. Tết còn là dịp người lớn tổ chức mừng thọ cho ông bà, tế lễ nhà thờ. Tết là dịp người lớn dù làm ăn đâu xa, bận đến mấy cũng tụ trở về quê, quây quần bên nhau sau một năm vất vả, xa cách. Có khi ba ngày tết là ba ngày vất vả cực nhọc của người lớn. Chỉ có lũ trẻ con là vô tư lự, khoe áo mới, mong lì xì, vui đùa với nhau mà không biết rằng để có được một cái tết đủ đầy ý nghĩa, tóc cha bạc thêm, lưng mẹ còng xuống, gương mặt mẹ trĩu nhiều nếp nhăn hơn vì phải tính toán lo toan.
                        * NHƯ BÌNH (blog hohoi 18/2/2008)
GẠO
      22 năm qua Việt Nam đã nổ lực vượt bậc để trở thành địa chỉ cung cấp gạo lớn, đáng tin cậy trên thị trường thế giới.
      Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận điểm yếu của Việt Nam trong xuất khẩu mặt hàng nông sản này, đó là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam rất thấp so với giá bình quân của thế giới.
      Tuy nhiên, cần xem xét điều này trên nhiều mặt, trong đó cơ cấu “rổ gạo xuất khẩu” của các quốc gia rất khác nhau là yếu tố dễ nhận thấy nhất.
      Để có thể nhận ra bức tranh chân thực, cách tiếp cận đầu tiên là so sánh giá cùng một loại gạo của các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, giá gạo 25% tấm của Việt Nam trong 14 năm qua tuy bình quân thấp hơn của Thái Lan khoảng 8,2%, nhưng cao hơn so với của Pakistan (3,6%), cao vượt trội 17% so với Ấn Độ. Điều này có nghĩa là, Việt Nam đã thành công.
      Thế nhưng, nếu tiếp cận theo cách so với chính mình, Việt Nam vẫn còn không ít cơ hội để nâng giá gạo xuất khẩu thêm nữa. Điển hình nhất chính là trong năm 2008, lúc giá gạo thế giới đạt kỷ lục mọi thời đại, Việt Nam đã đạt được kỳ tích tăng đột biến sản lượng lúa gần 2,8 triệu tấn, mức tăng kỷ lục 25 năm đổi mới, còn giá gạo xuất khẩu cũng đạt kỷ lục 569 đô la Mỹ/tấn, nhưng khối lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 100.000 tấn.
      Do vậy, chắc chắn phải có lượng gạo dự trữ không nhỏ chờ giá “rơi tự do” xuống 407 đô la Mỹ/tấn năm 2009 mới được xuất khẩu. Đây cũng chính là lý do trong năm này sản lượng lúa chỉ tăng vỏn vẹn 166.000 tấn mà khối lượng gạo xuất khẩu tăng đột biến gần 1,4 triệu tấn giúp Việt Nam đạt được kỷ lục vượt qua ngưỡng xuất khẩu 6 triệu tấn.
      Nói tóm lại, sản xuất và xuất khẩu gạo là “trái ngọt đầu mùa” của Made in Vietnam”, Điều còn khó là làm cho “trái ngọt” đó liên tục lớn lên trong bối cảnh thị trường thế giới đầy bất ổn thì Việt Nam cũng đã thành công. Tuy nhiên, nếu bắt nhịp được với thị trường thế giới, chắc chắn kết quả thu được còn trọn vẹn hơn nữa.
                        * ĐÌNH BÍCH (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 27/1/2011)
HIẾN TẠNG
      Xứ Wales (Anh) ngày 2/11/2014 đã thông qua một đạo luật mang tính cách mạng với việc ghép tạng. Theo đó, những người trưởng thành nghiễm nhiên được coi là đồng ý hiến tạng trừ khi họ khẳng định từ trước là không đồng ý.
      Trước đó, hơn 1 triệu người xứ Wales, chiếm 34% dân số vùng lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Anh, đã đồng ý hiến tạng, trong khi 86.000 người nói không. Bộ trưởng Y tế xứ Wales Mark Drakeford nói đây là “bước đi đột phá sẽ giúp cứu mạng nhiều người”. Ông ca ngợi sự ủng hộ của tất cả các đảng đối lập ở Wales để thay đổi bộ luật, nhằm vào việc tăng số lần hiến tạng lên 25%. Ông Drakeford nhấn mạnh: “Có rất, rất nhiều người sẵn lòng hiến tạng, nhưng ý muốn của họ không được biết tới từ trước trong những tình huống bất ngờ. Luật này hy vọng sẽ thay đổi điều đó, tạo ra một sự chuyển biến về mặt văn hóa”. Để chuẩn bị cho luật mới, nhà chức trách đã vận động cả các nhóm tôn giáo để tìm sự đồng thuận từ nhiều giới. Mục sư John Davies, giám mục Swansea và Brecon, nói giáo hội Anh hoàn toàn ủng hộ vấn đề hiến tạng nhưng muốn coi đó là một “món quà” từ người hiến hơn là một nghĩa vụ: “Từ quan điểm tôn giáo, tôi cho rằng ý tưởng cho ai đó một món quà quý giá là điều tốt hơn nhiều so với việc coi đó là điều nghiễm nhiên”.
                        * LOAN PHƯƠNG (10/3/2015)
NGƯỜI TÀU MUA NHÀ
      Mới đây, tờ New York Times (Mỹ) có bài viết tựa đề “Người dân Trung Quốc mua nhà làm thay đổi việc phân bổ dân số của Mỹ, tại Los Angeles như đang ở Trung Quốc”. Cứ mỗi 1 USD mua nhà của người nước ngoài ở Mỹ thì có 24 xu là của người Trung Quốc. Từ năm 2014 đến tháng 3-2015, người Trung Quốc đã chi 22 tỉ USD mua nhà ở Mỹ, tăng 72% so với năm 2013. Theo Hiệp hội môi giới nhà đất Mỹ (NAR), khách hàng Trung Quốc thường mua nhà có mức giá cao, bình quân khoảng 831.800 USD/căn.
      Tháng 6 năm nay, công ty địa ốc lớn nhất của Anh Barratt Homes mang theo 21 dự án mới đến Trung Quốc tìm kiếm khách hàng tiềm năng, thiết lập văn phòng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng mua nhà tại London.
Theo số liệu của Công ty Jones Lang LaSalle, tỉ lệ giao dịch bất động sản của người Trung Quốc ở Anh chiếm gần 10%, so với 2% cách nay ba năm. Tờ Daily Mail từng phản ánh: “Nguyên nhân thật sự khiến con bạn không thể mua nhà là vì từ Liverpool đến Croydon, nhà chưa xây xong đã bị giới trung lưu đến từ Trung Quốc mua sạch”.
      Từ năm 2013 – 2014, người Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư bất động sản lớn nhất ở Úc với 27,7 tỉ đôla Úc. Ngày 29/8 vừa qua, Tập đoàn Crown giới thiệu dự án chung cư Quảng trường xanh vô hạn ở Sydney. Ngay ngày đầu rao bán, khách hàng đến từ Trung Quốc đã xếp hàng dài đặt mua hết 98%, khoảng 350 triệu đôla Úc. Trong các dự án nhà mới xây ở Úc, 12% được mua bởi người Trung Quốc. Trong đó, Sydney và Melbourne thu hút nhiều người đầu tư nhất. Một số khu phố tại hai thành phố trên, 100% do khách hàng Trung Quốc mua, nếu vào ở sẽ chẳng khác gì các khu phố Trung 
      Theo trang Tài Chính Tân Hoa, dân gốc Trung Quốc chiếm 10% dân số Dubai, trong đó đa số đến từ Quảng Châu, Thâm Quyến. Theo số liệu của Cục Đất đai Dubai, năm 2014 có 1.000 khách hàng Trung Quốc đầu tư 353 triệu USD để mua đất, căn hộ hay văn phòng tại đây, tăng gấp đôi so với năm 2013. Tính đến tháng 8/2015, vốn đầu tư bất động sản của người Trung Quốc ở Dubai là 2,07 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 3.500 đồng).
      Năm 2009, người Trung Quốc sở hữu 20.000m2 đất đai ở đảo Jeju, Hàn Quốc. Tính đến cuối tháng 4 năm nay, con số này tăng lên 11.730.000m2. Trong tổng diện tích đất do người nước ngoài sở hữu tại đảo này, Trung Quốc chiếm đến 60%.
      Mới đây, có thông tin căn hộ đắt nhất ở Tokyo có chủ nhân là người Trung Quốc. Trong vòng 10 năm nay ở thủ đô Nhật Bản, một đại gia Trung Quốc đã mua lại hai căn hộ đắt nhất, với giá 37 triệu nhân dân tệ và 36 triệu nhân dân tệ. Tính đến năm 2014, dòng vốn Trung Quốc chảy vào thị trường địa ốc Nhật Bản ít nhất khoảng 300 triệu USD. Thủ tục xin visa đi Nhật Bản được nới lỏng, khi mua nhà ở Nhật Bản sẽ được cấp giấy chứng nhận sở hữu đất, khả năng sinh lời cao.
      Cơn sốt mua nhà ở nước ngoài của người Trung Quốc đang tiếp tục lan rộng. Ngoài giới thượng lưu, nay ngày càng nhiều khối nhân viên văn phòng sở hữu nhà ở nước ngoài. Dự kiến với sự gia nhập của giới nhà giàu bình dân, trong tương lai người Trung Quốc sẽ sở hữu nhà trên toàn cầu.
                        * CẢNH CHÁNH (Bangkok post, 19/7/2015)
QUỲ GỐI
      Mỗi khi nói đến chữ quỳ gối, ai cũng liên hệ với điều gì đó nhục nhã, tủi hổ, hèn kém, thế nhưng vừa rồi người ta lại ca ngợi hết lời chàng sinh viên tân cử nhân Thái Lan Kalangnalong vừa tốt nghiệp Đại học Chulalongkorn khi anh quỳ gối trước xe rác của cha để cảm ơn công sinh thành dưỡng dục, và cô hoa hậu Thái Lan 2015 Mint Kanistha cũng quỳ gối trước người mẹ quét rác của mình với lý do tương tự.
      Có lẽ có người từng ngại ngần trước cử chỉ cúi rạp mình xuống chào của người Nhật, nó có vẻ hạ thấp mình quá đáng, nhưng thật giật mình khi biết lối chào đó được dạy dỗ thành một nội dung hẳn hoi ở nhà trường và trong gia đình người Nhật, ý nghĩa không chỉ là sự tôn trọng người khác mà còn thể hiện lòng tự trọng bản thân của một cá nhân có giáo dục, trong một quốc gia có tính kỷ luật và tổ chức cao nhất thế giới.
      Trong chương trình truyền hình Gương mặt thân quen nhí 2014, chàng ca sĩ Mỹ Kyo York lần nào trao đổi với ban giám khảo cũng quỳ một gối, để chân còn lại làm điểm tựa cho cô học trò nhỏ Uyên Nhi ngồi lên. Việc quỳ xuống để nâng người khác lên đã giúp anh ghi điểm về sự thân thiện trong lòng khán giả.
      Một cậu thiếu niên Việt đi du học Singapore, một trong những bài học về giáo dục kỹ năng sống mà cậu được dạy là làm việc thử giày cho khách trong một tiệm giày. Khách sẽ ngồi trên ghế cao, đặt chân lên ghế thấp, còn cậu thì gần như quỳ gối một chân để giúp khách thử giày, lúc này chân khách gần như ngang với người cậu. Nếu cậu làm khách vừa lòng, khách sẽ ghi vào bảng đánh giá và gửi cho chủ tiệm, căn cứ vào đó cuối tuần cậu sẽ được trả lương và có thể có thưởng nếu làm tốt. Sau đợt thực tập, chủ tiệm sẽ báo cáo về trường hợp của cậu với nhà trường. Đó là bài học “cúi xuống phục vụ người khác” ở một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới.
      Trong một lễ ra trường, các bé được thầy cô tổ chức hẳn một ngày giã từ tiểu học rất xôm tụ, mời cả phụ huynh đến dự, trong đó có nghi thức các bé sẽ quỳ xuống để cảm ơn cha mẹ mình. Chỉ là việc quỳ gối thôi mà phải họp mặt phụ huynh trước đó, “quán triệt đường lối” cả tuần, thuyết trình thuyết minh đủ cả mà có cha mẹ cứ giãy nảy lên bảo là... phong kiến!, cổ hủ, bất công, lạc hậu, màu mè, hình thức, tội nghiệp tụi nhỏ... Thế nhưng cuối cùng mọi việc vẫn cứ diễn ra và thật bất ngờ, khi con trẻ quỳ gối ngân nga đọc bài thơ cảm ơn công ơn cha mẹ thầy cô, nước mắt nhiều phụ huynh đã trào ra vì cảm động, thấy việc làm của mình thật sự có giá trị và được ghi nhận. Đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc lớn lao sao.
      Cúi xuống, quỳ xuống để cảm ơn, để bày tỏ lòng tôn trọng, để phục vụ đâu phải là những điều tiêu cực. Dường như ta quá quen với việc ngẩng cao đầu và thể hiện sự vượt trội như một thế mạnh phải đạt được bằng mọi giá, như một vị thế, một danh dự, một sự bất khuất lớn lao mà quên mất ý nghĩa tốt đẹp của việc cúi xuống để nhìn lại chính mình.
                   * VĂN CƠ (Nhân văn 21/7/2008)
BỘ NÃO
      Khái niệm về tuổi tác và khôn ngoan trở thành đề tài nghiên cứu khoa học vào năm 1950. Đó là khi nhà tâm lý học Erik Erikson đưa ra một lý thuyết tám giai đoạn trong chu kỳ cuộc sống của con người. Ở mỗi giai đoạn con người phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội tâm và phát triển những khía cạnh khác nhau của nhân cách. Ví dụ như khi còn là một đứa trẻ, cuộc đấu tranh giữa niềm tin và sự ngờ vực; khi trẻ cảm thấy có thể tin tưởng những người xung quanh thì chúng sẽ phát triển cảm giác hy vọng. Trong giai đoạn cuối cùng là tuổi già, Erikson cho rằng con người phải vật lộn với sự cân bằng giữa ý thức cá nhân về tính toàn vẹn và thất bại khi đối mặt với cái chết và sự tan rã vật lý, nếu tính toàn vẹn thắng thì đó chính là sự khôn ngoan.
      Hãy bắt đầu với một số ý tưởng về những gì khôn ngoan đòi hỏi. Trong khi không có một định nghĩa chính xác, khôn ngoan được coi là khả năng nhận thức và xét đoán những khía cạnh của vấn đề mà theo sự hiểu biết là đúng và bền vững. Những phẩm chất thường thấy ở sự khôn ngoan bao gồm trí thông minh và kiến thức; sự hiểu biết về bản chất con người; khả năng phục hồi tình cảm; khiêm tốn; khả năng học hỏi kinh nghiệm; sự cởi mở và kỹ năng giải quyết vấn đề… Tất cả những đặc điểm này tạo nên một trí tuệ mạnh mẽ được sử dụng để điều hướng những thách thức trong cuộc sống.
      Dự án Wisdom Berlin, các nhóm nghiên cứu quan tâm nhiều hơn tới các thành phần trí tuệ và đo lường được sự khôn ngoan đã thấy rằng  trí tuệ đạt đỉnh cao khi ở tuổi trung niên và bắt đầu suy giảm ở tuổi 75. Những nghiên cứu này dường như để giải thích cho việc suy giảm trí nhớ và ký ức ở người cao tuổi. Khi bạn thêm yếu tố tình cảm vào thử nghiệm, dường như ở người lớn tuổi có sự kiểm soát tốt hơn. Các nhà nghiên cứu của Đại học Alberta và Duke đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ để so sánh những phản ứng bên trong não người. Những người tham gia ở nhiều độ tuổi được cho xem những hình ảnh xúc động đầy thử thách. Ở người lớn tuổi, hình ảnh chụp cho thấy có sự tương tác giữa các bộ phận của não bộ đối phó với cảm xúc (amygdala) và kiểm soát cảm xúc (cingulate). Dường như tuổi tác và kinh nghiệm sống mang lại sự tích cực và khả năng phục hồi tình cảm ở người lớn tuổi.
      Đôi khi chúng ta vẫn nhớ lại những ký ức thời thơ ấu như bữa tiệc sinh nhật, kỳ nghỉ gia đình… nhưng tất cả chỉ là những ký ức đứt quãng và rời rạc. Trên thực tế bạn chỉ có thể nhớ được một số ít ký ức trong độ tuổi từ 3 đến 7, cho dù việc kể lại của người thân hay đơn giản là xem lại các album ảnh gia đình sẽ giúp bạn nhớ nhiều hơn. Giả thiết đưa ra cho sự mất trí nhớ thời thơ ấu là vì những phần bộ nhớ nằm trên não của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ. Vùng vỏ não dưới trán được coi là tạo nên trí nhớ tình tiết - giúp chúng ta nhớ lại được ký ức - chưa phát triển. Tuy nhiên tâm lý học đã phát hiện ra rằng trẻ em từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi đã có thể hình thành những ký ức lâu dài. Một giả thiết khác là về vấn đề ngôn ngữ, có vẻ như chúng ta không thể nhớ được những ký ức thời thơ ấu bởi ta không thể mô tả được chúng, vì vậy mà những ký ức này sẽ không trọn vẹn và đầy đủ.
      Để hình thành ký ức, con người phải tạo ra các khớp thần kinh, hoặc các kết nối giữa các tế bào não. Từ đó, não sắp xếp các thông tin đó vào các mục và liên kết nó với dữ liệu tương tự khác. Để có thể có những ký ức đầy đủ não phải định kỳ lấy những ký ức, hồi tưởng những khớp thần kinh ban đầu và tăng cường những kết nối. 
                        * HOÀNG NGỌC (Theo The Lancet 18/7/2011)
NHÌN LẠI NĂM 2015
      Năm 2015 chứng kiến sự bành trướng mạnh mẽ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng như những kẻ lấy cảm hứng hoặc hành động theo chỉ dẫn của các nhóm khủng bố. Hàng loạt vụ tấn công trên thế giới năm qua, từ Tunisia, Beirut, Copenhagen, San Bernardino, tới vụ khủng bố chiếc máy bay trên bầu trời Sina (Ai Cập) đều không phải hoàn toàn do IS thực hiện, mà giật dây những kẻ bị cực đoan hóa bởi chính sách tuyên truyền của IS tại những quốc gia bản địa. IS tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi về chủ nghĩa khủng bố ở khắp mọi nơi, với tuyên bố các vụ tấn công sẽ đẩy nhiều nước vào cảnh nội chiến kéo dài.
      IS đang biến châu Âu thành chiến trường hứng chịu nhiều sóng gió. Riêng Paris (Pháp) đã hai lần gánh chịu thảm cảnh khủng bố đẫm máu. Các vụ tấn công tháng 1 và 11 năm 2015 đều có yếu tố nhập cư, khi các nghi phạm hoặc là gốc gác nhập cư, hoặc là thành viên IS mới xâm nhập vào châu Âu qua tuyến đường Balkan. Với mục đích trả thù, những phần tử IS muốn răn đe các quốc gia đang tấn công lực lượng này ở Syria và Iraq. Pháp vốn là đồng minh tích cực tham gia các cuộc không kích chống IS nên thủ đô Paris đã được chọn là mục tiêu.
      Mỗi tháng, có hàng trăm người châu Âu gia nhập IS tại Syria và Iraq, và sau đó quay trở về nước. Điều này tạo ra cuộc tranh luận gay gắt tại phương Tây về tư tưởng cực đoan của người Hồi giáo châu Âu trẻ tuổi, sự lây lan toàn cầu của hệ tư tưởng thánh chiến.
      Không chỉ đối mặt với IS, châu Âu đang bế tắc trước một cuộc di cư lớn. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng di cư này là do cuộc nội chiến tại Syria, cũng như tình trạng bất ổn chính trị, kinh tế suy thoái và biến đổi khí hậu ở Trung Đông, Nam Á và châu Phi. Nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng vượt khỏi tầm kiểm soát là do một số lực lượng chính trị và tôn giáo tại Trung Đông muốn đẩy sự hỗn loạn sang châu Âu và Mỹ như một sự trả đũa cho sự can thiệp của phương Tây vào Trung Đông những năm qua.
      Cuộc khủng hoảng di cư khiến các chính phủ và người dân châu Âu lo ngại. Không loại trừ khả năng, chính IS đứng đằng sau nhiều đường dây buôn người, đưa các thành viên trà trộn vào châu Âu. Việc dòng người tị nạn ồ ạt kéo tới đang đe dọa sự ổn định, mang tới nguy cơ phá vỡ Liên minh châu Âu (EU). Nỗi sợ về suy thoái kinh tế, sự lai tạp văn hóa và nguy cơ khủng bố từ dòng người di cư, khiến bất đồng giữa các thành viên EU ngày càng sâu sắc.
      Năm 2015, cuộc chiến trừng phạt kinh tế giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có điểm dừng. Mỹ và châu Âu liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga với cáo buộc Moscow phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột ở Ukraine và gần đây là sự can thiệp của Điện Kremli vào Syria. Những đòn trừng phạt của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga vào tình thế lao đao, thiệt hại khoảng 9% GDP/năm. Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa Moscow và Kiev tiếp diễn khi hai nước có các biện pháp “ăn miếng trả miếng” liên quan tới các thỏa thuận năng lượng, thực phẩm và hàng không.
      Căng thẳng đặc biệt gia tăng khi Nga mở chiến dịch quân sự chống IS tại Syria, khiến phương Tây “băn khoăn” về các tham vọng của Moscow. Điện Kremli tuyên bố, việc Nga can thiệp vào Syria bằng các đợt không kích là nhằm tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức IS. Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự của Nga là riêng rẽ, không phối hợp với liên quân do Mỹ đứng đầu. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng đối đầu giữa Nga và lực lượng liên quân.
                        * TRẦN QUÂN (Theo NBA News và Reuters, 7/2/2016)
MỞ MẶT VỚI ĐỜI
      Bạn tôi mới đi công tác Nhật Bản về. Cả đoàn hứng khởi, vừa vì công việc suôn sẻ vừa vì niềm vui được ngắm cảnh đẹp mùa thu, thức ăn ngon, hiểu cách người Nhật làm việc tận tụy và văn minh. Nhưng bạn cũng mang về một câu chuyện không tự hào cho lắm.
      Một thành viên trong đoàn cứ họp với đối tác xong là lao ra phố mua bán đến tận khi các cửa hàng đóng cửa. Cô mua đủ thứ hàng, từ quần áo đến xe đạp, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc... Nhiều đồ tới mức cô phải mua thêm vali để đựng. Gần ngày về, cô tự hào khoe đã mua được cái này cái kia, coi như đạt dự định đã tính trước chuyến đi công tác. Những người cùng đoàn không khỏi ái ngại, không hiểu chuyến đi của cô thành công vì công tác hay vì những “chiến lợi phẩm” shopping nọ.
      Chuyện người Việt Nam đi nước ngoài ráo riết mua mua bán bán chẳng mới lạ gì. Vài năm trước, một lần tới Berlin (Đức), vì được người quen dặn mua giùm một chiếc đồng hồ hiệu Longines nên tôi đến một trong những khu mua sắm sang trọng nhất ở đây để tìm mua. Người bán hàng vui vẻ nói đủ thứ chuyện, không quên hỏi tôi từ đâu tới. “Tôi từ Việt Nam sang”. Anh ta reo lên: “Tôi gặp nhiều người Việt lắm, họ giàu hơn tôi tưởng. Người Việt Nam và Trung Quốc là khách mua hàng nhiều nhất ở đây”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh khoe: “Có người mua tới bảy cái đồng hồ, chưa có người châu Âu nào dám mua như vậy”. “Thế người Đức không hay dùng đồng hồ của Hãng Longines à?” - tôi thắc mắc. “Không, hầu hết người Đức dùng những loại đồng hồ của Đức, không nổi tiếng toàn thế giới như Longines nhưng rất bền, dùng vài chục năm không hề sai lệch giờ. Giá của nó rẻ hơn nhiều, chỉ bằng một phần ba thôi” - người bán hàng nói.
      Anh có lý giải riêng của mình về chuyện người Việt Nam và Tàu hay mua loại hàng xa xỉ này. “Người châu Á thích danh tiếng. Ở đây, nếu bạn khoe hàng xa xỉ không đúng chỗ, nhất là khi bạn không thuộc giới giải trí, bạn dễ bị đánh giá thấp về đẳng cấp. Nhưng với người châu Á, nhất là những người mà “the first time having money” - lần đầu tiên có tiền - thì thói quen tiêu dùng của họ hoàn toàn khác. Nhu cầu chứng minh mình có tiền rất cao nên họ thường mua những món đắt nhất, không chỉ đồng hồ mà còn là túi xách, quần áo, giày dép. Tôi có hỏi, họ nói đeo những thứ này trên người sẽ khiến người khác ở nước họ phải mở to mắt. Họ cũng mở mày mở mặt”.
      Tôi nghĩ nhiều về câu chuyện đó. Nó có thể lạ lùng với người Đức nhưng có lẽ không xa lạ với nhiều người Việt Nam. Thế nhưng, bạn vẫn có thể bắt gặp một vị ngồi trên xe BMW, quay cửa xe xuống để nhổ nước bọt ra ngoài, một người quát nhân viên phục vụ trong khách sạn 5 sao vì chậm mang nước đá tới để bỏ vào ly rượu vang, một chị đeo túi Hermes nhưng nói tục véo von, một cô váy ngắn “tắm” nước hoa Chanel sực nức làm người đi cùng thang máy muốn tắt thở, một anh móc điện thoại Vertu ra nói oang oang chỗ công cộng, vừa đi vừa xỉa răng... Không biết có ai “sợ hãi” những người “sành điệu xài hàng hiệu” đó hay không. Nhưng khi một món đồ xa xỉ không đi cùng với hành vi và thái độ cao cấp, độ phản chủ của nó còn tăng lên gấp nhiều lần.
                        * HỒNG PHÚC (Đầu tư, 9/2/2014)
LÀM GÌ?
      Theo số liệu báo cáo, tình hình tội phạm thời gian qua tăng, không giảm. Vấn đề tội phạm tăng gắn với các nguyên nhân kinh tế, xã hội chứ không phải chúng ta thiếu các biện pháp kỹ thuật để giám sát. Nếu tỉ lệ thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội vẫn còn cao thì rất khó để giảm tỉ lệ tội phạm một cách hiệu quả. Điều cần nói, công an không phải là thiết chế có thể giảm được tội phạm về mặt xã hội học. Thực tế, khi công an ra quân truy bắt, tội phạm có thể lắng xuống nhưng nếu những nguyên nhân nội tại về kinh tế, xã hội không được giải quyết, khi không còn những đợt trấn áp, tình hình tội phạm trở lại như cũ, không giảm được.
      Muốn giảm tỉ lệ tội phạm cần có những giải pháp vĩ mô. Phải tạo nhiều cơ hội để giới trẻ tiếp cận được việc làm. Nhu cầu sống trong xã hội ngày càng tăng, khi người ta không thể đáp ứng những nhu cầu đó bằng những việc làm hợp pháp, kiếm sống đàng hoàng thì người ta sẽ làm những việc phi pháp. Mặt khác, phải làm sao để giới trẻ thấy những mối lợi thu được từ những hoạt động phi pháp thấp hơn cái giá họ phải trả. Ví dụ như cướp giật, cho vay nặng lãi, cá độ bóng đá một ngày thu về tiền tỉ nhưng khi bắt chỉ phạt hai, ba chục triệu thì rõ ràng không thể răn đe, kéo giảm tội phạm được.
      Quan trọng hơn, phải tạo ra được công bằng xã hội. Nghĩa là tạo cơ hội để người dân tiếp cận an sinh xã hội, điều kiện phát triển kinh tế một cách đồng đều. Sự phát triển kinh tế phải mang lại lợi ích cho đa số. Ở đây, TP.HCM cần nhắm tới việc phân phối lại thu nhập sao cho đồng đều, không phải rơi vào một số nhóm có ưu thế, còn những nhóm khác được rất ít. Sự bất bình đẳng đó cũng sẽ góp phần rất lớn tạo ra tội phạm.
                        * MINH TIẾN (Thế giới 24/5/2914)
ĐỘT QUỊ
      1/ Khi mạch não xảy ra một trong 3 biến cố lớn: vỡ, nghẽn và tắc mạch gây thiếu máu đột ngột một vùng não, làm cơ thể đổ ngã tự do nên gọi là cơn đột quị não (stroke - ĐQ) – ĐQ có thể là hậu quả của nhiều bệnh như đái đường; bệnh mạch vành, giảm HA đột ngột, viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, dị dạng động mạch cảnh... nhưng khoảng 90% ĐQ là do TBMN (tai biến mạch não). ĐQ não có rất nhiều rối loạn: liệt và mất cảm giác nửa người; khó nói hoặc mất nói; khó nuốt, sặc hay mất nuốt; nhìn mờ và nhìn hẹp; mất kiềm chế cảm xúc (dễ mủi lòng, dễ khóc); rối loạn tâm thần: có ngôn ngữ và hành vi không bình thường, quên trầm trọng; đại tiểu tiện không tự chủ hoặc liệt bàng quang nên bí tiểu; bán hôn mê hay hôn mê; biến chứng viêm phổi; loét da và suy dinh dưỡng… Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị TBMN. Mỗi năm thế giới có khoảng 16 triệu ca ĐQ với khoảng 6 triệu người tử vong. WHO xếp bệnh mạch máu não gây tử vong thứ ba sau bệnh tim mạch, ung thư. Lần ĐQ đầu tiên khoảng 1/3 số bệnh nhân có di chứng nhẹ, 1/3 bị tàn phế nặng về thần kinh, tâm thần, vận động và 1/3 tử vong; các cơn ĐQ tái phát nguy cơ tử vong và tàn phế cao hơn. Ở những người ĐQ có thể đã bị một vài cơn thiếu máu não thoáng qua (TMNTQ) với ít nhiều trong các triệu chứng: mù hoặc nhìn mờ; liệt nhẹ nửa người; khó nói; nuốt khó; lảo đảo… Triệu chứng tồn tại trong vòng 24 giờ rồi khỏi, không để lại di chứng. TMNTQ là dấu hiệu cảnh báo ĐQ. Theo Hiêp hội ĐQ Mỹ, khoảng 40% người từng TMNTQ sẽ bị ĐQ.
      2/ Thủ phạm trực tiếp gây ĐQ não do cục máu đông từ nơi khác di chuyển đến não hoặc cục máu đông hình thành trong hệ mạch não, vỡ mạch não và co thắt mạch não... nhưng thủ phạm đích thực tiềm ẩn sâu xa là cao HA, tăng cholesterol máu, xơ mỡ động mạch, là những bệnh âm thầm hình thành qua nhiều năm tháng. Vì tăng HA ở giai đoạn đầu hầu như không có biểu hiện lâm sàng, khi HA quá cao mới thấy đau đầu vùng chẩm, chóng mặt hay đánh trống ngực... Thường sau 35 tuổi bắt đầu có nguy cơ tăng HA nhưng người dân do thấy cơ thể không có gì bất thường, nên không mấy người có ý thức đo HA đều đặn và vẫn vô tư uống rượu. Khi đã cao HA, cholesterol máu cao, xơ mỡ động mạch có rất nhiều “cú hích” xấu như uống rượu, thay đổi nhiệt độ đột ngột, stress, tâm trạng căng thẳng hay mệt mỏi thể chất, tinh thần... Không thiếu những người đã bị cao HA lâu năm, HA tối thiểu lớn hơn 110mmHg - mức HA rất xấu, thậm chí 130mmHg - là cao HA ác tính. Trong khi cả với người cao tuổi, HA tối thiểu được xem là bình thường khi không quá 90mmHg. HA tối thiểu càng cao chứng tỏ độ co giãn của mạch máu càng kém và nguy cơ vỡ mạch não treo lơ lửng càng nhiều! HA cao mà hai số tối đa, tối thiểu càng gần nhau nguy cơ vỡ mạch não càng nhiều.
                        * TRẦN KIÊN (KH – ĐS, 23/9/2012)

CƯỚP BIỂN
      Trong 8 tháng qua, nạn cướp biển lan rộng trong vùng các nước Tây Phi. Mới nhất là vụ tàu chở dầu RBD Anema e Core của Italia cùng với 23 thủy thủ đoàn bị cướp biển tấn công hồi tháng 7 vừa qua tại vùng biển của Benin. Rất may Hải quân Benin đã kịp thời can thiệp... Làn sóng bạo lực gia tăng một phần do ảnh hưởng của cướp biển Somalia và phần khác do sự khám phá thêm nhiều dầu mỏ khổng lồ trong thời gian gần đây ở khu vực.
      Vùng châu thổ Niger lộn xộn không luật pháp của Nigeria là ví dụ điển hình nhất của sự cách biệt ngày càng rộng giữa sự thịnh vượng dầu mỏ và cái nghèo. Do đó xuất hiện nhiều phần tử nổi loạn, hầu hết là ngư dân nghèo. Bạo lực cướp biển nhắm vào mạng lưới tàu chở dầu phương Tây ở Tây Phi được đánh giá là cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Có nơi quân đội còn bắt tay với bọn cướp biển để được chia phần.
      Từ tháng 1/2011, những cuộc tấn công của cướp biển gia tăng tại tuyến vùng vịnh Guinea, hàng hải, chạy dọc theo bờ biển của 12 quốc gia, từ Ghana đến Angola. Có 6 vụ tấn công diễn ra ở ngoài khơi Nigeria và 3 vụ gần bờ biển Ghana. Nhưng theo đánh giá của Cyrus Mody, hãy còn nhiều vụ tấn công không được báo cáo.
      Sự gia tăng đột ngột những vụ cướp biển tấn công tàu chở dầu ở khu vực Tây Phi giáp Đại Tây Dương trong thời gian qua đã làm dấy lên mối lo ngại về sự yếu kém của an ninh hàng hải trong khu vực, có thể tác động nghiêm trọng đến các thị trường dầu khí, kim loại và nông nghiệp trên toàn cầu.
      Mới đây, Hiệp hội nghiên cứu thị trường của Lloyd ở London xếp Nigeria và Benin vào danh sách những khu vực có nguy cơ cướp biển ngang với Somalia, nơi mà cướp biển hoành hành trong suốt nhiều năm qua trước sự bất lực của thế giới.
      Những kẻ cướp biển của vùng châu thổ Niger luôn rình rập tấn công những giàn khoan dầu khí và nhà máy lọc dầu, bắt cóc tàu chở dầu và cả nhân viên làm việc trong ngành dầu khí trong suốt nhiều năm nổ ra xung đột giữa bọn chúng với chính quyền. Bọn cướp biển cho rằng, các công ty dầu mỏ phương Tây đang cướp bóc đất đai tài nguyên của chúng.Có rất nhiều động cơ cướp biển - hoặc là nhằm gây tác động về chính trị, hoặc đòi tiền chuộc. Khu vực dầu mỏ được bọn chúng coi là hấp dẫn nhất bởi vì những cuộc tấn công vào đó sẽ gây ra làn sóng chao đảo khắp cộng đồng thế giới, thu hút sự chú ý của mọi người vào khu vực. Ngoài ra bọn chúng cũng nhận thức được rằng các công ty dầu mỏ có nhiều tiền hơn những công ty tư nhân khác cho nên họ sẵn sàng trả tiền chuộc nhiều hơn”.
      Trong nhiều thập niên qua, hoạt động của các công ty dầu mỏ phương Tây trong khu vực châu thổ Niger bị chống đối quyết liệt từ phía những nhóm hoạt động bảo vệ môi trường.
      Bọn cướp biển ở khu vực Tây Phi xem ra hoạt động dễ dàng hơn so với ở Somalia bởi vì những chiếc tàu chở dầu và nhà máy lọc dầu nuôi dưỡng nền kinh tế của các quốc gia Tây Phi rất khó được bảo vệ và trở thành mục tiêu dễ xơi.
      Công cuộc thăm dò khai thác dầu mỏ vẫn đang tiếp tục, và tương lai tai hoạ cướp biển sẽ lan đến Ghana ở Tây Phi như những gì đã xảy ra ở Nigeria.
                        * THANH PHONG (ANTG, 14/9/2011)
MÊ MUỘI

      Tối ngày 26/1 (29 Tết), khu vực đường Tây Sơn đoạn qua Ngã Tư Sở chật kín người dân tìm đến chùa Phúc Khánh (TP. Hà Nội) làm lễ “dâng sao giải hạn” đầu năm. Trong đám đông có cả người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ... tất cả đều hướng vào chùa chắp tay thành kính cầu khấn tiễn “sao xấu”.

      Theo quan sát của PV, việc có nhiều người tập trung đến dâng sao giải hạn khiến giao thông tại khu vực chùa Phúc Khánh trở nên hỗn loạn. Cơ quan chức năng phải cử lực lượng tới vị trí để điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự.
      Trong khi đó, Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
      Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”.
      Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt.
      Điều khiến nhiều người lo ngại là trong đám đông đến “giải hạn” ở chùa Phúc Khánh tối ngày 15/2, rất đông người trẻ tuổi, vẻ mặt sáng ngời cho thấy có tri thức. Lý giải về điều này, chuyên gia Xã hội học - TS. Nguyễn Huỳnh cho rằng, hiện nay nền kinh tế thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt, họ không còn tin vào năng lực của bản thân mình nữa. Chính vì thế, giới trẻ hôm nay cứ nơm nớp lo sợ “vận hạn” của mình khi khởi đầu cho một năm mới. Họ tìm thầy, tìm đến những nơi linh ứng, bám víu vào một “đấng tối cao” trong tưởng tượng để giải quyết hàng trăm mối lo âu và sợ hãi.
                        * CHI NAM (Phụ nữ mới, 23/2/2011)

GIÚP BẠN SỐNG KHỎE

      Bạn muốn sống khỏe mạnh? Hãy ăn uống cân bằng, vận động tích cực. Lời khuyên này trở thành công thức nhưng chưa đủ. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng siêng bù khú, “tám” chuyện với mọi người, quan hệ bạn bè và gia đình tốt cũng tác động mạnh mẽ lên sức khỏe chúng ta chẳng thua gì chế độ dinh dưỡng và vận động. Chẳng hạn ở nhóm người 57 – 91 tuổi, cảm giác cô đơn sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp vượt xa yếu tố tiểu đường, vốn từ lâu đã được biết đến là dễ làm tăng huyết áp. Hay ở nhóm tuổi 12 – 18, cảm giác cô đơn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm còn mạnh mẽ hơn yếu tố lười vận động. “Khuyến khích mọi người tích cực xây dựng các mối quan hệ xã hội sâu rộng cũng như tăng cường các kỹ năng xã hội, tương tác với người khác cũng quan trọng như khuyến khích họ ăn uống cân bằng và năng vận động” – giáo sư xã hội học Yang Claire Yang của Đại học Bắc Carolina (Mỹ) nhận xét. Bà là tác giả một nghiên cứu mới với các kết luận như kể trên. Nghiên cứu cho rằng những ai cảm thấy vui vẻ trong các mối quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè sẽ hạ thấp nguy cơ bệnh tật. Chẳng hạn nhóm thiếu niên có mối quan hệ tốt đã tự giảm cho bản thân 48% nguy cơ béo phì.
      Báo Washington Post đưa tin các nhà nghiên cứu đã rà soát dữ liệu từ bốn cuộc nghiên cứu lớn trước đó ở Mỹ trên hơn 14.000 người ở nhiều độ tuổi khác nhau, đánh giá các mối quan hệ xã hội của họ cùng với huyết áp, chỉ số cơ thể, số đo vòng eo và hàm lượng CRP (một chỉ số đánh giá tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể). Từ đó các nhà nghiên cứu khuyên mọi người hãy rà soát những mối quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè và nhanh chóng cải thiện các quan hệ chưa ổn vì chính sức khỏe của bản thân.
                        * N.M (Giáo dục – Thời đại, 6/7/2013)
SAU 20 PHÚT
      Lâu nay một số nghiên cứu trên thế giới đã đánh giá về tác động của việc sử dụng thiết bị điện tử liên quan đến cận thị. Mới đây, Hội đồng chuyên gia về nhãn khoa Hoa Kỳ chính thức khẳng định trẻ em dành nhiều thời gian cho các thiết bị nhìn gần như iPad, máy tính, điện thoại, thiết bị chơi game... sẽ dễ mắc chứng cận thị. Các chuyên gia cho biết tỉ lệ người cận thị tại Hoa Kỳ tăng gần gấp đôi trong vòng 50 năm qua, phổ biến hơn ở các khu vực công nghiệp và đô thị so với khu vực nông thôn. Tỉ lệ cận thị ở những người trẻ tuổi tại Trung Quốc hiện tại lên tới 90% so với 10-20% vào 60 năm trước đây.
      Sự kết hợp của việc tập trung nhìn gần trong điều kiện ánh sáng thấp trong nhà đã góp phần làm tăng chứng cận thị ở trẻ. Vì vậy, các chuyên gia khuyên trẻ em sau khi tập trung vào thiết bị điện tử trong khoảng 20 phút nên rời mắt khỏi màn hình và nhìn ra xa ít nhất 2 phút, đồng thời dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời để đôi mắt trẻ tập trung vào vật ở xa, giúp ngăn ngừa cận thị cũng như hưởng nhiều lợi ích khác do hoạt động ngoài trời mang lại cho trẻ. Khi trẻ phải ở trong nhà, nên mở rộng các cánh cửa để tăng cường ánh sáng tự nhiên và giúp trẻ có thể nhìn thấy những vật ở xa. 
                        * TRÀ KIỆU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét