TÊ
GIÁC
Với chiếc sừng ở mũi, da sần sùi và chân
có ba móng, tê giác trông có vẻ như con vật không có thật. Nhưng tê giác đã sống
trên trái đất hơn 30 triệu năm. Tên khoa học của tê giác là Rhinoceros unicornis. Bạn có thể đoán được
từ đâu nó có tên này không? Chữ Rhinoceros có nguồn gốc từ các chữ Hy lạp rhino: mũi và ceros: sừng. Và có lẽ các bạn cũng đã nghe từ unicornis – nó là con vật giống ngựa và chỉ có một sừng rất quí.
Các bạn có biết rằng sừng tê giác không phải
là một sừng thật, nó được tạo nên do sự nhồi lại một cách chắc chắn của các sợi
lông rối. Giống như tất cả các lông khác, lông này mọc từ tầng ngoài của da
(outer layer). Phần này của da chứa nhiều keratin, một protein dai (tough
protein). Điều này có vẻ lạ khi bạn nghĩ da của thân thể ta sao lại thật mịn
màng!
Nhưng thật ngạc nhiên! Keratin ở da có thể
tạo nên các cấu trúc mà chẳng giống da tí nào. Hãy xem lông chim, lông chim được
tạo nên từ keratin. Vảy của con kỳ đà, vuốt con mèo, móng chân con ngựa, lông
con chồn và ngay cả móng tay của bạn cũng giống như vậy. Không giống như sừng
tê giác, sừng nai được tạo bởi chất xương.
Dù tê giác trông có vẻ dữ tợn, chúng chỉ
ăn thực vật. Sừng và bộ da dày giúp chúng tự vệ chống lại các con thú khác.
Bạn có thể tưởng tượng một ngày bình thường
của tê giác như thế nào không? Buổi sáng chúng đi ăn. Gần trưa chúng đi từng
nhóm xuống bãi sình. Nhiều con lăn tròn từ đầu đến chân trong bãi sình. Bùn
sình có lợi cho da giúp tê giác chống lại côn trùng, nắng và thời tiết quá
nóng. Buổi chiều chúng vào nấp dưới những bóng cây trong rừng và tối chúng đi
ăn lần nữa trước khi nghỉ… Trên thế giới có 5 loài tê giác. Ở Phi châu có tê
giác trắng và tê giác đen. Tê giác Sumatra và Java hay tê giác nhỏ hơn có một sừng
sống ở Đông Nam Á.
Cả 5 loài tê giác đều có nguy cơ bị tiệt
chủng. Tại sao? Vì chiếc sừng của chúng. Người ta giết tê giác để lấy sừng. Ở một
số nước Á châu, sừng tê giác là dược phẩm được ưa chuộng. Tê giác đang mất nơi
sinh sống vì con người phá rừng để có thêm đất canh tác.
Một số tổ chức đang hoạt động để cứu tê
giác. Họ đấu tranh để ngăn chận các tay săn tê giác và giúp mọi người biết được
giá trị của tê giác.
Nhiều tê giác được đưa vào các khu bảo tồn
tự nhiên nơi chúng có thể sống an toàn. Các sở thú đang nỗ lực để tê giác có thể
sinh sản.
* Tê giác lớn một sừng có thể nặng hơn 2 tấn.
*
Tê giác là con vật duy nhất trên trái đất có sừng ở mũi (thay vì ở đỉnh đầu)
*
Một con tê giác có thể bị rụng sừng nếu va vào vật gì cứng, nhưng sừng sẽ mọc lại
ngay.
*
Tê giác thích nước, nó bơi tuyệt.
*
Chân của tê giác đặc biệt, có ba ngón được bọc bởi lớp móng cứng. Chân phát triển
sao cho tê giác có thể đi và chạy cân bằng trên đầu các ngón chân.
* Tê giác lớn một sừng dùng môi trên để
ngoạm các chùm cỏ.
VÕ
ĐÌNH SƠN (KHPT.
9/1991)
KHẢO SÁT CĂM GHÉT
Từ khởi đầu tới
đỉnh điểm, một quá trình căm ghét trọn vẹn đi qua bảy bước.
Bước một, những người căm ghét tụ tập lại. Người ta không muốn
ghét một mình, họ thuyết phục, chiêu mộ người khác căm ghét cùng. Có bạn có bè
làm tăng cảm giác về giá trị của bản thân và giúp họ tránh nhìn vào nội tâm để
thấy những bất an của mình. Hội đoàn đem lại cảm giác về sức mạnh, nó che chở,
đem lại sự vô danh và giảm thiểu trách nhiệm bản thân của mỗi người.
Bước hai, nhóm căm ghét tạo lập một bản sắc. Họ dùng các biểu
tượng, nghi lễ và huyền thoại để xây dựng vị thế và hạ thấp người bị ghét. Các
nhóm đầu trọc thích dùng dấu chữ thập, cây thánh giá sắt và đi ủng nhà binh. Họ
dùng những hành vi mang tính nghi lễ như những cái đập tay, động tác chào... để
tăng cảm giác gắn bó trong nhóm. Họ nhấn mạnh rằng mình hi sinh sự dễ chịu
trong cuộc sống để phục vụ mục đích của nhóm, coi mình như những người lính
hiến dâng cuộc sống của mình, qua đó trao cho nó ý nghĩa và giá trị. Căm ghét
là keo dính kết nối các thành viên của nhóm cũng như kết nối họ với mục tiêu
chung.
Ở bước ba, họ giễu cợt, phỉ báng đối tượng,
qua đó củng cố hình ảnh và chỗ đứng của bản thân. Các nhóm đầu trọc dùng các
bài hát và bài văn thù hận để tạo ra một môi trường giúp căm ghét nảy nở. Những
ý nghĩ hung hăng làm người ta dễ hình dung ra các hành vi hung hăng hơn.
Bước bốn khác
ở mức độ lăng nhục và thóa mạ đối tượng. Nếu căm ghét nguội đi, những người
ghét sẽ phải nhìn vào bản thân. Để tránh chuyện này, họ nâng mức độ sỉ nhục và
công kích lên một bậc. Những thanh niên đầu trọc bắt đầu xịt graffiti miệt thị
ở khu dân cư của đối tượng bị ghét, đi ôtô lòng vòng, chửi rủa từ xa.
Ở bước năm,
họ tấn công nhưng không dùng vũ khí. Đây là một bước quan trọng vì nó phân hóa
những kẻ võ mồm và những kẻ xắn tay áo lên dùng bạo lực. Những kẻ đầu trọc trở
nên hung hãn, họ đi tuần trong lãnh thổ của mình để tìm mục tiêu. Hưng phấn,
chất adrenaline tràn đầy trong người, họ đi tìm cảm xúc mạnh. Căm hận tưới tắm
căm hận.
Sang bước sáu,
nhóm căm ghét tấn công bằng vũ khí. Những kẻ đầu trọc thích sử dụng chai lọ vỡ,
gậy bóng chày hay tuôcnơvit để tấn công. Những vũ khí này bắt họ phải tiến sát
vào nạn nhân, mắt đối mắt. Bạo lực liền tay, ở cự ly gần, cho phép họ thể hiện
sự căm hận sâu sắc của mình.
Cuối cùng, ở bước bảy,
đối tượng của căm ghét bị phá hủy. Quyết định được số phận của người khác,
những người căm ghét cảm thấy quyền năng và sức mạnh như Chúa trời, điều này
thúc đẩy họ đi tới những hành vi bạo lực tiếp theo. Cảm giác quyền lực này lấp
đầy sự trống rỗng bên trong họ, cho họ cảm giác về giá trị bản thân.
Ở bốn bước đầu
tiên, người căm ghét thể hiện niềm tin của mình qua ngôn ngữ. Ở ba bước tiếp
theo, người căm ghét hành động.
ĐẶNG
HOÀNG GIANG (Firt Post, 6/10/2015)
Mất
răng toàn bộ hay những bệnh về răng miệng, bệnh về nướu là những bệnh phổ biến
hiện nay ở hầu hết độ tuổi. Số lượng người mất toàn bộ răng trên thế giới, theo
nhiều nguồn tin, lên đến 40 triệu người.
Trước
đây, những trường hợp mất răng toàn bộ, nếu cần làm lại phục hình là làm hàm
giả tháo lắp. Những bệnh nhân mang hàm giả tháo lắp cần có thời gian thích
nghi, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những bất lợi như: hàm lỏng lẻo, nói
ngọng, cảm giác vướng víu trong miệng, sức nhai kém... Hơn nữa, hàm giả chỉ
phục hồi được 60% khả năng ăn nhai, nên bệnh nhân thường có cảm giác ăn không
ngon miệng.
Cấy ghép Implant, khả năng nhai phục hồi 90%
Implant
ra đời đã giải quyết được hầu hết nhược điểm của phương pháp cũ, đem lại cảm
giác dễ chịu cho bệnh nhân vì răng thay thế sẽ được làm đúng theo hình dạng và
kích thước của răng cũ và khả năng ăn nhai được khôi phục đến 90%. Cấy ghép
implant là cấy ghép một thanh titanium
vào trong xương hàm, để thay thế cho chân răng đã mất. Như vậy, bệnh nhân
dù thiếu một hay nhiều răng vẫn có khả năng được khôi phục.
Phương
pháp cấy ghép implant thông thường được hiểu là một implant thay thế một răng. Với những trường hợp mất răng toàn
hàm, Hãng Nobel Biocare (Thụy Điển) đã cho ra đời phương pháp mới, gọi là
“all-on-4”, cho phép đặt bốn implant với hướng thuận lợi vào xương hàm để làm
trụ, nâng đỡ phục hình bên trên. Vùng xương được chọn là những vùng xương tốt,
chưa bị tiêu xương nhiều do đó tỉ lệ yêu cầu ghép xương hay nâng xoang hầu như
sẽ rất ít. Cuối cùng các trụ phục hình được dùng để nâng đỡ cho toàn bộ cầu
răng toàn hàm cố định gồm khoảng 12 răng ở mỗi hàm.
Lưu ý với người lớn tuổi
Cấy
ghép implant có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân bị mất răng toàn bộ, đặc biệt
là người lớn tuổi (50 tuổi trở lên). Tuy nhiên, kiểm tra về sức khỏe cũng được
yêu cầu nghiêm ngặt, đặc biệt với một số bệnh như huyết áp, tiểu đường, tim
mạch. Bác sĩ phẫu thuật sẽ kết hợp với bác sĩ nội khoa để đưa ra kết luận chính
xác tình trạng sức khỏe bệnh nhân có phù
hợp để cấy ghép implant hay không, và cần sử dụng những loại thuốc nào.
Sau
khi cấy ghép implant, bệnh nhân sẽ có ngay hàm
tạm để có thể nhai. Hàm chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn về mặt thẩm mỹ
và nhai nên bệnh nhân cần được ăn những thức
ăn mềm để tránh ảnh hưởng vết thương ở phần cấy ghép. Việc giữ gìn vệ sinh
răng miệng tại thời điểm này cũng cần được chú ý kỹ. Bệnh nhân vệ sinh răng
miệng như thông thường kết hợp việc súc
nước súc miệng và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Implant
có thể thực hiện thành công hơn 95% các trường hợp, tuy nhiên vẫn có thể có một
số biến chứng xảy ra.
TRẦN LÂM (Theo Nature 22/6/2011)
CUỘC BẦU CỬ ĐẶC BIỆT
Như thông lệ, cứ vào đầu mùa đông, Tòa
thánh Vatican lại nhộn nhịp hẳn lên vì sự hiện diện của 107 hồng y giáo chủ từ
khắp nơi trên thế giới về đây dự hội nghị hồng y thường niên. Nhưng cuộc họp
vào tháng 11/2000 vừa qua lại có ý nghĩa quan trọng vì chỉ bàn thảo về vấn đề
ai sẽ là người kế vị cho Đức Giáo hoàng Jean Paul II một khi ông qua đời hay từ
chức. Nhìn chung, đa số hồng y trong Hội đồng đều thống nhất ngầm với đề nghị của
Hồng y Lehmann, vì dưới sức nặng của tuổi tác (80 tuổi), sự hành hạ của bệnh tật
(bệnh Parkinson phát triển khiến nhiều phần trên cơ thể bị tê liệt làm ảnh hưởng
đến việc phát âm), Giáo hoàng đương nhiệm Jean Paul II đang gặp khó khăn trong
việc điều hành hoạt động của Giáo hội.
Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của
Giáo hoàng thì trong vòng bí mật, chân dung của vị giáo hoàng thứ 263 đã được Hội
đồng hồng y phác thảo với những nét chủ yếu như sau: Đó phải là người kế nhiệm
không quá trẻ nhằm tránh cho việc đảm nhiệm quá lâu chức vụ giáo hoàng (Giáo
hoàng đương nhiệm được bầu vào tháng 11/1978 và đã ở cương vị này suốt 22 năm
liền, vì vậy, độ tuổi từ 68 đến 70 là tốt nhất. Cạnh đó, ứng viên phải uyên
bác, có tầm nhìn bao quát, biết nhiều ngoại ngữ; thông thạo luật lệ, có kinh
nghiệm về diễn thuyết trước đám đông v.v…
Từ phác thảo này, guồng máy của Vatican bắt
đầu chuyển động bằng các cuộc vận động, gặp gỡ song phương, đa phương nhằm tìm
ra những gương mặt sáng giá cho chức vụ giáo hoàng tương lai. Do định chế tổ chức
của Hội đồng hồng y, có quá nhiều chênh lệch về số lượng hồng y phân bổ cho từng
khu vực. Trong tổng số 107 hồng y đại diện cho 5 châu có quyền tham gia Hội đồng
hồng y thì châu Âu có 47 đại diện, Châu Mỹ có 32, Châu Á có 13, Châu Phi có 11,
và Châu Đại Dương có 4 đại diện. Vì vậy, các cuộc vận động hành lang được tiến
hành khẩn trương nhằm tạo những liên minh mới trong Hội đồng hồng y. Nhưng nhộn
nhịp nhất là tại nhà hàng “Nước Thánh” nằm sát cạnh Tòa thánh Vatican, nơi các
hồng y thường đến ăn tối sau một ngày dự hội nghị mệt nhọc. Chính các cuộc gặp
gỡ xung quanh bàn ăn, bên cạnh những giáo đồ đồng nghiệp, thông qua những cuộc
bàn thảo bí mật mà danh tánh của 3 ứng cử viên sáng giá cho chức vụ giáo hoàng
thứ 263 của Giáo hội Thiên Chúa giáo đã được thống nhất với nhau. Đó là Hồng y
Moreira Neves, 75 tuổi, người Brasil, đang là đại diện cho giáo hội tại các quốc
gia thuộc Thế giới thứ 3, ông nói được cả tiếng Ý, Tây Ban Nha và Anh. Người thứ
2 là Hồng y Carlo Maria Martini, 74 tuổi, hiện nay ông đang là Tổng giám mục địa
phận Milan của Ý, đã tốt nghiệp khoa Nhân văn xã hội Trường đại học Gregoriana ở
Rome, Hồng y Martini là một con người hướng ngoại. Người thứ 3 là Hồng y
Dionigi Tettamanzi, 67 tuổi, Tổng giám mục địa phận Gênes của Ý vừa mới được
Giáo hoàng Jean Paul II phong chức hồng y.
VĂN
HÒA
(Theo L’Évènement, 28/2/2001)
NHẬT, ĐỘNG ĐẤT 8,9 ĐỘ RICHTER
Trận động đất mạnh 8,9 độ richter đã gây
sóng thần lớn, có nơi cao tới 10m tại bờ biển đông bắc Nhật Bản, cuốn trôi và phá hỏng nhiều nhà cửa xe cộ dọc bờ
biển. Tin ban đầu cho biết có hàng nghìn
người chết và bị thương.
Trận động đất này xảy ra lúc 14 giờ 46
phút giờ địa phương (12 giờ 46 phút giờ VN) ngày 11/3/2011 ở ngoài khơi phía Bắc
thủ đô Tokyo. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết cường độ động mạnh
8,8 độ Richter, Đài truyền hình NHK loan tin là 8,9 độ richter, kéo theo hàng
loạt dư chấn mạnh.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản phát cảnh báo
sóng thần trên toàn khu vực bờ biển Thái Bình Dương của Nhật. Đài Truyền hình
NHK cũng liên tục cảnh báo cho người dân sống dọc bờ biển nên chạy lên những
vùng đất cao hơn.
Tại Hawaii, Trung tâm cảnh báo sóng thần
Thái Bình Dương đã phát cảnh báo sóng thần đến các nước Nga, Nhật, đảo Marcus
và Northern Marianas. Guam, Đài Loan, Philippines, Indonesia và bang Hawaii của
Mỹ.
Các quan chức hiện vẫn đang đánh giá thiệt
hại do động đất – xảy ra ở khu vực cách bờ biển phía đông Nhật Bản 125km, cách
Tokyo 380km, ở độ sâu 10km. Trên truyền hình địa phương, người ta có thể nhìn
thấy dọc bờ biển Nhật Bản cảnh nước dâng, cảnh hàng chục ô tô, thuyền và nhà cửa
bị nước cuốn trôi.
Đài Truyền hình NHK phát cảnh một chiếc
thuyền lớn bị sóng thần cuốn ném thẳng vào một đê chắn sóng ở thành phố
Kesennuma, tỉnh Miyagi.
CNN đưa tin, động đất gây mất điện, ảnh hưởng
đến 4 triệu hộ gia đình ở Tokyo và các khu vực xung quanh.
Trong khi đó tại trung tâm mua sắm của
Tokyo, hàng loạt tòa nhà cao tầng lớn bị rung lắc dữ dội, khiến những người
đang làm việc tại đó xô nhau chạy xuống đường. Ở quận Odaiba, một tòa nhà bị
cháy, khói dày bao trùm cả khu vực.
Tại trung tâm Tokyo, các chuyến tàu hỏa
ngưng hoạt động, hành khách phải chạy dọc đường ray tới các sân ga.
AP cho biết 30 phút sau động đất, nhiều
tòa nhà cao tầng ở Tokyo vẫn còn rung lắc và mạng di động vẫn chưa hoạt động trở
lại. Lực lượng biên phòng Nhật Bản đã thành lập một nhóm đặc nhiệm và các quan
chức đang chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp.
“Trận động đất quá mạnh, tôi e là chúng
tôi sẽ sớm ghi nhận thông tin về thiệt hại”, quan chức Yoseke Oi cho biết.
Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu cuộc họp về
trận động đất. Thủ tướng Kan cam kết chính phủ sẽ làm tất cả để hạn chế tối đa ảnh
hưởng của động đất.
(Theo AP, NHK,
TTO) 12/3/2011
SÀI GÒN CỦA MẸ
Những chiều cuối tuần, tôi đưa
cô thiếu nữ kẹp tóc ngày nào, nay là bà cụ tóc bạc da mồi, ngồi xe lăn dạo quanh
xóm Bàn Cờ... Những vòng xe chở Mẹ, tưởng chừng lăn về quá khứ nhưng rồi vẫn
chơi vơi qua lại giữa thời gian hai chiều. Giờ đây, “từ điển sống” 87 tuổi
của tôi chỉ có thể run run trả lời một hai chữ về tên đường, ngôi nhà, cái
cây, bông hoa, người quen... khi con trai cố gắng chơi trò “đố em” hồn nhiên.
Ôi, căn bệnh Alzheimer cứ như một màn
sương kỳ quặc phủ dần lên ký ức của người già. Thi thoảng, may mắn, trong cái
màn sương lúc dày lúc mỏng đó, Mẹ tôi nhận ra đôi chút hình ảnh thân quen. Thi
thoảng, bất chợt Mẹ hỏi cái gì đây khi thấy những tòa nhà đồ sộ, cao vút
mọc lên ở nơi mươi năm trước còn là dãy phố thấp nhỏ. Một lần mới
đây, tôi đưa Mẹ đi chơi ngang qua bùng binh trước cửa chợ Bến Thành.
Nhìn bùng binh trống lốc, Mẹ thảng thốt hỏi: Ông tướng đưa thư đi đâu
rồi? Tôi thưa với Mẹ nghe nói người ta mang tượng ông Trần Nguyên Hãn
ra công viên Phú Lâm và chỗ này được xây làm cửa lên xuống Metro!
Tôi giải thích thêm Metro là tên gọi xe
điện ngầm, nói đến đây tôi thấy nhói lòng. Mai này, liệu Mẹ có đi
được chuyến Metro đầu tiên? Nhiều lần, tôi còn muốn đưa Mẹ đi xem những
cao ốc chót vót hàng chục tầng, những thương xá lộng lẫy, những cây
cầu và đường cao tốc tân kỳ nhưng Mẹ lắc đầu, bảo tôi cứ đi về nhà. Mẹ
chỉ muốn đi quanh quanh xóm nhà của mình, quanh quanh vùng ký ức cũ. Những cuộc
đi dạo lặng lẽ của Mẹ ở tuổi hoàng hôn làm tôi nhớ đến cuộc đi dạo
đầu tiên của Mẹ ở Sài Gòn. Và rồi, những cuộc đi dạo háo hức mà Mẹ đã
dành cho tôi suốt thời niên thiếu. Và rồi, trong tôi cuốn phim ký ức
năm sáu thập niên sống với Sài Gòn, lúc đậm lúc nhòa, riêng chung,
thăng trầm lại tuôn trào.
Sài Gòn bao giờ cũng mới lạ, nhất
là với người từ phương xa đến lập nghiệp. Trong “anbom” ảnh sơn mài,
Mẹ gìn giữ nhiều năm nay, có một tấm ảnh trắng đen trên nền giấy
lụa, chụp hai cô gái mặc áo dài dạo phố. Hai cô ở tuổi đôi mươi, tươi
tắn, thẹn thùng dưới vành nón lá. Phía sau hai cô là một góc phố
cong cong quen thuộc. Mãi sau này, tôi nhận ra đó chính là quán Givral
và thương xá Eden(1). Cả hai cô đều thanh mảnh trong bộ áo dài
ngoan hiền. Tà áo dài trông mềm mại, phải chăng đó là lụa Vạn Phúc - Hà Đông -
cái chất lụa cứ như nắng vàng mùa thu dịu ngọt, đã làm thi sĩ
Nguyên Sa từ miền Bắc vào nhung nhớ?
Ngày ấy, chắc hai “cô Bắc kỳ nho
nhỏ”, như nhạc sĩ Phạm Duy gọi, đã mắc cỡ trước những cặp mắt rộn rã,
những nụ cười làm quen của các chàng trai “ Sè-goòng” hiếu khách và tinh
nghịch. Đó là cuộc đi dạo Sài Gòn đầu tiên của Mẹ vào cuối năm 1954. Lúc
ấy, cả hai chị em vừa cùng bà Ngoại và cả nhà từ Hà Nội “di cư”
vào Sài Gòn.
Sài Gòn của Mẹ hơn 60 năm trước, đón
chào người mới đến từ bến cảng đông vui, từ con phố Catinat hoa lệ và
hai đại lộ Charner và Bonard thênh thang. Sài Gòn có chợ Bến Thành - to như
một tòa thành, với bốn cửa Đông - Tây - Nam - Bắc độc đáo. Sài Gòn
1954, không chỉ rộng lớn mà còn mới lạ hơn nhiều so với một Hà Nội
nhỏ bé. Sài Gòn không có hồ giữa phố, không có hoa sữa, không có
những cây cổ thụ trầm ngâm trên vỉa hè. Nhưng Sài Gòn lại có con sông
hiền hòa chạy dọc theo phố đông, có những hàng cây cườm thảo rộn rã,
có những con đường dài hun hút dưới bóng cây.
PHÚC
TIẾN
(Thời báo KTSG, 1/2012)
TÌM HIỂU TIỂU ĐƯỜNG
Trong cơ thể người bình thường, lá lách tiết
ra chất insulin để chuyển thẳng năng lượng đường trong máu thành năng lượng.
Nhưng bệnh tiểu đường đã ngăn chặn quá trình chuyển hóa này khiến lượng đường
trong máu bị giữ lại trong các mạch máu gây hiện tượng nghẽn máu, hủy hoại các
mô cơ thể, làm tổn thương mắt, thận, tim, thể hiện qua các chứng bệnh về tim mạch
như đột quỵ, cao huyết áp, sưng thận, mù mắt. Do máu không lưu thông được khiến
nhiều bộ phận của cơ thể xảy ra hiện tượng bị liệt. Thường những người mắc bệnh
tiểu đường chết không phải do căn bệnh này mà do những di chứng của nó gây ra.
Có 2 loại bệnh tiểu đường: tiểu đường loại
1 và tiểu đường loại 2. Bệnh tiểu đường loại 1 phát sinh do lá lách con người
không thể sinh sản ra chất insulin để chuyển hóa đường trong máu. Vì vậy, người
bệnh buộc phải cho truyền insulin vào cơ thể, nếu không sẽ bị các di chứng của
căn bệnh này tàn phá dẫn đến tử vong. Thế nhưng bệnh tiểu đường loại 2 khiến
nhiều người lo ngại hơn vì đây là dịch bệnh thật sự, chiếm 95% các ca bệnh tiểu
đường hiện nay ở Châu Á. Với bệnh tiểu đường loại 2, lá lách không có vấn đề và
vẫn làm nhiệm vụ sản sinh ra insulin song vẫn gây chứng tiểu đường. Theo các
nhà khoa học thì có thể do chất insulin được lá lách sản sinh không đủ theo nhu
cầu của cơ thể hoặc do cơ thể con người không có khả năng hấp thụ chất insulin
cần thiết. Các nhà khoa học tin rằng, từ 10 đến 20 năm nữa, bệnh tiểu đường loại
2 sẽ trở thành dịch bệnh chính nơi những người trẻ tuổi, nhất là trẻ em. Tại Ấn
Độ, hiện nay có nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 khi mới 10 tuổi.
Nhận thức được mối nguy hại của bệnh tiểu
đường, nhất là tiểu đường loại 2 sẽ gây ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ của đất
nước, nhiều quốc gia Châu Á đã đề ra chiến lược phòng chống hiệu quả, điển hình
là Singapore. Chính phủ Singapore đã cho thành lập một ủy ban cấp quốc gia về
phòng chống tiểu đường, đồng thời lập thêm khoa điều trị tiểu đường tại các bệnh
viện. Tại các trường học, học sinh đều được theo dõi chặt chẽ về mặt sức khỏe.
Các em có trọng lượng tăng quá mức đều được đưa vào những lớp học đặc biệt để
theo dõi.
Theo Hiệp hội Quốc tế về tiểu đường thì
căn bệnh này có thể nhận biết qua các triệu chứng sau đây: khát nước và khô miệng
bất thường, đi tiểu liên tục, suy nhược cơ thể nhanh chóng, luôn cảm thấy đói,
giảm trọng lượng bất thường, lâu lành vết thương, vết thương tái phát nhiều lần,
mắt mờ.
VĂN
HÒA
(Theo Asia Time 30/3/2004)
THẮC MẮC
* Dân giàu, nước mới mạnh, nâng được vị thế
quốc gia. Theo ông, người đại biểu nhân dân phải tập trung vào những gì để thúc
đẩy phát triển kinh tế quốc gia?
- Ông Lê Văn Triết (nguyên
Bộ trưởng Bộ Thương mại): Theo
tôi, đại biểu Quốc hội cần đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề chính trong công
cuộc phát triển kinh tế. Thứ nhất, phải thoát ra khỏi sự lệ thuộc kinh tế Trung
Quốc. Việt Nam chắc chắn sẽ không thể phát triển bền vững được nếu lệ thuộc quá
nặng vào Trung Quốc như hiện nay, từ nguyên liệu đầu vào, đầu ra, đến đất nước
đang thành thị trường khổng lồ cho họ. Thứ hai, phải tập trung khai thác đúng
lợi ích từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam sẽ được
hưởng nhiều lợi ích từ TPP, do xuất phát chúng ta còn thấp nên nước ngoài sẽ đổ
vào làm ăn. Quốc hội khóa tới phải sửa đổi luật lệ, xây dựng môi trường kinh tế
minh bạch, đặc biệt là chính sách thuế để mời gọi nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo lợi
ích quốc gia...
* Nhiều ý kiến cho rằng
nền kinh tế chúng ta đang gặp khó khăn có phần quan trọng là do còn chưa xác
quyết rõ ràng kinh tế thị trường, khối quốc doanh không có hiệu quả?
- Ông Lê Văn Triết: Quốc hội phải “để mắt” giám
sát nền kinh tế quốc doanh đang tồn tại quá nhiều vấn đề. Tôi nói thẳng, không
ít đơn vị được Nhà nước nuôi như nuôi ong tay áo, chỉ lo thu lợi cho mình, bất
chấp cái hại quốc dân. Một số doanh nghiệp quốc doanh vốn đã được hưởng nhiều
đặc quyền đặc lợi rồi mà vẫn dám “đe dọa” cả Nhà nước: “Nếu không cho thêm tôi cái
này cái nọ thì tôi sẽ đóng cửa, nghỉ làm”... Để nền kinh tế phát triển được,
chúng ta phải dũng cảm đi theo con đường kinh tế thị trường đích thực, không
mập mờ hai chân, và dứt khoát phải xử lý các vấn đề trầm trọng của khối quốc
doanh.
* Để xây dựng kinh tế, không thể tách rời
khỏi công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình địa chính trị khu vực
và thế giới đang diễn biến phức tạp. Người đại biểu khóa tới cần có thái độ
trước vấn đề này thế nào?
- Ông Lê Văn Triết: Về mặt ngoại giao, chúng ta
nên tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước lớn, giữ thế cân bằng. Quốc hội ủng
hộ đường lối này. Tuy nhiên, người đại biểu cũng hiểu rằng không bao giờ có sự
trung lập tuyệt đối, kể cả những nước nổi tiếng trung lập như Thụy Sĩ vẫn phải
tận dụng mối quan hệ với cường quốc có lợi cho mình. Chúng ta không ngả theo
nước này, lệ thuộc nước này, đối đầu với nước khác. Nhưng tôi tin rằng tuyệt
đại đồng bào mong mỏi chúng ta biết khai thác đối tác hữu ích để giảm thiểu
nguy cơ từ đối trọng đang rình rập làm điều xấu với mình.
- Giáo sư Nguyễn Vân
Nam: Đối với vấn đề hết sức nghiêm
trọng, phức tạp và rất nhạy cảm thuộc về chủ quyền lãnh thổ, tôi mong rằng tình
hình Biển Đông và chủ quyền đất nước sẽ được các đại biểu nhắc đến thường xuyên
tại Quốc hội, mong rằng Quốc hội sẽ có những nghị quyết thích hợp cho mỗi một
biến cố xảy ra trên Biển Đông của chúng ta.
QUỐC
VIỆT
(Tin tức, 5/4/2016)
RỪNG U MINH
Hiện nay, rừng tràm U Minh Hạ có tổng diện
tích gần 57.000ha, trong đó diện tích có rừng gần 40.000ha, trữ lượng hơn 1,4
triệu m3, nằm trên địa bàn ba huyện: U Minh, Thới Bình và Trần Văn
Thời. Rừng sinh trưởng, phát triển trên hai dạng lập địa khác nhau. Rừng trên đất
than bùn (dày 0,3 – 1,5m) có diện tích khoảng 10.000ha là những khu vực vồ cao
ít ngập nước, khả năng gây cháy rất lớn vào mùa khô và khi cháy rất khó chữa.
Diện tích rừng còn lại đứng trên nền đất sét chiếm 30.000ha. Tỉnh Cà Mau giao
diện tích lâm phần rừng tràm cho 10 đơn vị lâm ngư trường, nông trường, hạt kiểm
lâm… trực tiếp quản lý bảo vệ. Theo đó, các đơn vị này giao khoán cho hơn 5.000
hộ gia đình với diện tích gần 30.000ha và hàng trăm đối tác khác liên doanh,
liên kết sản xuất kinh doanh, khôi phục, phát triển rừng.
Những ngày theo chân các đoàn quân canh
phòng chiến đấu với “giặc lửa” trên đất rừng U Minh, chúng tôi mới nhận ra kế
hoạch, phương án PCCR vào mùa khô của Cà Mau còn nhiều bất cập. Đó chỉ là những
giải pháp tạm thời, đối phó với tình thế trước mắt, chưa có tính chiến lược, ổn
định lâu dài. Mùa khô năm nào ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở dân làng rừng sử
dụng lửa tuyệt đối an toàn trong sinh hoạt hàng ngày, Cà Mau còn thành lập ban
phòng chống cháy ở các huyện và cơ sở có rừng tràm, tuần tra, huy động lực lượng
phòng chống cháy tại chỗ với hơn 4.500 người sẵn sàng làm nhiệm vụ; đầu tư hơn
2 tỉ đồng mua mới và sửa chữa hàng chục máy bơm công suất lớn.
… Chỉ trong 10 năm qua (1990 – 2001), diện
tích rừng tràm bị cháy là 20.347ha, trung bình cháy trên 2.000ha/năm. Tuy nhiên
con số này chẳng thấm vào đâu so với trước đó, cụ thể năm 1977 diện tích bị
cháy 21.166ha; 1983 là 28.000ha… Tiếp chuyện với nhiều lão nông nơi đất rừng U
Minh này, họ đặt câu hỏi: “Nếu rừng ở đây cháy lớn như rừng ở Kiên Giang mấy ngày
qua thì sao?”.
Một giải pháp không thể thiếu ở đây là quy
hoạch, bố trí cụm dân cư hợp lý, không để dân sống phân tán rải rác trên lâm phần,
cần ưu tiên quỹ xóa đói giảm nghèo và các nguồn vốn khác cho nhân dân vùng rừng
vay sản xuất phát triển kinh tế gia đình kết hợp với công tác khuyến ngư, khuyến
nông và khuyến lâm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, giảm nghèo.
LÊ
HUY HẢI (Tin Sáng
14/4/2002)
NGUY CƠ
Hiện
nay, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, như khủng
hoảng người tị nạn xuất phát từ tình hình hỗn loạn ở Trung Đông, và vụ va chạm
ở biển Đông. Cả hai vụ này đều lớn, hỗn độn, có vẻ khó kết thúc. Riêng chuyện
giành giật biển, chừng nào Tàu Phù còn cảm thấy có thể làm càn mà không gặp bất
cứ hậu quả nào, chúng sẽ không bao giờ dừng tay.
Một
thành tố chủ chốt trong chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông là bồi đắp đảo nhân
tạo, bao gồm cả những khu vực mà chính Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân gần
đây thừa nhận là “cách xa đất liền Trung Quốc”. Chính vì sự xa xôi này mà Trung
Quốc cảm thấy “cần thiết” phải xây dựng cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo. Và
thực tế là 3 trong 7 hòn đảo mới mọc lên trên Biển Đông có đường băng đủ để
chiến đấu cơ Trung Quốc thách thức những hoạt động bình thường trong khu vực.
Nghiêm
trọng hơn, bằng cách quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đang muốn lẳng lặng
thiết lập trên thực tế một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Hồi năm 2013,
nước này đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ trên biển Hoa Đông, khu vực mà Bắc
Kinh tuyên bố chủ quyền với những đảo mà mình không kiểm soát. Trung Quốc thừa
hiểu là theo luật quốc tế, cái gọi là “quyền lịch sử” không thể đóng vai trò cơ
sở vững chắc cho tuyên bố chủ quyền Biển Đông. Đây cũng là lý do nước này khăng
khăng từ chối mọi sự phân xử pháp lý của tòa án quốc tế. Thay vào đó, Bắc Kinh
đang cố giành được “sự chiếm hữu thật sự” như đã làm với dãy Himalaya và một số
nơi khác. Theo luật quốc tế, đạt được “chiếm hữu thật sự” sẽ nâng cao rõ rệt
tính hợp pháp cho tuyên bố chủ quyền của các nước.
Cần
nhấn mạnh là tham vọng của Trung Hoa không chỉ gói gọn trong phạm vi Biển Đông
mà hướng đến mục tiêu trở thành hạt nhân bá chủ của châu Á. Gần đây, nước này
đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài: một cơ sở hải quân tại
Djibouti nằm ở khu vực Sừng châu Phi đâm thẳng vào Ấn Độ Dương, đồng thời liên
tục xua tàu ngầm vào vùng biển này. Bên cạnh đó, Tàu đang triển khai những kế
hoạch liên kết kinh tế lớn tại khu vực để gia tăng sự hiện diện, từ đó ảnh
hưởng đến địa chính trị châu Á.
Mỹ đã mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước
châu Á – Thái Bình Dương, khuyến khích các bên tham gia tranh chấp khác tăng cường
khả năng phòng thủ, và ủng hộ Ấn, Nhật lẫn Úc đóng vai trò lớn hơn trong an
ninh khu vực.
…
Đến nay, Washington vẫn chưa chính thức trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền
của Bắc Kinh trên Biển Đông hay đích danh yêu cầu bên kia ngừng xây đắp đảo.
Tàu
đã dựng lên những hòn đảo nhân tạo có tổng diện tích hơn 1.200 ha và không có
gì bảo đảm nước này sẽ dừng lại. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ vẫn khăng
khăng là không để vấn đề Biển Đông chiếm lĩnh quan hệ song phương. Hiện rất
nhiều nước nhỏ trong khu vực đang lo ngại, vì họ thừa hiểu rằng ai là người
thua khi hai nước lớn NGÃ GIÁ với nhau.
B. CHELLANEY (Trọng Kha dịch) 12/2015
ĐỘ
CHUA (pH) CỦA ĐẤT
Độ pH của đất thể hiện nồng độ
ion hidro (H+) trong dung dịch đất, là một yếu tố có nhiều biến
thiên. Các đất phèn nhiều chất acid có pH rất thấp (khoảng 3). Các đất kiềm nhiều
chất carbonat, có pH rất cao (khoảng 9). Tại các tỉnh phía Nam, phần lớn đất
đai có độ pH biến thiên từ 4,5 đến 5,5. Đất phèn có pH khác nhau tùy theo mùa:
mùa nắng pH thấp khoảng 3 – 3,5, nhưng qua mùa mưa, chất phèn bị trôi khỏi lớp
đất mặt nên pH có thể tăng lên 4 – 4,5. Vùng khô khan (như Thuận Hải) có độ pH
cao, nhưng vùng có khí hậu ẩm ướt (như Lâm Đồng, Pleiku) các chất baz bị trôi
đi nên pH thấp. Độ pH cũng biến thiên tùy theo loại phân hóa học bón vào đất,
chẳng hạn như bón phân 3A, Nitrat, lưu huỳnh lâu ngày làm đất trở nên acid hơn;
trái lại bón phân Cianamid calci độ pH của đất sẽ tăng dần.
Đất acid có pH thấp thì thiếu
Ca, Mg, Mo, độ hữu dụng của đạm và lân rất thấp; trái lại các chất Fe, Al, Mn sẽ
hòa tan nhiều trong đất – do đó có thể trở thành độc hại cho cây. Đất kiềm độ
pH cao có nhiều Ca, Mg và Mo, độ hữu dụng của chất đạm cao; trái lại có ít Al,
thiếu Fe, Mn, Cu, Zn, Bo và nhất là chất lân. Độ pH gần trung hòa (6 – 7) thì đất
ở trong điều kiện dinh dưỡng tốt nhứt.
Mỗi loại cây có một độ pH
thích hợp riêng. Thí dụ, độ pH tốt nhứt cho Lúa là 5 – 7, Bắp 5,5 – 7,5, Đậu phộng
5,3 – 7,3, Đậu nành 6 – 7, Mía 6 – 8, Thuốc lá 5,5 – 7,5, Chuối 6 – 7,5, Trà 4
– 5,5, Cà phê 4,5 – 7.
PHAN HỮU TRINH (8/1984)
HÃY
THƯƠNG GAN
Chuyên gia bệnh gan mật đã phát hiện ngay
cả đối tượng mình hạc xương mai, người ăn uống tiết độ, người ăn chay trường cũng
bị gan nhiễm mỡ. Lý do rất đơn giản: bất cứ nguyên nhân nào gây rối loạn biến
dưỡng chất béo trong cơ thể khiến chất béo tích lũy trong gan thay vì được tiêu
dùng đều khiến nhu mô gan hóa mỡ!
Một trong những công việc thường ngày của
gan là tổng hợp chất béo nên trong gan bao giờ cũng có chút mỡ. Nếu vì lý do
nào đó tiến trình tổng hợp chất béo bỗng gia tốc như trong bệnh tiểu đường, rối
loạn chức năng tuyến giáp, thận hư… thì chất
béo sẽ tích lũy trong nhu mô gan. Khi đó gan sẽ bị nhiễm mỡ.
Tình
trạng này chỉ gọi là bệnh khi phân nửa số tế bào gan bị tế bào mỡ trám chỗ.
Tình
trạng gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị kịp thời sớm muộn cũng là đòn bẩy của
xơ gan và ung thư gan!
Đáng nói hơn nữa là khi gia chủ tiếp tục
thờ ơ sau khi gan đã tìm cách báo động qua các dấu hiệu như mệt mỏi vô cớ, lúc
nào cũng buồn ngủ, nhất là sau bữa ăn; đầy hơi sau khi thức dậy dù trong đêm
không hề ăn; biếng ăn, dù có cảm giác đói cồn cào nhưng đến giờ ăn mới ăn một
chút bỗng no ngang; sụt cân trong thời gian ngắn dù không có dấu hiệu bệnh lý
nào đi kèm; vòng bụng tăng nhanh; ngứa ngáy ngoài da không thuyên giảm với các
loại thuốc chống dị ứng; dễ bị xuất huyết như chảy máu khi đánh răng, chảy máu
cam khi thay đổi thời tiết, rong kinh ngoài kỳ kinh; vàng da, vàng mắt; giảm
khả năng sinh dục cả về tần suất cũng như cường độ; đãng trí hơn trước, nhất là
khả năng tập trung khi cần học tập; có chế độ dinh dưỡng vừa thất thường, vừa
đơn điệu; phải dùng không dưới bốn loại thuốc đặc hiệu mỗi ngày; đã được phát
hiện bị sỏi túi mật qua siêu âm.
Có một điều chắc là tỷ lệ gan nhiễm mỡ ở
xứ mình sở dĩ cao là bởi tình trạng viêm gan do rượu bia.
Gan
không dễ nhiễm mỡ nếu gia chủ không quên hai chuyện tương đối đơn giản là thỉnh
thoảng cho gan nghỉ ngơi, thay vì bắt gan kéo cày vì ngày nào cũng ướp gan bằng
rượu bia, tẩm gan bằng khói thuốc lá; và bảo vệ tế bào gan bằng cách vận dụng
các cây thuốc trời cho dành cho gan qua tác dụng nhuận gan lợi mật, là các loại
atixô, linh chi, bồ công anh.
LƯƠNG HOÀNG (Thời báo KT Sài Gòn, 9/2011)
TAN BĂNG
Mỹ và Cuba đã chính thức phục hồi quan hệ
ngoại giao cách đây 8 tháng. Phát biểu trước chuyến thăm Cuba, ông Obama nói:
“Ngoại giao, trong đó có việc can đảm lật qua một trang mới về những chính sách
thất bại trong quá khứ, là cách thức chúng ta bắt đầu một chương mới trong việc
giao tiếp với dân chúng Cuba”. Ông Obama đã đặt việc tái thiết lập bang giao
với Cuba trong vị trí là một trong những thành tựu ngoại giao đặc biệt của
chính quyền ông.
Hẳn nhiều người còn nhớ khi được trao giải
Nobel Hòa bình năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng phát biểu trước cử tọa
tại thủ đô Oslo của Na Uy rằng “không một chế độ hà khắc nào có thể bước vào
một con đường mới mà không lựa chọn mở cửa”. Chuyến thăm Cuba quan trọng này
chính là cơ hội để chứng minh lời phát biểu trên khi ông trở thành tổng thống
Mỹ đầu tiên tới thăm Cuba trong gần 90 năm qua kể từ sau chuyến thăm của Tổng
thống Calvin Coolidge.
Chuyến
thăm kéo dài 3 ngày tới La Habana, chính là thành quả lớn nhất sau quyết định
mà ông Obama đưa ra hồi cuối năm 2014: bình thường hóa quan hệ của Mỹ với Cuba
sau hơn 50 năm ngoại giao băng giá.
Mỹ đã nới lỏng các hạn chế về du hành và
thương mại và ông Obama hy vọng sẽ tìm ra thêm những phương cách để giao tiếp
với Cuba và dân chúng nước này. Vật cản lớn nhất hiện nay cho quá trình bình
thường hóa quan hệ giữa hai nước là lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba. Chỉ có quốc
hội Mỹ mới có quyền thông qua lệnh dỡ bỏ cấm vận Cuba. Nhưng đảng Cộng hòa còn
đang chần chừ, muốn sử dụng con bài này để mặc cả chính trị với đảng Dân chủ
của Tổng thống Obama. Chính vì thế, trong chuyến thăm Cuba, ông Obama dẫn theo
một phái đoàn gồm các nhà lập pháp của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa.
William Leogrande, Giáo sư trường Đại học American, nói: “Ông Obama phải chứng
minh là chính sách ấy mang lại kết quả, rằng nó đem lại kết quả trong lĩnh vực
thương mại, rằng nó đem lại kết quả trong lĩnh vực ngoại giao.
MỘC THẠCH – Theo
Yonhap, AP 23/3/2016
CẦU MỸ THUẬN
Chúng tôi có mặt tại bờ bắc cầu Mỹ Thuận
thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang vào lúc 3 giờ 30 phút, chiều ngày 16/12/1999. Đường dẫn lên cầu được ngăn
chặn bằng một
hàng rào.
Đứng dưới dạ cầu mới thấy hết tầm vóc đồ
sộ và kiến trúc hiện đại của “chiếc cầu thế kỷ” vươn qua sông Tiền với chiều
cao thông thuyền (khoảng cách từ mặt nước đến dạ cầu 37,5m. Tổng cộng có đến
60.000m3 bê tông do Công ty Bê-tông 620 thuộc Cienco 6 (Tổng công ty
Xây dựng Công trình Giao thông 6) đổ vào đây qua 11 hạng mục, phần sắt thép có
trọng lượng lên đến 10.000 tấn. Đây là công trình áp dụng kỹ thuật “cầu dây
văng” (cable-stayed bridge) nên phần dây cáp đóng vai trò quan trọng. Công ty
Austress Freyssinet (công ty Úc) đảm trách thi công phần dây cáp và họ đã sử
dụng khoảng 720km cáp chịu lực đủ kích cỡ.
Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thi công
cầu Mỹ Thuận là 3 năm với lễ khởi công được tổ chức vào ngày 6/7/1997. Tiến độ
thi công được chia thành 5 giai đoạn – Tháng 1/1999: hoàn tất phần cọc chính
sâu 95m; tháng 4/1999: phần trụ tháp phía Nam cao 116,5m; tháng 10/1999: mặt
cầu và hệ thống cáp chịu lực phía Nam đồng thời xây dựng phần trụ tháp phía Bắc;
tháng 11/1999: phần đường dẫn hai đầu cầu; tháng 5/2000 hoàn thành phần mặt cầu
và dây văng phía Bắc.
Namco là công ty tư nhân tham gia công
trình Mỹ Thuận ngay từ những ngày đầu khởi công. Giám đốc Namco, anh Hà Kim
Vọng, cho biết công ty anh lãnh thầu một số công việc tuy nhỏ nhưng kéo dài
suốt thời gian thi công. “Lính” Namco điều khiển xà lan, cần cẩu và các phương
tiện chuyên dùng tại cả hai đầu công trình. Công nhân Namco cũng “nhúng tay”
vào phần kết cấu và giăng cáp của Freyssinet. Theo kế hoạch, sau khi Cienco 6
đổ mẻ bê-tông cuối cùng, Namco sẽ lo phần “làm đẹp” cho Mỹ Thuận, kể cả việc
trồng cỏ hai bên đường dẫn và “đánh bóng” những kết cấu bê-tông. Anh Vọng nói
đùa: “Freyssinet và cả Baulderstone đều “chịu” Namco đến độ sẽ gọi “lính” Namco
tham gia các công trình mới nếu họ trúng thầu công trình ngoài Hải Phòng.
Freyssinet còn đề nghị cung cấp công nhân cho một công trình cầu dây văng tại
Malaysia vào năm 2000”.
Quả thật trình độ của công nhân ta đã
chinh phục được lòng tin của các nhà thầu nước ngoài. Cienco 6 trong thời gian
thi công cầu Mỹ Thuận đã nâng cao tay nghề trong công nghệ đúc dầm “Super-T”
dài đến 40m, bình thường tại Úc và các nước châu Âu, châu Mỹ, loại dầm
“Super-T” thường chỉ dài 28m. Bên cạnh đó còn những sáng kiến di chuyển dầm từ
bờ Nam sang bờ Bắc để tiết kiệm chi phí.
Cuối cùng thì giờ “hợp long” cũng đến.
Theo kế hoạch, khoảng 80m3 bê-tông sẽ được đổ trong một thời gian
kéo dài 3 tiếng, từ 10 giờ đêm 16/12/1999 đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Khách
tham dự gồm các quan chức Việt – Úc và cánh nhà báo được chia thành từng đợt 30
người để hạn chế những tác động trên mặt cầu khi bê-tông còn tươi.
NGỌC CHÍNH (Kiến Thức NN, 9/1/2000)
BỨC XẠ CỦA SÓNG ĐIỆN THOẠI
Những nguy cơ từ
sóng điện thoại, WiFi và các thiết bị điện tử viễn thông từ lâu đã là mối lo
lớn với các nhà khoa học. Tiến sĩ Martin Blank, khoa sinh lý và sóng di động
học ở Đại học Columbia, là một trong những người lên tiếng sớm và mạnh mẽ nhất
về nguy cơ này. Ông đã viết một cuốn sách (in năm 2014) về chủ đề đó. “Quá thừa
điện: Những nguy cơ của bức xạ điện từ (EMF) và bạn có thể làm gì”.
Blank cũng là 1
trong số 190 nhà khoa học của 39 nước đã ký “Thư kiến nghị của các nhà khoa học
về EMF” gửi Liên Hiệp Quốc tháng 5-2014. Thư kiến nghị nói, Liên Hiệp Quốc cần
tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế sự tiếp xúc với EMF, tăng nhận
thức của công chúng về những rủi ro với sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang
thai và trẻ em. Nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng bức xạ từ điện thoại
di động có thể gây ung thư và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận điều này vào
năm 2011 dựa trên một nghiên cứu của riêng họ.
“Một chiếc điện thoại di động là một máy phát vi sóng hai chiều -
tiến sĩ Devra Davis, một học giả tên tuổi hàng đầu về chủ đề này, phân tích
- Giới doanh nghiệp đã thành công trong việc sử dụng cụm từ “năng
lượng tần số vô tuyến” thay vì bức xạ vi sóng, vì họ không muốn người tiêu dùng
nhận ra. Cụm từ mơ hồ đó khiến chúng ta nhầm lẫn. Nếu mọi người hiểu rằng họ
đang giữ một thiết bị phát vi sóng hai chiều ở gần não bộ của mình hay các cơ
quan khác trong cơ thể, họ sẽ nghĩ khác”.
Những tác động
tiêu cực lên sức khỏe của việc tiếp xúc liên tục với EMF (bao gồm nhiều chứng
ung thư và bệnh Alzheimer) có thể phải mất nhiều thập niên mới nhận ra được,
nên các thí nghiệm và nghiên cứu sẽ phải được triển khai thêm để củng cố lập
luận của các nhà khoa học nói trên. Vấn đề là khi sự nguy hại đã được xác lập,
với nhiều người có thể đã là quá muộn. Trong khi những con số cụ thể như liệu
20 phút nói chuyện điện thoại mỗi ngày trong 10 năm có gây ung thư không chẳng
hạn còn chưa thể xác lập rõ ràng, có một điều mà các nhà khoa học đã nhất trí:
tất cả bức xạ điện từ đều ảnh hưởng tới sinh vật sống. Nhiều nghiên cứu cho
thấy EMF phá hủy và gây ra đột biến với ADN, được coi là bước đầu gây ung thư.
Một nghiên cứu
khác của Israel thấy rằng những ai sử dụng điện thoại ít nhất 22 giờ mỗi tháng
có 50% khả năng cao hơn bị ung thư tuyến nước bọt. Những ai sống trong khoảng
cách 400m so với một trạm phát sóng điện thoại trong 10 năm cũng có nguy cơ mắc
ung thư cao gấp ba lần những ai sống xa hơn khoảng cách đó. Rủi ro cũng tăng
cao hơn với các bệnh Alzheimer, vô sinh, trầm cảm... Tiếp xúc với EMF không chỉ
ảnh hưởng tới con người mà cả các sinh vật sống nói chung, nhiều nghiên cứu
liên hệ các vụ chim chết hàng loạt và sự hủy diệt các tổ ong mật với việc những
loài này sống ở một vùng quá gần các trạm phát sóng điện thoại.
LOAN PHƯƠNG (theo
Guardian, 20/8/2014)
ĐÔNG ÂU MÙA THU
Bản đồ chính trị Đông Âu bắt đầu thay dổi
từ mùa thu 1989. Sự lắng đọng của những yếu tố thời sự có tính chất nhất thời,
ngẫu nhiên, cũng như diễn biến tiếp theo của tình hình hai năm qua hẳn đã làm
rõ con đường mà các nước nay đang đi, nói theo cách của Tổng thống Tiệp Khắc
Havel, là “trở lại với châu Âu”. Lướt qua những diễn biến và số liệu đã được
báo chí công bố, có thể thấy những đặc điểm chính về chính trị, xã hội và kinh
tế như sau:
Một
là, các nước Đông Âu đều trở lại chế độ đại nghị tư sản, với tổ chức tổng
tuyển cử bầu quốc hội và lập ra các thiết chế chính trị tương tự với các nước
Tây Âu: đa đảng, phi chính trị hóa các cơ quan nhà nước và quân đội, công an. Ở
một số nước dù không ban bố chế độ tổng thống, song vai trò của tổng thống rộng
lớn và có tính chất quyết định hơn, như ở Tiệp Khắc và Ba Lan.
Hai
là, các đảng cộng sản tuy không còn nắm chính quyền và được tổ chức lại
dưới những tên khác nhau, vẫn còn đóng một vai trò nhất định trong cuộc sống
chính trị của đất nước. Đại biểu các tổ chức này trong quốc hội trở thành lực
lượng đối trọng với lực lượng phái hữu và với chính quyền chống cộng. Ở Tiệp
Khắc, họ chiếm trên 13% ghế trong quốc hội.
Ba
là, trong xã hội, xu hướng ly tâm, muốn tách ra thành những nước độc lập
phát triển khá mạnh như ở Tiệp Khắc và đặc biệt ở Nam Tư là nơi các mâu thuẫn
dân tộc bùng lên thành những cuộc xung đột vũ trang ác liệt. Ở một vài nước
khác, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các lực lượng phát xít mới công khai
thách thức luật pháp và dư luận như ở Đức vả Tiệp Khắc. Điều này được nhiều nhà
xã hội học giải thích bằng hiện tượng phản ứng ngược chiều (theo kiểu quả lắc
đồng hồ).
Bốn
là, cuộc cải cách kinh tế bắt đầu dưới chính quyền cộng sản trước đây như ở
Ba Lan từ gần 10 năm, Hunggari hơn 10 năm, Tiệp Khắc cũng hơn 10 năm… đã chuyển
sang một hướng khác. Đó là không chỉ thực hiện cơ chế thị trường mà còn đang
tiến tới xác lập lại quyền tư hữu là chủ yếu, xóa bỏ thành phần kinh tế nhà
nước. Về mặt quan hệ đối ngoại thì chuyển hẳng sang quỹ đạo phương Tây, dù
trước mắt vẫn còn phải duy trì những quan hệ kinh tế với Liên Xô là nước lâu
nay chiếm phần lớn trong kim ngạch ngoại thương của các nước đó.
Năm
là, cuộc khủng hoảng kinh tế với các đặc trưng: sản xuất giảm sút, nạn thất
nghiệp tăng, lạm phát phát triển, tuy không phải trầm trọng nhưng đã làm vỡ
mộng một số tầng lớp nhân dân hy vọng cải thiện được đời sống sau khi chính
quyền cộng sản bị lật đổ. Trong các cuộc điều tra dư luận ở các nước, phần lớn
số người được hỏi ý kiến trả lời rằng họ thất
vọng. Theo tờ Business Week, nếu
chỉ số sản xuất công nghiệp năm 1989 là 100 thì năm 1991 chỉ số đó chỉ còn
khoảng 60 ở Ba Lan, 77 ở Tiệp Khắc và 75 ở Hunggari. Nạn thất nghiệp ở ba nước
đó chiếm từ 7 đến 20% số người trong tuổi lao động.
Khách quan mà nói, trừ những khó khăn còn
rất lớn về vốn, trong hai năm qua các nước Đông Âu đã có những bước tiến trong
việc sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, bộ máy quản lý, liên doanh với các công ty tư
bản nước ngoài. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ chiếm khoảng 20% tổng
sản phẩm quốc dân ở Hunggari năm 1989, năm nay chiếm đến 45% ở Hunggari, Ở Ba
Lan hai con số đó là 22% và 45%, Tiệp Khắc: 0,5% và trên 10%. Ở ba nước đó, số
cơ sở tư nhân mới được thành lập trong hai năm 1990 và 1991 là 250.000, 516.000
và 300.000.
HỮU KHÁNH (Quốc
tế, 6/9/1991)
HỌC THẾ NÀO?
Đã đến lúc đào tạo y khoa phải hòa nhập với thế giới. Nhiều ý kiến cho
rằng đào tạo y khoa ở VN có quá ít thời gian cho thực hành. Nhưng thử hỏi các thầy cô có tích cực
trong việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên hay không, hay chỉ dành một chút
đầu giờ rồi chạy đi phòng mạch? Khi sinh viên thực hành, một bệnh nhân mà mấy
chục sinh viên vây quanh, họ nhìn thấy được cái gì mà học?
Sinh viên y khoa
ở nước ngoài thường được học thực hành trên mô hình giống hệt như người thật,
có phần mềm chấm điểm gắn kèm để sau mỗi kỹ thuật, phần mềm sẽ chấm điểm xem
sinh viên thao tác chuẩn hay chưa. Chỉ khi học xong ĐH và bước vào giai đoạn
đào tạo sau ĐH, họ mới được thăm khám cho bệnh nhân. Ở nước ngoài cũng như ở
VN, bệnh nhân rất ngại để sinh viên thực tập khám cho họ. Nhưng vì sao sinh
viên y ở nước ngoài vẫn sớm làm việc độc lập được hơn sinh viên VN? Đó là do sự
tận tụy truyền dạy của người thầy, và thời gian học y khoa đích thực là để học
chuyên môn. Ở VN thời gian học y khoa là sáu năm, không quá ngắn nhưng sinh
viên lại phải học quá nhiều, trong đó có nhiều môn phụ không cần thiết. Trước
đây mới chấm dứt chiến tranh, đào tạo y khoa ở mình là đào tạo bác sĩ đa khoa,
kiểu bác sĩ tuyến xã, huyện, cái gì cũng biết nhưng không chuyên sâu, chưa chú
trọng đến chuyên khoa. Một vấn đề nữa là môi trường thực hành, ở nước ngoài
trường ĐH y có bệnh viện riêng, nước mình thì trường và bệnh viện lại tách rời.
Trong khi vào trường 300 em thì ra trường cũng xấp xỉ 300 em, chỉ các em bị ốm
đau hoặc chuyển nghề mới không ra trường cùng các bạn, sàng lọc trong thời gian
học hầu như không có. Điều này khác hẳn ở nước ngoài.
Đang có những bất
cập trong đào tạo y khoa ở VN, mà đào tạo ở đây là các trường y công lập và có
truyền thống, còn các trường mới mở, điều kiện giảng viên và tuyển đầu vào sẽ
hạn chế hơn các trường y có truyền thống. Khi đó bên cạnh việc gặp phải những
vấn đề như bác sĩ ở các trường công lập đã gặp, các bác sĩ tương lai ở các
trường mới mở sẽ gặp phải thêm hai vấn đề là năng lực đầu vào và thái độ học
tập. Nghề y gắn bó với tính mạng con người, như ở nước ngoài chuyên khoa nào
càng nguy hiểm, bệnh nhân dễ tai biến thì thời gian học chuyên khoa càng dài,
dài nhất có khi là năm năm, trong khi chuyên khoa học ngắn nhất chỉ hai năm. Tôi
cho rằng không nên mở rộng đào tạo khi chưa đủ những điều kiện về cơ sở thực
hành và giảng dạy.
NGUYÊN TẤN
(Đ.H Y Hà Nội –
28/9/2014)
THỰC PHẨM BIẾN ĐỔI GEN
Thực phẩm biến đổi gen (genetically
modified food – GMF) lấy từ các cơ thể (cây trồng, vật nuôi) có biến đổi về mặt
di truyền. Đây là một hướng quan trọng cùa công nghệ sinh học để có các giống
cây trồng, vật nuôi mang những thuộc tính mới một cách nhanh chóng và bền vững
hơn so với các cách tạo giống trước đây. Sau nhiều thế kỷ dùng các phương pháp
lai giống hoặc gây biến dị để tạo giống mới, tốn nhiều thời gian mà thuộc tính
thu được chưa hẳn đã chắc chắn, hiện nay việc đưa các gen vào cây trồng và vật
nuôi để có những đặc tính mong muốn dang được dùng ngày càng nhiều. Công nghệ
gen đã tạo ra nhiều giống mễ cốc, đậu tương, khoai tây, hạt có dầu… mang gen chống
sâu bệnh, kháng được các thuốc trừ có dại.
Mặc dù GMF còn ít được dùng ở các nước
Liên hiệp châu Âu (EU) vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng lại
được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước đang phát triển như Tàu, Achentina và cả ở
một số nước giàu như Mỹ và Canada. Ước tính hiện nay trên thế giới hơn một nửa
đậu tương và khoảng một phần ba mễ cốc được trồng từ những hạt giống có chuyển
gen chống côn trùng và bệnh cây. Sau đây là một thí dụ về thực phẩm biến đổi
gen:
Giống lúa mới cho hạt gạo vàng (golden
grains) được công bố năm ngoái (Science
13/8/1999) đã đưa lại hy vọng cho những nước dùng gạo làm lương thực chính. Thứ
gạo này đặc biệt giàu vitamin A và sắt là hai chất vi lượng rất cần cho cơ thể
nhưng lại đang thiếu trong khẩu phần của người dân thế giới thứ ba. Tác giả
thành tựu tuyệt với này là Ingo Potrikus làm việc tại Viện Công nghệ liên bang
Thụy Sĩ. Để tạo giống lúa này người ta đã đưa vào bảy gen lạ.
Ngay lập tức, giống lúa này được các nhà
khoa học ở Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đặt tại Manila (Philippin) hoan
nghênh: “Đây là giống lúa đầu tiên được tạo bằng công nghệ gen để tăng giá trị
dinh dưỡng”. Công trình này mang ý nghĩa nhân văn rất cao khi chúng ta nhớ là
hiện nay trên thế giới đang có 400 triệu người bị thiếu vitamin A dẫn đến bệnh
khô mắt, giảm khả năng miễn dịch nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Bình thường hạt gạo hoàn toàn không có
beta-caroten nhưng có chất geranylgeranyl pyrophosphat có thể chuyển thành
beta-caroten trong con đường tổng hợp vitamin A nhờ bốn enzym.
Còn về sắt? Trong bữa ăn thông thường chất
phytate (một chất giống đường) có trong thức ăn đã giữ 95% sắt, làm cho ruột
không hấp thu được. Tác giả đã có sáng kiến đưa vào giống lúa mới một gen lấy từ
nấm, mã hóa việc tạo men phytase (men tiêu phytate). Nhiều enzym bị nhiệt phân
hủy nhưng men phytase có trong hạt gạo này là một biến dị chịu được nhiệt độ
khi nấu cơm.
Người ta tính rằng, với khẩu phần thông
thường (300g gạo/ngày cho người lớn), thứ gạo mới này có thể cung cấp cho cư
dân thế giới thứ ba đủ vitamin A và sắt cần thiết cho cơ thể.
NGỌC DUNG (The Guardian – 27/11/2000)
MOSSAD
Tất cả bắt đầu từ năm 1956, ba năm sau khi
Mossad được thành lập. Giám đốc của nó thời đó, Isser Harel, mật danh “gã tu
sĩ”, đã tặng cho Allan Dulles, người đồng sự bên phía CIA, một bản tài liệu mà
người Mỹ thèm muốn: bản báo cáo tuyệt mật của Khrouchtchev. Kể từ đó, dưới con
mắt của CIA, Mossad thực sự trở thành một đối tác lớn. Constantin Melnik, cố vấn
an ninh của cựu thủ tướng Pháp Michel Debré (giai đoạn 1959 – 1962), cũng không
giấu giếm sự ngưỡng mộ: “Các gián điệp của Mossad tỏ ra hiệu quả một cách đáng
sợ”. Một chiến dịch độc đáo thực hiện vào tháng 5/1960: 20 nhân viên Mossad đã
bắt cóc Adolf Eichman, tên tội phạm phát xít Đức đang trốn tránh ở Buenos Aires
(Achentina) và dẫn độ về Tel-Aviv bằng máy bay của Hãng hàng không El-Al. Vụ bắt
cóc được thực hiện gọn, chính xác đến từng ly…
Những nhiệm vụ chính của Mossad là xây dựng
một nền ngoại giao ngầm (hình thành ngay từ năm lập quốc 1948) với mục đích phá
vỡ sự cô lập của thế giới Ảrập đối với Israel, và bằng mọi giá mở ra những quan
hệ càng rộng với nhiều nước càng tốt.
Mối quan hệ tốt đẹp và tế nhị giữa Mossad
và quốc vương Marôc Hassan II đã dọn đường cho cuộc gặp gỡ tháng 8/1977 giữa
người lãnh đạo Mossad thời đó Itzhak Hoffi và Phó thủ tướng Ai Cập Hassan
al-Tohami, một người thân tín của Tổng thống Anouar el-Sadate. Trong cung điện
mùa hè của quốc vương Marôc đã diễn ra cuộc đối thoại về đề tài: hòa bình và
bang giao giữa Ai Cập và Israel. Cuộc gặp này đã được tiếp nối bằng cuộc gặp giữa
tướng Moshe Dayan của Israel với Tohami, và chuyến thăm Jérusalem của Sadate. Nền
ngoại giao ngầm cũng đã cho phép Mossad giải quyết êm thắm vụ bắt con tin tháng
6/1976 tại Entebbe (Uganda) trên chiếc máy bay Air-bus của hàng không Pháp. Nhờ
mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền nước Kênia láng giềng mà hàng chục nhân
viên Mossad đã đổ bộ đến Nairobi (thủ đô Kênia), một số đã chèo thuyền vượt hồ
Victoria để tiếp cận Entebbe, dọn sân cho một chiến dịch giải cứu thành công:
ngoài trung tá Yonatan Netanyahu (anh của thủ tướng Israel) và một lính Israel
bị chết, toàn bộ 200 con tin không hề hấn gì.
Bộ phận phân tích của Mossad cũng tạo được
sự ngưỡng mộ của các đồng nghiệp phương Tây. Pierre Lacoste, người lãnh đạo cơ
quan tình báo Pháp (giai đoạn 1982 – 1985), nói: “Về mặt lấy tin, họ là bậc thầy.
Nhờ những người Do Thái đến Israel từ khắp thế giới, Mossad có một tiềm năng
tuyển dụng khổng lồ. Những người Do Thái đến từ Nga đã cho cơ quan này nắm nhiều
thông tin về các nước Đông Âu”. Để có thông tin, Mossad không từ bỏ bất cứ kênh
nào dù là các nhân viên tình báo của NATO hay cựu sĩ quan cao cấp SS (Đức quốc
xã) Otto Skorzeny, kẻ đã được cài vào nhóm các nhà khoa học Đức tại Cairo làm
việc cho Bộ quốc phòng Ai Cập trong những năm 1960, trớ trêu thay, lại không
bao giờ biết được rằng mình đang làm việc cho người Do Thái.
Ở Malta tháng 10/1995, Mossad đã thanh
toán Fathi Shakaki, người lãnh đạo tổ chức khủng bố Hồi giáo Jihad. Ở Sip năm
1988, giữa mùa hành hương của người Hồi giáo, trong khi 136 người Palextin kéo
đến cảng Limassol toan lên tàu đi Israel hưởng ứng lời kêu gọi của nhiều nhà
lãnh đạo Palextin, thì chiếc tàu bỗng dưng bị chìm một cách bí ẩn. Trước đó một
hôm, một chiếc Volkswagen đã phát nổ, trong xe có hai viên chức Palextin và người
tổ chức chuyến đi này.
ANH VIỆT (DPA – Tin chiều, 12/8/1983)
TIỂU ĐƯỜNG
Kết quả một nghiên cứu lớn thực hiện trên
gần 4.000 nam và nữ trung niên cho thấy ăn
nhiều rau lá xanh giảm 14% khả năng mắc bệnh tiểu đường. Ăn thêm hai thứ
rau trái vào khẩu phần thông thường mỗi tuần giúp giảm mắc tiểu đường ở người lớn
đến 8%. Đáng lưu ý là ăn nhiều loại rau cải
kết hợp với trái cây sẽ thêm phần hiệu quả. Tuy nhiên, chưa biết nên ăn bao
nhiêu rau trái là đạt yêu cầu.
Vì sao giảm mắc tiểu đường khi ăn nhiều
rau, có lẽ do rau ít năng lượng lại nhiều
chất xơ làm người bệnh không tăng cân.
Hơn nữa, khi ăn cùng với những thực phẩm khác, rau củ là chất đệm làm giảm những
tác động bất lợi của các thực phẩm giàu năng lượng. Rau quả có màu xanh còn có
nhiều hoạt chất sinh học loại phytochemicals như vitamin C và tiền vitamin A.
Do vậy các hiệp hội về dinh dưỡng và về tiểu
đường trên thế giới luôn khuyến khích ăn
rau quả như một chế độ ăn cân bằng, không chỉ chú ý đến lượng mà nên đa dạng
về chủng loại rau quả. Điều này thực
sự mang lại lợi ích dự phòng bệnh tiểu đường.
Ảnh hưởng của chế độ ăn nhiều rau củ không
chỉ dừng lại ở dự phòng bệnh tiểu đường mà còn dự phòng được biến chứng cho người
bị bệnh tiểu đường. Khi ăn nhiều rau củ, người bệnh giảm được huyết áp bên cạnh hiệu quả ổn định đường huyết. Những gốc
oxy có trong trái cây, rau củ và các loại đậu làm huyết áp tâm thu (tức huyết
áp số trên) giảm 30%, 44% và 62% theo mức năng lượng rau củ ăn vào (tính theo
bách phân vị); giảm huyết tâm trương khoảng 40%, 53%, 65% tương ứng.
Trong một nghiên cứu mới đây tại Hoa Kỳ,
chế độ ăn nhiều selenium (khoáng chất
có tác dụng chống oxy hóa) giảm được 24% khả năng mắc bệnh tiểu đường. Từ 1982
– 1987. Ban đầu không ai bị tiểu đường, nhưng năm năm sau có hơn 10% bị tiểu đường
týp 2. Nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đến 24% ở những người có nồng độ selenium móng
tay cao. Mối tương quan này tăng theo tỷ lệ thuận, nồng độ selenium càng cao
thì mức giảm nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu mức selenium ở 50% bách phân vị thì
nguy cơ mắc bệnh tiểu đường giảm. Vì sao selenium góp phần giảm mắc bệnh tiểu
đường, có lẽ do selenium là thành phần chính của men glutathione peroxidase
giúp kiểm soát hiện tượng oxit hóa lipid và màng, ổn định mức oxit hóa tế bào.
Tuy nhiên trên thực tế, giới chuyên môn không đề nghị mọi người bổ sung selenium
vì selenium có trong tự nhiêm dưới nhiều dạng và gây ra các tác động khác nhau
trong khi viên thuốc bổ sung chỉ có duy nhất một dạng selenium. Vùng có nhiều
selenium trong đất thì thực phẩm nuôi trồng ở đây chứa nhiều selenium. Cần ăn uống lành mạnh hơn là dùng viên thuốc
bổ sung selenium. Cá và các loại hạt vốn
rất giàu khoáng chất, giàu selenium. Viện Y học Hoa Kỳ khuyên người lớn nên
ăn 55mg selenium mỗi ngày. 86 gam cá ngừ đóng hộp chứa 68mg
selenium, 1 quả trứng có 15mg
selenium.
Tuy rất hiếm trường hợp ngộ độc do
selenium, nhưng chỉ nên ăn dưới 400mg/ngày để tránh tác dụng phụ.
Ai cũng biết hoạt động thể lực giảm được bệnh tim mạch. Nhưng có lẽ ít
ai biết tác động này còn làm giảm tử vong
do mọi nguyên nhân ở tất cả mọi người, kể cả người bị tiểu đường.
Các bài tập aerobic và tập kháng lực mang
lại hiệu quả cao cho người tập (người khỏe mạnh lẫn người tiểu đường) cao hơn rất
nhiều so với những người không tham gia tập. Người tiểu đường týp 2 nếu tập luyện sẽ giảm đáng kể liều thuốc hạ đường
huyết, cải thiện chỉ số đường huyết, giảm nguy cơ bệnh mạch vành (hẹp mạch máu
tim), cải thiện chỉ số nguy cơ tim mạch trong 10 năm so với người ít vận động.
LÊ TUYẾT
HOA (Thời báo KT
Sài Gòn 7/2012)
NGỦ HAY
KHÔNG NGỦ?
Nếu bạn
cũng giống như những người khác, thì có nghĩa là sau một đêm không ngủ bạn sẽ cảm
thấy mệt mỏi và đầu óc trống rỗng. Vì thế khó mà trả lời cho những ai than phiền
ngủ quá nhiều. Và đó là điều khó chịu đối với khoảng 200.000 người Mỹ, những
người luôn phải khó chịu vì chứng ngủ rũ (narcolepsy). Thường thì họ không gục
trong bữa ăn hay khi nói chuyện, cũng như khi đang xem phim hoặc chương trình
truyền hình vui nhộn. Nhưng họ phải chống chọi với cảm giác uể oải không thể rũ
bỏ – ngay cả sau một đêm ngon giấc.
Nhiều người
bị chứng ngủ rũ thấy giảm bớt sau khi cách nay hai năm khi Cơ quan quản trị thực
phẩm của Mỹ (FDA) cho phép lưu hành một loại thuốc có tên gọi Provigil giúp
tăng cường tỉnh táo suốt ngày. Mặc dù về mặt kỹ thuật là một chất kích thích,
loại thuốc này có vẻ ít tác dụng phụ gây ra bởi chất amphetamine.
Điều này
thúc đẩy Cephalon, công ty kỹ thuật sinh học, bắt tay vào nghiên cứu xác định
rõ tác dụng của viên thuốc này (ngay cả sau đợt trị liệu liên tục về vấn đề hô
hấp, một số người ngưng thở khi ngủ cảm thấy bần thần suốt ngày).
Nhưng trước
khi bạn quyết định sử dụng thuốc Provigil theo chỉ định của thầy thuốc, vẫn còn
có nhiều điều bạn cần biết. Đây không phải loại thuốc bạn dùng để có được sự tỉnh
táo cho bài thi ngày mai hay để lái xe đường dài. Giống như mọi loại dược phẩm
khác, Provigil cũng có tác dụng phụ. Tác dụng trong ngắn hạn là nhức đầu, một số
người cho biết bị nôn mửa. Nó cũng tạo tác dụng ngừa thai ít hiệu quả. Và về lâu
dài không ai biết tác dụng của nó ra sao. Thực vậy, các nhà nghiên cứu vẫn chưa
chắc chắn thuốc này tác động lên não ở cấp độ sinh hóa như thế nào.
Điều mà
các bác sĩ biết chắc là thức trắng đêm thì tác hại xấu đến sức khỏe. Giấc ngủ cần
thiết để cơ thể hồi phục. Điều đó giúp bảo đảm cho những công việc thuần trí
óc, cân bằng cảm xúc và bảo vệ hệ miễn dịch. Bất chấp những báo cáo mới đây thừa
nhận rằng Provigil có thể gây ngủ không cần thiết, ngay cả Cephalon các thử
nghiệm không đi quá xa. Matthew Miller, giám đốc thâm niên trong ngành dược lý,
nhấn mạnh: “Provigil không thay thế giấc
ngủ. Đó là điều cuối cùng tôi thấy nó xảy ra”.
Trong xã
hội, chúng ta có khuynh hướng đánh giá thấp giấc ngủ: thức khuya xem truyền
hình, rồi căng người ra cho công việc 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày một tuần; lại
không tập thể dục và dùng quá nhiều cà phê để giữ cho đầu óc tỉnh táo suốt ngày.
Nếu bạn bị
rối loại giấc ngủ, thì một viên thuốc như Provigil sẽ tạo nên sự khác biệt.
HOÀNG
DŨNG
(Theo Time, 31/1/2002)
Y ĐỨC?
Nhiều sự việc diễn ra liên tiếp trong thời
gian gần đây khiến dư luận phẫn nộ vì sự tha hóa nghiêm trọng của những người
được gọi là “từ mẫu”. Báo chí không ngừng nói về “nỗi xấu hổ của ngành y”, về tình trạng “y đức đã xuống thấp đến tận
đáy”… Ngay sự việc mới
nhất, vụ bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh
Tường phi tang bệnh nhân. Vụ việc gióng lên hồi chuông báo động về
sự buông lỏng trong việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ và kiểm tra tay nghề của các
bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ trên phạm vi cả nước, một trong những nguyên nhân dẫn
đến những ca chết người như vừa xảy ra, và việc truy cứu trách nhiệm của các cá
nhân, ban ngành liên quan... Mức độ chấn động của sự việc có lẽ không thua kém
gì khi xảy ra vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Ða khoa Hoài Ðức hay vụ
tráo thủy tinh thể tại BV Mắt Hà Nội mới
đây. Có khác chăng lần này thứ trưởng Bộ Y tế thay mặt ngành y xin lỗi nhân
dân, bộ trưởng Bộ Y tế than thở “tôi đau đớn, xót xa” v.v... Nhưng có một điều chắc chắn,
đây sẽ chưa phải là vụ việc kinh hoàng cuối cùng của ngành y Việt Nam.
Trước những bê bối
y tế đang bày ra trước mắt, không ai có thể chối bỏ được tình trạng tha hóa
nghiêm trọng của giới thầy thuốc. Chưa cần nói về vấn đề chuyên môn mà mới chỉ
đề cập đến cách ứng xử của người bác sĩ, cách giải quyết vấn đề của ngành y tế
đã khiến dư luận bất bình, phản ứng và phản kháng dữ dội. Rõ ràng, niềm tin của
người dân vào những “từ mẫu” khoác áo blu trắng đang bị khủng hoảng trầm trọng.
Rồi sau đó có gì
thay đổi không? Không. Chữa bệnh cứu người là nghề cao quý trong những nghề cao
quý nhất. Tuy nhiên, đó cũng là nghề rất gần với sự “sát nhân” nếu không có y
đức dẫn đường. Danh y Lê Hữu Trác, tấm gương sáng về y đức đã từng
dạy: “Thiện
tâm cốt ở cứu người/ Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu/ Biết vui nghèo cũng hơn
giàu/ Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Lương y như từ mẫu”, thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ
hiền. Trong thực tế, hằng ngày, hằng giờ, đa số thầy thuốc đã tận tâm với nghề,
đem kiến thức phục vụ bệnh nhân, cứu sống bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần. Có
được điều đó là do họ đã tự tôi rèn y đức, y thuật nghiêm khắc. Họ đã giúp dư
luận hiểu được cái thiện vốn dĩ là bản chất, là mục đích cao cả của người thầy
thuốc.
Trở lại sự việc hy
hữu ở cơ sở thẩm mỹ Cát Tường, chúng
ta thấy, ranh giới giữa y đức và tội ác mong manh hơn bao giờ hết. Trong xã hội
phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao. Làm đẹp cũng là một nhu cầu,
nhưng không thể cứ có tiền và mong muốn được làm đẹp là đến cơ sở y tế thực
hiện mà không tính đến những yếu tố khác quan trọng hơn. Người Việt ta vốn tình
cảm và coi trọng sự tiện lợi mà ít nghĩ đến hậu quả xa hơn. Phải chăng, chính
tâm lý tiện lợi đã vô tình gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý và cuộc sống của
mỗi người. Rõ ràng, khi thương mại hóa xâm nhập quá sâu vào ngành y mà chưa có
biện pháp quản lý hiệu quả thì hậu quả mang đến sẽ rất lớn.
KHÁNH AN (Nhà báo và Công luận, 1/11/2013)
VÔ SINH NAM
Đàn ông vô sinh
không lâu nữa có thể sở hữu con sinh học của chính mình nhờ vào một phương pháp
mới giúp tạo tinh trùng từ tế bào da.
Các nhà khoa học
đã tạo ra tinh trùng chuột có thể sử dụng được trên đĩa thí nghiệm nhờ vào
phương pháp trên. Và các tế bào tinh trùng sản sinh trong quá trình này đã thụ
tinh thành công trứng chuột bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF), dẫn đến
kết quả lứa sau chào đời vẫn đầy đủ chức năng sinh sản giống như chuột con
tượng hình thông qua phương pháp thụ thai tự nhiên. Giới chuyên gia cho rằng
đây là một cuộc nghiên cứu thuyết phục nhất từ trước đến nay ủng hộ ý tưởng
dùng tế bào phôi gốc từ tế bào da ở một người đàn ông để tạo ra tinh trùng cho
liệu pháp điều trị vô sinh.
Trước
đây, việc tạo ra tế bào tinh trùng trong ống nghiệm gặp nhiều khó khăn, vì
giống như trường hợp trứng, chúng buộc phải trải qua một quá trình hai bước rất
phức tạp của quá trình phân bào gọi là phân bào giảm nhiễm. Đây là quá trình 46
nhiễm sắc thể ở người, hoặc 40 ở chuột, giảm còn 23 nhiễm sắc thể ở người, hoặc
20 ở chuột.
Đội
ngũ chuyên gia Nam Kinh đã làm được điều này bằng cách tái tạo môi trường tự
nhiên của cơ thể, thời điểm cần tạo ra tinh trùng, bằng cách nuôi kết hợp các
tế bào chiết xuất từ tế bào gốc phôi chuột với một tế bào từ tinh hoàn chuột.
Với cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu có thể chuyển đổi tế bào gọi là tế
bào mầm sinh dục thành tế bào tinh chưa trưởng thành, từ đó tiêm thẳng vào
trứng chưa thụ tinh để tạo ra phôi IVF trước khi cấy ngược vào tử cung chuột
mẹ. Phương pháp này có thể tạo ra tinh trùng cho các trường hợp thụ tinh trong
ống nghiệm.
Đây
là cuộc nghiên cứu hết sức ấn tượng, hứa hẹn có thể tạo ra lợi ích thiết thực
cho đàn ông vô sinh trong tương lai. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn trong quá
trình sinh sản là điểm mấu chốt khi liệu pháp mới được áp dụng cho số đông.
TỤ
YÊN
(The Lancet 3/10/2014)
KHÔNG
DỄ
Nhiều người cố gắng nói không với bia rượu, có người ăn chay nhiều ngày trong tháng, nhưng acid uric vẫn tăng trong máu,
nguyên nhân là không uống tối thiểu 2 lít
nước trong giờ làm việc, cho dù không phải dang nắng, cho dù ngồi suốt ngày trong phòng máy lạnh, khiến không chỉ acid
uric mà nhiều phế phẩm khác có cơ hội tích tiểu thành đa trong máu; nhịn tiểu trong giờ làm việc nên acid
uric thay vì ra ngoài lại kết tủa thành
sỏi; tuy cữ thịt mỡ nhưng vô tình thu nhập quá nhiều món ăn làm tăng acid uric không kém bia bọt như cá mòi, cá nục, rau dền, canh chua bạc hà...;
nhiều người còn thường xuyên dùng các
loại thuốc thông thường như sinh tố C, thuốc cảm, thuốc giảm đau mà không ngờ
các loại thuốc này giúp kết tủa acid uric
trong khớp, dưới da cũng như trên đường tiết niệu.
Nhiều doanh nhân thắc mắc không hiểu tại
sao lại tăng mỡ trong máu vì họ không
hề lạm dụng thịt mỡ, cũng không béo phì. Có người ngày nào cũng tập thể dục thể thao. Đáng tiếc vì triglyceride, chất
mỡ chiếm ưu thế, là do cơ thể tự tổng hợp
từ phản ứng sai lệch. Tình trạng này rất dễ xảy ra nếu gia chủ ngồi liên tục quá nhiều giờ trước máy vi
tính. Đừng quên thầy thuốc đã chứng
minh việc ngồi hai giờ liên tục trước màn hình nhấp nháy làm tăng lượng mỡ trong máu nhiều hơn bữa ăn đậm đà rượu thịt!; gia
chủ giận dữ nhiều lần trong ngày, vì
rối loạn nội tiết tố trong cơn tam bành là một trong những lý do khiến lá gan trật chìa trong công việc biến
dưỡng chất béo; gia chủ có bữa ăn trưa
quá căng thẳng, quá nhanh vì, cũng theo kết quả nghiên cứu, triglyceride
bội tăng thấy rõ ở người ăn trưa nhanh hơn ăn... cướp!; gia chủ ăn vặt nhiều
lần trong ngày với món ngọt vì chất đường trấn an hệ thần kinh trong cảnh dầu
sôi lửa bỏng mà không ngờ chất ngọt quá thừa bao giờ cũng kéo theo rối loạn
biến dưỡng chất béo.
Nếu tưởng vì đối tượng bất ngờ có lượng
đường trong máu tăng mạnh là do trước đó ăn quá ngọt thì sai. Không ăn ngọt lượng
đường trong máu vẫn tăng như thường
nếu nạn nhân ngày đêm đồng hành với
stress, nghĩa là ngay cả trong giấc ngủ, khiến nội tiết tố corticosteroid
của tuyến thượng thận đẩy đường huyết lên cao do tuyến này làm việc ngoài giờ
dù không ai yêu cầu; gia chủ ngủ không đủ,
nhất là thiếu giấc ngủ trưa. Đừng
quên là đường huyết, dù không ăn gì suốt đêm, vẫn tăng vào buổi sáng nếu gia chủ suốt đêm trăn trở vì hối suất, thuế má, doanh thu...; lạm dụng các
loại thuốc tăng lực để đủ sức ra sân
mỗi ngày hơn chục tiếng đồng hồ mà không ngờ cái giá sau đó phải trả rất đắt là
bệnh tiểu đường; hoặc những người đã
có bệnh nội tiết, như bệnh tuyến giáp, bệnh gan, bệnh đường ruột nhưng chưa
được phát hiện, hay tuy đã biết bệnh từ lâu nhưng không chịu chữa chạy cho đúng
bài bản.
Thời buổi này làm gì có chuyện sống sao
cho hoàn hảo, sống sao để khỏi gặp thầy
thuốc. Đáng nói chỉ ở điểm: làm sao
để lỗ nhỏ đừng đắm thuyền?
LƯƠNG
HOÀNG (Thời báo KT Sài Gòn 20/8/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét