Trong
gian phòng chật hẹp có bốn bàn thờ, ba trang thờ. Thầy Mười Chắc đốt nhang đem
cắm lên tất cả các nơi đó, rồi rót rượu khắp lượt, mỗi chỗ một ly nhỏ. Thầy
đứng giữa nhà, chắp tay, nhắm mắt, khấn vái ê a như hát dân ca. Làm xong các
nghi thức ấy, thầy Mười đến ngồi đối diện Hiền và Linh, rót trà uống liền ba
ly, không mời khách. Nhìn dáng điệu, cung cách hành lễ của thầy Mười, Linh thấy
ngồ ngộ, buồn cười, nhưng Hiền theo dõi rất chăm chú, thành kính… Mở đầu, thầy
hỏi tuổi của vợ chồng Hiền và thằng Khanh – con chị – hỏi kỹ về Khanh, nó
thường giao du với ai, trước khi đi có bộc lộ hành động gì lạ không. Hiền trả
lời rành mạch. Thầy Mười mở quyển sách chữ Hán, lật giở tìm tòi một lúc lâu.
Cuốn sách cũ mèm, đen xỉn, nhiều trang rách.
Thầy
Mười Chắc là người biết chữ Hán duy nhất còn sống trong xã. Trước đây thầy
chuyên coi chọn ngày tốt cho việc xuất hành, cưới gả, ma chay, xây cất. Dân
trong vùng và các xã lân cận ít nhiều ai cũng tới gặp thầy vài lần, bởi không
ai tránh khỏi các chuyện hệ trọng và cần thiết đó. Hai năm gần đây thầy Mười
nhảy sang lãnh vực chữa bệnh, bói toán, trừ tà, bằng cây lá và bùa chú. Chẳng
ai biết thầy học pháp thuật và cách trị bệnh ở đâu, nhưng khách đến am đều đặn,
và danh thầy Mười Phước Tường cũng bay đi khá xa. Chức sắc địa phương không can
thiệp vào vụ này, do thầy chỉ chữa các bệnh nhỏ, và không đòi tiền công. Con
bệnh trả thù lao tuỳ tâm, bằng gà vịt, bánh trái, nếu muốn gọn chỉ cần đặt lễ
vài ba chục ngàn, rất khỏe và tiện lợi.
Theo
lời người quen chỉ vẽ, Hiền mang đến đây một giỏ bánh ngon, một bó nhang thơm.
Chị không rành trong việc này. Xưa giờ chị chưa hề đi coi bói, càng không để ý
đến chuyện am miếu. Chị xếp các thứ này vào loại dị đoan, lạc hậu, mê muội.
Nhưng cách đây tám hôm, con chị – thằng Khanh – đứa con trai độc nhất, bỏ nhà
đi hoang, quan điểm chị đổi khác… Đột ngột, nó từ bỏ cha mẹ anh em, nhà cửa,
sách vở. Tại sao nó đi, đi với ai? Phát – chồng Hiền – chạy đến các nơi quen
biết, xa mấy cũng đến, để tìm. Trình báo với công an. Nhang đèn van vái sáng
nhà, cầu cho thằng nhỏ hồi tâm quay về. Mười tám, trên lý thuyết, là tuổi thành
niên, nhưng Khanh chưa ra dáng người lớn. Nó chẳng biết một nghề nào, ngốc
nghếch, dại dột. Tám triệu bạc, một mớ quần áo, nó sống được bao lâu?… Lúc nghe
Hiền rủ đi Phước Tường coi bói, Linh ngạc nhiên. Ban đầu Linh định châm vài câu
trêu chọc nhưng nhìn nét mặt ủ dột của chị, Linh không dám. Lạ đấy, nhưng đi
thì đi, xem cho biết am đền đồng bóng nó thế nào! Thầy Mười ở Phước Tường, có tiếng
lắm, ngay cả những người không bệnh hoạn mất mát gì cũng nghe danh thầy.
Thầy
Mười Chắc khoảng ngoài sáu mươi, gầy nhom. Trông thầy hiền, lờ đờ, như ông lái
heo “về hưu”, chẳng giống tướng thầy bà. Nếu bây giờ thầy cầm ngược cuốn sách
đọc, Linh cũng không thấy lạ!… Tra cứu trong sách xong, thầy hỏi, nhỏ nhẹ:
“Đệ
tử có quen ai ở Sài Gòn không?”.
“Dạ,
có”. Hiền đáp.
“Sa
Đéc, Cần Thơ?”.
“Dạ,
không”.
“Đó
là hướng nam. Thằng nhỏ này đi về nam… Tuổi nó năm nay xấu, nhất là từ tháng
sáu đến tháng tám”. Hiền dạ, cung kính.
“Nó
đi với một gã trai, cao lớn, đen đúa”.
Hiền
hỏi lại:
“Một
người đàn ông, đen… không lẽ nó bị bắt cóc?”.
Thầy
Mười nhìn ra sân, đăm chiêu. Nhiều loại nhang khác nhau cùng cháy một lúc tỏa
ra một thứ mùi gây gây, nửa thơm nửa khét.
“Đệ
tử chớ lo lắng quá, bọn trẻ đi rong là chuyện thường… Đến cuối năm, tháng mười
một tháng chạp, sự việc sẽ xoay chuyển qua phía khác, thuận hơn, tốt hơn, chừng
đó ta sẽ biết tin”.
Hiền
hốt hoảng:
“Phải
đến tháng chạp mới biết sao thầy?”.
Linh
không ngờ lo âu có thể khiến người ta phờ phạc như thế, nhìn vẻ mặt Hiền lúc
này thật đáng thương.
Một
bà thấp người, hồng hào – là vợ thầy Mười – từ nhà dưới lên, chắp tay thưa:
“Con
mướp nằm thẳng cẳng, mắt trợn ngược, dường như nó sắp chết, thầy xuống coi
giùm”.
Thầy
gắt: “Ta bận, mèo với chuột, cứ để đấy!”.
Bà
vợ không chịu: “Phải cho nó uống thuốc giải… nó chết mất… tại thầy cả”.
Thầy
Mười nạt: “Sao lại tại ta, con nữ này hỗn!”.
Bà
vợ thụt lùi, đi xuống, nhưng vẫn buông thêm một câu: “Con mèo yếu… đã nói là
đừng bắt nó ăn”.
Chờ
cho chuyện mèo lắng lại vài phút, thầy Mười nói:
“Trước
tiên, đệ tử hãy đến tìm ở các nhà quen, hướng Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Nóng
ruột thì tìm, nhưng ta thấy sớm lắm cũng phải cuối năm nó mới về”.
Hiền
nói như than:
“Ông
xã con đã đi Đà Lạt, Phan Rang, Qui Nhơn, Pleiku… Còn non sáu tháng nữa, lâu
quá, chúng con điên mất!”.
Thầy
gật gù: “Ai cũng thương con… Có điều chắc chắn, ta bảo đảm, nó mạnh lành khỏe
khoắn, chẳng sứt mẻ gì”.
“Tạ
ơn thầy!”. Hiền vái ba cái: “Đó chính là thứ con ước muốn… mong cho nó bình
an”.
Bỗng
nhiên, từ nhà bên cạnh phát ra tiếng máy hát, lớn hết cỡ, như sấm động. Những
lời tình tự yêu đương, anh em nhão nhoẹt. Thôn xóm chật hẹp, đông đúc, chơi tự
do thoải mái kiểu này thì một người hò hét cả trăm người phải nghe. Thầy Mười
có vẻ khổ sở.
“Thằng
này xấc láo, chẳng nể ai, đã kiểm điểm cả chục lần, như nước đổ lá môn… Nó
thường gọi ta là lão lang băm. Rồi mọi người sẽ thấy, nó là thằng chết tiệt, vô
hậu, càng về già càng lụn bại”.
Thầy
đến bàn thờ giữa, nhấc lư hương lên lấy ra một tờ giấy vàng. Đó là lá bùa, dài
chừng hai gang tay, viết đầy những hàng chữ đen ngoằn ngoèo. Thầy bảo:
“Đệ
tử dán bùa này lên cửa phòng, hay đầu giường thằng nam”. Và dặn: “Từ nay, vào
các ngày mùng một, rằm, đệ tử nhớ cúng thường xuyên. Không cần nhiều lễ vật,
chỉ chè xôi hoa quả… Tối nào cũng lên đèn cầu nguyện thánh thần trời đất ở
trước sân”.
“Dạ,
con hiểu, nhưng khấn thế nào ạ?”.
Thầy
lừ mắt nhìn chị, như quở trách, chuyện dễ vậy cũng hỏi.
“Cầu
xin các bác các đẳng âm hồn cô hồn, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, kẻ chết
sông chết suối người chết bụi chết bờ… điều lành đem tới điều dữ tống đi, phù
hộ cho phước đức gia đình phát vượng, để vượt qua mấy tháng hung hạn u trệ… Các
bác các đẳng là những vị qua đời nhằm giờ thiêng, không người cúng giỗ, linh
lắm… các vị sẽ mở mắt thằng nam, dẫn dắt nó quay về”.
“Dạ,
con nhớ rồi”. Hiền thấy trong dáng điệu của thầy nét chững chạc, trong giọng
nói có sự đáng tin cậy, trong ánh mắt có vẻ thân thiện. Điều gì làm chị thấy như
thế? Có lẽ xuất phát từ lòng thương con!
Thầy
Mười đến trước các nơi thờ, vái thật sâu, mỗi chỗ ba vái, xong lễ. Thầy khoe:
“Cách
đây hơn tháng có một ông ở Tân Quí, mãi trong Tân Phú, tới nhờ tìm bà vợ đi
hoang. Ông ấy đoán bà ta trốn nợ, ta bảo theo trai. Xác thực là thế. Trốn nợ
không phũ phàng bằng theo trai!… Trước đó ít lâu, một ông chủ nhiệm ở Quận 3
đến hỏi về chuyện mất của. Ông ta mất hộp nữ trang. Ta nói, con trong nhà lấy,
ông ấy không tin, nghi cho con bé giúp việc. Ta dám đem cái thủ cấp già này ra
đặt cược… Về sau, quả đúng như ta thấy, một quý tử của ông ta lấy trộm, đương
sự phục quá”.
Linh
ngắm kỹ thầy, mong tìm thấy ở ông già khô đét này những dấu hiệu khác người
thường… Thời buổi văn minh, đã qua thế kỷ 21 khá lâu, sao vẫn còn các hình thức
sinh hoạt mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học? Các thầy loại này giỏi thật không, có
trị được bệnh cứu người không? Nếu có, kết quả ở mức nào? Nếu không, tại sao
người ta vẫn tìm đến nhờ giúp đỡ. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ “lưng chừng – nửa tối
nửa sáng”, điểm giáp ranh giữa hư và thực… Có bệnh thì vái tứ phương. Con
người, dù đã khôn ngoan, giỏi hơn xưa, nhưng vẫn còn các nhược điểm lớn, vẫn bị
bệnh tật, tai họa bất ngờ và chết chóc đe dọa, đeo bám bên lưng. Bước vào khu
vực này thì khoa học chưa thể hoặc không thể giải quyết được gọn gàng.
Hiền
đặt lễ một phong bì khá dày. Thầy Mười cầm, rút lấy hai tờ giấy bạc.
“Ta
nhận tiền nhang đèn, chừng này thôi… làm phước giúp bá tánh… À quên, thằng nam
có bạn gái chưa?”.
“Dạ,
chưa đâu ạ, cháu còn dại… nó ham học lắm”.
“Người
lớn tuổi hay lụy vì tiền, thanh niên thì khổ do sắc… Đệ tử yên tâm, nó sẽ về,
tự quay về”.
“Dạ,
con mong ngày mong đêm”.
“Đệ
tử gan dạ lắm, gặp cảnh ngộ này nhiều bà khóc mùi, bỏ ăn”.
*
Trên
đường về, Linh hỏi Hiền:
“Chị
đoán thử Khanh đi đâu, tại sao nó đi”.
“Chị
đã nghĩ nát nước, chịu”.
“Nếu
nó lớn hơn tí nữa, ta có thể nghi nó theo người yêu… Thầy Mười lấy lễ bao
nhiêu?”.
“Bốn
chục ngàn”.
“Ở
nông thôn số tiền ấy rất đáng kể… mỗi ngày tiếp ba khách là ấm… Đi cấy, trên
nắng dưới bùn, còng lưng, ngày công chỉ hai mươi ngàn”.
“Không
tính như vậy, em ạ… Thu nhập hàng tháng của ca sĩ nổi tiếng có thể lên tới hai,
ba trăm triệu. Nhiều cầu thủ bóng đá lãnh lương bảy, tám chục ngàn bảng Anh mỗi
tuần… Có những loại công việc giá trị rất riêng, không thể đo lường bằng cân ký
chợ búa”.
Linh
vẫn đưa ra những nhận xét làm Hiền không vừa lòng:
“Ông
ấy lớn tiếng quảng cáo, tự khen mình, miệng lưỡi ngọt xớt… Khó biết chỗ nào
thầy thấy được nhờ con mắt thứ ba, điểm nào nói mò”.
“Không
dễ đánh giá, nó như tín ngưỡng, tín đồ phải tin vô điều kiện… Linh cũng biết,
xưa nay chị đâu có ưa thích chuyện phù phép viễn vông hoang đường… Chẳng có gì
rõ ràng cả, nhưng nghe thầy Mười nói chị cảm thấy một cái gì đó chắc chắn,
khiến mình vững bụng… Gần nửa năm nữa, hơi lâu, nhưng dù sao nó về là tốt… ôi,
con với cái!”.
Vững
bụng? Có lẽ trong lúc bối rối, lo sợ, đây như chiếc phao để chị bấu víu, dù có
thể là phao ảo.
“Thầy
Mười đáo để, sắc nhọn lắm… chị nhớ không, thầy rủa lão hàng xóm sau này sẽ tàn
mạt”.
“Nói
như thế là nguyền rủa? Em nghiêm khắc quá!”.
*
Thằng
Khanh về, sau bảy mươi ngày phiêu lưu tình ái thơ mộng, thú vị với một bạn gái.
Anh chị vù ra Đà Nẵng, ở nhà bà dì ruột của “nàng”. Vợ chồng Hiền mừng quính,
không la mắng, gạn hỏi Khanh câu nào, bởi sợ nếu làm om lên sẽ gây thêm sự dòm
ngó chú ý của lối xóm, chẳng ích gì. Nó về là may lắm rồi… Mới hơn hai tháng
nhưng trông Khanh khác trước, da nó sậm, người chững chạc… Đà Nẵng, cái xứ nắng
gió xa tít ngoài Trung, không phải Nam bộ!
Anh
Phát mở một bữa tiệc mừng, đãi bà con ở gần và vài bạn thân. Tiệc nhỏ, nhưng ấm
cúng, thịnh soạn. Không còn gì vui hơn, anh chị rất quí trọng con. Dĩ nhiên,
Linh cũng được mời… Linh nói với Hiền:
“Đà
Nẵng! Thầy Mười Chắc lại nói vào Nam”.
“Sao
đúng hoàn toàn được, đoán mà”.
“Về
sớm, chắc anh chị hết tiền?”.
“Không,
vì Khanh nhớ nhà, nhớ ba má! Chị đã nói, nó vẫn còn nhỏ… Con bé đó ghê thực, nó
bày mưu tính kế, vẽ đường”.
“Thầy
Mười bảo đến cuối năm nó mới về”.
“Cũng
xê xích chút ít, như bác sĩ chẩn đoán bệnh… “đoán” thì có lúc đúng lúc sai”.
Nhưng
thầy Mười Chắc nói sai nhiều, Khanh cặp với bồ thầy lại bảo đi cùng một ông!
Linh thấy lạ, Hiền không chê trách ông thầy đó tiếng nào.
“Thầy
nói đúng các điều cốt tử, là Khanh trở về, và mạnh lành… Tương lai của nó vẫn
tươi nguyên, nó sẽ học lại, nay không thi thì sang năm thi, muộn chút xíu,
chẳng mất gì!”.
Một
ông bạn hỏi anh Phát: “Giờ đây chắc chúng ta không còn gọi thằng Khanh là chú
bé nữa?”.
Anh
Phát đáp, vui vẻ: “Tất nhiên rồi, ngay như luật pháp cũng đã quy định từ lâu,
mười tám là tuổi trưởng thành!” ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét