Tôi gặp nhà văn
Võ Hồng lần đầu vào năm 1964. Một chiều hè năm đó, tôi đến nhà ông, trên đường
Hồng Bàng, Nha Trang. Để thực hiện cuộc gặp này, tôi đã cố gắng chế ngự cố tật
nhút nhát của mình. Tôi cứ nghĩ: “Mình biết gì mà đòi chuyện trò với người lớn?
Bàn về văn học, về kinh tế chính trị, hay về ái tình? Mệt à!”.
Thầy Võ Hồng vui
tính, nói chuyện hoạt bát, cởi mở. Thầy đưa tôi xem mấy tờ báo Sài Gòn mới đăng
truyện của thầy. “Sách báo đấy, muốn đọc gì em cứ tự nhiên”. Một nhà đầy sách,
báo. Căn phòng rộng không có bàn tủ đắt tiền. Vài bức tranh cũ trên tường. Mấy
cuốn lịch. Báo la liệt trên sàn, trên bàn, dưới đi văng. Giá sách thật lớn,
choán kín một bức tường. Có nhiều sách tiếng Pháp. Thầy yêu thích văn chương
Pháp. Thầy nói, đó là một phần tư trí tuệ thế giới. Thầy nói qua về hai tập
truyện đã xuất bản: “Hoài cố nhân”, “Lá vẫn xanh”, và cho biết cuốn thứ ba đã
viết xong, sắp in. Thầy bảo, đang cố gắng tập cho mình quen với việc viết đều đặn,
theo thời khóa biểu, không ngồi chờ cảm hứng. “Cái gì cũng có thể quen cả, tôi
nghĩ rằng tôi sẽ theo được cách viết ấy… nhờ đó ta có thể viết nhiều, thắng được
thói chần chừ, lười, chậm”. Thầy hỏi tôi thường đọc sách gì, thích những tác giả
nào. Tôi nói, tôi thích Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, và nhận xét văn thầy vừa
giống Nguyễn Công Hoan vừa giống Thạch Lam. Thầy cười: “Mình cũng yêu hai vị,
nhưng mình phấn đấu để không giống ai cả”. Thầy bảo, khi có bài mới, nếu muốn
thì tôi đem đến đây, thầy đọc và góp ý cho. Bây giờ, điều cần thiết là học và đọc.
“Em nên chịu khó đọc, đó là một cách học. Sách vở sẽ chỉ dạy chúng ta tận tâm…
Ráng lên, rồi em sẽ thấy viết được là một hạnh phúc lớn. Trên đời không gì sướng
bằng viết xong một bài báo, một truyện ngắn, một bài thơ”.
*
Giữa năm 1969 tạp
chí Văn in cho tôi tập truyện ngắn đầu tay “Một cách buồn phiền”. Từ Sài Gòn
tôi gửi cuốn sách còn tươi màu mực về Nha Trang tặng nhà văn Võ Hồng. Ít lâu
sau đó tôi đã đọc thấy bài điểm sách của ông trên một tạp chí, viết về tập truyện
của tôi. Có thể nói đây là một bài giới thiệu hơn là phê bình. Toàn những lời
khen tặng. Những nhận xét ưu ái của người thầy, ông chú dành cho một trò nhỏ, một
đứa cháu mới vào nghề. Lúc này Võ Hồng đã nổi tiếng, đã xuất bản ba tiểu thuyết,
bảy tập truyện ngắn. Trong số đó cuốn “Hoa bươm bướm” được bạn đọc chào đón nồng
nhiệt. Sách ông phần nhiều do hai nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm in. Những cuốn
sách sang trọng, in đẹp, trình bày trang nhã, nhìn qua đã muốn mua. Tôi thích
nhiều truyện trong hai tập “Con suối mùa xuân” và “Những giọt đắng”. Võ Hồng viết
thận trọng, dung dị, trong sáng; chăm chút đến từng cái tên người, tên đất. Văn
ông súc tích, có nhiều nhận định, phát hiện thú vị, hóm hỉnh, bất ngờ về con
người, về đời sống. Đặc biệt, ông viết thật hay về tầng lớp trung lưu thành thị
và nông dân. Ông khắc họa thành công nhiều nét mặt của những nhân vật vốn nằm
trong số đông thầm lặng, những người sống giữa đời thường mà thoạt nhìn chúng
ta cứ ngỡ chẳng có gì đáng để nói đến. Đọc truyện, ta thấy họ như hiển hiện trước
mặt, đi đứng nói cười sinh động, mỗi người một vẻ… Ông viết về miền quê, đồng
ruộng, dân cày với tình cảm trìu mến, bằng giọng văn tươi tắn, thấm đẫm ý tình hoài
niệm.
Vào khoảng thời
gian này hễ có dịp đi ngang Nha Trang là tôi ghé lại Hồng Bàng thăm nhà văn.
Tôi thích đến đây chủ yếu vì tính ông dễ chịu. Khỏi giữ kẽ phiền phức. Không
khách sáo mệt mề. Ông chỉ chiếc võng và cái ghế xếp, bảo tôi lấy báo tới đó nằm
đọc, vừa đọc vừa trò chuyện, chừng nào chán thì về. Thỉnh thoảng ông còn mời
cơm, đãi cà phê. Ông kể tôi nghe nhiều giai thoại văn chương lạ và vui. Ông
phân tích, phê bình những cuốn truyện hay mới ra lò. Ông có nhiều nhận xét hài
hước, ý nhị về các nhà văn, các ông lớn đang lên chân hoặc đang múa may, làm
trò, to tiếng ở Sài Gòn… Nếu cần chỉ bảo, ông nói khéo léo, không dùng giọng của
thầy giáo lên lớp: “Về việc này chúng ta nên… Ở điểm này mình nghĩ rằng chúng
ta cần…”. Và tôi nhớ điều ông lặp lại nhiều lần: “Có câu hỏi khó mà người cầm
bút phải tìm cách trả lời: viết sao để sau này, vài trăm năm nữa, người ta vẫn
tìm đọc mình”.
Hơn mười lần tôi
đến thăm ông, lúc nào cũng có ông ở nhà. Không ngồi tại bàn viết thì nằm võng đọc
sách. Đọc hoặc viết, dường như ông chẳng làm gì khác. Nhà lúc nào cũng yên
tĩnh, vắng lặng. Những người bà con của ông ở phòng bên cạnh đi lại nhẹ nhàng,
lặng lẽ. Họ nói khẽ, không cười đùa. Những bữa cơm của nhà văn có vẻ đặc biệt,
nó gọn nhẹ quá mức. Một mâm nhỏ. Ông ngồi một mình bên mâm cơm trơ trọi. Đã
lâu, quá lâu rồi, ông không có bữa cơm gia đình.
“Không nhiều thì
ít, em nên viết thường xuyên, nếu nghỉ lâu ngòi bút sẽ yếu, ngượng, han rỉ”. Những
lời động viên, chỉ dạy của ông tôi vẫn nhớ, nhưng chẳng thực hiện được mấy. Phần
vì sống xa thành phố, phần do kém ý chí, do việc mưu sinh nhọc nhằn, cây cuốc
đè nặng trên vai nên tôi chỉ sản xuất cầm chừng; lâu lâu được cái truyện ngắn,
lắm khi cả năm bói không ra một chữ… Những năm gần đây, mỗi khi ghé lại Hồng
Bàng, để tránh trả lời câu hỏi của nhà văn: “Có viết gì không anh bạn”, tôi chủ
động hỏi trước: “Thầy có viết được bài nào mới không?”. Và chúng tôi lại xáp
vào nói chuyện văn chương, sách báo như đã từng nói mấy mươi năm qua… Ngày
tháng trôi đi thản nhiên, nhịp nhàng. Tuổi tác vô tình phủ chụp bụi tro tàn úa
xuống đầu con người, không chừa một ai. Nay tôi cũng đã bước vào tuổi xế chiều,
huống chi ông. Cho nên bây giờ nhìn thấy ông còn khỏe mạnh đã là điều đáng mừng.
Thầy Võ Hồng bị
nhũn não, nhiều năm qua nằm một chỗ. Bài này tôi viết trong dịp mừng ông thượng
thọ 80 ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét