5 thg 4, 2013

Tuyển thơ DÒNG SÔNG 2


Khúc ru bạn bè
Máy môi lựa khúc ru gì
Lá rơi lấp dấu mùa đi sẻ sàng
Gọi vào trống vắng mang mang
Vọng âm một nụ hoa vàng nhỏ nhoi
Bạn bè dạo khúc rong chơi
Đâu hay bạc một kiếp người – tháng năm
Duỗi chân đỡ mỏi thăng trầm
Câu thơ ngồi dỗ vết bầm trái tim
Lặng mà im – động mà im
Ngác ngơ bè bạn kiếm tìm phù du
Tuổi tên lá cuốn bay mù
Ha ha bạn khóc, hu hu bạn cười.
                            TRƯƠNG NAM HƯƠNG

 Xao xuyến hoàng hôn
Chiều nghiêng xuống
Những giọt vàng nắng lụa
Dáng xuân xưa
Mây trắng tựa lưng trời
Đôi mắt ấy
Một ngày không có thật
Hoa cúc vàng
Từng mơ ước xa xôi.
Chiều nao
Hoa vàng nhuộm nắng
Bâng khuâng
Một góc phố buồn
Một khoảng trời đầy hoang vắng
Đường về
Xao xuyến hoàng hôn.
Chiều nay hoa vàng rụng
Nắng…
Mùa xuân đã khuất đâu rồi
Khóe mắt ai cười xa vắng
Mặc tôi và hoa đơn côi.
                               DƯƠNG XUÂN ĐỊNH

Hoa cải vàng, tháng giêng
Mỗi một lần Tết đến
Trước sân hoa cải vàng
Ngoại âm thầm đứng đón
Cháu con xa, về thăm.
Quanh năm cùng suốt tháng
Ngoại như nắng một mình
Mái nhà tranh hiu quạnh
Nhang khói bao người thân.
Cháu con thời phiêu bạt
Mỗi đứa một phương trời
Chỉ mỗi lần Tết đến
Mới về thăm ngoại thôi.
Ngoại cúi đầu thành kính
Thắp nhang cúng ông bà
Miệng lâm râm khấn vái
Dõi mắt bao người xa.
Bày ra bàn mâm cỗ
Con cháu về đông vui
Ngoại ôm hôn từng đứa
Nước mắt sao, bồi hồi.
Năm nay về thăm ngoại
Hoa cải úa một trời
Thềm xưa giờ lạnh vắng
Còn đâu nữa, ngoại ơi!
                                     TẠ NGHI LỄ

Thềm hoang
Thêm hoang từ độ em về Huế
Con đường ẩm ướt suốt mùa sương
Màu hoa năm cũ như còn nắng
Mới đó mà sao đã dặm trường.
Cây có buồn không mà úa lá
Hay mùa xuân tới chẳng cầm tay
Những viên đá lát thèm hơi ấm
Gót nhỏ chân son nhớ lại đầy.
Em đã theo chồng về thoáng đây
Thềm hoang cỏ dại mãi ken dày
Lòng ta từ độ hoa không thắm
Cứ thấy đêm đêm bóng nguyệt gầy.
                                  HÀ THIÊN SƠN

Kêu
Chỗ này ngày xưa em thích đến
bàn này ngày xưa em thích ngồi
thạch thảo ngày xưa em thích tím
ngày xưa hôn
em kêu: trời đất ơi!
Trời đất ơi!
giờ còn lại mình tôi
thỉnh thoảng thấy mưa lòng chạnh nhớ
đôi khi ngó nắng qua vòm cây
lắm lúc bần thần đứng giữa phố
xe đông
người chửi
mà không hay
Ngày xưa thứ ngày xưa quái quỉ
còn đủ hai người thì cãi nhau
một hôm ở giữa ta là biển
giật bắn người kêu: em ở đâu?
Chỗ này ngày xưa em thích đến
bàn này ngày xưa em thích ngồi
thạch thảo y nguyên bình cắm cũ
ta quá buồn kêu:
trời đất ơi!
                                ĐỖ TRUNG QUÂN

Em đi tìm chính em
                                       Tặng Như
Có lẽ nào đã muộn
Khi nói về nỗi buồn
Trời vẫn trời rực rỡ
Buốt giá một niềm riêng
Em đi tìm chính em
Thời gian vừa rơi khẽ
Vầng trăng khuyết trong em
Đầy nỗi đau được mất
Nhỏ bé một mình em
Đất rộng dài xa lắc
Bụi hồng và cánh chim
Gió mịt mùng giấu mặt
Em đi tìm chính em
Kiệt cùng và giàu có
Nếu không còn gì nữa
Em không còn là em
Chỉ như một viên sỏi
Chỉ như một bóng đêm.
                                         (1989)
                                       TÔN NỮ THU THỦY

Giữa lòng thung lũng

Nước non cùng lặng yên
Bờ cao con dế thấp
Ôm chầm trời và đất
Làm sao mà thấy em?

Làm sao mà ngóng người
Những cành thông tội lỗi
Làm sao mà chờ người
Những cây rời bờ bụi?

Ta mọc trên đồi cao
Hồn người phiêu lũng thấp
Khàn hơi mà gọi nhau
Lạc giữa trời và đất

Có vì ta đợi chờ
Đứng vời đầu dốc ấy
Mù mù dưới lũng sâu
Cả linh hồn ta đấy!

Than ôi, đời dửng dưng
Biệt tăm dòng suối đổ
Lòng chảy theo dòng đời
Vướng nơi bờ bụi nhớ

Ngậm một lá cỏ thơm
Tưởng một đời thơ dại.
                            NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG


Mùa Giêng ở Sài Gòn

Rét lợt mùa Giêng Sài Gòn nắng
Gió nồng Bà Chiểu đậm cây xanh
Nhang khói Lăng Ông chừng gợi nhắn
Mạch đời nghĩa đất những nghìn năm.

Có thể cơn mưa còn sót lại
Điểm nhẹ tàn me những nốt duyên
Sương cũng long lanh sương cuối rét
Tiếc nhìn: lá Tết thắp đầu hiên.

Mùa Giêng Nguyên đán Sài Gòn gió
Mát dịu đường trưa lá ngủ quên
Muốn gửi theo người không hẹn trước
Chút lòng hương Tết gió Hàng Xanh.

Mắt ai biêng biếc trong như nước
Thắp sáng chùa Gò đóa Bạch Mai
Hình như Bướm thắm – thơ Nguyễn Bính
Dạo chợ Sài Gòn dạm hỏi mua.

Mùa Giêng chợ Tết Sài Gòn mắc
Giá cả ngàn bông đượm gió thơm
Giá lửa đèn cây đêm Trừ tịch
Sài Gòn không bán, để dành Xuân.
                             NGUYỄN BẠCH DƯƠNG

 Mai sau dù có bao giờ

Bao giờ em xế về em
Bão dông đọng giọt sương mềm cuối mi
Chợp ngủ đi mê mê đi
Vồng đông mống bắc thấy gì nửa đêm?

Bao giờ em xế về em
Ôm cây cỏ đắng ngọt mềm trên môi
Cây đàn hoàng tử ngậm ngùi
Bởi đâu bão tố hé cười ánh trăng

Hôm nao em mọc búp Hằng
Cớ sao ngọc bích còn lăn giữa đời
Thức qua men ngọt rã rời
Ngủ qua chiếu nắng nặng rơi góc thềm

Hôm nao anh xế về em
Nắm tay được mấy hạt đêm Kim Kiều
Sao là thương sao là yêu
Mắt trăng hôm ấy mấy chiều đỏ hoe?

Bao giờ em xế về quê
Cỏ xanh có khóc mộ thề mai sau?
                                     HOÀNG CẦM
 
Khúc xuân
Tình tang
Ai dạo cung đàn
Âm thanh réo rắt
bàng hoàng
nửa đêm
Rạt rào là khúc nam xuân
Khúc nam ai
Thấy bâng khuâng đất trời
Tình tang
Khúc nhạc chơi vơi
cung thương cung oán
cung đời tử sinh
Rộn ràng giai điệu ngũ cung
Tiếng khoan tiếng nhặt
tiếng ngân nhịp nhàng
Nửa đêm
ai dạo cung đàn
Để cho trời đất
dịu dàng
Khúc xuân
                                  PHẠM THỊ QUÝ

 Ước cho Huế

Huế vẫn là nơi tôi ước đến
chừng nào chạm được nét tôn nghiêm
lần từng bậc cấp lên Thiên Mụ
đón nắng rơi trên lá trúc mềm.

Chừng nào sờ tới ngai thiên tử
nằm chơ vơ giữa điện Thái Hòa
cố hiểu ghế đồng vì sao lạnh
lại từng làm máu nóng can qua.

Tôi chưa đứng dưới chân núi Ngự
chưa ngồi thuyền khoát nước sông Hương
làm sao tả nổi hồi chuông đổ
áo tím như hoa tím góc vườn.

Người xưa gửi gắm trong di tích
cộ đèn chao nhã nhạc cung đình
điệu hò mái đẩy bao dâu bể
sắc sảo buồn vui mỗi khóe nhìn.

Cơn bão trái mùa trùm phủ Huế
Cửu đỉnh trong mưa sũng nước trời
Ngọ Môn ghị đất qua cơn lốc
tượng vua gồng – đá lạnh tái môi.

Huế dẫu là nơi tôi ước đến
xin ước mùa xuân đến trước tôi
nhang vòng ngày tết hương lại tỏa
ấm lại lòng – nước mắt thôi rơi.

                                 THANH NGUYÊN
                                       
Về Đồng Hới

Con tôm nước lợ muối chua
Cháy sắc phượng, giữa trời trưa Quảng Bình
Hít hà vị ớt chỉ thiên
Rót vui tràn cốc
Uống nghiêng lệch trời
Xa quê biết bấy nhiêu rồi
Ra đi từ thuở ít bùi nhiều cay
Bây chừ ta lại về đây
Hành trang chỉ có mấy bài thơ thôi
Lặng lờ Nhật Lệ trôi xuôi
Thấy trong gương nước một thời xót xa
Thấy tầm sâu những ngôi nhà
Và sức trẻ với bài ca đổi đời
Đồng Hới, Đồng Hới ơi!
Thương miền cát trắng một thời nhiễu nhương

Ta lang bang giữa phố phường
Nhâm nhi vị ngọt quê hương xứ miềng.
                                            
                                        Hè 2001
                                          HUỲNH ĐƯỜNG

 Bông hồng trong tim

em yêu dấu, sáng nay khi thức dậy
anh vươn vai nghe chim hót bên ngoài
trong tim anh có chút gì rộn rã
có chút gì nhè nhẹ như mây bay

vâng, anh sẽ khoác áo mưa, xuống phố
uống cốc cà phê thơm ngát khói hòa bình
để anh thấy đất trời kia rực rõ
nỗi vui mừng đợi suốt mấy mươi năm

em yêu dấu, đây là lần thứ nhất
trong đời mình anh thấy quá hân hoan
anh muốn nói với muôn người trên mặt đất
rằng nơi đây sắp hết điêu tàn

và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng
không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm
ba giờ sáng xuống Ngã Tư Quốc Tế
ăn một tô mì thơm ngát bình yên

có thể nào sáng mai trên thành phố cũ
người ta bảo nhau: hôm nay hòa bình
người ta dắt nhau trên đường trẩy hội
có một bông hồng nở giữa tim anh.

                                         (1973)
                                       PHẠM CAO HOÀNG
                    
  
Ôm tình quê
      dỗ giấc say say
Anh đến quê em đầu tháng hạ
Trời đương nắng ấm bỗng mưa òa
Ruộng vườn xanh mướt cò bay lả
Sông chở phù sa vỗ sóng ca
Nhà em day mặt ngó ra sông
Hóng gió, đón đưa nước lớn ròng
Đò chở niềm quê neo chật bến
Neo lòng em đợi khách tang bồng
Anh đến chung quanh trời đất lạ
Lơ ngơ như mấy nhánh lục bình
Em giương đôi mắt trong vòm lá
Phóng những đường tên tẩm nọc tình
Vườn trái đương mùa, em đương xuân
Hương em, hương trái bủa thơm vườn
Anh ra nhặt tiếng chim gù ấm
Sơ ý lòng anh bị trúng thương
Anh đến hoa xuân vừa rã cánh
Cũng may còn được đóa môi hồng
Lửa tình đầu vụ mùa con gái
Anh gặt về chất ngập vựa lòng
Dù mai anh có theo trời rộng
Cũng ví như là em sẩy tay
Cũng ví như là em bỏ bóng
Ôm tình quê dỗ giấc say say!
                                         (1994)
                                       HÀ NGUYÊN DŨNG


bóng hoa xưa

Người đến dịu dàng như ngọn gió
Rồi biến mơ hồ như ánh trăng
Đêm xanh một đóa quỳnh hoa nở
Trắng ngần mấy cánh mỏng như sương.

Đóa hoa chỉ nở trong chớp mắt
Rồi lặng lẽ tàn lúc nửa đêm
Gió đã đi rồi trăng cũng lặn
Bình minh ngơ ngẩn dáng sương mềm

Đóa Quỳnh đã lặn vào đêm tối
Tưởng đâu khép cánh ngủ muôn đời
Những đêm trời đất mênh mông quá
Lại trở về trong bóng nguyệt soi.

(1989)
HẠC THÀNH HOA

Vườn
Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn
em muốn trốn vào sự bình yên
em muốn trốn sâu mãi, sâu mãi vào tình yêu của anh.
Đôi lần
em nhìn tán cây mà ứa nước mắt
vì màu xanh.
Đôi lần
em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt
vì sự trong trẻo.
Rồi em khóc vì đốm nắng lan trên vạt cỏ
vì bông hoa trắng như hạt lệ
vì phiến đá dần tan trong ly nước mùa hè.
Rồi em nhớ miên man tới bến sông chiều
tới cơn mưa trên mái đầu trần
tới chiếc võng đơn sơ ngoài hiên vắng
lời bản tình ca cầu ước sum vầy.
Rồi em muốn được ra đi như thế
ra đi mà tràn đầy biết ơn
Ra đi
mà từ đôi mi đã khép
còn lăn chảy giọt nước mắt hân hoan.
                                     Ý NHI (1996)
  
Đừng sợ mất ngủ

Ta đã ngủ triệu năm
Trước ngày oa oa khóc
Ta còn cả triệu năm
Để ngủ hoài trong đất.

                                TRẦN MẠNH HẢO
                                                     1990

Bến không thuyền
Em mỗi ngày mới nhớ
Anh mỗi ngày mỗi xưa
Cảm ơn mùa xuân tới
Gợi tình đêm hoang sơ
Có ai đợi ai chờ
Bên không thuyền quạnh quẽ
Chút gió nương nhè nhẹ
Cũng cồn cào thịt da
Em bây giờ rất xa
Như một thời mơ mộng
Cây thơ thường bay bổng
Mà đời cứ lao đao
Thèm một chút ngọt ngào
Rượu thì luôn cay đắng
Đêm từng đêm yên lặng
Mây trôi bạc mái đầu.
                                 LÊ NHƯỢC THỦY
 
                 
Nắng thầm
Có khoảnh khắc
Hoàng hôn đặc quánh
Ngày lủi vào tiếng cuốc thất thanh
Có chiều lạnh
Anh trầm mình vớt nắng
Mong đêm về em bớt ngóng trăng
Lút trong phố
Ngày vơi tháng cạn
Phút thảnh thơi lòng chạnh nhớ làng
Có năm tháng
Tấp dày kỷ niệm
Ngọt bùi tiếc nuối dọc ngang
Trong mưa bụi
Rập rình sóng cỏ
Trong ban mai ríu rít nắng ra ràng.
                             HOÀNG TRẦN CƯƠNG
                                                  (2/1996)

Làng bên sông
Đê ở tận ven làng
Mà sông mãi ngoài xa
Không thấy chiều thấy sóng
Làng bên kia Trung Hà
Tiếng bò chiều trên bãi
Sông lững thững về đâu
Tiếng chiều lăn chậm chậm
Trên những bánh xe trâu
Những thân ngô vừa cắt
Còn tươi mùi đất sông
Em bó chiều thành gió
Tất bật gánh qua đồng
Lá ngô thôi xào xạc
Một đời sông lở, bồi
Mỡ mầu thì ở lại
Còn nước sông về xuôi
Một thoáng làng trong khói
Bếp chiều nhà ai đang
Nhóm lên mùi thôn ổ
Cổ xưa dưới tre làng
Chiều cuối năm sông vắng
Gặp sông bỗng nhớ về
Mùa cỏ may năm ấy
Em xa rồi như quê.
                              NGUYỄN VIỆT CHIẾN
                                                    (1995)

Thao thức Quảng Nam
Mười chín năm
Tôi về thăm Đà Nẵng
Đèn đóm sông Hàn tù mù màu nước lũ
Tôi chẳng thể mang đi
Tôi chẳng để lại gì
Ngoài một Sơn Trà, Tiên Sa cô đơn
Ngoài một Điện Bàn ngổn ngang mộ chí.
Ôi, Quảng Nam, người ẩn ức nỗi chi
Mà trời xanh rì vậy?
Và biển nữa,
Biển chừng như chán ngấy
Sóng nôn nao lành lạnh lánh xa bờ.
Tôi đi tìm một đọt nắng xanh lơ
Còn nhấp nhánh ở Hội An trong những gian nhà cổ.
Những lớp ngói buồn phô kiếp phố
Đường lõm gầy như mái lợp âm dương
Gió tạt gãy tàn hương
Mờ tỏ vòm cong óng vàng bồ hóng
Hội An ơi, đâu vàng mười xứ Quảng
Sao nét hoa văn cũng lặn chìm theo sóng
Mờ dần trong lãng quên.
Tôi đi dọc bờ đêm
Nghe gió hát về miền quê thương nhớ
Xứ Quảng của bây giờ
Xứ Quảng của muôn sau
Sao sóng biển lại xếp hình răng lược?
Hãy chải đi sóng ơi những gì quăng xuống nước
Cho sông Hàn trong trong mắt trong.
                             HOÀNG TRẦN CƯƠNG
                                                    (1994)

Lý bông mai


Bông mai vàng
Thuở nàng còn trẻ
Trên lối đi về
Lắm kẻ đợi mong
Bây giờ
Tình đã sang sông
Anh trèo cây khế
Ngó mong đất trời
Bớ em ơi
Sao chẳng nói một lời.

Bông mai vàng
Tiễn nàng xa xứ
Anh ở lại nhà
Anh cứ đợi mong
Mai vàng
Nở rộ mùa bông
Em xa
Mà chẳng trông mong ngày về
Con trăng
Năm trước trăng thề
Con trăng giờ bỗng
Não nề câu ca.

Sang năm mai lại đơm hoa
Quê nhà
Chỉ có mình ta nhớ nàng
Bông mai ơi
Bông mai vàng
Mùa xuân – Tết đến
Mà nàng vẫn xa

Buồn thay cho cõi lòng ta.

                                      KIM TUẤN
                                                     1995
  
Hương sen
Mới chớm sang hè sen đã thơm
Vũng Tàu thao thức một trời hương
Thiếu em, hương ấy thành xa xỉ
Anh một mình đi cả đoạn đường.
                             HOÀNG TRUNG THỦY
                                                     1987
  

Lục bát sân đình
Nhớ nhau
Xưa
Đến hội làng
Tay đưa mắt liếc
Hò khoan tiếng lòng
Tìm trái táo rụng sân đình
Cắn đôi lấy nửa gửi mình
Khát khao
Bây giờ dấu cũ phong rêu
Sân lá rụng
Với bóng chiều đầy vơi
Chốn xưa đã vắng chân người
Mái hiên buồn
Muốn hỏi trời
Nên cong.
                                      LAM ĐIỀN
                                                     1995
  

MẸ
Mẹ già tóc bạc như sương
Con đi xa biệt biết phương nào tìm
Núi đồi tím một màu sim
Buồn như mắt mẹ những đêm đợi chờ.
                                          1967
                                   HOÀNG QUANG THÀNH

Đón giao thừa
Thấp mấy nén nhang. Giữa trời giữa đất
Nhớ người ở quê. Nhớ người xa khuất
Tưới lên chiến hào ly rượu nhạt
Cùng cỏ cây mây núi chúc giao thừa.
                                      NGỌC BÁI
                                                     1987



Châm khói
Ngoài bốn chục chưa khỏi điều non nớt
Cả tin nghe, cả tin nói, cả tin cười
Que diêm mảnh cứ châm bờ rạ ướt
Khói lửa nào đắng đót trái tim côi.
                             ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN
                                                     1995



Bệnh họp
Hỏa tốc. Hỏa tốc
Mời họp. Mời họp
Sáng họp. Chiều họp.
Nay họp. Mai họp.
Họp gì liên miên?
Họp ngày không đủ
Tranh thủ họp đêm.
             *
Ghi ghi, chép chép, biên biên
Nhét đầy hộc tủ,
bỏ quên mốc cời.
            *
Nắng mưa là bệnh của trời
Ham họp là bệnh
của người trần gian.
                                 XUYÊN TÂM LIÊN
                                                  (6/1995)

Lối ngày rơi
Sao em chẳng nói một lời
Tự dưng cắt tóc thề, rồi bỏ đi
Sân đình côi cút bóng si
Tôi một mình với chia ly một đời
Hoa cau trắng, lối ngày rơi
Đất chìm trong đất, khoảng trời lặng câm
Góc vườn khế rụng âm thầm
Vị chua ngấm với mưa dầm, vào tôi
Bây giờ ngày ấy xa xôi
Chiều buông tím chỗ ai ngồi hôm qua
Cầu cho em với người ta
Một tôi với những chiều tà, đa mang.
                                 TRẦN ANH THÁI
                                                     1995

Gởi về nơi em
Mùa xuân ở địa đầu
Lật từng trang báo Tết
Rừng xanh như biển biếc
Nắng điệp trùng vòm cây
Võng nào mới buộc dây
Sương bay đầy thung lũng
Trổ đòng theo tiếng súng
Bông lúa nương hẹn hò
Ngọn khói bay mơ hồ
Chiều vàng thung lũng vắng
Nghe từ trong xa thẳm
Tiếng mỏ trâu đi về
Trắng một màu hoa lê
Trời xanh qua thước ngắm
Vầng trăng như cánh võng
Đang nghiêng về phía em
Chỉ một chút dịu êm
Đủ làm anh ngơ ngác
Chim tha vàng cọng rác
Âm thầm mà thương nhau.
                                          1985
                                       NGUYỄN HƯNG HẢI

Còn gì để nói không
Chỉ là những tụng ca bất tuyệt
ngòn ngọt như nhau một giọng cung đình
Chỉ là những tình ca biêng biếc
thương hảo nhớ hờ tràn ngập trang in
Như cuộc đời đã quá đỗi bình yên
và đất nước không còn gì để nói
Họ cứ viết cứ tha hồ độc thoại
bất cần công chúng đọc hay không.
                                         6/1996
                                           TRINH ĐƯỜNG
  
Đêm nhớ
Thức đêm mới biết rằng đêm ngắn
Chỉ có em thôi mới thật dài
Nhớ em từ gót chân lên trán
Đến sáng mà chưa kịp nhớ tay.
                                TRẦN MẠNH HẢO
                                                    (1995)
  
Nghe
Cúi đầu nghe tạnh
Mưa chiều rừng gió đi mau
Con đường trăng lạnh
Hang rừng bông rụng hoa đau
Cồn xưa cỏ mọc
Lá sông chảy xuống chân trời
Chảy lên mái tóc
Một mùa thu gục bên tôi
Người kia đứng lại
Nghe trời đẩy xuống hai vai
Con đường thơ dại
Còn đây lá cũ một vài.
                                     BÙI GIÁNG

 Tháng giêng
ngắt màu hoa tím trong vườn
tháng giêng
em đứng bên đường đợi ai
chùm hoa đã héo trên tay
mơ xưa
cũng úa theo ngày lửng lơ
tháng giêng
biêng biếc dòng thơ
ta về hát điệu ầu ơ
riêng mình
                                  VŨ NGỌC GIAO
                                                   2/1994

 Không đề
Dường như ai đi ngang cửa
Hay là ngọn gió mải chơi
Chút nắng vàng thu se nhẹ
Chiều nay
Cũng bỏ ra rồi
Làm sao về được mùa đông
Chiều thu – cây cầu
Đã gãy
Lá vàng chìm bến thời gian
Đàn cá – im lìm – không quẫy
Ừ, thôi
Mình ra khép cửa
Vờ như mùa đông đang về.
                                  THẢO PHƯƠNG
                                                  (3/1993)


Chiều hôm phố thị
Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung
Những lời cũ kỹ
Một trời thu để nhớ nhung
Chuyện đời giản dị
Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay
Chuyện đời có thế
Nỗi đời em có nhớ không
Em về đây để
Hồng nhau em hẹn hái bông cho đời
Một lần em lại bên người
Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên giòng
Mở hai hàng cỏ long đong
Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi
Chiều hôm đếm lá cây rơi
Bên đèn phố thị thương đồi núi xa
                                     BÙI GIÁNG
  

Mưa xuân
Chàng như mưa xuân qua
Êm ái từng giọt đọng
Em cành khô mấy mùa
Giật mình bừng nảy lộc
Đêm trĩu chín xuân thì
Duỗi mình chờ trăng mộng
Hồng hào tình yêu em
Thơm tho da thịt ngọc
Thôi nhé khuya hè sen
Vườn thu đầy lá rụng
Thôi đông xám buồn tênh
Sầu ngủ dài trong ngực
Chàng – cơn mưa tấm tức
Phiêu lãng nhiều năm quên
Chim uyên ương mỏi cánh
Đậu xuống ở bên thềm
Em – nụ hôn bỏ dở
Choàng giấc ngủ đợi chờ
Cành khô vừa nảy lộc
Khi mưa chàng ghé qua.
                             PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

Trời bữa đó
Trời bữa đó không nói gì nữa cả
Xanh liên miên mà dạ của nhân gian
Vẫn thao thức giữa buồn đau em ạ
Nẻo thanh thiên từ lỡ một con đường
Em con gái hai bàn chân em bước
Hai tay ôm hai buồng phổi em ho
Trời buổi đó để buồn đi lướt thướt
Khắp đồi cao cồn thấp đống bên gò
Ta đứng lại bẽ bàng hai con mắt
Ngó và nhìn tay nắm ở trong tay
Buồng phổi lạnh bởi vì chưng em biết
Thiên đường xưa giờ giữ chỉ ngần này
Trời bữa đó không nói gì không nói
Một chút gì xưa đã nói miên man
Lòng với dạ võ vàng thôi đã mỏi
Nẻo đi về: rừng quạnh rú sâu hang
                                     BÙI GIÁNG

 
Mắt xanh
Xung quanh bờ nước
rập rình
Chiều qua phố chợ
mang hình mắt xanh
Chợ chiều nhiều khế ế chanh
nhiều cô gái lạ
bước nhanh hàng hàng
Mắt xanh hình thể
điêu tàn
Chào cô gái lạ
cô càng lạ thêm.
                                     BÙI GIÁNG
                                                   7/1993

Nhà thơ trên sân ga

Khuya khoắt sân ga

Còi tàu khản đặc
Những tiếng rao hàng
Không còn lời đáp.

Có một nhà thơ
Ngồi bán nước chè
Bóng đèn hột vịt
Dán vào đêm khuya.

Mưa khuya đèn vàng
Ông hát thơ mình
Câu thơ bầm tím
Quất vào giá băng.

Có nước, thiếu cơm
Mang thơ ra chợ
Ngã bảy, ngã ba
Rượu tràn thơ lửa.

Uống rượu đọc thơ
Mềm môi bạc tóc
Đi giữa cõi người
Khó hơn vượt thác.

Lại về sân ga
Ngồi im như tượng
Câu thơ bầm tím
Chợt gần, chợt xa.

                       TRIỆU PHONG


 Khi từ giã cuộc chơi
Như con suối xa nguồn
Vội nhận mình là biển
Như chiếc thuyền tách bến
Ngỡ suốt dòng êm trôi
Ta nhập vào cuộc chơi
Tưởng sân đời phẳng lặng
Ngửa hai bàn tay trắng
Lấp lánh giọt hư danh
Khi ngoảnh lại tìm mình
Chẳng thấy đâu bờ bến
Đời treo trên lưới nhện
Càng quẫy càng rối thêm
Ta trở về bên em
Khi đầu hai thứ tóc
Ngậm ngùi bưng mặt khóc
Trong ánh nhìn bao dung.
                             NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH


         Tự sự
Ta khóc cũng chỉ thế thôi
nỗi buồn khô như đất và đau như đá
xanh rờn như cỏ
gương mặt kia lành lạnh nỗi niềm gì
ta khóc cũng chỉ thế thôi
nước mắt rong rêu vẽ một hình hài
thấm đến tận cùng nỗi buồn sa mạc.

Thế mới thấy thương những kẻ cô đơn trong đám đông
những người điên trần truồng giữa phố
nỗi buồn không biết đến áo quần còn
        chưa đau bằng trái tim tàn phế và mất trí
những bài ca hát lên không biết để làm gì.
Thế mới thấy thương những người mù với cây gậy dò đường
lởm chởm đi giữa ban ngày mà như trong đêm
tai nghe thấy tất cả mắt bị bịt băng tang
đó là những tử tù bị đưa đẩy suốt
        đời giữa thiên nhiên như treo trên cọc bắn.

Thế mới biết phút sống là hiếm lắm
hạnh phúc như rạng đông và sắc như dao
hoa quỳnh nở một đêm trăng đau đớn.

Xin cúi lạy những lối mòn tưởng niệm
lá thu rơi đứt ruột suốt đêm dài.

                                        10/1994
                                                 MAI LINH


 Trở lại xứ Đoài
Ta ngồi trên vệ đê sông
Ngắm chiều xuống bãi, ngắm đồng vào đêm
Sông như lạ, nước như quen
Một con đò cắm sào trên cát lầy
Loi thoi cồn bãi cuối ngày
Vài chiếc cò trắng khuất gầy sau tre
Sông chiều chỉ đủ ta nghe
Nước thiêm thiếp chảy, sóng xe xót buồn
Làng xa châu thổ mờ sương
Nẻo sông gần gũi, con đường từng qua.
Nước trong leo lẻo Trung Hà
Mây chiều non Tản, sóng Đà giang xanh
Sơn Tây một vạt cổ thành
Bóng soi hào nước yên lành giấc xưa
Ai về Phủ Quốc đường trưa
Nắng nôi đã vậy, gió mưa thế nào
Tây Phương mắt Phật ngàn sao
Đường lên cực lạc, lối vào từ bi
Đường Lâm hoa sở trắng về
Đền Ngô Vương dưới ngàn tre im lìm.
Người về bên ấy nửa đêm
Gió qua đồng vắng, mưa trên sông dài
Câu thơ cũ – nỗi niềm ai
Quê hương không thể để ngoài trái tim
Thưa rằng nhớ – chớ vội quên
Nắm nhau trong đất mang tên con người.
                                      NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Bia ôm
               (song điệp tự)
Huệ Huệ Lan Lan đón đón mời
Anh anh vào uống uống chơi chơi
Da da thịt thịt thơm thơm phức
Áo áo quần quần mỏng mỏng ơi!
Cọ cọ sờ sờ mông mát mát
Nhìn nhìn ngắm ngắm ngực phơi phơi
Chi chi, đẹp đẹp, ôm ôm đã
Chức chức tiền tiền bốc bốc hơi.
                          TRẦN VIỆT NHÂN  (10/1996)

  
Ghé nhà người quen
       một ngày cuối năm

Em lượm mấy cành củi khô
Vườn nhà gió lùa, xơ xác
Vạt rừng bây giờ cạn kiệt
Ngoài đồng chẳng còn rạ rơm
Gió lạnh lùa qua kẽ liếp
Thương em, đôi má ửng hồng.

Củi cháy, khói nồng ấm ấm
Mẹ hơ bàn tay khô gầy
Mưa phùn ngoài hiên rã rích
Vạt áo em còn thơ ngây.

Em kể: năm nay giá buốt
Cá không còn chết trắng đồng
(Cá đồng bây giờ cũng hết)
Em nhìn… ngọn khói… hư không.

Hai người anh trai ra phố
Sung vào đội quân đứng đường
Thảng hoặc nhắn về, vẫn khỏe
Em thì… chưa có người thương.

Tôi biếu mẹ năm chục bạc
Mẹ vái tôi rồi khóc òa
Em chạy ra hiên đứng lặng
Lửa tàn, đêm lạnh, ngày xa.

                                 DƯƠNG KỲ ANH
                                                    (1996)


 Lạc khoảng trời

Ngày xưa lúc tôi mười lăm
đâu biết má đỏ
môi hồng để yêu
ngày xưa mộng mơ cũng nhiều
nào đâu dám ngỏ
đôi điều vào thơ
một thời con gái mộng mơ
cứ hình như
để bây giờ xót xa
lá rơi để cây thêm già
sương sa để tóc trắng xòa như mưa.

Ngày xưa lúc tôi mười lăm
áo đâu trắng
đến làm trong nắng trời
làm dáng cũng giản đơn thôi
nào đâu kiểu cách theo thời
mà theo
con chuồn chuồn đậu cành leo
hoa bìm bìm tím nhạt phèo giấc trưa
có ai đi tìm ngày xưa
cho tôi theo với
làm thơ tặng người.

Ngày xưa đã ngày xưa rồi
tôi tìm tôi
lạc khoảng trời
mênh mang
bới lên giữa đống
lỡ làng
một con đom đóm
mơ màng
ngủ quên.
                                     BÙI KIM ANH
                                                   3/1996


Nhớ
Cuối cùng anh cũng chạm vào mùa đông
Khăn quàng
Áo ấm
Hà Nội môi hồng
Cuối cùng anh cũng đã cầm tay chiếc là bàng
đỏ từ mùa thu cũ
Nhưng không có ai
Mùa đông đi qua với tiếng thở dài
Chiếc vĩ cầm từ mùa thu cũ
Thôi.
anh về với hàng me lá đổ
với hàng me mùa Tết xanh non
li ti xanh cốm
nơi bốn năm trước
lá đã ngủ trên tóc người con gái
trước lúc đi xa
để lại cho anh
Tết vắng
quê nhà
Thôi.
anh – về – nhé
Đông – Thu.
                         ĐỖ TRUNG QUÂN

Lần đầu đến Đà Lạt
Tưởng đụng đầu ngàn mây
Khi ta về Đà Lạt
Người tình trong mơ đây
Bao năm giờ mới gặp
Rưng rưng lòng muốn khóc
Lúc xuống phố cuối chiều
Ngựa xe buồn lóc cóc
Mơ mơ đồi thông reo.
                                   TRẦN DZẠ LỮ
                                                   7/1996

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét