28 thg 3, 2013

ĐẸP VÀ THƠM NHƯ LÚA



(Đọc tạp bút “Mây trắng dinh Phoan” của Trần Huiền Ân)

        Sách dày non 300 trang, trình bày đẹp, cỡ chữ vừa, dễ đọc. Tôi đọc trong bảy buổi trưa, chậm, kéo dài thời gian, như sợ hết. Có thể gọi đây là tản văn, tạp bút, ghi chép, hay cả ba gộp lại. Chắc có người không nghĩ vậy, riêng tôi, tôi bắt gặp ở đây hàng chục chỗ “đồng điệu” với mình. Trong nhiều bài tôi thấy lại chính tôi thời ấu thơ, bắt chim đá dế chăn trâu tát cá trên đồng; thấy lại cái làng nhỏ cận sơn heo hút, nơi tôi ra đời, với núi non, ao hồ, ruộng rẫy và những người bà con, láng giềng lam lũ.
        Số lượng bài viết về kỷ niệm thời trẻ ở làng quê Vân Hòa (Phú Yên) và các tản văn dạng du ký chiếm phần lớn trong 60 bài của tập sách... Trước tiên, do tò mò, tôi đọc những ghi nhận về vùng Đông Bắc, để xem ở đó khác Tây Bắc những gì... Tháng 4-2004, nhờ một may mắn tình cờ, tôi có cuộc rong chơi bốn ngày qua vùng Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Sa Pa, Lào Cai, thời gian không nhiều, chỉ vừa đủ để viết một bài bút ký.
        Thăm “Thác Bản Giốc” ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác nước giữa núi cao, vẻ đẹp hùng vĩ, là thắng cảnh thiên nhiên ở cực đông bắc nước ta. Giọng văn vui, tả cảnh tỉ mỉ, nhiều nhận xét tinh tế, thú vị. Đến “Thành nhà Mạc”, thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng. Vùng này dày đặc di tích, phế tích lịch sử: các thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, và đền vua Lê đổ nát. Mấy dòng lược sử, như những nét chấm phá, nhưng đọc cũng thấy lòng xao xuyến, bùi ngùi. Vậy là, về mặt di tích, những nơi đáng xem, khu đông bắc hơn hẳn tây Bắc. Bên Tây Bắc chỉ Điện Biên, Sa Pa nổi trội. Ngoài ra, loạt bài theo chủ đề này còn: Về Tây Giai, Dấu đá chưa mờ, Chiều Lam Kinh, Về đất Tổ... Một đoạn của “Về Phát Diệm” : “Toàn thể nhà thờ rộng 22 mẫu, chia làm hai khu vực chính: khu nhà thờ và khu nhà chung. Nhà thờ chánh tòa dài 80m, rộng 24m, cao 18m, bao gồm 48 cột lim, mỗi cột chu vi 2,40m. Bàn thờ là một khối đá dài 3,10m, rộng 0,80m. Thánh đường phân ra chín gian với năm lối ra vào. Trong phương đình treo một quả chuông nặng 150kg, cao 1,90m. Nhà nguyện Trái tim Đức Mẹ bốn mái cong, có lầu gác, từ nền đến cột tất cả đều bằng đá”. Bài “Rượu uống thìa”: “Thị xã Cao Bằng không lớn, đường phố có đoạn dốc thấp, trên lề nhiều chỗ gạch lát cũ kỹ, có chỗ còn nguyên đất sỏi, nhưng nhìn tổng thể là một thị xã đẹp với những ngôi nhà xinh xinh xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa, đường rất nhiều cây xanh, công viên rộng thoáng”. : “Ở huyện Quảng Uyên phía đông bắc thị xã Cao Bằng có quán phở vịt Trọng Còn, thịt vịt chấm nước tương làm bằng trái mác mật, được đông đảo khách chiếu cố, cả khách đi đường và dân địa phương. Qua Lạng Sơn thì món khoai sọ hấp với nhân đậu xanh đánh nhuyễn, vừa bùi vừa ngọt. Có người nói đây là loại khoai ngày xưa bên Tàu dùng tiến vua Càn Long”. Chuyện vùng cao đầy ắp cảnh đẹp, phong tục lạ, thức ăn đặc sắc. Chuyện đồng bằng đằm thắm, trữ tình, giống các bài đọc thêm trong sách giáo khoa.
        Sách có nhiều bài nói đến hoa: Người xưa và hoa mai, Văn và hoa, Mùa hoa đỗ, Hoa và trái. “Không ai gọi hoa lúa nhưng cờ bắp thì có mấy thi sĩ đã viết là hoa bắp. Mùi lúa trổ phảng phất nhẹ nhàng khắp ruộng đồng. Cờ bắp quyến rũ bầy ong tìm mật. Trong sân, trong vườn hoa cau hoa bưởi hoa mận màu trắng đục, hương cau hương bưởi nồng nàn... Sim và ổi chịu được chất đất khô cằn và tiết trời nóng bức. Hoa ổi trắng, hoa sim tím. Cả đồi sim tím trong ban mai mờ sương là một cảnh tuyệt vời. Đi qua rừng ổi, hoa ổi thơm ngào ngạt, những trái ổi chín mọng càng thơm hơn”. Văn được viết bằng sự trải nghiệm với cả tấm lòng của người con xa xứ nhớ về quê mẹ, và với sự nuối tiếc của người cao tuổi dành cho người trai trẻ (là mình) cuả thời quá khứ... Còn những trang hồi ức về làng quê. Còn nhiều bức tranh toàn cảnh, viết về mọi mặt của một làng miền núi trước đây nửa thế kỷ: Bữa cơm nhà quê, Tiếng trống trường, Say gió. Trong “ Ngôi trường của mẹ”, ta có thể thấy một ngôi trường nhỏ, khác đời, ở làng Vân Hòa (quê tác giả). Trường hợp ra đời, giáo viên, học sinh, cung cách sinh hoạt của trường đều không giống ai, nhưng nó đã giúp cho nhiều trẻ em được học gần nhà, ít tốn kém. Trên hết, nổi bật, là công lao người mẹ, kẻ đã khai sinh, bỏ nhiều sức lực nuôi dưỡng ngôi trường... “Mùa mưa và áo tơi lá” như một tùy bút. Chiếc áo tơi lá, vật dụng thân quen của nông dân ngày xưa, làm bằng lá buông. Nó cồng kềnh, thô kệch, nhưng đắc dụng khi chống chọi mưa gió. Nay áo tơi đã lùi vào dĩ vãng, nhưng nó vẫn còn trong trí nhớ của lớp người đứng tuổi...  “Bát canh ngày mưa” khai thác một khía cạnh khác, khác nhưng không xa lạ: nhớ những chiều mưa đi nhổ nấm. Nấm khoang, nấm lửa. Những chuyện vui khi đi nhổ nấm. Bữa cơm quê với bát canh đặc sản đậm đà, không tốn tiền.
        Mấy mươi năm qua, trong những lúc nông nhàn, tôi cũng viết chút ít nhưng chỉ “chuyên canh” truyện ngắn, không làm thơ, không viết khảo luận. Đọc “Những mùa lụt”, “Bát canh ngày mưa” tôi nghĩ: mình đã trải qua hơn 40 mùa mưa ở quê, hàng trăm lần đi nhổ nấm, bẫy chim, sao mình không viết về lũ lụt, cùng những thú vui của trẻ quê ? Chắc do lòng mình cạn cợt và lười? Vậy là tôi đọc Màu xanh Sông Cầu, Về mái chùa xưa, Tuy Hòa thức giấc hai lần. Nhớ lại những ngày hè đi bẫy chim ở quê ngoại, tôi đọc “Chim rừng” hai lần. Nhiều loại chim của Vân Hòa, ở làng ngoại tôi cũng có: gầm ghì, áo dà, cu cườm, chim ngói, chim xanh, kéc, chim ngựa, cút, đa đa. Thú đi rập chim, cách nấu nướng, mùi vị thịt chim, phong phú, hấp dẫn. Đây là những hoạt cảnh đi dã ngoại, giao tiếp với thiên nhiên, giới trẻ thành thị ngày nay ít biết.
        Đang thời hiện đại, người ta thường phải sống theo kiểu hối hả, hấp tấp. Nhưng có lẽ, lúc nào đó, ta cũng nên dành ra những giây phút nghỉ ngơi, lui vào một góc yên tĩnh, lắng lòng lại, để mắt và trí óc thư giãn, để tâm hồn nhẹ nhõm. Những dòng tạp bút này, phần nào đó giúp độc giả thảnh thơi... Tôi đọc Mây trắng dinh Phoan chậm, như nhấp ly trà, ăn bắp rang, nhai đậu phộng luộc.
        Đây là sách tặng bằng hữu, không bán? Nghĩ sao cũng được. Tặng hay bán, thực ra chẳng ảnh hưởng nhiều đến giá trị tác phẩm,  (Đào Duy Anh từng có sách chỉ in 100 bản). Câu ca dao đăng trên báo để người ta đọc thầm, hay được ghi vào trí nhớ để phụ nữ hát lên ru con, cũng quý như nhau. Trong cuộc sống quay mòng, bận rộn, khi mỗi tháng mỗi năm mới khoa học kỹ thuật đều đem đến cho đời nhiều máy móc lạ, tinh vi, thì sự ra đời của các sản phẩm “cổ điển” (như sách in) là cố gắng đáng quý... Tập tạp bút này sẽ sống thanh thản, ung dung và (có thể) sống lâu. Bởi không phải ai cũng viết sách được, và lớp người thất thập (chứng nhân thời kỳ đó) nay không còn nhiều.
        Về nhận xét, nếu cần đôi dòng góp ý, tôi muốn nêu lên hai điều: có mấy bài đề tài rộng, nhiều ý hay (Nhớ về Sài Gòn, Những mùa lụt, Cảnh và người thuở ấy) nhưng viết hơi ngắn. Nếu “gia công” thêm, mở rộng biên độ, thì chắc sẽ hay hơn. Và, một số bài hơi sơ lược, quá ngắn, dường như đưa vào cốt để sách dày, khiến cho “không khí loãng ra”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét