2 thg 3, 2013

KHEN


        Sài Gòn là miền đất lạ kỳ. Nó kỳ lạ đến mức nhiều người chẳng biết viết gì nói gì về nó cho thỏa đáng. Nó khiến cho người ta nhớ nó khi đang ở trong lòng nó, và người ta thương nó bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt, như một kiểu tình nghĩa khác, tương tự tình quê hương.
        Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1991, trên một chiếc xe cấp cứu. Không phải xe chở tôi, nó chở một người bệnh viêm màng não từ Quảng Ngãi vào Chợ Rẫy, tôi xin quá giang. Tôi nhớ, khi anh tài xế lần đầu tới Sài Gòn đã đi nhầm đường một chiều và bị hàng loạt xe gắn máy suýt đụng phải. Tôi nhớ mình đã tháo cái nhẫn hai chỉ vàng trên tay để nhét vô giày vì nghe nói cướp ở Sài Gòn sẵn sàng chặt tay ai đó chỉ để cướp một chỉ vàng.
        Ngày đó, điều nhận thấy đầu tiên của tôi là Sài Gòn quá lớn và quá đông. Tới bây giờ, tôi vẫn thấy Sài Gòn quá lớn và quá đông người – Sài Gòn lớn, từ ruộng đồng Hóc Môn ra đến biển Cần Giờ, từ vườn cây Thủ Đức mút đến miệt Bình Chánh xa xôi. Sài Gòn đông: ngoài đường, trong chợ, trong hàng quán đều ngùn ngụt người. Từ khu Chợ Lớn đầy người Hoa đến khu Dân Sinh muốn kiếm cái gì cũng có. Từ những đường phố tấp nập người xe đến những ngôi chợ bán buôn thâu đêm suốt sáng. Đâu đâu cũng đầy người, càng ngày càng đông. Người ta bảo rằng, hơn phân nửa số người bạn gặp ở Sài Gòn không phải là người Sài Gòn chính gốc, như tôi chẳng hạn.
        Ở Sài Gòn có một thứ không khí quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi xăng dầu, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người, bởi muôn ngàn thanh âm mà một khi đã quen nghe, hít thở nó, bạn sẽ không bao giờ quên được. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạc chân chống xe hoặc coi chừng rớt cái ví lòi ở túi quần sau ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét