30 thg 10, 2015

TẾT NĂM ẤY, SAU CUỘC CHIẾN

   

        Chưa đầy nửa tháng sau ngày hòa bình, tôi rời Sài Gòn, trở lại Tây Nguyên làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Đầu năm 1976 thì được giải ngũ, ra Bắc. Ra theo xe của 559, tới Vinh (Nghệ An) lên tàu hỏa. Sáu năm trước, tiểu đoàn chúng tôi rời Hà Nội hành quân vào Nam. Chặng đầu đến Vinh được ngồi tàu hỏa. Ngày đó, trong đội hình tiểu đoàn có 51 người là dân thủ đô. Giờ đây trên chuyến trở về thành phố quê hương thì chỉ còn có một tôi mà thôi.
        Tôi xuống Hàng Cỏ buổi trưa, 26 tháng Chạp. Một ngày chủ nhật lạnh giá. Mặc dù biết rằng ngôi nhà ga có từ đầu thế kỷ XX và có kiến trúc rất đẹp này đã trúng bom hồi cuối năm 1972 mà nhìn thấy đống đổ nát vẫn sững cả người, tôi phải ngồi lại định thần một lúc lâu trên sân ke. Từ ga về nhà, tôi đi dọc đường Nam Bộ. Trời mưa lất phất nhưng tôi bỏ mũ cối ra, mở cúc áo ngực, đón nhận căng tràn hương vị của thành phố thân yêu sau bao năm trời xa cách. Tôi rảo bước theo nhịp tim đập dồn. Qua chợ cửa Nam, rồi vừa vượt chỗ chắn tàu, tôi khựng lại bởi nghe thấy tên mình ai đó kêu rú lên gọi. Một người đàn bà từ sau quầy hiệu may nơi mặt tiền nhà 44 nhào ra chụp lấy quai ba lô của tôi. “Cháu về đấy à, cháu đã về đấy à, cháu ơi!...”. Rồi từ “cháu ơi”, bà kêu lên, khóc: Kế ơi, bạn con về rồi đây này, con ơi, mà con thì sao không, không bao giờ nữa… Tiếng khóc dữ dội, cuồng dại mà như đang lặng ngất. Đấy là bà mẹ của Kế, bạn học một lớp Trường Bưởi với tôi. Nhập ngũ trước Kế nên tôi không biết rằng Kế cũng đã vào bộ đội… Người trong nhà chạy ra đỡ lấy bà mẹ. Tôi thì cứ đứng thần ra, không thốt nổi lời nào. Cầm lòng không đậu, cơn thổn thức rát bỏng lồng ngực.
        Nước mắt ngày gặp mặt trước cửa nhà Kế khiến tôi bất giác thấy sợ khi đứng trước cổng nhà mình. Chỉ riêng cái chung cư một chục gia đình này cũng đã góp vào cuộc chiến 4 chàng trai, cô gái sàn sàn tuổi tôi, mà không chừng chỉ duy nhất một mình tôi trở về mà thôi. Linh cảm ấy khiến lòng tôi se lại, chỉ dám hé cổng sắt ra, rón chân đi ngang qua sân. Buổi trưa, trong giấc thiu thiu, ngôi nhà lặng như tờ.
        Mẹ tôi, cha tôi không hề hay tin tôi về, đột ngột trông thấy tôi ở ngưỡng cửa, vậy mà không reo lên, cũng chả thốt kêu lên. Tôi ôm lấy mẹ. Mẹ tôi lặng khóc. “Bảo nó chết rồi, vừa báo tử tuần trước”, đấy là lời đầu tiên mẹ tôi nói với tôi. Rồi mẹ lại nói: Còn Hưởng thì báo tử năm ngoái”. Tối hôm ấy, mẹ tôi làm bữa cơm đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên ai nấy nói khẽ. Cửa sổ khép lại. Đèn tắt bớt ngọn. Ngay bên kia tường là tang tóc gia đình Bảo. Bên kia sân thì bố mẹ Hưởng…
        Ngày hôm sau và nhiều ngày sau đó nữa, lặng lẽ những ông bố, những bà mẹ, người vợ, người chị trong khu phố đến mừng tôi còn sống và hỏi thăm tin tức người thân. Nào tôi biết nói gì đây. Tôi là lính Sư 10, trận mạc chủ yếu ở Tây Nguyên mà các ngã đường của chiến tranh, những nơi anh em bộ đội đã nằm xuống thì khôn xiết kể, bao la mờ mịt trùm phủ thế gian này. “Cháu có hay tin gì của thằng Đức nhà bác không, đơn vị nó chiến đấu ở cánh đồng Chum…”, “Thư cuối anh trai em nói đang ở mặt trận Long An,,,”. Chắc rằn bất kỳ ai trở về sau chiến tranh đều gặp những câu hỏi như thế nên hẳn là cảm thông được cho nỗi “đau nhói hòa bình” trong lòng tôi, một kẻ gần như là đã một mình sống sót trở về hồi ấy.
        Vì thuộc diện ra Bắc sớm nhất đơn vị nên tôi mang theo trong ba-lô rất nhiều thư của các đồng đội quê Hà Nội gửi về nhà. Vui nhất, sung sướng nhất đối với tôi trong mấy ngày trước Tết là đi rải những lá thư ấy, mang đến cho gia đình của các bạn tôi niềm hạnh phúc vô bờ.
        Hơn hai chục lá thư, hơn hai chục địa chỉ, khắp trong thành phố, mà đều là do ba tôi lọc cọc chở tôi đi. Ông nhất định không để tôi đạp xe đạp tự đi lấy một mình. Hồi đó, Hà Nội đâu có kìn kìn xe máy như ngày nay. Nhưng ba tôi vẫn sợ, nhỡ... thì...
        Đưa thư tới các gia đình bộ đội cũng là đi dạo phố. Ba đưa tôi đi thửa đôi giày ở tiệm giày “chui” ngõ Phất Lộc. Loanh quanh dạo phố, cha con tôi đi ăn phở “chui” trên gác xép nhà họ Cồ phố Hàng Đồng, rồi vào cà phê phin, cũng “chui”, trong ngõ Gạch. Xưa, ngay trước ngày nhập ngũ, tôi cũng được ba đưa đi ăn phở và uống cà phê những chỗ ấy. Ngày đó, chiến tranh, ly biệt, ba tôi buồn, nặng trĩu nỗi âu lo nên âm thầm. Nhưng nay tôi sống sót trở về mà ba tôi vẫn vậy, ưu tư, mặc dù dĩ nhiên ông vô hạn mừng vui.
        Cha con tôi lặng lẽ uống cà phê, lặng lẽ dạo phố, lặng lẽ rẽ vào chợ hoa Hàng Lược chọn một cành đào. Ông tránh, không hề nói gì tới chiến tranh, không đả động hỏi tôi về trận mạc, tấn công Buôn Ma Thuột thế nào, tiến đánh Sài Gòn ra sao... Ba hiểu tâm trạng tôi đang rất muốn quên đi để được êm ả trong lòng mà vui Tết. Từ năm 1965, hơn 10 năm chiến tranh, tới Bính Thìn Tết ấy trong gia đình chúng tôi mới có lại giò hoa thủy tiên, chậu cúc, cành đào. Tôi cũng mua một bánh pháo song tới giao thừa thì lại thôi, nghe lời ba mẹ, không đốt nữa. Tiếng pháo quá rộn rã, trong khi biết bao gia đình không thể làm sao rộn rã cho nổi dẫu đã hòa bình rồi.
        Từ mùa đông 1946. Đằng đẵng ba chục năm trời đau khổ da diết cầu mong tàn cuộc binh lửa, vậy mà Hà Nội đã chào đón mùa Xuân hòa bình đầu tiên một cách chừng mực. Tôi cảm nhận thấy thế. Ở đâu tưng bừng hoan hỷ, rầm rộ ăn mừng không biết, chứ như tôi thấy thì Tết ấy, khắp các phố xá của người bình dân Hà thành, một bầu không khí trầm tư của những nông nỗi mừng vui lẫn lộn. Trầm tư, bởi có biết bao nhiêu là niềm mặc tưởng trong lòng khi mùa Xuân tới.
        Giao thừa Bính Thìn, tiếng pháo ran lên nhưng nghe hiền hòa và đầm ấm chứ không dữ dội đinh tai nhức óc cuồng lên phô trương như tiếng pháo của những cái Tết về sau. Vừa giã từ vũ khí mà bánh pháo Hà Nội hồi ấy khi lạch tạch nổ tỏa mùi thuốc pháo nhà quê Bình Đà hiền lành dễ chịu chứ không nồng nặc mùi thuốc đạn của loại pháo hung tợn những năm sau đó nhập khẩu về.
        Có một điều rất lạ, tôi còn nhớ rõ, là ca nhạc mừng Xuân Tết ấy rất êm đềm. Tết ấy là Tết hòa bình và cố nhiên là cả Tết chiến thắng nữa, vậy mà từ các loa phóng thanh của phường phố tới những sân khấu văn nghệ quanh bờ hồ Gươm không nghe vang lừng lên những khúc quân hành. Tưng bừng chiến công chiến thắng chỉ có bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, còn thì người ta hát Nối vòng tay lớn, hát Mùa xuân đầu tiên và nhất là Bài ca hy vọng.
        Cũng rất lạ nữa là các rạp xi-nê dịp Tết ấy không thấy chiếu những phim anh hùng chiến công này nọ. Ở rạp Kinh Đô gần nhà tôi đang phải chiếu cái phim Lửa hận rừng dừa lòe loẹt và huyên náo, giáp Tết người ta thay bằng phim Cánh buồm đỏ thắm. Rạp Tháng Tám và Công Nhân cũng vậy, chiếu bộ phim thơ mộng ấy. Kim Đồng chiếu Con chim vành khuyên, tuy là phim thời chiến nhưng ẩn chứa sâu sắc tình yêu hòa bình. Còn cái rạp Bắc Đô bình dân, náu mình ở gầm cầu, thì moi từ đáy kho phim Đàn sếu bay qua ra chiếu.
        Chiều 30 tết, các bạn cũ lớp 10 tới hội ở nhà tôi, cơm tất niên cùng ba mẹ tôi. Buổi tối cả lớp kéo nhau đi dạo bờ hồ. Trước giao thừa, ra bờ hồ trẩy hội, đi bộ, ngắm đèn, ngắm người là cái lệ, là nếp quen từ xưa của tuổi trẻ Hà thành. Chìm trong đông đảo nườm nượp, trong trùng điệp tươi vui, tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, tôi ngây ngất hạnh phúc. Dường như tới buổi tối đó, tôi mới thực sự thấu cảm niềm hạnh phúc còn sống trở về và được hưởng hòa bình. Tôi như trở lại với thời học trò 17 tuổi. Các bạn lớp 10 ngày xưa quây quần ríu rít quanh tôi, ai cũng muốn đi sát vào tôi, khoác tay tôi. Tôi được thương mến, được hưởng tình thân ái của các bạn còn hơn là hồi đang đi học với nhau.
        Sau một vòng quanh hồ, cả hội vào Thủy Tạ giữ 2 bàn bên lan can kề mặt nước. Thủy Tạ mở cửa đến 22 giờ, mà lúc đó đã quá nửa tiếng rồi nhưng do chúng tôi có Lan là con gái của bác cửa hàng trưởng nên được ưu tiên ngồi nán. Dù trời rất lạnh, kem thì tê buốt mà xúm xít với nhau vẫn thấy ấm lòng. Chỉ có điều, tới lúc chia tay để ai nấy về nhà đón giao thừa cùng gia đình thì Lan bật khóc. Nhà của Lan ở đầu Hàng Gai, cách một đoạn, đầu Hàng Cân là nhà Cường, trưởng lớp 10C chúng tôi. Cường hy sinh ở Quảng Trị, năm 1972. Vì ai đó nhắc tới Cường khiến Lan khóc...
        Tôi lặng người. Cho đến lúc ấy tôi mới nhận ra rằng gọi là “cả lớp” hội với nhau ở đây mà thực ra chỉ có 16 “tên”. Và chỉ duy nhất tôi là con trai. Sĩ số của 10C chúng tôi ngày thi tốt nghiệp chẵn 40. Mười lăm nữ, 25 nam. Tất cả bọn con trai đều đã lên đường ra trận, sao bây giờ chỉ có một tôi có mặt ngồi đây cùng bọn con gái?
        Được sống và hưởng hòa bình là hạnh phúc tột đỉnh đời người song niềm hạnh phúc ấy lại đồng thời là nỗi đau thương tột cùng. Tôi nghĩ về đời mình, về cuộc đời của thế hệ mình như thế, từ buổi tối ấy, khi đoàn tụ sum vầy bên hồ Gươm với phần còn sống sót của lớp học ngày xưa ./.

                                                                                        (Người lao động Tết Ất mùi – 2/2015)


Đọc truyện TRẦN HUIỀN ÂN

    
        Mấy chục năm qua Trần Huiền Ân viết đều tay. Anh viết truyện ngắn, biên khảo, và làm thơ. Lãnh vực nào anh cũng đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Về thơ, tuy viết ít nhưng anh đã có nhiều bài hay, được in nhiều trên báo chí. Năm 1997, chọn lọc trong số thơ mới làm anh cho xuất bản tập “Lời trên lá”. Những năm sau ra tiếp ba tập nữa. Ngoài ra, anh còn đoạt được một giải thưởng trong cuộc thi Thơ hay của Tuần báo Văn Nghệ thành phố H.C.M.
        Về biên khảo, anh làm việc chuyên cần, hiệu quả, hơn mười năm nay năm nào cũng có tác phẩm chất lượng cao. Có thể kể, những năm trước: Phú Yên dọc đường ca dao, Chân dung một làng quê, Đất Phú trời Yên, Trăm năm trong cõi người ta, Quê tôi nhìn từ ca dao, Hương sắc Phú Yên. Các năm gần đây: Văn hóa nông thôn Phú Yên, Sơn Hòa xưa và nay, Miền đất ước vọng, Phú Yên thời khẩn hoang.
        Phần truyện ngắn – thể loại Trần Huiền Ân đầu tư nhiều công sức – anh viết khỏe, chắc tay, đều đặn, đã trình làng (qua báo chí) hơn 80 truyện, và tập hợp in thành sách: Tiếng hát nhân ngư, Một nửa chân trời, Mùa hè quê ngoại, Khói của ngày xưa… Truyện ngắn Trần Huiền Ân có thể chia ra ba dạng: Dã sử, cổ tích mới – Truyện, tùy bút – Hiện thực, huyền ảo.
        1. Trong mảng DÃ SỬ – CỔ TÍCH MỚI: “Lọ mắm thảo hiền” là truyện tiêu biểu: Thiếu đế mở cuộc vi hành. Đi khắp đất nước để tìm hiểu nguyện vọng nhân dân. Trong những điều nghe thấy ngài chú ý đến chuyện Tấm Cám hơn cả. Chuyện này ngài chưa hề biết. Về triều, nhà vua trách quan nhiếp chính – người từng dạy vua khi ngài còn là thái tử - sao không kể ngài nghe một chuyện hay như vậy. Sợ phạm tội khi quân, vị lão quan phải nói thật: nhà vua chính là hậu duệ bà cụ Tấm. Theo lời lưu truyền trong dân gian, cụ Tấm đã mắc phải lỗi lầm: trả thù cụ Cám – người em – kẻ ám hại mình, bằng cách đem luộc, rồi băm thịt làm mắm… Vết đen này lớn, có thể làm xấu lây đến thanh danh triều đình. Nghe qua, nhà vua buồn bã, lo ngại. Ngài nói: “Trẫm và các tiên đế hết lòng vì sơn hà xã tắc. Bà cụ Tấm cũng vậy. Lòng nhân hậu hiền đức của cụ trùm lên tất cả. Chẳng qua trong một lúc nóng giận cụ đã có hành động như thế. Hơn nữa, chính cụ Tấm đã bị cụ Cám giết hại trước. Giết người thì đền tội. Ơn trả, oán trả lẽ thường. Bà cụ Cám phải chết là đúng. Có điều, đem luộc em mình, bắt mẹ ăn thịt con, cách báo thù này tàn nhẫn quá”. Nhà vua bảo quan Tổng tài Quốc sử quán và quan Học bộ Thượng thư hãy tìm cách xóa bỏ vết bẩn đó. Đây là trọng trách, cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, vì lòng dạ trung quân, hai đại thần đã làm nhiều cách để đạt được cái kết quả mỹ mãn: tung ra một truyện Tấm Cám mới, cho loan truyền rộng rãi trong dân chúng, “tất cả đều ngợi ca cô Tấm thảo hiền, cắt bỏ đoạn nấu thịt làm mắm, và đoạn nói về tiếng quạ kêu: “Quà quạ, quà quạ! Mẹ ăn thịt con giòn rau ráu!”. Hai quan được ban thưởng, thăng phẩm hàm. Vui mừng, nhưng hai vị cũng thấy rằng việc làm của mình không thật, ngụy trá.
        Truyện viết khúc chiết, “chân phương”, gần như văn nghị luận, khảo cứu; bên trong ẩn giấu một nụ cười mỉm, châm biếm nhẹ nhàng. Trong dạng này còn có các truyện: Lời giải của Đạm Tiên, Tiền Đường nước sạch, Đồng hiện, Hoàng hậu Kim Liên.
        2. Loại TRUYỆN – TÙY BÚT: gồm những truyện mang hơi hướng tùy bút, chứa nhiều tình tiết có thật, như những trang dã sử của vùng quê cao Sơn Hòa, Phú Yên. Mở đầu là truyện “Tiếng gà cơm cát”.
        Truyện viết như kể một cổ tích, hoài niệm đậm đặc. Ghi lại những kỷ niệm đằm thắm, êm đềm, tươi mát của tác giả với miền rừng núi Vân Hòa vào thời kỳ cách đây hơn 50 năm. Trung tâm truyện là hình ảnh một người mẹ, một người dì thân yêu; những nét sinh hoạt, tập quán, truyền thuyết của miền quê hẻo lánh.
        “Rừng núi oi bức, nặng nề. Những tiếng chim rừng vang lên khô rát, khắc khoải:
        Chát chát chát… chát cha cha.
        Tiếng gáy của những con đa đa, (có nơi gọi là gà gô, giá cô, hay nôm na giản dị hơn: gà cơm cát). Mỗi lần qua trảng tranh, trảng đế, dưới ánh nắng đậm hồng ban sáng hay trong ngọn nồm mát buổi chiều, nghe tiếng gà cơm cát gáy tôi vẫn có cảm tưởng đó là tiếng kêu giận hờn, oán trách, trong miệng con chim còn ngậm đầy đất cát, giọng lạc, cổ khàn, rướm máu:
        Xúc cơm cát trả cho cha”.
        Giống chim này có nhiều trong thung lũng Lỗ Chảo, quê chồng của Dì Ba. Những cuộc đi săn chim cơm cát hồi hộp, rộn ràng, lý thú. Dì Ba – chị của mẹ - là người hiền dịu, rất mực mến thương các cháu, nhưng có cuộc đời khá hẩm hiu. Dì lấy chồng xa, không có con, và về sau chết sớm. Dì kể sự tích chim cơm cát:
        “Ngày xưa có đứa con trai mồ côi mẹ. Cha nó tục huyền, gặp người đàn bà khắc nghiệt. Dì ghẻ bắt đứa con chồng làm việc vất vả, mỗi bữa cơm lại trộn cát vào bát cho nó ăn. Đứa bé không ăn được. Rồi đói quá, phải ráng mà nuốt, ráng đến nghẹn cổ, tắc họng, ngã ra chết. Đứa bé hóa thành con đa đa, kêu lên những tiếng xé lòng:
        Chát chát chát… chát cha cha
        Xúc cơm cát trả cho cha!”
        Đọc xong hồi lâu, âm hưởng câu chuyện vẫn còn lẩn quất bên mình. Trên đời thật có cảnh ngộ nào bi đát như thế chăng? – Có tám truyện khác cùng loại với truyện này: Người nói thơ Kiều, Kịch lửa trại, Chiếc bè trên bến Tang Càn, Lại về xóm cũ Bình Sa…
        3. “Tiếng hát nhân ngư” là một trong những truyện thuộc dạng HIỆN THỰC – HUYỀN ẢO. Đặc điểm của truyện loại này là các yếu tố hư và thực song hành hoặc đang cài vào nhau. Gọi như thế để tiện phân tích. Thật ra, gần phân nửa trong số truyện này chất huyền ảo không đậm, chỉ phơn phớt, trải mỏng lên bề mặt.
        Tại công viên trung tâm thành phố người ta dựng một pho tượng mỹ nhân ngư. Tượng ngẩng đầu nhìn trời, tay vươn cao, ngực để trần, phần thân cá ngâm trong hồ nước. Người đàn ông bảo vệ công viên, 40 tuổi, đã trải qua một thời trai trẻ thăng trầm, lao đao, giờ sống cô đơn, thường ngồi bên chân tượng, và nhiều lần nghe mỹ nhân ngư hát, vào những đêm khuya, bài “Biển nhớ” bồng bềnh… Người phụ nữ 40 tuổi, nấu bếp cho nhà hàng, sống một mình, đắm chìm trong kỷ niệm của mối tình thời thanh xuân. Chị có người yêu đã tử trận. Anh được yên nghỉ trong một nghĩa trang gần biển, nên có một dạo chị thường xuyên đến viếng mộ anh, để nghe biển hát lại bài hát (Biển nhớ) mà trước chị thường hát khi sắp chia tay anh. Nay, sau những giờ làm việc, khi ra về (lúc nửa đêm) chị ghé lại công viên, ngồi bên tượng mỹ nhân ngư. Chị nhớ anh, nhớ thời tuổi trẻ, nhớ mọi điều, và chị cất tiếng hát: “Ngày mai anh đi, biển nhớ tên anh gọi về…”. Người đàn ông nghe. Nhiều người biết. Và người ta loan truyền về tiếng hát của pho tượng trong đêm hôm khuya khoắt, khoác lên đó những nét huyền thoại.
        “Những nhân viên trực đêm ở một cơ quan gần đó quả quyết, mỗi đêm, liền sau khi đồng hồ điểm mười hai tiếng, nhân ngư cất tiếng hát, bài “Biển nhớ”. Đêm nào cũng chỉ một bài hát ấy và hát một lần, giọng nghẹn ngào, thổn thức. Có người còn nói rõ ràng họ thấy, nhân ngư cúi đầu xuống để mái tóc đổ ra phía trước, rồi ngước lên, hai tay vuốt ra sau. Hình như nhân ngư muốn bước đi, song nửa phần thân cá không thể rời khỏi hồ nước. Một số nam nữ thanh niên tò mò, lúc đi chơi khuya về qua công viên cũng xác nhận: Quả có một người đàn ông nằm ngủ trên bệ nhân ngư và tiếng hát tan vào trong gió, cao vút, đứt quãng”.
        Truyện viết bằng giọng kể chuyện, không có những xen nghẹt thở, gay cấn, rùng rợn như phim kinh dị, không có các tình tiết ly kỳ, khúc mắc như truyện trinh thám. Nó súc tích, cô đọng, sâu lắng, tựa như người nhạc sĩ viết bài tình ca về chuyện tình của chính mình, rồi tự hát lên… Trong loại truyện này còn có: Khu rừng trên vách, Quán đỉnh đèo, Mưa xanh, Gươm đá.
        Văn Trần Huiền Ân thoáng nhẹ giọng miền Trung, hóm hỉnh, sắc sảo. Anh có nhiều truyện thật đạt, thật hay như: Gặp lại, Ẩn hiện màu xanh, Phương nam. Nhưng truyện Trần Huiền Ân cũng còn mấy chỗ nhược. Vài truyện trong loại cổ tích mới giọng văn quá “tỉnh táo”, hóa thành khô, nên đọc thấy nguội, mất đi sức hấp dẫn. Một ít truyện trong dạng truyện – tùy bút có nhiều chi tiết dài khiến cho câu chuyện nhạt, loãng. Và có một số bài giọng đều đều, rơi vào chỗ “hiền lành”, bằng phẳng.
        Những năm gần đây Trần Huiền Ân bỏ nhiều thời gian vào mảng nghiên cứu, biên khảo. Đề tài chính của anh vẫn là quê nhà. Quê lớn Phú Yên, quê nhỏ là nơi anh sinh ra: vùng núi Sơn Hòa. Anh viết công phu, hay, văn nhiều chất thơ. Trước sau, anh đã nhận được non chục giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam. Riêng năm 2011, Hội VNDG đã tài trợ, in cho anh 4 tập: Đá trong đời sống văn hóa dân gian – Lễ tục vòng đời “Trăm năm trong cõi người ta” – Văn hóa sông nước Phú Yên – Việc làm nhà quê ./.

KHÔ NHƯ ĐÁ

    
        Công trường đá Tân Dân nằm dưới chân núi Gành Bà, cách thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) bảy cây số về phía bắc. Địa điểm này thuận lợi cho khâu vận chuyển vì gần quốc lộ I, nhưng có điều bất tiện là khí hậu khắc nghiệt. Nơi đây chịu ảnh hưởng thời tiết khu vực Tu Bông, dày nắng gió. Về mùa đông gió thường quét cho mọi vật tơi tả trong hai, ba tháng.
        Tôi đến Công trường vào một ngày đầu tháng chạp, trời xám màu chì, gió khá mạnh. Anh Nguyễn Thiên, đội trưởng, cán bộ kỹ thuật đưa tôi đến thăm các hầm đá rộng nằm giữa ranh giới hai thôn Ninh Lâm, Tân Dân. Ở đây không xa quốc lộ bao nhiêu nhưng chẳng còn nghe những thứ tiếng quen thuộc của xóm làng. Các hầm đá gần nhau. Những người thợ chăm chỉ, cặm cụi làm việc, không chuyện trò, không nhìn khách. Tiếng búa đục chí chát, khô đanh, vang động cả vùng núi. Hầm nào cũng có khá nhiều đá thành phẩm, những viên đá chẻ giống nhau, như đúc từ một khuôn, nằm chất chồng, đống nhỏ vài trăm viên, lớn thì vài ngàn viên. Đây là loại đá dùng để xây nền móng nhà, lát đường, xây bờ mương bờ đập. “Trơ trụi, chẳng có gì hấp dẫn tươi mát, phải không?” Anh Thiên hỏi. Tôi gật: “Khô như ngói, hơn ngói!… Sao lại gọi núi Gành Bà?” Anh Thiên chỉ lên triền núi cao có những tảng đá xám mốc to như những ngôi nhà: “Trên kia xưa là nơi Bà ở. Bà, một nữ thánh, chẳng ai biết tên họ, chỉ nghe đồn rất linh hiển. Chỗ chúng ta đang đứng, cách đây hàng triệu năm là nơi ngập nước biển. Sóng biển ập vào bờ đá nên gọi là gành. Nay thì biển đã xa gành hai cây số! Gành Bà. Người ta kể, Bà thường xuất khỏi động đá vào ban đêm, trong các ngày rằm, mùng một âm lịch, bay thẳng ra biển rồi tan. Sau đó, khi về, Bà lại theo đường cũ, từ biển vô núi. Đó là một cột lửa sáng xanh, lóa mắt, như bó đuốc lớn. Cách đây ba bốn mươi năm dân quanh vùng vẫn thường trông thấy hiện tượng này. Nhưng về sau, do chiến tranh, do con người sinh sôi đông đúc, xe cộ nhộn nhịp, các điều huyền bí phai nhạt, mờ dần đi…” Vào thời chống Mỹ, hòn núi này, với những lớp đá chất ngất, hang gộp chằng chịt, từng là căn cứ của cách mạng Vạn Ninh. Các đơn vị du kích chiếm lĩnh địa thế hiểm trở này, dùng làm bàn đạp để bung ra hoạt động ở các thôn thuộc xã Vạn Bình, Vạn Thắng. Dù chỉ cách đồn Núi Một của quân Nam Triều Tiên hơn hai cây số nhưng các chiến sĩ núi Gành Bà đã trụ vững, chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều công tích ngoạn mục… Hiện nay lớp trẻ có thể nghe lại lịch sử hào hùng của cha anh đã trải qua ở đây qua lời kể của bà Trần Thị Hạnh, nguyên phó bí thư xã Vạn Thắng; hoặc chị Nguyễn Thị Liễu, đang phụ trách hiệu sách nhân dân Vạn Giã.
        Chúng tôi rẽ vào một bãi đất trống, bằng phẳng, nơi tập trung đá khối. Rải rác có khoảng hai mươi khối đá to nằm chờ xe bốc đi. Anh Trần Thái Lộc, giám đốc công trường, đứng xem hai chiếc xe đang hì hụi kéo đá. Những tảng đá lớn, phẳng lì, đẹp. Thật tài tình. Làm sao có thể đục đẽo để lấy ra các khối đá khổng lồ thế kia! Nghe tôi khen, anh Lộc cười. Anh bảo: “Nay thợ nghỉ, hôm nào rảnh anh ghé, tôi sẽ đưa anh lên xem, họ làm rất gọn, rất khéo.” Tôi nghĩ đến những đền đài Angkor… Theo lời anh Lộc, đá Tân Dân độ bóng, độ mịn tốt, không rạn nứt, màu sắc đồng đều phong phú, sức chịu lực chịu nhiệt cao, hơn hẳn đá của các nơi khác trong nước. Đá đây chắc làm không bao giờ hết, 24 năm rồi mà trông như mới moi trầy trụa sơ sơ dưới chân núi, như mèo quào vách vôi! Anh Lộc nói, công trường nhận 500.000 khối, khai thác trong 20 năm. Năm trăm ngàn chiếm bao nhiêu phần trăm của trữ lượng đá núi này? Nhỏ, nhỏ lắm! Các chuyên gia bảo rằng, nếu cứ khai thác theo kiểu từ 1977 đến nay thì hơn ngàn năm nữa mới hết đá! Dài hơi quá. Nghe phát sợ! Có lẽ cần phải tăng cường nhân lực, và phải có máy móc hiện đại giúp sức. Nay công trường chỉ có trên dưới trăm rưỡi công nhân. Làm thì vẫn thủ công, tay búa tay chạm, như xưa kia ông cha ta đã làm. Bởi thế cho nên, có thể thấy trước, đây là đơn vị kinh doanh sẽ đạt tuổi đại thọ, trường thọ, không bao giờ bị cụt vốn!… Anh Lộc nói, đá khối là mặt hàng chính của công trường, ba năm qua (từ khi công trường trực thuộc Công ty Vật liệu xây dựng Khánh Hòa) năm nào cũng sản xuất hơn 2.000 khối, riêng năm 2001 được 2.400 khối. Đá xuất sang Nhật, Đài Loan, theo giá 2,5 triệu một khối. Bán đá thô, với giá đó. Nếu ta gia công, làm hoàn chỉnh thành phẩm giá sẽ bao nhiêu? Chắc chắn phải cao hơn nhiều. Nhân nói về đá thô, tôi nhớ lại cát thô. Năm 1994 ta bán cát Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) 5 đô một tấn. Cát trắng tinh, loại thượng hạng, nhưng vẫn để nguyên xi, không qua chế biến, nên bị coi là cát thô, rẻ mạt, bán như cho. Có người nói, nếu ta không vội bán, treo giá một thời gian, họ sẽ mua 10 đô một tấn. Ấy là nghe vậy, chẳng có gì chắc, nhưng vẫn thấy tiếc! Tôi nói với anh Lộc, giờ ta không bán đá giá cũ nữa, thử nâng lên bốn, năm triệu một khối, xem sao? Anh cười, đây là chuyện của các nhà quản lý thương mại, kinh tế. Tôi nghĩ, đá tốt chẳng dễ có. Gạo, cao su, cà phê nếu chỗ này không chịu, anh tìm đến chỗ khác. Còn đá xịn, đào đâu ra? Ta “treo giá” thử xem. Khối đá lớn, đẹp thế kia mà 2 triệu rưỡi, hình như hơi rẻ?… Về mức độ to nặng, các khối đá này chưa phải vô địch. Trước đây công trường đã từng sản xuất những khối hai mươi, ba mươi tấn, dùng trong việc tạc tượng, như tượng đài Bà mẹ anh hùng ở Thủ Đức, tượng đài công nhân đấu tranh ở ngã bảy thành phố Hồ Chí Minh.
        Trong câu chuyện tiếp theo sau đó, đề cập đến nhiều mặt của việc làm ăn, đời sống công nhân, anh Trần Thái Lộc cho biết, điều anh yên tâm nhất hiện nay là, về đại thể, mọi mặt của công trường đều tiến triển vững vàng, tốt đẹp. Công nhân sản xuất đều tay, hăng say. Gần đây luồng gió xoáy của phong trào nuôi tôm sú trong huyện cũng lan đến công trường nhưng không tác động nhiều lắm. Sản lượng đá luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001 loại đá chẻ đạt đến 1,4 triệu viên, vượt chỉ tiêu. Sang năm 2002 sẽ có một điểm sáng, là Công ty sẽ xây dựng ở đây một nhà máy cưa xẻ chế biến đá granite, trị giá 3 tỉ, với sản lượng ước tính mỗi năm từ 3.000 đến 5.000 mét vuông đá ốp lát cao cấp. Và anh mời tôi, lát nữa, khi quay về, hãy ghé vào thăm các gia đình công nhân gần văn phòng công trường, để thấy rằng thật sự, về vật chất, người thợ đá đã có cuộc sống bình ổn, cường tráng.
        Rời bãi đá khối, anh Nguyễn Thiên và tôi tiếp tục cuộc dạo núi xem hoa. Địa bàn công trường trải dài 3 cây số, nằm trên hai thôn Tân Dân và Ninh Lâm, muốn đi khắp cũng phải mất già một buổi… Chúng tôi gặp một con suối khô. Bên kia suối là địa phận thôn Ninh Lâm. Dân Ninh Lâm chiếm hai phần ba trong số công nhân của công trường. Đa số họ còn rất trẻ, tay nghề vững, cần cù, làm việc tận tâm, không nghỉ ngang, không về sớm, mức thu nhập bình quân mỗi người hơn một triệu đồng/tháng, người giỏi được non hai triệu… Hầm đá cuối cùng bên này suối là của anh Đỗ Cường, người Nha Trang. Anh ra đây làm từ năm 1981. Anh Thiên giới thiệu, Cường nằm trong số những tay thợ thâm niên nhất, giỏi nhất. Anh chịu khó học hỏi, có nhiều sáng kiến đáng giá, hiệu quả công việc luôn đạt mức cao. Cùng làm với anh Cường có một thanh niên trẻ, chừng 20 tuổi, là người đang học nghề. Nghề này cần sức khỏe, và khéo tay. “Nó mới học hơn 3 tháng mà khá lắm. Mấy đứa tối dạ học bốn, năm tháng chưa chắc hơn. Nay nó làm mỗi ngày được bảy, tám chục viên rồi.” Anh Cường nói về học trò của mình. Tôi hỏi: “Giá một viên đá chẻ bao nhiêu?” – “Một ngàn, hoặc hơn chút ít.” – “Khỏe bụng quá, ít có nghề kiếm được tiền mau như vậy!” Anh Cường cười: “Nhưng lắm người ngại, vì khổ, nắng nôi, cực nhọc.” Anh lấy từ một chiếc giỏ cước ra cái bình thủy nước nóng, bình trà, ly tách, gói thuốc và một hộp bánh ngọt. Chỉ đống đá lớn, tôi hỏi: “Tồn ứ nhiều thế này, không xuất được?” – “Khách đặt mua từ lâu, từ khi tôi mới làm chừng trăm viên. Không hiểu sao họ chưa bốc đi… Gần như chẳng mấy khi đá ế.” Cũng phải, đây là vật liệu lúc nào, thời điểm nào xã hội cũng cần.
        Anh Cường mời chúng tôi ăn bánh, uống trà. “Đông, nghỉ tay, uống nước.” Anh mời học trò. Đông lắc đầu, chẳng nói tiếng nào. “Nó không trà, không rượu, không hút thuốc, rất ít nói.” Anh Thiên khen: “Trẻ mà như vậy, hiếm có, tu được đấy.” Cường cười: “Tu thì không xong. Nó ghiền cà phê, ham gái!” Tôi thấy thầy trò ông thợ đá này vui, thú vị. “Tôi dạy nghề cho Đông, và tôi học lại nó một điều, là nên nói ít… Nói tốn thì giờ, hao hơi, vô ích, có khi lại còn mang vạ miệng. Cần gì phải nói. Ngẫm lại xem, trên đời có nhiều việc chẳng cần lý giải gì, cứ lặng thinh mà làm cũng kết quả, như thợ may, tài xế, thợ hồ… hoặc như đá đây, đâu nói năng thưa thốt gì, mà có ích cho đời biết bao nhiêu”. Trước ý tưởng ngồ ngộ này, xuất phát từ miệng anh thợ cục mịch, đen nhẻm, chúng tôi cười vui tán thưởng! Tôi hỏi Cường, sau hai mươi năm làm ở đây, anh có dự định, ước muốn gì. Cường nói, người ta ai cũng phải có một nghề để sinh sống. Với anh, chẻ đá đã thân thuộc, chẳng có gì phải so đo, lựa chọn. Đây là nghề tự do, rất thoải mái, khỏe làm, mệt nghỉ, ta làm chủ ta. Trở ngại duy nhất mà nhiều lúc anh ngờ ngợ cảm thấy, là sự nhàm chán. Ngày nào cũng từng ấy việc, bấy nhiêu thao tác, nên lắm lúc thấy nhàn nhạt, buồn buồn. Nhưng, nghĩ lại, nghề nào mà chẳng vậy, như chị bán hàng, ông giáo viên, anh công nhân đứng máy, đều bị như thế. Anh nói, ước chi mai này các nhà phát minh chế ra một thứ máy nào đó để phụ giúp người thợ, để công việc sản xuất được nhanh hơn, nhẹ hơn, giảm đến tối đa các rủi ro đáng tiếc. (Tôi viết dựa theo ý Cường. Đúng ra, anh tránh hai tiếng “rủi ro”. Anh em thợ ăn nói dè dặt, kiêng cử nhiều thứ.) “Và một ý nữa, ở đây vẫn còn theo lề lối cũ, tuần nghỉ một ngày. Sắp tới, khi khá hơn, tôi sẽ áp dụng lịch tuần nghỉ hai ngày. Những người khác muốn nghỉ một ngày, hay không nghỉ là quyền của họ… Chính những ngày nghỉ đó là thước đo của sự tiến bộ, nó khiến cho cuộc sống của ta thảnh thơi, văn minh, cao đẹp, có ý nghĩa hơn.”
        Tôi nhìn lên sườn núi. Cây còi cọc, thưa thớt, đá chập chùng. Gió thổi đùng đùng. Gió Tu Bông! Cuối năm rồi, vài tuần nữa đã sang năm 2002. Đứng trước thiên nhiên, trước gió, bên cạnh những tảng đá đồ sộ, con người thật nhỏ bé… Núi đã nằm đây từ bao đời. Đá này có từ bao triệu năm? Nếu theo lời các chuyên gia thì đến ngàn năm nữa chúng ta mới khai thác cạn nguồn khoáng sản này. Phải vậy không? Nếu đúng, thì ta có thể hình dung, hai trăm năm sau, vào những ngày cuối của năm 2201, dưới chân núi này những người thợ vẫn cần mẫn chẻ đá (với sự hỗ trợ của nhiều máy móc?) Và tại Ban chỉ huy công trường các viên chức vẫn hí hoáy soạn nhửng bản báo cáo tổngkết, đánh giá tình hình sản xuất trong năm cũ, và đề ra chỉ tiêu, phương hướng cho kế hoạch sản xuất năm mới… Tháng ngày nối tiếp nhau. Thời gian xoay vần bất tận. Đá núi vô tình, thản nhiên, câm lặng và hùng vĩ ./.

          3-1-2002

KÊU AI


Tấm giấy mỏng in chữ mờ trông chẳng có một chút giá trị, nhưng ta đã ký vào đó chữ ký sáu nét đẹp mắt, nhận rằng vừa vui lòng moi ra ba mươi bốn ngàn, để chỉ mua tấm giấy, ông tán Hoàn nghĩ, buồn. Dư biết nay giá hớt một cái tóc một trăm, tiền xuống giá ghê gớm, nhưng bỏ đi hơn ba chục ngàn đồng mau lẹ thế này không thể kềm giữ cho lòng đừng tiếc. Đây là giấy chứng nhận, gốc tích của nó là những “phiếu kháng chiến” ngày trước, dân quê nhiều người đã được dịp mua thứ phiếu này. Toán cán bộ miệng lưỡi ngày đó đã bảo quốc dân giữ lấy phiếu, sau cách mệnh thành công thì những gói giấy sẽ biến ngay thành gói tiền. Trước đóng góp giúp kháng chiến, sau như là để dành. Lâu nay ông Tám cũng chẳng nhớ mình đã nhận từ tay giáo Vân bao nhiêu “tờ chứng nhận”, vì hễ Vân quay mình khỏi ngõ là ông vội thảy lò đốt. Nghĩ đùa, biết chừng nào thứ cách mệnh này mới chường mặt về đây. Chữ ký của giáo Vân có giá trị chăng, muốn ký lúc nào chẳng được. Trong cuốn học bạ của thằng Trang, giáo Vân ký trong cột dành cho giáo sư sử địa nằm thật khiêm nhường, đâu thấy vẻ ngạo nghễ như cái chữ nằm cuối tờ chứng đã trao tiền.
Ông Tám thường thấy bà Tám tùy tâm giúp chùa này một ít, hội nọ một ít, để đúc tượng, xây trường sở. Vừa rồi giáo Vân nói hai tiếng “tùy tâm” làm ông muốn cười, dù đang rầu. Lần này không phải tiền hai tháng góp một lần, thường lệ. Hình như một chiến dịch gì đó đã mở ngoài miền quê, trên rừng cao, đã “thắng lợi lớn”, “dân quân hết lòng nô nức”, chỉ còn một điều mọi người nên làm, có thể làm là đóng tiền “để bộ đội tùy nghi dùng, chứng tỏ chúng ta luôn quay đầu hướng nhìn tiền tuyến”. Giáo Vân nói thông, nói mau, mặt mũi lộ vẻ hớn hở như cái bộ đội anh nói đó đang nằm sau bến xe hay tại sân vận động. Quay nhìn về tiền tuyến! Lúc nào nói tới tiền tuyến là thấy hao của, hao sức. Thằng Trang đang có mặt ở tiền tuyến, tháng nào nó cũng gửi thư về nạo tiền. Thư mới nhất chạy về hôm thứ tư nó kêu om đang đói lại mất đồng hồ, cần ít ra cũng hai lăm ghim, “trông thư cha từng phút”. Vân nói:
- Thầy tùy tâm, mấy cũng xong mà, ai bắt ép chi đâu… hà. Chiến dịch tiến triển tốt lắm, thầy. Ta, mọi người phải tỏ rằng, vâng, luôn luôn…
Dưới nhà mấy ông khách cười to. Quạt rần xoay chành chạch buồn nãn. Vân cuốn cong tập báo trong tay. Các tập báo này, như các phiếu nhận tiền, chỉ đem đến cho ông Tám nhiều lo buồn. Vân vẫn thường biếu “thầy Hoàn” tập báo, tài liệu, đọc nó sẽ rút ra được nhiều bổ ích.
- Sao thầy cứ chịu để thằng Trang trong ấy, nó về đây ai dám động nó, thầy dư dả lo chuyện gì chẳng xong, tiền mà. Đi mãi như vậy, chống nhân dân…
- Tôi, tôi nói nó đâu nghe cho. Hồi đăng lính nó mạo chữ ký tôi… nó lại cho tiền lũ ở xã, giấy nào cũng xong trớt, kể gì cái giấy vụn cha mẹ thuận cho con đi lính.
- Thầy, tức quá…
Vân có nhiều chuyện để nói, chuyện nào nghe cũng mạnh và ngọt. Năm trước trông anh ngù ngờ ít nói, ai ngờ. Bao giờ cũng thế, lúc mới tới, chào hỏi, uống ly nước, rồi anh ta nói chuyện gần, nhỏ, nội bộ, như tại sao lại lấy tên tiệm hớt tóc là Mỹ Tiến. Còn hàng vạn tên khác, đẹp gấp trăm lần, như Bích Đào, Tiến Dũng, Túy Hằng, hay là Tiệp Tiến, Nga Tiến. Nga lại không tiến nhanh hay sao, đâu phải chỉ Mỹ mới biết tiến. Lại còn cái tiệm sắt “Mỹ Tiến Mãi” nữa, sao không đặt là Mỹ Tiến đệ nhị, Mỹ Tiến số hai La Mã. “Thầy… có nhiều cái không chỉnh, dù nhỏ”. Sau, chuyển lần sang việc chính, đóng tiền, ti thế giới xã hội.
- Cụ Quảng Dân nghe lọt tin thắng dồn dập của ta trong chiến dịch đầu hè này cụ mừng lắm. Ngoài việc góp phần cho chiến dịch như mọi nhà, cụ còn xung phong đỡ đầu một thôn miền Trung, hứa sẵn lòng giúp thôn này máy móc, đồ đạc, thuốc men…
Vân sung sướng:
- May mà có tôi nói ông cụ mới biết đó chớ. Suốt ngày cứ hì hục làm việc, hàng này chạy sang hàng khác, nào chịu bỏ thì giờ nghe ngóng tìm hiểu chi đâu… nói dại, bộ đội ta vào sát bên lưng, dân chúng liên hoan mít-tinh ngợp trời, có khi cụ cũng chưa biết. Nhưng, cũng được, tích cực vậy cũng khá rồi.
Thầy Tám thường nghe Vân ca ngợi ông Quảng Dân. Không hiểu trong phố này ngoài ông và bên Quảng Dân ra, giáo Vân còn bắt mối với ai nữa. Nhà Quảng Dân hăng hái cũng phải. Và, chỉ phải chịu khổ với một giáo Vân, chớ có đến bảy giáo Vân họ cũng thừa hăng hái. Tiền của ấy đem buông sông suốt buổi hông hết. Miễn làm sao nhà cửa nguyên vẹn, con cái đừng bị khó dễ. Các tiệc tùng đãi đằng, này nọ, thuế khóa, cộng với vụ giáo Vân chỉ tốn hao nhiều lo nghĩ, thì giờ hơn là tiền bạc. Thì giờ sinh ra tiền. Tiền dàn trải được nhiều chuyện. Thằng con Quảng Dân coi một quận trên cao nguyên, nó chức tước địa vị mà vẫn bám vào túi của cha như hồi còn đi học, nhưng nó làm ông Quảng Dân hãnh diện.
- Tôi có đề nghị cụ Quảng đổi Quảng Dân ra thành Quân Dân, nghe mạnh, thầy nhỉ? Quảng Dân, Quản Dân nghe Tàu quá!  
Ông Tám đồng ý:
- Hay đổi thành Thương Dân cũng được. Nhà hàng Quân Dân, tiệm trữ âu dược Quân Dân, còn nhà ngủ thì nhà ngủ Thương Dân… đẹp biết mấy.
Ông Quảng Dân chỉ còn ở nhà một đứa con gái, vừa coi tiệm ăn vừa coi nhà thuốc. Công việc hàng núi, bề bộn chắc không còn giờ để nghĩ đến chuyện mỹ thuật này. Mấy mươi năm hình như chưa ai thấy ông Quảng Dân ngồi nguyên hai giờ liền trên một cái ghế. Ông lăng xăng, nôn nóng, bước ra bước vào, chạy đây chạy đó. Nhờ lăng xăng vậy mỗi ngày ông mỗi giàu dữ.
Anh thợ chạy lên lấy tiền lẻ. Anh nói hôm nay lính về, đông quá, còn năm người ngồi đợi, “mọi bữa thì mình ngồi đợi khách mỏi cả lưng, ngoáy tai chơi muốn chảy máu!”. Ông Tám muốn chạy xuống làm vài cái đầu, giúp họ, nhưng vẫn chưa thấy khách quý nhích lưng. Ngồi im lặng Vân lấy trở lại cái dáng ngờ ngệch thường thấy của anh ta. Vân nói xưa anh có học “thầy Hoàn” mấy tháng, còn nhớ bộ dạy giọng nói của thầy đến giờ. Ông Tám cám ơn, thực tình ông không nhớ, lâu quá rồi, đã biết bao nhiêu học trò qua đi trong các lớp học ông đứng liền hai mươi năm dài.
- Năm ngoái tôi có nói với Trang ngày trước tôi học thầy… không nói nhưng tôi để ý giúp Trang, ngặt cái Trang nhát quá.
- Tôi biết, nó làm biếng nổi tiếng. Chỉ mấy cái quán nước dưới bờ biển là khen nó.
- Đặc tính thầy là cho 19, 20 điểm nếu đúng, còn sai thì không điểm, chớ không có ba điểm rưỡi, bốn điểm an ủi, tôi nhớ… thầy thường nói học hành chớ đâu phải ở chợ mua bán, kỳ kèo.
Ông Tám cười, chịu anh chàng nhớ dai, đúng anh chàng có học mình.
- Đi dạy tôi theo điều này của thầy… À, có lần thầy cho tôi không điểm vì sai bốn lỗi chính tả trong bài toán, tôi gần muốn khóc thầy mới sửa lại.
- Đúng rồi… đúng, tôi ghét những anh cẩu thả. Ngày đó, tôi cho không cẩn thận như vậy là vô lễ, là tập tính hư cho mình. Viết đúng chính tả tốt lắm chớ.
Ông Tám lại cười, vui vui. Vân cũng cười. Một đoàn xe nhà binh chạy rề tới, rồi đậu lại. Chiếc đầu qua khỏi quán ông Tám năm căn nhà, chiếc chót nằm đằng cuối đường. Xe lớn chở thùng cây, thùng hộp, bao gai, bàn tủ và lính. Xe dừng chắn ngang cửa Mỹ Tiến chở gỗ, những cây gỗ dẹp lớn bó từng kiện, vừa như gỗ cột nhà vừa như gỗ làm cầu. Tốp lính ngồi nghểu nghến trên cao tụt xuống, cởi áo giũ bụi, rút vào quán, vài người tới nhìn các ảnh ca sĩ, mấy người khác mượn sắt ngoáy tai, và mở dao tự cạo mặt, khen, cười, bình phẩm rùm nhà. Lính các xe khác túa lại bu kín hai xe trái cây xay, ngoài nhìn vào không thấy được các cô đứng bán, chỉ thấy mấy chiếc đầu tóc và nghe tiếng phân bua của các cô. Giáo Vân nhăn:
- Ồn quá. Sao mà bọn họ tới đâu là… làm như…
Rồi anh mở cuốn báo chỉ cho ông Tám mấy bài đáng đọc, đặc sắc “nói lên được một phần công cuộc chiến đấu thần thánh đang tiếp diễn và tinh thần dũng mãnh của bộ đội”. Thầy Hoàn nhìn trang báo và thấy cái rộn rịp của cửa quán bên dưới, thấy tờ bạc thẳng của người lính móc ra trao cho anh thợ nhà. Anh trời ơi này ngồi lâu quá, hay còn muốn bày thêm việc gì.
- Cụ Quảng Dân góp bốn hai nghìn đó thầy, cụ rộng rãi.
Biết rồi, lúc nãy ông đã nói rồi, khi nào cụ Quảng cũng rộng rãi, ông Tám bực bội.
-… người bụng dạ cởi mở vậy hèn chi làm ăn cứ phát luôn, về già càng giàu lớn. Không biết phải gọi cụ là gì, vượt triệu phú, tỉ phú, ngon hơn các tỉ phú của nước này.
- Tỉ tỉ phú – Bỗng dưng ông Tám khôi hài.
Nhận xét thế nào mà giáo Vân bảo ông Quảng Dân mát tay. Ông Tám kỳ nào cũng cho tiền góp thêm lên, đầu hai mươi ngàn, rồi hăm lăm ngàn, sau này đến ba mươi chẵn, và kỳ đặc biệt này đã lên quá. Giáo Vân đến ngồi lâu, chuyện vãn càng dai thì ông móc tiền càng mạnh tay. Y ngồi mãi ông nhấp nhổm, trong lòng chẳng yên. Ngày đầu tới đây thuyết phục, Vân đưa ra tờ biên nhận về phần ông Quảng Dân làm bằng, để thầy Tám yên tâm, noi gương. “Cả phố này ai cũng đã hưởng ứng, hoan nghênh quân dân đấu tranh, thầy khỏi ngại. Thầy nên lấy làm buồn là thầy đã không được vinh hạnh làm một trong các nhà đứng lên đầu tiên, vì tôi biết, tinh thần thận trọng”. Anh ta làm bộ thấp giọng: “Ta thắng đến nơi, nói theo kiểu dí dỏm: ta đã thắng đến đít rồi. Mở mắt lúc này còn là chậm… từ từ, tôi sẽ giải thích thầy rõ!”. Ông Tám đã quên mất cái mặt rầu rầu, cái lưng hơi khom của thầy giáo Vân thường ngày vẫn ngồi trên xích lô đạp chạy chậm qua trước quán trên đường đến trường. Giờ anh ta có vẻ lạ, miệng mồm, da bớt xanh đi, sao sao ấy. Anh đưa cả bàn tay chỉ ông Tám thấy số tiền cụ Quảng vừa “rất vui mà đóng”, cùng cái chữ ký dài cụ đã “vui mà ký xuống”. Sáu mươi bốn ngàn năm trăm lẻ. Nay ông cụ chỉ đưa trên bốn chục, vậy chỉ có ít đi, rộng tốt chỗ nào. 
Vân đứng lên, tưởng muốn bước, lại ngồi xuống. Anh ta đẩy tập báo về trước:
- Thầy giữ, đôi tháng mới lãnh được vài tập, phương tiện eo hẹp… mình nên thông cảm với Mặt Trận.
Vân đứng lên, quay ra. Ông Tám đứng theo, vỗ lưng mình vài cái, cảm thấy dễ chịu. Ông bắt tay khách hơi chặt. Vân tươi tỉnh nói câu chào, hẹn gặp “thầy đã giúp tôi hoàn thành tốt công tác”. Anh ta mạnh dạn bước xuống lầu. Nhưng thầy tám Hoàn vừa đem tập báo bỏ vô tủ chưa kịp khóa thì đã nghe nhiều tiếng nói lớn, như có cả tiếng la, như đánh phá dưới đường. Ông chạy xuống thấy lính và thường dân, nhiều đàn bà, bu quanh chiếc xe díp. Giáo Vân nằm ngửa, sát bánh xe sau, chiếc gắn máy móp nhiều chỗ. Anh giáo bị chiếc díp kè, làm anh té. Đám đông nói inh về lỗi do bên này, lỗi do bên kia. Một anh lính giả nói đớt chọc chị đàn bà đang lớn tiếng bênh nạn nhân. Nạn nhân chẳng hề gì, nằm mở mắt, nói được. Một bà già nhanh nhẩu bỏ rổ, ngồi xuống, mở khuy áo, dây nịt cho ông giáo. Đồ bung ra, một cuốn sách trước bụng anh ta rướt xuống đường, anh lính đứng gần cúi lượm. Đó là tập báo, tài liệu , như tập ông Tán Hoàn vừa được tặng. Anh lính nhìn hoài cái bìa báo, rồi bỗng đọc to lên. Đám người bốc ồn thêm, ùn ùn bám theo anh lính cầm báo, có người đạp cả lên chân kẻ té xe.
Hôm sau trong phố ai cũng hay vừa có vụ lường gạt lớn bị bể xảy ra ở đây. Báo thủ đô tường thuật lại rất nhiều chi tiết, ly kỳ, đầy đủ, rõ ràng hơn ai hết. Họ bảo giáo sư Vân dạy ở trường trung học tỉnh là anh bợm, bịp tài tình, mánh khóe đầy bụng, công nhiên hành nghề từ hai năm nay chẳng ai biết. Anh ta kiếm ở đâu đó những tài liệu cũ của quân đối nghịch chính phủ, đem về dọa, làm tiền hầu hết những tay có máu mặt trong vùng. Tội nghiệp hơn hết, trong số nạn nhân có cả ông anh trai của quan tỉnh. Tờ Đại diện Phụ nữ còn kể: “Giáo sư Lý Phi Sơn Vân nay băm chín tuổi, vợ bốn con, trước khi vụ này nổ ra giáo sư Vân trông cũng như bao nhiêu giáo sư khác, ông làm viêc tận tâm, đều đặn, không thấy triệu chứng nào tỏ rằng trong người ông chất chứa cả một trời bí mật, ghê gớm. Bổn báo phái viên đã có mặt tại nhà riêng giáo sư, số 96 Lê Đại Hành, xin được tiếp chuyện bà Vân. Theo sự dò hỏi…” Cạnh đó là hình bà Vân ẵm đứa con nhỏ nhất mới chín tháng. Và, họ bảo, vưa bịp Vân chưa hề giữ trong tay khẩu súng nào, vua có sáu cô vợ nhỏ, mỗi cô ở một nhà riêng khá lớn. Câu kết của tờ báo đông khách nhất là: “Chính trời xanh oái ăm vừa chấm dứt cuộc sống của một tiểu vương” Kèm sau một dấu chấm than ./.

GIÀU NGHÈO NGỔN NGANG


        Khương bước xuống bến xe thị xã Đại Bình trong tâm trạng một du khách. Trước kia anh đã từng qua lại đây nhiều lần nhưng chỉ ngồi trên xe, nhìn thoáng qua, chưa ở lại ngày nào.
        Khương định bụng sẽ thả bộ, ngắm nhìn phố xá chừng nửa giờ cho giãn gân cốt, rồi vào quán cơm ăn trưa, trước khi đến khách sạn. Nhưng anh mới đi vài phút đã gặp bạn. Một người đàn ông đi vespa, chạy chậm, tới đỗ sát bên anh, kêu toáng lên: “Ôi, Lâm Khương, ông bạn vàng!”
        Khương nhận ra Bảng, người bạn thân thuở nhỏ, lúc anh ở Đà Nẵng.
        “Mày làm gì ở đây?”
        Khương kể vắn tắt: mẹ anh bị một chứng bệnh giống như thần kinh tọa, chữa nhiều năm chưa khỏi. Nghe nói Đại Bình có thầy Bảy Nồng giỏi nên đến thỉnh ít thuốc. Khương không mặn mà với cái món am miếu nhưng vẫn đi, để mẹ anh vui lòng. Bảng cho biết, thầy Bảy mới nổi lên chừng nửa năm nay. Giỏi đến đâu không rõ, nhưng người tứ xứ đổ về ùn ùn. Khách đông, nên tới sớm, xếp hàng, lấy phiếu thứ tự. Anh nhấn mạnh một điểm: đến cầu xin tại am này hầu hết là dân thập phương, người “bản địa” rất ít. Bảng bảo, yên chí, sáng mai anh sẽ chở Khương đến đó.
        Ngắm Khương, Bảng nhận xét: “Mày trẻ, chẳng khác xưa mấy tí. Coi tao đây, bệu, mập quá cỡ phải không?”.     Bảng diện đồ lớn, người đẫy đà, có vẻ già. “Ai cũng nói tao già! Thôi, lên đây” Bảng vỗ yên xe, “rồi tụi mình sẽ nói chuyện, nói suốt ngày nay”. Khương lên xe. “Có thể mình trẻ thật, vì mình không phải lo nghĩ, giành giật, bảo vệ cái gì to lớn, cũng chẳng sợ mất mát tài sản này, chỗ ngồi nọ”, Khương nghĩ. Chạy được một đoạn, Bảng nói: “Mày định tìm khách sạn? Xóa ngay ý đó… Tới ở nhà tao. Mày hên, tha hương ngộ cố tri! Về đó, thuận lợi lắm, gần trung tâm thị xã, rộng rãi mát mẻ. Trời đất, mười bảy mười tám năm nay chúng mình mới gặp nhau!… Quyết định rồi, về nhà tao, đừng tơ tưởng đến mấy cái khách sạn nữa!”.
        Xưa kia Bảng và Khương học cùng lớp liên tục chín, mười năm, thân nhau như hình với bóng… Xe chạy nhanh qua năm, sáu con phố. Bảng hỏi: “Mày thấy Đại Bình thế nào?”. “Chắc mày muốn nghe những lời khen?… Đẹp, sáng sủa, nhưng chẳng có gì độc đáo. Đây hao hao Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Rang”.
        Nơi đến là một khách sạn sáu tầng rộng lớn. “Nhà tao đây!”. Bảng nói. Thấy Khương ngơ ngác, anh giải thích: “Cơ ngơi này của bên vợ tao cả đấy. Ông bà nhạc, cả nhà vợ đi Canada tuốt, tụi tao hưởng sái, làm chủ bốn năm nay”.
        Bảo Khương ngồi nghỉ trên một ghế dài trước hành lang, Bảng đi loanh quanh một lúc rồi trở lại.         “Định giới thiệu bà xã tao với mày, nhưng bà ấy đi vắng. Có thể tóm tắt mấy điểm về tổ ấm của tao để mày nắm tình hình: bọn tao lấy nhau đã hơn mười năm, có hai con, một gái một trai. Bà xã tên Kim Ngọc, kém tụi mình bốn tuổi, trước là dân trường Tây.” Bảng tóm lấy cái túi xách của Khương: “Lên đây, mình chỉ phòng, tắm rửa nghỉ ngơi”. Đến trước một gian phòng ở tầng hai, Bảng nói:  “Thế này nhé, có một điều mày lưu ý giùm, trước mặt Kim Ngọc chúng ta nên xưng hô “tôi, anh” hoặc “cậu, tớ”, đừng xài “mày, tao”. Lằng nhằng như vậy, vì Ngọc muốn tao đổi mới, thành một anh trí thức trưởng giả thành thị… Chỉ vậy thôi, còn lại là tự do, tự nhiên, như ở nhà mày vậy.”
*
        Bỗng dưng Khương sướng ngang. Vợ chồng Bảng tiếp đãi anh như thượng khách. Anh được ở phòng đặc biệt, một căn phòng thênh thang, bàn ghế bóng lộn, giường tủ đẹp. Khương nghĩ: “Phòng này sáu người ngủ vẫn rộng. Nếu Hoa, Hải – các con anh – được ở đây một ngày chắc chúng sẽ trầm trồ cả năm!” Lâu nay gia đình anh sống chen chúc trong căn nhà năm mươi hai mét vuông, chật hẹp, ngột ngạt.
        Bảng trao cho Khương một chìa khóa xe gắn máy và chìa khóa phòng sách. Anh bảo, muốn đi chơi đâu thì sẵn xe, muốn đọc sách lúc nào thì xin mời! Đây là đặc quyền của khách quí… Phòng sách nằm kế phòng Khương ở, rộng như thư viện huyện, sách xếp kín bốn bức tường, lên đến tận trần. Ông thân sinh Kim Ngọc là tay sưu tầm sách. Ông nguyên là giáo sư triết, dạy học hơn ba mươi năm. Bảng nói với giọng tự hào: “Phòng sách này làm tao khác với các vị nhà giàu khác”
        Khương được phục vụ chu đáo. Các bữa điểm tâm và các cữ cà phê tối người làm mang đến tận giường. Hai bữa cơm chính anh ăn với gia đình Bảng. Nhưng những bữa ăn này làm anh lúng túng, mất tự nhiên. Anh không quen với lối ăn uống cầu kỳ, rườm rà. Mấy chục năm qua anh sống ở nông thôn, giữa những người dân quê mùa. Bữa cơm nhà anh không có bàn ghế, không mời mọc, không rượu nhẹ nho tươi. Đây là kiểu ăn lấy no, mau lẹ, đơn giản. Chỗ nào ăn cũng được. Thường là mọi người ngồi bệt xuống nền nhà, ăn mạnh bạo, cười nói ồn ào vui vẻ… Bữa ăn ở đây trịnh trọng, thịnh soạn, kéo dài cả tiếng, với nhiều nghi thức như trong các gia đình quyền quý ngày xưa. Ngay như ghế ngồi cũng đã quy định sẵn, ai có chỗ nấy, không tùy tiện. Ngồi vào bàn, hai con Bảng nói liến thoắng: “Mời má dùng cơm, mời ba dùng cơm, mời chú Khương dùng cơm.” Kim Ngọc nói, kèm theo nụ cười: “Mời anh Khương dùng cơm, mời mình dùng cơm.” Bảng cười: “Vâng, mời anh Khương, mời mình.” Bên cạnh đó còn mèo trên ghế, chó dưới bàn, khăn lót chén, giấy lau, ly tách, trái cây, rượu, hoa, đủ màu sắc, lắm kiểu dáng, la liệt, rối mắt! Khương ăn chậm rãi, khoác cho mình bộ mặt dửng dưng, làm như các món cao lương mỹ vị trước mặt là thứ anh vẫn dùng hàng ngày.
        “Ôi dào, ăn cơm ở đây, tao hãi!” Khương nói với Bảng. Bảng cười: “Quý phái, lòng thòng? Năm hôm là quen thôi! Thực bụng, tao cũng không thích, rõ ràng là nó kịch, phù phiếm, nhưng Ngọc bảo phải như thế, vì ở đây thường tiếp khách, toàn khách hạng sang. Mày chịu khó hòa nhập. Người xưa nói “nhập gia tùy tục”, nhớ không? Hai đứa tao cũng mới áp dụng kiểu sinh hoạt này bốn năm nay, từ khi về đây.”
        Các buổi tối, sau 10 giờ, Bảng thường đến phòng Khương chơi. Đôi bạn nằm chung giường, tán đủ thứ chuyện trên đời, và say sưa ôn lại những kỷ niệm thời xưa. Bảng hỏi về các bạn cũ, ai còn, ai mất – hỏi về những đổi thay của các thành phố mà hai người cùng biết – hỏi cặn kẽ về vợ con, chuyện làm ăn của Khương. Anh băn khoăn khi biết những năm qua Khương vất vả, sống trong cảnh eo hẹp, thiếu thốn. “Thế mà mình có biết gì đâu… Tụi mình mất hút nhau, hầu như quên hẳn, không biết còn có nhau trong đời, bạc thật.” Hai anh hàn huyên đến một, hai giờ sáng mới dứt.
        “Vài hôm nữa tao sẽ đưa mày về tận nhà.” – Bảng nói – “Hơn ba trăm cây số. Khỏe, như chơi, mình chạy tà tà năm tiếng là cán đích… Tao muốn ra mắt vợ con mày. Tao chẳng có bạn thân nào khác. Đúng vậy, số bạn quanh đây của tao chỉ là bạn làm ăn. Kiếm được thằng bạn thân không phải dễ”. Và Bảng thổ lộ, anh sống trong nhà này, vương giả, sung túc, nhưng không thoải mái: “Dường như có một bức màn xám, mờ đục, lúc nào cũng treo ngang mắt mình. Và có một vật gì đó, như cuộn chỉ rối khổng lồ cứ lởn vởn quanh chân. Mình bị dòm ngó, thúc ép, ràng buộc… Ngay như việc nằm đây chơi với Khương cũng có vấn đề. Phải đóng kín cửa, sợ Ngọc nhìn thấy. Cô ấy sẽ buồn khi thấy chúng mình nằm như thế này. Cô ấy muốn, chuyện trò cũng phải ngồi ở bàn, ngay ngắn, nghiêm chỉnh, như trong lớp học vậy!” – “Mệt nhỉ” – “Ừ, mệt, một thứ mệt ngầm… Bực lắm, nhưng sau nghĩ lại, ta nên ngả theo chiều gió thôi, làm gì có cái tuyệt đối trong cuộc sống?”.       “Đúng vậy”.         “Chưa hết đâu. Kim Ngọc còn quan tâm đến cương vị của mọi người. Với ai cô ấy cũng muốn biết rõ chức vụ, học vấn, nghề nghiệp, các khả năng nổi trội…” – “Mệt nhỉ.” – “Ừ, chán ngắt! Mình đoán, đến một ngày nào đó mình sẽ biến thành một ông Kim Ngọc!… Điều đáng nói là, trước đây tính cô ấy không phải như thế!” – “Chắc do môi trường sống, phụ nữ thích nghi rất nhanh với…” – “Nhưng, nói cho công bằng, Ngọc không phải người xấu. Cô ấy rộng rãi, hiếu khách. Ngọc cũng không độc đoán. Cô ấy nói: Em không mong muốn gì cho riêng em. Em muốn có được mọi điều ích lợi, tốt đẹp cho chúng ta, cho cả nhà.” – “Khôn khéo lắm” – “Cô ấy chỉ đề nghị mình nên làm điều này, việc kia, không hề buộc mình phải tuân theo những luật lệ, qui tắc nào cả.” – “Trong đời đã có vô số luật lệ.” – “Nhưng mình vẫn thấy nó cồm cộm thế nào ấy. Và nhiều lúc mình nghĩ: giá được quay trở lại sống như trước kia thì sướng quá!” – Khương cười. “Mày nghĩ thế thật sao, điên!” – “Có thể là dại, nhưng mình đã mong vậy, không chỉ một lần… Cái khách sạn này, Khương thấy đó, đẹp, đồ sộ, hàng tháng đem về cho mình cả đống tiền, nhưng nó vốn là của cha mẹ Ngọc.” – Một lát, Bảng tiếp: “Mình sẽ đi chơi với Khương một tuần, sau đó vù lên Đà Lạt mươi ngày nữa. Chắc chắn Ngọc sẽ không vừa ý, nhưng mặc xác cô ta!. Mình muốn đổi gió. Mình đã thấm mệt… “Anh nên làm như thế này, đừng làm theo cách đó… Có lẽ anh phải… Em nghĩ có lẽ anh cần…”. Những điệp khúc ướp mật đó đã được tấu lên dồn dập, đầy ứ! Mình ngán, đau tai, nặng óc!… Nghiệm lại sẽ thấy, trên đường đời, lắm lúc ta khó biết được thế nào là đủ, là thiếu, cũng khó biết thế nào là sướng, là khổ!”.
*
        Mua thuốc xong, Khương ở lại Đại Bình chơi một ngày, rồi xin về, nhưng Bảng không cho. “Mày ở lại chơi ba ngày nữa. Không có gì phải suy nghĩ, ngần ngại. Ba ngày. Mấy cái việc ruộng vườn có quái gì phải gấp!. Sau này biết đến bao giờ tụi mình mới có dịp tái ngộ”. Anh giấu biệt xách hành lý của Khương. “Nếu mày cứ khăng khăng đòi về thì đừng phân bua, đừng nói đến tình anh em, bạn bè chi nữa.”
        Dù lòng rất bồn chồn, phân vân, nhưng Khương cũng phải nán ở thêm. Bảng mừng rỡ, hí hửng như đứa trẻ được quà.
        Tối ngày thứ năm Bảng bê đến cho Khương một thùng giấy, vuông vức, bọc giấy màu, thắt nơ rất đẹp.
        “Đây là quà cho Lâm phu nhân và các tiểu thư, công tử! Kim Ngọc làm cả đấy. Đích thân cô ấy đi mua, về gói ghém, trang trí.”
        Bảng có vẻ vui thích: “Về chuyện mình đi chơi với Khương, Ngọc không phản đối, tức là thuận! “Tùy anh”, chẳng rõ lắm, nhưng có thể coi là thuận!… “Tùy anh”, cô ấy vốn ít nói!”.
        Quả thực, Kim Ngọc ít nói, chỉ một lần chị hỏi Khương về chuyện vợ con của anh. Chị có một nét gì hiện rõ trên mặt, khiến Khương ngờ ngợ. Mãi sau, lúc gần về, anh mới gọi được tên của nó, đó là sự tự tin no đủ thỏa mãn.
        Mấy ngày qua Khương cứ ngỡ Bảng nói cho vui, đâu ngờ anh muốn đi thật. Khương thấy khó nghĩ. Anh không muốn Bảng về thăm nhà anh. “Tốt khoe xấu che”. Anh không muốn Bảng thấy cảnh sống nghèo nàn, nhếch nhác của mình… Nghèo chẳng có gì xấu, người ta nói thế. Nhưng sau khi đã nghèo khá lâu Khương cho rằng nghèo cũng không phải tốt. Nó là hiện thân của sự nặng nề, tối ám, đáng bị vứt bỏ, đáng được che kín, giấu kỹ. Nhưng cản ngăn Bảng bằng cách nào? Nên nói với anh ấy những gì? Trí óc Khương rối tung, bí rị… Gần trọn một ngày anh nằm nghĩ về chuyện này. Nó khiến anh lo lắng thực sự. Người anh đờ đẫn, như sắp phải làm một công việc khó khổ. Khương rất sợ bị người ta thương hại. Nếu Bảng không giàu thì khỏe quá, chẳng có gì để nói… Sau cùng, Khương cũng tìm được cách giải quyết: anh sẽ ra về lặng lẽ, bỏ đi khỏi nơi đây, không cho Bảng biết. Chỉ gói thuốc là quan trọng, túi hành lý chẳng đáng kể. Về, như chạy trốn, như kẻ có tội phải lánh mặt. Làm vậy có vẻ khó coi, không bình thường. Chắc Bảng sẽ giận. Chắc Kim Ngọc sẽ gọi anh là gã quái gở, một tay nhà quê sặc mùi bùn. Nhưng mặc chị ta, anh chẳng cần khen chê, khi cái sự chê khen đó không đem lại đồng xu nào! Khương muốn làm như thế. Chỉ còn cách đó… Không phải tất cả các vở kịch (kể cả kịch đời) đều kết thúc giống nhau. Có vở kết có hậu, có vở bi thảm, có vở kết hợp lý, nhưng nhiều vở thì chẳng khác gì chuyện thần thoại! ./.
 

GẶP LẠI

        
        Hôm đó, trên chuyến xe đò từ Cầu Đúc đến Thới Thuận – hơn 200 cây số – tình cờ Lộc ngồi cạnh chị Thủy. Ở cùng làng, hai nhà chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng xưa giờ Lộc chưa trò chuyện với Thủy lần nào. Thú vị, vui, nhờ chị mà quãng đường dài qua nhanh. Thủy thích nói, biết pha trò, có những nhận xét phân tích đánh giá về nhiều mặt của cuộc sống khá tinh tế. Được như thế, theo chị, nhờ sách báo. Chị đọc nhiều, “nhiều nhất xã”, thượng vàng hạ cám, mấy chục năm qua không nghỉ ngày nào… Đi đôi với nói là ăn. Mỗi lần xe dừng nghỉ, đội quân bán hàng rong ào tới, Thủy sẵn sàng mua ngay. Cốm, mè xửng, hột gà, bưởi, nho, trứng cút, thơm, măng cụt, chuối ép, táo, chôm chôm… không sót thứ nào. Chị nói:
        “Mình ăn cho vui, ủng hộ bà con nghèo… Lộc thấy đấy, họ bươn chãi kiếm sống cực nhọc lắm.”
        Chị đưa cho Lộc một túi trái cây đầy tú hụ, bảo:
        “Ăn đi, xơi hết cũng được!”
        Trong túi xách của Thủy có mấy cuốn sách, và xấp báo. Chị không giống dân quê.
        “Lộc đọc báo không?” Lộc lắc đầu:
        “Cầm tới sách, chỉ đọc vài dòng là tôi ngủ, mỏi mắt lắm.”
        Thủy có vẻ thất vọng:
        “Nhiều người như vậy, Lộc nằm trong đám đông… Cả làng ta, hơn hai ngàn người, chỉ tám chín người mua báo thôi.”
        “Người ta thích nghe nhạc, xem phim, ăn uống.”
        “Ăn nhậu, biết bao nhiêu quán… Thị trấn huyện mình nhỏ, nhưng mỗi tuần tiêu thụ ba xe hơi bia… Uống thế cũng tốt, nhưng không cân đối, cái bụng được nuông chiều, cái đầu bị xử ép!”
        Lộc ăn măng cụt, nho. Thủy ăn không ngớt, hết món này tới món khác.
        “Người  Nhật không phải Tây, dáng vóc họ chỉ nhỉnh hơn ta chút xíu, nhưng họ đá banh giỏi, viết văn hay, khoa học kỹ thuật siêu việt.”
        “Chẳng so với Nhật được, chị ạ. Đài nói, họ giàu, dân họ học đại học rất nhiều… tất cả các thành tựu đều từ cái nền học vấn ấy mà ra.”
        “Họ có những tờ báo in mỗi kỳ hơn chục triệu bản… Ta phải nhìn thấy chỗ mạnh, chỗ yếu của ta…”
        Một ông ngồi hàng ghế trước quay lại, cằn nhằn:
        “Bà chị nói nhỏ giùm,  Nhật với nhọt!… Ta đi xe đò. Các chuyện loại đó cứ để những kẻ đi máy bay lo!”
        Thủy xuýt xoa:
        “Xin lỗi anh, tôi sẽ nói khẽ.”
        Nhà Thủy giàu nhất nhì làng, chị tháo vát, biết làm nhiều nghề, kiếm tiền có vẻ dễ dàng. Chỉ có cuộc sống riêng tư của chị là xộc xệch, bất ổn. Cách đây ít lâu chị “quan hệ” lén lút với một ông hàng xóm, có vợ con, lớn hơn chị hai chục tuổi, cung cấp đề tài “thời sự” nóng sốt cho các bà các cô bàn tán. Trong lãnh vực này, xem ra sách báo chẳng giúp chị được mấy!
        Thủy đọc báo. Khoảng hơn mười phút sau, chị nói:
        “Có khi đọc hàng chục cuốn sách vẫn không ích lợi bằng biết câu này: hãy suy nghĩ kỹ những điều bạn nói, nhưng đừng nói hết những gì bạn nghĩ.”
        Lộc nhớ mang máng đã nghe câu này ở đâu đó:
        “Hình như tôi có đọc câu chị vừa nói.”
        “Trên các cuốn lịch ấy mà, người ta in đi in lại!”
        Bác tài mở nhạc, một giọng ca buồn thảm cất lên, than khóc cho các mối tình dang dở. Không còn yên tĩnh. Thủy có cơ hội nói thoải mái:
        “Thực ra, chị đọc sách chủ yếu để giải trí. Chị không để ý đến việc thu gặt ít hay nhiều trong việc đọc… Xưa kia, khi chưa có chữ viết, thiên hạ làm gì cho hết thời gian rỗi?”
        “Không rỗi đâu, họ bận rộn trong các việc tế lễ, hái trái, săn bắn, để duy trì sự sống.”
        Thủy khen:
        “Lộc giỏi đấy, chắc đúng như thế… Đâu phải người thượng cổ nào cũng u mê… Có nhiều ý tưởng, triết thuyết, đọc qua mình cứ nghĩ nó mới ra đời năm ngoái, không ngờ đã có từ thuở chúng ta còn ở trần đóng khố.”
        “Cũng như các kim tự tháp vậy mà, đã mấy ngàn năm”, ông khách ngồi ghế trước góp chuyện, chắc để khỏi phải nghe nhạc. Lát sau, ông tiếp: “Bà chị biết hơi nhiều… Phụ nữ sành như vậy sẽ… gay! Tôi dám nói, bà chị không có chồng.”
        Ông này nói lạ, chẳng lẽ phụ nữ giỏi đều không chồng cả sao?
*
        Mười sáu năm sau, vào một trưa nắng gắt, Lộc gặp lại Thủy trên một đoạn quốc lộ I vắng vẻ. Chiếc xe gắn máy của Thủy trở chứng, không chạy nữa. Chị đi quanh nó, sờ chỗ này, lắc chỗ kia. Thủy khác xưa nhiều, từ dáng người đến cách ăn mặc. Chị là Việt kiều ở Úc mới về nước.. Nắng trưa nung quãng đường nhựa sáng bóng lên, như được dội mỡ. Lộc tới giúp Thủy. Thủy nhìn anh, không nói gì. Mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt đỏ au của chị. “Thủy quên mình rồi chăng… lẽ nào quên?” Chị phát phì, to lớn hơn trước gấp rưỡi. Cũng do mập thế, nên nét duyên dáng của chị mất đi nhiều. Lộc không rành xe cộ, máy móc, nên sau một lúc lâu loay hoay, tình hình vẫn không được cải thiện. Chiếc xe đứng ì xác ra đấy, nắng càng lúc càng dữ hơn… Từ đây đến cầu Nước Mặn bốn cây số, ở đó có tiệm sửa xe. Lộc đem chiếc xe câm và cái cuốc của mình vào giấu trong đám rừng chồi, trở ra dắt chiếc gắn máy của Thủy:
        “Ta đi, vô cầu Nước Mặn, sửa xe.”
        Thủy gật, mặt buồn xo. Lên đàng. Thủy đi chậm, ì ạch, cái mũ trắng rộng vành kéo sụp xuống trán, chiếc túi lớn mang xễ trên vai. Chị thở phì phò, như đô vật Sumo xuống sức. Lộc nhớ chuyến xe năm nọ. Không hiểu giờ Thủy làm gì, có còn đọc sách nhiều như xưa? Chỉ thấy rõ một điều, nay Thủy ít nói. Hồi đó chị nói liền liền, không để miệng nghỉ. Lộc nhớ hai cái túi nhựa lớn đầy ắp trái cây chị mua, và chị bảo: “Lộc ăn hết đi… mình mua ủng hộ bà con nghèo.” Ở nơi Thủy sống hiện giờ có người nghèo không? Chị ấy làm mặt lạ, coi như chẳng biết Lộc. Quên sao được, đâu phải con nít. Nhưng mặc kệ chị ta, cái quan trọng lúc này là quãng đường khá dài, trời lại nắng đổ lửa… Lộc nhớ, trên chuyến xe đò năm ấy, ông khách khó tính ngồi ở băng ghế trước lúc đầu cự nự Thủy nói nhiều, về sau lại cùng chị “đấu” ra rả. Thủy bảo ông ta: “Đọc, chẳng thể nhớ hết. Vậy mình tìm cách để nhớ những gì mình thích. Tốt nhất là gom, đúc chúng lại, như nấu thùng nước mía thành những tán đường… Tôi thường nhớ những cái là lạ, vui vui, như:  ngay ở nước Pháp văn minh cũng có khoảng 12 phần trăm hộ không có cuốn sách nào trong nhà (không kể sách giáo khoa.) – Chỉ vì một nhúm thằng điên cuồng, chó đẻ mà hơn 40 triệu người đã chết trong thế chiến II – Phấn đấu để trở thành người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên đỉnh Everest? Tuyệt vời! Nhưng phấn đấu để thành người Việt Nam đầu tiên lên đó thì hơi lẩn thẩn!” Ông khách thích quá, ông ta hỏi đi hỏi lại: “Bà chị chưa chồng, phải không nào?”
*
        Đi hơn nửa đường, Thủy kêu đau chân, hai người tấp vào dưới bóng mát lùm cây bên đường nghỉ. Thủy lấy trong túi xách ra một chai nước khoáng nhỏ, mời Lộc. Chị nói, Lộc khác trước, đen quá, mất đến chục phút chị mới nhớ ra. Gần một phần năm thế kỷ, khác cũng phải!
        “Chị còn nhớ là mừng rồi.”
        Thủy cho biết, mốt chị sẽ bắt đầu chuyến đi chơi xa, trong nửa tháng, ra Mỹ Sơn, Hội An, Huế, Phong Nha, Hà Nội, thăm những nơi chị chưa biết. Thủy nhận xét, quê nhà có phát triển, mới, nhưng không nhiều. Mặt ngoài, nhà cửa đẹp, không còn nhà tranh, xe máy nhiều, nhưng đường, chợ vẫn hẹp, nhỏ, đầy rác. Mặt trong, em cháu của làng học cấp ba trở lên còn mỏng; số người ngồi đánh cờ tướng, tán phào cả ngày trong các quán vẫn còn đông.
        “Họ không lười, nhưng chẳng có công việc cho họ làm.”
        Thủy kể về cuộc đổi đời của chị. Chị qua Úc bằng con đường không chính đáng. Tại đó, chị lấy một người có hoàn cảnh tương tự như mình. Sống với nhau tròn sáu năm, có một con, anh ta bỏ chị, theo người tình mới. Nay chị sống với đứa con gái, làm nghề tự do.
        “Tiện nghi, vật chất tốt đấy, nhưng luôn bận rộn, ít khi có dịp nghỉ ngơi ba bốn ngày… Cái lận đận, xui rủi vẫn bám theo tôi. Lão chồng cũ ấy nói giỏi, làm giỏi, tướng đẹp. Do có nhiều ưu thế, nên lão ta hất mình. Đau, bên đó đa số đàn bà “đá” đàn ông!… Mà thôi, không dằn vặt nữa, mọi thứ qua đã lâu! Nhưng, nói chung, tôi không đạt được sự thảnh thơi, sướng thỏa theo như tôi tưởng hồi xưa.”
        Lộc muốn biết nay chị có chồng mới chưa, nhưng ngại, không hỏi.
        “Thời đó, tôi thích mấy câu nói về những người không có cần vẫn câu cá: bằng cấp là chiếc cần, tiền bạc là con cá. Nhiều người chẳng có cần vẫn tóm được cá. Họ bắt bằng tay, lưới, hoặc rổ rá… Người ta có thể câu được cá, kiếm được tiền bằng nhiều cách. Du lịch Úc theo kiểu đi chui là chiếc cần mạo hiểm, nhưng lúc đó trẻ, thừa nhiệt huyết, nên tôi dám “câu”.
        Thủy hỏi, nay Lộc sống thế nào, khá hơn xưa ít nhiều? Lộc kể ngắn, gọn. Thực ra, cũng chẳng có gì nhiều để nói, Thủy dư biết, chị hỏi vì xã giao thôi.
        “Ước mơ lớn nhất của anh là gì?”
        “Thằng con học đến tú tài.”
        “Còn anh và bà xã?”
        “Tôi chưa nghĩ tới.”
        Thủy cười xòa: “Ít quá, anh khiêm tốn, không lẽ chỉ cần chừng ấy.”
        Lộc lấy làm lạ, tại sao Thủy không tin… Có phải những người không đi xa, không đọc nhiều, thì thấy gần và nghĩ thấp?
        “Bên đó có người nghèo không?”
        Thủy gật: “Có chớ, ở đâu cũng có… Tôi đã đến Anh, Ý, Pháp… Nó, cái nghèo, như cỏ dại, có mặt khắp nơi.”
        Trông mặt Thủy tươi tỉnh, vui hơn lúc nãy.
        “Tiếc, trên chuyến xe đò năm nọ chị nói nhiều câu hay, nhưng nay tôi quên mất cả… Tôi nghĩ, biết rộng cũng thú… nhưng có điều này, tôi muốn nói, sợ chị giận.”
        “Ai giận sẽ chóng già, anh nói nghe!”
        “Ở bên Tây thích đấy, nhưng khi ta về già, chết đi, thì buồn quá.”
        “Anh muốn nói?”
        “Nằm ở đó đâu phải đất mình… lại nữa, nghe như họ đốt xác?”
        Thủy cười: “Tưởng gì! Nhiều người cũng nghĩ về chuyện đó… mới đầu tôi cũng lo như anh, nhưng…” Ngẫm nghĩ khá lâu, Thủy tiếp: “Suy cho cùng, trên đời đâu có gì hoàn hảo, tuyệt đối, hễ được cái này sẽ mất cái kia… trong nhiều trường hợp, ta phải nhắm mắt sống theo mọi người, theo số đông… Vấn đề anh nói, nhiều người giải quyết gọn lắm: già, họ về chết ở quê.”
        “Được quá!… không phải chỉ có một con đường trên đời.”
        Thủy lục tung chiếc túi xách, tìm thứ gì đó, không thấy.
        “Ở đây chẳng có tấm ảnh nào… tôi muốn cho anh xem mặt cháu, nó đẹp lắm!”
        Rồi chị nói, thủng thẳng:
        “Tôi không nói quậy như tôi là tốt. Có điều, anh làm tôi ngạc nhiên… Sống ở đâu cứ sống, làm nghề gì thì làm, tùy hoàn cảnh và khả năng của mình. Nhưng ta nên tập nghĩ rộng rộng, ráng nhìn ra khỏi lùm tre đầu làng, để biết mơ mộng, và nâng cái ước muốn của mình lên cao chút nữa.”
        Thủy cũng có lý. Nếu phải kể ra, Lộc sẽ nói: muốn xây cái nhà mới to đẹp, mua một chiếc gắn máy đắt tiền, được “cỡi” máy bay, được đi thăm hết thắng cảnh khắp nước… Nói chi xa, nay tuổi đã khá dày, anh vẫn chưa biết Huế và các tỉnh từ đó trở ra. Lộc không muốn bộc lộ những điều ấy, sợ chị Sumo sang trọng này cười. Chẳng hiểu sao, từ xưa đến giờ, từ sâu thẳm trong lòng, anh luôn kính nể những kẻ giàu có.
        Chiều hôm sau, Thủy đến thăm gia đình Lộc. Chị tặng vợ con Lộc hai chiếc áo ấm và một gói bánh, chắc để cảm ơn anh đã giúp sửa chiếc xe. Thủy nói, sắp tới chị sẽ mua một ngôi nhà tại thị trấn Tân Thanh. Cha mẹ chị đảm trách việc lựa chọn, mua sắm. Mai sau, già yếu, chị sẽ về. Về, không phải do sợ bị hỏa táng. An dưỡng tuổi già ở quê, đối với chị, là điều tự nhiên, đương nhiên, không có gì phải đắn đo, không cần suy nghĩ nhiều ./.