30 thg 10, 2015

ĐỪNG ĐẾN


        Thường ngày ông Nghiệp nói chuyện mau lẹ, rành mạch, đi thẳng vào vấn đề, không lòng vòng rào đón, chỉ cần năm bảy câu là đủ, chấm dứt. Nay hơi khác, ông đã nói ngót nửa giờ, đề cập đến nhiều chuyện, mỗi chuyện một ít, nói mãi, Hồng Anh vẫn không nắm được ý chính ông muốn trình bày. Nhưng đi lâu rồi cũng phải đến, sau cùng ông bảo:
        - Chú muốn nhờ cháu giúp cho một việc.
        - Dạ, chú cứ nói. – Hồng Anh khuyến khích.
        - Mấy lần chú định nhờ, nhưng ngại… cũng hơi khó đấy.
        - Dạ, cháu sẵn sàng. Xưa nay chú đã giúp cháu nhiều.
        Ông Nghiệp nói khẽ, gần như thì thào:
        - Chú muốn làm quen với dì Phương… Cháu hãy tạo điều kiện, để chú có cơ hội tiếp xúc.
        Khá bất ngờ đây. Hồng Anh nhìn ông Nghiệp, lúng túng. Ông đã cao tuổi, chắc phải ngót nghét bảy mươi, nhưng trông tướng người  khỏe mạnh, tóc chưa bạc, mắt sáng, đi đứng nhanh nhẹn. Đàn ông như thế còn nghĩ đến “bạn gái” cũng là thường.
        - Cháu thấy đó, chú ở một mình thế này đã lâu. Má con Hòa mất đã bảy năm.
        - Dạ.
        - Nhiều lúc buồn, muốn tìm người bầu bạn để hôm sớm có nhau, nhưng lại sợ mồm miệng người đời… Họ sẽ chê cười, già mà còn…
        - Dạ.
        - Dì Phương sống một mình cũng lâu?
        - Dạ, lâu lắm… chắc đã hai mươi năm, hay hơn nữa đấy.
        Im lặng. Hồng Anh muốn nói vài câu để giữ vẻ tự nhiên, nhưng chẳng nghĩ ra ý nào.
        - Dì cháu tuổi Hợi, chú biết.
        - Dạ, sáu hai hay sáu ba, cũng nhiều tuổi lắm.
        - Chỉ có vậy. Cháu giúp chú vượt qua cửa ải chính, cái khó ban đầu. Còn sau đó chú tự xoay xở.
        Ông Nghiệp là người hàng xóm giàu có, khá tốt. Mấy năm gần đây, những lúc túng bấn Hồng Anh thường sang nhờ cậy. Chị xin vay tiền nhưng ông cho mượn, vì “láng giềng cũng như bà con”. Hiện tại, trước sau gia đình chị còn nợ ông đúng sáu triệu đồng.
        - Chú muốn kết bạn với bà Phương, nhưng chẳng biết nên gặp mặt bằng cách nào. Không lẽ bỗng dưng xồng xộc đi vào nhà người ta… Cháu là cháu ruột, như con của dì… Nếu mọi chuyện tiến triển tốt chúng ta sẽ là người thân, cháu sẽ thành cháu ruột của chú.
        Nhưng còn cái ý thưởng công, là vấn đề tế nhị, nó khiến ông ngập ngừng.
        - Chú biết trọng nhân nghĩa, cháu giúp, chú không bao giờ quên ơn. Trước mắt, cháu khỏi phải trả số tiền còn thiếu… Nó chẳng lớn lao gì, nhưng chắc cũng xóa được cho các cháu một mối lo… nợ nần cay cực lắm.
        Đề nghị của ông Nghiệp khiến Hồng Anh lo lắng. Nó hấp dẫn, nhưng quá khó. Đột nhiên món nợ này biến mất, như cái nhọt lớn tan dưới bàn tay thầy phù thủy, thật sao? Suy tính mấy ngày, sau cùng Hồng Anh hỏi ý kiến chồng. Nghe lạ, nhưng Vĩnh nói ngay:
        - Túng thì liều, ta thưa lại với dì Ba, xem sao.
        - Dì như thầy tu, xưa giờ chưa hề nói tới chuyện chắp nối, bước thêm.
        - Đúng vậy, nhưng chắc mình phải lì, vì món nợ ác hại… dì Ba thương em.
        - Ta đóng vai trò kẻ dẫn đường, mai mối, tạo cho ông ấy một cuộc gặp mặt… chỉ có thế… nghe qua thấy cũng đơn giản.
        - Không dễ lắm đâu. Nó đáng giá sáu triệu… Ông ta thuộc hạng người coi động tác rút tiền ra khỏi túi là một biến cố.
        - Vậy em cứ nói đại, cảm tử?
        Ngay sáng hôm sau Hồng Anh đến gặp bà Phương. Trái với sự lo lắng của vợ chồng Vĩnh, bà Phương nghe chuyện với vẻ thờ ơ, chẳng tỏ ra ngạc nhiên chút nào. Bà nói có biết ông Nghiệp, nhưng đã lâu, rất lâu rồi không gặp lại. Ông ấy là tay làm ăn chí thú, cần cù. Bà vợ ông nhỏ bé, dân Quảng, thường đau ốm quặt quẹo, chết do uống nhầm thuốc… Bà hỏi, như tự nói với mình:
        - Tại sao ông ta nhớ tới dì nhỉ, ai mách? Quanh đây còn có biết bao người không chồng khác.
        Một lúc sau, bà tiếp:
        - Nay đi lấy chồng… bỗng nhiên ôm vào mình cái chuyện chồng con bùng nhùng… rồi ông ông tôi tôi, anh em em anh… có hài hước không?
        Và bà hỏi:
        - Thế là con làm bà mai đấy, không sợ à?
        Hồng Anh giật mình.
        - Dạ, ông Nghiệp năn nỉ quá, nói đi nói lại mãi.
        - Kẹt thực! Con nghèo túng, nợ nần. Dì thì chẳng có gì để giúp.
        - Dạ, con sợ lắm, nhưng ông ta…
        - Đây cũng giống như một cuộc mua bán, đổi chát… Con có hứa gì với ông Nghiệp không?
        - Ông ấy nói chỉ cần gặp, trò chuyện với dì, con không còn nhiệm vụ nào khác.
        Bà Phương chấp nhận.
        - Chỉ như thế mà sáu triệu… dũng mãnh, cương quyết lắm!
        Cuối cùng bà cũng nói những lời Hồng Anh mong đợi.
        - Được rồi, dì sẽ giúp. Có lẽ chẳng chết ai… Để xem ông ta nói năng những gì. Mình đã già, đầu có sạn, ai dụ dỗ, phỉnh gạt được mà sợ, phải không?
*
        Bà Phương rót trà ra hai ly, mời khách. Ông Nghiệp ngồi thẳng đờ, nhìn ngó quanh quất, lộ rõ vẻ bối rối. Bà Phương đẩy ly nước về phía ông:
        - Mời anh.
        Ông Nghiệp mặc bộ đồ mới cáu, tóc mới hớt chải mượt, tay phải đeo chiếc đồng hồ nhỏ dây vàng chóe. Nhìn ông, bà Phương nhớ lại lớp thanh niên thời xưa. Hồi còn nhỏ, bà thấy các anh trai chưng diện theo mốt quần trắng ống chật, áo cổ cứng cao, mang giày xăng đan da xi bóng loáng, kính đeo mắt giắt trước ngực, đầu tóc bôi đầy dầu ba số 5 trắng như mỡ heo.
        - Đã lâu tôi không đến xóm này, nay trông khác quá. Nhà cửa đường sá đều lạ, đông đảo, rộng gấp hai gấp ba trước kia.
        - Dạ, người ta đua nhau xây cất, mới rộ lên trong vài năm gần đây.
        - Không có cháu Anh thì tôi đi lạc.
        Ông chỉ tay ra đường:
        - Cái cổng hẹp quá, nên mở rộng thêm khoảng một thước chị ạ.
        - Vâng, đúng là hơi nhỏ.
        - Cái sân cũng vậy, nới ra thêm vài thước nữa nó sẽ cân xứng với ngôi nhà.
        Ông nhận xét, cái nhà trước mặt kia xây phòng tắm, nhà vệ sinh như thế là không phải, chướng, lẽ ra bà Phương nên góp ý để họ cất dịch về bên trái chừng bốn mét. Và ông nói, nhìn cái sân trống trơn, không có lấy một bụi bông, thấy buồn. Như sợ dừng lại thì sẽ bị rơi vào vùng im lặng nguy hiểm, ông kể về việc ông đã bài trí nhà cửa như thế nào, đã bỏ công đổ tiền ra để trồng, mua ba mươi chậu cây kiểng loại quí ra sao.
        - Tôi sẽ tặng chị vài chậu sứ, mai, tùng, đều là những cây lâu năm, quí hiếm. Cây mai Huế người ta trả hai triệu tôi không bán. Cây ngọa tùng lão ai thấy cũng lé mắt… Tôi dám tự hào, tôi là người biết ăn ở… Tôi coi tình nghĩa cao hơn mọi thứ trên đời.
        “Các cháu ơi, tới xem ông nội tán gái!” Ý này lóe ra trong trí, khiến bà Phương suýt bật cười.
        Ông Nghiệp nói, sắp tới chắc ông nhượng cơ sở sản xuất nước mắm cho đứa cháu. Nghề này ông thành thạo, đã làm từ thời còn trẻ. Nước mắm Hải Nghiệp vẫn bán chạy, nổi tiếng khắp vùng. Nhưng nay, do tuổi tác của ông, nó trở nên cồng kềnh, không còn phù hợp nữa.
        “Trông ông ta nói, dáng vẻ, giọng điệu giống như… giống ai nhỉ? – Như mấy ông chủ nhiệm nói trước xã viên.” Bà Phương nhìn dán vào miệng ông khách, nghe với vẻ chăm chú.
        Bằng giọng khiêm tốn cố tình, ông Nghiệp khoe, tuy chưa phải là tay cự phú, nhưng ông cũng có chút ít tên tuổi, uy tín trong quận. Ông nằm trong Ban trị sự chùa lớn Long Hòa, là hội viên danh dự Hội Phụ huynh học sinh trường Trung học Trần Phú, là mạnh thường quân của đội bóng đá Châu Thành.
        - Từ khi bước lên tuổi sáu mươi tâm tính con người ta biến chuyển. Nó như một cột mốc cao. Tới đó người bộ hành ngồi nghỉ, quay nhìn lại đoạn đường mình vừa đi qua, và hướng mắt tới quãng đường ngắn phía trước. Dù vô tâm đến mấy mình cũng phải suy ngẫm…
        “Ông ta nói có vẻ chân thành, nhưng vẫn buồn cười thế nào ấy… Sao lại tâm sự mặn mòi như vậy với người mới gặp lần đầu.”
        Ông dự định sẽ mở một tiệm bán đồ điện và vật liệu xây dựng. Có đứa cháu trai rành nghề điện phụ giúp, ông tin dịch vụ này sẽ phát đạt. Quanh vùng cũng có vài cửa hàng loại đó, nhưng chúng nhỏ, làm ăn tủn mủn. Ông sẽ là đại lý bề thế, vững chãi.
        - Tôi chỉ huy, trông coi bao quát, chạy ngoài, lo về đối ngoại… muốn vậy thì phía sau, hậu cần, phải ổn định, như một cái nền kiên cố… nghĩa là cần người quán xuyến, nội trợ, một tay xếp đặt gạo tiền, giữ tủ, cầm chìa khóa.
        “Tôi dự tính… Tôi sẽ… Tôi muốn… Ông ta vẫn nhìn về phía trước với đôi mắt của người trai trẻ, thức thời.”
*
        Bà Phương đến lúc Hồng Anh đang quét dọn sau bếp. Bà xách một giỏ cước đầy thanh long và ổi, những hoa trái trong vườn nhà.
        - Dì báo với con tin vui – Bà đưa cho Hồng Anh một gói giấy – Tiền đây, sáu triệu, để con trả nợ.
        - Trời ơi!
        - Bất ngờ hả – Bà Phương cười xòa -  của thằng Quang gửi về cho đấy, mười triệu tất cả. Chính dì cũng ngạc nhiên. Gần bốn năm qua bặt tin nó, chẳng được một lá thư.
        Quang là con trai của dì, đi làm ăn trong Nam, chưa có nghề nghiệp rõ ràng.
        - Con đem trả cho ông Nghiệp, để được nhẹ nhàng, khỏi bị ràng buộc.
        - Trời phật ơi, con mừng quá!
        - Nhận thư và tiền của Quang dì mừng suýt ngất xỉu. Điều đầu tiên dì nghĩ tới là số nợ hai triệu này… Ôi, Trời có mắt!
        - Con mừng chết được, dì ơi!… Túng làm càn. Phải nghe theo lời ông Nghiệp con cảm thấy như cầm bút ký giao kèo với bọn bất lương.
        - Dì biết. Đồng ý cho ông ta tới nhà là dì cũng làm càn… Những lần thăm dồn dập, mấy chậu cây cảnh, những viễn cảnh sáng lòa của một cuộc sống chung mà ông ấy vẽ ra làm dì rầu thúi ruột… Tháng này ông Nghiệp tới thăm dì ba lần, lần cuối là chiều hôm qua. Đúng, cuối cùng, bởi dì đã bảo thẳng rằng ông đừng đến nữa… Dì nói, tôi vô cùng cám ơn anh đã nghĩ tưởng, có cảm tình với tôi. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì thiên hạ sẽ dị nghị.
        - Chắc “anh chàng” thất vọng lắm?
        - Ờ, buồn, ngồi lặng thinh… Vì lịch sự dì phải quanh co, giải thích hơi dài. Nếu nói thiệt tình, dì không thể kết thân với ông ấy chỉ do một điều: dì chưa hề nghĩ đến… Dì liệt kê một loạt trở ngại: các con tôi không đứa nào bằng lòng. Ở tuổi này việc thay đổi cách sống rất gay, bởi mọi thứ đã thành cố tật. Tôi vụng về, chậm chạp chắc khó thích nghi với nếp sống phố thị rộn ràng. Ông còn hăng hái, xông thẳng vào chợ đời, còn tôi từ lâu đã an phận nghỉ hưu. Tôi đã quen với cảnh quê lậu, bình lặng như thế này hăm hai năm nay… ôi, nhiều, nhiều lắm!
        - Ông Nghiệp đáng thương!
        - Dù sao sự xuất hiện, đột ngột và ngắn ngủi, của ông cũng đem lại “một tác động tích cực”, nó giúp dì nhận ra được: sống như lâu nay là tự do, thanh nhàn… May phước, trời đất thương tình, thằng Quang gởi tiền về đúng lúc. Nếu không làm sao ta có thể nói mạnh miệng: ông đừng đến nữa!
        - Tiền về kịp thời, may cho dì và cho con… “Đừng đến nữa”, dì của con thật dứt khoát! – Hồng Anh cười sung sướng.
        - Phải, dì lặp lại hai lần: từ nay ông đừng đến nữa… Ông ấy ngồi im, uống hai ba ly nước, rồi về, không chào một tiếng.
        “Đừng đến” nghe có vẻ hòa nhã mà rắn rỏi, quyết liệt ./.

Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 24,
                                  22-7-1998

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét