30 thg 10, 2015

Đọc thơ BẠN THƠ


      Cách đây hai năm, một chiều hè, trong một quán ăn gần biển Nha Trang, lần đầu tôi gặp anh Đặng Cước. Được giới thiệu, anh là người chơi thơ, nhưng trông tướng mạo anh không giống thi sĩ. “Anh chàng này nom quen quen.” Mãi sau, nhớ ra, tôi thấy anh giống Lê Hồng Hảo, vận động viên bóng chuyền nổi tiếng. Anh là kiến trúc sư, dáng người anh như vận động viên thể thao, nhưng anh đang say mê làm thơ, thú vị ở chỗ đó!
      Sau 4 tiếng đồng hồ lai rai trong cái quán trên con đường có nhiều cây phượng ấy, hiểu biết nhau chút ít, tôi nhận ra: quả là anh gần gũi với thơ. Thật ra, chẳng có một tiêu chuẩn, một quy định nào chứng nhận một người hợp với nghề này hay nghề kia, nhưng Đặng Cước khác với những tay chính trị nói năng khéo léo, hoặc những vị doanh nhân lanh lợi “quá đáng”, năng nổ xông xáo “quá cỡ”, khiến người đối diện phải cảnh giác. Anh yêu thích, và hiểu thơ khá sâu.
      Ít lâu sau, tôi nhận được một tập thơ của anh. Tập sách in vi tính, dày dặn, bìa và phụ bản đẹp. Có khoảng trăm rưỡi bài thơ, đa số làm thể ngũ ngôn tứ tuyệt. Thơ ngắn, rất ngắn, cô đúc, như thơ Haiku của Nhật. Chỉ một bài dài 16 câu. Ba bài 8 câu. Hai bài 2 câu. Còn lại đều 4 câu… Nội dung phong phú. Anh viết về bằng hữu, về vợ con, về một cô hàng rong, một chàng trai trẻ nghiện ngập. Chúng ta bắt gặp trong đó những quán rượu, nhiều chùa, phật, thiền, (anh có nhiều bạn trong giới nhà chùa). Điểm nổi rõ, bao trùm, là nỗi buồn nhè nhẹ, buồn nhân thế, buồn về sự mong manh của kiếp người.
                   Sự buồn, lang thang đơn độc
                   Sự nhớ, nắng quái chiều hôm
                                                   (Tự nhiên)
                   Mây mờ giăng khắp lối
                   Gieo nỗi buồn thiên thu
                                                  (Chợt nghĩ)
      Các ý tưởng an nhiên, những suy ngẫm về cuộc sống, về sự hữu hạn của đời người, được nói đến khá dày, khá đạt.
                   Thuyền trăng trôi lơ lửng
                   Giữa khung trời mờ sương
                                                  (Đôi bạn)
      Thiên hạ ví: thi nhân đến với thơ như bướm tìm hoa, trăng đến với gió. Thơ là những hàng cây trong phố. Thử hình dung một thành phố thiếu cây, không có vườn hoa, công viên, nhìn đâu cũng gặp bê tông, xi măng… Có gì phân biệt giữa một nông dân làm thơ, và một viên chức làm thơ? Đâu là đặc điểm của một người chơi thơ và một nhà thơ “chuyên nghiệp”? Có thể trả lời “có”, hoặc là “không”, vì nó mù mờ, chẳng rõ ràng. Chỉ chắc chắn một điều: ngoài phần vật chất, con người còn có tinh thần. Nếu để vật chất bành trướng, lấn át, người ta sẽ thô thiển, lố bịch, hung bạo, tàn nhẫn, gần với con thú. Vậy nên, phim ảnh, nhạc họa, thơ ca, những thứ thoạt trông có vẻ phù phiếm, nhưng là tường rào giữ cho con người không rơi xuống hố tầm thường, dung tục.
      Anh Đặng Cước có nhiều, thật nhiều ý hay, lạ, nhưng đáng tiếc lắm lúc anh viết chưa đến chỗ tận cùng của vấn đề, nên có vẻ giống những bức phác họa. Và tôi nghĩ, phải chi tập thơ có thêm vài bài lục bát, chừng chục bài làm theo các thể thơ khác nữa thì tác phẩm sẽ mượt mà, đa dạng hơn.
                   Một cành mai nở muộn
                   Bơ vơ đứng giữa vườn
                   Một người ngồi lặng lẽ
                   Điểm lại đời mưa tuôn.
                                        (Xuân muộn)
      Đây là hình ảnh đẹp, và buồn. Người ngồi lặng lẽ, một cành mai, là thơ, là triết, nó đọng lại lâu trong lòng người đọc ./.

                                                                                                       Văn Tánh

* Đọc tập “Thơ Phù Vân, Đặng Cước


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét