Làm
thơ là vượt lên thực tại và hủy bỏ thực tại. Viết truyện cũng là vượt lên thực
tại, nhưng không nhằm và không thể hủy bỏ thực tại. Khi viết, nhà văn phải thiết
yếu gắn liền với những chất liệu của thực tại để từ đó thiết lập những tương
quan với thực tại. Tác phẩm (truyện ngắn, truyện dài) biểu lộ tương quan đó, có
thể là những tương quan thật tình cờ, có thể là những tương quan đã được sửa soạn,
và cũng có thể là những tương quan mà chính người viết cũng không rõ nguồn gốc.
Nói tương quan, nghĩa là nói người viết phải vượt bỏ mình hướng về thực tại –
và do đó, khi ở trong tác phẩm, thực tại không còn là chính nó nữa, không còn ù
lì, lù lù ở đó nữa. Thực tại và người viết cùng hòa trộn trong một khung cảnh
hoàn toàn mới. Bởi thế mà tác phẩm không phải là mô phỏng thực tại – tác phẩm
là một sáng tạo.
Một truyện ngắn là một công trình sáng tạo.
Một truyện dài là một công trình sáng tạo. Nhưng truyện ngắn khác truyện dài.
Không chỉ khác vì một bên là ngắn và
một bên là dài. Truyện dài là một câu chuyện, có khởi đầu và có kết cuộc.
Truyện dài trình bày đời sống với nhiều khuôn mặt, nhiều dáng vẻ, nhiều sắc
thái. Nó đòi hỏi sự kết cấu, sự liên
hệ giữa các khuôn mặt, các dáng vẻ, các sắc thái nhằm đưa đến một sự giải quyết
cho câu chuyện.
Trong khi đó, truyện ngắn trình bày những
hoàn cảnh vụn vặt của đời sống. Những
cái vụn vặt đó có thể bắt đầu bất cứ từ lúc nào, và trôi qua đi từ lúc nào.
Chúng là những đoạn gãy khúc của đời sống toàn diện. Một tâm trạng, một khung cảnh,
một nỗi xót xa, một thoáng buồn rầu… Truyện ngắn có thể chỉ như thế, nó không cần
đòi hỏi phải mở đầu để nhắm đến một kết cục. Truyện ngắn cũng là một câu chuyện,
nhưng chuyện nhỏ – và đôi khi nó không có gì là một câu chuyện cả. Nhân vật
trong truyện ngắn không cần phải được đặt một thời gian xác định, hay một hoàn
cảnh xác định hay những liên hệ xác định nào đó như ở trong truyện dài. Trong
truyện ngắn người ta dễ dàng tìm thấy, cảm nhận những mảnh vụn lý thú của đời sống
– những mảnh vụn mà nhiều khi trong truyện dài, người đọc (cũng như người viết)
quên đi vì mãi lưu ý đến câu chuyện với
các gút thắt của nó. Chính vì thế mà truyện ngắn dễ đưa người đọc đến sự bắt gặp
trung thực những xúc động – không phải xúc động vì cuộc đời của một nhân vật, mà xúc động vì chính đời sống hệt như là đời sống.
*
“Một
cách buồn phiền” là tập truyện đầu tay của Lê Văn Thiện. Cũng như những người
viết trẻ khác. Thiện đã khởi đầu nghiệp văn của mình bằng những truyện ngắn. “Một
cách buồn phiền” gồm bảy truyện ngắn (Bảy mảnh vụn đời sống) đã được đăng tải rải
rác trên hai tạp chí Văn và Bách Khoa. Tuy sống trong khung cảnh chiến tranh,
và hơn nữa là một quân nhân, Thiện ít viết về chiến tranh. Một vài truyện dựng
nên khung cảnh chiến tranh, và một vài truyện dựng nên những khung cảnh khác của
khuôn mặt đời sống. Có những truyện hình ảnh chiến tranh chỉ thoáng qua, không
quan trọng. Những nhân vật trong truyện của Thiện đều có những tâm hồn giản dị,
bình thường, không thắc mắc, cầu kỳ. Vì thế mà những tác động, những cử chỉ, những
ý nghĩ của họ không tạo nên những hình ảnh nặng nề. Những nhân vật sống sát
trong thực tế, tầm thường, dễ thương. Những niềm vui đến với họ thật nhẹ nhàng,
và cả nỗi buồn vây bủa họ cũng không gây nên những cảm tưởng quá thê thảm.
Có thể sau đó niềm vui và nỗi buồn sẽ dần
dà tạo nên trong tâm hồn những tác động sâu xa hơn, thấm thía hơn. Nhưng lúc
đó, họ không kịp biết và không kịp cảm nhận như thế. Có thể vì cốt cách bình dị,
họ đã nhìn ngắm đời sống một cách bình dị. Cũng có thể vì tâm hồn của họ tỏa ra
trên một đời sống nhiều sắc thái, phong phú, nên mỗi một tuyệt vọng do một phần
đời sống đem lại dễ bị tan loãng bên cạnh một phần đời sống khác. Mặt khác, khi
người ta ít có những suy tưởng rắc rối, phức tạp về cuộc đời – do đó, ít tự cô
lập mình vào trong một trạng huống, thì sự tuyệt vọng bớt lớn lao và bớt ám ảnh.
Thiện đã xây dựng những nhân vật trong
tác phẩm như thế. Đồng thời, Thiện thường chấm dứt (có phần đột ngột) truyện của
mình khi một biến cố bắt đầu xảy ra. Như trong Ngoại lệ, truyện chấm dứt khi đứa bé chết. Trong Một cách buồn phiền, truyện chấm dứt khi
một anh chàng vừa chợt biết cô gái bán hàng hôm sau đi lấy chồng.
Suốt các truyện của anh, Thiện viết một
cách bình thản, giản dị, Thiện viết bằng những hình ảnh chân thực, dễ dãi của đời sống chung quanh. Từ một người
lính, một anh chàng dạy học, một người đàn bà, một kẻ ăn xin…, không ai cảm thấy
bị bủa vây một cách nặng nề bởi các
biến cố, biến cố nội tâm hay biến cố ở bên ngoài. Và do đó nên ngay khi phải đối
diện với một hoàn cảnh bi đát, nhân vật của Thiện cũng không đến nỗi nhìn ngắm
đời sống thê thảm méo mó đến độ tự đánh chìm mình trong những ám ảnh bệnh hoạn.
Nỗi lo lắng, xao xuyến của nhân vật lúc nào cũng có vẽ chừng mực, tự nhiên.
Thiện viết về đời sống một cách gần gũi
thân mật. Thiện không mô tả quá lâu lắc, dài dòng về trạng thái nội tâm của một
nhân vật.
Anh cũng ít mớm vào các nhân vật anh những
suy tư sâu sắc, dai dẳng về hoàn cảnh chung quanh. Thiện viết về hình ảnh, rõ ràng, dứt khoát – những gì
mà anh thấy, nghe, trực nhận. Thiện rất
ít lý luận trong tác phẩm của mình. Đọc anh người ta có cảm tưởng như đang được
nghe anh kể lại những mẩu chuyện vụn vặt, tầm thường của cuộc sống. Những mẩu
chuyện, nhiều khi chẳng có một ý nghĩa nào. Thực ra sự không-có-ý-nghĩa nào đó
lại chính là một ý nghĩa. Mà ý nghĩa cao nhất của đời sống nằm ở trong những
cái vụn vặt, tầm thường đó. Thiện không khoác lên các nhân vật trong tác phẩm
anh những hoàn cảnh thật độc đáo, đặc biệt – anh cũng không khoác lên nhân vật
những ý nghĩ triết lý thâm trầm, sâu sắc. Những câu đối thoại giữa các nhân vật
đơn giản, thành thật. Có nhiều nhà văn thường có khuynh hướng chỉ viết lên những
câu đối thoại nhiều ý nghĩa, chặt chẽ nhằm diễn tả một ý nghĩ, tư tưởng nào đó
liên hệ đến ý tưởng của câu chuyện. Thiện không thế: Những lời đối thoại trong
tác phẩm Thiện rất sống, rất thực. Và người đọc, không cần tinh ý cũng thấy khá
rõ ràng trong các truyện ngắn của anh, phần đối thoại nhiều – Thiện đã viết những
lời đối thoại gần như anh nghe, anh thấy.
“Một
tốp năm người đàn bà gánh thúng mủng bước đi nhanh.
- Ý, ông địa ơi!
Một bà đâm bổ tới sát xe đạp. Mấy bà
khác dừng lại.
- Ai đứng kỳ vậy?
- Dạ con.
Bà mặc áo dài đến nhìn tận mặt Kiên:
- À thằng Kiên. Tưởng ai”. (Ngoại lệ, trang
11).
Một
đoạn khác:
“Mấy hôm sau nó về nhà, mẹ nó gắt gỏng,
hạch sách:
- Mấy ngày nay thằng nào, con nào chứa
mày, hở thằng ôn kia?
- Không có ai chứa hết.
- Vậy mày ăn cứt à?
- Tui lớn rồi tui làm tui ăn”.
(Chợ tối, trang 36).
Những lời đối thoại ở văn Thiện đều có vẻ
dễ dàng như thế. Đó là điểm đặc biệt nhất trong các truyện ngắn của Thiện. Còn
lối mô tả nhân vật, cử chỉ, mô tả khung cảnh của Thiện cũng có vẻ dễ dàng không
kém. Ngôn ngữ dễ hiểu, hình ảnh sống động, cách diễn tả đơn giản chân thật.
“Vợ
chồng thằng Mau trông tội nghiệp lắm. Thằng chồng trông thấy nhưng không đi được,
con vợ đi được lại mù tịt cả hai mắt. Nên, khi ăn xin, thằng chồng lết trước,
con vợ lần mò theo sau. Một sợi nhợ cột ngang hông thằng chồng nối liền với
cánh tay con vợ đằng sau, là sợi tơ hồng gắn bó cuộc đời hai vợ chồng thằng ăn
xin”. (Chợ tối, trang 32).
Một đoạn khác:
“Trời
đất, hắn lại bắc qua một đề tài khác! Khang ngồi thẳng người dậy, nhìn hắn nói.
Cái mặt trèng trẹt, mặt bánh đúc. Hai môi mỏng dính, thứ môi đàn bà thẽo trợt,
thóc mách, ăn hàng. Tên này ở đâu hiện ra vậy”. (Một lần chiến bại, trang 87).
Trong các tác phẩm của Thiện, ta cũng thấy
thấp thoáng có hình ảnh chiến tranh. Có điều qua ngòi bút của Thiện, chiến
tranh như đã bớt phần thê thảm, cũng máu lửa, cũng chết chóc, cũng hành quân…,
nhưng tất cả có vẻ chỉ như một hoạt cảnh trên sân khấu, đôi lúc chúng không
khác chi một trò đùa.
*
Bảy truyện ngắn trong “Một cách buồn phiền” (MCBP) là bảy câu
chuyện nhỏ. Chúng cũng là bảy mảnh vụn của đời sống có thể được tìm thấy bất cứ
đâu đó. Những nhân vật trong “MCBP” có thể là ai đó trong chúng ta và chung
quanh chúng ta. Một anh giáo viên có đứa con chết một cách “ngoại lệ”, người ăn xin với những kỷ niệm vui buồn, những chuyện
tình vụn vặt… Thiện đã đưa người đọc vào một khung cảnh bình thường, đơn giản,
thuần hậu – Ở đó, mọi tác động đều chân thực, mọi ngôn ngữ đều dễ dàng, mọi ý
nghĩ đều tự nhiên, ít cầu kỳ, khúc mắc. Thiện không chi li, phân tích tỉ mỉ từng
nhân vật, từng hoàn cảnh. Anh chỉ vẽ phác những khuôn mặt của đời sống – đời sống
mà cái đơn giản nhất, tầm thường nhất vẫn thường ẩn giấu những nội dung sâu xa,
thấm thía nhất. Có lẽ vì thế mà khi mới đọc, người ta khó thấy ngay cái độc đáo
trong văn Thiện. Phải chăng người ta thường dễ bị lôi cuốn bởi những truyện ngắn
có những lời đối thoại triết lý, có những đoạn văn phân tích, mổ xẻ dài về tâm
trạng, ý nghĩ của nhân vật? Dù sao, giá trị của một tác phẩm không hẳn chỉ hệ tại
ở sự lôi cuốn tức thời đó.
Đọc văn Thiện, người ta bắt gặp những
xúc động thật nhẹ nhàng, ngay cả những xúc động về những hình ảnh chiến tranh,
có lẽ vì Thiện có một lối nhìn ngắm đời sống dễ dãi, tự nhiên, thân mật.
Trên đây là ý nghĩ của một người đọc đối
với Một cách buồn phiền, tác phẩm đầu
tay của Lê Văn Thiện – một cây bút trẻ, (22 tuổi) –, do NXB Văn giới thiệu. Là
ý nghĩ nên tôi không nghĩ là tôi đã phê bình, hiểu như sự phê bình phải dựa
trên một quan điểm nào đó làm nền tảng. Có thể Thiện đã không khỏi vấp váp những
khuyết điểm về kỹ thuật (lối diễn tả nhiều khi quá đơn giản và khô) cũng như
văn Thiện đã không lột tả được trọn vẹn cái phong phú của đời sống – và do đó
không đưa người đọc đến chỗ say sưa, thích thú như chính họ đã sống cái sống của
nhân vật. Tuy nhiên, đòi hỏi quá nhiều ở một tác phẩm in đầu tay (của một cây
bút trẻ) cũng có phần quá đáng. Dù sao, Thiện không thể dừng lại thỏa mãn với MCBP.
Anh có thể tiến xa hơn, phải tiến xa hơn trong những tác phẩm sau. Đó là ý nghĩ
cuối cùng về MCBP, và qua đó, về Lê Văn Thiện ./.
(Nguyệt
san Tân Văn, tháng 5/1969 – Tạp chí Thư Quán số 43, tháng 8/2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét