30 thg 10, 2015

Đọc truyện TRẦN HUIỀN ÂN

    
        Mấy chục năm qua Trần Huiền Ân viết đều tay. Anh viết truyện ngắn, biên khảo, và làm thơ. Lãnh vực nào anh cũng đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Về thơ, tuy viết ít nhưng anh đã có nhiều bài hay, được in nhiều trên báo chí. Năm 1997, chọn lọc trong số thơ mới làm anh cho xuất bản tập “Lời trên lá”. Những năm sau ra tiếp ba tập nữa. Ngoài ra, anh còn đoạt được một giải thưởng trong cuộc thi Thơ hay của Tuần báo Văn Nghệ thành phố H.C.M.
        Về biên khảo, anh làm việc chuyên cần, hiệu quả, hơn mười năm nay năm nào cũng có tác phẩm chất lượng cao. Có thể kể, những năm trước: Phú Yên dọc đường ca dao, Chân dung một làng quê, Đất Phú trời Yên, Trăm năm trong cõi người ta, Quê tôi nhìn từ ca dao, Hương sắc Phú Yên. Các năm gần đây: Văn hóa nông thôn Phú Yên, Sơn Hòa xưa và nay, Miền đất ước vọng, Phú Yên thời khẩn hoang.
        Phần truyện ngắn – thể loại Trần Huiền Ân đầu tư nhiều công sức – anh viết khỏe, chắc tay, đều đặn, đã trình làng (qua báo chí) hơn 80 truyện, và tập hợp in thành sách: Tiếng hát nhân ngư, Một nửa chân trời, Mùa hè quê ngoại, Khói của ngày xưa… Truyện ngắn Trần Huiền Ân có thể chia ra ba dạng: Dã sử, cổ tích mới – Truyện, tùy bút – Hiện thực, huyền ảo.
        1. Trong mảng DÃ SỬ – CỔ TÍCH MỚI: “Lọ mắm thảo hiền” là truyện tiêu biểu: Thiếu đế mở cuộc vi hành. Đi khắp đất nước để tìm hiểu nguyện vọng nhân dân. Trong những điều nghe thấy ngài chú ý đến chuyện Tấm Cám hơn cả. Chuyện này ngài chưa hề biết. Về triều, nhà vua trách quan nhiếp chính – người từng dạy vua khi ngài còn là thái tử - sao không kể ngài nghe một chuyện hay như vậy. Sợ phạm tội khi quân, vị lão quan phải nói thật: nhà vua chính là hậu duệ bà cụ Tấm. Theo lời lưu truyền trong dân gian, cụ Tấm đã mắc phải lỗi lầm: trả thù cụ Cám – người em – kẻ ám hại mình, bằng cách đem luộc, rồi băm thịt làm mắm… Vết đen này lớn, có thể làm xấu lây đến thanh danh triều đình. Nghe qua, nhà vua buồn bã, lo ngại. Ngài nói: “Trẫm và các tiên đế hết lòng vì sơn hà xã tắc. Bà cụ Tấm cũng vậy. Lòng nhân hậu hiền đức của cụ trùm lên tất cả. Chẳng qua trong một lúc nóng giận cụ đã có hành động như thế. Hơn nữa, chính cụ Tấm đã bị cụ Cám giết hại trước. Giết người thì đền tội. Ơn trả, oán trả lẽ thường. Bà cụ Cám phải chết là đúng. Có điều, đem luộc em mình, bắt mẹ ăn thịt con, cách báo thù này tàn nhẫn quá”. Nhà vua bảo quan Tổng tài Quốc sử quán và quan Học bộ Thượng thư hãy tìm cách xóa bỏ vết bẩn đó. Đây là trọng trách, cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, vì lòng dạ trung quân, hai đại thần đã làm nhiều cách để đạt được cái kết quả mỹ mãn: tung ra một truyện Tấm Cám mới, cho loan truyền rộng rãi trong dân chúng, “tất cả đều ngợi ca cô Tấm thảo hiền, cắt bỏ đoạn nấu thịt làm mắm, và đoạn nói về tiếng quạ kêu: “Quà quạ, quà quạ! Mẹ ăn thịt con giòn rau ráu!”. Hai quan được ban thưởng, thăng phẩm hàm. Vui mừng, nhưng hai vị cũng thấy rằng việc làm của mình không thật, ngụy trá.
        Truyện viết khúc chiết, “chân phương”, gần như văn nghị luận, khảo cứu; bên trong ẩn giấu một nụ cười mỉm, châm biếm nhẹ nhàng. Trong dạng này còn có các truyện: Lời giải của Đạm Tiên, Tiền Đường nước sạch, Đồng hiện, Hoàng hậu Kim Liên.
        2. Loại TRUYỆN – TÙY BÚT: gồm những truyện mang hơi hướng tùy bút, chứa nhiều tình tiết có thật, như những trang dã sử của vùng quê cao Sơn Hòa, Phú Yên. Mở đầu là truyện “Tiếng gà cơm cát”.
        Truyện viết như kể một cổ tích, hoài niệm đậm đặc. Ghi lại những kỷ niệm đằm thắm, êm đềm, tươi mát của tác giả với miền rừng núi Vân Hòa vào thời kỳ cách đây hơn 50 năm. Trung tâm truyện là hình ảnh một người mẹ, một người dì thân yêu; những nét sinh hoạt, tập quán, truyền thuyết của miền quê hẻo lánh.
        “Rừng núi oi bức, nặng nề. Những tiếng chim rừng vang lên khô rát, khắc khoải:
        Chát chát chát… chát cha cha.
        Tiếng gáy của những con đa đa, (có nơi gọi là gà gô, giá cô, hay nôm na giản dị hơn: gà cơm cát). Mỗi lần qua trảng tranh, trảng đế, dưới ánh nắng đậm hồng ban sáng hay trong ngọn nồm mát buổi chiều, nghe tiếng gà cơm cát gáy tôi vẫn có cảm tưởng đó là tiếng kêu giận hờn, oán trách, trong miệng con chim còn ngậm đầy đất cát, giọng lạc, cổ khàn, rướm máu:
        Xúc cơm cát trả cho cha”.
        Giống chim này có nhiều trong thung lũng Lỗ Chảo, quê chồng của Dì Ba. Những cuộc đi săn chim cơm cát hồi hộp, rộn ràng, lý thú. Dì Ba – chị của mẹ - là người hiền dịu, rất mực mến thương các cháu, nhưng có cuộc đời khá hẩm hiu. Dì lấy chồng xa, không có con, và về sau chết sớm. Dì kể sự tích chim cơm cát:
        “Ngày xưa có đứa con trai mồ côi mẹ. Cha nó tục huyền, gặp người đàn bà khắc nghiệt. Dì ghẻ bắt đứa con chồng làm việc vất vả, mỗi bữa cơm lại trộn cát vào bát cho nó ăn. Đứa bé không ăn được. Rồi đói quá, phải ráng mà nuốt, ráng đến nghẹn cổ, tắc họng, ngã ra chết. Đứa bé hóa thành con đa đa, kêu lên những tiếng xé lòng:
        Chát chát chát… chát cha cha
        Xúc cơm cát trả cho cha!”
        Đọc xong hồi lâu, âm hưởng câu chuyện vẫn còn lẩn quất bên mình. Trên đời thật có cảnh ngộ nào bi đát như thế chăng? – Có tám truyện khác cùng loại với truyện này: Người nói thơ Kiều, Kịch lửa trại, Chiếc bè trên bến Tang Càn, Lại về xóm cũ Bình Sa…
        3. “Tiếng hát nhân ngư” là một trong những truyện thuộc dạng HIỆN THỰC – HUYỀN ẢO. Đặc điểm của truyện loại này là các yếu tố hư và thực song hành hoặc đang cài vào nhau. Gọi như thế để tiện phân tích. Thật ra, gần phân nửa trong số truyện này chất huyền ảo không đậm, chỉ phơn phớt, trải mỏng lên bề mặt.
        Tại công viên trung tâm thành phố người ta dựng một pho tượng mỹ nhân ngư. Tượng ngẩng đầu nhìn trời, tay vươn cao, ngực để trần, phần thân cá ngâm trong hồ nước. Người đàn ông bảo vệ công viên, 40 tuổi, đã trải qua một thời trai trẻ thăng trầm, lao đao, giờ sống cô đơn, thường ngồi bên chân tượng, và nhiều lần nghe mỹ nhân ngư hát, vào những đêm khuya, bài “Biển nhớ” bồng bềnh… Người phụ nữ 40 tuổi, nấu bếp cho nhà hàng, sống một mình, đắm chìm trong kỷ niệm của mối tình thời thanh xuân. Chị có người yêu đã tử trận. Anh được yên nghỉ trong một nghĩa trang gần biển, nên có một dạo chị thường xuyên đến viếng mộ anh, để nghe biển hát lại bài hát (Biển nhớ) mà trước chị thường hát khi sắp chia tay anh. Nay, sau những giờ làm việc, khi ra về (lúc nửa đêm) chị ghé lại công viên, ngồi bên tượng mỹ nhân ngư. Chị nhớ anh, nhớ thời tuổi trẻ, nhớ mọi điều, và chị cất tiếng hát: “Ngày mai anh đi, biển nhớ tên anh gọi về…”. Người đàn ông nghe. Nhiều người biết. Và người ta loan truyền về tiếng hát của pho tượng trong đêm hôm khuya khoắt, khoác lên đó những nét huyền thoại.
        “Những nhân viên trực đêm ở một cơ quan gần đó quả quyết, mỗi đêm, liền sau khi đồng hồ điểm mười hai tiếng, nhân ngư cất tiếng hát, bài “Biển nhớ”. Đêm nào cũng chỉ một bài hát ấy và hát một lần, giọng nghẹn ngào, thổn thức. Có người còn nói rõ ràng họ thấy, nhân ngư cúi đầu xuống để mái tóc đổ ra phía trước, rồi ngước lên, hai tay vuốt ra sau. Hình như nhân ngư muốn bước đi, song nửa phần thân cá không thể rời khỏi hồ nước. Một số nam nữ thanh niên tò mò, lúc đi chơi khuya về qua công viên cũng xác nhận: Quả có một người đàn ông nằm ngủ trên bệ nhân ngư và tiếng hát tan vào trong gió, cao vút, đứt quãng”.
        Truyện viết bằng giọng kể chuyện, không có những xen nghẹt thở, gay cấn, rùng rợn như phim kinh dị, không có các tình tiết ly kỳ, khúc mắc như truyện trinh thám. Nó súc tích, cô đọng, sâu lắng, tựa như người nhạc sĩ viết bài tình ca về chuyện tình của chính mình, rồi tự hát lên… Trong loại truyện này còn có: Khu rừng trên vách, Quán đỉnh đèo, Mưa xanh, Gươm đá.
        Văn Trần Huiền Ân thoáng nhẹ giọng miền Trung, hóm hỉnh, sắc sảo. Anh có nhiều truyện thật đạt, thật hay như: Gặp lại, Ẩn hiện màu xanh, Phương nam. Nhưng truyện Trần Huiền Ân cũng còn mấy chỗ nhược. Vài truyện trong loại cổ tích mới giọng văn quá “tỉnh táo”, hóa thành khô, nên đọc thấy nguội, mất đi sức hấp dẫn. Một ít truyện trong dạng truyện – tùy bút có nhiều chi tiết dài khiến cho câu chuyện nhạt, loãng. Và có một số bài giọng đều đều, rơi vào chỗ “hiền lành”, bằng phẳng.
        Những năm gần đây Trần Huiền Ân bỏ nhiều thời gian vào mảng nghiên cứu, biên khảo. Đề tài chính của anh vẫn là quê nhà. Quê lớn Phú Yên, quê nhỏ là nơi anh sinh ra: vùng núi Sơn Hòa. Anh viết công phu, hay, văn nhiều chất thơ. Trước sau, anh đã nhận được non chục giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam. Riêng năm 2011, Hội VNDG đã tài trợ, in cho anh 4 tập: Đá trong đời sống văn hóa dân gian – Lễ tục vòng đời “Trăm năm trong cõi người ta” – Văn hóa sông nước Phú Yên – Việc làm nhà quê ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét