Công trường đá Tân Dân nằm dưới chân núi
Gành Bà, cách thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) bảy cây số về phía bắc. Địa
điểm này thuận lợi cho khâu vận chuyển vì gần quốc lộ I, nhưng có điều bất tiện
là khí hậu khắc nghiệt. Nơi đây chịu ảnh hưởng thời tiết khu vực Tu Bông, dày
nắng gió. Về mùa đông gió thường quét cho mọi vật tơi tả trong hai, ba tháng.
Tôi đến Công trường vào một ngày đầu
tháng chạp, trời xám màu chì, gió khá mạnh. Anh Nguyễn Thiên, đội trưởng, cán
bộ kỹ thuật đưa tôi đến thăm các hầm đá rộng nằm giữa ranh giới hai thôn Ninh
Lâm, Tân Dân. Ở đây không xa quốc lộ bao nhiêu nhưng chẳng còn nghe những thứ
tiếng quen thuộc của xóm làng. Các hầm đá gần nhau. Những người thợ chăm chỉ,
cặm cụi làm việc, không chuyện trò, không nhìn khách. Tiếng búa đục chí chát,
khô đanh, vang động cả vùng núi. Hầm nào cũng có khá nhiều đá thành phẩm, những
viên đá chẻ giống nhau, như đúc từ một khuôn, nằm chất chồng, đống nhỏ vài trăm
viên, lớn thì vài ngàn viên. Đây là loại đá dùng để xây nền móng nhà, lát
đường, xây bờ mương bờ đập. “Trơ trụi, chẳng có gì hấp dẫn tươi mát, phải
không?” Anh Thiên hỏi. Tôi gật: “Khô như ngói, hơn ngói!… Sao lại gọi núi Gành
Bà?” Anh Thiên chỉ lên triền núi cao có những tảng đá xám mốc to như những ngôi
nhà: “Trên kia xưa là nơi Bà ở. Bà, một nữ thánh, chẳng ai biết tên họ, chỉ
nghe đồn rất linh hiển. Chỗ chúng ta đang đứng, cách đây hàng triệu năm là nơi
ngập nước biển. Sóng biển ập vào bờ đá nên gọi là gành. Nay thì biển đã xa gành
hai cây số! Gành Bà. Người ta kể, Bà thường xuất khỏi động đá vào ban đêm,
trong các ngày rằm, mùng một âm lịch, bay thẳng ra biển rồi tan. Sau đó, khi
về, Bà lại theo đường cũ, từ biển vô núi. Đó là một cột lửa sáng xanh, lóa mắt,
như bó đuốc lớn. Cách đây ba bốn mươi năm dân quanh vùng vẫn thường trông thấy
hiện tượng này. Nhưng về sau, do chiến tranh, do con người sinh sôi đông đúc,
xe cộ nhộn nhịp, các điều huyền bí phai nhạt, mờ dần đi…” Vào thời chống Mỹ,
hòn núi này, với những lớp đá chất ngất, hang gộp chằng chịt, từng là căn cứ
của cách mạng Vạn Ninh. Các đơn vị du kích chiếm lĩnh địa thế hiểm trở này,
dùng làm bàn đạp để bung ra hoạt động ở các thôn thuộc xã Vạn Bình, Vạn Thắng.
Dù chỉ cách đồn Núi Một của quân Nam Triều Tiên hơn hai cây số nhưng các chiến
sĩ núi Gành Bà đã trụ vững, chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều công tích
ngoạn mục… Hiện nay lớp trẻ có thể nghe lại lịch sử hào hùng của cha anh đã
trải qua ở đây qua lời kể của bà Trần Thị Hạnh, nguyên phó bí thư xã Vạn Thắng;
hoặc chị Nguyễn Thị Liễu, đang phụ trách hiệu sách nhân dân Vạn Giã.
Chúng tôi rẽ vào một bãi đất trống, bằng
phẳng, nơi tập trung đá khối. Rải rác có khoảng hai mươi khối đá to nằm chờ xe
bốc đi. Anh Trần Thái Lộc, giám đốc công trường, đứng xem hai chiếc xe đang hì
hụi kéo đá. Những tảng đá lớn, phẳng lì, đẹp. Thật tài tình. Làm sao có thể đục
đẽo để lấy ra các khối đá khổng lồ thế kia! Nghe tôi khen, anh Lộc cười. Anh
bảo: “Nay thợ nghỉ, hôm nào rảnh anh ghé, tôi sẽ đưa anh lên xem, họ làm rất
gọn, rất khéo.” Tôi nghĩ đến những đền đài Angkor… Theo lời anh Lộc, đá Tân Dân
độ bóng, độ mịn tốt, không rạn nứt, màu sắc đồng đều phong phú, sức chịu lực
chịu nhiệt cao, hơn hẳn đá của các nơi khác trong nước. Đá đây chắc làm không
bao giờ hết, 24 năm rồi mà trông như mới moi trầy trụa sơ sơ dưới chân núi, như
mèo quào vách vôi! Anh Lộc nói, công trường nhận 500.000 khối, khai thác trong
20 năm. Năm trăm ngàn chiếm bao nhiêu phần trăm của trữ lượng đá núi này? Nhỏ, nhỏ
lắm! Các chuyên gia bảo rằng, nếu cứ khai thác theo kiểu từ 1977 đến nay thì
hơn ngàn năm nữa mới hết đá! Dài hơi quá. Nghe phát sợ! Có lẽ cần phải tăng
cường nhân lực, và phải có máy móc hiện đại giúp sức. Nay công trường chỉ có
trên dưới trăm rưỡi công nhân. Làm thì vẫn thủ công, tay búa tay chạm, như xưa
kia ông cha ta đã làm. Bởi thế cho nên, có thể thấy trước, đây là đơn vị kinh
doanh sẽ đạt tuổi đại thọ, trường thọ, không bao giờ bị cụt vốn!… Anh Lộc nói,
đá khối là mặt hàng chính của công trường, ba năm qua (từ khi công trường trực
thuộc Công ty Vật liệu xây dựng Khánh Hòa) năm nào cũng sản xuất hơn 2.000
khối, riêng năm 2001 được 2.400 khối. Đá xuất sang Nhật, Đài Loan, theo giá 2,5
triệu một khối. Bán đá thô, với giá đó. Nếu ta gia công, làm hoàn chỉnh thành
phẩm giá sẽ bao nhiêu? Chắc chắn phải cao hơn nhiều. Nhân nói về đá thô, tôi
nhớ lại cát thô. Năm 1994 ta bán cát Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) 5 đô một tấn. Cát
trắng tinh, loại thượng hạng, nhưng vẫn để nguyên xi, không qua chế biến, nên
bị coi là cát thô, rẻ mạt, bán như cho. Có người nói, nếu ta không vội bán,
treo giá một thời gian, họ sẽ mua 10 đô một tấn. Ấy là nghe vậy, chẳng có gì
chắc, nhưng vẫn thấy tiếc! Tôi nói với anh Lộc, giờ ta không bán đá giá cũ nữa,
thử nâng lên bốn, năm triệu một khối, xem sao? Anh cười, đây là chuyện của các
nhà quản lý thương mại, kinh tế. Tôi nghĩ, đá tốt chẳng dễ có. Gạo, cao su, cà
phê nếu chỗ này không chịu, anh tìm đến chỗ khác. Còn đá xịn, đào đâu ra? Ta
“treo giá” thử xem. Khối đá lớn, đẹp thế kia mà 2 triệu rưỡi, hình như hơi rẻ?…
Về mức độ to nặng, các khối đá này chưa phải vô địch. Trước đây công trường đã
từng sản xuất những khối hai mươi, ba mươi tấn, dùng trong việc tạc tượng, như
tượng đài Bà mẹ anh hùng ở Thủ Đức, tượng đài công nhân đấu tranh ở ngã bảy
thành phố Hồ Chí Minh.
Trong câu chuyện tiếp theo sau đó, đề
cập đến nhiều mặt của việc làm ăn, đời sống công nhân, anh Trần Thái Lộc cho
biết, điều anh yên tâm nhất hiện nay là, về đại thể, mọi mặt của công trường
đều tiến triển vững vàng, tốt đẹp. Công nhân sản xuất đều tay, hăng say. Gần
đây luồng gió xoáy của phong trào nuôi tôm sú trong huyện cũng lan đến công
trường nhưng không tác động nhiều lắm. Sản lượng đá luôn tăng, năm sau cao hơn
năm trước. Năm 2001 loại đá chẻ đạt đến 1,4 triệu viên, vượt chỉ tiêu. Sang năm
2002 sẽ có một điểm sáng, là Công ty sẽ xây dựng ở đây một nhà máy cưa xẻ chế
biến đá granite, trị giá 3 tỉ, với sản lượng ước tính mỗi năm từ 3.000 đến
5.000 mét vuông đá ốp lát cao cấp. Và anh mời tôi, lát nữa, khi quay về, hãy
ghé vào thăm các gia đình công nhân gần văn phòng công trường, để thấy rằng
thật sự, về vật chất, người thợ đá đã có cuộc sống bình ổn, cường tráng.
Rời bãi đá khối, anh Nguyễn Thiên và tôi
tiếp tục cuộc dạo núi xem hoa. Địa bàn công trường trải dài 3 cây số, nằm trên
hai thôn Tân Dân và Ninh Lâm, muốn đi khắp cũng phải mất già một buổi… Chúng
tôi gặp một con suối khô. Bên kia suối là địa phận thôn Ninh Lâm. Dân Ninh Lâm
chiếm hai phần ba trong số công nhân của công trường. Đa số họ còn rất trẻ, tay
nghề vững, cần cù, làm việc tận tâm, không nghỉ ngang, không về sớm, mức thu
nhập bình quân mỗi người hơn một triệu đồng/tháng, người giỏi được non hai
triệu… Hầm đá cuối cùng bên này suối là của anh Đỗ Cường, người Nha Trang. Anh
ra đây làm từ năm 1981. Anh Thiên giới thiệu, Cường nằm trong số những tay thợ
thâm niên nhất, giỏi nhất. Anh chịu khó học hỏi, có nhiều sáng kiến đáng giá,
hiệu quả công việc luôn đạt mức cao. Cùng làm với anh Cường có một thanh niên
trẻ, chừng 20 tuổi, là người đang học nghề. Nghề này cần sức khỏe, và khéo tay.
“Nó mới học hơn 3 tháng mà khá lắm. Mấy đứa tối dạ học bốn, năm tháng chưa chắc
hơn. Nay nó làm mỗi ngày được bảy, tám chục viên rồi.” Anh Cường nói về học trò
của mình. Tôi hỏi: “Giá một viên đá chẻ bao nhiêu?” – “Một ngàn, hoặc hơn chút
ít.” – “Khỏe bụng quá, ít có nghề kiếm được tiền mau như vậy!” Anh Cường cười:
“Nhưng lắm người ngại, vì khổ, nắng nôi, cực nhọc.” Anh lấy từ một chiếc giỏ
cước ra cái bình thủy nước nóng, bình trà, ly tách, gói thuốc và một hộp bánh
ngọt. Chỉ đống đá lớn, tôi hỏi: “Tồn ứ nhiều thế này, không xuất được?” –
“Khách đặt mua từ lâu, từ khi tôi mới làm chừng trăm viên. Không hiểu sao họ
chưa bốc đi… Gần như chẳng mấy khi đá ế.” Cũng phải, đây là vật liệu lúc nào,
thời điểm nào xã hội cũng cần.
Anh Cường mời chúng tôi ăn bánh, uống
trà. “Đông, nghỉ tay, uống nước.” Anh mời học trò. Đông lắc đầu, chẳng nói
tiếng nào. “Nó không trà, không rượu, không hút thuốc, rất ít nói.” Anh Thiên
khen: “Trẻ mà như vậy, hiếm có, tu được đấy.” Cường cười: “Tu thì không xong.
Nó ghiền cà phê, ham gái!” Tôi thấy thầy trò ông thợ đá này vui, thú vị. “Tôi
dạy nghề cho Đông, và tôi học lại nó một điều, là nên nói ít… Nói tốn thì giờ,
hao hơi, vô ích, có khi lại còn mang vạ miệng. Cần gì phải nói. Ngẫm lại xem,
trên đời có nhiều việc chẳng cần lý giải gì, cứ lặng thinh mà làm cũng kết quả,
như thợ may, tài xế, thợ hồ… hoặc như đá đây, đâu nói năng thưa thốt gì, mà có
ích cho đời biết bao nhiêu”. Trước ý tưởng ngồ ngộ này, xuất phát từ miệng anh
thợ cục mịch, đen nhẻm, chúng tôi cười vui tán thưởng! Tôi hỏi Cường, sau hai
mươi năm làm ở đây, anh có dự định, ước muốn gì. Cường nói, người ta ai cũng
phải có một nghề để sinh sống. Với anh, chẻ đá đã thân thuộc, chẳng có gì phải
so đo, lựa chọn. Đây là nghề tự do, rất thoải mái, khỏe làm, mệt nghỉ, ta làm
chủ ta. Trở ngại duy nhất mà nhiều lúc anh ngờ ngợ cảm thấy, là sự nhàm chán.
Ngày nào cũng từng ấy việc, bấy nhiêu thao tác, nên lắm lúc thấy nhàn nhạt,
buồn buồn. Nhưng, nghĩ lại, nghề nào mà chẳng vậy, như chị bán hàng, ông giáo
viên, anh công nhân đứng máy, đều bị như thế. Anh nói, ước chi mai này các nhà
phát minh chế ra một thứ máy nào đó để phụ giúp người thợ, để công việc sản
xuất được nhanh hơn, nhẹ hơn, giảm đến tối đa các rủi ro đáng tiếc. (Tôi viết
dựa theo ý Cường. Đúng ra, anh tránh hai tiếng “rủi ro”. Anh em thợ ăn nói dè
dặt, kiêng cử nhiều thứ.) “Và một ý nữa, ở đây vẫn còn theo lề lối cũ, tuần
nghỉ một ngày. Sắp tới, khi khá hơn, tôi sẽ áp dụng lịch tuần nghỉ hai ngày.
Những người khác muốn nghỉ một ngày, hay không nghỉ là quyền của họ… Chính
những ngày nghỉ đó là thước đo của sự tiến bộ, nó khiến cho cuộc sống của ta
thảnh thơi, văn minh, cao đẹp, có ý nghĩa hơn.”
Tôi nhìn lên sườn núi. Cây còi cọc, thưa
thớt, đá chập chùng. Gió thổi đùng đùng. Gió Tu Bông! Cuối năm rồi, vài tuần
nữa đã sang năm 2002. Đứng trước thiên nhiên, trước gió, bên cạnh những tảng đá
đồ sộ, con người thật nhỏ bé… Núi đã nằm đây từ bao đời. Đá này có từ bao triệu
năm? Nếu theo lời các chuyên gia thì đến ngàn năm nữa chúng ta mới khai thác
cạn nguồn khoáng sản này. Phải vậy không? Nếu đúng, thì ta có thể hình dung,
hai trăm năm sau, vào những ngày cuối của năm 2201, dưới chân núi này những
người thợ vẫn cần mẫn chẻ đá (với sự hỗ trợ của nhiều máy móc?) Và tại Ban chỉ
huy công trường các viên chức vẫn hí hoáy soạn nhửng bản báo cáo tổngkết, đánh
giá tình hình sản xuất trong năm cũ, và đề ra chỉ tiêu, phương hướng cho kế
hoạch sản xuất năm mới… Tháng ngày nối tiếp nhau. Thời gian xoay vần bất tận.
Đá núi vô tình, thản nhiên, câm lặng và hùng vĩ ./.
3-1-2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét