Khương
bước xuống bến xe thị xã Đại Bình trong tâm trạng một du khách. Trước kia anh
đã từng qua lại đây nhiều lần nhưng chỉ ngồi trên xe, nhìn thoáng qua, chưa ở
lại ngày nào.
Khương
định bụng sẽ thả bộ, ngắm nhìn phố xá chừng nửa giờ cho giãn gân cốt, rồi vào
quán cơm ăn trưa, trước khi đến khách sạn. Nhưng anh mới đi vài phút đã gặp
bạn. Một người đàn ông đi vespa, chạy chậm, tới đỗ sát bên anh, kêu toáng lên:
“Ôi, Lâm Khương, ông bạn vàng!”
Khương
nhận ra Bảng, người bạn thân thuở nhỏ, lúc anh ở Đà Nẵng.
“Mày
làm gì ở đây?”
Khương
kể vắn tắt: mẹ anh bị một chứng bệnh giống như thần kinh tọa, chữa nhiều năm
chưa khỏi. Nghe nói Đại Bình có thầy Bảy Nồng giỏi nên đến thỉnh ít thuốc. Khương
không mặn mà với cái món am miếu nhưng vẫn đi, để mẹ anh vui lòng. Bảng cho
biết, thầy Bảy mới nổi lên chừng nửa năm nay. Giỏi đến đâu không rõ, nhưng
người tứ xứ đổ về ùn ùn. Khách đông, nên tới sớm, xếp hàng, lấy phiếu thứ tự.
Anh nhấn mạnh một điểm: đến cầu xin tại am này hầu hết là dân thập phương,
người “bản địa” rất ít. Bảng bảo, yên chí, sáng mai anh sẽ chở Khương đến đó.
Ngắm
Khương, Bảng nhận xét: “Mày trẻ, chẳng khác xưa mấy tí. Coi tao đây, bệu, mập
quá cỡ phải không?”. Bảng diện đồ lớn,
người đẫy đà, có vẻ già. “Ai cũng nói tao già! Thôi, lên đây” Bảng vỗ yên xe,
“rồi tụi mình sẽ nói chuyện, nói suốt ngày nay”. Khương lên xe. “Có thể mình
trẻ thật, vì mình không phải lo nghĩ, giành giật, bảo vệ cái gì to lớn, cũng
chẳng sợ mất mát tài sản này, chỗ ngồi nọ”, Khương nghĩ. Chạy được một đoạn,
Bảng nói: “Mày định tìm khách sạn? Xóa ngay ý đó… Tới ở nhà tao. Mày hên, tha
hương ngộ cố tri! Về đó, thuận lợi lắm, gần trung tâm thị xã, rộng rãi mát mẻ.
Trời đất, mười bảy mười tám năm nay chúng mình mới gặp nhau!… Quyết định rồi,
về nhà tao, đừng tơ tưởng đến mấy cái khách sạn nữa!”.
Xưa
kia Bảng và Khương học cùng lớp liên tục chín, mười năm, thân nhau như hình với
bóng… Xe chạy nhanh qua năm, sáu con phố. Bảng hỏi: “Mày thấy Đại Bình thế
nào?”. “Chắc mày muốn nghe những lời khen?… Đẹp, sáng sủa, nhưng chẳng có gì
độc đáo. Đây hao hao Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Rang”.
Nơi
đến là một khách sạn sáu tầng rộng lớn. “Nhà tao đây!”. Bảng nói. Thấy Khương
ngơ ngác, anh giải thích: “Cơ ngơi này của bên vợ tao cả đấy. Ông bà nhạc, cả
nhà vợ đi Canada tuốt, tụi tao hưởng sái, làm chủ bốn năm nay”.
Bảo
Khương ngồi nghỉ trên một ghế dài trước hành lang, Bảng đi loanh quanh một lúc
rồi trở lại. “Định giới thiệu bà
xã tao với mày, nhưng bà ấy đi vắng. Có thể tóm tắt mấy điểm về tổ ấm của tao
để mày nắm tình hình: bọn tao lấy nhau đã hơn mười năm, có hai con, một gái một
trai. Bà xã tên Kim Ngọc, kém tụi mình bốn tuổi, trước là dân trường Tây.” Bảng
tóm lấy cái túi xách của Khương: “Lên đây, mình chỉ phòng, tắm rửa nghỉ ngơi”. Đến
trước một gian phòng ở tầng hai, Bảng nói: “Thế này nhé, có một điều mày lưu ý giùm,
trước mặt Kim Ngọc chúng ta nên xưng hô “tôi, anh” hoặc “cậu, tớ”, đừng xài
“mày, tao”. Lằng nhằng như vậy, vì Ngọc muốn tao đổi mới, thành một anh trí
thức trưởng giả thành thị… Chỉ vậy thôi, còn lại là tự do, tự nhiên, như ở nhà
mày vậy.”
*
Bỗng
dưng Khương sướng ngang. Vợ chồng Bảng tiếp đãi anh như thượng khách. Anh được
ở phòng đặc biệt, một căn phòng thênh thang, bàn ghế bóng lộn, giường tủ đẹp.
Khương nghĩ: “Phòng này sáu người ngủ vẫn rộng. Nếu Hoa, Hải – các con anh –
được ở đây một ngày chắc chúng sẽ trầm trồ cả năm!” Lâu nay gia đình anh sống
chen chúc trong căn nhà năm mươi hai mét vuông, chật hẹp, ngột ngạt.
Bảng
trao cho Khương một chìa khóa xe gắn máy và chìa khóa phòng sách. Anh bảo, muốn
đi chơi đâu thì sẵn xe, muốn đọc sách lúc nào thì xin mời! Đây là đặc quyền của
khách quí… Phòng sách nằm kế phòng Khương ở, rộng như thư viện huyện, sách xếp
kín bốn bức tường, lên đến tận trần. Ông thân sinh Kim Ngọc là tay sưu tầm
sách. Ông nguyên là giáo sư triết, dạy học hơn ba mươi năm. Bảng nói với giọng
tự hào: “Phòng sách này làm tao khác với các vị nhà giàu khác”
Khương
được phục vụ chu đáo. Các bữa điểm tâm và các cữ cà phê tối người làm mang đến
tận giường. Hai bữa cơm chính anh ăn với gia đình Bảng. Nhưng những bữa ăn này
làm anh lúng túng, mất tự nhiên. Anh không quen với lối ăn uống cầu kỳ, rườm
rà. Mấy chục năm qua anh sống ở nông thôn, giữa những người dân quê mùa. Bữa cơm
nhà anh không có bàn ghế, không mời mọc, không rượu nhẹ nho tươi. Đây là kiểu
ăn lấy no, mau lẹ, đơn giản. Chỗ nào ăn cũng được. Thường là mọi người ngồi bệt
xuống nền nhà, ăn mạnh bạo, cười nói ồn ào vui vẻ… Bữa ăn ở đây trịnh trọng,
thịnh soạn, kéo dài cả tiếng, với nhiều nghi thức như trong các gia đình quyền
quý ngày xưa. Ngay như ghế ngồi cũng đã quy định sẵn, ai có chỗ nấy, không tùy
tiện. Ngồi vào bàn, hai con Bảng nói liến thoắng: “Mời má dùng cơm, mời ba dùng
cơm, mời chú Khương dùng cơm.” Kim Ngọc nói, kèm theo nụ cười: “Mời anh Khương
dùng cơm, mời mình dùng cơm.” Bảng cười: “Vâng, mời anh Khương, mời mình.” Bên
cạnh đó còn mèo trên ghế, chó dưới bàn, khăn lót chén, giấy lau, ly tách, trái
cây, rượu, hoa, đủ màu sắc, lắm kiểu dáng, la liệt, rối mắt! Khương ăn chậm
rãi, khoác cho mình bộ mặt dửng dưng, làm như các món cao lương mỹ vị trước mặt
là thứ anh vẫn dùng hàng ngày.
“Ôi
dào, ăn cơm ở đây, tao hãi!” Khương nói với Bảng. Bảng cười: “Quý phái, lòng
thòng? Năm hôm là quen thôi! Thực bụng, tao cũng không thích, rõ ràng là nó
kịch, phù phiếm, nhưng Ngọc bảo phải như thế, vì ở đây thường tiếp khách, toàn
khách hạng sang. Mày chịu khó hòa nhập. Người xưa nói “nhập gia tùy tục”, nhớ
không? Hai đứa tao cũng mới áp dụng kiểu sinh hoạt này bốn năm nay, từ khi về
đây.”
Các
buổi tối, sau 10 giờ, Bảng thường đến phòng Khương chơi. Đôi bạn nằm chung
giường, tán đủ thứ chuyện trên đời, và say sưa ôn lại những kỷ niệm thời xưa.
Bảng hỏi về các bạn cũ, ai còn, ai mất – hỏi về những đổi thay của các thành phố
mà hai người cùng biết – hỏi cặn kẽ về vợ con, chuyện làm ăn của Khương. Anh
băn khoăn khi biết những năm qua Khương vất vả, sống trong cảnh eo hẹp, thiếu
thốn. “Thế mà mình có biết gì đâu… Tụi mình mất hút nhau, hầu như quên hẳn,
không biết còn có nhau trong đời, bạc thật.” Hai anh hàn huyên đến một, hai giờ
sáng mới dứt.
“Vài
hôm nữa tao sẽ đưa mày về tận nhà.” – Bảng nói – “Hơn ba trăm cây số. Khỏe, như
chơi, mình chạy tà tà năm tiếng là cán đích… Tao muốn ra mắt vợ con mày. Tao
chẳng có bạn thân nào khác. Đúng vậy, số bạn quanh đây của tao chỉ là bạn làm
ăn. Kiếm được thằng bạn thân không phải dễ”. Và Bảng thổ lộ, anh sống trong nhà
này, vương giả, sung túc, nhưng không thoải mái: “Dường như có một bức màn xám,
mờ đục, lúc nào cũng treo ngang mắt mình. Và có một vật gì đó, như cuộn chỉ rối
khổng lồ cứ lởn vởn quanh chân. Mình bị dòm ngó, thúc ép, ràng buộc… Ngay như
việc nằm đây chơi với Khương cũng có vấn đề. Phải đóng kín cửa, sợ Ngọc nhìn
thấy. Cô ấy sẽ buồn khi thấy chúng mình nằm như thế này. Cô ấy muốn, chuyện trò
cũng phải ngồi ở bàn, ngay ngắn, nghiêm chỉnh, như trong lớp học vậy!” – “Mệt
nhỉ” – “Ừ, mệt, một thứ mệt ngầm… Bực lắm,
nhưng sau nghĩ lại, ta nên ngả theo chiều gió thôi, làm gì có cái tuyệt đối
trong cuộc sống?”. “Đúng vậy”. “Chưa hết đâu. Kim Ngọc còn quan tâm
đến cương vị của mọi người. Với ai cô ấy cũng muốn biết rõ chức vụ, học vấn,
nghề nghiệp, các khả năng nổi trội…” – “Mệt nhỉ.” – “Ừ, chán ngắt! Mình đoán,
đến một ngày nào đó mình sẽ biến thành một ông Kim Ngọc!… Điều đáng nói là,
trước đây tính cô ấy không phải như thế!” – “Chắc do môi trường sống, phụ nữ
thích nghi rất nhanh với…” – “Nhưng, nói cho công bằng, Ngọc không phải người xấu.
Cô ấy rộng rãi, hiếu khách. Ngọc cũng không độc đoán. Cô ấy nói: Em không mong
muốn gì cho riêng em. Em muốn có được mọi điều ích lợi, tốt đẹp cho chúng ta,
cho cả nhà.” – “Khôn khéo lắm” – “Cô ấy chỉ đề nghị mình nên làm điều này, việc
kia, không hề buộc mình phải tuân theo những luật lệ, qui tắc nào cả.” – “Trong
đời đã có vô số luật lệ.” – “Nhưng mình vẫn thấy nó cồm cộm thế nào ấy. Và
nhiều lúc mình nghĩ: giá được quay trở lại sống như trước kia thì sướng quá!” –
Khương cười. “Mày nghĩ thế thật sao, điên!” – “Có thể là dại, nhưng mình đã
mong vậy, không chỉ một lần… Cái khách sạn này, Khương thấy đó, đẹp, đồ sộ,
hàng tháng đem về cho mình cả đống tiền, nhưng nó vốn là của cha mẹ Ngọc.” – Một
lát, Bảng tiếp: “Mình sẽ đi chơi với Khương một tuần, sau đó vù lên Đà Lạt mươi
ngày nữa. Chắc chắn Ngọc sẽ không vừa ý, nhưng mặc xác cô ta!. Mình muốn đổi
gió. Mình đã thấm mệt… “Anh nên làm như thế này, đừng làm theo cách đó… Có lẽ
anh phải… Em nghĩ có lẽ anh cần…”. Những điệp khúc ướp mật đó đã được tấu lên
dồn dập, đầy ứ! Mình ngán, đau tai, nặng óc!… Nghiệm lại sẽ thấy, trên đường
đời, lắm lúc ta khó biết được thế nào là đủ, là thiếu, cũng khó biết thế nào là
sướng, là khổ!”.
*
Mua
thuốc xong, Khương ở lại Đại Bình chơi một ngày, rồi xin về, nhưng Bảng không
cho. “Mày ở lại chơi ba ngày nữa. Không có gì phải suy nghĩ, ngần ngại. Ba
ngày. Mấy cái việc ruộng vườn có quái gì phải gấp!. Sau này biết đến bao giờ
tụi mình mới có dịp tái ngộ”. Anh giấu biệt xách hành lý của Khương. “Nếu mày
cứ khăng khăng đòi về thì đừng phân bua, đừng nói đến tình anh em, bạn bè chi
nữa.”
Dù
lòng rất bồn chồn, phân vân, nhưng Khương cũng phải nán ở thêm. Bảng mừng rỡ,
hí hửng như đứa trẻ được quà.
Tối
ngày thứ năm Bảng bê đến cho Khương một thùng giấy, vuông vức, bọc giấy màu,
thắt nơ rất đẹp.
“Đây
là quà cho Lâm phu nhân và các tiểu thư, công tử! Kim Ngọc làm cả đấy. Đích
thân cô ấy đi mua, về gói ghém, trang trí.”
Bảng
có vẻ vui thích: “Về chuyện mình đi chơi với Khương, Ngọc không phản đối, tức
là thuận! “Tùy anh”, chẳng rõ lắm, nhưng có thể coi là thuận!… “Tùy anh”, cô ấy
vốn ít nói!”.
Quả
thực, Kim Ngọc ít nói, chỉ một lần chị hỏi Khương về chuyện vợ con của anh. Chị
có một nét gì hiện rõ trên mặt, khiến Khương ngờ ngợ. Mãi sau, lúc gần về, anh
mới gọi được tên của nó, đó là sự tự tin no đủ thỏa mãn.
Mấy
ngày qua Khương cứ ngỡ Bảng nói cho vui, đâu ngờ anh muốn đi thật. Khương thấy
khó nghĩ. Anh không muốn Bảng về thăm nhà anh. “Tốt khoe xấu che”. Anh không
muốn Bảng thấy cảnh sống nghèo nàn, nhếch nhác của mình… Nghèo chẳng có gì xấu,
người ta nói thế. Nhưng sau khi đã nghèo khá lâu Khương cho rằng nghèo cũng
không phải tốt. Nó là hiện thân của sự nặng nề, tối ám, đáng bị vứt bỏ, đáng
được che kín, giấu kỹ. Nhưng cản ngăn Bảng bằng cách nào? Nên nói với anh ấy
những gì? Trí óc Khương rối tung, bí rị… Gần trọn một ngày anh nằm nghĩ về chuyện
này. Nó khiến anh lo lắng thực sự. Người anh đờ đẫn, như sắp phải làm một công
việc khó khổ. Khương rất sợ bị người ta thương hại. Nếu Bảng không giàu thì
khỏe quá, chẳng có gì để nói… Sau cùng, Khương cũng tìm được cách giải quyết:
anh sẽ ra về lặng lẽ, bỏ đi khỏi nơi đây, không cho Bảng biết. Chỉ gói thuốc là
quan trọng, túi hành lý chẳng đáng kể. Về, như chạy trốn, như kẻ có tội phải
lánh mặt. Làm vậy có vẻ khó coi, không bình thường. Chắc Bảng sẽ giận. Chắc Kim
Ngọc sẽ gọi anh là gã quái gở, một tay nhà quê sặc mùi bùn. Nhưng mặc chị ta,
anh chẳng cần khen chê, khi cái sự chê khen đó không đem lại đồng xu nào!
Khương muốn làm như thế. Chỉ còn cách đó… Không phải tất cả các vở kịch (kể cả
kịch đời) đều kết thúc giống nhau. Có vở kết có hậu, có vở bi thảm, có vở kết
hợp lý, nhưng nhiều vở thì chẳng khác gì chuyện thần thoại! ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét