18 thg 11, 2015

KHÓI SƯƠNG


        Thị trấn Ngok Ling nửa giống Sa Thầy của Kon Tum, nửa giống Gia Nghĩa của Dak Nông. Tất cả nhà cửa, chừng sáu trăm, nằm gọn trên ngọn đồi cao nhất vùng. Quanh nó, thấp hơn, đều là đồi, lô nhô, quanh năm xanh thẫm màu trà, cà phê. Nhiều người khen nó thơ mộng, đẹp, nhất là vào những tháng cuối năm, mùa lạnh. Nhưng Đãi không nghĩ thế. Đúng là yên tĩnh, nên thơ, nhưng quá trầm, buồn tím tái. Có những đợt, nhiều tuần tiếp, ngày nào trời cũng mưa, lê thê, ẩm ướt, sũng nước. Có dạo ngót ba tháng không thấy mặt trời. Mùa hè thì nắng thông thống, xe cộ quậy nát đường đất, tung bụi đỏ mù trời. Người thưa, mới chín giờ tối phố xá đã im vắng, mùa nào cũng vậy.
        Tốp thợ xẻ gỗ, ba người, mang rìu rựa máy cưa, dưới xuôi lên đây, sống bằng nghề đốn cây, cưa xẻ gỗ thuê. Ba chàng trai làm việc, ăn ngủ trong rừng, cách thị trấn non ba mươi cây số. Nơi đó xa thẳm, sâu hun hút, như thế giới cổ  tích. Cứ ba tuần, Đãi, Chất, Giám ra chợ Ngok Ling một lần, ở chơi hai ngày, mua sắm thực phẩm và những vật dụng lặt vặt.
        Hơn một năm trôi qua, nhọc nhằn nhưng khá mau, những lần xuống chợ bắt đầu mang một nét mới, thay đổi nhỏ nhưng cần thiết, ấm áp, thấm đẫm mùi trà. Xuất hiện những bóng hồng! Quen miệng nói cho sang, các kiều nữ này, ba cô, thiếu màu hồng. Một chị thừa cân, hai nàng hơi đen. Trắng sao được, làm rẫy, hái cà phê, nuôi heo, chăn dê, những chuyện đòi hỏi người ta phải phơi mặt ngoài trời, chưa thành đồng đen là còn may!
        Làm lụng, kiếm tiền, kiếm tình là việc chính của người trẻ ở quê. Tốp thợ xẻ đang nằm giữa vòng quay ấy. Rúc đầu trong rừng, sát biên giới, cực nhọc, nhưng được cái ổn định, lâu dài. Làm mướn, tiền công không cao, nhưng may gặp gã chủ rộng rãi nên thỉnh thoảng cả bọn được lãnh thêm ít tiền thưởng, như thuốc tăng lực, khiến cho những ngày nghỉ ở thị trấn đổi màu, phát sáng. Đúng sáng, ánh sáng tỏa từ mấy chùm lân tinh sơn nữ.
        Đãi vớt được Hiểu, chủ một quán bán cá tôm thịt khô. Chất cặp với Sao, con gái rượu của một ông chủ trang trại nhỏ. Giám tìm được cho mình chỗ dựa êm ái: nàng Lò Mảy. Chỗ dựa này vững chắc, nói tiếng Kinh không rõ, nhưng duyên dáng – Người ta bảo, dân cao sang, sung túc thường thích nói những chuyện mông lung, sâu xa, tình yêu lãng mạn, dân nghèo hay chúi mũi vào mấy thứ tầm tầm thấp thấp, như gạo cá, ăn uống… Ba anh thợ xẻ gỗ, sau những ngày đổ mồ hôi trong rừng già, kiếm được không mấy tiền, mất nhiều thứ, bỗng nhiên biến thành dân sang, vứt bỏ chuyện tiền bạc, luôn miệng nói về những hoa núi, tình ái, bởi họ chỉ còn món này, còn nhưng không nguyên vẹn.
*
        “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nay dường như không đúng nữa. Những người kinh doanh, khai thác rừng nhiều năm qua đều giàu to. Cạnh đó, nghiệt ngã, mấy chàng làm mướn, chỉ vớt của rừng núi chút lương bèo bọt lại phải rưng rưng nước mắt! Ngày Chất, Giám vác cưa rìu về xuôi, Đãi ở lại Ngok Ling với Hiểu. Hơn mười tháng sau, anh chết vì sốt rét ác tính. Nằm trong rừng bấy lâu yên ổn, ra phố lại buông tay! Giám về quê, mặt mũi lơ láo, quần áo lùi xùi, trông chẳng hơn ngày đi bao nhiêu. Không để ý cũng thấy, chiếc ba lô trên lưng Giám vẫn lép, và túi áo không căng phồng tiền như cha mẹ anh mong. Chỉ bốn đêm, chui vào sòng bài, Giám thua mất hai phần ba số tiền anh dành dụm được trong bảy tháng dằng dặc.
        Chất chín chắn, cẩn thận hơn bạn. Về nhà, anh mua ngay bốn heo con, để nuôi heo thịt, hai con bò, để cày kéo. Nhưng rồi, heo không lời nhiều, do chậm lớn, còn bò thì lăn quay chết cả, chết với những nguyên do kỳ quặc, không ngờ. “Chỉ là xui rủi mà thôi”, ông Tỉ – cha Chất – nói vậy, “tụi mày làm gì ác mà trời phạt, phải không? Ác, chính là ông trời. Chúng khổ thế mà không phù trợ, thì phù ai? Ăn của rừng! Biết bao mồ hôi đem ra đánh đổi mớ tiền, rồi chết như thằng Đãi, mà còn phải rưng rưng nước mắt!”. Nói mạnh miệng vậy, nhưng ít lâu sau, nghĩ sao, ông nói lại: “Bảo trời ác là hỗn, ổng chẳng phản đối, nhưng không nên nói thế!”.
*
        Hiểu bán hàng khô trong chợ thị trấn. Chị bán mực, cá, tôm, thịt thú rừng khô. Bên cạnh, chị còn bán chim, thú sống để làm thuốc và làm cảnh: bìm bịp, thỏ, khỉ, tắc kè, gà sao, vọoc, cu đất, két, cù lần, nhím, công, rắn rít, bọ cạp, và nhiều loại chim nhỏ… Không rõ bằng cách nào, với những bài bản gì, Đãi chinh phục được Hiểu, bông hoa thô, nổi bật, luôn nằm trong tầm ngắm của hàng trăm thợ rừng tứ xứ. Hôm thấy Đãi ở lại ngủ đêm tại nhà Hiểu, công khai, hai anh bạn Giám Chất sửng sốt, nói không ra lời. Hiểu không chồng, có một con trai. Chị thấp, mập tròn, mặt có nét vui lạ, như lúc nào cũng cười. Chỉ sau một tuần, thằng bé con Hiểu đã gọi Đãi bằng ba. Rồi Đãi bỏ nghề, ở lại chợ núi làm những việc nho nhỏ và giúp Hiểu buôn bán. Từ đây, qua tác động của Đãi, nếp sinh hoạt của Chất Giám thay đổi khá nhiều. Trước, mỗi đợt ra chợ nghỉ xả hơi hai ngày, nay thành bốn ngày. Trước, ăn nhậu vừa phải chừng mực, nay bung ra, vui hơn, bia rượu uống tràn như dân xịn. Đãi thương yêu bạn bè chí tình, Hiểu cũng vậy.
*
        Đãi hỏi hai bạn: “Hai đứa thấy vợ con ông Căn chưa?”. (Ông ta là nhà thầu khai thác gỗ).
        “Chưa”.
        “Tuần trước họ lên đây, bà vợ và hai con”.
        “Họ du lịch?”. “Chắc vậy, ở Tân Lâm lên. Nhìn họ mình hết ý kiến”.
        “Tại sao?”.
        “Họ lạ, không giống chúng ta, khác với dân ở đây”.
        “Họ có cánh?”. Giám hỏi và cười lớn.
        “Khó nói, sao sao ấy, nhẹ nhõm, sáng láng, như người trong phim…Ngay như ông lái xe thấy cũng oai, sang”.
        “Họ làm gì?” Chất hỏi.
        “Đi lòng vòng, nhìn ngắm, chỉ trỏ phía này nơi kia, dừng lại chỗ Hiểu khá lâu, xem chim thú”.
        “Cũng phải thôi, dân giàu, cứ nhìn ông Căn thì thấy… Không bị muỗi vắt bọ cạp cắn, không xơi nước suối, không sờ tới cái cưa mà…”.
        “Tướng thì cần gì bắn!” Đãi cười.
        “Người ta nói, mấy ông tướng thường ở cách mặt trận vài chục, vài trăm cây số, nhưng khi thắng trận luôn được phần thưởng to!”.
        “Ấy là đời… Thực ra, cũng có lý của nó, nếu họ ngốc thì lính chết chùm”. Giám nói, như người hiểu biết.
        “Người làm quân, kẻ làm tướng, tướng ít quân nhiều. Ra chợ hỏi xem, ai muốn làm quân?”.
        “Đó là đời… ước chi ta được thế vai ông Căn ba bốn ngày!”.
        Quay sang chuyện Đãi, Giám hỏi: “Chị Hiểu lúc nào cũng vui?”.
        “Cô ấy không biết buồn, nên người phỡn, mập phì”.
        “Ở chung đã lâu sao anh không mập?”.
        “Chưa chết là may. Cô nàng rúc rỉa tao.”
        “Thực à?”. Cả bọn cười.
        “Hai bạn không tin? Hiểu có loại thuốc nước gì đó, lạ lắm, uống vào là mình nóng rực, ngứa ngáy. Mùi của nó vừa giống rau ngổ vừa giống như lá chùm bao. Thường chỉ cần nửa ly, nuốt khỏi cổ là mở máy ngay”.
        “Máy gì?”.
        “Còn hỏi! Cứ ôm ấp vờn nhau như ngựa! Có lần lỡ nốc trọn ly, thế là đêm đó anh cứ lọ mọ trèo lên bụng nàng, rồi bò xuống, hết trèo lại bò, lên xuống trắng đêm!”.
        Giám, Chất cười no bụng.
        Tình cảm lai láng, kỷ niệm chất chồng, bao điều đáng nhớ. Đãi vẽ ra nhiều dự định, kế hoạch làm ăn lâu dài, thế nhưng, một điều gì đó xộc xệch, bất thường, đen xỉn, lù lù hiện đến, ập vào căn nhà nhỏ của Hiểu. Nó hủy hoại, phá nát tất cả, trong giây lát. Những ngày vui Đãi hưởng ở thị trấn bụi mù này chỉ tính được bằng tháng! Anh chết khi chưa có đứa con nào với Hiểu, khi tuổi đời còn dưới bốn mươi – Đấy là chuyện cũ. Sau này, nói về cái chết của Đãi, ông Tỉ đưa ra một nghi vấn: “có thể nó chết vì trúng phòng, thượng mã phong, không phải sốt ác tính?...”. Vàng bạc vào tay người khá giả, mấy gã lông bông tắm biển tình!
*
        Tiệm chè của Lò Thị Mảy nằm bên hông chợ, cách quán đồ khô của Hiểu chừng hai trăm mét. Ban ngày Mảy làm ở trại nuôi heo gà của bà dì ruột, chỉ bán chè phụ giúp mẹ vào ban đêm. Lúc nào tiệm cũng đông khách. Mảy xinh xắn, nói tiếng Kinh không rành, sẵn sàng cười đùa tán gẫu với mọi người, bất kể già trẻ… Ở đây có hơn mười loại chè, bày sẵn trong các xoong to trên quầy, khách thích ăn gì cứ tới chọn. Đỗ gạo, khoai môn, đỗ xanh, hột sen, khoai tím, bột mì, khoai sáp, đỗ đen, nếp than, đỗ váng, khoai từ, khoai sọ.
        Hôm đó trời mưa nhỏ đẩy đưa hai tay bợm nhậu giạt vào quán chè. “Em bé nói ngọng này hay quá”, Chất khen.
        “Không ngọng, người Thượng!”.
        “Thượng à, sao giống ta vậy?”.
        “Có gì lạ?”.
        Vậy là hai chàng thợ cưa mọc rễ ngay nơi đây, bỏ nhậu. Mỗi anh ăn sáu chén chè. Lẽ ra có thể ăn thêm, nhưng nhiều quá sợ thiên hạ cười. Chén nhỏ, chè múc chỉ cao hơn nửa chén một chút, nên hớp vài cái đã hết. Nhưng việc chính không phải là ăn, tất nhiên rồi. Những lần sau Giám thường đớp mười chén, Chất tám chén, và chỉ chịu nhổ neo khi tiệm đóng cửa… Thêm một mối tình mọc ra trên cõi đời, Giám Hâm và Lò Mảy hoa rừng!
*
        Vườn cây ăn trái nhà Sao rộng 14 mẫu, bao la. Sau khi đưa Giám, Chất đi thăm khắp vườn một vòng, Sao mời khách vào nhà mát nghỉ chân, ăn trái cây. Nhà mát gần ao cá, hình lục giác, lợp tranh, không vách, có dãy bàn dài, treo nhiều võng. Nơi này làm quán cà phê vườn thì tuyệt hảo. Sao bưng ra một rổ chuối, bơ, đu đủ, “hai anh ăn chơi, chờ em làm bếp”. Cha mẹ Sao làm suốt ngày trên nương, rẫy, tối mịt mới về. Sao ở nhà chăm sóc bầy heo, bò và ao cá.
        “Xứ này tuyệt, chẳng giống làng mình tí nào”. Giám khen.
        “Quê ta, nói làm gì, trơ khấc, trắng xác, chỉ được khâu đông người, lúc nhúc như ong!” Chất nói như than.
        Đu đủ ngon, ngọt thanh, mùi bơ lạ không giống loại trái nào.
        “Ước gì tụi mình có tiền bằng một góc nhỏ của ông Căn, để bớt lo. Khổ quá không còn giống con người”.
        “Muốn bằng cỡ nào?”.
        “Chừng một phần mười ông ấy”.
        “Hơi tham, một phần ba mươi cũng mê rồi”.
        Yên lặng giây lâu. Gió xào xạc. Chim kêu, gà gáy.
        “Chỗ này buồn. Nghĩ xem, xưa kia những người đầu tiên lên đây sống thế nào?”.
        “Buồn thì dư rồi… Đãi nói, anh ráng làm kiếm tiền, khi lớn tuổi sẽ kéo nhau về dưới xuôi sống. Sương mù, khói đá, mưa dầm dễ khiến người ta rệu rã!”.
        “Sao đãi gì vậy?”.
        “Chắc làm đồ nhậu”.
        Nghỉ một lát, anh ngắm ao cá, anh nhìn mông lung.
        “Kẻ giàu ăn không hết, người thì nghèo xơ”.
        “Đó là số mạng”.
        “Có số thiệt không?”.
        “Có đấy, anh này sinh ra trong nhà đại gia, chị kia trong túp lều, là số chớ gì?”.
        “Có lý, chắc vậy. Ba tao nói, cứ sống kiểu dân quê mình là khỏe, làm, ăn, ngủ, chẳng nghĩ ngợi xa xôi”.
        “Nhàn, tốt, nhưng hơi giống heo gà… Mình khổ nhưng còn may, nếu phọt ra ở vùng sa mạc, da đen, thiếu nước thì mạt!” Hai chàng cười lớn.
        “Nghèo, do trời, mà cũng do mình dở. Đãi nói, anh ấy xấu hổ, cùng là dân Hà Dương mà ông Mai Cảnh giàu ngất ngưởng, còn ta lép xẹp”.
        “Số phận, nhưng cả tỉnh Tân Lâm chỉ có một Mai Cảnh”.
        “Nghe đâu ông ấy có chiếc xe xịn, giá bảy tám tỉ”.
        “Phải. Ngày khởi nghiệp ông ta cũng xách cưa lên Đông Hưng xẻ gỗ, như tụi mình hiện giờ”.
        “Ba tao mua được mấy bài báo viết về Mai Cảnh, khen chê ngậu xị!”.
        “Chê à?”.
        “Ờ, có kẻ nói ông ấy nằm trong dạng mặt mốc, vi trùng”.
        “Hơi đâu nghe, đố kỵ ấy mà, nhưng mốc thế nào?”.
        “Phá rừng”.
        “Làm ăn ì xèo sao gọi phá?”. “Cũng lạ”.
        “Núi rừng trơ trụi thì các tỉnh dưới thấp sẽ đớp nước lũ, đài điện nói ra rả thế”.
        “Uống nước, bơi tự do… Nói sao nghe vậy, bọn mình biết quái gì!”.
        “Điều cốt lõi là dân Hà Dương tự hào”.
        Tự hào có lợi, như thuốc kích thích, thuốc bổ.
        Sao bưng ra mâm thịt rừng, món xào, món nướng, ăn với bún, bánh tráng, bánh mì, như tiệc nhỏ. Sao ngồi với khách, cùng ăn, cùng uống, chuyện trò giòn tan. – Đây là cuộc vui duy nhất, cuối cùng. Bốn tháng sau Chất về Tân Lâm. Chỉ còn lại những lần nhắn tin, những cú điện thoại, lúc đầu dồn dập, nồng nàn, về sau nhạt đi, thưa dần. Chất nói với Giám nhiều lần, Tết sẽ vù lên Ngok Ling thăm Sao, nhưng chẳng hiểu sao hắn nói mà không đi. Mãi lâu sau này Chất mới tiết lộ một chi tiết, hơi lạ, khiến Giám ngớ người ra: Sao sống phóng túng, buông tuồng, thường cặp kè ba bốn kép cùng một lúc, cả Kinh lẫn Thượng. Vui vậy. Thế đấy!
*
        “Tôi tới trại heo gà của bà dì Mảy chơi trọn một ngày. Vùng đó rộng, thoáng, vắng vẻ, cách chợ thị trấn sáu cây số. Đất đồi thênh thang, vườn nhà nào cũng rộng. Chỉ nhìn hai cái chuồng heo bự chảng đã thấy Mảy vất vả. Mười hai con heo nái, gần trăm heo thịt, và bầy gà đông đúc. Mảy làm luôn tay, băm chặt, phơi phóng, nấu nướng thực phẩm cho từng ấy gà heo. Phần tươi ăn ngay, thứ khô cất vào kho ăn sau. Bà dì Mảy đô con, đi đứng như đàn ông. Mình chào bà ấy gật, chẳng nói tiếng nào, suốt ngày gần như không mở miệng. Ông chú, chồng bà dì (không gọi dượng) giữ rẫy cà phê, tuần về nhà một lần. Khác với những lúc bán chè, ở đây Mảy lầm lì, chúi mũi làm, không nói. Trưa, bà dì ăn cơm trước, chẳng mời ai. Quá 2 giờ chiều Mảy mới ăn trưa. Chúng tôi ăn với nhau, như đã thân quen lâu đời. Tôi thấy hay hay. “Vắng quá, em buồn không?”. Tôi hỏi, Mảy lắc đầu:
        “Quen rồi”.
        “Dì trả công thế nào?”.
        “Cũng thường, nhưng thưởng thêm nhiều... Trong số heo nái kia em có hai con, heo thịt thì sáu con”.
        Ra vậy, kể cũng thích! Mãi lâu, tôi nghĩ không ra cách nào để cầm tay, hôn Mảy. Cứ gà với heo quanh quẩn! Mảy hỏi tôi uống gì, ông chú có nhiều rượu thuốc, rượu ngâm kỳ đà, rít, bìm bịp. Tôi chọn kỳ đà. Uống cho biết, cũng ngon, lạ. Suốt bữa ăn tôi không để ý đến món gì, ngon hay không, chỉ mãi nghĩ về cuộc sống ở hóc núi hiu quạnh này của bạn. Làm việc túi bụi. Dẻo dai, làm thế này mà tối còn đứng bán chè… Mảy chưa đặt chân đến một thành phố lớn nào, chưa biết biển, chưa thấy xe lửa, chưa vào sân vận động. Cuối bữa, Mảy hỏi: “Buồn không, anh?”. Tôi không nói gì. Tôi không muốn nói thật, quá buồn. Bất ngờ, Mảy nhịp tay xuống bàn và hát nho nhỏ, Phố đêm, Ai về sông Tương, Nỗi buồn hoa phượng. Tôi khen hay. Mảy khoe, mình có máy cát xét với hai trăm dĩa nhạc.
        “Em thuộc nhiều bài, thường hát cho tụi nó nghe”.
        “Tụi nào?”.
        “Bọn ăn chè, chúng thích lắm!”.
        Mảy hát tiếp Giã từ, Thà như giọt mưa, Thành phố buồn, Bài thơ hoa đào”. – Giám Hâm kể cho Đãi nghe chuyện này, trước ngày anh qua đời ba tháng.
        Cuộc tình này gọn, đến chớp nhoáng, tan biến nhanh. Nó đứt phựt, chấm dứt ngay khi Giám về tới nhà. Thực bụng, trong giờ phút chia tay Giám đã nghĩ đến một ngày trở lại, không ngờ đó chỉ là ý của một phía. Cô em người Thượng dịu hiền, khó hiểu đã phủi tay, tống tiễn người tình mới vào hang hốc quá khứ. Mảy không gọi, không nhắn tin, không trả lời dù chỉ một lần. “Ba không”, nên khó hiểu. Giám Hâm đau khổ, hẳn rồi. Tại sao như vậy? Giám nghĩ không ra. Chất thì nói theo kiểu Hoài Linh: nó không muốn nói tiếng Kinh khó khổ! Nghe chuyện, ông Tỉ nhận xét: “Trên cái sân khấu nhộn nhạo, nóng rang, đông nghẹt diễn viên nam như thế, làm sao nàng nhớ chàng?”… Tỉ phú, đại gia thuận đường tiền bạc, đám trẻ lêu bêu mất mùa ái tình! ./.
 

11 thg 11, 2015

Đèo Ba Dọi

Tiếng Việt:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai mà chẳng...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.


                                     Thơ Hồ Xuân Hương




3 thg 11, 2015

ĐỌC BÁO 2

     

        Làm thế nào để thành người lương thiện, trung thực, cao quý? – Có 3 cách, đáng tiếc không ai biết những cách đó là gì.
                       (O. Welles)
        CA SĨ: HANETSU MIKU, 16 tuổi, cao 1,55m, là một nhân vật được tổng hợp bằng đồ họa 3D của công ty Orypton Future Media và công nghệ tổng hợp giọng hát của công ty Yamaha. Ca sĩ này đã làm hàng trăm cuộc trình diễn từ năm 2007 đến nay, từ video đến diễn trên sân khấu lớn, làm say mê hàng triệu khán giả trên thế giới.
        Trong các chương trình diễn live dài gần hai giờ rưỡi, “cô” ca sĩ này đã nhảy múa không mệt mỏi, với trang phục mới mẻ, như có phép thuật, khiến khán giả như điên dại. Giọng ca của Hanetsu Miku được lấy từ mẫu giọng của ca sĩ Saki Fujita, vốn là một giọng ca ăn khách – Trong ngày diễn đầu tiên của Hanetsu Miku, số dĩa nhạc của “cô” đã bán hết sạch, thu 700.000USD, làm các hãng dĩa ở Nhật sửng sốt.
(Thanh Mai, Giác ngộ, 19/11/2009)
        THỊT RỪNG: Nay dân đi săn có thủ thuật làm cho thịt tươi lâu. Họ đi rừng nhiều ngày (lắm khi 10 ngày). Săn được thú họ bơm thuốc vào, (chưa rõ thuốc gì – Có người nói đây là Kali Nitrate (KNO3), còn gọi là muối diêm, là hóa chất có tính sát khuẩn, giữ màu đỏ hồng cho thịt), rồi chôn xuống đất. Xong, lại săn tiếp, được 5 – 7 con mới về.
        Con thú được bơm (hoặc tẩm) thuốc, chôn xuống đất mấy ngày, khi moi lên vẫn còn tươi, cắt tiết huyết chảy ra như mới săn được… Thợ săn quảy số thú đó về phố, bán cho mấy nhà hàng. Thịt vô tủ lạnh, rồi ra nằm trên mâm trên bàn, chẳng ai biết gì. 
                       (Thanh niên – TN – 14/3/2012, trang 8).
        TỔNG ĐỐC: Quân Pháp bao vây, tấn công thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu và quân lính cố thủ, giữ thành. Đến lúc núng thế, sắp thất thủ, ông quyên sinh (dưới gốc đa, cạnh võ miếu, ngày 25/4/1882 – 57 tuổi) vì không muốn để giặc bắt.
        Theo lệnh vua Tự Đức, linh cữu tổng đốc Hoàng Diệu được đưa về quê… Từ Hà Nội đến Quảng Nam, đoàn đưa tang đi non một tháng – Lúc đoàn về đến làng, hai bà vợ của ông đang NHỔ CỎ LÚA ngoài đồng.
        (Lời bàn của người chọn: Từ Hà Nội về Quảng Nam mà đi non một tháng. Vợ tổng đốc mà nhổ cỏ lúa – Hãy hình dung, thời đó người ta sống thế nào).
        PELE: Pele (sinh năm 1940) bắt đầu chơi cho CLB Santos khi mới 15 tuổi, qua 16 tuổi đã vào đội tuyển quốc gia (Brazil). Trong đời cầu thủ bóng đá ông giành được danh hiệu vô địch thế giới 3 lần: năm 1958 tại Thụy Điển, năm 1962 tại Chi Lê, năm 1970 tại Mexico.
        Tổng cộng, Pele đá 1.363 trận, ghi được 1.281 bàn thắng – Có 92 trận ông ghi 3 bàn (mỗi trận). 30 trận ghi 4 bàn. 6 trận ghi 5 bàn. – Hai lần Pele được xếp vào danh sách đội tuyển tiêu biểu của thế giới.
(Hoài Đông, Tin chiều, 18/9/2004)
        ẤM NO: Trong các quán bar, những người nông dân Ireland uống bia, chơi bida và ca hát đến một giờ sáng. Trời ở đây rất lạ, chỉ thực sự tối lúc 11 giờ đêm. Mùa đông thì tối sớm hơn một chút. Nhưng điều ấy đối với người dân ở đây chẳng quan trọng gì. Họ làm và chơi đến khi nào buồn ngủ thì ngủ, đến khi nào muốn thức dậy thì thức dậy. Họ sống nhàn nhã với công việc, với thi ca, với âm nhạc và với thiên nhiên. – Ở đây không có trộm cắp và không bao giờ cần khóa cửa, gia súc nuôi cứ thả trên đồng suốt tháng này năm nọ, xe hơi cứ để ngoài đường.
        Thực sự, người dân Ireland không phải quá giàu. Họ là dân một nước phát triển ở mức trung bình, nhưng họ đã sống như thế – Ở đây không có say rượu, không có đánh cãi chửi nhau, không họp hành kiểm điểm, và họ được quyền tin những gì họ tin, yêu những gì họ yêu… Mấy hôm trước tôi đến đọc thơ ở thành phố Sligo. Tại phòng họp của trung tâm văn hóa nghệ thuật, nơi tôi đọc thơ, có treo bức tranh lớn vẽ con bò sữa. Đối với người dân vùng đó thì con bò là biểu tượng của ấm no và nhân hậu. Con bò gần gũi, cần thiết với người Ireland từ xa xưa đến giờ. Đó không phải là biểu tượng của tín ngưỡng, nó chỉ là tình yêu. Họ yêu con bò, và họ cho rằng họ có quyền đặt con bò lên nơi trang trọng.
(Nguyễn Quang Thiều, An ninh thế giới – ANTG – cuối tháng,
số 23, 7/2003, tr.7)
        GIÁP THÌN: Một cơn bão lớn đổ bộ vào Huế lúc 8 giờ 10 phút, sáng 11/9/1904 (tức 2/8 Giáp Thìn). Nó chỉ quét qua TP. Huế 15 phút nhưng đã xô 8 nhịp cầu Trường Tiền đổ xuống sông Hương, làm sập chợ Đông Ba, (mới xây xong hai tháng), khiến 173 người chết.
(Đăng Khoa, Dân luận, 3/7/2003)
        BIẾT TRƯỚC: Trong chuyến bay New York – Genève, ngày 3/9/1998, tất cả hành khách và phi hành đoàn đều tử nạn khi máy bay rơi xuống thành phố Halifax của Canada – Vận động viên quần vợt nổi tiếng thế giới Mark Rosset (người Thụy Sĩ) đáng lẽ đã đi chuyến bay đó, nhưng đến giờ cuối anh thay đổi ý định vì cảm thấy không an tâm. Sau tai nạn, Mark như được sống lại, anh tâm sự: “Giờ đây đối với tôi, mỗi ngày là một món quà quý giá của thượng đế ban cho”.
        Trong những năm đầu thập niên 1950, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về giác quan thứ sáu của con người, họ phát hiện ra một điều thú vị: trong những chuyến tàu gặp tai nạn có rất ít hành khách, ít đến mức kỳ lạ so với bình thường. Như vậy có nghĩa là, do cảm thấy mối nguy hiểm đang tới gần nên nhiều người trong số hành khách đã từ bỏ ý định đi chuyến tàu đó. Qua tìm hiểu, những người bỏ chuyến đi cho biết: họ quyết định thay đổi kế hoạch vì bỗng nhiên lo lắng, hồi hộp vô cớ, ruột gan bứt rứt không yên.
                       (Văn Nhân, ANTG.  11/3/1999, tr.25)
        TÂY NINH: Năm 2003, hai nông dân Trần Quốc Hải, Lê Văn Danh đã mày mò chế tạo được một chiếc trực thăng.
        Trải qua một thời gian khá dài thử nghiệm và xin phép bay, gặp nhiều trở ngại nhưng hai ông Hai Lúa vẫn bền chí, không nản – Dù chưa được bay chính thức, nhưng vụ chế tạo này đã gây được tiếng vang ở trong và ngoài nước. Một bộ phim ghi lại quá trình ra đời của máy bay nông dân đã được chiếu tại cuộc triển lãm nghệ thuật châu Á – Thái Bình Dương (ở Úc).
        Ngày 23/1/2007, nếu không có gì thay đổi, chiếc trực thăng sẽ được bay thử tại ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
        Được biết, chiếc máy bay này chế tạo 7 năm mới xong. Nó nặng 900 kg và hao tốn nhiều nhiên liệu (khi bay). Tuy nhiên, cuộc bay thử (bay chui, tại Suối Ngô) diễn ra tốt đẹp. Cục cưng nhấc mình khỏi mặt đất được 6 mét.
        Trần Quốc Hải (tác giả chính) sinh năm 1960. Trước, anh học trường Đại học Thể dục thể thao, nhưng niềm đam mê lớn của anh là máy bay. Tốt nghiệp đại học, Hải đi dạy 5 năm rồi bỏ về quê mở xưởng cơ khí chế tạo máy nông nghiệp.
(Thái Thiện, Việt Báo 25/1/2007 – vnexpress.net 10/10/2006)
        (Chú thích: Các phóng viên tới thăm hai anh Hải, Danh đều ngạc nhiên, cái xưởng nhỏ ấy đúng là nơi sửa chữa máy cày, máy tuốt lúa, chẳng có nét nào dính dáng đến máy bay).
        MA: Chuyện ma ở Anh. Người Anh thích nói chuyện ma. Nhiều nơi ở Anh có ma.
        Những người ngủ đêm trong lâu đài Dalhousie (Edinburgh) thường thấy cô con gái út của bá tước Earl. Năm 1690 cô bé này bị bố nhốt vào gác chuông, không cho ăn uống, chết đói, vì tội yêu cậu bé chăn ngựa. Từ đó đến nay hồn cô bé vẫn còn vất vưởng trong lâu dài Dalhousie – Tại Newmarket, người ta có thể gặp lại Fred Archer. Ông này là tay đua ngựa nổi tiếng. Vào năm 1886, trước cái chết (vì hậu sản) của vợ, Archer đau buồn, tuyệt vọng, đã tự tử bằng súng, lúc mới 29 tuổi. Hơn trăm năm qua, vào những đêm tối trời, thỉnh thoảng người ta lại thấy Archer phi ngựa trên sân đua – Catherine Howard là vợ thứ 5 của vua Henry Đệ Bát. Ông vua này vốn tính đa nghi, cả ghen. Năm 1542 nhà vua ghép cô vợ trẻ vào tội chết, bị chặt đầu, vì thiếu đoan trang (ngoại tình), Catherine mới 20 tuổi. Mấy trăm năm nay người ta vẫn còn nghe tiếng hét lanh lảnh của Catherine vang trong lối đi của tòa lâu đài tăm tối.
                   (Lê Quang, Thể thao văn hóa – TTVH – 6/6/2003, tr.31)
        SÀI GÒN ĐẸP LẮM: Chiều 16/6/2011, một người đàn ông đi xe máy gặp cướp tại vòng xoay ngã năm An Dương Vương (Sài Gòn).
        Hai tên cướp chở nhau trên xe máy. Tên ngồi sau giật chiếc túi xách của người đàn ông. Không giằng được túi xách, hai tên cướp tẩu thoát bỏ lại nạn nhân với chiếc túi rách toạc, tiền bay tung tóe ra đường. Những người ở quanh đó và nhiều người đi đường đã dừng xe, chạy đến, thay vì đuổi cướp hoặc cứu giúp người gặp nạn, họ đã xông vào hôi của – và số tiền rơi ra đường đã biến mất chỉ sau ba phút, trước ánh mắt bất lực của nạn nhân.
                            (quechoa.info 19/6/2011).
        (Lời bàn: Thử đọc mẩu tin nhỏ sau đây, rồi ngẫm nghĩ, không cần bàn luận câu nào: “Ở Nhật, nếu đi tàu mà bạn vô tình quên túi (trong đó có tiền, máy ảnh, điện thoại di động v.v…) trên tàu, bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến nhận, vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến nó cả”).
        NÉM GIÀY: Tối 8/8/2010, khi diễn thuyết tại Birmingham (Anh), tổng thống Pakistan, Asif Ali Zardari bị một người đàn ông khoảng 60 tuổi ném giày (ném hai cú, không trúng) – Còn nhớ, hồi tháng 12/2008, tại Baghdad, một phóng viên truyền hình Iraq đã ném giày vào tổng thống Bush (con). Sau đó, tháng 2/2009, Martin Jahnke, 27 tuổi, sinh viên Đức (học tại Anh) đã ném giày vào thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo (không trúng), khi ông này nói chuyện ở đại học Cambridge (Anh). – Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, ông Mã Anh Cửu (tổng thống Đài Loan) đến đài tưởng niệm nhân quyền Jinmei ở Đài Bắc để dự lễ.    Tại đó có một đoàn biểu tình chờ đón ông Mã. Những người này đã ném giày, túi xách vào ông Mã  khi ông lên phát biểu. Họ đòi chính quyền thả cựu tổng thống Trần Thủy Biển, người đang nằm trong tù với mức án 19 năm vì tội tham nhũng… Còn may, các vệ sĩ đã bắt được số giày, túi ném ra, không để chúng bay trúng ông Mã.
                   (Quang Ngộ - blog Bồ Đề, 11/12/2012)
        MONG MANH: Trong 9 tháng đầu năm 2010, Trung Quốc có 1,3 triệu cặp vợ chồng ly hôn, trong đó Tứ Xuyên đứng đầu với hơn 102.000 cặp… Người ta cho rằng trận động đất dữ dội ngày 12-5-2008 (mạnh 8 độ richter khiến hơn 69.000 người chết, 18 ngàn người mất tích), là nguyên nhân chính làm cho các vụ ly hôn tăng vọt… Nhiều người nghĩ rằng, cuộc sống thật NGẮN NGỦI và MONG MANH. Vì thế họ cố gắng tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất theo từng ngày. Họ thấy chuyện vợ chồng, chức tước, tiền bạc, tài sản bỗng trở nên nhỏ bé, không còn quan trọng như trước kia họ nghĩ.
(Kiều Khanh, Yonhap, 9/11/2010)
        CHIM: YVES ROSSY, 51 tuổi, Thụy Sĩ, cựu phi công, từ lâu mơ ước được bay như chim. Ngày 5-11-2010, Rossy nhảy ra khỏi khinh khí cầu (gần hồ Genève) ở độ cao 2.400m. Sau đó ông khởi động 4 động cơ trên đôi cánh phản lực, rồi bay hai vòng hình chữ U, sau đó bung dù đáp xuống đất… Rossy đã tiến hành vô số thử nghiệm để bay. Đôi cánh bay lần này làm từ sợi carbon, 4 động cơ mua của hãng Jet Cat, Đức, tổng chi phí: 285.000 USD. (Từ 1930 đến 1961 đã có 72 người thiệt mạng do thử nghiệm bay (lắp cánh vào cơ thể để bay… như chim).
                       (Hữu Hoa, blog Tri thức, 6/11/2010)
        THẦN KỲ: José Arigo không phải bác sĩ nhưng được gọi là “nhà phẫu thuật kỳ bí của Brazil”. Ông sống ở thị trấn Congonhas do Camfo.
        Vào lúc 7 giờ sáng, khi cửa nhà Arigo vừa mở, đã có một dãy 200 người xếp hàng rồng rắn đứng đợi sẵn – Arigo áp dụng một kiểu chữa trị bệnh rất nhanh và rất kinh dị: ông ấn người bệnh vào tường, lấy con dao thường dùng (không phải dao mổ) đâm họ, rồi lau nó trên áo blouse sau khi mổ xong. Ấy thế mà chẳng ai đau đớn, sợ hãi cả, và những vết mổ liền miệng nhanh chóng (chỉ vài ngày sau đó)… Arigo khám bệnh cũng khác đời: ông liếc nhìn bệnh nhân một cái, chẳng nói gì, biên ngay một toa thuốc. Những thuốc ông kê toa đều của các nhãn hiệu thuốc hàng đầu, dùng với liều lượng lớn và cách phối hợp (cách uống) rất kỳ lạ so với kiến thức y khoa cơ bản – Một bản thống kê cho thấy, trong 2 thập niên 1950, 1960 Arigo đã chữa cho gần nửa triệu người. Đặc biệt, ông không nhận tiền bạc hay quà cáp của người bệnh.
        Arigo trở thành anh hùng dân tộc của Brazil, không ngày nào báo chí không đăng tải về những ca phẫu thuật thần kỳ của ông. Tuy nhiên, do không có văn bằng y khoa nên ông cũng gặp nhiều rắc rối pháp lý, nhiều lần bị bắt giam, có lần phải ngồi tù 7 tháng.
                       (PV. NA số 271, 21/3/2002, tr.25)
        ĐỨNG ĐƯỜNG: Đức nổi tiếng ở châu Âu về hiện đại và quyền con người. Nước này cũng chiếm số 1 châu Âu về “tiệc sex, du lịch sex” với quy mô lớn. Gái đứng đường xuất hiện ở Đức từ thời trung cổ.
        Mới đây, thành phố Bonn đã ra quy định mới, những cô gái đứng đường sẽ phải trả thuế hàng đêm. Theo đó, thành phố sẽ đặt hàng loạt máy thu tiền tự động, dành cho gái mại dâm mua vé hành nghề với giá 6 euro mỗi đêm. Lâu nay những người làm trong nhà thổ và phòng tắm hơi phải trả thuế, nhưng gái đứng đường thì chưa… Thuế mại dâm mang lại cho chính phủ chừng 300 ngàn euro mỗi năm – Ước tính, hiện nay có hơn 200 ngàn người (gồm cả nam giới) làm nghề đứng đường ở Đức.
(Kim Cang, Bangkok Post, 10/10/2008)
        VẪN CÒN: “Khi đám đông tín đồ ra về, ngôi chùa quạnh hiu, nhưng vẫn còn nhiều: còn các tượng Phật. Khi tuổi trẻ hoa mộng qua đi, người ta ngẩn ngơ, chao đảo, nhưng vẫn còn nhiều: còn sự tiếc nuối. Sau nhiều năm nồng ấm, đến một lúc nào đó đôi tình nhân quay lưng lại với nhau, ngỡ như chẳng còn gì, thế mà vẫn còn nhiều: còn những phút giây dịu ngọt trong chiêm bao”.
        (Lời bàn: Đọc mấy câu này thấy nó văn hoa, mượt mà, ta dễ nghĩ đây là danh ngôn, nhưng không phải: nó được một bà già mù chữ, ở Sri Lanka, nói ra).
        NHẬT BẢN: Trong khi gặp thảm cảnh động đất (9 độ richter, 11/3/2011) và sóng thần, người ta thấy dân Nhật là những người vững vàng, đáng khâm phục. “Không thấy cảnh cướp bóc, chen lấn, xô đẩy nơi mua thức ăn hay trong ga tàu điện ngầm đang tắc nghẽn. Mọi người xử sự rất bình tĩnh. Giá cả thực phẩm không tăng… (Người Nhật) lặng lẽ xếp hàng nhận những nắm cơm trắng. Trong những nơi trú ẩn, lánh nạn, vẫn sạch sẽ, ngăn nắp, không hỗn loạn.”.
(Phong Thảo, lưu học sinh – Vietnamnet, 16/3/2011)
        OETZI: Ngày 19/9/1991, cặp vợ chồng du khách người Đức Helmut và Erika Simon phát hiện ra một xác người nguyên thủy. Xác này nằm trong một hố băng ở thung lũng Oetz, trên dãy núi Alps, ở độ cao 3.200m so với mực nước biển.
        Đó là “người băng Oetzi”, cao 1,59m, sinh sống trên dãy Alps cách đây 5.300 năm. Có điều kỳ lạ, là mọi bộ phận trong cơ thể của Oetzi đều còn nguyên vẹn, trừ một vài hư hại nhỏ ở vùng mông bên trái.
        Lúc được tìm thấy, Oetzi đi đôi giày da dê, áo lông làm bằng da nai được khâu vá vụng về, khoác ngoài là một áo choàng bằng cỏ bện, đội một chiếc mũ lông, mang một túi đựng tên và một chiếc rìu bằng đồng – Từ năm 1998, Oetzi được đem ra trưng bày tại một viện bảo tàng ở Bolzano (nước Áo) trong một quan tài thủy tinh có nhiệt độ -6oC và độ ẩm không khí 98%. Bảo tàng này nhanh chóng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng vạn khách.
                              (Minh Bích, TTVH, 7/11/2003, tr.32)
        CÓ ĐẦU ÓC: Chính phủ Trung Quốc (TQ) đã trả lại quyền quản lý ruộng đất, vốn nằm trong tay chính quyền trung ương, về cho 750 triệu nông dân. Họ có quyền sống và canh tác trên mảnh đất họ được giao lĩnh canh trong thời hạn 50 năm, cũng như được bán sản phẩm họ làm ra trên thị trường tự do. Thu nhập của nông dân từ đó phụ thuộc vào lao động của họ, và điều này đã trở thành động cơ chính thúc đẩy sản xuất nông nghiệp TQ thời gian qua. Kết quả, đến đầu thập niên 80, TQ đã bảo đảm được việc tự cung cấp lương thực. Trong vòng 10 năm, từ 1978 đến 1988, thu nhập bình quân theo đầu người ở các vùng nông nghiệp đã tăng gấp bốn lần. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nông thôn được mở rộng, khuyến khích, tạo việc làm cho 92 triệu người, trở thành nhân tố phát triển nhanh của kinh tế TQ.
                              (Hà Bái, Sài Gòn mới, 25/8/1991, tr.4)
        (Lời bàn: Thiên hạ khen: lo cho 1,3 tỉ cái mồm ăn no đã khó, lại còn lớn mạnh, là giỏi. Vì sao giỏi? Vì trong đầu chúng nó có óc.)
Sài Gòn áo lụa
      Ngỡ ngàng nắm lấy bàn tay
Người xưa nay đã khác ngày xưa xa
      Sài Gòn áo lụa hôm qua
Chỉ là một giấc mơ hoa ngọt ngào
      Mùa mưa – sân cũ – trúc đào
Mười năm thương nhớ tình đầu dở dang
      Chẳng còn thu tím, lá vàng
Cho nên áo lụa Sài Gòn nhạt phai
      Thôi thì cứ nắm bàn tay
Dẫu người xưa đã khác ngày xưa xa.
                                    LINH PHƯƠNG
        NĂM ĐỨA BÉ: Sáng sớm hôm qua, 10/7/1970, một vụ án mạng lớn được phát giác tại hẻm 64, đường Hai Bà Trưng, Quận 3.
        Có 6 người chết trong căn nhà số 348/54/22E của chị TTM. Chị M (44 tuổi) chính là chủ căn nhà này, và cũng là thủ phạm gây ra những cái chết oan khiên – Qua nhận định ban đầu của cảnh sát, và theo nội dung lá thư tuyệt mệnh của chị M, chị M giết 5 đứa con nhỏ rồi tự sát (uống thuốc rầy) vì sự vô lương tâm của người chồng xấu xa, bội bạc.
        Chồng chị M là NHK đã bỏ nhà cửa, vợ con, ôm một số tiền lớn, trốn theo người tình trẻ cách đây hơn hai tháng. Chị M chán đời, không thiết sống, và chị giết lũ con (bằng cách dìm chúng vào thùng nước), vì không muốn chúng sống bơ vơ, khổ sở trên đời… Đám con chị, 5 đứa, có cùng một tên: Vân, đứa này cách đứa kia một tuổi – đứa lớn nhất, Hồng Vân, 9 tuổi, bé út là Thanh Vân 5 tuổi.
             (N.Long, Tin Sáng 11/7/1970, tr.1).
        NGÃ LĂN: Nửa thế kỷ qua ta đã thấy: nhiều người tài giỏi, làm được nhiều việc sáng giá, ai cũng nghĩ họ có thể lên cao, tiến xa, nhưng đột nhiên họ dừng lại, ngã lăn quay như bù nhìn rơm. – Những mối tình xứng đôi, đẹp không thể đẹp hơn, tưởng có thể kéo dài trăm năm như những lời chúc lành ta thường nghe trong các đám cưới, nhưng bỗng chúng tan rã, mau như những tiếng vỗ tay. Đó là biển dâu, lịch sử, tiến hóa. Điều cần biết: đâu là tiến hóa, đâu là thoái hóa, ai là ma ai là sư – và phân biệt được cái lăng và cái ống cống.
(Thạc Sĩ, Blog taotau, 06/3/2009)
        IRAN: Nhà văn Hồ Anh Thái nói, ở Iran đời sống khá bình yên. Xe hơi để ngoài đường suốt đêm không bị vặt gương vặt đèn hay cào xước. Đi chợ, ta có thể mua đồ rồi bỏ đâu đó, sau quay lại lấy, không bị ai lấy mất. Nhìn chung, người ta có cái nghiêm túc của đức tin, có thể diện để mà giữ sạch cho mình và cho xã hội – Do tinh thần Hồi Giáo nghiêm khắc, hầu như dân Iran không bia rượu, có chăng là loại bia không cồn, nhưng cũng hiếm khi dùng. Iran có nhiều tiệm ăn nhưng không có quán rượu. Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim nhưng không có vũ trường. Thanh niên thích hoạt động dã ngoại, đến với thiên nhiên: thể thao, leo núi, trượt tuyết, cắm trại… và đến nhà hát.
                   (Kim Cương, Kinh tế TT, 26/6/2011, tr.9).
        11 TUỔI: Phạm Thanh Ngọc quê ở Tam Bố, Di Linh, Lâm Đồng thông minh đặc biệt. Mới 11 tuổi, chưa học qua lớp 1, (từ 5 tuổi, em được cha mẹ dạy ở nhà), nhưng em đã giải được toán lớp 12. (Trình độ tổng quát, tất cả các môn khác, học lực em tương đương lớp 5)… Ban giám hiệu trường quốc tế BVIS (Sài Gòn) đã cấp cho Ngọc một học bổng trị giá hơn 2 tỉ đồng, để em học 7 năm tại trường này.
        THUỐC BỔ: Đài truyền hình Hàn Quốc SBS vừa phát một phóng sự nói về một loại thực phẩm chức năng (như thuốc bổ) của Trung Quốc đang bày bán rộng rãi ở Hàn. Họ nói loại thuốc này chế biến từ thi thể hài nhi – Trước đó, đoàn phóng viên của SBS đã tới Trung Quốc, tìm được bệnh viện bán thi thể hài nhi, và ghi lại hình ảnh quá trình sản xuất thuốc… Bệnh viện trên bảo quản thi thể của hài nhi trong tủ lạnh, sau đó đưa vào lò vi sóng sấy khô rồi đem nghiền nhỏ, chế biến thành nguyên liệu cho các viên nang của loại thuốc mà họ quảng cáo là “bổ dưỡng và tăng cường sinh lực”! – Các nhà khoa học Hàn Quốc tìm thấy và trích ra được các mẫu móng tay, tóc trong viên nang, và xác định được giới tính của đứa bé!
(Gia Bảo, HM Blog, 12/11/2007)
        THI ĐẸP: Suốt 10 tuần lễ mùa hè này (2009), 190 mỹ nhân của vương quốc Hồi giáo Saudi sẽ dự tranh một cuộc thi sắc đẹp được gọi là “Hoa hậu đức hạnh”. Tuy nhiên, các thiếu nữ này sẽ không được chấm điểm dựa trên sắc vóc tự nhiên. Thay vào đó, ban giám khảo sẽ soi rọi những khía cạnh đạo đức của thí sinh, như lòng mộ đạo (Hồi), niềm thảo kính dành cho cha mẹ.
        Vương quốc Saudi cũng thường tổ chức những cuộc thi sắc đẹp, đúng nghĩa sắc đẹp, cho dê và lạc đà. Tiêu chuẩn chấm thi cho mỹ nữ lạc đà là mắt to, lông mi dài, cổ cao.
(Công Dung, Tin sớm, 10/6/2006)
        TẾ TRỜI: Bọn lục khanh, lấy cớ hạn hán, dâng sớ nói: “Từ tháng 12 năm ngoái tới nay, trong kinh và ngoài các trấn, trời nắng chang chang không mưa, khí tiết rất trái hòa. Hoàng thượng ta một lòng kính sợ, 5 tối thắp hương, lại sai bộ thần và quan địa phương đến các đền thiêng, lòng thành cầu đảo, mới được mưa nhỏ, rồi lại hạn hán khô khan. Bọn thần đêm ngày lo nghĩ: cái lỗi nắng mãi không biết bởi đâu. Trộm xét, năm trước có loạn, binh dân mắc phải súng đạn rất nhiều, cùng các tỉnh nhân có loạn giết hại lẫn nhau, người vô tội bị oan uổng, phách lạc không chỗ nương tựa, hồn tàn không yên, thường thường oan mãi, không làm tai họa sao được. Đồng Khánh năm đầu, đã chuẩn cho tế một tuần ở kinh thành – Còn như ơn của nước, ban của kho ra, chưa được thấm nhuần, xin xuống dụ cho phủ Thừa Thiên và các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào nam, tỉnh lớn cho chi tiền 300 quan, tỉnh nhỏ 200 quan, mua sắm lễ phẩm và áo mã, chọn nơi sạch sẽ lập đàn tế trời, để cứu vớt những oan hồn chìm đắm”.
        (Lời bàn: Đọc đoạn văn ngắn này để nhớ lại lối nghĩ, cách viết của người xưa, trước đây 130 năm… Thử hình dung, thời đó con người sống thế nào – Đại Nam thực lục, đệ lục kỷ, quyển 10).
        LIẾM GHẾ: Cô giáo Ngọc Lan dạy tiếng Anh ở trường PTCS Liêm Hòa, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sáng nọ, bước vào lớp, cô Lan thấy chiếc ghế mình ngồi bị học trò vẽ viết bậy bạ, lem luốc bẩn thỉu – Đây không phải lần đầu. Cô nổi giận, quát mắng, dùng nhiều cách để tìm thủ phạm, không bỏ qua, nhưng cả lớp im thin thít.
        Rồi cô Ngọc Lan nghĩ ra một cách trừng phạt lạ: cả lớp phải liếm ghế, liếm cho sạch những vết bẩn… Chuyện thoạt nghe có vẻ chẳng to tát gì, nhưng sau đó nổ ra như quả bom tấn.
        Tóm lược một số ý kiến của công chúng: “Chuyện cô giáo Ngọc Lan bắt học trò liếm ghế làm tôi đau lòng. Ghế thầy cô ngồi bị học trò vẽ bậy là chuyện thường thấy ở bất kỳ trường nào, thời nào. Và thầy cô thường giải quyết việc này bằng nhiều cách, chủ yếu là chỉ ra cho các em thấy đó là điều không nên làm, hỗn láo… Truy tìm thủ phạm ráo riết để làm gì? Để giáo dục hay để trả thù? Việc bắt cả lớp lên liếm ghế là cách trả thù man rợ, một hành động ngược đãi trẻ em, đó không phải là cách làm của một người nhân hậu”.
(PV.ANTG cuối tháng, số 22 – 6/2003, tr.32)
        LES: J. SIGURDARDOTTIR nhậm chức thủ tướng Iceland ngày 1/2/2009. Bà sinh năm 1942, tốt nghiệp đại học thương mại năm 1960; thời trẻ làm chiêu đãi viên hàng không nhiều năm; sau đó làm bộ trưởng, phó chủ tịch quốc hội; năm 2009 có tên trong danh sách 100 phụ nữ nổi tiếng thế giới… Điểm nổi bật của bà này: có 2 đời chồng, đời trước sinh được 2 con trai. Cuộc hôn nhân thứ hai là với MỘT PHỤ NỮ (là nhà báo), họ cưới nhau (hợp pháp) ngày 27/6/2010.
(Duy Hải, Blog thudo, 8/10/2010)
        KHÓ HIỂU: Hàng triệu trẻ em Trung Quốc (TQ) bị điếc vì dùng kháng sinh quá liều, đặc biệt là Streptomycin. Người ta không hiểu vì sao các bác sĩ TQ thích kê toa để bệnh nhân mua kháng sinh, kể cả những ca không cần thiết, (mỗi năm TQ có chừng 200 ngàn người chết vì sốc kháng sinh). Theo kiểm tra mới đây, có 80% đơn thuốc kháng sinh ở TQ là không cần thiết (10/2010).
(Viên Giác, Nhân đạo, 14/4/2011)
        66 NĂM SAU: Hồi đệ nhị thế chiến, Đức Quốc xã chiếm đóng Đan Mạch 5 năm (1940 – 1945).
        Mới đây, một cựu quân nhân Đức Quốc xã đã gởi trả cho Đan Mạch một chiếc máy ảnh (hiệu Agfa Isolette) mà ông ta lấy cắp trước đây 66 năm – Bên cạnh chiếc máy ảnh có một lá thư. Đại ý, thư viết: “Vật này đã làm cho lương tâm tôi ray rứt trong sáu mươi năm qua, và tôi luôn thấy buồn mỗi khi nhìn nó. Tôi rất mong nhận được sự thứ lỗi của người mất máy”. Bưu phẩm này từ Đức gởi tới Đan Mạch, không đề tên người gởi.
                   (Lê Hiếu – blog Quechoa, 10/3/2009)
        EM
                         Năm xưa lên tỉnh về làng
                   Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
                         Bây giờ quần trễ, rốn lồi
                   Khổ tôi, khổ cả bố tôi đang thiền.
                                                             BẢO SINH
        MACAU: STANLEY HO (sinh 1921) được coi là vua cờ bạc ở đặc khu Macau (Ma Cao). Ông mở ra ngành “công nghiệp” giải trí – chủ lực là cờ bạc – năm 1961, với số vốn ban đầu 410.000USD. Nay (9-2010) “vua” HO có trong tay tài sản ước độ 7 tỉ USD. “Vua” có 4 vợ 17 con (11 nữ, 6 nam)… Mỗi năm cờ bạc mang về cho Ma Cao chừng 2 tỉ USD. Ngoài đỏ đen, ông Ho còn kinh doanh các lĩnh vực tàu biển, hàng không, sân golf, quán bar, đua ngựa.
                   (Quý Nho – blog chotroi, 17/6/2002)
        ẤN ĐỘ: Ấn còn những vùng rất nghèo, còn một số đông dân chúng có đời sống chưa cao nhưng đâu đâu cũng thấy người dân sống trong TỰ DO HẠNH PHÚC. Vì họ có một nhà nước dân chủ trung thực để tin cẩn và một tôn giáo lớn đầy nhân bản để gởi gắm phần hồn… Tôi đã đi qua những làng quê nghèo của Ấn Độ, thấy những nông dân Ấn còn đi chân đất, lưng trống, đầu trần nhưng nét mặt họ vẫn ngời lên rạng rỡ.
                       (H.N. Chênh, quechoa.info 10/10/2011)
        NHẤT: Sa mạc Lut (Iran) là nơi có nhiệt độ nóng nhất trên trái đất: 71oC. Diện tích sa mạc này: 480km2 – Làng Oymyakon của nước cộng hòa Sakha (Nga) có 800 dân, là nơi lạnh nhất thế giới. Ngày 26/1/1926 nhiệt độ ở đây hạ xuống đến -71,2oC.
        TRÚNG MÁNH: Lúc 20 giờ 45, ngày 28/12/2011, trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), một xe tải chở trái cây đã lật nhào, vì mất lái do tránh người đi đường.
        Chỉ chờ có vậy, nhiều người (dân địa phương) đã ào đến tranh nhau hôi của – xe tải này do tài xế Dương Chí Hiếu điều khiển – Xe chở 13 tấn trái cây (cam, bưởi). Anh Hiếu bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Tài xế phụ Huỳnh Công Tôn ở lại giữ hàng, nhưng một mình anh không thể cản được số người đến cướp của. Chỉ chốc lát họ đã khuân đi 30 thùng trái cây, (mỗi thùng chứa 60kg bưởi, cam)… Anh Tôn phải mướn một toán thanh niên trông giữ hàng suốt đêm, với giá 12 triệu đồng.
                   (Kh. Trình – Người lao động online, 29/12/2011).
        LẠ: “Nổ mỏ than, 29 người thiệt mạng”:
        Một vụ nổ khí gas đã xảy ra tại mỏ than ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc, khiến 29 người thiệt mạng. Theo Tân Hoa xã, 6 công nhân mỏ hiện đang được điều trị tại bệnh viện sau khi được cứu từ mỏ than XIALIUCHONG, do chính quyền thành phố HENGYANG quản lý.
        Mỏ than ở TQ gây chết người NHIỀU NHẤT THẾ GIỚI về tai nạn mỏ than.
        Năm 2010, có 2.433 người chết trong các vụ tai nạn HẦM MỎ ở TQ, năm 2009 con số đó là 2.631 người.
        PHÙ THỦY: Vào thế kỷ 16, tại châu Âu, mỗi làng đều có một phù thủy nam và một phù thủy nữ. Họ sống ngoài lề của cộng đồng. Người ta biết họ, sợ họ, khinh rẻ họ. Ban đêm thôn xóm vắng hoe. Tiếng chó sủa hòa với tiếng rú của chó sói từ xa vẳng lại, nghe vừa thê lương vừa rùng rợn. Phố phường sau giờ giới nghiêm không còn một bóng người.
        Vua Pháp Charles IX lên ngôi năm 16 tuổi. Thời bấy giờ, phù thủy, những kẻ mối lái (ma cô), và gái ăn sương (gái điếm) đông như ruồi nhặng. Nhà vua muốn quét sạch những thứ rác rưởi ấy, trước tiên là bọn phù thủy. Từ đó, hàng trăm hàng ngàn cuộc giết chóc xảy ra, khắp nơi – Tại Paris, người ta treo cổ một người mù bị kết tội là phù thủy sau khi hắn đã khai tên hơn 100 đồng bọn cùng tham dự lễ hội với hắn tại tổng đàn ở Besancon. Tại Lyon, lãnh chúa Adrian de Fer đích thân chỉ huy vụ hỏa thiêu hơn 20 nam nữ phù thủy. Trên giàn hỏa số người đó vừa nhảy múa vừa hô vang khẩu hiệu “Satan muôn năm”. Tại Avignon, các phù thủy không bị đưa lên giàn hỏa, mà bị giam cầm, bị bỏ đói, đến nổi phải ăn cỏ, rồi chết dần mòn. Riêng lãnh chúa Doguet đã ném vào lửa đỏ 600 con ma sói và 600 phù thủy!
        Các cuộc tàn sát đã diễn ra không chút nương tay. Hơn 2 triệu người bị cho là phù thủy ở châu Âu đã bị thiêu sống. Mãi tới đầu thế kỷ 17 thảm kịch phù thủy mới chấm dứt.
                   (Phan Nghị, Kiến thức NN  10/12/2002. Tr. 65 – 68)
        GIÀU: Một sòng bạc lớn vừa bị triệt phá. Chủ sòng là Dương Anh Đức (48 tuổi, ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh).
        Hàng ngày sòng bạc mở 2 ca, thu hút cả trăm người. Khách chơi là dân Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… Ai muốn được vào cửa phải nộp trên dưới một triệu đồng. Người ta nói, khi đến đây con bạc thường mang theo từ 70 đến trăm triệu đồng – Để bảo mật, các con bạc tụ tập tại một điểm hẹn, khi đông đủ trùm Đức cho xe đưa họ đến sòng.
        Lúc 13 giờ 20, ngày 29/11/2012, 200 cảnh sát đã ập vào bao vây nhà nghỉ Tuấn Sơn ở phố Chùa Dận. Lúc này 105 con bạc đang chơi xóc dĩa trong một phòng trên tầng 4. Trùm Đức và hơn trăm người bị bắt giữ. Tiền tang vật thu được là gần 6 tỷ đồng.
                   (T. Thịnh, vnexpress.net 1/12/2012)
        TRÍ ANH: Lê Trí Anh (13 tuổi) đang học lớp 8, nhưng là một học sinh lớp 8 đặc biệt. Những người quen biết đều thấy cậu bé này có một sức học dữ dội.
        Bằng con đường tự học là chính, Trí Anh đã biết được nhiều sinh ngữ (Anh, Pháp, Đức), giải được hết các bộ đề thi toán vào đại học, thành thạo tin học và vi tính ở trình độ lập trình trung cấp – Từ ngày thi đỗ phổ thông trung học đến nay, sau gần ba năm thầm lặng học trong điều kiện thiếu thốn, trình độ của Trí Anh tiếp tục vượt lên. Hiện tại, khi đã giành được bốn chứng chỉ vi tính (loại ưu) về hệ lập trình, Trí Anh còn nghiên cứu và giải được nhiều chuyên đề toán cao cấp ở bậc đại học. Sự tiến bộ phi thường của Trí Anh làm các chuyên viên cao cấp về điện toán sửng sốt.
        Các giáo sư tiến sĩ Hoàng Kiểm, Nguyễn Cang, Đặng Đình Áng nhận định: Lê Trí Anh có tố chất đặc biệt về toán và tin học, em nhạy bén về tư duy lý luận, phát hiện được nhiều lỗi sai sót của một số giáo trình cao cấp về toán và tin học, em có thừa khả năng học vượt lớp, vượt cấp.
        Gia đình Lê Trí Anh hiện đang ở trong một căn nhà tăm tối tại chung cư 47/608 Nguyễn Thái Bình, quận 1. Nhà nghèo đến nổi không có được một bộ bàn ghế tiếp khách. Mỗi khi có khách tới, Trí Anh phải nhường cái bàn học tí tẹo cho cha mẹ tiếp khách, còn mình lui vào trong bếp để làm bài.
                   (Quang Dương, Tin tức, 18/4/1993, tr.7)
        (Lời bàn: Đã 20 năm trôi qua, nay Lê Trí Anh thế nào, làm gì? Em đã bốc lên, vươn cao, hay cũng dạy học mưu sinh như thần đồng này, thiên tài kia?) ./.