Đúng như chị Trà giới thiệu, Khánh Hạ có
gương mặt thanh tú, nụ cười vừa trẻ thơ vừa hóm hỉnh, nói chuyện khá vui. “Cũng
lạ, đẹp thế này mà ba mươi chưa chồng”. Tôi nghĩ.
Chúng tôi chuyện trò như đôi bạn thân,
dù đây mới là lần đầu gặp nhau. Thật ra, trước kia tôi cũng đã biết Khánh Hạ,
lúc nàng mười hai, mười ba tuổi. Từ đó đến nay quá lâu.
“Anh khác hồi nhỏ nhiều lắm” Hạ nói.
“Em cũng vậy, chẳng còn một nét nào của
bé Hạ ngày xưa, mà hao hao giống Dương Tử Quỳnh”.
Khánh Hạ nhướng mày.
“Tử Quỳnh, ai thế?”.
“Đó là nhận xét của chị Trà. Chị bảo em
giống cô diễn viên Hong Kong Dương Tử Quỳnh”.
“Sướng quá, nhưng em không biết cô ta… Có
một thời em cũng ước mơ trở thành diễn viên, ca sĩ”.
Theo như chị Trà nói, Khánh Hạ đang trải
qua những tháng ngày nhạt nhẽo, u buồn trong tòa nhà thênh thang. “Chị em Hạ
đang tự giam nhốt, tự giết mình. Sống không mục đích, không hy vọng như thế thật
đáng sợ… Tuần nào chị cũng đến nhà Bình, Hạ vài ba lần, để tán dóc, đánh cờ,
đánh bài, chị em nó rất mừng… Tòa nhà như trụ sở quận mà chỉ có hai chị em với
hai người làm công”. Chị Trà giục tôi: “Em đến đó chơi, Khánh Hạ sẽ thích lắm,
nó cần bạn”. Chị bảo tôi hàng chục lần. Tôi trì hoãn bằng cách hứa hẹn, như khất
nợ. “Khánh Bình nói, cô ấy sẽ tìm cách sống thật nhộn thật ồn ào trong mười năm
nữa, đến khoảng bốn hai, bốn ba thì tốp, hạ màn, tự kết thúc đời mình… Bình
không muốn kéo rê một cuộc sống làng nhàng, mốc meo, vô vị. Ích gì mấy chục năm
cuối đời, thân thể khô rúm, ăn không tiêu, đi đứng xiêu vẹo, đau nhức xương cốt…
Nghe mà sợ. Nghĩ như thế thảm quá… Sống mãi giữa mấy cái máy hát và giá sách
cũng nản. Con người dễ trở nên bạc nhược, còn ngày giờ thì rỗng không, dài ngoẵng…
Khánh Hạ bỏ ra nhiều năm nghiên cứu, nghiền ngẫm khoa chiêm tinh, các tôn giáo
lớn, triết học đông tây, nhưng rồi nó nói, cuối cùng vẫn không trám hết thời
gian, không bịt kín được cái câu hỏi: tất cả những thứ này liệu rồi sẽ đem đến
cho ta lợi lộc gì, đưa ta tới đâu?”. Chị Trà kết luận: chúng ta nên giúp hai đứa
nó.
Chị Đố – người giúp việc – bưng lên hai
ly cà phê.
“Đêm nào em cũng uống hai cữ cà phê… Xem
tivi, đọc chút gì đó, mười một giờ đi ngủ, quanh năm như thế” Hạ nói.
Chiếc bình cổ cò đặt giữa bàn cắm một
cành hồng với một đóa hồng nhung to. Chỉ một bông và sáu chiếc lá. Chắc là cắm
hoa theo kiểu Nhật?
Tôi nhớ chuyến đi Cao nguyên mười bốn
năm trước. Thành phố núi đồi, rừng thông, những vạt hoa bên đường.
“Đà Lạt có nhiều hoa, đi đâu cũng gặp
hoa. Lắm nơi hoa mọc hoang bên vệ đường, hồng, mimosa, bươm bướm”.
“Thích nhỉ, em chưa được lên đó. Theo
anh, nó có những gì đáng nhớ?”.
“Đồi thông, thác nước, và những biệt thự
của người Pháp để lại”.
“Xưa giờ em chỉ thấy cây thông trên phim
ảnh và trong sách”.
“Nhưng ta khó ở lâu trên đó, chừng năm
hôm hoặc một tuần là vừa, nếu hơn nữa sẽ nhàm, buồn”.
“Cà phê ngon” Tôi khen.
“Anh khen thật, không xã giao chớ?”.
“Ngon lắm, hơn ngoài quán nhiều”.
Hạ cười rạng rỡ, và nói một câu bất ngờ:
“Cám ơn anh, chính em mua đấy. Tối nào
anh cũng đến chơi, uống cà phê nhé”.
Chúng tôi thân nhau nhanh chóng. Vậy mà
mới trước đây vài giờ cái tên Khánh Hạ không có trong danh sách bạn bè của tôi…
Lúc xẩm tôi định đi Tân Cảng, đến nhà ông anh ruột của Thông dự một dạ tiệc.
Thông là bạn thân của tôi. Hắn bảo tôi chuẩn bị, 7 giờ hắn đến đón. Tôi chờ, ra
vô sốt ruột, hơn 8 giờ vẫn không thấy bóng Thông. Chị Trà nói: “Thông không tới
thì đi chơi với chị, ngủ sớm mục xương”. – “Em ra cà phê Phượng ngồi ngắm xe cộ”.
– “Đến nhà Khánh Bình chơi, vui lắm, uống cà phê khỏi tốn tiền!” Tôi ậm ừ: “Hồi
giờ em không tới, lạ hoắc, lóng ngóng, biết làm gì”. Chị Trà cười: “Đến rồi khắc
biết… Khánh Hạ vẫn thường hỏi thăm em đấy”. – “Khánh Hạ… Khánh Hạ… nay cô ấy thế
nào?”. – “Cao ráo, xinh, trí thức hâm… 30 vẫn còn nằm trong trạng thái “mống
chuồn”.
“Những kệ sách kia anh đọc thoải mái,
nhiều lắm, hơn hai ngàn cuốn đấy”.
Tôi ngắm Khánh Hạ. Nàng đẹp. Dáng người,
nước da, khuôn mặt, nụ cười đều đẹp. Và tôi lại tự hỏi: người thế này cớ sao cô
đơn.
“Chị Bình không sờ đến chúng” Khánh Hạ
nói về những cuốn sách “chị bảo nó cũng phù phiếm như chiếc nơ, cái cà vạt, bộ
râu đàn ông!”.
Chị Đố lên, bảo: “Chị Trà nói, cậu ở
chơi, khoảng mười một giờ về”. Tôi đùa:
“Mấy thì mấy, ở tới sáng cũng được!”.
“Hai bà rất mê bài, có thể đánh quên ăn,
suốt ngày thâu đêm. Em thì ngồi chốc lát đã mỏi lưng, quáng mắt” Hạ nói.
Tôi bảo chị Đố:
“Nói giùm với chị Trà, cứ chơi thả giàn,
12 giờ về”.
Khi chị Đố ra khỏi phòng, Khánh Hạ nói một
câu bất ngờ:
“Tới
đây thì ở lại đây. Anh ở chơi, sáng về”.
Đồng hồ trên tường chỉ mười rưỡi. Khánh
Hạ đưa tôi một cuốn truyện dịch. Truyện tình yêu và chiến tranh, của Đức, in
trước đây 30 năm. Nhưng tôi không đọc được nhiều, vì Khánh Hạ vẫn nói chuyện.
“Anh Khâm ngủ thường thấy chiêm bao
không?”
“Chẳng mấy khi, vì anh ngủ say. Nằm xuống
lúc 12 giờ, dậy lúc mặt trời mọc. Ngủ muộn thì ít mộng mị”.
“Anh giỏi, vô tư… thế có phải là hạnh
phúc không?”.
“Hạnh phúc là thế nào, anh không rõ”.
“Hai từ đó dành cho những kẻ may mắn…
Lúc nào có dịp em sẽ đi Đà Lạt một chuyến, để biết rừng thông, gặp hoa bươm bướm,
mimosa, ngửi mùi Cao nguyên”.
Một lát, Hạ tiếp:
“Anh biết không, nay anh Tiến rất giàu.
Nhà cửa xe pháo sắm đủ từ lâu. Năm 2003 anh ấy đã được bầu vào Hội đồng quản trị
của một cơ sở sản xuất bơ sữa. Vậy mà anh vẫn kêu khổ, chán đời, cho rằng mình
còn thua kém bạn bè”.
Tiến là anh cả Khánh Hạ, ở Anh đã hơn ba
mươi năm.
“Em nói với anh Tiến: em mong được vắt sữa
cho đàn bò của anh… em muốn có một việc làm lao động chân tay thú vị, vừa sức
mình”.
Tôi nghĩ: “Phải đấy. Nếu có việc làm,
ngày hai buổi, Hạ sẽ khỏe ra, vui lên. Nếu lâm vào cảnh túng bấn, phải chạy đôn
chạy đáo kiếm gạo kiếm tiền, chắc nàng sẽ phấn chấn, yêu đời hơn?”.
“Ôi, sống lơ mơ, chẳng biết vì sao mình
sống quả là điều nhọc nhằn! Cảm giác lẩn quẩn, bệch bạc, tù đọng cứ bám sát gáy
mình, và lan cả vào những giấc mơ… Một dạo, khá lâu, em chiêm bao toàn thấy những
cánh đồng cỏ bằng phẳng, xám ngoét; và trời mưa, mưa như mười năm dồn lại một
ngày”.
Gần 12 giờ, chị Đố bưng lên mâm thịt vịt,
cháo vịt. Chị nói, chị Trà thắng giòn giã, đang rất phấn khởi. Dĩa thịt lớn tướng,
bốn người ăn chưa chắc hết. Khánh Hạ mở tủ lạnh lấy mấy lon bia. Trong tủ có
nhiều bia. Nàng nói:
“Bia để đãi khách. Tiếp khách mãi rồi em
cũng quen. Nay em uống hai lon không say. Mời anh”.
Chúng tôi uống với nhau. Hạ hỏi tôi về
công việc làm ăn, sở thích, những dự định tương lai. Rồi nói về quãng thời gian
tươi hồng của mình, là giai đoạn từ lúc mới lớn đến những năm đi dạy. “Hồi đó
sao mà thảnh thơi, hồn nhiên. Mua chiếc áo mới, sướng rơn – Đi dự tiệc cưới của
bạn, vui cả nửa tháng!” Hạ chống cằm, nhìn ra cửa sổ. Tôi ngắm nàng, ngắm không
chán mắt. Tôi uống chậm rãi, từng ngụm. “Món quà này – hoa khôi của câu lạc bộ
gái ế chồng – chị Trà hay trời tặng mình?”.
“Mọi đêm vào giờ này ta làm gì nhỉ? Đọc
báo, xem tivi, hay uống ly cà phê cuối trong ngày” Khánh Hạ nói với chính mình
“Men đang bốc hơi trong dạ dày. Tất cả các loại bia đều sản xuất từ lúa mạch!...
Nay em hiểu vì sao người say thích nói: cái thứ lúa mạch quỉ quái ấy nó lắm mồm!...
Ai sinh ra người? Ông Trời. Ai làm ra nhà cửa, đường sá, bia rượu? Con người. Dễ
hiểu thôi… Nhưng cũng có nhiều điều khó hiểu, như tại sao chúng ta ở đây mà
không ở một nơi nào khác. Tại sao em quen anh, không quen anh Dũng, anh Tuấn
nào đó. Tại sao mình không là con trai, cũng không phải là một chị ngày ngày quảy
gánh đậu hũ đi bán rong… Anh Khâm, anh đang nghĩ gì?”.
“Không nghĩ, anh uống”.
Khánh Hạ nhìn tôi, nheo mắt nhìn thật lâu,
rồi lắc đầu:
“Nay mai em sẽ biết anh, hiểu anh!... Vì
sao anh tới đây hôm nay, không phải hôm kia hay năm ngoái… Và em không biết mai
anh có còn đến chăng”.
“Đến, chắc chắn, để uống bia!” Tôi đùa.
“Uống cà phê, và đọc sách nữa”.
Tôi nhớ đã từng nghe người ta bảo rằng,
tại các nước giàu có một số thanh niên do dư dật, sung túc chẳng biết làm gì, mất
phương hướng, đâm ra khủng hoảng tinh thần, quậy phá, nổi loạn.
“Hôm trước bà Tư Rồi khuyến cáo chị
Bình: coi chừng, tháng 7, tháng 8 tới cô có thể mất một món tiền lớn. Sau đó bà
nói với chú Tâm: cuối năm chú sẽ nhận được hai tin vui. Đúng cả. Sao bà ấy biết?”.
“Bà ta là chiêm tinh gia?”.
“Chẳng nghề nghiệp gì, ai mướn chi làm nấy,
không biết chữ”.
“Mấy thứ này nằm trong dạng những chuyện
huyền bí. Nhưng các trường hợp đó thường chỉ được vài năm, rồi hết giỏi, mất
linh… Chúng ta gặp nhau hôm nay cũng lạ, không giải thích được, phải không”.
Chị Bình hỏi bà Tư Rồi: “Bà xem, chừng
nào tôi chết?” Bà Tư kêu lên: “Khổ, làm sao biết được!”. Chị Bình cười, trêu:
“Không khó, tôi biết đấy!”.
Khánh Hạ nhìn tôi hồi lâu:
“Mặt anh sáng… mắt, miệng. mũi, trán,
tóc tai đạt tiêu chuẩn nhan sắc… nhưng anh chẳng giống một diễn viên nào hết!”
Nàng phá ra cười.
“Được bốn lon, vượt chỉ tiêu! Nhưng em
không say… Anh có nhớ cái ông linh mục phụ trách nấu rượu cho tu viện, do phải
nếm rượu lâu ngày nên thành nghiện, thường say bí tỉ, trong truyện ngắn của
Daudet?”.
Nàng không chờ tôi trả lời.
“Em yêu ông ta. Đấy là một con người với
đầy đủ các mặt phải trái tốt xấu của nó… Người ta sống trên đời, ăn uống, đi đứng,
vui buồn thì dứt khoát không phải là thánh… Em đây, được cưng chiều, học hành
nhiều năm, ở nhà to, đi xe đẹp nhưng cơ bản cũng là người trần tục như bà Tư Rồi,
như chị Muộn, sao em lại được số phận ưu ái hơn những người đó?”.
Gần 2 giờ sáng. Tôi uống hết lon bia thứ
bảy.
“Anh Khâm biết không, có lần chị Muộn –
người giúp việc – bảo: “Trước nay cô có gặp tiên chưa? Cô là tiên đấy! Sướng
như tiên. Bà hoàng chắc cũng đến như thế là cùng, cô có đủ mọi thứ”. Em làm mặt
nghiêm: “Bà chị lầm to rồi, tôi còn thiếu nhiều, buồn khổ chất chồng. Chẳng hạn,
tôi thiếu tình, tất thảy các loại tình!”.
Tôi tới ván nằm nghỉ, ngồi lâu mỏi lưng.
Khánh Hạ ngồi nhìn xuống bàn, tốc xõa che kín một bên má. Tôi ngủ chập chờn. Điện
sáng lóa, sáng kì lạ, tưởng có thể dòm thấy cả vi trùng… Có một giọng nói nhỏ,
hay giọng hát, thì thầm, đâu đây. Ai nhỉ? Khánh Hạ không thể hát được rồi, nàng
đã thanh toán bốn lon bia! Ai nói gì đó, nho nhỏ, bên tai tôi. Tôi mở mắt nhìn.
Khánh Hạ ngồi gục đầu xuống bàn, một lon bia ngã đổ lênh láng. Chết thật. Tôi dậy,
Phải giúp Hạ, không khéo nàng say, té ngã thì nguy. Tôi nhìn quanh tìm miếng giẻ
lau nước bia. Khánh Hạ không ngủ, không hát, nàng khóc. Làm như các diễn viên
trong những phim truyền hình, tôi cúi xuống ôm vai nàng, hỏi nhỏ:
“Sao em khóc?”.
Khánh Hạ không ngẩng lên, nàng vẫn khóc.
Tôi bối rối, chẳng biết nên làm thế nào. “Gặp tình cảnh này, các diễn viên
trong phim sẽ đối phó ra sao”. Tôi nghĩ, và suýt bật cười.
“Hạ, sao em khóc”. Tôi lại hỏi, vụng về,
ngô ngố.
“Không biết! Đừng hỏi, em không biết!”
./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét