Tí Em nhanh nhẹn
bước vào gian phòng lộng lẫy quen thuộc. Ông Hải Long vẫn nằm dài trên giường
như mọi khi. Ông nói, mệt nhọc:
“Chào cháu, mời
ngồi”.
Tí Em ngồi xuống
ghế bành, đặt chiếc kính đen lên chồng sách.
“Cháu uống nước.
Việc thế nào?”.
“Thưa chú, tốt. Gặp
họ rồi ạ”.
“Gặp à, ở đâu?”.
Tí Em nhìn cô ca
sĩ cười tươi trên tấm lịch treo tường, nói nhỏ:
“Cháu lùng suốt
ngày mới thấy… Buổi sáng cháu tới tiệm Hữu Tâm hai lần, không có thím Út, chỉ
có mấy cô bé đứng bán. Cháu bèn gọi thêm hai thằng em, rồi ba đứa bung rộng, đi
khắp quận 3, quận 5, đến các nhà quen, các chỗ thím hay lui tới”.
Thím Út là Mai
Ly, vợ ông Hải Long.
“Hãy nói chậm
rãi, tôi nghe không kịp”.
“Dạ. Đúng 6 giờ
chiều cháu gặp họ, tại nhà hàng Lạc Viên”.
“Lạc Viên ở chợ
cũ? Rồi sau đó?”.
“Bọn cháu phục chờ
đến 10 giờ đêm, đứa nào cũng đói mờ mắt, nhưng không thấy họ ra. Cháu xông vào
xem thì họ không còn… như biến vậy”.
“Biến mất!”.
Ông Hải Long trở
người, nằm nghiêng – “ôi, cha!”. Ông kêu, đau đớn, không rõ là đau thân xác hay
tâm hồn. Im lặng. Chắc có đến ba, bốn phút trôi qua trong im lặng. Tí Em cảm thấy
nóng bức.
Tí Em là cháu họ
của ông Hải Long. Mối dây họ hàng hai nhà còn khá gần, nhưng trước đến giờ do
ít qua lại nên tình có phần lạnh nhạt. Ông Hải Long vẫn coi Tí (và Tí Anh, anh
hắn) là những tên lấc cấc, vô tích sự. Nhưng gần đây, khi nổ ra vụ Mai Ly nổi
loạn, bộ mặt anh chàng lông bông bỗng được tô hồng, sáng trưng… Ông Hải Long thừa
nhận Tí Em năng nổ, được việc. “Nó sinh ra là để làm những công việc như vậy!”.
“Có tiền dưới chồng
sách, cháu lấy để uống nước, cảm ơn vô cùng”.
Trên cái bàn tròn
gần chỗ Tí Em ngồi có một chồng sách khá cao, ông Hải Long cất tiền dưới đó, bốn
triệu. Tí Em nhấc chồng sách, lấy phong bì tiền nhét vào túi quần.
“Này, cháu giúp
tôi mấy hôm nữa. Hãy tìm tiếp. Khi gặp, bám theo xem họ làm gì, ngủ đêm ở đâu,
ngủ mỗi nơi mấy đêm… theo thật sát”.
“Dạ”.
“Cứ hai ngày tới
đây gặp tôi một lần, cho tôi biết công việc tiến bộ ra sao”.
Tí Em đứng lên, dợm
bước, nhưng không đi ngay.
“Thưa chú, cháu
nghĩ rằng… cháu thấy là nếu mình chỉ chạy theo họ như cái bóng thì buồn nản
quá”.
“Cháu muốn sao?”.
“Dạ, mình có thể
làm một chút gì đó, như là dằn mặt… như đập họ một trận, đập cảnh cáo, nhẹ
thôi”.
Ông Hải Long khục
khục trong cổ, không ra cười, cũng không phải ho. “Tôi cũng đã nghĩ tới chỗ đó,
nhưng thấy kẹt… chơi vậy dễ tới phường bắt tay với cán bộ lắm. Đây là một cuộc
chiến, nhưng không phải đánh nhau bằng dao búa, súng ống, mà bằng cái này… cái
đầu!”.
Tí Em chào nhỏ,
đi ra.
“Này, Tí ơi!” Ông
Hải Long nói vói theo, “ráng làm tốt, tôi sẽ thưởng”.
Rồi ông thêm một
câu gì đó, Tí Em nghe không rõ, một câu nói, hay chỉ là những tiếng rên khẽ.
*
Ông Hải Long góa
vợ lúc 56 tuổi. Bốn năm sau ông cưới Mai Ly, cô gái chỉ lớn hơn con gái đầu của
ông năm tuổi. Ông coi đây là cột mốc quan trọng trong đời mình, một thành công
ngoạn mục trong chuỗi thành công dài của ông. Nhưng hai năm nay, từ lúc ông lâm
bệnh nặng, niềm hãnh diện đó đã biến thành một “vấn đề phức tạp”. Ông không được
yên ổn trên giường bệnh. Những tin tức bất lợi từ nhiều nơi nối đuôi nhau bay về.
Tất cả đều là tin đen. Tất cả tụ lại, vẽ nên chân dung một Mai Ly trẻ trung,
sôi nổi, khác lạ. Mai Ly ngoại tình!
Lúc đầu ông Hải
Long không tin. Suy luận mãi ông vẫn chẳng tìm ra nguyên cớ khiến “nàng” có thể
phản bội ông. Lấy ông, nàng được sống trong nhung lụa, không kém các bà hoàng.
Tiện nghi: nhà cửa nguy nga, xe cộ sang trọng. Trang sức: vàng ngọc đủ cả. Ăn uống:
chỉ còn thiếu gan trời! Ông biết mình yếu một khâu, là tuổi tác. Nhưng chẳng lẽ
bao nhiêu sức mạnh trên không bù được chỗ đó?... Những tin mới lại tới tấp bay
về, ông đâm ngờ lòng tin của mình. Em ông nói: “Thời buổi này cái gì cũng có thể
xảy ra”. Chị ông nói: “Con người ta khi no cơm thì rửng mỡ. Ngoại tình là bệnh
đã xuất hiện từ thời trung cổ”. Ông lo lắng, vội nhờ người quen chạy quanh dò
xét, tìm hiểu giùm chuyện vợ trẻ nổi loạn. Thế rồi, chỉ ít lâu ông đã biết được
những điều ông muốn biết. Sự thật phũ phàng! Ông đau khổ.
Không rõ từ bao
giờ, Mai Ly đẩy ông ra khỏi cuộc sống của mình. Đúng là cô ta đã thành một
“nàng” tiểu thuyết, một cô gái tự do, thảnh thơi. Ở chung nhà, nhưng lắm lúc bốn
ngày Mai Ly không gặp ông, mọi việc lớn nhỏ nàng giao phó cho bà ôsin. Cũng qua
bà giúp việc này, ông biết lịch sinh hoạt của vợ. “Vợ, cô ấy có còn là vợ ta?”.
Mọi chuyện tiến triển âm thầm, chậm chắc, xô đẩy hai người xa nhau, mỗi ngày xa
thêm một ít. Đỉnh điểm của vở kịch buồn diễn ra cách đây hai tháng, Mai Ly đi
du lịch hai mươi ngày, ra Bắc và lên Tây Nguyên, nhưng không nói qua với ông một
tiếng. Tới đây ông mới thấy tận cùng nỗi đau của sự bất hạnh, tuy to đùng, đen
sạm, nhưng nó không nằm trong thân thể xộc xệch của ông. Nó giấu mặt, ở đâu đó,
trên cao, như một “hiện thực ảo”.
Vốn tính cả ghen,
ông Hải Long nhấp nhổm trên giường, như có đàn kiến đỏ bò rậm rật dưới lưng,
như bị bầy ong lớn khiêu vũ trong đầu. Nhiều đêm ông thức trắng, chong mắt đếm
thời giờ trôi. “Đâu có thứ thuốc nào chữa được bệnh gió trăng của đàn bà! Dẫu
có uống chục lít thần dược chắc đầu óc ta cũng không bình ổn lại như trước”…
“Buồn chết được”, người ta hay nói thế. Một hôm, thấy ông chết lịm trong cơn buồn
tình, bà ôsin khuyên can: “Ông chớ nên nghĩ nhiều về bà chủ, hãy lo cho sức khỏe
của mình. Em em, vợ vợ, lợi lộc gì, ông cho tôi được bàn hỗn mấy câu”. Phải, bà
ta nói đúng, ta xoay tít, nổi sùng để làm gì!
*
Tí Em đẩy cánh cửa
khép hờ, bước vào căn phòng quen thuộc. Đại Khánh và Mai Ly đang châu đầu xem một
tập an-bom. Mai Ly mặc đồ ngủ. Đại Khánh diện đồ lớn, như vừa dự tiệc ở đâu về.
“Mời ngồi. Thế
nào, Tí Em?”.
“Thưa anh, tốt ạ”.
“Tốt?”. Mai Ly hỏi.
Tí Em ngồi, đặt
kính đeo mắt xuống bàn, ho khẽ một tiếng.
“Em nói đúng như
anh dạy, lão ta ngã vật ra, thở dồn như người hấp hối, mặt mũi tái tím”.
Đại Khánh gật gù.
“Lão có bảo chú mày theo dõi tiếp anh chị không?”.
“Thưa anh, vẫn tiếp
tục”.
“Thế lão chi cho
chú mày mấy ghim?”.
“Bốn triệu ạ”.
“Trọc phú sắp chết
vẫn kẹo”. Mai Ly nói. Đại Khánh xoa tay. “Vậy là tình hình sáng sủa! Thế này
nhé, từ mai ta áp dụng bài mới. Chú mày hãy nói là vừa trông thấy anh chị mùi mẫn
với nhau ngoài bãi biển, biển nào cũng được suốt bốn ngày”.
“Thưa anh, hiểu”.
“Nên nói thấy
trong khách sạn, nghe mặn hơn”. Mai Ly xen vào.
“Ừ, thì trong
khách sạn. Nói là chỉ một buổi anh chị đã hôn nhau hai chục lần, bất kể giờ giấc,
bất chấp nơi ít người hay đông người. Hoặc là, tả rằng nay chị Ly phốp pháp, trắng
đẹp như đầm, sống kiểu Tây, giữa phố mà ăn mặc cứ như không mặc gì vậy! Nhớ diễn
tả sao cho hấp dẫn, gợi tình, ướt át!”.
“Dạ, anh tin ở
em”.
“Còn cái bài
chúng ta giả vờ choảng nhau toé máu, như đã bàn hôm trước, thì dời lại tuần
sau”.
“Dạ, nhưng thế
nào cũng trình diễn tiết mục em bị què chân, rách mặt, để em moi túi lão kiết
thêm vài triệu”.
Đại Khánh cười.
“Chú em chớ lo, anh không quên đâu, sẽ có cách… sẽ còn lắm màn đặc sắc, hay không
chịu được!”.
Hạ thấp giọng, Đại
Khánh nói với Mai Ly: “Em đưa chú Tí ít tiền”. Mai Ly mở xắc, đếm tiền: “Đây
em, bảy triệu”.
“Chú em đớp một
lúc hai mâm, gian nhé!... Đùa chút, cố gắng lên, anh bạn trẻ”. Đại Khánh vỗ vai
Tí Em. “Khi xong xuôi anh chị sẽ hậu tạ”.
Tí Em cầm kính đứng
lên, cười toét. Đại Khánh tiễn khách ra cổng, siết chặt tay Tí Em.
“Trông em giống
thám tử 007 lắm!... Còn chuyện này nữa. Ngoài tiền bạc, anh chị sẽ dành cho em
một phần thưởng tuyệt diệu. Đó là cái gì, cho phép anh được giữ kín. Có điều chắc
chắn là em sẽ thích mê!... Cái đó mọi người thích, tỉ phú thích, vua chúa
thích, thì Tí Em cũng sẽ khoái… kha kha! Tạm biệt Tí, nhớ bảo trọng”.
Tí Em cười híp mắt.
“Em bảo đảm, chỉ vài tháng nữa lão già sẽ về thượng giới, sẽ bò vào nằm trong cột
“phân ưu” của các báo!”.
“Ừ, thì ta cũng
mong cho hắn xuôi tay êm ái, sống thế đủ rồi!”.
“Thưa anh, chắc
lão sẽ ngoẻo mau chóng, lão là vua ghen”.
“Máu ghen sẽ nổi
lên như sóng thần, hắn nghẹt thở, huyết áp vọt lên 200, trợn mắt, đứng tim… kha,
kha. Không ai giết hắn cả!”.
*
Tí Em về nhà lúc
11 giờ rưỡi khuya. Bà Khả còn thức. Bà xuống bếp dọn cơm ra bàn cho con.
“Má đi ngủ, để mặc
con”.
Tí Em tắm rửa mau
lẹ. Mười lăm phút sau, hắn ngồi vào bàn ăn.
“Chiều nay chú
Song đến tìm con”.
“Chắc chú nói về
chuyện đóng giày”.
“Phải. Chú muốn hỏi
ý con lần nữa… Chỗ đó tốt, sau này lương khá. Người khác muốn vào phải lo lót,
cầu cạnh”.
“Nhưng nó không hợp
với con”. Tí Em khịt mũi, đó là thói quen của hắn những lúc gặp chuyện khó xử.
“Nghề kỹ thuật đòi hỏi mình phải khéo tay, mà con chậm lụt, lóng ngóng”.
Bà Khả muốn Tí Em
học nghề đóng giày. “Má biết con làm được. Hồi đi học con đâu thua kém ai”.
“Con vụng về.
Đinh với búa. Cắt với dán! Người ta học một năm, con phải ba năm!”.
Bà Khả nói, giọng
chùng xuống: “Má muốn con có một nghề, một việc làm ổn định”.
Bà nhớ đến Tí
Anh. Cứ nhắm mắt chừng vài phút, tập trung trí nhớ, bà có thể thấy ngay hình ảnh
Tí Anh nằm sấp trên lề đường trong vũng máu, với con dao mỏng cắm trên lưng,
cách đây hai năm… Băng đảng. Ân oán. Phi vụ. Hiềm khích. Lãnh địa. Thanh toán.
Giờ đây lại đến Tí Em. Nó đi đi về về, mặt nghênh nghênh, mắt láo liêng. Thậm
thụt. Quanh co. Những người khách lạ mặt. Những lần ăn nhậu từ sáng trước đến
sáng sau. Và nguồn gốc mù mờ của những món tiền nó đem về.
“Rồi con sẽ có một
nghề, xin hứa với má… Chờ ít lâu, vài tháng nữa, con sẽ học. Bây giờ, trước mắt,
phải có ngay một số tiền. Con đang gặp cơ hội tốt… Có tiền mới có quyền nói
năng, mới no bụng, vững chân trong những ngày loay hoay, lúng túng này”.
Cũng như mẹ, Tí
Em không quên cái chết của Tí Anh. Không cần nhắm mắt, Tí Em vẫn dễ dàng thấy lại
cảnh đám đông nhốn nháo, công an, xe cộ. Tí Anh nằm sấp trong vũng máu với con
dao trên lưng.
“Má sẽ trả lời
chú Song thế nào?”.
“Mai con sẽ qua
nói chuyện với chú. Nhưng má ạ, cái nghề đóng giày… Con chắc không phải ai cũng
làm thợ đóng giày được”.
Bà Khả đi ngủ. Tí
Em ngồi chống đũa nghĩ ngợi. Hắn nói nhỏ, nói với mình: “Má hãy để con bay chuyến cuối cùng. Nhờ trời, nếu trót
lọt, số vốn của con sẽ tăng lên kha khá, rộng đường mần ăn… Lần này con là ông
trí thức, chơi nhẹ nhàng bằng mưu lược, chẳng cần võ lực, má yên tâm. Con biết
nhiều việc con làm không được đàng hoàng. Nếu má biết chuyện Mai Ly – Hải Long
chắc má sẽ sợ con? Nhưng nếu suốt đời phải ngồi trong xó nhà làm anh thợ đóng
giày gương mẫu thì… Từ nay con sẽ suy ngẫm, tìm kiếm việc gì đó để học, để
thành một ông thợ. Chắc vẫn chỉ là thợ, nhưng không bằng phẳng như thợ đóng
giày!… Con lười biếng, thiếu lương tâm? Sao con cứ thấy trước mắt mình không có
chân trời? Có lần con nghe ông Hải Long than: “Con người ta đâu phải ai cũng điều
khiển được vận mạng của mình”, phải vậy không má?” ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét