Tôi theo hai anh bạn nhà giáo làm việc ở
phòng giáo dục huyện ra thăm đảo Ngang vào một ngày hè, trong dịp các anh đi kiểm
tra công tác xóa mù chữ của xã đảo.
Ngay buổi chiều ngày đầu tiên, anh Phố –
Hiệu trưởng trường đảo – đã đưa chúng tôi đi thăm hai thắng cảnh ở đây. Cảnh đẹp
gần xóm dân chài nhất là Hòn Đội. Đó là một dải đá nằm sát biển, bên bãi cát
dài, trắng phau, đẹp không kém những bãi biển đẹp nhất trong nước… Nổi bật giữa
thế giới đá san hô này là hai tảng đá lớn, hình dáng giống hai trái dừa. Trái
nhỏ nằm dưới lớn bằng một chiếc xe đò, trái lớn nằm trên to gấp hai chiếc xe ấy.
Cái dáng nằm của tảng đá lớn tinh nghịch, chênh vênh, khiến người ta dễ nghĩ nếu
mình tới xô nhẹ một cái chắc nó sẽ ngã tòm xuống nước.
“Hòn Đội! Sao gọi là hòn Đội?”. Trưởng
đoàn Lê Trữ kêu lên. “Chúng mình sẽ đặt tên mới cho nó là hòn Đẹp”.
Và anh lôi máy ảnh ra, chụp cho chúng
tôi mười pô liền một lúc.
Ngôi đình của làng đảo, cảnh đẹp thứ
hai, nằm cách khu dân cư chừng một cây số.
“Tới đó các anh sẽ được chiêm ngưỡng
dung nhan ông từ đình, “thắng cảnh” thứ ba của chúng tôi”, anh Phố giới thiệu
“nhân vật này tuyệt hay, đặc biệt!”.
Đình được xây cất cách đây ba mươi năm,
khá lớn, đẹp, tương đương các ngôi đình lớn khác trong đất liền. Nét riêng của
nó là nằm sát biển, thật u tịch… Khuôn viên đình rộng, vườn sau trồng dừa, 80
cây. Sân trước thoáng đãng, có thể đếm được hai cây phượng, bốn cây bàng. Quanh
đình lá khô phủ dày. Điều kỳ lạ là một pho tượng Phật Bà Quan Âm cao lớn, tọa lạc
giữa sân.
“Tượng Phật trước sân đình!”. Khả ngạc
nhiên, giơ hai tay lên trời. “Vui thực. Độc đáo… độc đáo!”
Khoảng nửa giờ sau ông Cang, người giữ
đình, lò dò đến. Mặt ông đỏ kè, mắt cũng đỏ, có vẻ say, đi như chiếc lá trôi
trên sông. “Chào quí vị”. Ông đứng nghiêm trước chúng tôi, nói lớn: “Kính chào
quí vị”. Ông mở cửa đình, thắp đèn, thắp nhang đem cắm ba, bốn chỗ. Xong đâu đấy
ông mang bình nước, ly tách và một nải chuối ra đặt trên chiếc bàn đá dưới gốc
cây phượng sum suê.
Ông Cang mời chúng tôi uống nước – nước
lã – ăn chuối.
“Nay tôi sáu mươi sáu tuổi, coi sóc đình
này đã được tám năm”.
Ông già nói, nhìn ra biển, không nhìn
khách.
“Quí vị thấy đó, ở đây quạnh quẽ, chỉ có
biển, trời, chim chóc, lẽ ra người ta nên dựng một ngôi chùa”.
Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế tự tạo,
là những gốc cây xù xì, không đẽo gọt.
“Quí vị dùng tạm nước lạnh, lát nữa sẽ
có trà”.
Từ vườn sau đột nhiên lũ chim đồng loạt
kêu rộ lên, lảnh lói.
“Tôi không biết vì sao làng lại xây đình
ở nơi heo hút thế này… Trước kia đã có một anh từ giữ đình trong sáu năm. Anh
chàng tên Hải. mới ngoài hai mươi, cũng dân làng này. Anh ta bạo dạn, ăn ở hẳn
tại đây một mình, ai cũng nể… Xưa kia Hải được cha mẹ cho vào thành phố học nghề
sửa máy nổ. Nhưng sau mấy năm học hành, trở về, anh chàng lại không mở tiệm
hành nghề, mà lánh ra đây làm ông từ. Mọi người chưng hửng. Thế là có hàng trăm
câu chuyện thêu dệt xung quanh Hải. Nhưng mặc kệ dư luận, anh ta cứ khoác vào
mình bộ quần áo thâm, quét dọn, nhang khói cho đình, giữ vườn dừa, như sư ông
trụ trì ngôi chùa”.
Ông Cang ngừng ngang, ngả người dựa vào
gốc phượng, nhắm mắt lại. Ông ngủ! Ông ngủ nhanh, giỏi, kỳ cục! Anh Phố lắc đầu:
“Bay rồi! Ổng có thói quen như thế. Bây
giờ dù có súng nổ bên tai ổng cũng không nghe. Nào, chúng ta ăn chuối”.
Nhưng chúng tôi ngồi yên. Gió thổi rào
rào. Nhìn ra xa, mặt biển xanh sẫm, tàu đánh cá qua lại ngang dọc. Phố nói:
“Nay ông Cang còn trơ một mình, không vợ
con, không nhà. Vợ ông mất sớm. Đứa con gái lớn bỏ nhà theo một anh ghe bầu nào
đó đi biệt tăm. Vào mùa biển lặng ghe tàu tứ xứ nườm nượp ghé vào đây nghỉ
chân. Không thể biết kẻ quyến rũ cô gái là ai, già hay trẻ, Nam hay Bắc. Sau
ngày con gái bỏ đi ít lâu, hai thằng con ông vượt biển. Nhưng chuyến đi không
êm xuôi nên chỉ một đứa, thằng nhỏ đến nơi, còn thằng lớn chết giữa biển, vì
đói khát. Mấy năm sau, tai họa chụp xuống thằng nhỏ, nó chết ở Canađa, do tai nạn
xe cộ. Hết biết. Ông Cang trở thành một hỗn hợp của tiên ông – dở hơi – tu sĩ.
Ông nhớ nhớ quên quên. Ông tưởng mình là áng mây, là con sóng, là pho tượng”.
Ông Cang thức dậy, lặng yên nhìn chúng
tôi một lúc, rồi nói:
“Tới một ngày cuối năm, anh từ trẻ bỗng
nhiên bỏ đình dông mất. Chẳng ai biết anh ta đi đâu. Vậy là thiên hạ bàn tán rần
rần. Có thể Hải đã tìm đến một hang động, một am cốc kỳ bí, khuất tịch nào đó.
Có thể anh chàng đã chán cảnh ẩn dật, theo một ghe thuyền lạ tới một vùng xa
xăm, mưu tính đổi đời. Có thể anh ta đã bị một người đẹp hồ ly dẫn vào các khu
rừng ma quái huyền bí để ám hại. Người ta nói, tha hồ nói đến hết hơi, đến phờ
người trong một năm, trước khi quay ra kiếm người giữ đình mới. Thế là tôi tới,
chiếm lấy chỗ trống đó”.
Ông nghỉ, ngồi thẳng đuỗn, hai tay đặt
trên đùi, mắt mở to, đứng tròng, không chớp, như người ngồi đồng lúc bị hồn nhập.
“Cụ lại thăng. Đây là một cách ngủ khác
của ông cụ. Giờ ta có hét vào tai, lấy kim chích vào bụng cụ cũng không nhúc
nhích”. Anh Phố nói.
Khả nhìn ông già không chớp mắt, ngạc
nhiên cực độ.
“Hay nhỉ, nhân vật này, quả là một hiện
tượng thú vị. Chúng mình phải nghiên cứu sâu mới được”.
Lê Trữ nói:
“Sau này, về già, nếu có điều kiện, có lẽ
mình nên ra đây dựng một am cỏ bên hòn Đẹp. Ái cha, sống những ngày cuối cùng ở
đó, phiêu bồng biết mấy!”.
Tôi và anh Trữ xuống bãi thăm giếng
đình. Cái giếng nước ngọt nằm chỉ cách mép biển năm bảy bước chân. Nó đen xỉn,
rêu phong, dường như bị bỏ quên đã nhiều năm. Trữ chụp một pô ảnh. Tôi định rượt
đuổi bầy còng thì nghe Khả gọi. Ông Cang đã thức. Chúng tôi chạy lên. Khả và
ông Cang tranh luận gì đó có vẻ sôi nổi. Ông Cang chỉ tay ra biển:
“Về phía này – hướng Nam – ngồi ghe máy
chừng non một giờ ta sẽ gặp mũi… mũi gì xưa kia người ta thiêu con nít để cúng
tế ấy”.
“Mũi Gió”. Khả nhắc.
“Phải, mũi Gió. Trước đây sáu mươi năm bọn
man rợ còn thiêu sống đồng nữ tế thần ở đó. Bây giờ thì không cần phải tới mũi
Gió. Trên khắp mặt biển chỗ nào người ta cũng đem người sống tế thần, ông thần Số
Phận, tế nhanh gọn, nghi thức dễ dàng, chẳng đòi hỏi nam nữ, chẳng cần thiêu đốt…
Trời ơi! Biển rộng lớn, tôm cá rộng lớn, thần thánh linh hiển, con người dị thường!”.
“Chúng tôi không ở đây, nên chúng tôi chỉ
nghe chứ không biết những rộng lớn này!”. Lê Trữ nói.
“Hãy nhìn lũ chim trời kia, chúng bay
vào các rặng núi, bay ra tít tắp khơi xa, lặn vào chân mây. Không như ta đây chỉ
xê dịch từ làng chài tới đình, rồi từ đình về làng chài, chẳng hơn con cua, hòn
đá mấy tí”.
Bỗng ông ngã ngửa ra sau, dựa lưng vào gốc
phượng, gác hai chân lên bàn đá, đè bẹp luôn nải chuối.
“Con nhỏ phù thủy nói sẽ mang ấm trà ra,
tới giờ này vẫn chưa thấy mặt mũi… đúng là quân hà bá lười biếng!”.
“Ở đây mát mẻ, chúng cháu không thấy
khát!” – Khả nói.
“Tôi cũng đã từng nghĩ đến một ngày ra
đi như anh chàng Hải… Vợ tôi, mấy đứa con tôi không còn. Họ đã đến đâu, làm sao
biết! Từ lâu tôi nghĩ rằng chỗ của tôi chắc cũng không phải ở đây. Tôi còn bám
lấy làng đảo, còn đi lại trên mặt đất là trái cựa, không đúng chỗ, như tượng Phật
Bà đặt trước sân đình”.
Gió rì rào. Lá phượng bay lả tả. Ngôi
đình trầm ngâm. Tiếng biển xa gần, xa gần, bí hiểm.
*
Đêm cuối, trước khi về đất liền, chúng
tôi đến chơi nhà ông Quyến – “già làng” của đảo Ngang – chào từ biệt. Nghe anh
Trữ muốn ăn còng gió, Phúc – con ông Quyến – xung phong đi bắt còng. Tò mò, ham
vui, tôi theo Phúc đi soi, giữ vai xách giỏ. Những người ở nhà nấu nướng, chuẩn
bị mồi cho cuộc nhậu thân mật, trong đó các món chủ lực là sò, mực, tôm.
Từ bến ghe – trước nhà ông Quyến – đến
giếng đình, trong vòng một tiếng, Phúc bắt được nửa giỏ còng gió. Những con
còng, giống như cua nhỏ, cẳng cao lênh khênh, chạy rất nhanh. Người lạ khó bắt
được chúng, nhưng đối với Phúc, đây là chuyện vụn vặt… Gần 9 giờ đêm, trước sân
đình vẫn còn đèn sáng, và nghe có tiếng người nói chuyện. Ở nơi hẻo lánh, vào
giờ này, mà cũng có khách. Phúc cho biết, nhiệm vụ chính của ông từ đình là giữ
đồ thờ và vườn dừa. Ông Cang sống bằng cơm gạo của làng, cá mắm do ông tìm. Ở
đây cua, sò, ghẹ, ốc, hàu, cá nhỏ nhiều, rất dễ bắt. Ông Cang nói, đình nằm xa
xóm làng, yên tĩnh, ông có thể dưỡng tâm và thường xuyên “gặp” vợ con, những
người đã khuất.
“Anh muốn coi ông Cang diễn kịch
không?”. Phúc hỏi.
“Kịch à?”.
“Hay, lạ, vui lắm”.
“Xem cho biết, sợ gì”. Tôi gật, vượt lên
đi trước.
Ông Cang ngồi một mình bên cái bàn nhỏ.
Trên bàn có bình trà, hai cái ly. Cây đèn bão tỏa ra một vùng sáng vàng, tù mù.
Chúng tôi đứng nép bên gốc một cây bàng cỗi… Ông Cang ngồi như ngủ gật, hai tay
chống cằm, nhìn xuống bàn. Bỗng ông nói lớn:
“Uống đi, say rồi à?”.
Ông hỏi ai vậy?
“Thôi, rượu lạt phèo”. Chính ông trả lời,
bằng giọng khác, nghe như tiếng người nói ngọng.
Im lặng. Vài phút sau, ông Cang hỏi:
“Hải, bạn thấy mấy đứa con tôi ở đâu
không?”. Vậy là ông trò chuyện với chàng Hải, vị từ đình tiền nhiệm.
“Hai đứa chết, một sống. Đứa sống ở An
Giang”.
“An Giang nào?”.
“Mệt, An Giang là An Giang, một tỉnh của
Nam Bộ”.
“Sao nó không về?”.
“Ông vào mà hỏi nó!”. Hải đáp nhấm nhẳng.
Ông Cang rót nước vào ly, đẩy lên phía
trước, mời: “Làm thêm vài hớp, đừng buồn… Đây là rượu quán ông Đề, ngon, mười bốn
ngàn một lít đấy”. Hải chẳng nói gì.
“Trên chỗ bạn ở ra sao, vui không?”.
“Không phải thượng giới, tôi ở dưới”.
“Dưới âm ti?”.
“Đúng, địa phủ… Đông đảo, nhộn nhịp lắm”.
“Sợ quá!”.
“U ám, dữ dội, đen đúa, nhưng ở vài năm
sẽ quen, quen tất… Rồi ít lâu nữa ông cũng xuống đó”.
Ông Cang im thít , có lẽ vì sợ. Cái giọng
thụt lưỡi lại nói, chậm, rõ: “Ông có vẻ hãi, yếu quá. Đã bảo, đừng sợ, người ta
chịu được mình chịu được!... Hơn nữa, nghĩ lại xem, ông đang sống thế nào? Vô vị,
chán mứa, như con gián, con dế!”.
Ông Cang châm rượu cho mình, nâng ly, ngửa
cổ nốc cạn, khà một tiếng rõ to. “Này Hải, giờ bạn nghĩ gì về trần gian?”.
Hải đáp, có vẻ bực mình: “Câu này ông hỏi
trăm lần rồi… Tâm tính, sở thích, tình cảm của tôi vẫn như xưa. Tôi thích ở miền
núi, thích nghe ca hát. Tôi ghét kẻ dối trá gian xảo lừa lọc… Ngoài người thân
trong gia đình, tôi thương những người khổ nghèo làm sáng ăn chiều, những người
già còn phải bán buôn liêu xiêu giữa phố chợ nhộn nhạo, những trẻ thơ không cha
không mẹ”.
“Gì nữa?”.
“Thương những người tật nguyền trọn đời
chìm đắm trong bóng tối – người không nghề, không nhà, không đất, tương lai trắng
xóa… Nghĩa là tôi vẫn nhớ, nhưng hình như cái sự nhớ mỗi ngày mỗi teo tóp lại”.
Chúng tôi rời chỗ nấp. Phúc đến ngồi đối
diện ông Cang, không chờ mời. “Chú Ba thức khuya quá”. Ông già nhìn chúng tôi bằng
cặp mắt lờ đờ.
“Thức khuya. Tuổi già khó ngủ, cháu à”.
Ông rót nước, mời Phúc. “Làm vài hớp rượu thuốc cho thông cổ”. Phúc uống một ngụm,
nhưng vội phun ra: “Nước gì, không phải rượu!”. Coi lại, nó là nước trà.
“Trà mà say mời đã!”. Ông Cang cười
khoái trá. “Tối nào tôi cũng cụng ly với bạn Hải… tay ấy uống yếu, say luôn”.
“Say trà?” Tôi hỏi.
“Say quắc cần câu, thế mới sướng!... Thường
thì khoảng 2 giờ sáng tôi ngủ, ngay tại đây, chẳng cần giường chiếu!”.
“Thôi, tạm biệt, đại sư!” Phúc nói lớn.
Chúng tôi về. Ra khỏi đình một quãng xa,
quay lại nhìn, tôi thấy cái đốm sáng leo lét trước vườn dừa vẫn còn.
“Vừa rồi ông Cang đóng hai vai. Những
lúc trò chuyện với vợ con, ông ấy ôm một lúc bốn vai, đối đáp qua lại kéo dài
hai tiếng, nghe sợ lắm!”. Phúc nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét