1 thg 11, 2015

Tập thơ MÙA XUÂN

Dấu vết tháng ngày

Mỗi ngày tôi để lại vài vệt nắng trong mắt người thương nhớ
Giọt mồ hôi rơi cuối buổi chiều
Sợi tóc bạc hai đứa nhìn tiếc nuối
Đôi nét buồn thổi lạnh mặt người yêu
Năm tháng tạnh dần, mưa xối nắng thiêu
Đêm trong, ngày đục
Thác bỗng dưng ở nơi không gấp khúc
Bợt bạt mặt người trong cơn giông.
Mỗi ngày tôi để lại một vạt lo âu, một miền khắc khoải
Nơi lưỡi cày vừa mới đi qua
Chiều đứng lặng nghe tiếng người cuối bãi
Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà.
                                                         * Hoàng Trần Cương
                                                                                   (7/1991)

Mùa xuân đang về

                            * LÊ THỊ KIM
Buổi sáng
Bước ra từ lá nõn
Lấp lánh vài tiếng chim hót
Xô đẩy những cánh bướm tung tăng, tung tăng
Và em
Đi một mình.
Không gian yên tĩnh
Đầy màu xanh
Có tiếng sỏi nhẹ reo dưới chân
Bóng đêm được nuối tiếc với vài tiếng côn trùng
Bên cọng cỏ
Một chú dế kiễng chân
Uống giọt sương đầu tiên
Lích chích đôi cánh mỏng.
Không còn tiếng ve ran trong sương sớm nay
Hình như
Có cái gì lạ lẫm
Có cái gì như đang âm thầm tới
Bối rối.
Em ngơ ngẩn, ngơ ngẩn.
Quên cả khép chiếc áo khoác mỏng
Đi theo mùi hương khêu gợi.
Thì ra
Thì ra
Vừa hé mở
Bên góc vườn kia
Mấy nụ mai./.


Đợi

Trong một ngày như hôm nay
Anh muốn nói: anh rất buồn
Những chiếc ô-tô chạy hùng hục
Có buồn không
Đông cứng bầu trời màu thiếc
Có buồn không
Dưới mưa trong phòng và trong anh
Sự trống rỗng có buồn không
Anh như con tàu bị mất hướng
Ngay giữa vùng biển lặng.
                                                 * Thanh Thảo
                                                                 (4/1991)


Dã quỳ
Trên những triền đồi không tên
Mùa đông đánh thức những bông dã quỳ
Trên những con dốc không tên
Anh hỏi thầm sương mù và gió
Màu vàng ấy nói gì?
Tháng mười hai trên những giàn su xanh
Hơi thở mùa đông luồn trên mái ngói
Tháp nhà thờ đâm nhói
Nỗi buồn anh
Trên những triền đồi không tên
Thông đứng từng hàng mà cô độc
Dấu chân anh lên xuống dốc
Không đến đâu – không về đâu
Chiều tím như môi
Chiều lạnh như môi
Hình như vừa nhớ tên một người.


Những ngón tay lạnh cóng
Tháng mười hai
Co ro trong túi áo
Anh hỏi trong nỗi buồn của dã quỳ
Sao mày vàng đến thế?
Sao mùa xuân bay đi?
                                              * Đỗ Trung Quân
                                                                 (1/1993)



Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái (của) thằng cha láng giềng
                                                  * Bảo Sinh


Xuân muộn
Có một dòng sông
Nhủ rằng biển rộng
Tôi như bèo giạt
Nhủ rằng hư không
Ai xui chim én
Về bay ngang đầu
Ngày ba mươi tuổi
Không hiểu vì đâu…
Tiếc rằng gặp gỡ
Mùa xuân muộn màng
Đành như sỏi đá
Suốt đời lang thang
Chia tay em nhé
Chiều xuống một mình
Tình như sương khói
Đi về mong manh
Ngày em quay lại
Mùa xuân đã già
Tôi như cỏ mọc
Cuối trời mưa xa. ./.
                                             * Nguyễn Nhật Ánh
                                                                 (1/1993)


    Gọi mùa
                                               * PHẠM THỊ QUÝ
Con chim én bay về
Ngôi nhà cũ
Mái ngói phai màu
Con đường mòn
quanh co theo bờ tre úa lá
Trời đang giao mùa
Gió đông hiu hắt
Tàng lá nâu lắt lĩu
Căng mộng tròn vú sữa
Gọi mùa xuân
Trên mặt hồ
tia nắng lung linh
Cái rực rỡ của ngày
sắp biết
Một cánh én bay về
Có thể nào gọi mùa xuân đến
Trong khu vườn
Người đàn bà nhặt lá
Nhóm lửa
Chiều
Con én nhỏ
lẻ loi ./.


Gái buồn
Bờ sau hang núi
Lá xanh lá đỏ chiều nay
Chim trời vòi või
Để rơi cánh mỏng theo ngày
Mùa sau thu xế
Hang rừng gió thổi giòng khe
Em về đây để
Rạc rời tiếng cũ còn nghe
Ngày sau chỗ ấy
Mây mù quyến rũ trăng sương
Em về sẽ thấy
Mông lung sầu mộng gái buồn ./.
                                                  * Bùi Giáng
                                                                   (1983)

Chợt thấy tình cười
lọt qua những kẽ đời mất hút
trận cười nào ta cố lãng quên
tình như đá lăn trầm xuống vực
dấu còn hằn trên lưng tháng năm
bay qua những dặm trường mê mỏi
giấc mơ đầu tưởng chẳng hồi âm
một hôm bỗng bất thần ngoảnh lại
mới hay tình như một đường gươm
trôi qua những xuân thu đông hạ
khuyết rồi tròn trăng ở đầu non
người cứ mãi loay hoay tìm kiếm
cỏ linh chi rịt vết thương mòn
hoài công giặt phai bao hương phấn
lòng còn tươi roi rói vết son
chiều nay chợt soi gương ngờ ngợ
thấy tình cười sau những nếp nhăn ./.
                                                     * Mường Mán
                                                                (1/7/1993)


    Sài Gòn áo lụa

      Ngỡ ngàng nắm lấy bàn tay
Người xưa nay đã khác ngày xưa xa
      Sài Gòn áo lụa hôm qua
Chỉ là một giấc mơ hoa ngọt ngào
      Mùa mưa – sân cũ – trúc đào
Mười năm thương nhớ tình đầu dở dang
      Chẳng còn thu tím, lá vàng
Cho nên áo lụa Sài Gòn nhạt phai
      Thôi thì cứ nắm bàn tay
Dẫu người xưa đã khác ngày xưa xa.
                                            
                                   LINH PHƯƠNG
 

Vẽ thiền
vẽ chơi
một cành hoa khói
đêm về
thấy núi mong manh
vẽ thêm
giọt sương trên lá
xuân về
tranh đẹp hơn tranh
bến xưa
con sông lạ lẫm
đò ngang
ai bỏ đi đâu
sương rơi
từ cành hoa khói
lênh đênh
hạt tuyết thượng đầu ./.
                                                  * Minh Đức
                                                                 (2/1994)

   Chị em xanh
Chị đi một chuyến chơi xanh cỏ
Quay bánh linh sa miết triệu vòng
Se sợi – vô – cùng thêu áo gối
Mau về mừng cưới nhớ Em không
Đón mảnh hồn đơn kẽ bóng đêm
Chân không dìu dặt cánh tay mềm
Tóc lay vỡ cửa xua tràng pháo
Kê gối giường mây Chị rủ Em
Vậy là em ngắt quãng tân hôn
Cõi chị đường mê xóa giận hờn
Hai đứa lung linh lơi yếm áo
Màu trăng nhòa trắng cánh cô đơn
Chị vỡ pha lê bùn vấy tay
Hồn trong Em chuốc Chị bừng say
Là em cưới Chị xanh thiêm thiếp
Sinh một đàn con:
Mây trắng bay.
                                                 * Hoàng Cầm
                                                                 (1/1991)

Áo vàng hoa cúc
Áo em vàng hoa cúc
Trên đường chiều cuối năm
Trời chợt rét căm căm
Chiều mùa đông phố núi
Con dốc dài đăm đăm.
Anh như cây thông già
Trên đồi cao ngóng gió
Đàn chim về qua đó
Lưng trời mỏi cánh bay.
Mùa xuân ở quanh đây
Mùa vàng hoa mai nở
Bên ngoài khung cửa mở
Trời xanh và lá xanh
Mùa xuân ở trong anh
Áo em vàng hoa cúc.
                                                  * Kim Tuấn
                                                                (6/2/1994)
 
  Chiếc cốc pha lê
Cốc pha lê, ánh nước pha lê
Ta uống nước như nuốt từng hớp ánh sáng
Trong ánh pha lê
Cặp môi ta khẽ chạm những cặp môi đã chờm lên miệng cốc
Những cặp môi ngọt mềm của những người đàn bà đẹp
Những cặp môi nồng ấm của những
                            người đàn ông mang râu quai nón
Môi chạm nước
Ta chạm vào cơ thể không màu của những lời cầu phúc
Ánh mắt pha lê
Nụ cười pha lê.
Ta uống nước
Không phải ta khát mặt trời mà chính mặt trời khát ta
Không phải ta khát cặp môi em mà chính ta khát cặp môi ta.
Ta uống cùng ban mai, uống cùng
                            giêng, hai như nước xanh đọng lại
Mỗi sáng ta uống một ngôi sao mai
Mỗi sáng ta uống một ngôi sao mai ./.
                                               * Nguyễn Quyến
                                                              (14/11/1993)



Áo xuân
Trời vẫn còn xanh áo cũ rồi
Vải xưa em mặc cả đời tôi
Mùa xuân đôi lứa nào qua chợ
Đâu biết trời xanh níu áo người.
                                               * Trần Mạnh Hảo
                                                                 (2/1994)




Xin em một sợi lông măng
Mai sau già yếu xỉa răng đỡ buồn
                                                * Mường Mán




Như thể
Cỏ rối như thể
Tình em cho anh
Lá xanh như thể
Chưa xanh hết cành.
Ngày xưa phố cũ
Mang tên quán hàng
Bây giờ như thể
Phố mang tên em.
Từ khi biết quen
Sẻ đông quên hót
Sẻ đông ngơ ngác
Còn anh thẫn thờ.
Như thể trong mơ
Anh thành kẻ lạ ./.
                                                  * Thùy Linh
                                                                 (2/1994)


Cảm tạ đồng bằng

Phà chậm, bờ xa mờ khói quyện
Bên này bên ấy rộng trường giang
Đồng bằng bỗng chốc mà thân thiết
Bởi có em là một tình nhân

Anh về xứ thấp đôi giày vẹt
Áo bạc như người quen nổi trôi
May mà cuối bến, em chờ đợi
Giường chiếu em mang trải cuộc đời

Phà chậm. Đìu hiu bờ sậy ngủ
Bơ vơ thân gỗ mục lạc dòng
Trở về mắt ngợp trời sông cũ
Nhớ Trường Sơn lại mến đồng bằng

Cảm tạ em, em gái Cần Thơ
Anh theo em bỏ xứ, bao giờ?
Bao giờ? Như thể ngàn năm trước
Một kẻ lưu dân trở lại nhà

Cảm ơn em, người em Cửu Long
Em cho anh hơi thở đồng bằng.

                                 TRẦN HOÀI THƯ


Mẹ với mùa xuân
Đường làng nắng trắng như vôi bột
Xơ xác vòm tre gió đỉnh mùa
Mẹ oằn vai gánh ba ngày Tết
Bốn nghìn năm vẫn giống nghìn xưa.
Dẫu mười hai tháng khoai cùng sắn
Tết vẫn nổ tung với xóm giềng.
Chồng còn ly rượu chung chú bác
Con đòi áo mới với anh em.
Mẹ quầng hố mắt từ Đông chí
Ổ rơm đêm gió trở vai thầm
Nụ cười mơ Tết trên môi trẻ
Cứa vào lòng mẹ suốt đêm đông.
Lâng trầm nhang khói đêm trừ tịch
Bên bếp lửa reo mẹ vẫn cười
Mái xuân vang tiếng bầy con trẻ
Mẹ thấy con mừng mẹ cũng vui.
Ngày mai nắng lại cong thân lúa
Khô hao bóng mẹ xấp trên đồng
Gầu tre mẹ tát thời con gái
Đến giờ vẫn lỡ hẹn mùa xuân.
                                                        * Nguyễn Danh Lam
                                                                 (2/1994)

 Dân ơi
Năm nay lại lụt trắng đồng
quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng
làng ta lại lóp ngóp làng
lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng
Bà con mất bữa nhiều không
những ai bị gậy phiêu bồng chân mây?
Bóng ai lỏng khỏng hình cây
căm căm gió bấc thế này… làm sao?
Bạn ơi dù có thế nào
giữ cho nhau sắc hoa đào ngàn năm
tốt lành lời chúc sang xuân
nén nhang bái tổ khấn thầm: dân ơi!
                                                * Nguyễn Duy
                                                                 (1/1997)

Đà Lạt
Se lạnh một ngày anh lên
hoa vàng mắt nhớ
quàng vai
thác đổ
phong phanh dốc đồi
Đừng nhắc gọi những tên mùa cũ
ngày anh tròn hai mươi
cả bài thơ nữa
thánh ca một người
Ngôi nhà gió
vẫn ngôi nhà gió
bông loa kèn
hát lên lặng im
Mưa đầy phố
nắng lên đầy phố
Đà Lạt sương nhòa
áo len
dốc quen.
                            * Trương Nam Hương



Mua lại xuân thì
Cuối năm đi chợ mua gì
Tôi tìm mua lại xuân thì ngày qua
Người ta sắm áo, sắm hoa
Chứ ai mua được ngày xa, tháng gần
Lộc trời tặng mấy đồng cân
Tôi tiêu hoang phí chẳng mong kiềm lời
Mua không xong được xuân thời
Dễ gì đem bán tuổi đời hoàng hôn
Bao nhiêu một mớ dại khôn
Tôi lơ ngơ giữa thương trường cuộc chơi
Xuân thì như giấc mơ thôi
Tôi đành ôm lấy mộng đời, xót xa
Bỗng nhiên thấy một nhành hoa
Rũ tàn trong gió – ngẫm ra kiếp người.

                                                                               * NGUYỄN LOAN
                                                                 (2/2007)
      Gọi tên nỗi nhớ
                                               * VÂN HẠ

Ngước nhìn mây trắng bay ngang
Lắng nghe con nước lang thang trên nguồn
Gọi tên một lá cỏ buồn
Ngoài kia xao xác chim muông tìm rừng

Trên cao một sợi nắng rung
Có gì mải miết, không cùng, triền miên
Gọi tên ký ức ngủ yên
Rạ rơm vương rối bóng thềm đu đưa
                                                    (7/2002)


Mong manh
Nối một đêm mưa
Trời cao thánh thót
Vùi mẩu trăng thừa
Tầng mây ủ dột
Kìa em, chiếc lá
Nỗi buồn cầm tay
Sương rơi trên đá
Lệ sa đầu ngày
Dòng sông chảy chậm
Phất phơ bóng đò
Dặm nào heo hút
Cánh chuồn tuổi thơ
Một mai anh đi
Nợ đời đã trả
Hương bay về trời
Tàn hương tơi tả
Kìa em, chiếc lá
Nỗi buồn còn xanh
Ấp gài trên ngực
Một niềm mong manh.
                                                              * Phạm Khải
                                                               (24/7/1995)

Gốc khế
Khi gió mùa anh đi
Sang sông tìm nắng khác
Để mẹ già tóc bạc
Lưng còng trên gậy tre
Để người yêu ngơ ngác
Gốc khế xanh đầu hè
Ba năm anh không về
Mẹ già anh ngơ ngác
Lưng còng đau gậy tre
Người yêu anh đốm bạc
Tóc khế xanh đầu hè
Ba năm anh không về
Ba năm rồi ba năm
Mẹ anh thành nắm đất
Người yêu anh cũng đi
Gốc nửa ngày khế chát
Sót bóng hoa mơ chờ.
                            * Lê Đạt



Sông Đào
Em vỗ lòng anh
Một dòng nghĩa nặng
Trang xưa cỏ đắng
Heo may trắng đồng
Nay mùa đông lúa
Ngô bồng bông con
Nay bầy chữ lội
Lá ô xòe đường
Nay hoa đơm lối
Bướm về văn công
Một đàn ngày trắng phau phau
Bì bạch bờ xoan nước mát
Mộng hoa dâu lum lúm má sông Đào.

                                                                 * Lê Đạt
                                                               (26/1/1992)

Về với phố
Con dế nào của tuổi dại u mê
Cứ than vãn giữa đêm hè không nghỉ
Hay chú dế của một thời ủy mị
Đang gọi những mùa hè đã mất trong ta
Đang gọi những cánh đồng xưa bao la
Những cánh đồng ngập tràn rau muống
Ôi những ruộng, đường
Những bước chân luống cuống
Giữa một vùng đầy nhạc dế xênh xang
Đứa nhỏ thời nào của xứ Nha Trang
Của thời Sinh Trung chưa bồi, chưa lở
Thành phố nọ trở về vui một bữa
Đám cô hồn mấy đứa khổ như nhau
Tiếng hát Khánh Ly, quán mờ đèn lu
Ai nức nở xoáy hồn ta, đau nhói
Mắt mỗi đứa nhắm nghiền
U hồn khói thuốc
Đêm bên ngoài, hay đêm của thanh xuân
Giọt cà phê đen, quánh đặc linh hồn
Đôi mắt bạn bè sao buồn quá đỗi.
                                             TRẦN HOÀI THƯ


         Ngộ
Tôi mời họ đi uống cà phê
Krisnamurti có vẻ buồn
Ông tránh nhìn cô tiếp viên hở ngực
Còn Osho thì cứ nhìn chăm chăm
vào bộ ngực nảy nở, và cười
Ông khẳng định với tôi:
Người ta có thể ngộ khi làm tình.
                                                            * Hồ Ngạc Ngữ

      Vào chùa
      Đang trưa, ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
      Lá bùa chẳng để làm gì
Ăn mày đút túi, lại đi ăn mày.
                                                           * Đồng Đức Bốn

Âm thầm
con người tự biết
trong thân mình những dòng sông chảy xiết
những ngọn núi thịt xương
sẵn sàng phun lửa
những bình nguyên xanh ngát làn da
nơi bốn mùa chuyển qua
sợi tóc
anh nuốt
mười con sóng vào ngực
anh nghe
dây thần kinh tấu nhạc
chúng ta đã chịu đựng nhiều
giấu làm chi nếp nhăn đuôi mắt
đừng độn silicôn
vào tâm hồn
những chiếc rễ sẽ mọc quạnh hiu
những chồi non xuyên lục phủ ngủ tạng
những con đường lõa thể
chúng ta còn chịu đựng
bao trò thẩm mỹ viện
bào mài khuôn mặt gồ ghề
đến nhẵn thín.
                                                 * Thanh Thảo
                                                                 (9/1992)


Cấp cứu
Buồng phổi thiếu ôxy
Đưa ngay vào thở máy!
Khi lương tâm đen sì
Thay thứ gì vào đấy?



Khám bệnh
Chiếu phổi rồi nghe tim
Xem mạch và thử máu
Có đoán được trong hồn
Bình yên hay giông bão?
                                    * Nguyễn Văn Chương


Ký ức
Tiếng dương cầm buông
Phượng rơi đuốc lửa
Dấu gót chân in
Trên thềm gạch cũ
Tìm em, gõ cửa
Chuông kêu ba hồi
Căn phòng ắng lặng
Hoa muồng muồng rơi
Giây phút chạm môi
Bấm dây bìm tím
Mông mênh sương bạc
Mong manh cách vời
Hoa thầm chiêm bao
Trao người đi vắng
Một mình theo mãi
Sao tan cuối trời.
                                                      1992
                                                              * Tấn Phong


Gởi người muôn dặm
Người không về cũng không sao
Ở đây chưa chết ma nào mà lo
Thản nhiên ngoan ngoãn trâu bò
Áo cơm cỏ rác ấm no qua ngày
Người không về, thôi cũng hay
Gặp nhau ngắm nghía râu mày buồn thêm
Buồn ta vận rủi thời đen
Bao năm nhẫn nhục ươn hèn nín câm
Buồn người đất khách lưu thân
Bao năm trông ngọn mây Tần nhớ quê
Về không?
Thôi vậy, không về!
Mỏi lòng nước chảy Tào khê cũng đành
Mười năm nữa sẽ qua nhanh
Người về đâu đó… hồn xanh cỏ nằm!
                                               * Phạm Ngọc Lư
                                                                (Mây nổi)


Dấu hiệu tình yêu
Có những ngọt ngào cay đắng
Thấm sâu từng giọt trong đời
Có những vần thơ bất chợt
Bao lần gõ cửa hồn tôi
Có khúc nhạc nào cho ai
Nốt ngân đáy lòng bão tố
Có một gạch nhịp giữa đời
Nghẹn ngào hóa thành nỗi nhớ
Có cả những lời xưa cũ
Khi yêu nói vẫn say lòng
Có những con đò tách bến
Từng làm ngơ ngẩn dòng sông
Và có những điều không nói
Ấp e giữ ở tim mình
Mà vẫn mặn nồng câu hát
Tang tình trúc mọc, trúc xinh.
                                           * THẢO VI



 Không  đề
Con mắt chiều kia đã cũ rồi
Bụi trên đầu gió tụ về môi
Màu tơ tóc vắng sương đồng cỏ
Tờ sách đưa gần như mộng rơi
Úp mũ lên đầu bước xuống sân
Chiều nay con én chẳng bay gần
Đường đi xuống phố phai tà áo
Quốc sắc em còn hai ống chân.
                                                              * Bùi Giáng
                                                                   (1980)

   
        EM
                         (Tặng vợ)
Hoa trinh nữ tim tím lối mòn
Ngập ngừng tôi ướm chân lên
Rồi cúc quỳ hai bờ lặng lẽ vàng
Đưa tôi đi
Lẽo đẽo trăng mười chín
Đêm mộng du
Choàng dậy tìm hoa
Tôi sấp ngửa lần theo một làn hương thơm về tối
Sáng ra
Bối rối
Thấy mình trên cỏ trên rau
Xanh rưng rức
Trong tấm ảnh màu kia
Người chung với tôi:
Một bó hoa
Một nụ cười
Một chân trời
Chiều nay
Một chiều
Người đánh rơi tôi
Bên ngoài kỷ niệm.
                                                 Pleiku – 1991
                                               * Hương Đình



 Câu thơ gửi lại
Trăm năm sau ngàn năm sau
Có ai lần giở những câu thơ buồn
Tìm yêu xin lội về nguồn
May ra còn thấy cánh buồm trong mơ
Cánh buồm là của câu thơ
Của ngày xưa ấy bây giờ tìm đâu
Trăm năm chớp mắt qua mau
Nghìn con sóng dữ làm đau mạn thuyền
Lỡ làng một kiếp tình duyên
Trong đêm khuya tiếng độc huyền xót xa
Này đây chút mảnh hồn ta
Mong manh sương khói la đà chân mây
Người ơi cạn chén vơi đầy
Của ta một chút tình này dâng yêu.
                                                  * Hữu Kim



      Trăng
Là bạn của trái đất
Trăng vằng vặc sáng soi
Trăng cô đơn bậc nhất
Thèm một gương mặt người.
                                                      1991
                                                          * Trần Quốc Minh

  Kinh ngạc
Chiều nay năm sắc mây mòn cánh
Úp xuống hồn tôi nắp cách ly
Thử xem trong cõi mê trầm lạnh
Ai khuấy giùm tôi mặt biển lỳ.
Nhìn em cốt cách bay kỳ nữ
Lạc giữa phù hoa nắng ẩm ương
Tôi chợt hiểu tầng cao khủng khiếp
Bùn nhơ vẩn tận đáy tinh sương.
                                                             * Hoàng Cầm


  Khao khát
Em muốn về rung mái lá xưa
Nghìn năm hoang dã gió dồn mưa
Cất cao tiếng gọi vào vô tận
Ai đáp chênh vênh nỗi đợi chờ.
Em muốn về ôm choàng vách đá
Khổng lồ nhện đỏ dệt rừng tơ
Nhớ anh như một hồn ma rách
Thét hú đêm nhầu nát ước mơ.
                                                 * Hoàng Cầm
                                                                 (2/1994)



Hình như là sương khói
                                    * TRẦN VẠN GIÃ
Ra sông là để đi tìm
Đò ngang mấy độ nay im tiếng chèo
Chút tình sương khói mang theo
Cũng tan trong gió heo may chiều chiều
Hư không đã chạm cánh diều
Chỉ còn ngày cũ dặt dìu trong thơ
Đi qua bao chuyện tình cờ
Một mình mình một bến chờ hoàng hôn./.

 Em ơi, gió
Em ơi gió, gió tâm thần
tầng bình yên tít trên tầng bão giông
Em ơi gió, gió nhàu sông
thầm lo bến lú đò không tới bờ
Em ơi gió, gió thô sơ
bùi ngùi lau lách trở cờ loe ngoe
Em ơi gió, gió ngang phè
ỡm ờ dở dói dồn ghe dạt bèo
Em ơi gió, gió cong queo
hồn hoang hú dựng ngoằn ngoèo ruột gan
Em ơi gió, gió loang toàng
nhoằng tia máu chớp phun tràn cung mây
Em ơi gió, gió tuầy huầy
phường ong bướm õng ẹo bay lòng thòng
                                                * Nguyễn Duy
                                                      (2/1994)


   Cây liễu
Cây liễu có nỗi buồn màu xám
Gió vô tình đến rung nhẹ rồi đi
Em ngã vào vòng tay màu xám
Mở môi hôn giọt lệ chan hòa
Vị đắng của rùng mình ngọn gió
Chảy lạnh tang trên ngực làn da
Cây liễu non ngã hình thiếu nữ
Đợi gió vô tình đến rung nhẹ rồi đi.
                                                 * Lê Thị Mây
                                                     (3/1991)

Bến quê

hai mươi năm đã qua rồi
cát vàng bờ nọ đổ bồi bến kia
ta về vót giọng chim khuya
trên sông bèo bọt chia lìa nhau đi

hai mươi năm chẳng còn gì
nước xuôi, cầu gãy, người đi không về
bến quê lạnh suốt bốn bề
còn trên không mảnh trăng thề gầy hao

hai mươi năm qua rồi sao?
tóc xanh bạc tự giờ nào không hay
tài hoa trôi dạt chân mây
bến quê gió lộng đêm ngày cú kêu.

                                               * Đynh Trầm Ca
                                                       (6/1993)




Một lời nói với núi vọng phu

Về đi em
Mọi hy vọng qua rồi
Người ra đi không thể về được nữa
Trời quê mình sao nhiều mưa nắng thế
Em và con mỏng manh
Biết chống trả thế nào?
Về đi em
Chúng mình chờ nhau
Dẫu là đá
Dẫu không còn là đá
Nhưng con thơ trên tay em đói lả
Em hóa đá vì người
Con hóa đá vì ai?
                                                      1991
                                                          * Bùi Hoàng Tám
                                                      (100 bài thơ hay, 1993)

Bài ca trong chiều tà
Chiều đi qua cánh đồng
mắt trâu về ngơ ngác
Cha hát gọi mùa màng
mùa màng đi biền biệt
Em thui thủi gánh gồng
trên đê dài hun hút
Những cánh cò cánh vạc
đập hoang mang hoàng hôn.
                                             * Phạm Mạnh Hùng
                                                       (4/3/1995)


       Quá giang
      Sông Hàn, mệt lắm, sông Hàn
Mai qua chiều lại trưa sang tối về
      Đời mòn lăn chậm bánh xe
Áo cơm bải hoải nặng nề lăn theo
      Dài chi nhịp nhịp giang kiều
Tha hồ gió ngạo mưa kiêu rách lòng
      Đành như hàn sĩ qua sông
Đành như khuê nữ chậm chồng quá giang
      Trông ra trời nước mơ màng
Giật mình hát khúc gian nan qua cầu
      Đoạn trường lăn bánh xe đau
Sông Hàn lạnh sông Hàn sâu, im lìm
      Sông nào nước xoáy trong tim.
                                 PHẠM NGỌC LƯ
                                      (2-1997)



Thơ cũ gởi người
Thả xuống nụ cười đêm
hồn người long lanh mãi
trong vô vọng kiếm tìm
giữa một dòng lệ chảy
Không giữ được chiêm bao
đến bên bờ giấc ngủ
hình như bước chân nào
động vỡ hồn lá cỏ
­Không giữ được tình yêu
trong dòng đời huyễn mộng
lòng ta có đôi khi
mòn hơi chờ tuyệt vọng
Tìm mãi trong hư vô
nụ cười xưa mất hút
tìm mãi trong thiên thu
lời hát nào lạnh buốt
Ơi hồn người hồn người
mong manh như khói thuốc
ơi hồn người hồn người
long lanh như nước mắt.
                                             * Tôn Nữ Thu Dung
                                                        (3/1992)

Viết cho một mùa sinh
Tháng ba mượt cỏ bờ đê
Nghe trong gió thắm
thầm thì hương xuân
Phím lòng ai gõ mà ngân
Tầm xuân
giờ đã biếc xanh bao mùa
Ngập ngừng bướm dạo vườn trưa
Vàng tươi hoa cải
Tím nhòa hoa xoan
Nắng phơi tơ lụa không gian
Đôi làn mây mỏng tần ngần về xa
Tôi gom hương sắc tháng ba
Tặng riêng tôi
Một phận hoa lỗi mùa.
                                       * Lê Khánh Mai

Là mình
Là mình
           Chẳng phải mình đâu
Lẫn trong sương khói, trong câu thơ buồn
Trắng trong củ ấu đáy bùn
Thơm tho cây quế tận rừng hút xa
Là mình
          Ở giữa người ta
Cháy lên ngọn lửa để mà… tàn tro.
                                               * Lê Khánh Mai
                                                      (4/2002)

Mưa xuân
Cơn mưa qua vòm lá đỏ
Cơn mưa qua vòm lá xanh
Cơn mưa ào qua phố nhỏ
Ơi cơn mưa mát mưa lành
Hạt mưa làm em ướt áo
Len vào kẽ tóc làn da
Len vào trái tim nỗi nhớ
Con đường ngày xưa anh qua
Hạt mưa như con mắt ngọc
Buông vào thăm thẳm không gian
Để nơi nào em cũng gặp
Tia nhìn thương mến nồng nàn
Em gói hạt mưa ngày ấy
Trong tà áo trắng học trò
Trong từng vần thơ viết vội
Hồn nhiên, trong trẻo, vô tư
Cơn mưa qua vòm lá đỏ
Cơn mưa qua vòm lá xanh
Cơn mưa ào qua phố nhỏ
Cơn mưa ở phía không anh
Cơn mưa qua rồi ta có
Bao nhiêu kỷ niệm dâng đầy
Hạt mưa mong hạt mưa nhớ
Em cầm trĩu nặng lòng tay.
                                            * Nguyễn Hoài Nhơn
                                                       (3/1992)

 Một bài học
Thành phố không còn lành lặn
Ta bước ra cửa đứng nhìn
Có một người điên lấm mặt
Đang cười với chiếc lông chim
Và nắng của ngày thiếu ngủ
Lặng soi cỗ máy gĩ vàng
Trong gió có lời nhắn nhủ
Vọng về từ cõi mang mang
Rằng: “Con người ta thuở xưa”
“Biến chó thành người biết nói”
“Rồi quay lại dạy con chó”
Mày cần có một trái tim”
                                                * David Nelsons (Úc)
                                                     Hoàng Lê dịch
                                                           (2/1994)


Thơ  Haikai  (Nhật)
Nếu cắm vào mặt trăng
Một cái cán thì ta sẽ có
Một cái quạt tuyệt đẹp
                                              * Yamazaki Sokan
                                                  (1465 – 1553)


Một bông hoa rơi xuống
Tôi thấy nó trở lại trên cành
Không, đó là con bướm.
                                              * Arakida Moritake
                                                   (1473 – 1549)


      Dấu cũ
Ta về tìm lại vầng trăng cũ
Khỏa tắm bãi khuya sóng dại ngây
Trăng cũ khuyết rồi phương trời lạ
Mà ta dấu cũ hãy còn đây.
                                                  * Ngô Minh
                                                     (1/1992)


      Miền Trung
Tôi thường lui về một góc Qui Nhơn
Từng câu thơ trên mặt đầm lặng sóng
Như con chim đi xây từng tổ yến
Có khi phun ra hết cả máu mình
Tôi nằm ôm từng năm tháng lặng thinh
Ngày mưa bão gầy gò bên cổ tháp
Mưa vẫn mưa bay và đời tôi gió giạt
Mưa vẫn mưa bay và tôi lại quay về
Em tin không tôi sẽ về lúc nửa khuya
Sẽ rón rén như một người xa lạ
Nằm gối bãi và nhìn ra biển cả
Như con thuyền sau mỗi chuyến ra khơi
Qui Nhơn – Người là mẹ của tôi
Là vầng trăng trên đầu non hái củi
Là em tôi trong chuyến tàu đêm thui thủi
Tôi thức dậy trong đêm và mở mắt ra tìm.
                                                * Võ Chân Cửu
                                                        (1/1992)



Băn khoăn chiều
                            * PHẠM DẠ THỦY
Ở phương ấy
Vực sâu, hạnh phúc?
Chưa tới nơi lòng đã muốn quay về
Biển và núi, đường xa, chiều xuống
Đối mặt cô đơn
Thèm tiếng gọi người
Có một mái nhà ấm lửa sau lưng
Có một con người khát trong đời thực
Có một tình yêu cuối chiều no giấc
Có một niềm tin đêm rạng ánh ngày
Lại ngoảnh mặt, đi tìm ảo ảnh
Lật bàn tay rồi ngửa bàn tay
Cầm nắm được gì?
Cát rơi về cát
Khói bay về trời
Sương tan vào nắng
Rỗng nỗi buồn
Tôi dạt về tôi
Đi hay không đi
Tới hay không tới
Những dung dị ngày thường bỗng hừng hực lửa
Quay lại
Hoặc chẳng bao giờ nữa
Niềm ăn năn một thoáng, về đâu?
                                                  01/12/2007


  Bến thơ

Đưa anh ra bến đò
Biết em về nhớ lắm
Bởi chẳng giấu gì em
Chính thuyền anh cũng khẳm

Bao nhà thơ đã nói
Anh còn biết viết gì
Dù chưa thành đá sỏi
Trong nỗi buồn chia ly

Thương cho cây bần quỳ
Sóng đào trơ gốc rễ
Người qua đông là thế
Nhìn mà có thấy đâu

Kẻ châm bẩm làm giàu
Người chạy tìm miếng sống
Không như em mơ mộng
Chẳng như anh dại khờ

Thương xóm nhà lô xô
Mấy tàu dừa phe phẩy
Cũng gọi là bến thơ
Bởi vì em đứng đấy

Thương nhớ hoài bến ấy
Một tà áo thiên thanh
Em giơ bàn tay vẫy
Khiến thuyền anh chòng chành.

                                              * Nguyễn Chí Hiếu
                                                      (5/3/1988)



    Tự vấn
Trong tình cảnh đất nước hôm nay
Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn.
Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?
Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở.
Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa
Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?
Dù tôi là thiên tài
Dù tôi là thi nhân
Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực.
Tôi có quyền gì.
Tôi có quyền gì.
Tôi có quyền gì?
                                                * Phùng QUÁN
                                                                 (6/1990)



    Bạn làng
Ngày tôi mặc bộ đồ nâu cũ kỹ ra đi
Bạn từ dưới ruộng sâu chạy lên bờ đưa tiễn
Tấm tải choàng rách toạc ngang lưng
Mảng da trời lạnh tím
Mốc meo dính váng phèn chua.
Ngày tôi mặc chiếc áo hoa trở về
Bạn từ dưới ruộng sâu chạy lên bờ mừng rỡ
Vẫn tấm tải choàng rách toạc ngang lưng
Mảng da trời lạnh tím
Mốc meo dính váng phèn chua.
Thế mà suốt ba mươi năm hành trình chân đất
Tôi nuôi niềm tin
Cả khi ăn rau tàu bay cạn máu
Tôi nuôi niềm tin
Cả khi cô đơn đến tột cùng cô đơn lang thang trong rừng vắng
Tôi nuôi niềm tin
Cả khi số phận chín mươi chín phần trăm nằm trong tay thần chết
Tôi nuôi niềm tin
Sẽ xóa đi cái hình ảnh của bạn
Tấm tải choàng rách toạc ngang lưng
Mảng da trời lạnh tím
Mốc meo dính váng phèn chua.

Chẳng lẽ niềm tin kia là tội lỗi?
Chẳng lẽ chỉ biết đập cửa mọi người dữ dằn tôi hỏi
Mà không tự trả lời?
Nếu tôi đột ngột chết đi
Thì cái hình ảnh cùng cực của bạn tôi
Là một lời trăn trối.

                                                * Võ Văn Trực
                                                      (6/1990)


  Gửi Đỗ Phủ

Tôi sinh sau đẻ muộn
Sao tâm sự giống ông?
Tình mây bay gió cuốn
Đau từng câu thơ Đường

Đã đi khắp xứ sở
Từng đụng nỗi hàm oan
Đời sống và trang kinh
Chưa bao giờ là một
Lễ nghĩa mà thưa thốt
Vẫn ngộ nạn như Kiều
Ta ẵm bồng sự thật
Để về ngõ cô liêu…

Càng xa người bao nhiêu
Xót xa kia càng lớn
Góp nhặt từng cơn mộng
Bói không ra tình yêu

Thanh xuân thoáng bay vèo
Ngẩn ngơ nhìn tóc trắng
Cuộc sống có bao nhiêu
Mà khổ đau bằn bặt

Thà say như Lý Bạch
Thà cuồng như Trí Thâm
Tỉnh như tôi và ông
Chỉ thêm mầm bệnh tật!

Nhưng mình mau nước mắt
Mặn nồng với cố hương
Lẽ nào ta ngoảnh mặt
Trước bức bách đời thường?

                                                 * Trần Dạ Lữ
                                                      (1/1990)


  Về đất Sở
Anh có về không?
Đất Sở xanh trời mưa bụi
Con chìa vôi mướt cánh ngọn măng vòi.
Anh có về không?
Trời tháng sáu con tu hú rộn ràng gọi nắng
Con thương-cô-áo-cụt bồi hồi
Con thua-tuốt ngậm ngùi xa vắng
Rừng trâm trâu chín tím đôi môi.
Anh có về không?
Dóng dả tiếng chim vườn kín lá
Mây nhả bừa kéo mỏng trên đầu
Đường trải dẽ lưng trần sỏi đá
Ngựa hồng ngựa hởi trước sau.
Anh phải về
Với trang thư giấy vở
Thành câu thơ: Gửi S. như còn…
Trưa mùa nam đỉnh đồi hơi thở ngút
Áo vàng gió nhuốm mờ son
Trưa lòng nón trong ngần nước giếng
Gò nghiêng tóc xõa cánh tay tròn.
S. vẫn như còn
Dù em không còn nữa
Anh phải về đất Sở
Trong hoa thuốc hăng nồng mật nhựa
Viết cho em!
                      Gửi S. như còn.
                                   * Trần Huyền Ân



    Giấc mơ
trong giấc mơ anh chỉ gặp những người dễ chịu
anh không gặp đĩa bay, không gặp người hành tinh khác
anh không thấy rơi vào trại tị nạn Hồng Kông
nơi những người đồng hương của anh tan tác
kinh hãi chờ ngày bị cưỡng bức hồi hương
kinh hãi phải từ chối tổ quốc
vì không biết lấy gì chứng minh
ngoài cái bụng lép kẹp
thế giới ngày càng chật, lạnh, ngoa, ác
sao trong giấc mơ anh chỉ gặp những người hiền lành.
                                                 * Thanh Thảo
                                                       (1/1990)


     Đầu xuân
Đường sớm mơ măng xổ phanh ngực trẻ
Nắng bạch đàn se sẽ bước xanh
Dấu in xuân
                  vằng vặc
                              mấy đường trường
                            *
Em tay xòe một con chim cánh thắm
Cắp tim anh
                  vù nghìn dặm thiên di
Yêu ngơ ngẩn đi
                          trường kỳ trang vắng
Rõi bóng chim
                      tìm một bóng tim
                            *
Cầu bắc liên thôn đôi bờ liền một
Việc hai nhà, đây đấy vẫn đôi nơi
Nắng giải chiếu
                        lối đường ngôi cỏ mượt
Có ý mời người bên ấy sang chơi.
                                                    * Lê Đạt
                                                   (3/2/1994)

   Tin buồn
Với đồng quê
có kẻ đói đường cày
cắn răng ăn mày phố
Với biển xanh
có người mắt lưới bạc
lên non gạn suối tìm vàng
Và với cỏ­
có nhà thơ danh tiếng
đã xỏ giày đinh rẽ lối quan trường.
                                               * Nguyễn Khắc Thạch
                                                           (4/1991)


   Làng
Mười năm tôi trở về làng
Sầu đông vò võ lá vàng đợi tôi
Người ăn xin xếp hàng ngồi
Tay cầm mê nón tả tơi sân đình
Trăm lời ước nguyện cầu xin
Cơn mưa bố thí trăm nghìn hạt mưa
Làng xưa heo hút… làng xưa
Lạnh tanh cả tiếng chuông chùa chiều hôm
Đất trơ đá, nhà trơ xương
Mẹ tôi gầy guộc, mảnh vườn trơ cây
Tháng giêng hoa cỏ nở đầy
Tìm đâu hoa lúa đất này làng ơi
Tôi đi góc bể chân trời
Đá mềm chân cứng ba mươi tuổi về
Vẫn còn đó một làng quê
Nhà tranh vách đất, lũy tre, đường lầy.
Lời ru dấu võng còn đây
Con bò buộc cội rơm gầy chân nhang!
Xót xa tôi gọi: ơi làng!
Sầu đông thắp nụ muộn màng nhìn tôi.
                                            * Nguyễn Hoài Nhơn
                                                        (4/1991)


      Độc sắc
Chiếc bình hoa anh cắm
Chỉ một nhành cúc thôi
Màu hoa như màu nắng
Những chiều vàng xa xôi
Pha trong màu nắng ấy
Một chút gì trang nghiêm
Một chút gì lãng mạn
Một chút gì khó quên
Chẳng dễ dàng nắm bắt
Cái màu nắng ấy đâu
Anh nhìn không chán mắt
Dẫu hoa chỉ một màu!
                                          * Mai Văn Hoan
                                                (11/1993)


Xem đêm
Tỉnh giấc xem đêm
Cuối trời trăng mỏi
Trái gấc chín ngập ngừng.
                                         * Phùng Cung
                                                 (1989)


Đêm cuối thu
Chó sủa sông dài
Gió chuyển canh
Trái thị cuối thu
Thơm mùi trăng úa
Ao khuya nước thở
Thì thầm chuyện đại dương.
                                         * Phùng Cung



   Gặp bạn

Gặp bạn xưa, biết mình già
Soi bạn, giật mình cái tuổi
Tóc nâu từ bạn xùm xòa
Che lấp một thời nông nổi

Dòng chữ lăn tăn vầng trán
Như sơ đồ thuở dọc ngang
Cuộc đời hằn trên nét mặt
Cụng ly, hai đứa cười tràn

Dốc cạn một thời trẻ trai
Máu và nước mắt đều mặn
Đời như một giấc mơ dài
Râu tóc bà nhòa dĩ vãng.
                            * Vân Long



      Hẹn ước

Nơi ấy, mùa xuân đến vội
Bờ ao hoa súng tím màu
Tuổi thơ lặn trong nỗi nhớ
Tóc xanh một thuở, còn đâu?

Quả cau chín vàng, năm tháng
Em qua ngõ hẹp ngại ngùng
Anh thương “Cầu tre lắt lẻo”
Một thời mưa nắng bão giông.

Em đi mùa xuân chậm lại
Anh về sương lạnh đôi vai
Em như ngày xưa: Hoa súng
Tím trong câu hát “… thương hoài”.
                            * Nguyên BA


Lời của gió
Có một bài ca, yêu nhau
Người ta nghe lời của gió
Và ai bừng đôi má đỏ
Và ai gửi được nụ hôn
Anh cũng bảo rằng nhớ anh
Em hãy nghe lời của gió
Nhưng mỗi lần em thương nhớ
Gió nào có nói gì đâu.
Nắng hè cháy đỏ ngọn cau
Biển mặn cồn cào cơn khát
Như người lữ hành trên cát
Đâu rồi bóng mát đời em?
Nước chảy qua cầu trôi êm
Anh đã quên rồi, em biết
Gió cứ đi về mãi miết
Mà nào có nói gì đâu.
                            * Thảo Vi



Chầm chậm
Chầm chậm thấm vào ta
Nụ hôn em vầng trăng đẫm ướt
Chầm chậm phủ kín giấc mơ ta
Vòng tay em tấm áo choàng trắng muốt
Giá em lấy chồng xứ khác
Ta còn cơ hội nguôi ngoai
Bây giờ chầm chậm ban mai
Cỏ cây ăn sương kỷ niệm
Nhiều khi thấy lòng xao xuyến
Đành ngồi ôm gối nhìn mây
Chầm chậm nghe sông dâng đầy
Nguồn xưa em về khỏa sóng.
                                              1993
                                   * Đặng Minh Châu


Sông Thương tóc dài
Mai đành xa sông Thương tóc dài
Vạn Kiếp tình yêu anh gửi lại
Xuân ơi xuân, lẽ nào im lặng mãi
Hạ chưa về, nhưng nắng đã Côn Sơn
Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình – náo động – một mình anh.
                                     * Hoàng Nhuận Cầm
                                                (4/1994)



Một mai trăm nỗi bộn bề
Nếu ngày không thả hương mùa
Thì tôi nào nhớ ngõ xưa mà về
Uống dòng nước mát sông quê
Dẫm chân trên vạt cỏ se mượt mà
Nếu mai chẳng chịu nở hoa
Chắc chi tôi trở về nhà kịp xuân
Để ngồi bên bếp lửa hồng
Ngùi thương tay mẹ vốc từng nùi rơm
Nghe chùa làng vọng hồi chuông
Nghe lòng thơm thảo từ hương nhang trầm
Lời kinh quên bẵng bao năm
Bây giờ chợt nhớ lâm râm khấn cầu
Cầu cho mẹ sống dài lâu
Mỗi chiều tựa cửa nhai trầu đợi con
(Cái thằng gió dạt tha phương
Long dong phố thị bỏ nương, quên đồi).
Cũng đành theo ý mẹ tôi
Mùa sau chạm ngõ cùng người bạn quê
Một mai trăm nỗi bộn bề
EM và THƠ – sẽ nằm kề bên tôi!
                                         * Cao Nhật Quyên
                                                  (4/2002)

Một buổi trưa
Một buổi trưa đi về trong ngõ nọ
Nắng trên trời đổ xuống lá trên cây
Màu tóc gội con mắt mờ em có
Nhớ vô cùng bữa nọ đến hôm nay
Về cổ lục cũ rồi câu chuyện cũ
Và cảo thơm không mới nữa bên đèn
Và sương sớm hay chiều buông liễu rủ
Biết thế nào mà nói lạ hay quen
Bữa hôm nay lại nhìn ra xanh lá
Xanh trời xanh mây tụ ở chân trời
Chợt nhớ lại buổi trưa về em ạ
Giấc mơ màng bóng nọ ở bên tôi.
                                          * Bùi Giáng
                                               (1982)


   Ví dầu
Xa nhau từ chiều hôm trước
Anh về qua ngõ thu bay
Rưng rưng màu hoa cúc tím
Chơ vơ chiếc bóng đường dài
      Cô bé học trò nhút nhát
      Lần đầu anh đèo đi chơi
      Lũ bạn vô tình bắt gặp
      Ngồi sau mà cứ… run ơi!
Ví dầu tình mai với mốt
Cầm bằng như gió như mây,
Em ơi, đừng thề đừng thốt
Hãy yêu cho trọn những ngày.
      Chiều nay, một mình ra phố
      Vòm ô bảy màu khuyết nửa,
      Cuối trời, sầu đông cháy đỏ
      Bận lòng những giọt mưa thưa.
Ví dầu tình mai với mốt
Cầm bằng như gió như mây
Xa nhau bao mùa thu nữa
Em ơi, chờ hết những ngày.
                                                     * Văn Triều


      Trước mồ cha
Một mình con trước mồ cha
Chiều chưa xuống đã sương sa đầm đầm
Cha nằm hút cõi xa xăm
Hắt hiu nấm cỏ âm thầm nắng mưa
Thoảng như gió tự ngàn xưa
Bao nhiêu buốt lạnh đã lùa vào con
Đời người năm tháng mỏi mòn
Bao vinh nhục cũng chỉ còn hư không
Cha nằm giữa cõi mênh mông
Hoàng hôn rơi giữa gió sông bời bời
Con đi qua quãng đường dài
Trước mồ cha bỗng hóa loài cỏ cây
Trời xa thẳm tận cùng mây
Tháng năm nước mắt vơi đầy trần gian
Còn không bóng núi trăng ngàn
Trên mồ gió với nhang tàn ngẩn ngơ
Cõi đời cát bụi mưa mờ
Qua bao chìm nổi nào ngờ bể dâu
Dòng sông nước chảy từ đâu
Sóng ngàn năm mãi bạc đầu, Người ơi.
                                        * Trần Anh Thái
                                                (1-2007)



     Uống cùng Huế
                                          * HỒNG NHU
Bây chừ còn có chi mô
Dặt dìu con nước ngẩn ngơ mạn đò
Dòng sông cứ mực lững lờ
Chảy như quên chảy và bờ… cũng quên
Thì thôi một giọt mưa thềm
Thì thôi một khắc chuông rền chùa sương
Người đi bóng cắt dặm đường
Lạnh như tiếng vạc kêu thương ngang trời.

Tôi nhìn ngọn lá vèo rơi
Thấy con mắt lạ một thời Huế xa
Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi

Ôi thu thu lỡ thu rồi
Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An
Phía đâu như phía muộn màng
Em như em của muôn vàn nổi trôi.

Rượu Chuồn(*) này chén trăng bơi
Uống cùng Huế với cuộc chơi sang ngày.

--------
(*) Chuồn: Làng Chuồn




Về Trường Can

Rêu biếc trải dày sân
Vườn sau tràn cỏ dại
Chưa một lần trở lại
Trường Can có còn ai?

Trường Can không còn ai
Để buồn mưa vui nắng
Ngọt ngào và cay đắng
Như lòng em ngày xưa

Bây giờ rừng đã thưa
Ngẩn ngơ bờ suối cạn
Con chào mào lẻ bạn
Nhớ bông bí đầu mùa

Ta một mình hơn thua
Ta một mình lăn lộn
Ta một mình khôn lớn
Ta một mình già nua

Ta một mình tóc bạc
Lấm chấm vệt da mồi
Đâu còn ai để nhớ
Về Trường Can xa xôi.
                                       * Trần Huiền Ân
                                              (1/2000)


 
      Hạt mùa mới
Khi nỗi đau đi vào nỗi đau khai hoang ánh sáng
Soi khoảng hồn đã quá xanh xao
Chúng ta nhìn vào mắt nhau không mộng mị
Kí ức chở số phận chúng ta rời bỏ ga buồn.
Trong kiêu hãnh đắng cay
khi ốc đảo biết gọi mời ốc đảo
ngón tay đan ngón tay khai sinh hơi ấm không hề gầy
rắn rỏi hơn đức tin vào Chúa.
­­Con sông, cánh rừng ngày xưa chết yểu
tên chợt bật trên môi chúng ta
em tin chúng có thể nâng linh hồn từng tủi thân được, mất
gượng dậy tìm về?
Khi niềm vui tan trong nỗi đau vỡ hoang ánh nắng
tôi mang hạt giống thu hoạch phương xa
gieo cánh đồng làng
em nhân giống dân ca vào giai điệu mới
bờ cỏ vang vang ngôn ngữ được mùa.
                                          * INRASARA
                                                 (4/2007)

Ấm nồng xuân sang
Này em, nước mắt đã nhiều
Đau thương, xin gửi theo chiều bão dông
Có nghe trong lạnh tàn đông
Cái hơi hướng của ấm nồng xuân sang?
Trái tim lỗi nhịp, ngang tàng
Vẫn câu thơ viết về làng quê xưa
Vẫn là chút nắng, chút mưa
Vẫn rưng rưng phút giao mùa bình yên
Niềm tin, thời khắc thiêng liêng
Gừng cay muối mặn nhớ miền rong chơi
Con sông ngày tháng đầy vơi
An nhiên, thanh thản xuân đời tươi xanh.
Đã tìm thấy trong mong manh
Tơ trời buộc chặt ngọn ngành đó thôi
Bão dông sáng nay qua rồi
Ngày mai bước chạm chân đồi mùa xuân.
                                               * Phùng Tiết  (2006)



Cuối đông
Thời tiết lạ lùng sao
Cuối đông, trời trở ấm
Như tột cùng nỗi đau
Chợt thấy lòng thanh thản.
Một mình ngồi dưới nắng
Tiếng ong bay đầy hè
Mang giọt đời sâu nặng
Mình thương mình, tái tê.
Điều nghiêm túc trước kia
Nay trở thành hài hước
Điều ta từng giễu cợt
Giờ hóa chuyện nghiêm trang
Tổ ong đầy mật vàng
Mình là con ong thợ
Cuối đông, ngồi gác cửa
Cho đất trời sang xuân.
                                         * Võ Văn Trực
                                               (1/1997)


Hồn quê
Một đòn gánh, một đôi quang
Người đàn ông ấy rời làng ra đi
Vợ con đứng nép bên hè
Gạt thầm lệ, sợ người đi mủi lòng
Thế rồi gió thổi lên không
Dân quê vào chốn phố đông thị thành
Liều mình trong cuộc đua tranh
Cắn răng chịu những đành hanh thói đời
Ngày cơm chan lẫn mồ hôi
Tối về gửi tạm thân nơi vỉa hè
Nát nhầu dần mảnh hồn quê
Sượng sần nào dám tin về cố hương
Một năm tóc ngả màu sương
Tuổi tên lạc giữa nẻo đường bon chen
Rượu đời ủ chẳng thành men
Thì đành quang gánh lối quen lại về
Dừng chân bên bến sông quê
Tìm con dế bắt đem về cho con.
                                                      * Cao Sơn
                                                        (3/2009)


Viết ở Thị Nghè
Ta vào cùng với heo may
Sài Gòn có biết hôm nay gió về?
Lang thang lạc giữa Thị Nghè
Thảo Cầm Viên một mình nghe gió buồn
Gọi tình xưa, đợi tình không
Người đâu biết? Vẫn bên chồng con vui
Trái tim đau những lở bồi
Mai đem tình ngược về nơi gió mùa
Bất ngờ Sài Gòn òa mưa
Hình như có mắt ai vừa rưng rưng.
                                            * Hải Từ
                                             (3/1998)


Đỗ quyên
Đỗ quyên sao nở
Trong chiều ba mươi
Để ta như ngỡ
Môi em đang cười
Em đi xa rồi
Chừng như nhơ nhớ
Bên một chỗ ngồi
Quán khuya phố nhỏ
Chiều nay một mình
Về bên cư xá
Nắng phai lâu rồi
Đường thênh thang gió
Em đi bỏ lại
Chút tình bâng quơ
Mà ta cứ mãi
Ngây ngô mong chờ.
                                       * C.V HUY MIÊN
               (Đinh Đoan Hùng, quê Duy Xuyên, Quảng Nam, 1955 – 11/2008.
                      Ông có bài “Hoa tím ngày xưa” được phổ nhạc (1998)).



Làng xưa giờ lên phố
Tôi về thăm …… cũ
Cột rỗng tiếng mọt trưa
Ngói lệch hàng rêu phủ
Nền vỡ bong bóng mưa.
Mảnh vườn thơm chanh quất
Đất lần lượt sang tay
Ao sen hồng khuất lấp
Lầu cao nối xưởng dài.
Nắng xuân nhìn giếng khát
Gàu khua váng nước phèn
Mương xưa thành rãnh thoát
Lững lờ một dòng đen.
Cơn gió đồng lưu lạc
Qua vết nứt cổng làng
Người bỏ quê phiêu bạt
Đất mùa đầy cỏ hoang.
Làng xưa giờ lên phố
Câu hỏi chào đã thưa
Dãy tường xây kín ngõ
Tình quê bỗng ế thừa.
                                        * Ngô Trầm Tư
                                              (12/2006)

 
Con ngựa buộc bên rào
Con ngựa buộc bên bờ rào
Cỗ xe cũng nằm cạnh đó
Cô em ở trong cửa sổ
Ngựa ai đã thắng yên cương
Mùa xuân đi dạo trên đường
Tôi qua trước nhà em ở
Chỉ tại cái bóng cây bàng
Mà tôi ghé vào bên cửa,
Sau nữa tại vì con ngựa
Yên cương đã sắp sẵn rồi
Nên tôi muốn được em ngồi
Để tôi đánh xe rong ruổi
Lẽ nào cô em từ chối
Ngựa xe thì đã sẵn sàng
Và buổi chiều nay đẹp thế
Lòng nào không thấy xốn xang!
                                                 * Chử Văn Long
                                                        (1/2002)

   Phố
Lá đã chớm vàng
Trên nhà thờ cổ
Ruột cây chớm đau
Những ngày nổi gió
Có ngày chớm ngọ
Bóng đổ chân gầy
Có con mắt nọ
Không ngủ trưa nay
Có một bàn tay
Một bàn tay nữa
Không biết làm gì
Gác trên khung cửa
Đèn lên lỗ chỗ
Xe chiều đi nhanh
Ta ngồi ngắm phố
Lòng đau thị thành.
                                      * Nguyễn Nhật Ánh
                                                        (1/2008)

Vẳng tiếng gọi đò
Chiều nghiêng nắng chảy về tây
Ai đem chiếc phểu rót ngày vào đêm
Bờ xa mơn mượt cỏ mềm
Mẹ về trước ngõ trăng liềm ngang vai
Mái tranh sợi khói len cài
Rào hoa dâm bụt thắp vài đuốc con
Cuối vườn nứt mụt măng non
Tiếng chim gõ kiến ăn mòn cọc tre
Gió triền đê mát đêm hè
Con về hiên mẹ nằm nghe câu hò
Lao xao nhịp thở cánh cò
Bên sông vẳng tiếng gọi đò quen quen.
                                                    * HỮU THỨC
                                                          (2007)



Đừng buồn em nhé
Từ hồi trót nói lời thương
Cuộc vui gió cuốn để buồn cho em
Lằng nhằng những nợ những duyên
Những ngày thắc thỏm những đêm đợi chờ
Thiên đường xếp xó giấc mơ
Ngôi sao thơ ấu bơ vơ cuối trời
Đôi khi nhạt miệng buồn cười
Biết rằng nhoẻn nụ đười ươi cũng buồn
Thất tha thất thểu văn chương
Kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài
Yêu cùng ai ghét giùm ai
Để cơm áo vẹo hai vai em gầy
Nợ nần chưa trả đã vay
Chim muông trả vía cỏ cây trả hồn
Trả cho mơ chút thiên đường
Trả cho nhau chút xót thương luân hồi
Xin đừng buồn nữa em ơi
Trả cho sao một chút trời xa xăm.
                                                   * Nguyễn Duy
                                                        (7/2002)


Phục sinh
Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng trên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh.
                                               * Thanh Tâm Tuyền
                                                  (Sài Gòn, 1956)


Tiếng dội của sương chiều
lạnh trong rừng thu xanh
anh vô nằm trong cỏ
nơi những ngày xưa kia
em đã ngồi ở đó
anh nằm đây, ngồi đây
nghe rừng thu nhắc nhở
tiếng dội của sương chiều
làm nhói đau sắc cỏ
lạnh trong rừng thu xanh
em là con chim nhỏ
đậu trên nhành hoa leo
hát mấy lời trăng gió
anh nằm đây, ngồi đây
ngó nước nguồn reo vỡ
nước nguồn chảy bao năm
đá núi mòn dấu nhớ
anh nằm đây, ngồi đây
một mình anh vẫn thở
mười năm trong trắc trở
anh sống khác ngày xưa
nghe dội tiếng rừng mưa
âm vang lời suối nhớ
anh như còn nặng nợ
với cây cỏ rừng già
                                * Vũ Hữu Định (1940 – 1980)
                       * V.H. Định có bài thơ phổ nhạc “Còn chút gì để nhớ”



Có còn kịp đến
Có còn kịp đến mùa thu
Gặp chút xanh giữa mịt mù khói sương
Ngày em trở gót lên đường
Sổ lồng chim sáo tha phương cuối trời.
Mười năm vẫn nhớ một người
Tóc xuân như thoáng mưa rơi cháy lòng
Ngày em nhẹ gót phiêu bồng
Màu hoa tím đổ trên sông nắng dài.
Bồi hồi nghỉ đến ngày mai
Em về mây gió trải dài đón đưa
Chuyện tình quê cũ, ngày xưa
Em qua trăng nước cũng vừa mênh mông.
Có còn kịp đến… hư không
Chuyến đò em, chớm theo chồng, sang ngang?
                                           * Thai Sắc
                                             (3/1998)


Mơ xuân
                     * ĐỖ CÔNG QUÝ
Canh tàn mộng giấc hoàng hoa
Cúc phơi hoa nụ tươi hòa nắng trong
Nắng nghiêng vén áo sương đồng
Mùa hoa nhú cắm nụ hồng vườn Xuân
Phiêu bồng mơ bóng giai nhân
Nhung tơ bước dạo thoáng ngần cánh tay
Anh quên nhặt khoảnh khắc ngày
Để mây bay khuất trời mây ơ hờ
Đồng dao thềm giấc ngây thơ
Sông xanh bãi tía còn ngờ thiêng liêng
Níu cao dành hái trăng miền
Thung sâu dành cả bãi triền cỏ xanh
Vỡ òa choáng ngợp hồn Anh
Nụ hôn mùa sớm gieo nhành thiên hương
Bên sông hoa gạo thắp hừng
Soi dung hai đứa đến mường tượng sau
Mơ hồ gặp lại tình nhau
Kết hoa vòng nguyệt mái đầu Em xưa
Tỉnh hoàng hoa ngát hoàng hoa
Thoắt Vườn Xuân thoắt bướm và bình minh ./.


xuân tứ
      Nửa chia đông, nửa chia xuân
Trống không còn lại tôi cầm trên tay
      Nửa còn đêm nửa đã ngày
Chênh chao đứng gió chao mây nhớ người
      Mùa xuân ngồi cội hoa tươi.
Còn tôi ngồi cội hoa người vô duyên
      Biết ai đồng hội đồng thuyền
Xót chung một nấm Đạm Tiên nông sờ
      Oan hồn đã nhập vào thơ
“Chúng sinh thập loại” bơ phờ Tố Như
      Cõi trần thực thực hư hư
Thưa người, tôi đã mỏi nhừ chân Tâm
      Tình riêng còn chút ôm cầm
Thả câu thơ dọc đường trần rong chơi.
                                                    * Tôn Phong
                                                        (3/1995)

Nụ hoa vàng ngày xuân
Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều đông nào nhung nhớ
đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân
mùa xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá
thơ còn thương cõi đời
con chim mừng ríu rít
vui khói chiều chơi vơi
Đất mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa
con trâu từ đồng cỏ
giục mõ về rộn khua
Ngoài đê diều thẳng cánh
trong xóm vang chuông chùa
chiều in vào bóng núi
câu hát hò vẳng đưa
Tóc mẹ già mây bạc
trăng chờ trong liếp dừa
con sông dài mấy nhánh
cát trắng bờ quê xưa
Anh cho em mùa xuân
bàn tay thơm sữa ngọt
dải đất hiền chim hót
người yêu nhau trọn đời.
                                 * Kim Tuấn (1940 – 9/2003)
                       N.P Vĩnh Khuê, Huế - Bài này Nguyễn Hiền phổ nhạc:
                                            “Anh cho em mùa xuân”.



   Thu xưa

Đẫm trong cỏ, gió và ký ức
Người nhớ quê về lại quê nhà
Bên giậu, khóm cúc vàng đang nở
Một khoảng trời biêng biếc ngày xưa.

Một khoảng trời bàng bạc tuổi thơ
Con nghé giỡn trên đồng cỏ dại
Cô gái nhỏ giắt hương hoa trái
Dẫn mùa thu đi dạo quanh vườn.

Chớm heo may trên những con đường
Màu nắng ấm ủ vào hoa cúc
Màu son đất giấu trong lồng ngực
Vùng cỏ non mắt biếc ai nhìn.

Bay dịu dàng trong cõi mênh mông
Tà áo lụa quyện vào mây trắng
Xin cảm ơn bước chân thằm lặng
Mang mùa thu trở lại sân trường.

Người đi hoài chẳng hết làn hương
Một khóm cúc nở bên hàng giậu
Những ngày thu xanh màu thơ ấu
Thơm ngát từng trang vở yêu thương.

                                        * Hồ Ngạc Ngữ
                            (Hồ Văn Khánh, 1950 – Nha Trang, Vũng Tàu)

 

      Đếm sao
Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn, áo vải nâu bốn mùa
Cái cò, sung chát đào chua
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng bờm
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ, mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng.
                                         * Nguyễn Duy
                                                         (1996)

------------
Văn Tánh (st) – 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét