1 thg 11, 2015

TƯỞNG TƯỢNG


        Một bé gái chừng năm tuổi vừa nhảy nhót vừa vỗ tay, reo:
        “Ông nội đi lạc… hay quá… ông nội đi lạc!”.
        Ông Hanh ngồi xổm trong góc phòng ngủ, lần mò sờ soạng cái tủ cao bên phải rồi cái bàn thấp bên trái:
        “Ông nội tìm giường hay tìm cửa ra?”
        “Như ơi, dẫn ông tới giường”.
        Con bé càng vỗ tay mạnh, cười ngặt nghẽo.
        “Cái giường ở sau lưng ông nội ơi!... Sao nội cứ đi về trước mặt… Ông nội đi lạc… phía trước là bức tường”.
        Ông Hanh chỉ cần quay lại, bước hai bước là tới giường. Nhưng ông không định được phương hướng. Mân mê cái chân bàn một lúc rồi ông ngồi bệt xuống sàn, thở dốc, như vừa làm một việc nặng nhọc.
        “Như ơi, giường ngủ ở đâu cháu?”
        Ẩn đến đỡ ông Hanh đứng lên, dìu ông tới giường.
        “Ai đấy?”.
        “Thưa bác, cháu đây. Cháu là Ẩn”.
        Hai con mắt lòa cố nhướng lên.
        “Ẩn, Ẩn nào? Để tôi nhớ xem”.
        “Dạ, Ẩn ở Châu Thành đấy, bác Ba”.
        “Nhớ rồi, cháu là con của Thanh Cao… Như ơi, đem trà cho ông”.
        Con bé chạy đi đâu mất. Ẩn ra phòng khách bưng khay trà vào. Ông Hanh vẫn cao lớn, khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Nhưng trông đã khác xa ông Hanh ngày trước, chủ yếu là do đôi mắt. Lần cuối cùng Ẩn gặp ông, trước đây tám năm, ông còn là một chủ nhiệm, thoạt nhìn như Tây, trẻ trung, hơi ồn ào.
        “Nói cho bác biết, hiện giờ ngoài đường thế nào?”
        “Dạ bây giờ 9 giờ, trời nắng nhạt, người xe dày kín ạ”.
        “À, nắng, không gió… trời trong, trời đẹp, cảnh đẹp… Thiếu thị giác, bức bối không chịu được, cháu ạ”.
        “Dạ, đó là giác quan cần thiết”
        “Không thấy thì nghe cũng vô ích, biết cũng bằng thừa… Hai năm rồi bác không còn nhìn thấy ánh sáng”.
        Có một thời gian dài ông Hanh được nhắc đến trong làng như một người học cao, thành đạt. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở huyện.
        “Nay cháu làm ăn ra sao, vợ con thế nào?”
        “Thưa bác, vợ chồng cháu được một bé trai hai tuổi. Chúng cháu làm tạm đủ ăn. Là công nhân tầm tầm, lương thấp nên sống cũng hơi chật vật”.
        Ông Hanh cầm lấy bàn tay trái Ẩn, nắn nhè nhẹ, bóp mấy cái, cười:
        “Tay cháu mềm, nhưng hơi lạnh, phải ấm một chút mới tốt… Bác đang cố nhớ lại nét mặt cháu, và ba cháu… Ông bạn Thanh Cao vẫn khỏe chớ?”.
        “Cảm ơn bác, ba cháu khỏe”.
        “Cha mẹ là bằng hữu, là chỗ dựa của con… Sau này, khi đứng tuổi, bạn sẽ thấy rõ điều đó”.
        “Dạ, ba cháu vẫn là điểm tựa vững chãi của cháu. Không có điểm này thì cháu đã ngã chỏng cẳng nhiều lần rồi”.
        Ông Hanh uống cạn ly trà, trầm ngâm hồi lâu.
        “Cháu nghe những gì ở đây? Tiếng máy xe ầm ầm, không ngớt, tiếng người lao xao, rối nùi, và một thứ tiếng hỗn tạp ù ù vang vang, phải không? Ngày trước ít khi bác để ý tới nó… Cháu châm cho bác điếu thuốc”.
        Cô bé Như chạy về, đứng ở cửa nhìn vào, xong lại chạy đi.
        “Làm con phải kính trọng, mến yêu mẹ cha. Ai cũng được dạy như thế, nhưng không phải ai cũng làm được như thế. Dường như phần đông người ta chỉ kính trọng chớ không yêu mến các đấng sinh thành?... Cháu ạ, nay nằm một chỗ, có thì giờ để suy ngẫm chuyện đời, bác mới thấy rõ các lầm lỗi của mình… Ngoài xã hội có thể nói bác tốt, làm được nhiều việc hay, nhưng trong nhà thì chẳng ra gì… Nói thế nào đây? Bác lỗi đạo làm con, bất hiếu, dù bác vẫn nuôi ông thân đầy đủ. Nuôi là “nuôi” suông, không “phụng dưỡng”… Đến nay, 78 tuổi mới biết, kể cũng muộn, phải không? Khi mù mắt, sẽ sáng lòng!”.
        Một tốp học sinh đi ngang qua trước thềm, nói cười lớn tiếng.
        “Bác ân hận. Thời đó lắm lúc bác không nhớ đến cha mình, dù người ở ngay trong nhà… Khi có việc đi xa, ở lại lâu ngày bác nhớ vợ, nhớ con, nhớ nhà, nhưng không nhớ cha… Có lần bác nghe người ta kể chuyện một ông lớn, giàu to nhưng để bà mẹ phải ngồi trên hè phố bán thuốc lá lẻ. Người ta chê bai ông triệu phú ấy, bác cũng chê”.
        Ẩn hỏi về Huấn, anh con trai duy nhất của ông Hanh. Ông lắc đầu, ngao ngán:
        “Nhắc tới nó thì mệt, phiền lắm. Không thể biết được nó đi đâu, làm gì, lúc nào về. Nó như con chim, như làn gió, con Thoa còn thua nữa là”.
        Ẩn cười:
        “Gần mười năm rồi cháu không gặp anh Huấn”.
        “Dường như nó làm việc gì đó ngoài chợ, và ở bến cá… Ở chợ có ông lớn không?... Huấn ít khi nói chuyện với bác. Nếu có thì nó nói, nói, nói, còn bác thì nghe, nghe, nghe!”.
        “Nay gặp lại có thể cháu sẽ không nhận ra anh ấy!”.
        “Huấn nghiêm, khó tính. Mấy lần nó nói với bác: nhiều cụ mới sáu mươi nhưng đúng là đã được sinh ra từ giữa thế kỷ 19… đấy, nói năng văn vẻ như thế… Nó làm bác nhớ đến ông thân mình. Ông cụ bảo bác: “thỉnh thoảng con để cho cha nói vài câu, con có thể nghe hoặc không nghe cũng được”.  Lúc đó, bác nghĩ: lẩm cẩm, tại sao không thèm ăn, không thích đi chơi lại muốn nói!”.
        “Người lớn tuổi có những ý thích mà lớp trẻ không muốn có, hoặc chưa hiểu được”.
        “Trước đây hễ nghe nói về những chuyện như đạo làm con, công ơn cha mẹ, chữ hiếu là bác bực mình, chửi: đạo đức giả… Quanh năm ông thân bác cần mẫn cắm nhang trước cổng nhà, trên các bàn thờ, lúc xẩm tối, chẳng sót một ngày. Vào Tết Nguyên đán cụ diện khăn đóng áo dài, mang giày, cắp dù trịnh trọng đi chúc Tết hai bên nội ngoại mất mấy ngày liền. Bác không chịu được, bèn quây dồn tất cả những cái đó vào chiếc rọ “mê tín”… Giờ nghĩ lại, thương ông cụ, hiểu tuổi già, thương con người vô cùng”.
        Gian phòng rộng, cái giường lớn ba người nằm cũng vừa. Giá sách ngăn nắp, có tới cả ngàn quyển sách, bụi phủ mờ xám, chắc đã lâu không ai sờ đến. Ông Hanh chỉ cái radio cũ trên đầu giường:
        “Đây là ông bạn thân nhất của bác. Nghe suốt ngày đêm, nhưng thực ra bác chẳng nghe gì cả… Đã hai năm bác không bước ra đường… Làm sao ta có thể chơi cây cảnh?... Bao giờ ta lại được dạo phố chiều chiều?... Không bao giờ. Chẳng còn gì. Không thể được”.
        Ẩn thấy cần nói một điều gì đó để ông Hanh vui lòng.
        “Có lần bị bệnh, chỉ phải nằm trong nhà một tuần, cháu đã khiếp. Tù túng, ngột ngạt làm sao”.
        “Nằm trên giường là khỏe, nhưng cũng là héo tàn… Mọi kiếp người rồi sẽ mục rửa trên giường cả… Ờ, cháu thử nghĩ xem, nếu phải ngồi một chỗ, phải tự giam mình trong phòng một tháng, cháu sẽ ra sao? Vậy mà bác ở đây, chìm trong biển tối, hàng năm”.
        “Người già thường phải khổ bác ạ. Người thì ốm đau rề rề, kẻ thì điếc, người khác lại loay hoay bận rộn quanh năm với cái bộ máy bài tiết của mình, chắc chẳng ai mạnh lành toàn vẹn đâu”.
        “Phải chi bác được chết vào độ tuổi sáu lăm, bảy mươi, hay lúc hăm bảy như mẹ bác… Ở ta có nhiều nhân tài từ trần khi chưa được bốn mươi”.
        “Số bốn mươi của họ bằng một ngàn của chúng ta”.
        “Nghe con Thoa nói nay thứ bảy, bác nhớ ngay đến những buổi dạo chơi trên bãi biển Vũng Tàu, trên đồi Đà Lạt… Nghe bé Như nói hôm nay chủ nhật bác lại nhớ tới những lần cùng anh em đấu láo trong câu lạc bộ Cây cảnh, và các buổi xem phim”.
        “Dần dà rồi bác sẽ quên, sẽ quen”.
        “Cháu lầm, có những thứ người ta không thể quen như sự khổ, nỗi buồn; không thể quên như vợ, tuổi xuân, cha mẹ”.
        Một tiếng còi xe bỗng vang lên, to chát, như ở ngay trước thềm.
        “Xe cộ, đường sá, chim chóc, cuộc sống còn đó… mà ta… không còn!”.
        Có tiếng chân người đi vào phòng khách. Một thiếu phụ hiện ra ở cửa. Ẩn nhận ra ngay chị Thoa, vợ anh Huấn. Chị đứng yên, tay cầm chiếc mũ rộng vành, nhìn sững Ẩn, nhíu mày, mắt chớp nhanh mấy cái, rồi cười:
        “Ẩn, thế mà tưởng ai! Bé Như nói: có một ông lạ cao cao là!”
        Chị Thoa xách bình trà đi châm nước. Ẩn đỡ cho ông Hanh nằm xuống giường, xong qua phòng khách. Chị Thoa đem bánh ngọt, thuốc lá, ly nước khoáng tới đặt trước mặt Ẩn. Ẩn hỏi về anh Huấn, về công việc làm ăn của gia đình. Chị Thoa trò chuyện vui, có vẻ chân tình, hoạt bát. Ẩn nói mấy nhận xét về sức khỏe ông Hanh, chị cười:
        “Ông cụ có tâm sự về hoàn cảnh, có than van về tật bệnh không? Nói nhiều chớ gì?”.
        “Vâng, khá nhiều, tội ông cụ, mệt cho tuổi già”.
        Và Ẩn kể lại vụ ông Hanh “đi lạc” lúc nãy.
        “Ông cụ bị mù, nhưng nhiều lần cụ đã dẫn dắt chúng tôi – những người sáng – đi lạc, vui lắm!”.
        Chị Thoa cười xòa. Chị cho biết ông Hanh mới thật sự mù bốn tháng nay thôi, không phải hai năm như ông nói. Và những chi tiết về cha mẹ, nhà cửa của ông ngày trước đều là chuyện ông mới tưởng tượng ra gần đây. Xưa kia ông là đứa trẻ bị bỏ rơi, được một người nhà giàu hảo tâm – ông Cửu Tấn – lượm về nuôi, lúc mới biết bò. Nên ông không biết nguồn gốc, thân tộc, cũng như mặt mũi cha mẹ ruột mình. Ẩn hết sức ngạc nhiên.
        “Thì ra tôi cũng đi lạc hơi xa! Ông cụ bày đặt như thế để làm gì?”.
        “Chúng tôi cũng tự hỏi như vậy – Chị Thoa gõ nhẹ trán mình - Ẩn biết không, nay ông cụ vừa 68, nhưng cụ nhất mực bảo mình 78… Rồi thêm chuyện cụ nuôi dưỡng cha mẹ hoặc chuyện mẹ đẻ của cụ qua đời năm 27 tuổi. Một mớ bòng bong!”.
        Ẩn bật cười”
        “Chết thật! Vậy thì làm thế nào biết đâu là thật, đâu là không?”.
        “Khó lắm, phải sống chung mới biết. Anh Huấn nói, có lẽ bực tức do bị tước mất đôi mắt nên ông cụ sinh tật như thế”.
        “Vậy cụ than thở suốt ngày?”.
        “Không, trái lại. Cụ nín thinh, im thin thít như pho tượng. Hết nằm trên giường, cụ đến ngồi ở bàn nước. không muốn đi đâu, không nghe đài, nghe nhạc. Thỉnh thoảng cụ lại bảo: hãy trả mắt cho tôi! Anh Huấn đọc báo cho nghe thì cụ ngủ. Bảo bé Như dẫn nội dạo quanh trong vườn, cụ nói chân run chẳng bước được. Cụ hét lên: “Thăm thẳm, chông chênh, mịt mờ, nghe làm gì, đi làm gì!”… Cụ phàn nàn anh Huấn bỏ bê gia đình, coi cha như cục nợ. Đó cũng là điều cụ vẽ ra. Anh Huấn ngoan hiền, yêu cha lắm. Làm được gì cho ông vui thì khó mấy anh cũng làm. Nhưng hình như ông cụ không nhận thấy điều đó. Hiếu hay bất hiếu, xấu hay tốt đều được khỏa bằng, xếp ngang hàng. “Không còn nhìn thấy thì ta là gì… ngày giờ quay mòng… đất trời ở đâu? Tao có còn là người không… Mắt đâu?... Tao đâu?”.
        Chị Thoa cắn một miếng bánh. Ẩn bưng ly nước lên uống, và cảm thấy những tiếng kêu “tao đâu”, “mắt đâu” nghe vừa buồn thảm, tuyệt vọng, vừa bi thiết rờn rợn ./.
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét