18 thg 11, 2015

KHÓI SƯƠNG


        Thị trấn Ngok Ling nửa giống Sa Thầy của Kon Tum, nửa giống Gia Nghĩa của Dak Nông. Tất cả nhà cửa, chừng sáu trăm, nằm gọn trên ngọn đồi cao nhất vùng. Quanh nó, thấp hơn, đều là đồi, lô nhô, quanh năm xanh thẫm màu trà, cà phê. Nhiều người khen nó thơ mộng, đẹp, nhất là vào những tháng cuối năm, mùa lạnh. Nhưng Đãi không nghĩ thế. Đúng là yên tĩnh, nên thơ, nhưng quá trầm, buồn tím tái. Có những đợt, nhiều tuần tiếp, ngày nào trời cũng mưa, lê thê, ẩm ướt, sũng nước. Có dạo ngót ba tháng không thấy mặt trời. Mùa hè thì nắng thông thống, xe cộ quậy nát đường đất, tung bụi đỏ mù trời. Người thưa, mới chín giờ tối phố xá đã im vắng, mùa nào cũng vậy.
        Tốp thợ xẻ gỗ, ba người, mang rìu rựa máy cưa, dưới xuôi lên đây, sống bằng nghề đốn cây, cưa xẻ gỗ thuê. Ba chàng trai làm việc, ăn ngủ trong rừng, cách thị trấn non ba mươi cây số. Nơi đó xa thẳm, sâu hun hút, như thế giới cổ  tích. Cứ ba tuần, Đãi, Chất, Giám ra chợ Ngok Ling một lần, ở chơi hai ngày, mua sắm thực phẩm và những vật dụng lặt vặt.
        Hơn một năm trôi qua, nhọc nhằn nhưng khá mau, những lần xuống chợ bắt đầu mang một nét mới, thay đổi nhỏ nhưng cần thiết, ấm áp, thấm đẫm mùi trà. Xuất hiện những bóng hồng! Quen miệng nói cho sang, các kiều nữ này, ba cô, thiếu màu hồng. Một chị thừa cân, hai nàng hơi đen. Trắng sao được, làm rẫy, hái cà phê, nuôi heo, chăn dê, những chuyện đòi hỏi người ta phải phơi mặt ngoài trời, chưa thành đồng đen là còn may!
        Làm lụng, kiếm tiền, kiếm tình là việc chính của người trẻ ở quê. Tốp thợ xẻ đang nằm giữa vòng quay ấy. Rúc đầu trong rừng, sát biên giới, cực nhọc, nhưng được cái ổn định, lâu dài. Làm mướn, tiền công không cao, nhưng may gặp gã chủ rộng rãi nên thỉnh thoảng cả bọn được lãnh thêm ít tiền thưởng, như thuốc tăng lực, khiến cho những ngày nghỉ ở thị trấn đổi màu, phát sáng. Đúng sáng, ánh sáng tỏa từ mấy chùm lân tinh sơn nữ.
        Đãi vớt được Hiểu, chủ một quán bán cá tôm thịt khô. Chất cặp với Sao, con gái rượu của một ông chủ trang trại nhỏ. Giám tìm được cho mình chỗ dựa êm ái: nàng Lò Mảy. Chỗ dựa này vững chắc, nói tiếng Kinh không rõ, nhưng duyên dáng – Người ta bảo, dân cao sang, sung túc thường thích nói những chuyện mông lung, sâu xa, tình yêu lãng mạn, dân nghèo hay chúi mũi vào mấy thứ tầm tầm thấp thấp, như gạo cá, ăn uống… Ba anh thợ xẻ gỗ, sau những ngày đổ mồ hôi trong rừng già, kiếm được không mấy tiền, mất nhiều thứ, bỗng nhiên biến thành dân sang, vứt bỏ chuyện tiền bạc, luôn miệng nói về những hoa núi, tình ái, bởi họ chỉ còn món này, còn nhưng không nguyên vẹn.
*
        “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nay dường như không đúng nữa. Những người kinh doanh, khai thác rừng nhiều năm qua đều giàu to. Cạnh đó, nghiệt ngã, mấy chàng làm mướn, chỉ vớt của rừng núi chút lương bèo bọt lại phải rưng rưng nước mắt! Ngày Chất, Giám vác cưa rìu về xuôi, Đãi ở lại Ngok Ling với Hiểu. Hơn mười tháng sau, anh chết vì sốt rét ác tính. Nằm trong rừng bấy lâu yên ổn, ra phố lại buông tay! Giám về quê, mặt mũi lơ láo, quần áo lùi xùi, trông chẳng hơn ngày đi bao nhiêu. Không để ý cũng thấy, chiếc ba lô trên lưng Giám vẫn lép, và túi áo không căng phồng tiền như cha mẹ anh mong. Chỉ bốn đêm, chui vào sòng bài, Giám thua mất hai phần ba số tiền anh dành dụm được trong bảy tháng dằng dặc.
        Chất chín chắn, cẩn thận hơn bạn. Về nhà, anh mua ngay bốn heo con, để nuôi heo thịt, hai con bò, để cày kéo. Nhưng rồi, heo không lời nhiều, do chậm lớn, còn bò thì lăn quay chết cả, chết với những nguyên do kỳ quặc, không ngờ. “Chỉ là xui rủi mà thôi”, ông Tỉ – cha Chất – nói vậy, “tụi mày làm gì ác mà trời phạt, phải không? Ác, chính là ông trời. Chúng khổ thế mà không phù trợ, thì phù ai? Ăn của rừng! Biết bao mồ hôi đem ra đánh đổi mớ tiền, rồi chết như thằng Đãi, mà còn phải rưng rưng nước mắt!”. Nói mạnh miệng vậy, nhưng ít lâu sau, nghĩ sao, ông nói lại: “Bảo trời ác là hỗn, ổng chẳng phản đối, nhưng không nên nói thế!”.
*
        Hiểu bán hàng khô trong chợ thị trấn. Chị bán mực, cá, tôm, thịt thú rừng khô. Bên cạnh, chị còn bán chim, thú sống để làm thuốc và làm cảnh: bìm bịp, thỏ, khỉ, tắc kè, gà sao, vọoc, cu đất, két, cù lần, nhím, công, rắn rít, bọ cạp, và nhiều loại chim nhỏ… Không rõ bằng cách nào, với những bài bản gì, Đãi chinh phục được Hiểu, bông hoa thô, nổi bật, luôn nằm trong tầm ngắm của hàng trăm thợ rừng tứ xứ. Hôm thấy Đãi ở lại ngủ đêm tại nhà Hiểu, công khai, hai anh bạn Giám Chất sửng sốt, nói không ra lời. Hiểu không chồng, có một con trai. Chị thấp, mập tròn, mặt có nét vui lạ, như lúc nào cũng cười. Chỉ sau một tuần, thằng bé con Hiểu đã gọi Đãi bằng ba. Rồi Đãi bỏ nghề, ở lại chợ núi làm những việc nho nhỏ và giúp Hiểu buôn bán. Từ đây, qua tác động của Đãi, nếp sinh hoạt của Chất Giám thay đổi khá nhiều. Trước, mỗi đợt ra chợ nghỉ xả hơi hai ngày, nay thành bốn ngày. Trước, ăn nhậu vừa phải chừng mực, nay bung ra, vui hơn, bia rượu uống tràn như dân xịn. Đãi thương yêu bạn bè chí tình, Hiểu cũng vậy.
*
        Đãi hỏi hai bạn: “Hai đứa thấy vợ con ông Căn chưa?”. (Ông ta là nhà thầu khai thác gỗ).
        “Chưa”.
        “Tuần trước họ lên đây, bà vợ và hai con”.
        “Họ du lịch?”. “Chắc vậy, ở Tân Lâm lên. Nhìn họ mình hết ý kiến”.
        “Tại sao?”.
        “Họ lạ, không giống chúng ta, khác với dân ở đây”.
        “Họ có cánh?”. Giám hỏi và cười lớn.
        “Khó nói, sao sao ấy, nhẹ nhõm, sáng láng, như người trong phim…Ngay như ông lái xe thấy cũng oai, sang”.
        “Họ làm gì?” Chất hỏi.
        “Đi lòng vòng, nhìn ngắm, chỉ trỏ phía này nơi kia, dừng lại chỗ Hiểu khá lâu, xem chim thú”.
        “Cũng phải thôi, dân giàu, cứ nhìn ông Căn thì thấy… Không bị muỗi vắt bọ cạp cắn, không xơi nước suối, không sờ tới cái cưa mà…”.
        “Tướng thì cần gì bắn!” Đãi cười.
        “Người ta nói, mấy ông tướng thường ở cách mặt trận vài chục, vài trăm cây số, nhưng khi thắng trận luôn được phần thưởng to!”.
        “Ấy là đời… Thực ra, cũng có lý của nó, nếu họ ngốc thì lính chết chùm”. Giám nói, như người hiểu biết.
        “Người làm quân, kẻ làm tướng, tướng ít quân nhiều. Ra chợ hỏi xem, ai muốn làm quân?”.
        “Đó là đời… ước chi ta được thế vai ông Căn ba bốn ngày!”.
        Quay sang chuyện Đãi, Giám hỏi: “Chị Hiểu lúc nào cũng vui?”.
        “Cô ấy không biết buồn, nên người phỡn, mập phì”.
        “Ở chung đã lâu sao anh không mập?”.
        “Chưa chết là may. Cô nàng rúc rỉa tao.”
        “Thực à?”. Cả bọn cười.
        “Hai bạn không tin? Hiểu có loại thuốc nước gì đó, lạ lắm, uống vào là mình nóng rực, ngứa ngáy. Mùi của nó vừa giống rau ngổ vừa giống như lá chùm bao. Thường chỉ cần nửa ly, nuốt khỏi cổ là mở máy ngay”.
        “Máy gì?”.
        “Còn hỏi! Cứ ôm ấp vờn nhau như ngựa! Có lần lỡ nốc trọn ly, thế là đêm đó anh cứ lọ mọ trèo lên bụng nàng, rồi bò xuống, hết trèo lại bò, lên xuống trắng đêm!”.
        Giám, Chất cười no bụng.
        Tình cảm lai láng, kỷ niệm chất chồng, bao điều đáng nhớ. Đãi vẽ ra nhiều dự định, kế hoạch làm ăn lâu dài, thế nhưng, một điều gì đó xộc xệch, bất thường, đen xỉn, lù lù hiện đến, ập vào căn nhà nhỏ của Hiểu. Nó hủy hoại, phá nát tất cả, trong giây lát. Những ngày vui Đãi hưởng ở thị trấn bụi mù này chỉ tính được bằng tháng! Anh chết khi chưa có đứa con nào với Hiểu, khi tuổi đời còn dưới bốn mươi – Đấy là chuyện cũ. Sau này, nói về cái chết của Đãi, ông Tỉ đưa ra một nghi vấn: “có thể nó chết vì trúng phòng, thượng mã phong, không phải sốt ác tính?...”. Vàng bạc vào tay người khá giả, mấy gã lông bông tắm biển tình!
*
        Tiệm chè của Lò Thị Mảy nằm bên hông chợ, cách quán đồ khô của Hiểu chừng hai trăm mét. Ban ngày Mảy làm ở trại nuôi heo gà của bà dì ruột, chỉ bán chè phụ giúp mẹ vào ban đêm. Lúc nào tiệm cũng đông khách. Mảy xinh xắn, nói tiếng Kinh không rành, sẵn sàng cười đùa tán gẫu với mọi người, bất kể già trẻ… Ở đây có hơn mười loại chè, bày sẵn trong các xoong to trên quầy, khách thích ăn gì cứ tới chọn. Đỗ gạo, khoai môn, đỗ xanh, hột sen, khoai tím, bột mì, khoai sáp, đỗ đen, nếp than, đỗ váng, khoai từ, khoai sọ.
        Hôm đó trời mưa nhỏ đẩy đưa hai tay bợm nhậu giạt vào quán chè. “Em bé nói ngọng này hay quá”, Chất khen.
        “Không ngọng, người Thượng!”.
        “Thượng à, sao giống ta vậy?”.
        “Có gì lạ?”.
        Vậy là hai chàng thợ cưa mọc rễ ngay nơi đây, bỏ nhậu. Mỗi anh ăn sáu chén chè. Lẽ ra có thể ăn thêm, nhưng nhiều quá sợ thiên hạ cười. Chén nhỏ, chè múc chỉ cao hơn nửa chén một chút, nên hớp vài cái đã hết. Nhưng việc chính không phải là ăn, tất nhiên rồi. Những lần sau Giám thường đớp mười chén, Chất tám chén, và chỉ chịu nhổ neo khi tiệm đóng cửa… Thêm một mối tình mọc ra trên cõi đời, Giám Hâm và Lò Mảy hoa rừng!
*
        Vườn cây ăn trái nhà Sao rộng 14 mẫu, bao la. Sau khi đưa Giám, Chất đi thăm khắp vườn một vòng, Sao mời khách vào nhà mát nghỉ chân, ăn trái cây. Nhà mát gần ao cá, hình lục giác, lợp tranh, không vách, có dãy bàn dài, treo nhiều võng. Nơi này làm quán cà phê vườn thì tuyệt hảo. Sao bưng ra một rổ chuối, bơ, đu đủ, “hai anh ăn chơi, chờ em làm bếp”. Cha mẹ Sao làm suốt ngày trên nương, rẫy, tối mịt mới về. Sao ở nhà chăm sóc bầy heo, bò và ao cá.
        “Xứ này tuyệt, chẳng giống làng mình tí nào”. Giám khen.
        “Quê ta, nói làm gì, trơ khấc, trắng xác, chỉ được khâu đông người, lúc nhúc như ong!” Chất nói như than.
        Đu đủ ngon, ngọt thanh, mùi bơ lạ không giống loại trái nào.
        “Ước gì tụi mình có tiền bằng một góc nhỏ của ông Căn, để bớt lo. Khổ quá không còn giống con người”.
        “Muốn bằng cỡ nào?”.
        “Chừng một phần mười ông ấy”.
        “Hơi tham, một phần ba mươi cũng mê rồi”.
        Yên lặng giây lâu. Gió xào xạc. Chim kêu, gà gáy.
        “Chỗ này buồn. Nghĩ xem, xưa kia những người đầu tiên lên đây sống thế nào?”.
        “Buồn thì dư rồi… Đãi nói, anh ráng làm kiếm tiền, khi lớn tuổi sẽ kéo nhau về dưới xuôi sống. Sương mù, khói đá, mưa dầm dễ khiến người ta rệu rã!”.
        “Sao đãi gì vậy?”.
        “Chắc làm đồ nhậu”.
        Nghỉ một lát, anh ngắm ao cá, anh nhìn mông lung.
        “Kẻ giàu ăn không hết, người thì nghèo xơ”.
        “Đó là số mạng”.
        “Có số thiệt không?”.
        “Có đấy, anh này sinh ra trong nhà đại gia, chị kia trong túp lều, là số chớ gì?”.
        “Có lý, chắc vậy. Ba tao nói, cứ sống kiểu dân quê mình là khỏe, làm, ăn, ngủ, chẳng nghĩ ngợi xa xôi”.
        “Nhàn, tốt, nhưng hơi giống heo gà… Mình khổ nhưng còn may, nếu phọt ra ở vùng sa mạc, da đen, thiếu nước thì mạt!” Hai chàng cười lớn.
        “Nghèo, do trời, mà cũng do mình dở. Đãi nói, anh ấy xấu hổ, cùng là dân Hà Dương mà ông Mai Cảnh giàu ngất ngưởng, còn ta lép xẹp”.
        “Số phận, nhưng cả tỉnh Tân Lâm chỉ có một Mai Cảnh”.
        “Nghe đâu ông ấy có chiếc xe xịn, giá bảy tám tỉ”.
        “Phải. Ngày khởi nghiệp ông ta cũng xách cưa lên Đông Hưng xẻ gỗ, như tụi mình hiện giờ”.
        “Ba tao mua được mấy bài báo viết về Mai Cảnh, khen chê ngậu xị!”.
        “Chê à?”.
        “Ờ, có kẻ nói ông ấy nằm trong dạng mặt mốc, vi trùng”.
        “Hơi đâu nghe, đố kỵ ấy mà, nhưng mốc thế nào?”.
        “Phá rừng”.
        “Làm ăn ì xèo sao gọi phá?”. “Cũng lạ”.
        “Núi rừng trơ trụi thì các tỉnh dưới thấp sẽ đớp nước lũ, đài điện nói ra rả thế”.
        “Uống nước, bơi tự do… Nói sao nghe vậy, bọn mình biết quái gì!”.
        “Điều cốt lõi là dân Hà Dương tự hào”.
        Tự hào có lợi, như thuốc kích thích, thuốc bổ.
        Sao bưng ra mâm thịt rừng, món xào, món nướng, ăn với bún, bánh tráng, bánh mì, như tiệc nhỏ. Sao ngồi với khách, cùng ăn, cùng uống, chuyện trò giòn tan. – Đây là cuộc vui duy nhất, cuối cùng. Bốn tháng sau Chất về Tân Lâm. Chỉ còn lại những lần nhắn tin, những cú điện thoại, lúc đầu dồn dập, nồng nàn, về sau nhạt đi, thưa dần. Chất nói với Giám nhiều lần, Tết sẽ vù lên Ngok Ling thăm Sao, nhưng chẳng hiểu sao hắn nói mà không đi. Mãi lâu sau này Chất mới tiết lộ một chi tiết, hơi lạ, khiến Giám ngớ người ra: Sao sống phóng túng, buông tuồng, thường cặp kè ba bốn kép cùng một lúc, cả Kinh lẫn Thượng. Vui vậy. Thế đấy!
*
        “Tôi tới trại heo gà của bà dì Mảy chơi trọn một ngày. Vùng đó rộng, thoáng, vắng vẻ, cách chợ thị trấn sáu cây số. Đất đồi thênh thang, vườn nhà nào cũng rộng. Chỉ nhìn hai cái chuồng heo bự chảng đã thấy Mảy vất vả. Mười hai con heo nái, gần trăm heo thịt, và bầy gà đông đúc. Mảy làm luôn tay, băm chặt, phơi phóng, nấu nướng thực phẩm cho từng ấy gà heo. Phần tươi ăn ngay, thứ khô cất vào kho ăn sau. Bà dì Mảy đô con, đi đứng như đàn ông. Mình chào bà ấy gật, chẳng nói tiếng nào, suốt ngày gần như không mở miệng. Ông chú, chồng bà dì (không gọi dượng) giữ rẫy cà phê, tuần về nhà một lần. Khác với những lúc bán chè, ở đây Mảy lầm lì, chúi mũi làm, không nói. Trưa, bà dì ăn cơm trước, chẳng mời ai. Quá 2 giờ chiều Mảy mới ăn trưa. Chúng tôi ăn với nhau, như đã thân quen lâu đời. Tôi thấy hay hay. “Vắng quá, em buồn không?”. Tôi hỏi, Mảy lắc đầu:
        “Quen rồi”.
        “Dì trả công thế nào?”.
        “Cũng thường, nhưng thưởng thêm nhiều... Trong số heo nái kia em có hai con, heo thịt thì sáu con”.
        Ra vậy, kể cũng thích! Mãi lâu, tôi nghĩ không ra cách nào để cầm tay, hôn Mảy. Cứ gà với heo quanh quẩn! Mảy hỏi tôi uống gì, ông chú có nhiều rượu thuốc, rượu ngâm kỳ đà, rít, bìm bịp. Tôi chọn kỳ đà. Uống cho biết, cũng ngon, lạ. Suốt bữa ăn tôi không để ý đến món gì, ngon hay không, chỉ mãi nghĩ về cuộc sống ở hóc núi hiu quạnh này của bạn. Làm việc túi bụi. Dẻo dai, làm thế này mà tối còn đứng bán chè… Mảy chưa đặt chân đến một thành phố lớn nào, chưa biết biển, chưa thấy xe lửa, chưa vào sân vận động. Cuối bữa, Mảy hỏi: “Buồn không, anh?”. Tôi không nói gì. Tôi không muốn nói thật, quá buồn. Bất ngờ, Mảy nhịp tay xuống bàn và hát nho nhỏ, Phố đêm, Ai về sông Tương, Nỗi buồn hoa phượng. Tôi khen hay. Mảy khoe, mình có máy cát xét với hai trăm dĩa nhạc.
        “Em thuộc nhiều bài, thường hát cho tụi nó nghe”.
        “Tụi nào?”.
        “Bọn ăn chè, chúng thích lắm!”.
        Mảy hát tiếp Giã từ, Thà như giọt mưa, Thành phố buồn, Bài thơ hoa đào”. – Giám Hâm kể cho Đãi nghe chuyện này, trước ngày anh qua đời ba tháng.
        Cuộc tình này gọn, đến chớp nhoáng, tan biến nhanh. Nó đứt phựt, chấm dứt ngay khi Giám về tới nhà. Thực bụng, trong giờ phút chia tay Giám đã nghĩ đến một ngày trở lại, không ngờ đó chỉ là ý của một phía. Cô em người Thượng dịu hiền, khó hiểu đã phủi tay, tống tiễn người tình mới vào hang hốc quá khứ. Mảy không gọi, không nhắn tin, không trả lời dù chỉ một lần. “Ba không”, nên khó hiểu. Giám Hâm đau khổ, hẳn rồi. Tại sao như vậy? Giám nghĩ không ra. Chất thì nói theo kiểu Hoài Linh: nó không muốn nói tiếng Kinh khó khổ! Nghe chuyện, ông Tỉ nhận xét: “Trên cái sân khấu nhộn nhạo, nóng rang, đông nghẹt diễn viên nam như thế, làm sao nàng nhớ chàng?”… Tỉ phú, đại gia thuận đường tiền bạc, đám trẻ lêu bêu mất mùa ái tình! ./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét