4 thg 10, 2011

QUẢ BÓNG


       Chương Đài bước vào tiệm hớt tóc Như Ý, chị khẽ chào ông chủ:
       “Chú Tám mạnh giỏi”.
       Ông Được kêu lên “A”, vừa như chào, vừa như ngạc nhiên. Ông kéo ghế mời khách.
       “Mấy tuần qua không thấy cháu tới”.
       “Thưa, cháu bệnh” – Chương Đài móc nón lên vách.
       “Lập dọn nhà đi rồi, cháu à”.
       “Dọn nhà, thật sao chú?”. – Chương Đài kinh ngạc, thất sắc.
       Tiệm hớt tóc của ông Được nằm cạnh nhà Lập. Trước đây, khi Chương Đài và Lập còn sống chung, ông Được là người hàng xóm lâu năm, khá thân thiết. Tháng nào Chương Đài cũng đưa hai con sang cho “ngoại Tám” làm đẹp, cắt tóc. Lúc hai người ly dị, Chương Đài đem đứa con nhỏ về sống với mẹ ruột, tiệm ông Được trở thành trạm trung gian, một “cơ sở bí mật” để Chương Đài tới lui thăm thằng con lớn. Bảo rằng lớn nhưng Chí mới sáu tuổi, còn nói đớt, nói ngọng, thấp bé, lũn cũn như chú gà con… Chương Đài từng nghĩ, mình không bao giờ có thể sống xa cách con hàng tháng, hàng năm. Nếu việc ấy xảy ra chắc nó kinh khủng chẳng thua gì cái chết. Nhưng cảnh ngộ khắc nghiệt khiến xui, đưa đẩy, chị không được sống gần Chí nữa. Con nào cũng là con. “Trong hai đứa, chị bắt một. Chị được ưu tiên chọn trước”. Trong cuộc xử người ta nói thế. Nhưng làm sao chọn lựa? Đây đâu phải những món hàng. Chí và Phước. Phước hoặc Chí. Điểm tột cùng của khổ đau. “Trời ơi, chúng còn nhỏ quá!”. Chương Đài xin nhận nuôi cả hai, nhưng Lập không chịu. Đã vậy, anh ta còn đưa ra điều khoản: Hai người chỉ được thăm con hai lần mỗi năm, vào dịp hè và tết. Bất chấp các phán quyết khác của tòa án, anh ta khăng khăng áp dụng điều khoản ác độc này. Lập đã biến thành một người khác hẳn trước kia, trơ trơ, lạnh lùng như gỗ, sắt.
       Chương Đài đem Phước về quê, rồi đều đặn vào chủ nhật hàng tuần – gần hai năm qua – chị trở lên thị trấn, lén lút thăm Chí. Đi, về hơn bốn mươi cây số chị không ngại bằng chuyện thăm vụng trộm. Vô cùng khổ tâm… Chị ngồi trong tiệm hớt tóc nhìn sang vườn nhà cũ. Chỉ cách một hàng rào thép gai, nhưng đã quá xa! Chí kìa. Nó nằm đu đưa trên chiếc võng trắng cột dưới gốc khế. Nó tắm một mình. Nó lúi cúi chơi gì với đứa bạn trước sân. Chương Đài ngồi từ sáng đến trưa, hoặc từ trưa đến chiều. Ban đầu chị khóc, nhưng về sau không còn khóc nữa. Chắc quen, chai lì rồi. Thật đáng sợ, chua xót khi quên được, quen được trong tình cảnh mà có lúc người ta cho rằng đã tận cùng bất hạnh, phải nhớ suốt đời.
       Lần thăm mới nhất, cách đây ba tuần. Chương Đài đến lúc 2 giờ chiều, Chí đang chơi đá bóng với năm đứa bạn. Có sáu, nên mỗi đội ba đứa, đội ở trần, đội mặc áo. Chí chạy loăng quăng, nó tranh bóng, sút, la hét như người lớn. Gần cuối cuộc chơi, trái bóng bị đá vọt qua hàng rào, rớt ngay cửa tiệm hớt tóc. Chí chạy sang lượm. Nó chạm mặt Chương Đài. “Má!”. Mẹ con ôm chầm nhau. Chương Đài dẫn con vào trong tiệm để người ngoài khỏi nhìn thấy. Chị hôn khắp người con, rồi khóc nức nở. Chí ôm chặt mẹ nhưng nó có vẻ cứng rắn, tỉnh táo. Nó nói, như vỗ về: “Đừng khóc, má… đừng khóc”. Lúc chia tay Chí hỏi: “Nay bé Phước lớn chưa?” Chương Đài đáp: “Phước vẫn còn bé tẹo. Nó mới thuộc được hai bài hát, do cậu Thuần dạy cho.” Chí nói, bùi ngùi: “Thích nhỉ… nhưng làm sao để nó cùng đá banh với con?”.
*
       “Chú Tám có biết Lập dọn đi đâu không?”.
       “Không rõ. Chiều hôm qua thấy nhiều người ra vào nhộn nhịp tôi cứ tưởng bên ấy có đám tiệc gì… xe đến chở đồ đạc lúc 8 giờ tối, hai chiếc xe lớn.
       “Anh ta dời nhà… đi mất… thằng Chí…”.
       Ông Được nói, như giật mình:
       “Thằng cu Chí! Chết, suýt nữa tôi quên”.
       Ông vào nhà trong lấy ra một quả bóng nhựa nhỏ, cũ, màu đỏ.
       “Lúc sẩm tối cu Chí chui rào qua gởi tôi cái này, nó nhờ mẹ đem về cho em Phước”.
       Chương Đài tròn mắt nhìn. “Tội cho con tôi… Phước ơi, Chí ơi! Biết bao giờ hai con mới có dịp chơi bóng chung với nhau?” ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét