Mới ở phố hơn bốn năm nhưng Bằng đã ra
dáng dân thành thị. Anh diện chiếc quần Âu màu cà phê, áo sơ mi trắng, mang
giày da bóng láng. Trông anh sáng rực giữa những người da nâu, áo sậm.
“Cúng tất niên sớm quá, mới hơn 6 giờ”.
Anh nhìn đồng hồ trên tay. Chiếc đồng hồ
to, mới cáu.
Ông Đính – hàng xóm của ông Thạnh – ngồi
trên thềm, nói đỡ:
“Chúng tôi quen cúng vào giờ này, không
đổi được”.
“Chào chú Tám”.
“Hân hạnh quá, chào người mới.
“Bà con cả, không chào cũng mừng!”. Bằng
cười xòa, tới ngồi cạnh ông Đính.
Ông Thạnh thắp nhang khấn vái. Trời tối
mịt. Cây đèn chai chiếu một khoảng sáng rộng bằng cỡ chiếc chiếu. Đồ cúng bày
trên tấm liếp trải giữa sân. Chè, xôi, cháo gà, rim mứt, gà luộc. Gió đùng
đùng.
“Gió dữ, trên đó chẳng hề có thứ gió
này”. Bằng nói.
Trên đó là trên thị xã. Gió rú, nghe như
sấm xa. Vùng này xứ gió, không hẹn nhưng hàng năm cứ đến tháng mười một, tháng
chạp gió bấc lại về, thổi như điên khùng, tung cát bụi mù trời suốt cả tháng...
Bé Diệu mang ấm nước sôi ra pha trà. Bằng hỏi:
“Tết này em mấy tuổi?”.
Con bé đáp, lễ phép. Bằng móc bóp, lấy ra
sáu tờ giấy bạc:
“Đây, lì xì các em”.
Hơn trăm ngàn, một số tiền lớn. Ông Đính
thấy nể, gã này sang quá! Ông rót trà mời Bằng. Bằng hỏi ông mấy năm qua làm ăn
ra sao. Ông đáp, tàm tạm, dễ thở. Ruộng ít không thể phất được. Ông Thạnh khá
hơn vì có nhiều đất màu. Làng nhỏ, người ta biết tên tuổi ông nội, ông cố của
nhau; mọi thứ đều phơi bày ra như triển lãm, ai khá ai bết hiển hiện rõ, chẳng
giấu được... Bằng kể chuyện mình cho ông Đính nghe. Anh nói thật, không thêm
thắt. Lúc mới lên thị xã, non hai năm, gia đình anh cực khổ, sau nhờ một người
bạn tốt bụng giúp đỡ, mọi việc ổn dần. Nay thì khỏe, thong thả, nhưng chưa dám
nói đến khá giả.
“Chừng nào chú mày giàu?”. Ông Đính hỏi.
“Khi chú giàu tôi sẽ giàu!... Chúng ta
giống nhau ở một điểm lớn là thiếu gốc, như nhà thiếu nền, nói nôm na là không
căn bản, yếu vốn!”.
Gió rít, cát bay lào rào. Bình bông bị xô
ngã, đèn tắt. Bà Thạnh chạy vào bếp ôm mấy khúc củi ra chặn tấm liếp, sợ gió
giật đổ mọi thứ. Phải mất một lúc lâu ông Thạnh mới châm được đèn. Đèn sáng,
mấy đứa trẻ la ầm lên:
“Con gà luộc đâu?”.
Gà nào? Chết, chắc chó tha mất rồi! Hai
con gà luộc đặt gần lư nhang, giờ chỉ còn một. Lợi dụng bóng tối khi đèn tắt,
con Ki đã cuỗm gọn món quà béo mập. “Con chó ma quỉ, lúc nãy nó nằm chỗ này!”
Con Ki của ông Đính, ở gần, thân quen, thường sang đây chơi. Nó hiền, nhưng lắm
lúc cũng hỗn, tinh ranh. Ông Thạnh an ủi con: “Thôi, lỡ rồi, đừng tiếc, sáng
mai ba sẽ đánh nó”. Nhưng lũ trẻ vẫn tiếc, chúng chửi con chó không ngớt.
Cúng xong, dọn ăn. Ba người đàn ông ngồi
quanh cái mâm đồng, trên thềm. Bà Thạnh và các con ngồi dưới sân. Có thẩu rượu
trắng ngâm mít. Rượu này uống với thịt gà hợp khẩu lắm, nhưng chỉ có một thẩu
nhỏ, hơi ít. Bằng đưa tiền cho bé Diệu đi mua thêm rượu. Rượu đế, hai lít nữa.
“Uống cho nóng người, quên gió, chờ đón giao thừa”. Bằng kể chuyện thành phố:
“Ngày tết, trên tỉnh khác quê mình. Tiệm
quán, cửa hàng nghỉ cả, nhiều người về quê đón xuân và thay đổi không khí. Sống
chung với xe cộ ầm ì, người xô bồ chen chúc mãi cũng ngán”.
Ông Thạnh hỏi:
“Chú muốn lên trên đó chơi vài tuần cho
biết, nhưng chưa gặp dịp thuận lợi... Ở phố, cháu thích gì nhất?”.
“Xi nê! Thứ bảy nào cháu cũng thăm rạp
một lần”.
“Chiếu bóng à, ở ta cũng có”.
“Xi nê của thông tin huyện chớ gì? Không
so sánh được đâu. Trên ấy có nhiều rạp, mình tha hồ lựa chọn. Phim của nhiều
nước Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… coi phim tình cảm xã hội Hàn Quốc một lần sẽ nhớ
tới già!”.
Bằng vén tay áo xem giờ, như để nhắc hai
ông chú về sự có mặt của cái đồng hồ. “Mới giờ này xóm làng đã lặng ngắt, buồn
hỉ!”. Hai ông già không nói gì. Họ ăn chậm. Chẳng rõ họ nghi ngại về điều “đi
xa về nhà tán dóc” của Bằng, hay nghĩ về cuộc sống buồn tẻ nơi thôn ổ của mình.
“Nay làng ta có nhiều máy cát-xét, xe máy
không?”.
“Hỏi chi các thứ đó, xưa rồi. Nay thanh
niên đã sắm điện thoại di động gọi nhau đi nhậu”.
“Trên phố thì truyền hình, máy hát, điện
thoại tràn lan”.
Và Bằng tiết lộ một bí mật: “Mụ vợ tôi,
giống ma bùn, đến nay vẫn chưa biết xem đồng hồ!”.
Bé Diệu mua rượu về. Mẹ con bà Thạnh đã ăn
xong, sửa soạn đi ngủ.
“Nào, chúng ta hãy uống tiễn năm cũ”.
“Một cuộc tiễn đưa thân mật! Năm qua dù
tốt mấy cũng cũ rồi... cũ là cũ mèm, cũ xì, cũ mốc, phải tống tiễn!”.
“Ta sẽ uống đến 3 giờ sáng”.
“Có ai tới đây cấm cản đâu mà tính giờ?”.
“Muốn mấy giờ thì mấy, có đồng hồ đây!”.
Bằng giơ cao tay trái lên.
Vui thực! Dù không có gì đáng vui, cũng
làm ra vẻ vui, để xả xui, để mong sang năm mới chỉ gặp toàn may mắn!... Bằng
nói, dân thành thị khác ta nhiều. Hai ông quê hỏi, khác thế nào. “Họ ít thân
nhau, lắm khi hai nhà ở cạnh nhau mà người này không biết tên, nghề nghiệp của
người kia. Thường họ làm không đổ mồ hôi nhưng kiếm được nhiều tiền. Con cái họ
học hành ào ào. Trông họ lúc nào cũng nhẹ nhõm, thảnh thơi, chẳng cần biết trời
mưa hay nắng!”.
“Chắc cháu sẽ cắm dùi luôn trên đó?”. Ông
Thạnh hỏi.
“Không ruộng, không trâu, trở về làm gì?
Kể cho rạch ròi, cháu còn hai thứ ở đây: nghĩa tình làng xóm, và ông già”.
Ông Đính nói:
“Tao có thằng con út chưa vợ, nay 20
tuổi. Nó muốn lên phố, nhưng học kém, không nghề, biết tính sao đây?”.
“Cứ lên! Chú nên biết, trường hợp này gọi
là chuyện “ly nông”. Ở quê ít ruộng, hay không còn ruộng thì nên đi, lên đó tìm
vận may... Trước sau rồi cũng có chuyện làm. Dào, còn người còn việc! Bao giờ
cái tổ ong khổng lồ ấy hết người! Người đẻ ra việc”.
Ông Đính tán thưởng:
“Chí lý! Chú mày nói hay, người đẻ ra
việc!”.
Châm rượu cho cả ba. Rượu còn nhiều,
nhưng mồi đã cạn. Thịt gà hơi ít. Con Ki đã ẵm mất chú gà lớn. Con còn lại chia
cho bọn trẻ hai phần, ba vị chỉ được một phần nhỏ.
Sau khi gặm xong hai chân gà xương xẩu,
ực trọn nửa ly rượu nồng, Bằng vỗ vai ông Đính:
“Chú biểu thằng nhỏ đi với tôi... Như đã nói, lúc vợ chồng con
cái tôi mới lên đó khổ, mệt hết biết; làm không ra tiền, nay ở trọ hẻm này, mai
ở tạm ổ chuột khác, ăn uống như người nhịn ăn để giữ eo. Rồi cũng qua mau,
chẳng chết ai!... Mùng 4 xuất hành, chú cho nó đi với tôi”.
Ông Đính mừng rỡ, cảm ơn rối rít. Cuối
năm gặp may, hên lớn.
*
Về khuya, gió vẫn mạnh, trời lạnh thêm.
Trên chiếc mâm đồng ly chén trống trơn. Ba người đều uống nhiều. Ông Thạnh và
Bằng nghiêng ngả như ghe gặp sóng lớn, chỉ ông Đính còn tỉnh táo... Ông Thạnh
ngồi dựa vách, nhắm mắt, lè nhè: “Mày làm gì trên phố, Bằng? Chắc không phải
ông gì to bự, vậy mà đã muốn hất ngược mặt lên trời! Nhưng mày là khách, sắp
chết, tao sẽ đưa... mày về”. Ông cứ “tao sẽ đưa mày về” cả chục lần, như kéo
cưa. Bằng say mềm, nói lảm nhảm, cười ngu ngơ, và không còn xem giờ được nữa!
“Thôi về, xin cáo từ”. Bằng bước xuống
sân, lảo đảo, suýt ngã. Ông Đính nói:
“Anh Bảy ở nhà ngủ cho khỏe, tôi đưa
thằng Bằng về”. Ông hăng hái, vì nghĩ đến lời Bằng hứa sẽ đẩy thằng Út lên
tỉnh.
Ông Đính dìu Bằng đi trên bờ ruộng, bước
thấp bước cao. Đường mòn hẹp, cỏ quẹt vào ống chân khó chịu. Tối mò, “tối như
đêm ba mươi”, không sai!
“Đã nói thì giữ lời, nghe chưa, chú em”.
“Giữ thứ gì?”.
“Dẫn giùm thằng con tao...”.
“Yên chí, tôi nhớ... nó sẽ có việc làm...
có tiền”.
“Đi khéo, coi chừng té xuống ruộng, uống
nước bể bụng!”.
Tới nơi, ông Đính mở cổng. “Vô ngủ, mai
dậy sớm”. Bằng nạt:
“Sao ngủ, còn phải cúng đón giao thừa với
ông già!”.
Ông Đính vừa quay lưng đi, Bằng đã gọi
giựt ngược:
“Chờ chút. Chú đã lão, đêm hôm đi vậy sao
được... Tôi sẽ tiễn chân chú một đoạn... Dân quê biết chơi đẹp, lẽ nào tôi
không biết. Tôi tiễn chú!”.
Ông Đính kêu trời:
“Tao vái mày mớ vái! Tao đưa mày, rồi mày
đưa tao, thế là đi quay tròn cho tới sáng!”.
Bằng vào sân, ngồi một lúc, ngẫm nghĩ sao
lại ra đường. Anh nói với chính mình: “Ta nên tiễn ông ấy, người văn minh phải
lịch sự, không thì bọn quê mùa này sẽ chê cười ta”. Anh bước đi khó nhọc. Gió
lạnh, tối quá, chẳng nghe chó sủa, ếch kêu. Anh vấp một hòn đá, suýt té. “Mày
là gạch hay đá?”. Anh mắng hòn đá. Đi thêm được một quãng ngắn nữa, anh té, dù
không vấp gì.
*
Khoảng 1 giờ sáng, không thấy Bằng về,
ông Lâm – cha anh – xách đèn đi tìm. Ông gặp Bằng nằm trên bờ ruộng, hai chân
ngâm dưới nước, đầu và mình gát lên bờ, ngủ ngon. Ông mừng: “Nếu chân mày ở
trên bờ, đầu chúi xuống ruộng thì bỏ bú rồi, may quá!”. Ông nắm vai Bằng lay
gọi, nhưng anh không nhúc nhích, vẫn ngáy nhỏ, thở đều, như ngủ trên giường ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét