14 thg 10, 2011

SƯƠNG BỤI


       Nam Thanh mặc quần áo, mang giày, định ra phố, nhưng bỗng thấy chán, không đi. Thiên Kim đến chơi. Mười giờ sáng, ngày nghỉ. Kim nói, đọc báo nghe nhạc mãi cũng mệt, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Thanh khen Kim tươi mát. Kim bảo: “Em mới tắm giặt.”
       “Anh hai tuần giặt một lần, chỉ tắm vào buổi tối, ba hôm rồi anh chưa tắm.”
       Kim hoảng sợ: “Bẩn, ghê quá, nay mai anh sẽ bị ghẻ chốc!”
       Nói thế, nhưng khi Thanh xin hôn, Kim không chê. “Cứ tự nhiên, xin mời!” Thanh hôn lên hai má và trán bạn, khá lâu, say sưa. Qua bốn năm quen biết, anh chị đã hôn nhau nhiều lần, nhiều không nhớ hết. Chỉ hôn thôi, rất bình thường, và cũng… bất thường. Không hiểu Thiên Kim có thấy bất thường chăng?... Hơn tháng rồi Kim không tới đây. Thanh nói: “Lâu quá, anh tưởng em đã du lịch nước ngoài, hay bị bắt cóc rồi.”. “Em cũng muốn đi đây đó, đổi thay chút ít. Mười năm nay em hát mãi bài Một ngày như mọi ngày.”
       Công việc quen thuộc, nhàm chán. Mấy chục gương mặt lạnh băng, cũ hóa rong rêu. Như một dĩa hát 30 bài, quay đi xoay lại 30 bài.
       “Làm những công việc cũ, nhìn mãi những dung nhan quá quen, nó khiến ta… ta…”
       “Hy vọng sẽ được em cho nghe vài chuyện lạ, hay.”
       Lần nào đến chơi, Thiên Kim cũng có nhiều chuyện làm quà. “Để em nghĩ xem.” Nói là nghĩ nhưng Kim đã chuẩn bị sẵn. Chuyện mẹ đỡ đầu. Vợ chồng một người anh họ Kim mới sinh được một bé trai. Thầy bói bảo thằng bé khắc tuổi cha mẹ, phải tìm cho nó mẹ nuôi. Nay vẫn còn khá nhiều người tin những điều mơ hồ như thế. Thiên Kim được chọn, được nhận cái “danh hiệu” nàng chưa hề nghĩ tới.
       “Anh có ông chú cưới vợ năm 46 tuổi, ông ấy không thích trẻ con, nhưng sợ cái nhà dưỡng lão, rồi… em đoán xem, sau chú gặp gì?”
       Kim nghĩ năm phút, chẳng đoán ra.
       “Cặp sồn sồn ấy không sinh đẻ, thế mới điên.”
       Kim hỏi, như thăm dò: “Anh thấy con nít thế nào?”
       “Anh yêu chúng… Vật đẹp nhất trên đời là hoa, kế đến là trẻ con.”
       Nam Thanh cởi giày vứt vào gầm giường. “Có một thứ chúng mình phải chạm mặt hàng ngày nhưng không chán.”
       “Là gì?”
       “Mặt trời!”
       Kim nói, ở công ty nàng có sự kiện mới: một ông trưởng phòng vào nằm bệnh viện, đã mười ngày, vì bệnh mập.
       “Em muốn nặng thêm ít ký, lại không tăng… Chiều nay anh làm gì?”
       Thanh nghĩ khá lâu: “Chắc sẽ ra quán cà phê, hoặc đi dạo một lúc cho giãn gân cốt”.
       Kim đưa ra ba địa chỉ giải trí dành cho buổi chiều và tối, nếu thích Thanh có thể cùng dự. Thanh cảm ơn, bảo cần phải suy tính kỹ trước khi chọn lựa… Họ là bạn lâu năm của nhau, vừa giống tình nhân, vừa như bạn đồng giới. Lúc vui, Thanh gọi Thiên Kim: “Cô bạn kinh niên”, tự nhận mình: “Gã chập mạch”. Đối lại, Kim tự xưng là “em 33”. Ba mươi ba xuân. Tuổi tác ám ảnh Thiên Kim khôn nguôi, nàng thường nói: “Mỗi khi lãnh thêm một tuổi, em muốn khóc.” Thanh đọc báo. Thiên Kim nằm võng xếp ngủ một giấc dài 40 phút. Trước khi về, Kim dặn: “Sáu giờ em gọi. Anh nhớ tắm sạch sẽ. Dù đi xem phim, đến nhà chú Hợp ăn rùa rang muối, hay đi dự sinh nhật, đều phải tắm!”
*
       Nam Thanh ăn trưa ở quán Ba Hóa, như mọi ngày. “Không nhìn ai, đừng nghĩ gì”. Ăn uống cũng cũ, quen, như làm việc ở sở. “Cắm cổ vào sổ sách, mệt đừ, nhưng nếu mỗi tuần nghỉ bốn ngày thì… đáng sợ.” Tiểu thư Thảo Hiền, con chủ quán, đến ngồi đối diện Thanh. Hiền hoạt bát, nhí nhảnh, nói nhiều, thích phóng đại và bi thảm hóa vấn đề. Thanh chỉ khơi gợi vài câu, Hiền đã kể ra gốc ngọn thực trạng của ngôi trường khốn khổ, nơi nàng dạy, với vô số chi tiết xám ngoét và buồn cười. Vấn đề nằm ở thầy, không phải trò. Đa số giáo viên không ưa tay Khúc, hiệu phó, nhưng nay hắn lại sắp lên hiệu trưởng. “Anh ơi, không ở đâu cái tật sùng bái chức tước nặng như ngành giáo dục.” Khúc trẻ, loại trẻ mốc, không đi đôi với mới mẻ, năng động. Người ta bảo hắn lên nhanh nhờ vào mấy chiếc ô nào đấy. Giáo viên chia ra ba phe, một theo hiệu trưởng, một theo Khúc, và phe đứng giữa. “Em đứng về phía hiệu trưởng, Khúc kém toàn diện, chỉ được cái mồm khoác lác thôi!” Nam Thanh đùa:
       “Em đừng đứng về phía nào cả, tránh chuyện sân si cho tâm hồn.”
       “Bộ óc còn hoạt động, mình phải bảo vệ sự trong sáng. Có lần em nói thẳng với Khúc: Tôi rất nản khi gặp những kẻ ba hoa, thưa Sir.”
       “Thế nào là ba hoa?”
       “Anh đừng bắt bí em.”
       “Nó đần độn nhưng mồm to, nó gào hay rống, mặc xác nó! Đần độn là thoái hóa. Nếu là anh, anh sẽ không giận, không ghét, nhưng anh cũng chẳng phải tên ba phải.”
       Chuyện các thầy đấu đá nhau không lạ. Khá nhiều trường, ở nhiều nơi, rơi vào tình trạng đó. Dòng nước đen bè nhóm, câu kết, chia rẽ luôn cuốn theo sau nó sự nhỏ mọn, ti tiện, hèn hạ… Nếu cứ kéo dài, chúng sẽ đẩy ngôi trường xuống vực hôi hám, bệ rạc.
       “Người nóng tính, hay tức giận sẽ mau già, dễ đau tim.”
       Hiền xua tay: “Em chẳng sợ già!... Tay Khúc biết anh đấy.”
       “Thật sao… để anh nhớ lại, Khúc nào?”
       “Hắn nói anh độc đáo, lưỡng tính, vô hại.”
       “Lưỡng tính ư? Lưỡng tính và vô hại!... Em không sợ à?”
       Hiền cười: “Vì sao sợ? Em đâu phải gà con, bạ gì cũng sợ… Lưỡng tính như gì, như con đỉa?”
       Nam Thanh trầm ngâm: “Tên ấy làm anh hoảng… Khúc nào nhỉ?”.
       Thảo Hiền trấn an bạn: “Yên tâm đi, bao năm nay em thấy anh vẫn vậy, không thay đổi, vẫn chững chạc, đẹp, đáng yêu!”
       “Những con đỉa, đen sì, ngọ nguậy, mềm nhũn, chẳng lịch lãm chút nào!”
       Chiều và tối Hiền có ba “tiết mục” hay, nàng rủ Thanh cùng đi. Hiền quảng cáo, không phải lúc nào cũng có sẵn những cuộc vui hấp dẫn, đặc biệt. Thanh nói, chưa thể quyết định ngay, cần suy nghĩ 60 phút, hoặc lâu hơn. Thảo Hiền thất vọng: “Đi chơi, vui thôi, có gì quan trọng đâu anh… Anh thường từ chối lời mời của em.” Quán vẫn đông khách, và vẫn yên tĩnh. Trưa này cũng giống hàng trăm buổi trưa trước đây, nhàn nhạt, mờ nhòa. Làm việc, đi lại, ăn uống… Nhà, phố. Người. Xe cộ. Rất đông người. Nam Thanh nhìn ra đường, thấy nắng gắt, những dòng người; nhìn cô bạn ngồi trước mặt, quen, gần gũi như bức tranh trên tường, như tô chén trên bàn. “Anh sẽ tặng em một chùm ảo tưởng, nhân vật chính một tiểu thuyết nói với người tình, anh có chùm ảo tưởng nào không?”.
       “Anh không quên cuộc vui tối nay đâu… Anh đang nghĩ về sự lưỡng tính vô hại.”
       Nam Thanh không định phản bác, cải chính những điều người ta nghĩ về mình. Có thể họ chẳng ác ý, chính cái tuổi 42 làm phiền anh.
*
       Tối, Thiên Kim và Thảo Hiền gọi điện nhắc lại lời mời đi chơi, Thanh từ chối cả hai. Anh nói thật, mình lười, không hứng thú. Lúc đầu anh định đưa ra vài lý do bâng quơ để hai bạn khỏi phật ý. Nhưng nghĩ lại, không nên. Sao cứ phải biện bạch lòng vòng làm khổ mình vì những thứ vu vơ. Đôi lúc ta cũng có quyền lười nhác tí chút, như đổi không khí… Gần 8 giờ, Hà Huy – bạn trai thân nhất của Thanh – đến chơi. Hai, ba tuần Huy tới đây một lần. Huy thường tặng bạn những món quà nho nhỏ, như bánh trái, dĩa hát, hôm nay là hai cuốn sách. Nam Thanh ít mua sách, chỉ đọc báo. Huy ra sức khuyến khích cổ vũ để Thanh mê sách, nhưng xem ra không mấy hiệu quả… Như thường lệ, Hà Huy nói, về nhiều đề tài, đủ chuyện lớn nhỏ. Thanh nằm nghe, chỉ nghe, không khen chê. Huy nói, thỏa sức, chán thì thôi. Chỉ một thứ Thanh ghét, là nước hoa. Thanh vốn kỵ đàn ông xài nước hoa, mang dây chuyền, lại dính vào ông bạn vàng này! Mùi nước hoa Huy dùng gắt mũi, quá đậm, khó chịu… Hà Huy kể một chuyện phim hay vừa xem. Phim Nam Mỹ đặc sắc. Nếu để ý sẽ thấy Huy gọi tất cả những phim anh đã xem là đặc sắc. Đây là phim Brazil. Có một chi tiết vui: Bọn cướp tấn công một trang trại. Chúng cướp vàng bạc, súc vật. Khi chúng rút lui, ông chủ trang trại thấy phe ta mất hai người: con trai ông, và một cô gái nô lệ. Tìm mãi mới gặp, cả hai bị trói tay, miệng ngậm giẻ, nằm dưới giếng cạn. Anh chị bị cướp bắt, chạy thoát được, nhảy xuống giếng trốn. Giếng không nước, nhưng hai người đã chết cứng, vì sợ. “Phim Nam Mỹ đậm chất trữ tình, hoang dã, dữ dội.” Hà Huy bảo Thanh đoán đoạn kết phim thế nào, nhưng nhìn lại, Thanh đã ngủ ngon! Huy cười. Nam Thanh không cấm Huy nói, bù lại Huy không thể cấm Thanh ngủ. Nhờ thế tình bạn của họ kéo dài đã sáu, bảy năm. Trong cuộc sống ta đừng lè phè, bê tha quá, nhưng cũng chẳng nên quan trọng hóa mọi vấn đề. Giấc ngủ “phim Brazil” dài chừng 20 phút. Thanh dậy. Huy nói về việc đọc sách. Nếu chịu khó, ngày đọc chừng ba, bốn trang sách Thanh sẽ quen, và thích. Hai cuốn (Huy mới mua) này kể hai chuyện đáng nhớ. Một phụ nữ nô lệ gắn bó, trung thành với bà chủ bị phá sản; và tình yêu của đôi nam nữ đẹp như… Nam Thanh chen vào:
       “Tình yêu bao giờ cũng đẹp trong đầu mấy ông nghệ sĩ. Nhiều lúc tôi nghĩ, không hiểu họ có yêu thật chăng, yêu thế nào.”
       Hà Huy mừng: “Muốn biết họ yêu ra sao thì ta đọc. Cam đoan, đọc nhiều, bạn sẽ mê tít… Điều chán nhất của dân ta không phải là nghèo, chính là ít đọc sách, ít ở mức thê thảm.”
       Hà Huy mời Thanh thứ bảy sau về quê ăn cưới. Đám cưới một cô em họ của Huy. Chắc chắn lý thú. Huy đưa ra những hình ảnh đẹp, có sức thuyết phục. Đó là một làng quê thơ mộng, còn giữ được nhiều nét xưa, có con sông như sông Hương, có cánh đồng… Huy nói trước, sợ Thanh từ chối:
       “Không được lắc đầu, nên đi, thú vị lắm… Các nhà khoa học dự đoán, vài trăm năm nữa hình dáng con người sẽ biến đổi nhiều: dài ngoằng ra, lưng còng, đôi tay gần chấm đất, bởi ngồi quá nhiều bên các loại máy móc… Mỗi tháng anh nên rời xa căn phòng này đôi lần.”
       Thanh bảo, để coi lại, hình như thứ bảy sẽ có… Anh kể ra ba, bốn việc cần giải quyết. Hà Huy buồn thấy rõ. Từ đó tới lúc về, Huy không nói gì… Thanh tiễn bạn đến cửa, anh chìa tay ra, Huy không bắt tay, lại ôm chầm anh, hôn lên má. Huy thường hôn Thanh, nhưng anh chưa bao giờ hôn lại. Cái hôn, và mùi nước hoa thơm nồng gây cho Nam Thanh cảm giác khó tả: ghê ghê, buồn buồn ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét