Trong thời gian học ở Tân Phước, có hai
năm – 1970 và 1971 – Đắc trọ tại nhà ông Nhuận, (người thợ mộc già), trong một
hẻm nhỏ đường Cao Thắng, khu Xóm Mới.
Hẻm này là con đường đất, quanh co, nhà
cửa lụp xụp. Đầu hẻm có cái quán cóc, quán bà Lợi. Bà bán bánh mì vào buổi
sáng, trưa chiều bán chè đậu đen và các loại trái cây. Sáng nào Đắc cũng mua
bánh mì ăn điểm tâm ở đây nên nhanh chóng trở thành khách quen của bà Lợi và
Nghi Dung, con bà. Dung học lớp 10 trường Nguyễn Huệ, hơn Đắc hai lớp. Cô xưng
“chị” với Đắc ngọt xớt, dù trông chị nhỏ nhắn, thấp bé hơn em.
Nghi Dung thường thay mẹ đứng bán vào
buổi chiều. Những lúc rảnh rỗi Đắc ra phụ giúp chị, làm những việc lặt vặt, để
có dịp đọc ké báo chí. Nghi Dung mua nhiều báo, đọc suốt ngày, nhưng ở trường
môn học chị sợ nhất là văn. Biết Đắc thường đạt điểm văn cao, Dung rất nể phục.
“Chị nghĩ trong đầu được nhiều ý hay, nhưng cầm bút lên là ngắc ngứ, viết không
ra; còn nếu viết thì nó trúc trắc lủng củng, phải làm thế nào?” Dung hỏi. Đắc “tư
vấn” cho chị khá kỹ, tận tình, nhưng xem ra cũng chẳng giúp được Nghi Dung bao
nhiêu. Chị vẫn đánh vật khổ sở với môn văn, và nhiều lần than thở: “Cái môn
quái này sao hắc thế, giá đừng có nó thì sướng biết mấy!”
Nghi Dung tốt bụng. Sau này, khi nhớ về
chị, Đắc thấy là, ngay từ nhỏ Dung đã có sẵn tấm lòng nhân hậu của người mẹ.
*
Nhà Đắc ở một làng quê, cách Tân Phước 70
cây số về phía bắc. Nhà nghèo, đông người, cha mẹ Đắc cày sâu cuốc bẫm vẫn chỉ
lo cho gia đình đủ sống đắp đổi qua ngày. Việc Đắc được lên thành phố học tiếp
trung học là một cố gắng phi thường của “hai bậc nông dân không biết chữ”. Bởi
thế, trong nhiều năm, lúc nào Đắc cũng bị cái vòng vây của sự thiếu thốn siết
chặt… Dạo đó, đang cơn túng bấn, may sao thành phố mở ra một quán cơm dành cho
các “hàn sĩ” ở xa đến Tân Phước học. Quán nằm trên đường Nguyễn Trãi, một con
đường nhỏ, có hai hàng me đẹp.
Quán cơm này khá đặc biệt, không giống
bất cứ một quán nào. Khi mới mở nó mang tên Quán cơm xã hội, sau đổi
thành Quán cơm học sinh. “Xã hội” bởi nó có tính chất xã hội, giúp đỡ
người nghèo. “Học sinh” vì khách của nó toàn là học sinh… Đắc vui mừng đến ghi
tên ngay trong ngày quán khai trương. Ăn ở đây rẻ, giá chỉ bằng phân nửa ngoài
phố, nhưng phải có giấy chứng nhận gia đình nghèo, và đóng tiền trước, lấy
phiếu. Vào thời ấy, hình thức buôn bán như thế là rất lạ.
Nghi Dung quan tâm đến việc ăn uống của
Đắc.
- Chủ nhật quán xã hội đóng cửa Đắc ăn ở
đâu?
- Ăn xôi, bánh mì, cháo, vân vân… thế nào
cũng xong, bụng nhỏ mau no.
- Nói vậy sao được, phải ăn uống “bài
bản” mới có sức khỏe để học.
Có lần Nghi Dung đến nhà trọ nhờ Đắc góp
ý cho một bài luận văn chị mới làm.
- Lớp 10 mà hỏi ý kiến lớp 8, không biết
chướng? – Đắc đùa.
- Hề gì, ta cầu tiến, biết người biết
mình!
Đắc cười, uể oải rời khỏi võng. Nhìn dáng
người bơ phờ, vẻ mặt lợt lạt của bạn, Dung lo ngại.
- Đắc sao vậy, bệnh à?
Nhưng, ngay lập tức, bằng trực giác của
người phụ nữ, chị nhận biết “thực trạng của vấn đề”. Chị chạy về nhà, và chỉ
vài phút sau đã mang qua một ổ bánh mì lớn và hai củ lang. Bánh đầy thịt, còn
hai củ lang Ban Mê Thuột to đùng thì mật tươm cả ra ngoài vỏ.
- Đắc lại nhịn cơm rồi, chết mất… ăn bánh
đi.
Đắc thanh toán cái bánh khá nhanh.
- Hết tiền à? – Nghi Dung hỏi.
- Không, để tiền xem xi-nê.
Vé xem phim (trẻ em) 3 đồng. Muốn
vào rạp thì phải nhịn một bữa cơm. Phim “Giai điệu hạnh phúc” chiếu ở rạp Tinh
Hoa, không chê vào đâu được. Phim ca nhạc đặc sắc này từng đoạt 4 giải Oscar.
Nghi Dung thở dài. Đây không phải lần
đầu, và chị sẽ còn giúp Đắc hàng chục lần nữa. Chị nhìn mặt chàng trai, và chẩn
đoán chính xác sự đầy vơi của bao tử bạn. Dung giấu mẹ giúi vào cặp Đắc khi vài
trái chuối, khi ít cái bánh ngọt, mấy viên kẹo. Lắm lúc, có mặt bà Lợi, chị vẫn
“chuyển hàng” dễ dàng. Đó là, Đắc đưa một đồng, lẽ ra chỉ được nửa ổ bánh mì,
nhưng Nghi Dung trao nguyên một ổ. Thấy Đắc ngần ngại không muốn nhờ cậy quá
nhiều, chị nói: “Chớ nghĩ ngợi lung tung, chị coi Đắc như em… Bà ngoại chị –
người ăn chay trường trong 10 năm cuối đời – thường nói: đừng đi chùa chiền cho
xa, cứ sống lương thiện và cứu giúp những người nghèo khó xung quanh ta, cũng
đủ tích đức cho con cháu về sau, ấy là tu tại gia. Trên cõi đời này còn lắm khổ
đau nên cần nhiều người biết tu.”
*
Nhìn bên ngoài, quán cơm học sinh không
có gì lạ. Nhưng nếu để ý, sẽ thấy nổi lên một điểm: nó yên tĩnh quá, chẳng
giống một nơi buôn bán. Quán rộng rãi, sạch bong, mát mẻ. Nền gạch bông bóng
loáng, các cửa đều có lưới. Nếu vào sâu bên trong sẽ thấy hồ nước, nhà bếp,
chén bát đẹp đẽ, ngăn nắp. Nhưng, như đã nói, bao trùm lên quán là bầu không
khí lặng ngắt, u tịch, gần như một ngôi chùa trên núi cao. Các chị nhân viên
phục vụ mặt mũi lạnh trơ, nghiêm nghị. Khách hàng, đám học trò trẻ, không hiểu
sao, khi bước vào quán trông đứa nào cũng buồn buồn, đăm chiêu, mang vẻ mặt
người lớn.
Có lần Nghi Dung hỏi Đắc:
- Ở quán học sinh họ nấu nướng ra sao?
- Cũng được, nuốt trôi cơm… Tiền ít, như
thế quý rồi, đâu dám đòi hỏi gì hơn.
- Mấy món?
- Ba. Dĩa rau nhỏ cũng là một món.
- Nó không có nhược điểm?
- Cũng có! Như thức ăn thường không nóng
sốt… Họ nấu sớm, dọn sẵn ra khay, mỗi khay một phần. Mình tới quầy đưa phiếu,
lãnh một khay bưng ra bàn. Tiện lợi là mau lẹ, không tiện là nguội lạnh… Họ
phải múc sẵn sớm vì nhân viên ít trong khi khách thường ùa vào cùng một lúc.
- Khó đấy.
- Các loại canh chua để nguội ngắc trông
nản lắm.
- Dào, chán nhỉ!
- Thức ăn có chừng, còn cơm tùy thích.
Cơm đựng trong thố nhỏ, muốn đớp mấy thố cũng được. Nhưng cơm nhiều bữa nấu
không “tới”, lắm khi nhão, thường có sạn. Có hôm tôi bắt gặp trong chén cơm một
hột nút áo.
- Cha mẹ ơi! – Nghi Dung cười bò lăn.
Ăn ở đây vài tháng Đắc quen chị Hảo. Chị
hiền, xuề xòa nhất trong số nhân viên của quán. Qua dáng điệu, cách ăn mặc, Hảo
lộ rõ tướng dân quê. Sau này, hỏi ra Đắc biết đúng là chị ở quê, mới lên Tân
Phước hơn nửa năm. Nhà nghèo, cha mất sớm, Hảo phải nghỉ ngang lúc đang học lớp
9. Vào những ngày thứ bảy quán thưa khách Đắc có dịp trò chuyện lâu với chị.
Hảo nói: “Đắc vất vả nhưng dù sao cũng còn được đến trường. Nhìn lại xem, ở quê
có biết bao nhiêu người chẳng bao giờ cầm đến cuốn vở, cây bút.” Chị đã khóc
sưng mắt lúc nghỉ học, và bây giờ, với công việc có lương quá nhẹ như ở đây chị
vẫn sống trong tình trạng phập phồng, lo âu, khi thấy mình chỉ san sẻ được một
phần nhỏ gánh nặng cơm áo cho mẹ. Nhiều lần Hảo nói: “Tương lai nằm ở đâu? Chị
không thấy và không dám nghĩ đến nó.” Dần dà, theo thời gian, tình bạn hai
người ngày càng sâu đậm. Đắc về nhà chị chơi mấy lần. Cái nhà tôn nhỏ ấy nằm
sâu trong một vùng khô cằn, cách thành phố chừng 30 cây số. Mẹ Hảo nói: “Làng
này mỗi năm hứng chịu chín, mười tháng nắng gió. Phần lớn đất đai là đồi trọc,
triền dốc, nên dễ bị xói mòn, đất mau bạc màu. Các bô lão hay đùa: ta chỉ có
thể giàu khi may miệng lại, không ăn uống gì cả.” Đắc nhận định: “Sống tại một
nơi như thế này nghèo là phải, là hợp lý!” Về phần Hảo, chị giúp bạn bằng cách
xoay xở “trong phạm vi và khả năng” của mình: một tô canh đầy hơn, nhiều thịt
hơn các tô khác. Một dĩa có hai khúc cá chiên, thay vì một như các dĩa khác.
Một trái chuối đặc biệt, lớn và tươi hơn những trái chuối khác. “Tụi mình nâng
đỡ nhau. Không chính đáng, nhưng đâu có cách nào khác!”, Hảo nói.
Hôm đó, khi Hảo đang làm một cuộc “đánh
tráo cứu trợ” thì bị cô bạn bắt gặp. Cô ta gầm gừ:
- Mày làm gì thế?
Hảo luống cuống, sợ hãi.
- Em mày hả?
- Ờ, thằng em họ – Hảo gật bừa.
- Chắc lâu nay mày đã chơi cái mửng này
nhiều lần? To gan đấy.
Hảo nắm tay cô ta, van xin:
- Lệ nói nhỏ, mình lỡ.
Cô ta cao giọng:
- Nhỏ với lớn… Bỏ qua cho mày để cả bọn
mang tiếng ăn cắp à?
Hảo sợ run rét.
- Lạy Lệ, tha cho mình… Lệ la lên thì
mình bị đuổi mất… Bỏ qua, rồi Lệ muốn gì mình cũng chịu.
Cô ta đồng ý, và Hảo giữ lời hứa, phải
làm theo điều kiện của kẻ mạnh, là để cô ta lãnh hai tháng lương của mình. Hảo
than với Đắc: “Thiệt tàn nhẫn, nó nhận tiền chị lạnh lùng, không chút nương
tay. Con này chẳng khác gì cọp beo… Đắc biết không, nhà nó cũng cơ cực như bọn
mình.”
Làm cho quán cơm non hai năm Hảo xin thôi
việc. Chị theo một người bà con đi buôn cá. Mua cá ở cảng xóm Cồn, đem lên các
chợ xã bán. Việc này nặng nhọc nhưng kiếm được nhiều lời.
*
Sau khi lập gia đình, Đắc về sinh sống
bên quê vợ, ở Bến Lức, Long An… Hơn 20 năm sau – cuối năm 1994 – nhân dịp về
thăm nhà, Đắc ghé lại Tân Phước, định bụng tới thăm Nghi Dung và vài bạn cũ.
Anh đến con hẻm nhỏ Cao Thắng nhiều kỷ niệm. Nhưng người ta nói gia đình Dung
dọn đi đã lâu. Căn nhà thấp bé không còn, giờ tại đó là ngôi nhà hai tầng đồ
sộ, bán nông cụ. Đắc tới chỗ trọ cũ, gặp ông Nhuận. Ông cụ già khọm, điếc lác,
tay chân run lập cập. Ông cho biết, Nghi Dung lấy chồng, có một con, nhưng chỉ
vài năm sau chồng con Dung chết, ông không biết nguyên do; và ông cũng chẳng rõ
nay Dung ở đâu… Nhiều năm nữa qua đi, trong một dịp tình cờ may mắn, Đắc gặp
một người bạn của Nghi Dung. Theo lời bà này kể, Đắc biết được phần đời tiếp
sau của chị: Dung tái giá với một hũ hèm. Đó là một anh chàng ngoài 40 mới lấy
vợ. Anh ta hiền, nhưng là con sâu rượu. Anh ta uống tối ngày, làm được đồng nào
uống hết đồng ấy. Dung phải buôn gánh bán bưng, nuôi chồng và cha mẹ anh ta.
Được mấy năm, khổ quá, “chịu đời không thấu” chị trốn đi. Rồi chị lại “bước
thêm bước nữa”, lần ba. Lần này với một ông có bốn con riêng. Ít lâu sau họ đùm
túm vô Nam, nên chẳng ai biết nay Dung sướng khổ thế nào. Nghe qua, Đắc buồn cả
tuần. Ai ngờ Dung lại phải chịu nhiều gian truân đến thế. Lâu nay, mỗi khi nhớ
lại thời trai trẻ, nghĩ đến những gương mặt xưa, những người thân quen, lúc nào
Đắc cũng nhớ Nghi Dung trước tiên. Và anh luôn thầm mong, cầu chúc cho chị sung
sướng, gặp nhiều may mắn trên đường đời.
Chuyện Hảo có vẻ rõ ràng hơn, nhưng cũng
không kém phần u ám. Hảo lấy chồng muộn, năm 30 tuổi. Sống với nhau sáu, bảy
năm không con, chồng Hảo lấy vợ bé. Cô vợ bé ở nhà cô ta. Vợ chồng Hảo vẫn sống
hòa thuận, làm ăn suôn sẻ, mỗi ngày một khá. Nhưng Hảo lúc nào cũng dàu dàu,
mặt mũi ủ ê, già mau chóng. Rồi đến thời kỳ đen tối, nhiều chuyện xui rủi cùng
ập xuống một lúc. Hảo gặp tai nạn, cây đổ sập nhà, chị bị vùi trong đống gạch
ngói, sau liệt nửa người. Người chồng cũng xuống dốc, mua bán thua lỗ, làm
ruộng mất mùa, sờ vào đâu cũng gặp thất bát. Anh ta bỏ Hảo, sang ở hẳn với vợ
nhỏ. Từ đó Hảo như cái xác khô, sống vất vưởng, bữa đói bữa no, nhờ cậy vào sự
đùm bọc của một đứa cháu gái. Chị như tu sĩ không mặc áo dòng, như một khán giả
ngồi nhìn vở kịch đời đang diễn ra quanh mình bằng tai mắt của người đui điếc.
“Sao con người tốt như thế lại phải gánh lấy nhiều tai ách, lận đận trong đời?”
Đắc tự hỏi, nhưng không tìm được câu trả lời. Bữa nọ, anh hỏi Ngà (vợ anh):
- Những người tốt như chị Hảo, chị Dung
mà sao gặp lắm trắc trở?
Ngà đáp, không cười:
- Tốt là tốt với anh, chỉ với anh thôi...
Trời ghét kẻ xấu. Hai chị ấy ăn trộm! ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét