VỀ GIÀ
Sống sáu, bảy mươi năm trên đời sao anh
không thấy bói toán, bùa chú là khối ung bướu mê tín khổng lồ?
Sắp đến ngày xuống lỗ, anh vẫn còn khổ
sở, hì hục làm thơ ca ngợi mấy thứ tình yêu nhạt phèo, hời hợt.
Còn thật ít thời gian để sống, anh cứ
nhẫn nại luồn cúi, xoay tròn quanh cái vòng lợi danh bạc tiền bọt bèo phù
phiếm.
Với đôi mắt cận thị của mình, tôi nhìn
thấy rõ kẻ đốn mạt, dù hắn có mặc áo vàng ròng, hay tô vẽ hàng tấn phấn son lên
mặt.
Bằng khối óc chim sẻ bẩm sinh, tôi nghĩ
ra cách thoát khỏi mối dây ràng buộc của những đam mê lớn nhỏ, dứt bỏ thói bon
chen, để thân thể mình nhe nhõm.
Với tâm hồn nhỏ hẹp khô khan, tôi sống
bằng năng lực và trí óc của mình, không tin vào các thế lực siêu nhiên xa vời,
mông muội; tôi sống nhẹ như mây, thảnh thơi như sóng.
Hãy thăng hoa, sáng lóa, phiêu du cùng
mây xa sóng biếc.
CÒN TỐT
Lâu lâu, vì một lý do bất khả kháng nào
đó, ta cũng nịnh bợ, a dua, hèn hạ tí chút. Sau đó, ôn lại, ta giật mình,
ngượng thầm – Rõ ràng ta biết xấu hổ.
Vào thời buổi khó khăn trong quá khứ,
cũng có lúc ta lừa anh này một li, gạt chị kia một tẹo. Rồi sau đó, nghĩ lại,
ta thấy lo lắng, hối hận – Vậy là ta vẫn còn lương tâm.
Thỉnh thoảng, do những yêu cầu bức bách
nhất thời, ta uốn lưỡi tuyên bố này kia, đại ngôn, láo xược, ba hoa. Đêm nằm,
nhớ lại, ta xốn xang bứt rứt, và nghĩ: sẽ nhất quyết từ bỏ tật xấu này – Ấy là
ta biết phục thiện.
Biết liêm sỉ, có lương tâm, mắt phân biệt
được đen trắng, như thế đáng mừng hay không?
TÁC PHẨM
Con người tạo ra thần thánh, Phật Chúa để
làm chỗ dựa, trấn an mình lúc nguy khốn; đặt ra tình yêu để nhìn ngắm, làm
dáng, ca tụng; đặt ra hàng ngàn luật lệ, quy định để trói buộc, răn đe nhau.
Năm tháng qua đi, thời gian phủ trùm lên
những thứ đó màn sương dày hư ảo.
Đến một ngày Con người quỳ mọp xuống khóc
lóc, cầu xin những Chúa Phật, những tượng đất tượng gỗ hãy nâng đỡ, cứu vớt,
che chở mình. Và vô số người rên rỉ, đau khổ, tự vẫn bởi tình duyên bẽ bàng
trắc trở. Và người ta ngã gục, kêu than, chết vùi giập trong nhà tù, trên pháp
trường phép tắc.
Khôn ngoan, đáng thương, kỳ quái biết
bao, Con người!
CHÚC LÀNH
Hắn chê bai ruộng đồng bẩn thỉu, làng quê
đơn điệu tẻ nhạt xấu xí, và luôn miệng bình phẩm hàng xóm láng giềng thô kệch,
ngu đần – Đừng mong chờ hắn yêu quê hương.
Hắn quay mặt đi khi chú bác anh em đói
khổ, quen thói hành hung vợ con như đánh kẻ thù – Không thể nào hắn yêu đồng
bào.
Hắn thờ ơ lúc chứng kiến cảnh người khác
gặp hoạn nạn, dửng dưng trước sự mất mát chết chóc do thiên tai gây ra cho bà
con xung quanh – Chắc khó trông cậy vào lòng nhân của hắn.
Có lẽ hắn sẽ đổi tính, nghĩ lại, khi xe
hắn lao đầu xuống vực; sẽ nao núng, hồi tâm lúc thần hỏa xộc vào thăm hắn tận
giường.
Thế nhưng, như những con người có lòng
bao dung, nhân hậu, ta cầu mong cho hắn an lành.
CHÍNH TRỊ
Chính trị là gã Hitler tính tình đồng
bóng, học vấn làng nhàng được dân Đức “giống nòi thượng đẳng” phục tùng, tôn
kính, ngoác mồm tung hô: Quốc trưởng muôn năm!(1)
Chính trị là Ngô Đình Diệm hôm trước còn
được ca tụng chí sĩ, cứu tinh, được gọi bằng cụ bằng ngài; hôm sau đã chết gục
trong lòng xe tăng, số phận như gắn chặt vào lời nguyền bất đắc kỳ tử.(2)
Chính trị là đầu năm 1966 người dân nước
Y còn chưa biết WK là ai, đến giữa năm ông ta đã thành Thủ tướng.(3)
Làm chính trị và làm người, những điểm
nào giống nhau? Có điểm nào đối nghịch nhau?
HOẠT CẢNH
Cô gái khóc sướt mướt, kể lể rằng vì cha
đau mẹ yếu, vì đàn em sáu đứa nhỏ dại, vì tay trắng không có nghề nghiệp, nên
phải liều nhắm mắt đưa chân làm gái bao, gái gọi, một kiểu mại dâm “bán chuyên
nghiệp”.
Anh tài xế khai như kể chuyện, đổ hết tội
cho đám đàn em. Anh nói, đã hai mươi năm cầm tay lái, lúc nào anh cũng tỉnh
táo, chấp hành tốt luật lệ giao thông, tôn trọng sinh mạng con người. Nhưng lần
này do mấy gã em quỷ quái rủ rê, chèo kéo nên anh buông thả, mất cảnh giác,
uống quá chén, gây ra tai nạn thảm khốc.
Ông giám đốc cúi đầu hối lỗi. Ông cho
biết, mình chỉ được học tới lớp ba, nhưng do cấp trên yêu thương chỉ định, nên
phải đứng ra cáng đáng một nhiệm vụ nặng
nề, quá sức; bởi thế ông không nắm vững nghiệp vụ, hiểu biết lơ mơ chuyện giao
dịch thương trường, để đám em út giựt dây, qua mặt; dẫn đến các sai phạm nghiêm
trọng, khiến Nhà nước mất toi hàng chục tỷ đồng.
Chị thủ quỹ thực thà thú nhận: chị biết
thụt két là làm bậy, nhưng do chồng mắc bệnh hiểm nghèo cần đến mấy chục triệu
đồng chạy chữa; do mẹ chị và mẹ chồng mất sức lao động, đã thành hai cái máy
nhai; và chị còn có bầy con đông đảo, ăn tiêu học hành vô cùng tốn kém; trong
lúc lương chị ba cọc ba đồng, trang trải chẳng thấm vào đâu. Chị biết mình sắp
bước vào ngõ hẻm tối tăm, nhưng cũng bước đại, tới đâu hay đó.
Có những hoàn cảnh bi đát thật, nhưng
cũng có nhiều trường hợp giả mạo. Có người sảy chân, thất cơ lỡ vận, nhưng cũng
có lắm kẻ cố ý làn càn, rắp tâm mưu đồ đen tối. Tất cả tạo ra một mớ bòng bong,
một sân khấu hỗn tạp nhốn nháo… Chứng kiến những vụ đó, người bình thường chán
nản: “sao lắm người tồi tệ, xâu xa đến thế!” Nhưng nhà hiền triết thản nhiên,
cười khì: “nếu không có vậy thì chẳng phải thế giới con người; những hoạt cảnh
ấy sinh động, thú vị, và hài hước!”.
CÁM ƠN
Gã không muốn sống ở Afghanistan vì sợ
mỗi ngày phải quỳ cầu nguyện 5 lần, và có thể bị chặt tay khi mắc tội trộm cắp.
Gã không thích lối sống chụp giựt, hối hả
kiểu công nghiệp của Mỹ, như vừa lái xe vừa ăn điểm tâm khi tới sở làm, như vừa
bước vội trên hè phố vừa đọc báo.
Gã cũng chẳng mong ước làm công dân của
Đức, Canada, Pháp, Anh… bởi gã chưa chuẩn bị tinh thần để hòa nhập theo nếp
sống Âu Mỹ; và do gã thuộc loại người “hướng nội”, thường chìm đắm suy tư, ưa
chuộng văn chương thơ phú, không có chút năng khiếu khoa học, kỹ thuật.
Gã yên tâm khi thấy không ai có thể đẩy
bật mình ra khỏi quê nhà Việt Nam, nơi gã thường ung dung thưởng thức ly cà phê
trong hai tiếng đồng hồ, hoặc nhởn nhơ tham dự các cuộc đá gà đánh cờ tướng
giải trí kéo rê từ sáng đến tối.
Gã nghĩ: “chính Thượng đế ban cho ta dòng
máu, màu da và gia đình. Cảm tạ Người ngàn lần, ta vô cùng may mắn.” Gã cảm
thấy hạnh phúc tột đỉnh, sung sướng đến phát điên.
QUÊ HƯƠNG
Khánh Hòa, quê tôi đấy.
Nhưng nó cũng là quê của những tên đê
tiện, du đãng, ma cô, giết người, trộm cướp, lừa đảo, hiếp dâm, tham ô, đàng
điếm, gian trá, đần độn, điên khùng…
Tôi yêu nó lắm!
LẮM MỒM
Hắn nói: “Đời đẹp rực rỡ, sơn thủy hữu
tình thế kia, tiếc ta không có mười mắt để nhìn – của ngon vật lạ, sơn hào hải
vị đầy ắp thế kia, tiếc ta không có mười miệng để ăn – cuộc sống tươi đẹp,
trong sáng, ngát hương, sao ngày chẳng dài ra 48 tiếng để ta thỏa sức hưởng thụ.
Ôi, lão Trời thiển cận, nghểnh ngảng, lười nhác quá thể”!
Cha hắn phàn nàn: “Mấy mươi năm qua lận
đận, công việc làm ăn cứ liên tục vấp váp, trầy trật, xui rủi – phước lộc quay
lưng với ta – 60 năm cắm đầu cày cuốc, chui rúc ở xó làng – từ ấu thơ đến bạc
đầu làm chẳng ngơi tay – Phật Chúa bất công, thần thánh đui mù. Thử hỏi sống
thọ làm quái gì!”.
Thiên hạ nói: trăm người trăm tánh, trăm
bụng. Cha con hắn hai người hai bụng. Có lẽ nên xin Thượng đế ban cho gia đình
hắn hai ông Trời xuề xòa dễ chịu!
NHÌN ĐỜI
Anh thanh niên nói: tỉ phú là người thông
minh, cần cù, khôn ngoan. Người lớn tuổi nói: tỉ phú là người lanh lợi, chịu
khó, sáng trí và may mắn.
Thấy các cô gái làng ngồi chễm chệ trong
quán tranh se lông mặt, sửa móng chân, ông già phê phán: “Chiều lội xuống ruộng
mà bây giờ trang điểm… bầm giập, ngớ ngẩn hết sức!” Anh thanh niên bênh vực:
“Chúng nó trẻ trung, lãng mạn, yêu đời. Chúng đem làn gió mát đến cho xóm làng.
Lẽ ra ở đây nên có ba quán như thế, bố già ơi!”
Tình cờ gặp Tina Ut Le từ Canada mới về,
ông già trố mắt nhìn. Mới ngày nào con bé Lê Thị Út quần áo xốc xếch, mặt mũi
buồn xo, dáng đi tất bật vất vả… nay trông nó sạch bong, trắng phau, chẳng còn
sót lại chút nét quê nào. Cái gì làm nó đổi thay đến thế? Ông tự hỏi, và trả
lời: chắc đồng tiền. Anh thanh niên nói: “Ngộ quá. Cô ta đổi mới hoàn toàn hay
chỉ thay cái vỏ?… Úm ba la, Thị Út biến thành Tina!”.
Hai người loay hoay đánh giá đồng tiền.
Anh thanh niên nêu một định nghĩa: “Tiền bạc là thứ đồ vật kỳ quặc, khó hiểu.
Nó không tuổi tác, co giãn được, biết phù phép, dễ bốc hơi.” Ông già gật gù,
nói như mớ ngủ: “Có lẽ thế, chắc thế.” ./.
(“Mao, tấn thảm kịch của Đảng CS Trung Quốc”
NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội 1985 – Tập 5, tr.257
(2) Ngô Đình Diệm, Cẩn, Khôi và con trai (không
rõ tên), Nhu và con trai (Ngô Đình Trác) đều chết bất đắc kỳ tử.
(3) “Putin, ông là ai?” Tuổi trẻ Chủ nhật ngày
2-4-2000 (trang 10) – Nước Y: Nga – WK: Putin – 1966 : 1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét