Đầu
tháng 6 năm 1969 đơn vị tôi nằm trên một ngọn đồi cao giữa rừng xanh núi đỏ,
cách Pleiku 40 phút bay trực thăng, về hướng tây bắc. Một buổi trưa chúng tôi
nhận tiếp tế. Như thường lệ, ngoài thực phẩm, quân dụng, còn có báo chí, thư.
Hôm đó tôi nhận món quà bất ngờ: tập truyện “ Một cách buồn phiền” mới ra lò,
do tạp chí VĂN xuất bản. Tôi mừng hết
lớn! Cho tới nay, qua 40 năm, tôi vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng, ngây ngất do
cuốn sách mang lại. Mới cầm bút hơn ba năm, viết chừng chục rưỡi bài ngắn ngắn,
đã có tác phẩm in, không mừng sao được!
Cuốn
truyện hơi mỏng nhưng in đẹp. Tôi cầm nó bằng hai tay, ngắm không biết chán,
bụng dạ “nhảy nhót”, hệt như cảm giác lần đầu ẵm thằng con đầu lòng, (sau đó
chín năm), lúc nó mới chào đời…Kèm theo sách có lá thư của anh Trần Phong Giao,
chủ bút tạp chí Văn. Thư đánh máy,
chỉ dài hơn nửa trang. Trong đó, anh hỏi thăm sức khỏe, thông báo ngắn gọn việc
in ấn,và dặn tôi: có dịp vào SàiGòn nhớ ghé lại 38.Phạm Ngũ Lão chơi, để biết
mặt nhau.
Hơn
bốn tháng sau, được nghỉ phép, tôi không về nhà, vù thẳng vào Sài Gòn “để biết
mặt nhau”. Tôi tới tòa soạn Văn, gặp
bác Nguyễn Đình Vượng (chủ nhiệm). Nói chuyện với bác chục phút, tôi xin cáo
từ…Cái tòa soạn Văn khiến tôi chưng
hửng! Xưa giờ, tôi cứ tưởng nó là một tòa nhà đồ sộ, với người ra người vào tấp
nập, sách báo ngồn ngộn, máy in gồ ghề. Ngờ đâu nó nhỏ xíu, như tiệm tạp hóa ở
làng, chỉ có một cô gái đanh đánh máy ở góc phòng đằng xa và một anh chàng loay
hoay kiểm báo giữa phòng. Bác Vượng chống cằm nhìn ra đường như đá vọng
phu!...Tôi thả bộ xuống chợ Bến Thành, qua Lê Lợi, nhìn lướt qua mấy nhà sách,
rạp xinê, nhìn cho biết. Đúng là anh mán chiêm ngưỡng dung nhan phố phường! Tới
trước rạp Rex, tôi đón xích lô máy đến Tân Định. Ngồi trên loại xe này vui,
ngộ. Tất nhiên nó thua xa trực thăng, nhưng thú vị và hồi hộp, bởi luôn thấy
như mình sắp lao thẳng vào đầu những chiếc xe hơi chạy ngược chiều! Đây là lần
đầu tiên tôi đi xích lô máy, thấy hiệu sách Khai Trí và rạp Rex.
Nhà
anh Trần Phong Giao nằm trong một con hẻm, đường Hai Bà Trưng, cũng dễ tìm…Anh
Giao ở nhà một mình. Căn phòng nhỏ đầy sách báo, quần áo vứt lung tung. Anh
đang cặm cụi đánh máy, đánh một trang bản thảo dịch một bài báo của Pháp. “Lê
Văn Thiện phải không?” Anh hỏi, khi tôi chưa kịp nói tiếng nào. Rồi, anh tiếp:
”Thiện đen, nhỏ con, Nguyễn Lệ Uyên tả như thế!”. Chúng tôi trò chuyện như đã
quen nhau lâu đời. Anh nói chậm, rõ, nhiều lúc đang nói bỗng dừng ngang, như
bận nghĩ gì đấy, vài phút sau mới nói tiếp. Anh hỏi tôi tình hình miền Trung
nói chung và chuyện hành quân đánh đấm. “Cũng may, mấy tháng gần đây yên tĩnh”.
Anh nhắc tên các anh em cầm bút trẻ còn đang lún sâu trong cuộc chiến, Trần
Hoài Thư, Dzoãn Dân, Hà Thúc Sinh, Y Uyên mới qua đời vài tháng. Cái chết ấy là
một “thực tế” hùng hồn, nó nói rằng súng đạn không phải là con ngáo ộp, chẳng
kể ai đó là “ông” hay “thằng”…Nói chuyện chừng hơn nửa tiếng, anh Giao nhờ một
cô bé ra đầu ngõ mua hai ly chè đậu xanh đãi tôi. Anh moi dưới gầm giường ra
một túi nhựa cũ, bỏ vào đó cuốn “Buồn
Nôn” (J.P.Sartre), hai tập tạp chí VĂN
tặng tôi. Xong, anh tiếp tục đánh máy. Tôi ngồi thêm một lúc, đọc qua vài tờ
nhật báo, rồi về. “Cậu về đâu, chừng nào trở ra?” Anh hỏi. Tôi nói, sẽ ở chơi
vài ba hôm và đọc một số nhà trên đường Đỗ Thành Nhân, bên kia cầu Calmette.
*
Cuối
tháng 9 năm 1972, tôi gặp anh Trần Phong Giao lần thứ hai. Hôm đó trời mưa, mới
sáng sớm mà như sắp tối. Anh Giao đưa tôi ra chợ Thái Bình (ngay trước mặt tòa
sọan Văn), nói là đi uống cà phê.
Nhưng tới nơi anh gọi bia. Dù mưa nhưng ở đây vẫn đông người. Tôi hỏi nhận định
của anh về cuộc hội đàm Paris, là chuyện thời sự đang chiếm nhiều diện tích các
mặt báo. Anh bảo, có lẽ chẳng nên để tâm làm gì, biết cũng như không. Dân miền
Nam vô duyên, xui. Số phận của mình hoàn toàn do người khác định đoạt. Không
phải mới đây, hồi năm 1954 cũng thế. Bàn bên cạnh, hai thanh niên say cãi nhau
to tiếng. Một anh đứng dậy vừa hét vừa múa may, làm hai ly bia ngã đổ…Trở lại
câu chuyện, anh Giao nói: Đã không có một vai mạnh trên chính trường, mấy vị
đứng đầu của chúng ta lại yếu kém. Đình Diệm nặng nề, chậm lụt, lạc hậu như cái
cối đá. Văn Thiệu thì võ biền, biết con khỉ gì về chính trị. Mình đúng (do mình
bảo vệ nhà mình) thì chịu lép đủ đường, bị ràng buộc, thúc ép mọi mặt, phải
đóng vai con rối, cây tầm gửi, có miệng mà không nói được. Còn họ, mấy ông Cộng
lại lãnh nguyên chiếc áo “chính danh” (áo đuổi Mỹ xâm lược), như cáo già được
giải Nobel đạo đức! Tôi cười muốn sặc!...” Nay tình hình đã tương đối rõ. Chắc
cậu cũng nghe thiên hạ nói om sòm về bữa tiệc 42 món Mao đãi Nixon? Đau xót chỗ
đó, chó má cũng chỗ đó! Họ là những kẻ đánh cờ, chúng ta là con cờ, kể cả miền
Bắc, (cố nhiên “họ” không nhận mình là con cờ). Nhưng dân Nam có một may mắn,
là không
cầm cưa cắt đôi đất nước. Cái
may ấy rất lớn. Chia hai Việt Nam là tội ác, trọng tội. Tất cả mọi điêu tàn,
tang thương đều từ đó ra”. Anh uống chậm như nói, trước sau chỉ một chai (bia
con cọp). Anh hỏi, dân các buôn làng hẻo lánh sống thế nào, tình hình chiến sự
của các tỉnh Tây nguyên năm nay có khác gì năm ngoái. “Trước đây có lần Trần
Hoài Thư kể chuyện, trong các vùng tranh chấp ở Bình Định, nhiều nơi người ta
dán câu khẩu hiệu này trên vách nhà: ”Mỹ thua, Mỹ về Mỹ, các bạn thua, các bạn
về đâu?” Câu hỏi ấy hay, đơn giản mà có sức nặng! Cuộc hội nghị ở Pháp, nay
đang trôi dần về giai đoạn cuối, tôi nhớ câu khẩu hiệu binh vận đó”. Im lặng
khá lâu, rồi anh nói, rất nhỏ: ”Một điều ta thấy trước, có một mặt Mỹ chắc
thắng là tiền bạc. Chúng thu được núi tiền, qua việc tiêu thụ vũ khí… Dân mình
thì sao? Cả dân tộc bị xua ra làm bia đỡ đạn, để chúng nó thử nghiệm các học
thuyết, thử mức tinh nhạy hiệu nghiệm của các loại súng mới…Sẽ không
có chiến thắng nào dành cho những tấm bia thịt, chắc chắn như thế!” Một
cô gái đến bảo anh Giao về, có khách cần gặp. Anh đưa tôi ra đường, bắt tay,
chúc may mắn. (May mắn chính là thứ tôi cần nhất trong những năm chiến tranh).
Chờ anh qua đường xong, tôi đón một chiếc xích lô máy về Khánh Hội.
*
Một
ngày tháng 8 năm 1973, khoảng 9 giờ sáng, tôi đến 38, Phạm Ngũ Lão thăm anh
Trần Phong Giao lần thứ ba. Anh đang tiếp hai ông khách.Cả hai đều lớn tuổi,
diện đồ vest dáng như sắp đi dự đám tiệc. Họ nói chuyện nhỏ, nhát gừng, bàn về
nhiều đề tài. Một cô gái mang trà thuốc ra mời tôi. Tôi ngồi chờ ở bàn có máy
đánh chữ.
Khi
nói về tình hình chính trị, những vụ việc nóng hổi mới xảy ra, chỉ về phía tôi,
anh Giao nói với khách: ”Cái màn đen của mất mát, đau thương bao trùm cả nước,
không chừa ai, nhưng thua thiệt nhất là dân quê và lớp trẻ, như anh bạn ngồi kia”.
Hai vị khách gật gù. “Họ chẳng vay gì cả mà phải trả”, một người nói. “Lính ở
ngoài mặt trận đa số là dân trung lưu và nghèo. Họ chiến đấu để bảo vệ cái
nghèo”. Anh Giao đùa. Ông khách già nhất nói: ”Các đạo diễn của màn kịch lớn
này kỳ tài. Họ làm cho hàng chục triệu diễn viên (là dân Việt) quay cuồng, điên
đảo, mụ mị. Vô cùng quái đản. Một quyền thế vô hình, một áp lực siêu thực bỗng
từ trời cao chụp xuống, bủa vây, chẳng em nào chạy thoát!” Dân ta chỉ còn một
cách là phải dấn thân, chịu đựng và tự an ủi mình: ráng lên, mọi người đều khổ
cả chẳng riêng ai”. Nghĩ mãi, tôi vẫn không hiểu được tại sao trên thế giới bao
la, chỉ có ba nước chia hai, trong đó lại có mình!” Kẻ điên mới thờ ơ với sự
tồn vong của đất nước, tôi hoang mang! “Kể ra ba Tàu cũng cao tay. Năm ngoái
nhìn cảnh Nixon, Kissinger cụng ly với Mao, Chu, tôi sáng mắt…Miền Bắc học được
bài gì của Tàu?”. “Nhiều bài, trong đó có những bài lẽ ra không nên học: xả
thân, nhồi sọ, hy sinh, tẩy não, biển người”. “Và cải cách, đấu tố địa chủ”.
“Đọc sử và đọc truyện, ta thấy rõ Đại Hán không thiện chiến, nhưng về khoản tàn
nhẫn, ác thì họ có thừa. Từ xưa, hàng ngàn năm trước, họ đánh lẫn nhau không
biết bao nhiêu lần. Trong đó có vô số trận, tử sĩ phơi thây đầy đất, ngàn xác,
vạn xác. Gần đây là Cách mạng văn hóa, hơn 20 triệu bỏ mạng. Hơn 20 triệu, thực
khó tin”. Hai vị khách nói, anh Giao chỉ chêm vào vài câu ngắn. “Hãy nghĩ xem,
nếu các vị Bắc rồ chịu ở yên..”. “Sao lại rồ, Bắc hùng, anh hùng”. “Không phát
động giải phóng, hai miền làm ăn yên lành, không đổ nát chết chóc, hao tổn máu
xương thì nay thế nào?”. Tiếng giải phóng, biến hóa tuyệt diệu. Nó giống như
bọn Mãn Thanh vào khai hóa người Hán!”. “Đã lâu, người ta đặt câu hỏi: sao đám
chóp bu Bắc cộng nhất quyết mở cuộc chiến này, có phải vì họ tin chắc thắng,
hoặc do Nga xúi, do thương dân miền Nam?”. “Do say mê quyền lực và điên rồ, tàn
độc…vụ cải cách ruộng đất (3/1954-7/1956) đã bộc lộ rõ bản chất của họ. Đó là
kịch bản của Mao. Đọc qua chừng chục trang đã thấy ngay nó tào lao, man rợ ,
thế mà TA rước về, diễn say sưa!”. Anh Giao cười, “tôi có một chữ “NẾU”: nếu
nước ta nằm cách Trung Hoa 500 cây số, thì ta có giàu mạnh không?”
Khách
về. Anh Giao lại đưa tôi ra chợ Thái Bình uống vài ly bia. Lại tới trúng cái
sạp chúng tôi đã ngồi năm trước. “Chỗ này mồi ngon, tử tế”. Tôi không rõ nó tử
tế ở điểm nào! Chúng tôi ngồi nhâm nhi, lai rai, chẳng có gì phải vội. Anh Giao
nói, mấy ông bạn trẻ dạy học thường ghé đây thăm anh, như Hạc Thành Hoa ở Sa
Đéc, Nguyễn Lệ Uyên ở Gò Công. Tôi kể anh nghe những chuyện vui vui về mấy xóm
làng người Việt ở Campuchia, gần bến phà Neak Luong. Anh nhắc lại một ý đã nói
năm ngoái: Mỹ rời xứ này như tháo chạy, nhưng nó (cùng với Trung cộng) vẫn
thắng. Lúc ấy tôi không hiểu, mãi 30 năm sau, nhớ lại, tôi mới thấy anh đúng. Không
phải nhà tiên tri, nhưng anh đọc nhiều. (Dạo đó tôi đang đi lòng vòng, quanh
các tỉnh miền Tây: Mộc Hóa, An Giang, Châu Đốc, Kiên Giang, Chương Thiện…) Anh
hỏi tôi đã đọc E.M.Remarque chưa. ”Đấy, viết với bản sắc riêng, nhiều truyện
của ông ấy chẳng thấy tàu bò, máy bay, súng bom gầm gào nhưng không khí chiến
tranh đậm đặc. Cùng ở chiến trường, nhưng không nên viết giống nhau. Nó như
tình yêu vậy, mỗi người tiếp cận cảm nhận về người tình một kiểu”.
Đã
khá trưa, chúng tôi chia tay nhau. ”Con người ai cũng chỉ sống một đời, nhưng
chúng ta sống quá nhọc nhằn”, Anh nói lúc bắt tay tôi. Không ngờ đó là lần cuối
tôi gặp anh…
Đến
nay, trong trí tôi, anh Trần Phong Giao vẫn là một người hiền hậu, non 50 tuổi,
dáng như thầy giáo, chịu nghe, ăn nói từ tốn, sống với anh em văn nghệ bằng
tinh thần yêu thương, đùm bọc chí tình…
Trong
lời giới thiệu một cuốn sách của tôi, anh viết: ”Sinh thú duy nhất của Lê Văn
Thiện là viết văn, nên nguyện vọng của anh là khỏi phải đi hành quân, để có
nhiều thì giờ hơn dành cho việc sáng tác”. Đây là tấm lòng của người cha, người
anh ruột thịt. Vậy nên, trong đời mình, xưa còn trẻ hay nay đã già, lúc nào tôi
cũng biết ơn, nhớ anh ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét