Cô Thẩm kể bệnh mình cho Hiếu nghe, nhờ Hiếu đi mua
thuốc. Hơi khó, cô nhiều bệnh, không nặng, nhưng triệu chứng phức tạp. Hai
tháng gần đây cô thấy đầu óc căng thẳng, lúc nào cũng lo lắng vô cớ, đêm ngủ
hay giật mình. Mười ngày qua, thêm chứng khó thở, như có vật gì nặng đè lên
ngực, xuất hiện từ xế chiều đến tối. Ban đêm nhìn trời, thấy sáu bảy cái trăng
nằm chồng lên nhau, mờ tỏ chập chờn. Cạnh đó, con mắt trái bỗng nhiên mỏi, lúc
ngủ dậy lại cay sè. “Như bà tám mươi phải không ?”. Cô hỏi và cười. Người ta
nói phải cỡ sáu mươi mới thấy biểu hiện lão, sao cô chạm chúng sớm quá vậy?
Hiếu không biết, cô không hiểu mình, làm sao người ngoài rõ. Lẽ ra chính cô đi
khám bệnh, nhưng cô không muốn ra đường, bởi ngại đem thân hình tiều tụy, gương
mặt bơ phờ cho mọi người thấy. Cô rất sợ xấu. Một cái mụt nhỏ trên mặt, một
chút quầng thâm dưới mắt cũng khiến cô lo âu. Cô thường nói, cách đây gần ba
mươi năm có một diễn viên điện ảnh Pháp tự vẫn lúc ba mươi tám tuổi, vì không
muốn nhìn thấy mình già. Kỳ quặc, bất thường ! Nhiều người bảo nàng Tây điên rồ, nhưng cô Thẩm khen: cá
tính mạnh, hiếm có.
“Bốn mươi chưa
già”. “Cảm ơn con trấn an, nay cô bốn sáu… Chưa già lắm, nhưng cũng hết trẻ đã
lâu. Con mua thuốc giùm cô”. Hiếu dạ, sẵn sàng đi, nhưng chẳng biết phải mua
thuốc trị bệnh gì. “Mua ít viên an thần, uống tạm, tuần tới cô sẽ đi “thăm” bác
sĩ.”.
Hiếu biết cô
Thẩm còn một bệnh nữa: bệnh quên. Tấm ảnh lớn treo trên tường kia xưa giờ cô
bảo đó là nàng Thẩm hồi hai mươi tuổi, mới đây cô sửa lại: ảnh chụp năm 24
tuổi. Chuyện cô Thơ bỏ nhà đi theo một người đàn ông lạ, trước cô nói : họ đi
Nam, nay cô bảo: hai người về quê ông ta ở Huế. Quên, bệnh của người già.
Thời con gái, cô Thẩm đẹp. Cái ảnh ghi dấu quãng thời
gian rực rỡ. Nó chẳng cũ đi bao nhiêu, mắt nhìn, môi cười còn nguyên nét sắc
sảo. Lần nào tới đây Hiếu cũng ngắm nó. Hơi lạ, làng quê cọc cạch này lại sinh
ra một người dáng dấp thanh thoát, quý phái. Ngày đó, đàn bà con gái trong
làng, không trừ ai, đều da sậm, thấp, mặt thô môi thâm. Từ chỗ khác hình thể
dẫn đến nhiều điểm khác nữa, phát sinh theo các giai đoạn, trải dài theo các
biến chuyển đời người.
Đã hơn hai mươi năm cô Thẩm sống một mình trong ngôi nhà
này. Nhà cổ, rộng lớn, tủ giường bàn ghế đều đóng bằng gỗ quý. Trước kia cha cô
giàu có, là người duy nhất trong làng đậu tú tài. Ông chết sớm, để lại cho hai
con gái nhiều ruộng và vàng. Nay ruộng không còn, nhưng vàng vẫn giúp cô Thẩm
sống được. Cô cho những người hàng xóm vay tiền, lấy lời vừa phải. Cô cuốc hai
sào đất sau nhà trồng bầu bí, rau cải và cô nuôi gà, vịt. Chỉ cần làm nhẹ nhàng
như thế, cô sống. Bà con quanh xóm không thích cô, họ to nhỏ nhiều chuyện về
đời tư của cô nhưng cô bỏ ngoài tai. Thâm tâm, cô coi thường họ. Hồi trẻ, cô
nằm trong số bốn người học giỏi của làng… Mấy bà thích soi mói chuyện riêng của
người khác, thường nói về việc cô Thẩm mặc một bộ quần áo đến ba, bốn năm, mua
sáu ngàn cá ăn hai ngày, suốt đời không sờ đến ổ bánh mì, tô phở. Cô Thẩm biết
rõ những thứ người ta gán cho mình, cô cười khì, trề môi: “Bọn ruồi muỗi ! Bụng
dạ, tâm lý người đời ấy mà. Nếu giàu, gặp ai tôi cũng tặng món này vật khác, họ
sẽ quý trọng tôi ngay… Dốt nát thường đi đôi với ác. Thấy mình chật vật, trơ
trọi họ không thương, lại còn….”.
*
Hiếu mua thuốc
về. Cô Thẩm cất nó vào tủ ly tách, chưa uống ngay. Cô hỏi: “Nghỉ ăn mấy ngày
thì người ta đi đứt?”. Hiếu đáp: “Dạ, nghe đâu tám chín ngày.”. “Hai hôm rồi cô
không ăn gì”. “Cô ráng ăn, có cơm trong bụng mới uống thuốc được”.
Hiếu ngắm hình cô Thơ trên tường. Đã mấy mươi năm nhưng
tấm hình vẫn rõ, và người thiếu nữ trong đó, tất nhiên vẫn trẻ. “Nó chết rồi”.
Cô Thẩm thường nói vậy. Chắc cô Thơ chết đã lâu. Bằng ấy năm không thư từ,
chẳng nhắn hỏi gì đến gia đình, cô bác xóm giềng. Biệt tích, một đi không trở
lại, như Kinh Kha…Hồi đó, vừa tròn hai mươi, cô Thơ gặp và yêu một ông gấp hai
tuổi mình. Cô Thẩm phản đối kịch liệt, không phải vì số tuổi mà do cái nguồn
gốc tù mù của ông ta. Một người lạ, tướng lấc cấc, hiện ra như vừa dưới đất mọc
lên. Thế nhưng chỉ mươi ngày, cô Thơ mới lớn, gái có giá của làng, đã mê mết,
bám theo sát gót. Ông ta ở đây hơn tháng, bói toán lung tung và tiên đoán vận
hạn rủi may, coi hướng cất nhà, xây mả, đào giếng như thầy địa lý.
“Cô đẹp, cô Thơ cũng vậy”. Hiếu nói, như đánh giá hai
cái ảnh. “Nay nó thế nào, lớn già tới đâu, nếu như nó còn sống? “. Thật khó
biết. Cô Thẩm than : “Xui quá chừng, chỉ có hai chị em mà Thơ… Cha mẹ cô hiền
lắm nhưng chẳng để đức lại cho con”. Trong ảnh, cô Thơ cười nửa miệng, tóc chải
phồng một lọn tròn vo chồm ra trước trán như mào gà. Dạo đó con gái thích bận
áo dài sậm màu, eo chật, hai vạt gần chấm đất. Lúc đi ăn cưới thường mang kính
mát, tay cầm cái khăn nhỏ, cầm làm dáng, chẳng phải để lau miệng.
Cô Thẩm từng có một mối tình đẹp, một người chồng hờ và
một đứa con. Chàng trai ấy là con của người bạn thân của cha Thẩm. Anh ta đến,
tình cơ, để giải quyết một việc nhỏ. Nhưng gặp Thẩm, anh ta say, choáng váng,
dính chặt vào cái làng bé tí suốt bốn năm, như con ruồi sa vào dĩa mật. Thẩm
cũng vậy. Bình thường cô coi rẻ trai làng, không muốn nhìn họ. Nhưng với anh
chàng dân phố này, cô si mê, ngã lăn quay trong cuộc tình sét đánh… Họ sống với
nhau công khai, bất chấp mọi dị nghị của bà con. Họ sinh được một đứa con trai.
Đến năm đứa bé lên hai bỗng dưng chàng trai bỏ đi, ẵm theo thằng con. Đây như
nguồn cung cấp tin nóng sốt, giật gân cho ngôi làng bình lặng. Người ta bàn tán
về nó suốt mấy năm dài. Cô Thẳm buồn, đau bệnh, suy sụp, người tóp lại như đứa
trẻ còi, đầu cạo trọc nhẵn bóng. Do đâu anh chàng bỏ đi? Thiên hạ suy luận,
đoán định trăm kiểu. Ai cũng có quyền nói. Đây như bài toán không đáp số treo
lửng lơ giữa trời, thầy cô nào cũng ngó qua, nhưng chẳng ai bỏ công giải và
chấm điểm.
“Chồng, con của cô nay ở đâu, ra sao ?”. Lâu nay Hiếu
muốn hỏi nhưng không dám. Rồi, nỗi tò mò nở lớn, Hiếu đâm ra bạo dạn: “Nay con
cô chắc đã thành thanh niên?”. Cô Thẩm ngẫm nghĩ giây lát như để ôn lại những
hình ảnh, những sự kiện xưa cũ. “Lớn rồi, nó tên Bi. Chưa làm khai sinh. Ngày cha
con nó đi cô điên dại. Cô khóc khản tiếng, khô nước mắt. Mãi tới hôm đó cô mới
hiểu hết nghĩa những từ “bi kịch”, “tuyệt vọng”. Năm ngày liền cô không ăn cơm,
chỉ uống nước. Kỳ lạ, không có dấu hiệu nào để ta biết được ông ấy sắp đi…Có
một địa chỉ nhà cha mẹ ông ấy ở Đà Lạt nhưng cô tìm đến nơi mới biết đó là địa
chỉ ma. Ông ta bảo, cha mẹ đã hỏi vợ cho mình, một đám danh giá nên không thể
đưa cô về được. Nay cô nghĩ, chắc chuyện người vợ danh giá cũng là sản phẩm giả
trá. Vậy sự thật là gì ?”.
Cô Thẩm tâm
sự: cô không thể quên bé Bi. Nó vẫn nằm đây, trong trí cô, trên cái giường kia,
mới nguyên, hai tuổi, xinh xẻo. Mặt nó sáng, mắt to, môi son. Nó mới biết nói
bập bẹ: Má má, ăn no, bò ù, con đói bánh, kẹo cây. Đầu nó lớn, loe hoe mấy sợi
tóc buồn cười. Con đói bánh, má má ! Có lúc cô nghĩ rồi mọi thứ sẽ qua đi, thời
gian bào mòn, huỷ hoại được sắt đá, ta sẽ quên, và biết đâu ta sẽ gặp người
khác, một mối tình mới. Nhưng không, ông trời đã quên xó quê này !. “Mình sống
để làm gì ?”. Hàng trăm lần cô tự hỏi: “Mình sống để làm gì ?”
*
Cha mẹ Hiếu cho Hiếu sang phụ giúp cô Thẩm tưới rau, cho
gà ăn, nấu cơm. Sức khoẻ cô xuống rõ rệt. Mẹ Hiếu – người thân nhất của cô Thẩm
ở đây – đùa: “Sao, nhắm có qua khỏi không, hay tính chuyện đi theo các cụ?”. Cô
đáp: “Nay mai sẽ khoẻ, đừng lo. Xưa kia thầy tướng bảo số tôi cô độc nhưng thọ…
Dù có gì đi nữa tôi cũng chẳng sợ, chị à. Cứ lui cui một mình như con muỗi
trong đầm lầy, sống hay không cũng vậy thôi…Thọ mà cô độc !”. Cô không muốn ăn
cơm, nhiều lúc uống thuốc vào lại ói ra. Ban ngày cô nằm thiêm thiếp, tối đến
mới tám giờ đã ngủ. Khoảng nửa đêm, cô dậy, cựa quậy liên tục và nói lảm nhảm
tới khuya: “Thơ ơi ! Sao em phải lòng, thương yêu gã đồng bóng ấy ? Chỉ nhìn
qua bản mặt, nghe gã phát vài câu, chị biết ngay đó là loại người phập phù, bất
hảo. Em dại dột đáng thương! Nếu còn sống chắc cha cũng không chịu anh chàng
người mộng của em. Cha ghét những kẻ lươn lẹo, xảo trá… Tài năng vượt trội của
gã là dẻo mồm tán dóc. Em biết rồi đấy, chú Đáo có ba con trai, thế mà “Thầy”
phán: Nếu chú muốn có con trai nối dòng phải đưa thầy mớ tiền, thầy sẽ cầu xin
thần thánh…Thơ, lẽ nào chúng ta vĩnh viễn không còn gặp nhau ? Chị đã sớm thành
bà lão. Người chị chỉ còn xương và da. Ai cũng nói chị già. Vì sao à ? Thực ra
chị chẳng làm gì nặng nhọc. Trồng rau, tưới rau là việc nhẹ. Chị già do đau
buồn. Có ai suốt hơn hai mươi năm, giờ nào, ngày nào cũng buồn ? Đối với nhiều
người, ngoài bốn mươi vẫn là tuổi xuân xanh nhưng với chị, ngay từ ba mươi đã
thấy đời nặng trịch !... Em còn sống ? Chị mong em còn sống. Bà con suy đoán,
lâu nay em không về bởi mắc một trong hai lý do: Rơi vào nơi đen tối, cơ cực,
nghèo túng, nên em buồn, sợ về sẽ bị làng xóm chê cười. Hay là em đã chết, do
vướng một tai ách hoặc vì tên khốn kiếp ấy đày đọa, giết hại… Nay thì ta hiểu
về đàn ông. Chị cũng tậu được một gã độc đáo. Em biết không, anh ta trẻ, có
nhiều tài vặt, nói ngọt như cam. Nhà anh ta ở một nơi giống Đà Lạt. “Thành phố
đó đẹp tuyệt, núi đồi, phố xá như tranh, không đâu bằng. Rồi anh sẽ đưa em và
con về ra mắt ba má.. Ta sẽ tắm, chụp hình bên thác Cam Ly, thác nước rộng
thênh, cao ngất trời. Những chiều mát chúng ta đến chơi thắng cảnh đồi Cù, mênh
mông cỏ mượt, như thảo nguyên nước Nga”. Nghe êm tai nhưng hài hước, em ạ. Đồi
Cù, thác Cam Ly có thật nhưng những lời ca ngợi ấy chung chung, là sản phẩm của
tưởng tượng. Anh ta chưa hề đến Đà Lạt! Thế nên đến nay chị vẫn không biết quê
gã chồng bốn năm ở đâu, ngô nghê và thảm hại… Người ta nói, gà cồ dùng bộ lông
sặc sỡ để mồi chài gà mái. Chị bị lớp vỏ hào nhoáng của gã kẻ chợ làm cho điêu
đứng !... Em nghĩ xem, những năm qua nếu chị gặp một người tình mới, đời chị có
sáng hơn?...Thực khó tin, nỗi đau trải dài mấy mươi năm nhưng vẫn giữ nguyên
vẹn cường độ nóng… Thơ, chị em mình xui rủi, biến thành mồi ngon của mấy con
ngốc xóm này. Chúng nó gọi ta là hai con đĩ nửa mùa !”.
Đêm khác, cô nói với con : “Chắc con đã quên má, Bi yêu
quý. Con nhỏ quá, chưa biết thế nào là má. Má đã thành bà lão bốn mươi. Nhưng
con vẫn vậy, không lớn thêm. Ánh mắt con
trong veo, tiếng cười cao vút, giọng nói thơm mùi mít. Kẹo cây, má má ! Con
thích chơi với bò nghé, rất thương chó, mèo. Có hôm con cho mèo ăn bánh, nó táp
trúng tay chảy máu… Đêm qua, trong chiêm bao má gặp con. Mới đầu má nhận không
ra. Con cao lớn, tóc phủ gáy, da nâu. “Ngày xưa Bi trắng hồng, sao nay nó sẩm,
giống ông Chà Và bán vải vậy ?”. Con cũng không biết má. Làm sao biết được, lâu
quá rồi ! Má mừng cuống. Còn rất ít nét cũ trên mặt con, nhưng chẳng hiểu sao
má vẫn nghĩ đây đúng là con. Má gánh bầu, bí, rau ra chợ. Nặng quá, má vấp ngã.
Con tới bên, cúi nhìn. Đúng Bi của má, lúc ông Chà Và cúi xuống, rõ ràng chính
là con. Má gọi lớn : Bi ! Con ơi, má sợ tình trạng sống thọ mà cô độc. Nhưng
con quay đi. Má cứ nằm đó, bên gánh rau trái vung vãi, nằm và gào: Con, con ơi
như mụ cuồng.. !... Ai cũng thương con mình, nhưng má thương con mặn nhất, chắc
như thế. Mỗi lần nghĩ đến cảnh đứa bé mới hai, ba tuổi đã chẳng có mẹ chăm lo
ăn, ngủ, tắm rửa, giặt giũ là má khóc, khóc to và khóc thầm. Nhưng má bất lực,
buông tay, giao phó mọi sự cho số phận. Bảy, tám năm sau ngày con đi, nhiều
khuya má còn nghe rõ tiếng con cười… Con nên biết, tính má cứng rắn nhưng rơi
vào ngõ cụt này cũng đành chịu thua. Vái van, cầu khẩn là phương cách cuối
cùng, chẳng hy vọng nhiều nhưng má phải dùng luôn. Cầu cho con khoẻ, đẹp, suốt
đời may mắn… Con thương, đất trời vốn bao la, ẩn chứa muôn điều kỳ bí. Má của
con thì ngốc nghếch, chao đảo như cơn gió mỏng, vật vờ như giọt nước nhỏ nhoi
!”.
Lúc đầu, kiểu độc thoại của cô Thẩm làm Hiếu hoảng sợ.
Nó như con dơi đen mắt xanh nanh dài, quái gở. Cả đêm Hiếu trùm mền, co quắp,
bụng thấp thỏm. Nhưng lâu dần rồi cũng quen. Sau, hôm nào cô “quên” nói, Hiếu
lại không ngủ được !
Bệnh cô Thẩm kéo dài nhiều tháng, không thuyên giảm,
không nặng thêm. Hiếu phải tiếp tục đảm nhiệm vai điều dưỡng bất đắc dĩ buồn
thiu, chán ngấy. Cô Thẩm sống, chủ yếu là nằm mẹp trên giường, mỗi ngày mỗi teo
khô, trong ngôi nhà xám mốc, giữa đống bàn ghế, tủ giường quý giá, bên mấy tấm
ảnh nặng màu hoài niệm ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét