1 thg 10, 2011

NGÃ RẺ CỦA CÔ GÁI

Như thường lệ, Xuân Phương đem cơm đến cho ông Duy Lực. Cô bé không về ngay, ở lại một lúc lâu, quét dọn căn bếp, rửa ly chén giúp ông nhà văn, và rề rà trò chuyện. Phương thích nói, về đủ đề tài, chuyện mình chuyện người, trong nhà ngoài phố. Cô có cái nhìn, lối nghĩ trong sáng, chơn chất của đứa trẻ, của người nông dân thực thà. Dù “lên chợ” đã khá lâu nhưng Xuân Phương ăn mặc, nói năng chưa giống dân thị thành. Cô bé quý ông Duy Lực. “Chú giống ba cháu. Nhìn thấy chú cháu lại nhớ ba cháu.” Ba Phương mất năm ngoái, lúc vừa tròn năm mươi. Ông là trụ cột gia đình, nên khi không còn ông nhà em rơi ngay vào vòng túng bấn, Phương phải “ra phố” làm thuê, phụ giúp mẹ nuôi các em.
Phương làm cho quán cơm bà Kim Quyên – một người bà con xa – với công việc chính là rửa chén bát và mang cơm đến nhà cho khách ăn cơm tháng. “Mấy cái việc tủn mủn này chẳng nặng nhọc gì nhưng nản, buồn lắm, chú à. Nó giống như mình vẽ ra một vòng tròn rồi nhắm mắt lại, cắm cúi đi quanh trong đó! Chắc cháu sẽ không làm ở đây lâu, cháu sẽ đi… tìm một chỗ khác… nhưng đi đâu?” Phương hỏi, rồi tự trả lời, chẳng chú ý xem ông Duy Lực có nghe không.
- Cháu đâu có muốn làm thế này. Lương thảm, tạm bợ, không phải một nghề. Cháu muốn đi, nhưng đi đâu thì chưa biết. Cháu muốn học nghề… Trước ngày lên đây cháu đã xin việc ở trại nuôi ngọc trai và nhà máy đông lạnh. Không ai nhận, họ đòi phải có chứng chỉ lớp chín. Những thứ quỉ quái ấy mà cũng cần đến lớp chín! Chẳng có việc nào cho lớp bảy… Nếu má cháu không sinh thêm Út Em thì chắc cháu đã học lên lớp mười… Chú biết không, cháu có tới ba đứa em tên Út!
Ông Duy Lực nghe, tiếng được tiếng mất. Ông tiếp tục viết.
- Hôm qua cô Kim Quyên dạy cháu “một bài” mới. Gần như tuần nào cũng có một bài. Cô bảo, cháu lơ mơ, ngơ ngác quá. Cô sợ cháu bị vấp ngã, bị lừa. Mười bảy không còn là trẻ con, vào tuổi này lắm người đã có chồng.
Ông Duy Lực đặt bút xuống, bưng ly hớp một ngụm cà phê.
- Mời chú dùng cơm, còn nóng ăn ngon.
- Cháu đem cơm cho các người kia chưa?
- Dạ xong, chú là người sau cùng… Hôm nào cháu cũng để dành phần đến nhà chú sau, để có thể nói chuyện với chú lâu lâu.
- Cháu có nói chuyện với những người kia không?
- Chú Quang Bảo vui, thường hỏi cháu nhiều thứ. Còn chú Nhật, Bác Hải, chú Phúc và cô Hương nghiêm lắm, gần như chẳng nói gì.
Ông Duy Lực nhìn ra cửa sổ, chắc ông lại quay về với các nhân vật của mình. Xuân Phương biết ông là nhà văn, sống bằng cây bút nhưng không hiểu mấy về cái nghề lạ này. Có lần cô Kim Quyên nói: ông ấy là nhà báo, cần yên tĩnh để viết, cháu đừng quấy rầy. Nhưng cô bé thấy ông vui tính, dễ chịu, lúc nào cũng sẵn sàng nghe em nói.
- Cô Quyên bảo phải thận trọng khi tiếp xúc với đàn ông. Đừng đánh giá một người qua vẻ mặt, bề ngoài của họ. Quần áo, xe cộ là vỏ bọc. Lớp vỏ này có thể sơn phết, tô điểm, ngụy trang dễ dàng… Anh chàng 20 với ông 70 giống nhau nhiều điểm, nguy hiểm như nhau… Nếu nói rằng 90 phần trăm đàn ông là những con công sặc sỡ, những võ sĩ chuyên múa mồm thì chắc không đúng, hơi nhiều, nhưng cũng chẳng phải hồ đồ!… Và cô nói, với bốn mươi năm sống trên đời, cô đã thấy đã biết quá nhiều, quá đủ. Nên bây giờ, không còn trẻ nữa, nhưng cô vẫn chưa gặp một ông nào vừa ý. Cô cảnh giác, chọn lọc kỹ lưỡng. Nay cô có khá đông bạn trai, một đám công giỏi múa may, nhiều màu sắc!
Ông Duy Lực nói:
- Cô Quyên khó tính, đa nghi. Rất khó tìm được một người hoàn hảo. Mà thế nào là hoàn hảo? Chắc cô ta sẽ sống một mình tới chết thôi!
- “Chớ nhìn bằng mắt, chớ nghe bằng tai người khác!” Cô ấy nhắc đi nhắc lại, như để tô đậm vào óc cháu.
- Hay quá, giống một châm ngôn.
Xuân Phương cười.
- Cách ngôn, ngụ ngôn, phương ngôn, cháu lẫn lộn giữa mớ chữ nghĩa rắc rối đó!… Cô Kim Quyên nói, chú là nhà báo. Ở cái thành phố nhỏ này làm báo là nghề hiếm, đặc biệt.
- Như các nghề khác, nó cũng vất vả, khổ nhọc. Nhưng chú không làm báo, chú viết văn.
- Cháu không hiểu hai nghề đó khác nhau ra sao?
- Một anh nói to, anh kia nói thầm! Một anh đi nhiều, anh kia thì thường loanh quanh trong nhà!… Nhưng có chỗ khác khá rõ, ông nhà báo kiếm được nhiều tiền hơn!
- Chết, cháu không nói nữa, để chú viết!
Phương đọc báo. Em chỉ xem hình vẽ, ảnh, không đọc chữ. Ông Duy Lực gấp tập bản thảo, cất vào ngăn kéo. Cuộc sống của các nhân vật trong truyện cũng ngổn ngang, chằng chịt, bề bộn như ngoài đời. Nhưng ông nhận thấy lắm lúc mình chẳng viết rõ được những điều mình nghĩ, diễn tả không khúc chiết, sáng gọn các tình huống của chính mình tạo ra. Người ta khuyên, nên đưa vào tác phẩm những mẫu người độc đáo, có cá tính, và đan cài vào đó các chi tiết nổi, đắt. Phong cách viết phải sinh động, tự nhiên, không giả tạo… Biết thế, nhưng khi cầm bút lên thì lạng quạng, ngắc ngứ!… “Rõ ràng, có viết đến trăm năm ta cũng chỉ nói được về một góc nhỏ, thật nhỏ của cuộc sống.” Ngay trong ngôi nhà hai tầng tối tăm này cũng có hàng chục chuyện đáng viết. Ngay như Xuân Phương và các vị khách ăn cơm tháng của em cũng đã là một cuốn tiểu thuyết! Thoạt nhìn Xuân Phương, dễ tưởng cô bé khờ dại, quê mùa, nhưng khi nghe em tâm sự sẽ thấy em nhìn đời rất chăm chú, suy nghĩ đánh giá về mình và những người xung quanh khá kỹ, tinh tế. Em không cam chịu sống lam lũ, nghèo hèn. Em phân tích, chỉ ra khá đúng các mặt yếu, nhược điểm trong cách làm ăn của người dân ở vùng quê. Em nói, có lên đây mới mở được tầm mắt, mới biết lâu nay mình sống như con ếch. “Số người khá giả ở làng cháu không nhiều. Phần đông đủ ăn, và nghèo. Khó giàu lắm, bởi đất ruộng ít, cằn cỗi, người lại quá đông… Nghèo thì chịu được, nhưng không quen được!… Cháu định sẽ học một nghề, nhưng nay kiếm được đồng nào xào ngay đồng nấy, còn tiền đâu để học?” Trong cái đầu bé nhỏ này đầy ắp những dự tính nóng bỏng. Không thể quen được với cái nghèo, ý tưởng sắc bén như người lớn. “Cháu sẽ cho xây lại ngôi nhà. Nhà cháu đã cũ nát, sắp sụp ngã… Cháu sẽ cho thằng em trai học hết cấp ba, mấy đứa em gái học đến cấp hai… Cháu sẽ không lấy chồng nếu má cháu còn cực khổ, các em cháu không được học hành… Cháu muốn trở thành chiếc xe xúc, để ủi, hất đổ mọi vật chướng ngại trên đường đời!… Cháu dự định, mơ ước nhiều thứ, nhưng cái điều quan trọng: làm thế nào để có nhiều tiền, thì cháu chưa nghĩ ra!”
Con người ta ai cũng có ước mơ, chắc vậy. Xuân Phương nói, ở quê em mong ước phổ biến nhất là cái nhà và chiếc xe. Căn bản là ngôi nhà ngói đẹp đẽ chắc chắn, nay nhiều người đã đạt được. Tiến thêm một bước là chiếc xe có máy nổ, tượng trưng cho sự phong lưu. Gần như ai cũng mong muốn vừa phải, từ thấp đến cao… Phương kể, cạnh nhà em có một chị góa chồng, tên Nhờ, hai con, nghèo túng. Ba mẹ con sống trong căn nhà vách đất mái lá dừa. Chị Nhờ làm lụng cần cù nhưng cũng chỉ đủ ăn, không có dư để xây nhà mới. Cha chị bảo, muốn khá lên thì phải đi buôn hoặc chăn nuôi. Không có vốn đi buôn, chị bèn trút hầu bao ra mua một con bò cái nhỏ về nuôi. Theo tính toán của người cha: hai năm bò đẻ, mỗi năm được một nghé, lớn lên mỗi con ba triệu. Như thế “ngó qua ngó lại, bảy tám năm sau con sẽ có mười, mười lăm triệu, xây được một nhà lô nhỏ gọn đẹp!” Con bò lớn nhanh như bò trong phim quảng cáo, mẹ con khấp khởi mừng thầm. Nhưng vừa đến tròn một năm thì bò trong vùng bị lây nhiễm dịch lỡ mồm long móng. Bò chị Nhờ mắc bệnh, nằm ì, bỏ ăn. Chị lo cuống cuồng, gọi thú y tới chích thuốc tây, thoa xức thêm cây lá thuốc nam đủ loại. Người ta nói – chẳng hiểu có thêm thắt để đùa chơi hay không – mỗi khi cho bò uống thuốc, chị nói với nó: “Bầy ơi, chịu khó uống nhiều vào, mau mạnh! Mày là gạch ngói, cột kèo, xi măng, sắt thép, là chỗ che mưa đỡ nắng của mẹ con tao! Tao chưa xây lên thì mày đừng ngã xuống!”… Qua đó sẽ thấy, trên đời có điều sung sướng: mọi người, không phân biệt già trẻ, quê tỉnh, giàu nghèo, ai cũng có quyền mơ ước.
- Mời chú dùng cơm, ăn nóng ngon.
Phương nói quen miệng, chắc cơm không còn nóng nữa!
- Ở quê không có ai như chú. Làng cháu có mấy trăm hộ, hơn ngàn rưỡi khẩu, chẳng một ai mua báo, đọc báo… Cô Quyên nói, rất hiếm khi chú ra khỏi nhà, cũng không thấy khách đến thăm.
- Đúng vậy, cô ấy tinh lắm… Chú muốn sống trong khung cảnh yên tĩnh, một mình… chú không chịu được ồn ào.
- Cô bảo, mỗi năm vài lần, không phải, “xuân thu nhị kỳ” chú mới bước ra đường… và không thấy chú cúng kính, nhà chẳng có bàn thờ.
- Chú thờ phụng cha mẹ, ông bà tổ tiên, bàn thờ đặt ở trong này – ông Duy Lực chỉ vào đầu mình, cười – ôi, chú bị theo dõi sát quá, dễ sợ!
- Nó nằm sờ sờ ra đấy, chỉ nhìn qua là thấy!
- Cúng, sao không? Chú có ba cái giỗ, cha mẹ và người em. Có điều, chú thường giỗ vào ban đêm, gọn, đơn giản. Chú nghĩ, các đấng khuất mặt không đòi hỏi ta cúng tế linh đình.
Ông Duy Lực thấy cũng nên giải thích đôi chút cho cô bé hiểu:
- Thờ kính tổ tiên, cha mẹ, sống lương thiện, có ích cho đời cũng là một đạo giáo. Nó giản dị, văn minh. Những tôn giáo rườm rà, cầu kỳ thường chứa đầy mê tín, lạc hậu, phù phiếm, phiền toái… Con người chỉ có một đời sống, còn tôn giáo thì có đến hàng ngàn, chúng gây nhiễu, làm ta rối mắt rối trí.
- Cháu chẳng hiểu gì hết!
- Chú cũng vậy, thật ra chú cũng không hiểu mấy về nó… Theo chú, vai trò chính của tôn giáo là làm cảnh sát tâm linh. Con người vốn yếu đuối, cần một nơi vững chải để nương tựa, nhất là trong khi gặp hoạn nạn, lận đận, khi đối mặt với cái chết… Nhiều người hiểu đạo giáo theo cách khác, coi nó như một loại bùa chú… Đó là chiếc áo nhiều màu, cháu ạ, ai thích người đó mặc, ai tin thì cứ sợ!… Đây là vấn đề bao la, khi có dịp cháu mua sách mà đọc, sẽ hiểu dần dần.
- Nhà cháu cũng thờ tổ tiên. Má cháu thường nói ta sống tốt, không làm ác thì sẽ gặp may… Cháu luôn cố gắng ăn ở hiền lành. Cháu tin rồi có ngày mình sẽ gặp hên, được quí nhơn phù trợ, vượt qua cơn bí bết hiện nay… Bao giờ đến ngày đó, không thể biết được. Cháu lo đến phát bệnh!
- Về đạo giáo thì tự hiểu thôi, khó giảng khó nói được! Thường, khi về già người ta đâm ra yếu đuối, tin đủ thứ… Lúc nào đau bệnh, thấy sắp ngã xuống chú sẽ năng cúng bái, sẽ dựng các trang thờ… Chú tự rèn luyện, để cho tâm trí mình vững vàng cứng cỏi khi đối mặt thần chết. Chết là khỏe, là được giũ bỏ khối phiền trược u ám, nặng nề đã bám cứng chân ta mấy mươi năm; là trở về với nguồn cội thênh thang… Đã có hơn sáu mươi tỉ người từng sống trên trái đất này, và đã chết. Thế thì có gì phải sợ. Ta sẽ đi, bay vút lên cao, rồi ta sẽ gặp lại cha mẹ, anh em, bà con…
- Nhà cô Hương có hai trang thờ, luôn chỉ cắm một loại huệ trắng, ngày thường thắp điện, rằm mùng một thắp nến… Chú Quang Bảo có tới bốn chỗ thờ, nhang khói lúc nào cũng mịt mù… Chú ấy thiếu cái tay và con mắt nhưng vật chất tiền bạc thì thừa mứa. Nhiều người phục vụ chú. Một người đem cơm đến, một người đem sách báo, và một người chuyên cung cấp hoa; hoa cắm ba hôm là thay, chưa tàn cũng thay.
- Vậy có phải nhờ cầu cúng chuyên cần mà ông Bảo được các đấng thần linh phù hộ?
- Không, chú nhờ bà cô ruột giàu sụ, không con.
Cả hai cùng cười. Xuân Phương tiếp, trong số sáu người khách ăn cơm tháng, có ba người đặc biệt, là ông Duy Lực, cô Hương, và ông Quang Bảo. Cả ba đều sống một mình. Cô Hương khoảng bốn mươi, giáo viên, chưa chồng. Ông Quang Bảo ngoài bốn mươi, không vợ con, bị tật nguyền… Cô Hương có thói quen hơi lạ: nghe nhạc suốt ngày. Máy hát lúc cô chấm bài, tắm giặt, ăn cơm, đọc sách. Cô nói nhà vắng lạnh, nên cần có tiếng người để không khí ấm cúng… Ba người, ba cảnh đời, như ba cuộn phim dài, lạ, kỳ quặc trong đôi mắt tò mò của Xuân Phương. Có lần, cô bé hỏi ông Duy Lực:
- Sống một mình khỏe, tự do, nhưng nếu gặp chuyện vui, vui tột đỉnh, chú làm thế nào?
- Chú cười! Cười dai như say. Và chú đi quanh trong phòng vài chục vòng, hoặc đi hàng giờ, ngẫm ngợi về nó!
- Chỉ thế thôi?
- Chớ còn sao nữa! Đó là chú nghĩ vậy, thực tế thì cả chục năm qua chú chẳng gặp chuyện nào vui bất ngờ, vui lớn.
- Cũng câu này, cháu đã hỏi chú Quang Bảo. Chú ấy nói, chú sẽ thắp nhang khắp các bàn thờ, cảm tạ Trời Phật. Rồi pha bình trà đậm, mang ra sân thượng ngồi uống, ngắm trời sao, nghĩ về niềm vui ấy!… Ôi, cái ông Bảo này! Chú biết không, một mình chú Quang Bảo ăn tiêu nhiều gấp ba gấp năm nhà cháu.
- Cháu đoán xem mỗi ngày chú ấy tiêu tốn bao nhiêu tiền, tương đương mấy chục ký lúa? – Ông Duy Lực đùa.
- Để xem… chờ cháu tính… Chắc chừng ba giạ, hoặc hơn. Hoang phí quá!… Lẽ ra chú ấy nên ăn xài vừa phải, dành hẳn một số tiền, kha khá, dùng vào việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo.
Ông Duy Lực cười lớn, ít khi thấy ông vui như vậy.
- Phương ơi! Nếu ai cũng như cháu thì trên đời này mọi người đều no ấm, không có tội ác, không có cảnh khổ đau!
Xuân Phương mở to mắt, ngạc nhiên.
- Chú khen cháu về điều gì? Cháu chân thực, hiền lành?… Không hẳn như vậy đâu, chú à.
- Nghĩ tốt sẽ làm tốt.
- Cháu tự thấy mình không còn trong sáng, ngây thơ. Cháu suy nghĩ rất nhiều về con người, về các mặt của cuộc sống… Gần như không hôm nào cháu quên. Khuya, nằm xuống giường, không ngủ ngay, cháu nhắm mắt lại nhớ về má, các em, và làng quê. Rồi cháu quay sang chuyện làm ăn, những ước mơ, tính toán. Đó đều là các thứ cháu đã suy ngẫm đến hàng ngàn lần. Thật mệt óc, rối mù. Làm gì để có nhiều tiền hơn, trong lúc không vốn không nghề, chẳng quen biết ai… Mỗi khi bước ra đường, lọt thỏm vào dòng người và xe quay cuồng, cháu chóng mặt. Nghĩ, nghĩ mãi mà như chẳng nghĩ gì, cháu thấy mệt đuối, lắm lúc muốn khóc. Nhưng nhớ lại, mình là người đóng vai chính trong gia đình, không thể mềm yếu, phải làm gương cho các em, cháu động viên mình hãy dũng cảm, cứng rắn.
- Cũng không lạ, cháu đâu phải thần thánh.
- Chú biết không, nói ra xấu hổ, cháu cũng đã nghĩ đến chuyện đi bán quán đèn mờ, hoặc câu kết với ai đó đi buôn lậu đường dài! Thật chẳng ra sao!
- Tội nghiệp, cháu gánh một gánh trách nhiệm quá to, trong khi chưa phải là người lớn.
- Cháu thấy mình hư đốn, bệnh hoạn.
* *
Hai tháng sau.
Một chiều cuối tuần tiệm cơm Kim Quyên thay “lính”. Người mới là một cô bé chừng mười ba tuổi, như con chim chích, tướng lanh lợi, miệng nói liến thoắng. Ông Duy Lực chưa kịp hỏi, cô bé đã nói: “Chị Xuân Phương đem cơm tới cho chú Quang Bảo rồi ở luôn tại đó, không về nữa. Dì Quyên đến tìm mấy lần nhưng chị ấy trốn biệt. Dì Quyên tức giận la mắng chú Bảo hai trận đích đáng, nhưng vẫn không ăn thua… Chú Bảo nói chị Phương sẽ làm giúp việc nhà cho chú; chị nấu cơn, đi chợ mua hoa, mua báo. Dì Kim Quyên kết tội chú Bảo quyến rũ con nít, dụ dỗ gái vị thành niên. Dì ra hạn, trong ba hôm nếu chú Bảo không giao trả chị Phương, dì sẽ đến Công an tố cáo… Dì khóc, phân bua với những người tới xem: “Tôi sẽ nói với má nó thế nào đây, hở trời! Chị ấy với tôi là bà con, họ hàng. Dù đã khá xa, vẫn là thân tộc! Tôi đã hứa chăm sóc, thương yêu Phương như em ruột. Cái lão già dê khốn nạn này xen vào phá hại… Con bé trẻ trung, xinh đẹp, tương lai nó sẽ có một người chồng đàng hoàng, xứng đáng, chồng ra chồng! Trời ơi, tuổi lão ôn dịch hơn gấp hai tuổi nó, lại còn tàn tật. Lão dùng tiền bạc lừa phỉnh…” Chú Bảo nói: “Xuân Phương không phải con nít, bốn tháng nữa cô ấy đã mười tám tuổi! Chị đừng tưởng Phương ngu dại. Cô ấy tốt, khéo, làm được nhiều việc… Phương sẽ phụ giúp việc nhà cho tôi. Tôi sẽ bảo cô ấy trở về ở với chị bốn tháng nữa. Nhưng chắc chắn sau đó Phương sẽ lại đến đây… Tôi trả lương sòng phẳng, với mức cao, cao gấp ba nhà chị! Trả công người ta bằng số lương chết đói, làm việc từ 5 giờ sáng tới mười một giờ khuya, mà chị còn nhắc chuyện bà con quen biết, khó nghe lắm!” Vậy là dì Quyên nhảy vào nắm tóc chú Bảo, đấm chú thùm thụp. Dì kêu gào to còn hơn loa phóng thanh: “cái thằng vừa đui vừa cụt dơ dáy, cái lão yêu râu xanh trời đánh! Hết biết, ầm ĩ, náo động, nhưng chị Phương thì vẫn mất tăm, biệt dạng!”
Có phải đây là điều may mắn mà số phận đưa đến cho người sống hiền? Có phải Xuân Phương coi đây như con đường mới mở, một lối đi tắt, để em bước ra khỏi ngõ cụt khổ nghèo? Có phải do không tìm được phương cách mau chóng đưa gia đình vượt qua cơn túng quẫn, cô bé đành “hy sinh”, như một dạng Thúy Kiều mới?
Ông Duy Lực ngồi nghe, chăm chú, không nói tiếng nào ./.
30-12-2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét