Cường và Luận là đôi bạn thân nhau từ
nhỏ. Lớn lên, do nghề nghiệp, hoàn cảnh, không được sống gần nhưng họ vẫn là
bạn, vẫn quí mến nhau. Luận giỏi giang và gặp nhiều may mắn trên đường đời,
thành đạt cả trong quan trường lẫn thương trường. Ông trở thành ông quan hạng
trung, một nhà buôn cỡ bự. Cường khác hẳn. Anh được bè bạn khen là người cực kỳ
thông minh, đa năng, tài hoa, một nghệ sĩ lớn. Nhưng cho đến nay, đã đến đoạn
cuối lứa tuổi trung niên, anh vẫn chưa nắm được một nghề chắc chắn, chưa có một
mái nhà, chưa vợ con, còn loay hoay trên đường khám phá, nghiên cứu, tìm tòi.
Một hôm Luận bắt gặp ông bạn lãng tử đang
lê bước trên đường phố như một cái bang. Ông dừng lại, mừng rỡ mời bạn lên xe.
Hơn mười năm không gặp nhau, nhưng Cường vẫn phớt tỉnh, không mừng ra mặt,
không ngạc nhiên. Anh hỏi: “Ông có đúng là Luận không?”.
“Ơ, anh này, chính tôi!”.
“Cái ô tô này của ông, hay của Nhà
nước?”.
“Của tôi đấy”.
“Lạ thật!”. Lúc này Cường mới ngạc nhiên.
Luận đưa bạn thẳng ra chợ mua ngay một
lúc bốn bộ quần áo và một chồng giày, mũ, kính, khăn, lỉnh kỉnh.
“Mua áo quần chi lắm thế, mặc sao khắp,
rồi ai giặt?”. Cường hỏi.
Luận lại đưa Cường đến tiệm hớt tóc.
Cường lúng túng: “Hớt tóc? Tại sao phải như vậy?”.
Sau đó, Luận chở bạn về nhà… Đứng giữa
sân cái biệt thự đẹp như tranh, Cường lớn tiếng khen: “Ồ, quá đẹp! Nhà ông hay
nhà của cơ quan?”.
Luận đùa: “Của chính tôi, thưa ngài”.
“Kỳ dị, quá lạ! Tôi phải ở đây một tháng
mới được!”.
Luận ôm choàng bạn: “Anh sẽ ở đây một
năm, hai năm… Anh nên cho đôi chân nghỉ ngơi. Chúng tôi có thể chu cấp cho anh
mọi thứ… Anh sẽ ăn ngủ, xem phim, nghe nhạc ở trong kia. Rồi anh ra ngồi dưới
những bóng cây quanh đây để đọc sách, ngắm trời mây, suy ngẫm, vẽ vời, viết
lách.
Vào nhà, Cường gặp một sự ngạc nhiên
khác. Luận giới thiệu anh với một phụ nữ trẻ: “Tâm Anh, bạn đời của tôi”.
Cường trợn tròn mắt: “Vợ ông?”
Bà Luận nhoẻn cười, cúi thấp người chào
khách, rồi lui gót. Cường khen khá sỗ sàng: “Vợ ông, cha ơi! Nàng trẻ, một giai
nhân!... Phải, giai nhân!”.
“Cám ơn anh. Nhiều người cũng khen nàng
đẹp”.
“Quá sức tưởng tượng!”.
“Bà ấy kém tôi một giáp”.
Luận hướng dẫn Cường dạo qua một vòng
khắp nhà. Cường vẫn nghĩ về Tâm Anh: “Nàng thơ có lẽ cũng chỉ đẹp như thế!...
Nét mặt nàng, vợ ông, hình như tôi đã gặp ở đâu đó”.
Anh bước chậm, bóp trán: “À, nó hao hao
mặt các thiếu phụ trong tranh của những họa sĩ thời Phục Hưng”.
“Có lẽ vậy. Lần đầu gặp nàng tôi cũng
thấy như gặp một người quen, và tôi say ngay lập tức!”.
“Đúng lắm! Đứng trước một dung nhan như
thế ta có quyền say, ngất lịm, và chết! Ồ, xin lỗi ông”.
Nhìn quanh quất, Cường hỏi: “Con cái
đâu?”.
“Không có!”. Luận buồn rầu: “Chỉ mặt đó
là tôi thiếu. Chúng tôi sinh một trai nhưng không nuôi được”.
Cường gật gù: “Ông chỉ mắc một tội, nhưng
là tội hơi nặng”.
“Ừ, rầu lắm”.
“Không con thì cũng như tôi… vậy kiếm
nhiều tiền để làm gì, bôn ba xuôi ngược làm gì”.
“Tôi bất hạnh”.
“Không lạ, được cái này mất cái khác”.
“Nhiều người tưởng đời tôi được bao phủ
toàn màu hồng, họ đâu biết tôi thường gặp xui, mà lại xui ở những chỗ quan
trọng nhất”.
“Ai cũng bị mũi lao của đời đâm vào ngực.
Cái khác là người này bị một nhát, người kia lãnh năm, mười nhát”.
*
Ở nhà Luận non nửa năm, Cường ngỏ ý muốn
đi. Luận nài nỉ, đưa ra nhiều lý lẽ, phân tích lợi hại của việc đi và ở, vẫn
không thuyết phục được Cường. Sau cùng Luận đành làm một bữa tiệc nhỏ tiễn bạn.
Theo ý Cường, tiệc chỉ đóng khung trong nhà, không mời ai.
Bữa tiệc ba người diễn ra khá dài, bình
lặng, nhưng đầm ấm, thân tình. Họ ăn nhiều, uống nhiều rượu. Cường đọc những
bài thơ xưa. Tâm Anh ngâm thơ và hát những bản tình ca của Cường. (Cường vẽ như
họa sĩ hạng nhì, làm thơ như thi sĩ hạng nhất, viết ca khúc như nhạc sĩ hạng
nhì). Luận kể chuyện tiếu lâm. Vào quãng nửa đêm tiệc rượu chấm dứt. Tâm Anh về
phòng riêng, chỉ có nàng còn đứng được, bước vững. Hai người đàn ông gục ngã
giữa trận địa. Luận mửa tung tóe, nằm nửa người trên đi-văng nửa dưới sàn.
Cường thì chui xuống dưới chiếc ghế dài nằm há miệng ngủ, như con cá mắc cạn.
Đến gần sáng, khoảng 4 giờ, Luận tỉnh
dậy. Ông mở cửa bước ra sân sau định thở hít chút khí trời trong, mát, để người
tỉnh táo. Nhưng bỗng ông nghe có tiếng người nói rầm rì bên hồ cá. Ông rón rén
tới gần, đứng nép sát vào bụi đinh lăng lớn.
“Anh ở lại thêm vài tháng nữa nhé! Hai,
ba tháng cũng được”.
“Thôi, Tâm Anh ạ, để tôi đi. Tôi không
phải loại người sống ở đây… Con nai làm sao sống trong sân xi măng!... Tôi
không ăn được bốn, năm bữa mỗi ngày. Tôi đã quen trưa một ổ bánh mì, chiều một
đĩa cơm nhỏ”.
“Thì anh sẽ được ăn ngày hai bữa, có gì
khó đâu”.
“Tôi chỉ ngủ trên giường thô chiếu cũ…
Tôi không thích nệm dày, mùng gối, chăn màn lượt là”.
“Em sẽ cho thay đổi giường chiếu”.
“Thỉnh thoảng tôi lại ngủ ngay trên sàn,
tự do, thoáng mát”.
“Ôi, anh yêu lẩn thẩn! Anh ôm em đi”.
Cường và Tâm Anh! Luận ngồi sụp xuống
đất.
“Ở lại vài tháng nữa, nghe anh”
“Luận bảo tôi ở đây lâu lâu, ông ấy bảo
bọc, suốt đời cũng được”.
“Không cần Luận, em nuôi anh… Anh hôn em
đi”.
“Luận xem tôi như một ông gì đấy, không
phải người thường… Tôi thương mến anh ấy”.
“Anh hôn em đi”.
Luận đưa tay lên chặn ngực mình.
“Nhưng tôi chính thực là một con người.
Tôi chỉ là người, không phải thánh, nên tôi đi… Nhưng, Tâm Anh ạ, dù ở đâu đêm
đêm tôi cũng hôn em”.
“Em sẽ đi với anh”.
“Tôi đi nhưng sẽ không đến đâu cả, làm
sao Tâm Anh theo”.
“Em đi với anh, và đến như anh”.
“Tôi có gia tài là tháng ngày bỏ ngỏ, bạc
vàng là trời đất rộng thênh… Tương lai tôi lửng lơ, phiền muộn… Tôi đi không
nhìn ngắm, không suy tính, đi trong vô cùng bến bờ”.
“Em sẽ đi như thế”.
“Tâm Anh!”.
“Em theo anh. Em không muốn… Em sợ hãi…”
“Em nghĩ tôi là ông gì, Tâm Anh? Tôi là
một người!... Buồn cười là cái con người. Xót đau là cái con người!”
“Ôi, anh yêu khờ khạo!”.
Luận muốn bỏ đi, nhưng ông không nhấc
chân lên được.
“Tôi sẽ nhớ em, nhớ mãi tiệc chia tay đêm
qua”.
“Anh nhớ? Vậy mà em cứ ngỡ tim anh chỉ
lớn bằng đồng xu nhỏ”.
“Tôi sẽ nhớ Luận, nhớ những sớm khuya
bồng bềnh, những phút giây phiêu du ở đây, như nhớ thời trẻ dại của tôi”.
Luận gắng đứng lên, quay vào nhà. Ông
khom người đi, bước những bước nhọc nhằn, và thấy nếu không nhờ các bụi hoa
xung quanh chìa tay ra nâng đỡ thì ông đã quỵ ngã.
*
Luận đưa Cường ra bến xe, Khi xe sắp
chạy, Luận ôm bạn: “Chúc anh luôn mạnh giỏi, may mắn”.
“Tôi cũng chúc ông như thế!”. Cường cười.
“Tôi thường tự hỏi, không lẽ chẳng bao
giờ anh muốn dừng chân”.
“Chính tôi cũng không biết… Cám ơn ông
đưa tiễn… Từ trước đến giờ tôi đã có hàng ngàn cuộc lên đường, nhưng chưa hề có
ai tiễn chân”.
“Cho tôi hỏi lần nữa, anh Cường, anh đi
đâu?”.
“Ông đã biết một điều, về hướng Nam!”.
Cường cười. “Lên xe, bình tâm, tôi sẽ biết là tôi đi đâu”.
Luận siết tay bạn.
“Tạm biệt. Lúc nào thích anh hãy về đây”.
“Tôi vẫn mong là ông muốn tôi trở lại”.
“Cường, tạm biệt”.
“Tạm biệt, Luận… Nhưng nếu có Trời thì
chắc là sẽ vĩnh biệt”.
Luận cười, nhưng miệng ông mếu xệch, mặt
nhăn rúm, giống hệt như khóc ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét